ÁI BIỆT LY KHỔ : HÒN VỌNG PHU VÀ MẠNH KHƯƠNG NỮ

HÒN VỌNG PHU

Hòn vọng phu là tượng đá thiên nhiên có hình người đàn bà ôm con trông ngóng chồng về. Dân gian tưởng tượng nên những câu chuyện lãng mạn và bi thương mà kết cục là người đàn bà ôm con vì chờ chồng mãi không được nên hóa thành đá.

Cố sự Trung Hoa xưa kể rằng ở thành phố Vũ Xương, tỉnh Hồ bắc Trung Quốc, một người vợ có chồng đi xa lâu ngày không về . Hàng ngày nàng vẫn ra bến sông ngong ngóng đợi chồng về . Người vợ kiên trinh vẫn giữ vững lòng chung thủy, vẫn chờ đợi, chờ hoài nhưng người chồng vẫn không bao giờ trở về, và nàng đã hóa thành đá, vẫn muôn đời chờ đợi chồng mặc cho gió mưa vần vũ trên đầu. Hòn đá đó được đặt tên là Vọng Phu Thạch, vẫn đứng sừng sững bên bờ sông Trường Giang, gần thành phố Vũ Xương.

Thi sĩ Vương Kiến đời Đường có làm bài thơ Vọng Phu Thạch

Vọng phu xứ

Giang du du

Hóa vi thạch

Bất hồi đầu

Sơn đầu nhật nhật phong hòa vũ

Hành nhân qui lai thạch ưng ngữ

Ở nơi đứng trông chồng

Nước sông cuồn cuộn chảy

Hóa thành đá

Đầu không ngoảnh lại

Đỉnh núi ngày ngày đội gió mưa

Khi nào người  đi xa trở về thì đá mới nói .

Nhà thơ nổi tiếng đời Đường, Lưu Vũ Tích cũng có bài thơ Vọng Phu Sơn

Chung nhật vọng phu, phu bất quy

Hóa vi cô thạch, khổ tương ti (tư)

Vọng lai dĩ thị kỷ thiên tải

Chỉ tự đương thời sơ vọng thì

Đợi chồng đâu thấy…suốt ngày trông

Hóa đá cô liêu, cảm xót lòng

Vẫn mãi ngàn năm ngong ngóng đợi

Ban đầu thuở ấy vẫn chờ mong

Ở Việt Nam nhiều nơi cũng có hòn vọng phu :

Nằm trong quẩn thể di tích động Tam Thanh thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn có núi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu. Trên đỉnh núi có một khối đá tự nhiên hình một người phụ nữ bồng con hướng nhìn về phương xa. Từ xưa tượng đá này đã gắn với truyền thuyết về một người con gái chung thuỷ đứng chờ chồng đi lính. Chờ mãi không thấy chồng về, nàng và con đã hoá thành đá, từ đó người dân gọi đây là tượng Nàng Tô Thị. Ngoài ra hòn vọng phu còn có ở những địa điểm khác tại VN.

Hòn vọng phu tại Bình Định

Có một tác giả không biết là Việt Nam hay Trung Quốc, là Lê Thu 黎秋 có làm bài Vọng Phu Thạch Phú 望夫石赋 rất dài để diễn tả tỉ mỉ câu chuyện hòn vọng phu nhưng không biết là hòn nào ở đâu. Có người nói là bài phú đó mô tả hòn vọng phu ở Vũ Xương Trung Quốc, nhưng tra trên Baidu.com không thấy.

Đại thi hào Nguyễn Du có bài thơ Vọng phu thạch trong Thanh Hiên Thi Tập :

望夫石 Vọng Phu thạch Đá Vọng Phu (Lưu Trọng Lư)
石耶人耶彼何人?
獨立山頭千百春。萬劫杳無雲雨夢,一貞留得古今身。
淚痕不絕三秋雨,
苔篆長銘一段文。
四望連山渺無際,
獨教兒女擅彝倫。
Thạch da? Nhân da? Bỉ hà nhân?
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân
Vạn kiếp yểu vô vân vũ mộng,
Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân.
Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ,
Đài triện trường minh nhất đoạn văn.
Tứ vọng liên sơn diểu vô tế,
Độc giao nhi nữ thiện di luân.
Là đá, là người, ai đó vậy ?
Chon von đầu núi mấy nghìn xuân ?
Thần nữ mây mưa không bén mộngVì chữ trinh một kiếp treo thân
Mưa trời – nước mắt quanh năm tháng
Rêu biếc còn đây – một áng văn…
Bao la trời đất cương thường ấy
Lại trút trên đầu kẻ yếm khăn.

Chú thích

杳 yểu : mờ mịt

雲雨 vân vũ :mây mưa, điển tích Vua Tương Vương nước Sở đi chơi ở quán Cao Đường, đầm Vân Mộng,  nằm mơ thấy giai nhân đến cùng chung chăn gối . Vua hỏi nàng là ai, giai nhân đáp: thiếp là Thần Nữ núi Vu Sơn, sớm làm mây, tối làm mưa chốn Dương Đài

篆 triện : con dấu, 苔篆 đài triện : dấu rêu

渺 diểu : nước mênh mông

擅 thiện : chuyên

彝 di : thường, lẽ thường (normal)

倫 luân : mối quan hệ ràng buộc trong xã hội. 擅彝倫 thiện di luân : ý nói vì chữ trinh mà bắt phụ nữ phải giữ luân thường, không được tái giá, là bất công trong xã hội phong kiến.

Thi sĩ Thái Thuận, biệt hiệu Lữ Đường sống vào đời nhà Lê có bài thơ Vọng Phu Sơn :

Hóa thạch sơn đầu kỷ tịch huân
Thương tâm vô lộ cánh phùng quân
Thiên nhai mục đoạn niên niên nguyệt
Giang thượng hồn tiêu mộ mộ vân
Thanh lệ nhất ban hoa lộ trích
Ly tình vạn chủng thảo yên phân
Tương Phi* nhược thức tương tư khổ
Bất tích ai huyền ký dữ văn

Vọng Phu Sơn (Thái Thuận)

Hóa đá non cao chất tháng ngày
Gặp chàng biết có nẻo nào đây ?
Chân trời mắt mỏi năm năm nguyệt
Mặt sóng hồn tan lớp lớp mây
Sương đọng lòng hoa rơi giọt thảm
Khói vương sắc cỏ rối niềm tây
Tương Phi ví biết tương tư khổ
Dây gởi sầu dây gởi gắm dây
Núi Vọng Phu (bản dịch Quách Tấn)

Hồ Dzếnh, một thi sĩ nổi tiếng của nền thi ca tiền chiến mà nhà văn Mai Thảo đã ghi lại cảm nghĩ : “thơ Hồ Dzếnh tiền chiến là cái trạng thái ngu ngơ trong suốt nhất của một tiếng thơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng …”  cũng có bài thơ về Núi Vọng Phu :

Nghe nói ngày xưa biển ở đây
Biển đi để lại núi non này
Mưa nguồn chớp bể chia hai ngả
Hòn vọng phu thương vọng hải đài
Thuở nhỏ tôi thường hay hỏi mẹ
Vì sao đỉnh núi mọc hình ngườỉ
Đợi chồng lâu quá nên thành đá
Hòn vọng phu kia đứng với đời
Tôi lớn dần lên đá vẫn chờ
Khi xa heo hút giữa sương mờ
Khi gần sừng sững chiều biên giới
Như bức phù điêu nét chửa khô
Không chỉ quê tôi núi đợi chồng
Còn nhiều nơi khác cảnh chờ mong
Bắc Nam đâu cũng niềm son sắt
Tạc giữa trời cao dáng thủy chung
Ôi nhớ rêu phong hồn cẩm thạch
Mối tình vời vợi giữa không gian
Bốn nghìn năm ấy bao sương gió
Mà vẫn đinh ninh thiếp đợi chàng

Hồ Dzếnh

Nhạc sĩ Lê Thương có sáng tác trường ca Hòn Vọng Phu gồm 3 bài hát, dưới đây là bài 2 có tên Ai Xuôi Vạn Lý

Hòn vọng phu II- ca sĩ Họa Mi thể hiện

MẠNH KHƯƠNG NỮ

Chuyện kể rằng thời Tần Thủy Hoàng có chàng thư sinh ở xứ Giang Nam tên Vạn Hỉ Lương, trong khi bị quan quân đuổi bắt vì giấu sách cấm, đã tình cờ chạy vào vườn của Mạnh viên ngọai, chàng leo lên cây, núp trong đám lá rậm bên cạnh một cái ao. Không ngờ trời đất xui khiến, nàng Mạnh Khương, ái nữ của Mạnh viên ngọai và một nữ thị giả ra ao tắm, nàng Mạnh Khương cởi hết quần áo ra tắm, thị giả đứng trông chừng. Hỷ Lương lần đầu tiên nhìn thấy trọn vẹn thân thể phụ nữ khỏa thân, quá bất ngờ và ngẩn ngơ đến mức bất cẩn rơi xuống ao. (Cảnh trong phim Vạn Lý Trường Thành, thập niên 70, vai Mạnh Khương do Thang Lan Hoa đóng. Lúc đó cô còn rất trẻ và xinh đẹp. Rất tiếc là cảnh phim đó hiện không có trên Youtube. Đành tìm lại dư ảnh trong một bài hát của cô, bài “Em ở bên anh”

Wo Zai Ni Zuo You (Em đang ở bên anh)- Thang Lan Hoa – Ca từ – Anh dịch – Việt dịch
Kết cục Mạnh Khương chỉ có cách lấy chàng làm chồng. Sau đó Hỷ Lương bị bắt đi xây Vạn Lý Trường Thành, quá khổ cực, bệnh chết, chôn dưới chân trường thành. Thấy đã quá lâu không tin tức và muốn gửi áo ấm cho chồng, Mạnh Khương phải lặn lội đi tìm, hay tin chàng đã chết, kêu khóc đến động lòng trời khiến một đọan trường thành sụp đổ, lộ ra hài cốt của chồng. Chôn cất chồng tử tế xong, nàng nhảy xuống biển Bột Hải tự tử. Hiện nay tại Lão Long Đầu (đầu con rồng) tức đọan trường thành nhô ra biển tại Sơn Hải quan tỉnh Sơn Đông Trung Quốc vẫn còn đền thờ của Mạnh Khương, trong miếu có hai câu đối mà người ta cho là của nhà văn Văn Thiên Tường đời Tống :

Tần Hoàng an tại tai,                          秦皇安在
Vạn Lý Trường Thành trúc oán!       万里长城 筑怨
Khương nữ vị vong dã                          姜女未亡也
Thiên thu phiến thạch minh trinh.    千秋片石铭贞

Tạm dịch:
Vua Tần ngồi yên sao đành?
Oán xây Vạn Lý Trường Thành.
Khương nữ nàng ơi không chết
Nghìn thu bia đá chữ trinh!

Mạnh Khương Nữ Tìm Chồng – Việt Kịch – Kịch từ – Việt dịch

Tóm tắt hai câu chuyện, Hòn vọng phu và Mạnh Khương nữ, theo cái nhìn Phật giáo đều là ái biệt ly khổ. Người phụ nữ khổ vì quá yêu thương chồng mà phải sống trong cảnh ly biệt. Chinh phụ ôm con chờ chồng chờ mãi đến hòa đá. Nỗi lòng chinh phụ được diễn tả vừa tưởng tượng hào hùng về hình bóng của chồng, vừa là nỗi nhớ nhung không nguôi, tình cảm triền miên, trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn do Đoàn Thị Điểm diễn nôm:

027      Ðưa chàng lòng dặc dặc buồn

028      Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền

029      Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa

030      Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên

031      Nhủ rồi tay lại trao liền

032      Bước đi một bước lại vin áo chàng

033      Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi

034      Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San

035      Múa gươm rượu tiễn chưa tàn

036      Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo

037      Săn Lâu Lan, rằng theo Giới Tử

038      Tới Man Khê, bàn sự Phục Ba

039      Áo chàng đỏ tựa ráng pha

040      Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

041      Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống

042      Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay

043      Hà Lương chia rẽ đường này

044      Bên đường, trông bóng cờ bay ngùi ngùi

Hay nàng Mạnh Khương quá nhớ chồng nên liều thân gái dặm trường, đội sương tuyết gió mưa để đi tìm. Khi hay tin chồng đã chết, quá đau khổ, khóc thảm thiết đến nỗi sụp đổ một đoạn Trường Thành, lộ hài cốt của chồng. Mai táng tử tế cho chồng xong, nàng nhảy xuống biển Bột Hải tự trầm, bởi vì thiếu chồng cuộc sống không còn ý nghĩa.

Đời xưng tụng họ là những phụ nữ trung trinh tiết liệt, hết lòng thương yêu chồng. Nhưng thử hỏi sự thực là thế nào ? chồng là ai và mình là ai ? Ngay cả trong thế gian tương đối, người phụ nữ có con, có nên ôm con đứng chờ chồng cho đến hóa đá không ? Mạnh Khương có nên bỏ hết cha mẹ, người thân để chết theo chồng không ? Làm sao để hóa giải ái biệt ly khổ ? Giác ngộ chính là phương thuốc để giải vậy.

Advertisement

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Nhà sau. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

1 Response to ÁI BIỆT LY KHỔ : HÒN VỌNG PHU VÀ MẠNH KHƯƠNG NỮ

  1. Pingback: Danh sách bài viết trong chuyên mục Nhà sau | Duy Lực Thiền

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s