Pháp giới là một thuật ngữ Phật giáo chỉ cõi giới của các pháp. Pháp là một từ có nghĩa cực kỳ rộng. Tất cả sự vật vật chất hay tinh thần, hiện hữu hay không hiện hữu đều gọi chung là pháp. Tâm, tính, vật, vũ trụ, thế giới, con người, con vật, lông rùa, sừng thỏ, hư không, cho tới quark, electron, neutrino…đều là pháp.
Pháp giới bình đẳng có nghĩa là trong pháp giới tất cả các pháp đều bình đẳng. Như vậy một vật cực lớn như vũ trụ và vật cực nhỏ như hạt quark cũng đều bình đẳng nghĩa là bằng nhau, ngang nhau. Một ông hoàng cao sang giàu có nhiều người hầu hạ và một tên ăn mày đói rách vô gia cư, vô nghề nghiệp cũng bằng nhau. Điều đó có thể tin được hay không ? Hẳn nhiên đó là điều không ai tin nổi, không thể tin được. Dù cho không ai tin nhưng liệu điều đó có cơ sở thực tế hay không ? Mục đích của bài viết này là đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Từ xa xưa cũng đã có những triết gia nghĩ tới vấn đề này, họ diễn tả tư tưởng đó trong sách vở mà ngày nay vẫn còn lưu giữ ít nhiều. Ngay trong chương mở đầu của Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói : Đạo khả đạo phi thường đạo. Danh khả danh phi thường danh 道可道,非常道。名可名,非常名Đạo có thể nói được không phải là đạo thật. Tên có thể gọi được không phải là tên thật. Chữ thường có ý nghĩa là sự thật, tồn tại vĩnh viễn. Như vậy Lão Tử cho rằng những gì mà con người quan niệm, đặt tên, chỉ là giả danh, tạm bợ, không có giá trị thật và không tồn tại vĩnh viễn. Nghĩa là cái mà con người cho là lớn như vũ trụ chẳng hạn, không thật sự lớn. Cái mà con người cho là nhỏ như hạt quark, không thật sự nhỏ, vậy tuy không nói rõ ra nhưng có bao hàm ý nghĩa bình đẳng. Lão Tử có biết tới hạt quark hay không ? Tất nhiên trong thời đại Lão Tử nó chưa có tên là quark, nhưng tôi ngờ rằng ông có biết tới loại hạt đó, bằng cách nào biết được thì không rõ, nhưng các bậc thánh nhân có thể có huệ nhãn, họ thấy bằng huệ nhãn chứ không phải bằng mắt thịt, những cái người thường không thể thấy. Lão Tử nói : “Hốt hề, hoảng hề, kỳ trung hữu tượng, hoảng hề, hốt hề, kỳ trung hữu vật” 忽兮恍兮,其中有像;怳兮忽兮,其中有物 (trong hốt hoảng có hiện tượng, trong hoảng hốt có vật chất) Cái mà ông gọi là “Hốt hề hoảng hề” phải chăng để mô tả hạt quark, hạt quark không tồn tại riêng lẻ, trong những điều kiện nhất định, người ta có thể thấy hạt quark xuất hiện trong một phần nghìn tỉ giây, Lão Tử gọi là hốt hoảng, còn Phật giáo gọi là hoa đốm trong hư không. Lão Tử nói kỳ trung hữu vật là nói tới hiện tượng ba hạt quark hình thành nên hạt proton hoặc hạt neutron tùy theo cách tổ hợp của hai loại quark up và quark down. Đó là sự hình thành của hạt nhân nguyên tử để rồi kết hợp thêm với electron, tạo thành nguyên tử vật chất, viên gạch đầu tiên để xây dựng thế giới vật chất.
Nguyên tử Helium gồm 2 proton, 2 neutron tại hạt nhân, và 2 electron di chuyển chung quanh.
Đến Trang Tử thì ông đã nói rõ trong thiên Tề Vật Luận, vạn vật bình đẳng. Ông nói rằng con chim sẻ và chim Bằng 鵬 (lớn nhất trong loài chim) đều bình đẳng. Chim sẻ bay vụt lên cây du cây phượng cũng giống như chim Bằng bay xuống biển nam. Vật lớn thì ở chỗ lớn, vật nhỏ thì ở chỗ nhỏ, đâu vừa với đó. Ông cho rằng không cần phải so sánh mình với người khác vật khác, cứ vui vẻ bằng lòng với cái hiện có của mình, vì vạn vật là bình đẳng, đó là triết lý ông nói trong thiên Tiêu Dao Du, mỗi người chỉ cần phát huy sở trường của mình, sống cho hết cái trời ban cho mình chứ không nên bắt chước người khác.
Tuy nhiên Tề Vật Luận của Trang Tử chỉ nói tới sự bình đẳng tương đối, bình đẳng với nghĩa bóng, nghĩa là vật lớn thì ở chỗ lớn, vật nhỏ thì ở chỗ nhỏ, đâu vừa với đó, chứ chưa đạt tới bình đẳng tuyệt đối, tức vật lớn và vật nhỏ bằng nhau, cũng tức là không có vật gì thật sự lớn cũng không có vật gì thật sự nhỏ. Ý niệm này chỉ trong Phật giáo mới thấy rõ. Trong Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Phẩm Bất Tư Nghị, Xá Lợi Phất tỏ ý nghi ngờ căn phòng nhỏ bé của Duy Ma Cật làm sao chứa được pháp hội đông tới hàng vạn người, Duy Ma Cật nói : “Thưa ngài Xá-lợi-phất, chư Phật và Bồ tát có pháp môn giải thoát được gọi là bất khả tư nghị. Bồ tát ở nơi giải thoát này có thể đặt ngọn núi Tu-Di hùng vĩ trong một hạt cải mà không hề thay đổi kích thước của hạt cải. Tướng trạng nguyên thuỷ của núi chúa Tu-di vẫn như cũ. Bốn vị Thiên vương cùng với chư thiên Đao-lị cũng không biết mình đã được đặt trong một hạt cải. Chỉ những ai cần được độ mới thấy Tu-Di lọt vào trong hạt cải. Đó là pháp môn giải thoát bất khả tư nghị” Núi Tu Di là núi lớn nhất, trung tâm của thế giới được đề cập trong kinh điển, thực tế đó chính là ngọn núi Everest cao nhất thế giới nằm trong dãy Hy Mã Lạp Sơn tại Nepal.
Núi Tu Di có thể bỏ vừa trong hạt cải. Đó chính là nghĩa cốt lõi của pháp giới bình đẳng. Ý nghĩa này cũng được các khoa học gia sử dụng để xây dựng lý thuyết vũ trụ xuất phát từ vụ nổ Big Bang. Khởi nguyên của không gian vũ trụ chỉ là một chất điểm cực kỳ nhỏ có kích thước là 10-33 (mười lũy thừa trừ 33) cm, tức là lấy 1cm chia cho con số cực lớn gồm 10 và 33 con số không theo sau. Còn vũ trụ ngày nay là một khối cầu có bán kính 13,7 tỉ quang niên và không ngừng trương nở thêm. Chất điểm và vũ trụ là bình đẳng hay bằng nhau, vì chúng vốn là một nhưng chúng ta thấy khác nhau vô cùng. Chính vì sự khác nhau cực kỳ nhưng lại bằng nhau nên trí óc duy lý của con người không thể lý giải được, cũng như ngôn ngữ không thể diễn tả được, Phật giáo miễn cưỡng gọi là bất nhị, không phải hai nhưng cũng không phải là một. Các nhà khoa học thì mô tả vũ trụ là chất điểm trải rộng ra mười phương sau vụ nổ lớn và họ cộng thêm vào một yếu tố giả danh khác là thời gian và mô tả thành lý thuyết vũ trụ song song có 11 chiều trong đó 7 chiều không nhìn thấy được vì bị cuốn lại, chỉ còn nhìn thấy và cảm nhận được không-thời gian hay thời-không bốn chiều (gồm dài, rộng, cao và chiều thứ tư là thời gian).
Stephen Hawking (nhà vật lý người Anh, hiện mang chức danh Giáo sư Lucasian tức giáo sư Toán học của Đại học Cambridge, chỉ những nhà khoa học xuất sắc như Isaac Newton hay Paul Dirac mới có chức danh này) và Neil Turok (sinh năm 1958 tại Johannesburg Nam Phi, Giáo sư Vật Lý của Đại học Princeton, Giám đốc Viện Perimeter về Vật Lý lý thuyết) nói : “The quantum world is one of virtual particles continually fluctuating in and out of existence, even in a vacuum, of superstrings vibrating and twisting in ten or eleven dimensions, most of which are ‘rolled up’ and invisible, of a reality in which gravitation, spacetime and matter are or were merged in one ‘instanton” (Thế giới lượng tử là thế giới của các hạt ảo không ngừng dao động qua lại giữa hiện hữu và cả hư không, của siêu dây rung động và biến dạng trong 10 hoặc 11 chiều kích_ mà phần lớn những chiều kích ấy bị cuốn lên và vô hình_của một thực tại trong đó lực hấp dẫn, thời không, và vật chất, được hoặc đã được kết hợp lại trong ‘sát-na hiện tiền’).
Ý của Hawking và Turok nói rằng lượng tử là hạt ảo tức không phải thật nhưng lại có khả năng kết hợp với nhau thành nguyên tử và thành vật chất trong đó lực hấp dẫn, không gian, thời gian và vật chất kết hợp lại thành cái thế giới hiện tiền trong tâm thức chúng ta.
Tại sao núi Tu Di có thể đặt vừa trong hạt cải ? vì bản chất của cả hai đều là huyễn ảo chứ không phải có thật. Chúng sinh mê muội cố chấp cho rằng vật chất là có thật. Tính cố chấp đó vô cùng kiên cố. Chúng sinh trong đó tất nhiên là có cả các nhà khoa học, cho rằng núi Tu Di hay Everest to lớn như thế không thể bỏ vừa trong hạt cải nhỏ bằng đầu cây tăm. Chính thói quen cố chấp đó phân biệt, cho là núi Tu Di thì lớn, còn hạt cải thì nhỏ, hai vật đó hoàn toàn khác nhau.
Phật giáo nói rằng không có cái gì tự nhiên mà có. Phàm trong thế giới hiện tượng, mọi sự vật đều do nhân duyên kết hợp mà thành, chính mối liên hệ nhân duyên mà chúng sinh thấy là hiện tượng, là vật này vật nọ, có sự phối hợp với lục căn trong cơ thể của mình, thành lục thức, thành sự vật, hiện tượng. Chứ không có sự vật hay hiện tượng gì độc lập tồn tại. Để dễ hiểu hơn, chúng ta cần viện dẫn tới khoa học. Hãy tự hỏi, lực nào khiến cho ba hạt quark (2 quark up + 1 quark down) dính chặt vào nhau không thể tách ra được, tạo thành hạt proton, lực nào khiến cho ba hạt quark kết hợp theo kiểu khác (1 quark up + 2 quark down) tạo thành hạt neutron, lực nào khiến cho hai hạt electron xoay thật nhanh chung quanh hạt nhân của nguyên tử, tạo thành một vật ảo là nguyên tử Helium mà chúng ta tưởng là có thật ? Các nhà khoa học hiện nay chưa thể trả lời minh bạch, họ nói là những lực đó có sẵn trong tự nhiên và họ liệt kê ra 4 lực gọi là lực cơ bản trong tự nhiên. Họ không biết rõ lắm cái lực kết hợp các hạt quark thành hạt proton hay thành hạt neutron là lực gì, chưa nghiên cứu được, bởi vì không cách nào tách chúng ra được, họ nói muốn tách chúng ra phải cần một năng lượng vô hạn, điều đó khoa học không thể làm được, họ gọi hiện tượng ba hạt quark dính chặt vào nhau thành hạt proton hoặc hạt neutron là hiện tượng giam hãm (confinement) các hạt quark bị giam hãm vĩnh viễn trong hạt proton hoặc trong hạt neutron không bao giờ thoát ra được. Gần đây họ sử dụng máy gia tốc khổng lồ LHC (Large Hadron Collider) cho các chùm hạt proton chạy ngược chiều nhau với vận tốc gần bằng ánh sáng, để chúng va chạm nhau thật dữ dội, và họ khám phá dấu vết của hạt Higgs, là hạt cuối cùng trong 17 loại hạt hạ nguyên tử (subatomic particles) trong mô hình chuẩn (standard model) của vật lý được tìm thấy trong thực nghiệm. Dù vậy hạt proton vẫn không bị phá vỡ. Họ nói là các hạt quark cũng bị chi phối bởi lực hạt nhân mạnh, nhưng ở khoảng cách cực kỳ nhỏ nên vô cùng mạnh đến mức không thể tách chúng ra được, không thể đo đạc được lực đó. Chúng ta cần chú ý điểm này để đối chiếu với Tâm học Phật giáo để xem lực đó tương ứng với điều gì. Dưới đây là 4 lực cơ bản trong tự nhiên do khoa học liệt kê.
Lực hạt nhân mạnh (Strong force, Strong nuclear interaction) là lực kết nối các hạt proton cũng như các hạt neutron lại với nhau, vượt thắng lực điện từ [vì các proton mang điện tích dương bị lực điện từ đẩy chúng ra xa nhau vì cùng điện tích] lực hạt nhân mạnh lớn hơn lực điện từ 100 lần, giữ chúng ép chặt vào nhau, tạo thành hạt nhân nguyên tử. Một hạt quark đơn lẻ thì không tồn tại nhưng ba hạt quark kết hợp lại thành hạt proton thì vô cùng kiên cố và có tuổi thọ rất dài 1032 (một trăm ngàn tỉ tỉ tỉ) năm.
Lực hạt nhân yếu (Weak nuclear interaction, Weak force) yếu hơn lực điện từ 1000 lần, có tác dụng làm phân rã các nguyên tử vật chất, nhất là các nguyên tử nặng như uranium, dễ bị phân rã. Ví dụ chu kỳ bán rã của Urani 235 là 704 triệu năm, nghĩa là 1kg Urani 235 sau 704 triệu năm chỉ còn lại nửa kg, nửa ký kia đã bị biến thành các vật chất khác. Trong thảm họa hạt nhân Fukushima, các chất phóng xạ bị rò rỉ là Iodine-131 có chu kỳ bán rã là 8 ngày, Cesium-137 có chu kỳ bán rã 30 năm.
Lực điện từ (Electromagnetic force) là lực mà điện từ trường tác dụng lên vật mang điện tích. Electron mang điện tích âm trong khi hạt nhân proton mang điện tích dương, do đó electron bị kéo về phía proton nên nó không thể dễ dàng thoát khỏi nguyên tử. Lực điện từ còn kết nối các nguyên tử lại với nhau thành các phân tử, chẳng hạn nó kết nối 2 nguyên tử hydro và một nguyên tử oxy lại với nhau thành phân tử nước H2O. Nước chỉ là ảo tưởng vô minh của lục thức, nó chỉ là trò ảo hóa của hai loại hạt ảo cơ bản là quark và electron, thế nhưng đời sống của sinh vật hoàn toàn tùy thuộc vào loại nước này, nếu không có nước thì không có sinh vật. Lực điện từ được ứng dụng rất nhiều trong máy phát điện, động cơ điện, nam châm điện…
Lực hấp dẫn (Gravity force, Gravitational force) là lực hút của vật chất tác động lên nhau. Lực hấp dẫn tỉ lệ thuận với khối lượng và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách. Lực hấp dẫn rất yếu so với ba lực kia, lực hấp dẫn giữa proton và electron chỉ bằng 10-40 (mười lũy thừa trừ 40) lực điện từ. Nhưng đối với các thiên thể trong vũ trụ thì lực hấp dẫn có vai trò chủ yếu vì khối lượng to lớn của các thiên thể như mặt trời, các vì sao, các hành tinh, các vệ tinh…Thủy triều trên địa cầu là do ảnh hưởng của lực hấp dẫn của mặt trăng lên khối lượng nước đại dương của địa cầu. Vào khoảng mồng một và rằm âm lịch (và một vài ngày kế tiếp) thủy triều lên cao nhất do hợp lực của mặt trăng và mặt trời đối với nước biển có tác dụng mạnh nhất.
Hình phía trên, vào rằm (Full Moon) hoặc đầu tháng (âm lịch) khi mặt trăng và mặt trời cùng nằm trên đường thẳng, hợp lực hấp dẫn của mặt trăng và mặt trời mạnh nhất, khiến cho mực nước biển dâng lên cao nhất.
Hình dưới, lúc mặt trăng và mặt trời cùng với trái đất tạo thành góc vuông, hợp lực hấp dẫn của mặt trăng và mặt trời lên trái đất bị phân tán thấp nhất, vì mỗi bên kéo nước trên trái đất về một hướng khác nhau, do đó thủy triều thấp nhất. Mặt trăng tuy nhỏ hơn mặt trời rất nhiều, nhưng vì ở gần trái đất hơn rất nhiều (chỉ có 384.000 km, so với mặt trời cách trái đất tới 150 triệu km) nên lực hấp dẫn của mặt trăng mạnh hơn, khiến cho nước biển bên phía mặt trăng dâng cao hơn bên phía mặt trời.
Sở dĩ chúng ta cần phải nêu rõ 4 lực cơ bản của vật lý vì vũ trụ vạn vật chính là 4 lực này chứ không phải là vật chất. Kinh Bát nhã ba la mật nói : “Chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm, thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức , vô nhãn nhĩ tị thiệt thân ý , vô sắc thanh hương vị xúc pháp…”
Dịch nghĩa : Các pháp (vạn sự vạn vật) có bản chất là không, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, như vậy trong cái không, không có vật chất, không có các cảm giác như thọ (tiếp xúc), tưởng (tưởng tượng), hành ( chuyển động, hoạt động), thức (phân biệt), không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác, ý thức, không có các đối tượng của các giác quan là sắc (vật chất), thanh (âm thanh), hương (mùi hương), vị ( vị giác của lưỡi), xúc ( cảm giác của thân thể), pháp ( đối tượng của ý thức)…
Trạng thái đó được Huệ Năng diễn tả trong bài kệ nổi tiếng :
Bản lai vô nhất vật (Xưa nay không một vật
Hà xứ nhạ trần ai Bụi trần bám vào đâu ?)
Như vậy nhận thức của Phật giáo là rất rõ ràng : vật chất không có thật, những viên gạch đầu tiên xây dựng nên thế giới vật chất, vũ trụ vạn vật, như quark, electron chỉ là hạt ảo, chúng không tồn tại độc lập. Tuy nhiên chúng có cấu trúc ảo cùng với nhiều loại hạt ảo khác (tất cả có 17 hạt trong mô hình chuẩn của Vật lý hiện đại, mà hạt cuối cùng là Higgs boson mới được tìm thấy, công bố ngày 04-07-2012, tuy nhiên giới khoa học vẫn chưa dám khẳng định dứt khoát). Cái mà con người nhận thức là vật chất, chỉ là do 4 lực cơ bản này tạo ra thiên hình vạn trạng ảo hóa, đó là lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) tác động lên lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não) tạo ra lục thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm giác, ý thức) Gộp chung lục trần, lục căn, lục thức là 18 cảnh giới, đó chính là vũ trụ vạn vật.
Bây giờ chúng ta trở lại câu hỏi lúc nảy : lực gì khiến cho ba hạt quark kết hợp thành hạt proton và thành hạt neutron, lực gì khiến cho hạt electron di chuyển mãi chung quanh hạt nhân với tốc độ rất cao ? Khoa học nói đó là 4 lực cơ bản. Chúng ta hỏi tiếp, từ đâu sinh ra 4 lực cơ bản ? Khoa học nói tự nhiên có sẵn như vậy. Hoặc những người có niềm tin tôn giáo thì nói do Chúa tạo ra.
Phật giáo nói rằng không phải tự nhiên sẵn có, cũng không phải do Chúa hay Phật tạo ra. Bốn lực vật lý có nguồn gốc từ một lực duy nhất là Tâm lực. Tâm lực có sức mạnh vô hạn. Nó có khả năng tách rời các hạt quark khiến cho proton, neutron, hạt nhân nguyên tử, electron và cuối cùng là nguyên tử cùng toàn bộ cố thể vật chất của một trái táo biến thành không, vỏ thùng sắt đựng trái táo cũng biến thành không , do đó trái táo ở trạng thái “không” dễ dàng vượt qua vỏ thùng sắt cũng ở trạng thái “không” để đi ra ngoài, và nó xuất hiện trở lại thành trái táo ở nơi nào mà người điều khiển dùng tâm lực đặt để. Ai là người có khả năng làm được điều đó ? Những người có đặc dị công năng mà tiêu biểu là Trương Bảo Thắng.
Bắc Kinh Nhân Dân Đại Hội Đường, trang nghiêm, vĩ đại, là nơi hội họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc Hội Trung Quốc) là nơi làm việc của Thường vụ Ủy viên Hội. Các hoạt động trọng đại của cả nước thường được cử hành tại đây. Các vị lãnh đạo Trung ương tiếp kiến khách nước ngoài và hội kiến với những nhân vật quan trọng đều tiến hành tại đây. Phàm những hoạt động được tổ chức tại đây đều có tính chất trọng yếu và quyền uy. Hôm nay, tại đại sảnh đường của Bắc Kinh Nhân Dân Đại Hội Đường, đèn hoa chiếu sáng, các nhà nhiếp ảnh, quay phim, ảo thuật gia, nhiều vị lãnh đạo và rất đông khán giả đều có mặt. Có người đến vì lòng hiếu kỳ, có người mang ánh mắt nghi ngờ, có người mang tâm lý vận động bài trừ, có người mang ánh mắt phủ định…tất cả vây quanh vũ đài, đợi Trương Bảo Thắng biểu diễn.
Trương Bảo Thắng cảm thấy rằng lần biểu diễn này tại Bắc Kinh không giống lần trước. Lần trước là biểu diễn hội báo, không khí hài hòa, nhưng chỉ là biểu diễn tương đối dễ dàng như thấu thị, dùng mũi nhận chữ. Còn lần này trong điều kiện cực kỳ nghiêm túc để giám định công năng của anh là thực hay giả, huống chi tại hiện trường rất nhiều người đang chuẩn bị “tìm cách phá bĩnh” nữa. Nhiều máy quay phim đặt ở các vị trí trên, dưới, bên phải, bên trái, mọi góc độ, sẵn sàng theo dõi mọi động tác của anh. Không khí thật là khẩn trương . Hạng mục biểu diễn là dùng “ý niệm di chuyển vật” Ngay cả những người tin tưởng sự tồn tại của đặc dị công năng cũng mướt mồ hôi trán thay cho Bảo Thắng, trong lòng suy nghĩ : anh ấy có làm được không ?
Biểu diễn bắt đầu. Trong một thùng sắt, bỏ vào hai trái táo (apple) vào, đậy nắp, dùng que hàn điện hàn kín. Người chủ trì để cho Trương Bảo Thắng dùng ý niệm lấy trái táo ra. Chỉ thấy anh im lặng, không gây tiếng động, trấn định tự tâm. Mọi con mắt nhìn chăm chăm vào người anh, quan sát nhất cử nhất động của anh. Một phút, hai phút, năm phút rồi mười phút trôi qua, đến khi bức màn trong não của anh xuất hiện một quả táo, anh mới dùng ý niệm mang trái táo đặt ở một góc của vũ đài. Lúc đó trên bức màn nhỏ trong não của anh không còn trái táo. Theo kinh nghiệm của anh, anh tin rằng một trái táo trong thùng sắt đã đi ra ngoài, trái kia vẫn còn trong thùng. Anh nói với mọi người : “một trái táo đã ra ngoài”. Nhiều người không tin, bởi vì họ thấy Trương Bảo Thắng trước sau vẫn đứng cách thùng sắt hơn một mét, anh hoàn toàn không chạm vào thùng sắt, trái táo làm sao ra ngoài được chứ ? Người chủ trì ra lệnh cho người mở nắp thùng sắt, mọi người đều phát hiện thiếu mất một quả táo. Bảo Thắng nói với mọi người, trái táo lấy ra đang nằm ở một góc vũ đài, người ta theo chỉ dẫn của anh, quả thật tìm thấy trái táo.
Chính lúc mọi người bàn luận sôi nổi, có người khen ngợi, có người hoài nghi, muốn tìm một khuyết điểm nào đó, một vị lãnh đạo thuộc Ban bí thư, nói : “Tôi được lãnh đạo ủy thác đến tham gia trắc nghiệm, cuộc biểu diễn vừa rồi tôi xem không rõ lắm, tôi hi vọng có thể làm một thí nghiệm ngay trên người mình”, tiếp đó ông dùng tay chỉ chiếc huy chương trên ngực mình, nói : “mời Trương Bảo Thắng dùng ý niệm mang nó đi, được không ?” Người chủ trì biết đây là người muốn vạch khuyết điểm, nên hướng về Bảo Thắng nói : “Anh thấy được không ?”. Bảo Thắng gật đầu. Chỉ thấy anh nhìn một chút chiếc huy chương trên ngực ông bí thư, mà không thấy anh đi lại gần ông ta, cự ly giữa hai người khoảng vài mét. Khán giả tại hiện trường có người nhìn ông bí thư, có người nhìn Trương Bảo Thắng, mọi người chờ đợi anh lên tiếng trả lời. Ông bí thư cũng đắc ý chờ đợi Bảo Thắng lên tiếng trả lời “được” hoặc “không được”. Không ngờ Trương Bảo Thắng không trả lời câu hỏi, chỉ nói : “di chuyển rồi”. Ông bí thư như đang mơ chợt tỉnh, vội dùng tay sờ vào trước ngực, nhưng cái huy chương đã biến đâu mất từ lúc nào, ông hoảng hốt tìm kiếm, trên dưới đều không thấy. Trương Bảo Thắng chỉ nói một câu : “huy chương đã ở trên thân người khác rồi” Không ít người lật đật mò tìm túi trên túi dưới của mình. Trong đám đông có người kêu lên : “trên người tôi có một chiếc huy chương, nó làm sao mà đeo vào được ?” Khi chiếc huy chương được chuyền đến tay ông bí thư, ông nhận ra nó ngay, đó chính là chiếc huy chương ông vừa mới đeo trên ngực. Ông bí thư bị á khẩu không nói nên lời. Người tại hiện trường còn chưa hết ý, đều hứng thú vây quanh Trương Bảo Thắng, nhiệt tình hỏi anh về cảm giác và công năng.
Khả năng kỳ lạ của Trương Bảo Thắng được các nhà khoa học Trung Quốc gọi là nhân thể đặc dị công năng. Anh đã biểu diễn rất nhiều lần cho các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, cho các nhà khoa học, về khả năng di chuyển vật thể bằng ý niệm, khả năng dùng mũi để nhận ra chữ viết trong mảnh giấy được gấp nhỏ bỏ vào phong bì dán kín, khả năng phục nguyên một tấm danh thiếp hay bức hoạ bị nhai nát, xé nát rồi bỏ vào thau nước…anh có thể phục hồi chúng như nguyên trạng, như chưa hề bị nhai nát, xé nát.
Trương Bảo Thắng, Ngoại trưởng TQ (1972-1974) Cơ Bằng Phi 姬 鵬 飛
và Tỷ phú Hong Kong, Lý Gia Thành
Tâm không phải chỉ là ý thức, Tâm trong kinh điển Phật giáo là Bát thức bao gồm lục thức đã nói, cộng thêm hai thức khác nữa là Mạt-na và A-lại-da. Mạt-na gom góp hết 18 giới vào mình xây dựng nên cái tôi, tất cả dữ liệu nó chứa hết trong A-lại-da. Chúng ta có thể so sánh Tâm với máy vi tính cho dễ hình dung. Video card, Soundcard, RAM là mắt, tai và não (máy vi tính chưa có thiết bị tương ứng với mũi, lưỡi và thân thể). Mạt-na là ổ đĩa cứng chứa hệ điều hành và dữ liệu của máy. A-lại-da là toàn bộ dữ liệu trên internet. Với dữ liệu vô cùng lớn của A-lại-da, Tâm có thể tạo ra vũ trụ, vạn vật, thiên đường, địa ngục, cũng giống như chiếc máy vi tính có khả năng rất lớn, hầu như không có cái gì trong thế giới ảo mà máy không tạo ra được. Còn vũ trụ vạn vật là một thế giới ảo cao cấp hơn của Tâm, thế giới này có nhiều chiều kích hơn, có nhiều điều mà lý trí của con người không thể hiểu nổi, Kinh gọi là bất khả tư nghị (không thể nghĩ bàn), chẳng hạn núi Tu Di có thể bỏ vừa trong hạt cải, đó đích thực là pháp giới bình đẳng tuyệt đối chứ không phải là so sánh tương đối, vật lớn ở chỗ lớn, vật nhỏ ở chỗ nhỏ, đâu vừa với đó.
Trong pháp giới bình đẳng, tánh Không của vạn pháp được thể hiện, không bị ràng buộc bởi bất cứ giới hạn nào, tuyệt đối không có giới hạn. Tính không giới hạn thể hiện ở các mặt sau :
1/ Khoảng cách không gian không có thật. Chiều dài, rộng, cao hay độ lớn của vật thể không có thật. Chính vì vậy mới có khả năng bỏ lọt núi Tu Di vào trong hạt cải. Không gian không có thật được khoa học chứng minh bằng hiện tượng rối hay vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Trong hiện tượng này, không phải tín hiệu từ hạt photon này truyền đi với tốc độ gấp hàng triệu lần tốc độ ánh sáng để tới hạt photon kia, mà khoảng cách không gian giữa hai photon (18 km theo thí nghiệm của Gisin và các đồng nghiệp của ông tại Geneva Thụy Sĩ năm 2008 là không có thật, hai photon thật ra chỉ là một photon (bất nhị).
Chẳng những khoa học chứng minh được về mặt nguyên lý, mà có người còn thực nghiệm được trong thực tế. Hầu Hi Quý đã lấy xăng từ Bắc Kinh đổ vào chiếc xe hơi đang đậu ở hồ Mật Vân cách đó 50km. Thực nghiệm này chứng tỏ là khoảng cách 50km không có thật, xăng đã rót trực tiếp từ Bắc Kinh đến Mật Vân như không hề có khoảng cách không gian.
Hầu Hi Quý (phải) và Lý Ninh, nhà vô địch thể dục dụng cụ Olympic 1984
Một ngày chủ nhật, Lý Cường và một số nhân viên của khách sạn Kinh Kỳ (tại Bắc Kinh) gồm Miêu Đắc Thắng, Triệu Bác Lan, Tống Huệ Mẫn, Lưu Quảng Kiệt, Uông Gia Lộc, Lý Linh Mẫn, Lưu Kinh Thông, bàn bạc với nhau mời Hầu Hi Quý cùng với họ đến hồ chứa nước Mật Vân thuộc huyện Mật Vân chơi. Hôm đó lái xe là một đảng viên thuộc phòng chiêu đãi của một doanh trại Nhân dân Giải phóng Quân. Anh ta nghe nói có Hầu Hi Quý cùng đi thì rất phấn khởi. Nam nữ tám chín người đi trên xe tới hồ Mật Vân, cách trung tâm Bắc Kinh 50 km. Đến nơi, mọi người vui đùa mệt nghỉ. Họ đem bia theo uống, rồi nằm dài bên bãi cỏ bên bờ hồ nghỉ ngơi thật thoải mái. Sau đó họ lên đường trở về. Không ngờ vừa qua khỏi suối Sa Cốc, lái xe phát hiện xăng trong bình sắp cạn. Thật là sự chẳng lành. Chưa ra khỏi địa phận huyện Mật Vân, xa nhà hàng trăm dặm (dặm Trung Quốc khoảng nửa km), làm sao xoay sở đây ?
– Mọi người đừng hốt hoảng, hãy dừng lại suy nghĩ biện pháp
Hầu Hi Quý chẳng sốt ruột tí nào, ông ta lại còn hát lên bài “Hoa vì sao lại đỏ” (Đây là bài hát ruột của ca sĩ Lý Cốc Nhất. Bạn có thể nghe bài hát theo các link dưới đây, copy link dán vào address bar )
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Hoa-Sao-Do-Nhu-Vay-Ly-Coc-Nhat/ZWZFO7W0.html
tiếng ca thật hồn hậu, lời ca giọng nam cao trong trẻo. Nhưng mọi người chẳng còn lòng dạ nào để nghe, chỉ lo làm sao trở về nhà.
– Về được mà ! Tôi đảm bảo mọi người có thể về nhà ăn cơm chiều. Như vậy được chưa ? Nghe mọi người đang bàn bạc, Hầu Hi Quý thôi hát hỏi. Có cần tôi nghĩ giúp biện pháp không ?
Mọi người đều nói cần. Thế là xe dừng lại. Trước mặt chẳng có thôn xóm nào. Sau lưng cũng chẳng có hàng quán nào.
– Ai có hộp diêm không ? Hầu Hi Quý hỏi
Có người móc hộp diêm ra đưa cho ông ta. Hầu Hi Quý trút bỏ hết các que diêm xuống đất, cầm cái vỏ bao diêm không, đến bên thùng xăng xe, ngồi xổm xuống, gác một đầu hộp diêm lên miệng bình xăng, đầu kia hướng về phía Bắc Kinh, hai đầu ngón tay kẹp ở giữa hộp diêm. Chỉ thấy ông ta ngưng thần chốc lát, sau đó gọi mọi người đến nghe. Mọi người hiếu kỳ chạy đến bên thùng xăng, áp tai nghe, trong thùng xăng có tiếng nước chảy òng ọc.
– Tiếng nước chảy ! tiếng nước chảy ! Vài cô gái đồng thời kêu lên. Trong mắt các cô hiện ra vẻ nghi ngờ lẫn vui mừng kinh ngạc.
– Nước chảy à ? Xăng chảy đó ! Hầu Hi Quý nói.
Mọi người hoàn toàn không hiểu, một bao diêm nhỏ bé như thế, từ đâu có xăng chảy ra ? Anh lái xe cắn môi nhìn chăm chăm vào Hầu Hi Quý, hít hít hai cánh mũi, ngửi thấy mùi khí năng nồng đậm.
– Đúng là xăng, đúng là xăng, từ đâu đến ? Anh ta hỏi Hầu Hi Quý.
Hầu Hi Quý không trả lời, dời vị trí bao diêm, lấy tay gõ gõ vào thùng xăng. Bình xăng phát ra âm thanh trầm muộn chứng tỏ là đã đầy xăng, ông ta hài lòng mỉm cười, bước đi dưới ánh mắt kinh dị của mọi người. Anh lái xe nhúng ngón tay trỏ vào thùng xăng, ngón tay thấm ướt hơi xăng.
– Má ơi ! Thùng xăng mới vừa trống không, bây giờ lại đầy nhóc !
Anh ta đứng dậy, vẫy tay :
– Có xăng rồi, chúng ta đi thôi !
Thế là mọi người hoan hỉ lên xe, máy rồ một cái, xe từ từ chuyển bánh.
2/ Thời gian không có thật. Vì không gian không có thật nên thời gian cũng không có thật. Ta cần khoảng thời gian T để đi từ A đến B ví dụ cách nhau 100km. Nếu ta đi với vận tốc trung bình 50km/giờ thì T=2 giờ. Bây giờ khoảng cách AB=100km là không có thật, vậy thì ta không mất chút thời gian nào để đi từ A đến B, hay nói đúng hơn A và B chỉ là một nơi. Đây chính là khái niệm Như Lai trong Phật pháp. Thực nghĩa của Như Lai là không có không gian, không có thời gian, không đi, không đến. Đây cũng là ý nghĩa pháp giới bình đẳng, ở đâu cũng như nhau.
Thời gian không có thật được thực chứng bằng ba trường hợp thế gian hi hữu sau đây :
a/ Pháp sư Huệ Trì : người thời Đông Tấn, sinh năm 337, là em trai của pháp sư Huệ Viễn (334-416) Tổ của Tịnh Độ tông Trung Quốc. Khi Huệ Viễn tổ chức pháp hội ở Lư Sơn tỉnh Giang Tây thì Huệ Trì một mình đi đến Tứ Xuyên. Ông ngồi nhập định trong một bọng cây cổ thụ, trải qua hơn 700 năm, đến 1113, đời Tống Huy tông, do cây cổ thụ bị ngã đổ, người ta mới phát hiện ra ông. Đưa về kinh đô, làm cho xuất định, hỏi ra mới biết ông là em của Huệ Viễn.
Pháp sư Huệ Trì
Như vậy lúc Huệ Trì nhập định sâu, thời gian đã ngừng lại, hay không có thời gian nữa. Khi ông xuất định là đã đi tới tương lai của hơn 700 năm sau. Tống Huy tông rất xúc động, có làm 3 bài kệ. Hai câu đầu bài thứ nhất :
七百年來老古錐Thất bách niên lai lão cổ trùy Lão tăng sống hơn 700 năm căn cơ bén nhọn
定中消息許誰知? Định trung tiêu tức hứa thùy tri? Nhập định không ai còn biết gì về ông
Hai câu cuối bài thứ hai :
寄語莊周休擬議Ký ngữ Trang Chu hưu nghĩ nghị Gởi lời nhắn Trang Chu hãy thôi bàn luận
樹中不是負趨人Thụ trung bất thị phụ xu nhân Người trong bọng cây không phụ kẻ qua đường
Ý trong hai câu này muốn nói, tuy Trang Chu bàn về Tề Vật Luận và Tiêu Dao Du rất hay nhưng cũng không bằng Huệ Trì thực chứng được tánh không, đặc biệt là thời gian không có thật, pháp giới là bình đẳng, bất cứ ai chứng được tánh không, thì không còn bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì nữa.
b/ Winnnie Coutts. Ngày 14/04/1912, con tàu thủy siêu cấp Titanic trong chuyến đi đầu tiên đã gặp nạn do va phải băng, khiến 1.500 người chết và mất tích. Vậy mà vào giữa năm 1990 và 1991, tại khu vực gần núi băng Bắc Đại Tây Dương, người ta đã phát hiện và cứu sống hai nhân vật đã biến mất cùng con tàu Titanic gần 80 năm về trước
Ngày 24/09/1990, con tàu Foshogen đang đi trên vùng biển bắc Đại Tây Dương. Thuyền trưởng Karl đột nhiên phát hiện một bóng người từ vách núi. Qua kính viễn vọng, ông nhìn rõ một phụ nữ đang dùng tay ra hiệu cấp cứu. Người phụ nữ này mặc trang phục quý tộc Anh thời kỳ đầu thế kỷ 20, toàn thân ướt sũng và rét run cầm cập. Khi được cứu lên tàu, trả lời câu hỏi của thủy thủ, cô nói: “Tôi tên là Winnnie Coutts, 29 tuổi, một hành khách trên con tàu Titanic. Khi tàu đắm, một con sóng lớn đánh giạt tôi lên núi băng này, thật may mắn là các ngài đã kịp cứu giúp”. Nghe câu trả lời đó, mọi người đều cảm thấy hết sức kỳ lạ, không hiểu chuyện gì đã xảy ra và họ nghĩ rằng có lẽ do sốt cao, cô gái này đã nói nhảm.
Các xét nghiệm về máu, tóc, cho thấy cô khoảng chừng 30 tuổi. Vậy là nảy sinh một vấn đề khó tin đến kinh người: chẳng lẽ Coutts từ năm 1912 đến nay, trải qua gần 80 năm mà không hề già đi chút nào? Thẩm tra, đối chiếu với bản danh sách hành khách trên tàu Titanic, người ta nhận thấy mọi nội dung đều trùng khớp với những gì Coutts đang nói.
Vấn đề còn đang tranh cãi chưa ngã ngũ thì một năm sau lại xảy ra sự kiện thứ hai :
c/ Thuyền trưởng danh tiếng Smith của con tàu Titanic.
Ngày 09/08/1991, một tổ khảo sát khoa học hải dương trong khi khảo sát tại khu vực phía tây nam cách một núi băng Bắc Đại Tây Dương chừng 387 km, đã phát hiện và cứu sống một người đàn ông 60 tuổi. Lúc đó người đàn ông này đang ngồi bình thản bên rìa nước. Ông ta mặc bộ quần áo màu trắng, khá gọn gàng, rít sâu điếu thuốc và rút điếu thứ hai, mắt nhìn về phía biển khơi, mặt lộ vẻ dạn dày sương gió. Không ai có thể nghĩ rằng đó chính là thuyền trưởng danh tiếng Smith của con tàu Titanic.
Nhà hải dương học nổi tiếng, tiến sĩ Marwen Iderlan, sau khi cứu được Smith đã phát biểu trước báo chí rằng không thể có sự việc nào đáng kinh ngạc hơn. Người đàn ông này không thể là tên lừa đảo, ông ta đích thực là thuyền trưởng của con tàu Titanic, người cuối cùng cùng với con tàu chìm xuống biển. Khó tin hơn nữa là Smith đến nay đã 140 tuổi nhưng trên thực tế mới chỉ là một ông già 60. Khi được cứu, ông một mực khẳng định rằng hôm đó là ngày 15/09/1912 tức chỉ mới một ngày sau khi tàu Titanic chìm.
Sau khi được cứu, ông được đưa đến Viện tâm thần Oslo (Nauy) để chữa trị. Nhà tâm lý học Jale Halant đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm và kết quả là Smith hoàn toàn bình thường. Ngày 18/09/1991, trong một đoạn tin vắn, Halant khẳng định người được cứu đích xác là thuyền trưởng Smith vì ngay việc đối chiếu vân tay cũng đã cho thấy điều đó.
Sự việc cần được giải thích rõ ràng. Một số cơ quan hải dương Âu – Mỹ cho rằng thuyền trưởng Smith và hành khách Coutts đã bị rơi vào “hiện tượng mất tích – tái hiện xuyên thời gian”. Theo đó, một số chuyên gia phán đoán có khả năng trên biển vẫn còn một số hành khách Titanic sống sót đang chờ được cứu giúp, vì trong lịch sử cũng đã có không ít trường hợp mất tích – tái hiện một cách thần bí.
Những sự kiện kể trên thiết tưởng đủ để chứng minh thời gian không có thật, cũng như không gian, vật chất đều có bản chất là ảo hóa. Huệ Trì đời Nhà Tấn ở Trung Quốc cảm thấy mình mới nhập định chưa bao lâu trong khi người đời thấy hơn 700 đã trôi qua. Thuyền trưởng Smith của tàu Titanic cảm thấy mình mới bị đắm tàu có một ngày trong khi người đời thấy gần 80 năm đã trôi qua. Vậy thời gian nào là đúng ? Hay thời gian chỉ là ảo tưởng của con người chứ không phải có thật.
Bình thường các sự kiện xảy ra trên địa cầu tuân theo định luật vật lý, nhưng đó không phải là tất cả. Có những sự kiện không tuân theo luật vật lý và bị coi là kỳ dị bất thường, không thể hiểu được. Nếu chúng ta hiểu rằng thế giới cũng chỉ là huyễn ảo thì các sự kiện trên cũng không có gì khó hiểu.
3/ Số lượng không có thật . Trong thí nghiệm rối lượng tử (quantum entanglement) hai hạt photon chỉ là do các nhà khoa học thấy là hai (hoặc nhiều, vì có thể hạt photon còn xuất hiện ở nhiều vị trí khác nữa) chứ thật ra chỉ là một hạt. Đúng ra thì không thể nói là một, vì rõ ràng có hai (hoặc nhiều) photon xuất hiện đồng thời ở những vị trí khác nhau trong không gian, nhưng cũng không thể nói là hai (hoặc nhiều) vì rõ ràng cả hai hạt photon tác động như chỉ có một hạt, hoàn toàn không có sự truyền tín hiệu từ hạt này tới hạt kia, vì nếu có tốc độ phải là gấp hàng triệu lần tốc độ ánh sáng, điều đó vi phạm định đề của Einstein rằng ánh sáng di chuyển với tốc độ gần 300.000 km/s, đó là tốc độ cao nhất của vật chất trong vũ trụ, không thể có hạt vật chất hay sóng vật chất nào di chuyển nhanh hơn. Như vậy số lượng chỉ là ý niệm ảo của con người chứ không phải thật. Số lượng dùng để đếm một hiện thực vật chất nào đó : ví dụ 2 con gà, 3 hạt quark, 10 lít nước, 1000 kg thóc. Những con số 2, 3, 10, 1000, đứng một mình là vô nghĩa vì nó không mô tả một hiện thực vật chất nào. Nhà toán học David Hilbert đã thất bại nặng nề khi ông cố gắng xây dựng Tân Số Học hoàn toàn thoát ly khỏi hiện thực vật chất, nghĩa là chỉ dùng những con số đơn thuần, không có gà, quark, nước, thóc đi kèm. Vậy thử hỏi đẳng thức sau còn thật sự có ý nghĩa không :
1+2=3
Với suy nghĩ theo thói quen của chúng ta, đẳng thức trên hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu ta chỉ có một tấm ảnh thì gởi cho 3 người có được không ? Theo đẳng thức trên thì không được, một tấm ảnh chỉ có thể gởi cho một người, một không thể bằng ba được. Nhưng thực tế thì sao ? Với một tấm ảnh, ta có thể gởi cho bao nhiêu người qua mạng internet cũng được. Một có thể bằng với bất cứ con số thực nào. Như vậy đẳng thức trên chỉ đúng theo quan niệm cổ điển của chúng ta chứ không đúng theo thực tại lượng tử. Trong thực tại lượng tử, số lượng không có ý nghĩa. (Khoảng cách giữa hai photon là bao xa, cần mất bao nhiêu thời gian để truyền tín hiệu giữa chúng, có bao nhiêu photon có thể xuất hiện đồng thời tại nhiều vị trí khác nhau, tất cả số lượng đó đều không có ý nghĩa). Số lượng chỉ có ý nghĩa trong điều kiện giới hạn của không gian và thời gian. Không gian và thời gian không phải là thực tại khách quan, chúng chỉ là giả lập của ý thức con người. Trong thế giới ảo của tin học, ta cũng đã thấy đẳng thức trên mất tác dụng.
Vật chất là ảo (quark và electron chỉ là những hạt ảo). Niels Bohr, vị trưởng lão trong giới khoa học thế kỷ 20, nói “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập thì trừu tượng- tức không phải vật thật). Suy ra khối lượng hay năng lượng cũng chỉ là ảo, số lượng (1 con gà, 5 con bò, 20 người…) chỉ là quan niệm tùy tiện của ý thức con người trong điều kiện khả năng giới hạn. Những con số 1, 5, 20 là hoàn toàn vô nghĩa khi ta có khả năng vô hạn. Đây không phải là điều tưởng tượng suông, hiện nay đã có ứng dụng. Tôi thuê bao internet trọn gói, hàng tháng đóng một số tiền cố định cho nhà mạng, tôi có quyền download hay upload thông tin xuống hay lên mạng, với số lượng thông tin (tính bằng MB) không giới hạn, như vậy số lượng MB thông tin đối với tôi hoàn toàn không còn ý nghĩa, tôi không còn quan tâm hàng tháng sử dụng lưu lượng bao nhiêu MB.
Trong kinh điển Phật giáo có nói tới cứu cánh Niết Bàn. Vậy Niết Bàn là gì ? Đó là Tâm bất nhị. Tâm bất nhị là Tâm giác ngộ thực tướng vô tướng của Tam giới. Tâm giác ngộ là giải thoát khỏi các giới hạn của Không gian, Thời gian và Số lượng, ngộ được bản chất của Không gian, Thời gian và Số lượng chỉ là ảo, Thế gian chỉ là nằm mơ giữa ban ngày. Sự giác ngộ này không còn người biết với vật được biết (chủ thể và đối tượng), đó là bất nhị. Pháp giới là bình đẳng vì tất cả chỉ là Không mà thôi, nhưng ứng dụng của nó thì vô cùng vô tận. Bậc thánh trí không đuổi theo ảo ảnh, nhưng có khả năng chu du trong Tam giới để giáo hóa chúng sinh mê muội, dù biết rằng tất cả cảnh giới chỉ là ảo tưởng (thế lưu bố tưởng), bởi vì chúng sinh đang chịu khổ, áp bức bất công trong xã hội, cường quyền bạo ngược trong thế giới, sinh lão bệnh tử, bát khổ : 1) Sanh khổ: (生苦), 2) Lão khổ (老苦), 3) Bệnh khổ (病苦), 4) Tử khổ (死苦), 5) Ái biệt ly khổ (愛別離苦), 6) Cầu bất đắc khổ (求不得苦), 7) Oán tắng hội khổ (怨憎会苦), 8) Ngũ ấm xí thạnh khổ (五陰蘊盛苦). Tất cả các nỗi khổ này của mỗi chúng sinh đều do tự mình gây ra, chứ không phải ai khác gây ra cho mình. Nhưng bởi vì trùng trùng duyên khởi phức tạp, một chúng sinh mê muội không đủ trí tuệ để hiểu thấu tất cả mọi việc là do mình mê muội, nên vẫn cần các bậc thánh trí lâu lâu hiện ra để hướng dẫn, giáo hóa.
Truyền Bình
thanks !
Pingback: Danh sách chuyên mục Bài Viết của Duy Lực Thiền | Duy Lực Thiền
Tôi đã có kiếp làm súc sanh, kiếp này được làm người thì xin nói vài lời:
Tại sao con người được bảo vệ mà súc sanh không được bảo vệ. Con người chỉ cần thiệt hại 1 tí thì đã kêu ầm lên còn súc sanh thì bị bóc lột sức lao động bị lột da xẻ thịt mà có ai bảo vệ đâu. Con người ác hơn cả thú vật, thú vật nó chỉ ngu thôi.
Tôi thấy cứ kẻ nào khôn và mạnh thì thắng muốn nói gì cũng được, còn ngu và yếu như súc sanh thì lúc nào cũng chịu thiệt.
Như vậy mà bảo bình đẳng à! Kẻ nào khôn và mạnh thì được bảo vệ quyền lợi chứ súc sanh thì bị bóc lột mà còn mang tiếng. Giết 1 mạng người thì bị tù chung thân-tử hình, giết 100 mạng súc sanh thì chẳng sao?(bất công). Loài người được chia đất, sao súc sanh không được chia đất.
Nói bình đẳng là ở chỗ thể tính. Phật, Trời, Người, Súc Sinh đều cùng một tâm nên bình đẳng. Nhưng do nghiệp, mê muội chấp trước nên có sai biệt ở hình tướng. Bát Nhã Tâm Kinh nói các hình tướng đều là ảo, không có thật, không nên cố chấp. Tu là từ từ buông bỏ các chấp trước giống như suy nghĩ của bạn, suy nghĩ đó là nông cạn lầm lẫn. Nếu người đời hiểu pháp giới bình đẳng thì họ cũng sẽ đối xử nhân đạo hơn với súc vật.