Đăng Biện Giác Tự Thơ Vương Duy

登辨覺寺 Đăng Biện Giác tự
竹徑從初地,
蓮峰出化城。
窗中三楚盡,
林上九江平。
軟草承趺坐,
長松響梵聲。
空居法雲外,
觀世得無生。 

(Xin đọc hết cột thứ nhất mới đến cột thứ hai)

Vương Duy là nhà thơ đời Đường, thấm nhuần Phật pháp, nên trong bài thơ này có dùng nhiều từ ngữ Phật giáo, vì vậy bài thơ rất súc tích, chứa nhiều ý nghĩa thâm sâu.

Trúc kính 竹徑 là ngõ trúc, sơ địa 初地 là chỗ bắt đầu, nghĩa đen là đầu ngõ dẫn vào chùa, sơ địa là từ ngữ Phật giáo chỉ bậc thấp nhất của Bồ Tát đạo gồm 10 bậc gọi là thập địa. Bồ Tát đạo dẫn đến Trí huệ Bát nhã 般 若 (sa. tiếng Phạn Prajñā). Sơ địa còn gọi là Hoan hỉ địa (zh. 歡喜地, sa. pramuditā), cấp thứ 10 là Pháp Vân địa (zh. 法雲地, sa. dharmameghā) đến đây thì tập khí đã sạch, trí huệ hiện ra viên mãn. Câu thứ 7 của bài thơ “Không cư pháp vân ngoại”, rõ ràng là nói tới bậc thứ 10 của thập địa.

Liên phong 蓮峰 là toà sen. Hoá thành 化城 là toà thành được biến ra để cho kẻ lữ hành tạm dừng chân trên đường xa. Đây là chữ của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Từ toà sen Phật biến ra hoá thành để dẫn dụ người tu, trên đường xa thấy có toà thành trước mặt thì mừng tưởng rằng sắp đến nơi, nên tin tưởng, thật ra chỉ là nơi nghỉ ngơi tạm, chưa phải chỗ đến.

Song trung 窗中 là bên trong cửa sổ, nghĩa bóng chỉ cõi thế gian sanh diệt. Tam sở 三楚 là 3 vùng đất của nước Sở vào các đời Tần Hán là Tây Sở, Đông Sở và Nam Sở, nhưng chữ sở 楚 đồng âm với 所 nên tam sở  nghĩa bóng chỉ 3 cái sở hữu là sở cầu,sở đắc, sở úy ( 所求,  所得, 所畏). Song trung Tam Sở tận, nghĩa đen là đứng trong cửa sổ nhìn ra ngoài thấy đất Tam Sở xưa xa tít tận chân trời, nghĩa bóng chỉ đã dứt được 3 cái sở hữu trên, tức là đạt tới vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở úy.

******

Biện Giác Tự vị trí tại Tương Châu thuộc tỉnh Hồ Bắc bên bờ Sông Hán, ngày nay là liên thành phố Tương Phàn 襄樊 gồm 3 thành phố Tương Dương, Tương Thành và Phàn Thành

Liên hợp thành phố Tương Phàn

Tương Châu cổ thành

Trúc kính tòng sơ địa,
Liên phong xuất Hoá thành.
Song trung Tam Sở tận,
Lâm thượng Cửu giang bình.
Nhuyễn thảo thừa phu toạ,
Trường tùng hưởng Phạm thanh.
Không cư pháp vân ngoại,
Quán thế đắc vô sanh. 

Lâm thượng Cửu giang bình, nghĩa đen là phía trên bờ là rừng, dưới sông thì nước Cửu giang bằng phẳng, lặng yên không có sóng gió. Nghĩa bóng chỉ trong Tâm bình yên không có xao động.

Nhuyến thảo 軟草 là cỏ mềm, cỏ mịn là loại cỏ thấp, cọng nhỏ. Thừa phu 承趺 là bắt chéo hai mu bàn chân vào nhau theo kiểu kiết già, tức ngồi xếp bằng.

Trường tùng là hàng cây tùng dài hai bên đường. Hưởng 響 là âm hưởng tức là tiếng vọng. Phạm thanh là tiếng tụng kinh bằng Phạn ngữ (đã được phiên âm ra Hoa ngữ)

Không cư pháp vân ngoại là sống trong cái không, ở ngoài đám mây pháp. Ở đây chữ pháp vân còn có nghĩa là Pháp vân địa tức là bậc thứ 10, bậc cuối cùng của thập địa Bồ Tát, tới chỗ này thì Bồ Tát đã chứng được đầy đủ trí huệ như Đức Phật. Đám mây pháp là tức là tam giới gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Theo Phật pháp thì tam giới chỉ là huyễn ảo. Ở ngoài đám mây pháp tức thoát khỏi tam giới, thoát ra khỏi luân hồi, tức là giác ngộ, ngộ nhất thiết duy tâm sở tạo, ngộ được tánh không của vạn hữu.

Quán thế đắc vô sinh là nhìn thấu cõi thế gian, thấy rõ bản chất không của nó, chứng được vô sanh pháp nhẫn, tức là không có sanh tử, sanh diệt chỉ là giả tạm hư huyễn.

Tóm lại bài thơ trên có thể coi là bài kệ giác ngộ của Vương Duy, ông là bạn thâm giao với Mã Tổ Đạo Nhất, là thiền sư kiến tánh nổi tiếng ở Giang Tây, nên ít nhiều cũng có ngộ đạo.

Truyền Bình

Advertisement

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Nhà sau. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

1 Response to Đăng Biện Giác Tự Thơ Vương Duy

  1. Pingback: Danh sách bài viết trong chuyên mục Nhà sau | Duy Lực Thiền

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s