Trong kho tàng văn hóa chung của nhân loại, Phật giáo là một tôn giáo lớn nên tất nhiên là có rất nhiều đóng góp. Tuy nhiên ở đây, tôi chỉ muốn đề cập tới những đóng góp chủ yếu, quan trọng nhất của Đạo Phật cho hạnh phúc của loài người, do đó sẽ không đề cập rất nhiều những đóng góp thứ yếu, tuy không phải không có tác dụng nhưng không phải là cốt lõi, chẳng hạn kiến trúc Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo, ăn ở hiền lành…những cái đó không phải nhỏ, nhưng không phải trọng tâm của bài viết.
Trước hết và quan trọng nhất là Đức Phật đã phát minh ra Tâm. Tâm còn nhiều tên gọi khác, mỗi tên gọi nhấn mạnh vào một khía cạnh : ví dụ nhấn mạnh vào khía cạnh giác ngộ thì gọi là Phật tánh (chữ Phật Buddhacó nghĩa là giác giả hay người giác ngộ), nhấn mạnh vào khả năng biết khắp cùng vô tận thì gọi là Chánh biến tri, nhấn mạnh vào tính bất biến không chuyển động thì gọi là Như Lai (không đến không đi), nhấn mạnh tính không có số lượng thì gọi là Bất nhị, nhấn mạnh tính không có thời-không hay thời gian vô cùng và không gian vô tận thì gọi là A Di Đà (vô lượng quang vô lượng thọ), nhấn mạnh tính không sinh không diệt thì gọi là Niết Bàn.
Người tu hành theo Phật giáo nhắm mục đích là tự mình chứng ngộ và vận dụng cái Tâm đó. Tâm là chung cho cả pháp giới, tất cả chúng sinh đều chung một Tâm đó (Bất nhị) nhưng biểu hiện thì vô cùng, thế giới có 7 tỉ người thì có 7 tỉ tâm hồn, cá tính, số mệnh khác nhau. Bậc giác ngộ thì hiểu sự khác nhau vô cùng đó, chỉ là ảo không phải thật, nó giống như đại dương có vô số bọt biển, mỗi chúng sinh là một cái bọt biển sinh diệt mãi mãi, vô thường tạm bợ, còn chúng sinh mê muội thì tưởng là thật. Thích Ca phát hiện Tâm chính là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật và chúng sinh. Đó là phát minh cực lớn xứng đáng để bầu chọn Thích Ca là nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại. Vũ trụ vạn vật muôn loài trong đó có loài người thông minh với tất cả khám phá phát minh vô tận của nó cũng chỉ là biểu hiện của Tâm mà thôi.
Đóng góp lớn nhất của Phật giáo cho hạnh phúc nhân loại, đó chính là sự An tâm, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng an tâm. Thế giới chỉ là ảo hóa, thực chất của các pháp là vô thường, vô ngã, cái ta là không thật. Sự đói chỉ là thói quen của cái ta, nó cần ăn uống để duy trì sinh mệnh, nếu không cho ăn uống, nó sẽ đòi hỏi rất dữ dội. Pháp sư Huệ Trì nhập định hơn 700 năm không cần ăn uống, hòa thượng Hư Vân nhập định nửa tháng không ăn uống, thuyền trưởng Smith của tàu Titanic nổi tiếng, không hiểu vì lẽ gì biến mất trong 80 năm, sau đó xuất hiện trở lại, không già đi chút nào, cũng không hề ăn uống trong 80 năm. Các sự kiện đó chứng tỏ thời gian không có thật, cái đói chỉ là thói quen của ta trong thời gian. Các ham muốn như tính dục, ham muốn về vật chất như nhà cửa, xe cộ, đồ dùng tiện nghi, ham muốn về danh vọng, địa vị… là những thói quen khác của cái ta. Nó luôn so sánh với môi trường chung quanh và đòi hỏi phải thỏa mãn. Chính những thói quen ham muốn đó gây lo âu bất hạnh, bất an. Chính những thói quen đó gây ra nạn tham nhũng, bất công, tranh giành và chiến tranh. Xã hội loài người sẽ không bao giờ thoát khỏi nạn tham nhũng, bất công, tranh giành và chiến tranh bởi lẽ dễ hiểu là con người không bao giờ chịu từ bỏ những thói quen trên. Chỉ có bậc chân tu mới chịu từ bỏ những thói quen kể trên và tâm của họ luôn an lạc, không tìm kiếm ăn ngon mặc đẹp, không tìm kiếm chỗ ở, phương tiện tiện nghi, không chấp ngã, tức không tự coi mình là người của một gia đình, dân tộc, hay quốc gia nào, không so sánh mình với người khác, vậy thì họ còn có gì để lo âu được mất ? Nhân vô ngã, pháp vô thường, tất cả chỉ là ảo hóa, đó là điều mà Phật giáo dạy cho chúng sinh để chúng an tâm và không còn khổ nữa. Tu hành theo Phật giáo thực chất chỉ là từ bỏ các thói quen mê lầm mà thuật ngữ PG gọi là tập khí.
Tại sao người tu hành phải cát ái ly gia ? để dẹp bớt những thói quen trói buộc như đã nói trên. Người tu hành chân chính không có tài sản riêng, không có gia đình, người thân riêng, là đã bỏ bớt đi rất nhiều những thói quen tệ hại nó cản trở con đường giác ngộ. Đức Phật quan sát thấy trong vô lượng kiếp, chúng sanh đã từng là cha mẹ, anh em, vợ chồng, người thân, kẻ thù của nhau. Chứ không phải chỉ trong kiếp sống hiện tại mới có một trong các mối quan hệ đó. Vì vậy hạnh nguyện của các vị Bồ Tát là độ cho tất cả chúng sinh, không có phân biệt ai thân ai sơ. Các vị xuất gia ăn không cầu ngon, mặc không cầu đẹp, chỉ ăn mặc tối thiểu. Cuộc sống hết sức đơn giản để làm mô phạm cho người đời, dứt trừ các phiền não do tự mình tạo ra. Càng chạy đuổi theo các thói quen dục lạc là càng trói buộc mình vào các thói quen mê lầm tệ hại.
Thói quen có tác dụng rất lớn và rất sâu xa. Nói cho cùng chính thói quen tạo ra vũ trụ vạn vật. Trong bài “Tập quán có ý nghĩa thế nào đối với vũ trụ vạn vật” tôi đã phân tích chi tiết. Vũ trụ vạn vật phát sinh là do vô minh, vô minh tạo ra các thói quen nhìn nhận vật chất và phi vật chất theo một hướng nào đó, thói quen càng lâu dài thì vật chất càng kiên cố. Đến thế kỷ 20 thì các nhà khoa học khi khảo sát lượng tử mới chợt nhận ra là ý thức góp phần quyết định nhận thức vật chất. Nói cách khác vật chất là sản phẩm của tâm thức.
Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).
Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963) viết : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).
Các nhà khoa học chưa nghiên cứu sâu về Tâm học nên họ chỉ mới biết “ý thức” (consciousness). Mà chưa biết các thức khác. Sigmund Freud có nghiên cứu sâu hơn, biết có tiềm thức nhưng cũng chưa hiểu vật chất là sản phẩm của tâm thức. Phật giáo mới chính là sư phụ về Tâm học, ý thức chỉ là một trong tám thức : thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, ý thức, mạt-na thức và a-lại-da thức. Ý thức chỉ là bề nổi của thức, phần rất nhỏ và tương đối nông cạn của thức. Chính vì các nhà khoa học lượng tử mới chỉ biết ý thức có tác dụng quan trọng đối với nhận thức vật chất, nhưng chưa nắm được phần chìm của thức nên khi Einstein đặt nghi vấn, nói rằng ông không thể tin mặt trăng sẽ ngừng tồn tại khi chúng ta ngừng quan sát nó – nếu mặt trăng không tồn tại thì vũ trụ sẽ trở thành vô nghĩa và khoa học không đáng để chúng ta phải mất công vì nó. (Niels Bhor, asked Einstein “Does the moon exist if no one observes it?”
Einstein responded: “I like to think that the moon is there even if I am not looking at it. … God does not play dice with the cosmos”. (Eistein hỏi Niels Bhor : “Mặt trăng có tồn tại không khi không có ai quan sát nó ?” và ông đã tự trả lời : “Tôi thích nghĩ rằng mặt trăng vẫn ở đó nếu tôi không phải đang nhìn nó…Chúa không chơi trò xúc xắc với vũ trụ.” Einstein nói thế thì các nhà khoa học lượng tử, cụ thể là Niels Bhor cũng không quyết đoán được.
Nhưng ngày nay, các nhà khoa học thấy rằng chẳng những Chúa chơi trò xúc xắc trong cơ học lượng tử mà còn chơi xúc xắc cả trong các vật thể lớn, cả trong nền tảng của toán học.
Trở lại với câu hỏi của Einstein : “Mặt trăng có tồn tại không khi không có ai quan sát nó ?” PG trả lời thế nào ? PG trả lời rằng mặt trăng chẳng phải chỉ tồn tại trong ý thức của ta mà nó còn tồn tại vô cùng kiên cố trong a-lại-da thức. Do đó nếu ta không đang nhìn mặt trăng thì nó vẫn tồn tại như thường, điều này thì ai cũng có thể cảm nhận được. Tuy nhiên nếu ta bỏ được thói quen trong a-lại-da thức rằng mặt trăng có thật thì nó sẽ không tồn tại. Một người có đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng thì có thể chứng minh điều đó. Người ta bỏ hai trái táo trong một thùng sắt và hàn chặt nắp lại. Bình thường thì không thể nào lấy trái táo ra được nếu không mở nắp. Nhưng Trương Bảo Thắng có thể từ bỏ thói quen trong a-lại-da thức của anh ta rằng thùng sắt có thật, thế thì thùng sắt không tồn tại, và anh ta có thể dễ dàng lấy một trái táo ra khỏi thùng sắt mà không cần mở nắp. (Xem chi tiết cuộc biểu diễn trong bài Ý nghĩa của Bất nhị trong Phật giáo- đưa lên Tháng 3-2012). Thậm chí Trương Bảo Thắng còn có thể đi xuyên qua tường vách vì trong trạng thái tâm lý không chấp tường vách là có thật, thì tường vách không hiện hữu. (Xem bài Niết Bàn và Chánh Biến Tri – đưa lên Tháng 2-2012).
Phép an tâm của Phật giáo dựa trên những Sự Thật chắc chắn mà người đời mê muội không biết, hoặc có biết, có nghe qua nhưng cũng mơ hồ không nắm vững, đó là những sự thật gì ? :
1/ Thế giới là ảo hóa tức không phải thật và có tính chất vô thường. Vật chất vốn là không có thật. Dựa vào đâu để nói vật chất không có thật. Dựa vào chính khoa học của loài người mà hầu như tất cả mọi người đều tin tính chính xác của nó. Khoa học cho biết rằng tất cả vật chất trên địa cầu đều cấu thành bằng hai loại hạt ảo : Quark và Electron. Quark có 6 loại đồng dạng nhưng có khác nhau chút ít. Electron cũng có 6 loại đồng dạng gọi chung là Lepton nhưng cũng khác nhau chút ít. Hai loại hạt này được kết nối với nhau bằng 4 lực cơ bản. Mỗi loại Lực được triển khai bằng một loại hạt tương tác, hút đẩy, hoặc thông tin. Vậy tổng cộng có 16 loại hạt ở cấp độ dưới nguyên tử tức nhỏ hơn nguyên tử (6 quarks, 6 leptons và 4 loại hạt tương tác- forces là photon, gluon, bosonW và bosonZ ). Trong thập niên 1960 Peter Higgs, nhà vật lý người Anh, nêu lý thuyết là phải có một loại hạt nữa đem lại khối lượng cho vật chất, vì nó chưa có tên nên người ta lấy ngay tên của Higgs để đặt tên cho hạt đó, cũng có người gọi là “hạt của Chúa” vì vai trò cực kỳ quan trọng của nó. Và ngày 4-7-2012, CERN (Centre Européenne pour la Recherche Nucléaire- Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Âu châu) thông báo đã khám phá ra loại hạt mới giống như hạt Higgs. Như vậy mô hình chuẩn của vật lý hiện nay có 17 hạt. Tất cả vũ trụ vạn vật, ngân hà tinh tú, sơn hà đại địa, nhà cửa xe cộ, vật dụng…gom lại chỉ có 4 loại hạt : Quark, Lepton (Electron), Higgs, Forces (lực).
Mô hình chuẩn của vật lý học trong đó hạt Higgs đem lại khối lượng cho vật chất mới được khám phá và công bố năm 2012.
Tất cả vật chất trên đời có thể tóm gọn trong 4 chữ : quark, electron, higgs, lực. Vậy thì có gì khác nhau giữa một chén cơm và một ly nước, phân tích ra bao gồm : chén bằng sành, cơm là lương thực, ly bằng thủy tinh và nước là thức uống, thành phần quan trọng của sự sống. Tất cả chúng đều cùng một chất liệu như nhau cả (quark, electron, higgs, lực). Cái gì phân biệt chúng ? PG nói rằng chính Tâm phân biệt chúng. Nếu không có ai phân biệt, chúng chẳng khác gì nhau, nhưng khi có tâm phân biệt, chúng trở nên rất khác nhau. Chẳng hạn một quyển sách với biết bao nhiêu ý tình, cảnh tượng, nhân vật, được cấu tạo chỉ bởi khoảng 26 chữ cái trong bảng alphabet. Con mối không có tâm phân biệt thì văn chương không tồn tại, tất cả mọi cuốn sách, mọi bài viết đều như nhau. Chỉ có những người biết đọc sách mới phân biệt những bài viết, những cuốn sách là rất khác nhau. Nếu không có người phân biệt thì mặt trăng, mặt trời, trái đất là không tồn tại, chỉ là một thứ giống nhau là quark, electron, higgs, lực, thậm chí không có gì cả (tánh không) vì tất cả các hạt đó chỉ là hạt ảo.
Trong điều kiện nào thì tâm mới phân biệt được ? Trong điều kiện hội đủ lục căn, lục trần và lục thức (18 giới) thì tâm sẽ phân biệt ra thiên hình vạn trạng. 18 giới thì cũng chỉ là quark, electron, higgs, lực, nhưng chúng phân ra làm chủ thể (lục căn và lục thức) và đối tượng (lục trần). Phật giáo khám phá 18 giới chỉ là ảo hóa, sự ảo hóa đó có nguồn gốc là Tâm, Tâm là Bất nhị tức không thể khẳng định là nó có hay không có, nó là tánh không, không thể nắm bắt nó được, nó bất sinh, bất diệt, bất biến, không bị hạn chế bởi không gian, thời gian, số lượng vì thật ra 3 đại lượng này là sản phẩm của Tâm, không thể nói nó lớn hay nhỏ, một hay nhiều. Tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh tiếp xúc (cảm giác do tiếp xúc) và tánh suy nghĩ, tưởng tượng, là những thuộc tính sẵn có của Tâm. Khả năng chung của tất cả thuộc tính đó gọi là Chánh Biến tri, khả năng đó kỳ diệu không thể tưởng tượng nổi. Hãy xem một người có đặc dị công năng là Trương Bảo Thắng hé lộ phần nhỏ của khả năng kỳ diệu đó.
Một hôm, rất nhiều họa sĩ trứ danh tụ hội xem Trương Bảo Thắng biểu diễn thấu thị, di chuyển vật thể. Để tỏ lòng mến mộ anh, trong số họ có một họa sĩ xem biểu diễn xong, ngay tại hiện trường tặng anh một bức quốc họa do chính mình vẽ. Bảo Thắng tiếp nhận bức họa, xem sơ qua một cái, rồi xé nát bức họa. Lúc mọi người nghe tiếng giấy bị xé, nhìn lại thấy anh ung dung xé nhỏ từng mảnh, đều kinh ngạc đến ngây người. Mọi người biết tác phẩm của vị họa gia trung niên này có tiếng tăm tới nước ngoài, nhiều người muốn thu giữ tác phẩm của ông phải phí sức bôn ba tìm kiếm, thế mà Trương Bảo Thắng trước mặt đám đông xé hủy một tác phẩm lớn của ông, việc này khiến ông không thể bước xuống đài, ông không biết nên xử trí ra sao, nổi giận khiến mặt ông đỏ lên, không nói được tiếng nào.
Trương Bảo Thắng xé xong, dùng sức vo các mảnh vụn thành một cục tròn, ném vào chậu nước rửa mặt. “Bảo Thắng, anh làm sao vậy ?” một người bạn như ngủ mê sực tỉnh, cảnh báo anh. Chỉ thấy Bảo Thắng khom lưng vớt cục giấy từ trong chậu nước lên, dùng hai tay ép mạnh cho nước từ trong cục giấy chảy ra ngoài, sau đó để cục giấy giữa hai lòng bàn tay, xoa xoa, không lâu có tiếng sè sè phát ra, lúc anh thôi xoa, bức quốc họa khôi phục nguyên trạng như cũ. Chỉ thấy anh phất tay một cái, trải ra trên bàn, hoàn toàn đúng là bức họa đó, không chút hư hao, không sai tí nào. Lúc đó, mọi người tại hiện trường mới sôi động trở lại, nhiều người không dám tin ở mắt mình. Lúc đó có người vỗ tay, những người khác mới nhớ đến việc vỗ tay hoan hô. Vị họa sĩ đã tặng bức họa, thấy tác phẩm của mình đã bị phá hủy hoàn toàn lại phục hồi như cũ, vui mừng ra mặt, không còn giận nữa, ông mới hiểu ra là trách nhầm Trương Bảo Thắng.
Nguyên là để cảm tạ tình cảm của người tặng bức họa, đặc biệt là có ý động viên tinh thần của tác giả, anh đã dùng đặc dị công năng để đáp tạ. Vị họa gia chạy lên phía trước, nắm chặt tay anh, nói : “ Thần tiên ! thần tiên ! Tôi được xem thần tiên sống rồi !”
Trương Bảo Thắng (phải) và Diệp Tuyển Bình
Sự ảo hóa đã được con người ứng dụng rất thành công trong công nghệ thông tin. Một bức ảnh, một cuốn sách, một phim video, ngày nay có thể dễ dàng truyền đi đến bất cứ nơi nào xa xôi nhất trên thế giới qua mạng internet rồi khôi phục lại trên màn hình vi tính. Chúng ta có thể nghĩ rằng vì văn bản, hình ảnh hay video là những vật ảo nên chúng có thể dễ dàng truyền đi xa và khôi phục. Còn đối với vật chất thì không thể ? Phật giáo nói rằng chúng ta chỉ suy nghĩ theo một thói quen sai lầm. Đối với Phật pháp, vật chất như nhà cửa, bàn ghế, xe cộ, năng lượng, sơn hà, đại địa…cũng chỉ là vật ảo. Nó phức tạp hơn hình ảnh hay video rất nhiều nhưng thật ra không khác về bản chất ảo hóa. Một video với âm thanh chỉ có sự tham gia của hai loại hạt electron và photon. Còn vật chất như trái táo cấu tạo bằng bốn loại hạt : quark, electron, higgs, lực (photon, gluon, W boson, Z boson). Tuy phức tạp hơn nhưng vẫn là ảo hóa. Vì là ảo hóa nên vẫn có tác dụng ảo rất kỳ lạ mà người đời cho là rất khó hiểu hoặc không thể hiểu nổi. Hãy xem biểu diễn của kỳ nhân Hầu Hi Quý :
Khi tôi (Liêu Văn Vĩ tác giả sách Đông phương kỳ nhân) tới khu nhà dân chật chội tìm Lưu Sĩ Lâm, đó là lúc 9g10 sáng (mùa thu năm 1979 tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) anh ta dường như mới ngủ dậy, đang bưng một cái chén gì đó để ăn sáng. Nghe tôi nói tìm Hầu Hi Quý để phỏng vấn, lập tức mắt anh ta sáng lên kỳ lạ, luôn miệng mời tôi ngồi xuống nói chuyện.
Liêu Văn Vĩ
Lưu Sĩ Lâm nói, có một hôm anh ta và Hầu Hi Quý cùng vài người bạn đi qua đoạn đường cầu Tây Hồ, lúc đó trời nắng gắt, mọi người đều khát nước, do đó có người đề nghị với Hầu Hi Quý.
“Hầu ca, chúng tôi khát nước, anh nghĩ ra cách gì đi, làm sao cho mát mát là được.”
Hầu Hi Quý biết trong lời nói đó có ý gì, ông sờ sờ cái đầu to lớn của mình. “Được rồi, đi uống bia, dưa hấu làm mát cổ”. Nói rồi, đưa tay lột lấy chiếc áo trắng trên người anh chàng kia, hai tay xoa ở chỗ vai giống như làm ảo thuật, sau đó để xuống dưới bóng cây, kế đó mở ra, dỡ áo lên, dưới đất bỗng xuất hiện hai chai bia và hai trái dưa hấu. Mọi người thấy vậy xúm lại tranh. Hầu Hi Quý hai tay ngăn lại nói : “Vật tới, tiền không phải đòi tôi trả chứ ?”
Lưu Sĩ Lâm biết Hầu Hi Quý không muốn lấy của người ta ăn, không trả tiền, vội lấy trong túi ra 5 nguyên tiền đưa vào tay ông. Hầu Hi Quý cũng không khiêm nhượng, để tiền trong lòng bàn tay, nhè nhẹ thổi một hơi, năm nguyên tiền giấy, thần không hay quỷ không biết, bỗng biến đi đâu mất.
“Thần tiên, thần tiên !” mấy thanh niên buột miệng kinh ngạc kêu lên.
Ca sĩ Ân Tú Mai, danh họa gia Tề Lương Chỉ và Hầu Hi Quý
Hầu Hi Quý đã lấy hai quả dưa hấu và hai chai bia từ một cửa hàng nào đó, có thể cách xa nơi ông và mấy người bạn đang đứng vài km bằng cách dùng ý niệm di chuyển. Vì không muốn lấy ăn không, nên ông trả 5 nguyên tiền (5 nhân dân tệ) cũng bằng cách dùng ý niệm di chuyển. Sở dĩ làm được như vậy là vì dưa hấu và chai bia cũng chỉ là vật ảo, không khác gì hình ảnh hay video. Nhưng đối với thói quen của chúng ta thì đó là vật thật ăn uống được.
Về tính chất vô thường của thế giới, xin xem bài Tính vô thường của các pháp (đưa lên tháng 5-2012).
2/ Tính vô ngã, cái ta chỉ là ảo tưởng, không phải thật. Một trong các đóng góp chủ yếu của Phật pháp là phá ngã chấp tức là phá bỏ sự kiên trì chấp trước vào cái tôi. Con người cho cái ta của mình là có thật. Ta có một thân thể do cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng đến trưởng thành. Ta có khả năng, trí thông minh, sở trường, sở đoản. Ta có anh em, bà con, thân nhân, dòng họ, dân tộc. Ta có nhà cửa, ruộng vườn, lãnh thổ, lãnh hải, quốc gia. Sự chấp ngã và ngã sở (cái của ta) được cho là hình thành một cách tự nhiên. Ta có nghĩa vụ thiêng liêng là bảo vệ mình và bảo vệ những cái được cho là của mình. Từ đó hình thành chủ nghĩa dân tộc. Các dân tộc tranh giành quyền lợi, tranh chấp với nhau về đủ mọi thứ gây ra các cuộc xung đột và chiến tranh. Cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ hai vô cùng tàn khốc làm chết 80 triệu người là hậu quả của chủ nghĩa dân tộc thiển cận. Nếu xảy ra cuộc Thế chiến lần thứ ba, nhân loại có nhiều nguy cơ diệt vong vì các loại vũ khí hủy diệt hiện nay mạnh hơn lần trước rất nhiều, sức mạnh hạt nhân của các cường quốc dư sức hủy diệt toàn bộ sự sống trên thế giới.
Phật pháp nói rằng vật đã không có thật thì cái ta cũng chỉ là ảo tưởng, là tập quán mê lầm. Các chủng tộc, dân tộc chỉ là vọng tưởng. Theo nguyên lý bất nhị, tất cả mọi chúng sinh đều có cùng một Tâm. Vô số chúng sinh chỉ là sự biểu hiện khác nhau của Tâm ấy mà thôi, do sự quy chiếu hay trải rộng ra không gian, thời gian và số lượng, tức là cái Tâm ấy trải rộng ra trong không gian và thời gian thành vô số chúng sinh ở vô số thế giới. Đó chính là cái “hiện tiền” của thế giới lượng tử mà nhà khoa học nổi tiếng nhất thời nay là Stephen Hawking và người cộng tác với ông là Neil Turok đề cập : “The quantum world is one of virtual particles continually fluctuating in and out of existence, even in a vacuum, of superstrings vibrating and twisting in ten or eleven dimensions, most of which are ‘rolled up’ and invisible, of a reality in which gravitation, spacetime and matter are or were merged in one ‘instanton” (Thế giới lượng tử là thế giới của các hạt ảo không ngừng dao động qua lại giữa hiện hữu và cả hư không, của siêu dây rung động và biến dạng trong 10 hoặc 11 chiều kích_ mà phần lớn những chiều kích ấy bị cuốn lên và vô hình_của một thực tại trong đó lực hấp dẫn, thời không, và vật chất, được hoặc đã được kết hợp lại trong ‘sát-na hiện tiền’).
Một hoàng tử Nhà Lý của Việt Nam là Lý Long Tường, cuối đời Lý đi lánh nạn cùng với gia đình dòng họ, trôi giạt đến Cao Ly. Ngày nay những người đó trở thành người Hàn Quốc. Vào cuối đời Minh ở Trung Quốc, nhiều người Hoa không phục nhà Mãn Thanh, họ kéo tới thần phục các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong Việt Nam, như Mạc Cửu đến Hà Tiên, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch đem 50 chiếc thuyền lớn với 3000 quân tới xin khai phá ở Biên Hòa và Mỹ Tho. Đó là những đoàn lớn. Còn lẻ tẻ suốt mấy trăm năm, người Hoa tới Việt Nam định cư từng người hoặc gia đình cũng rất đông. Ngày nay họ trở thành người Việt Nam. Sau năm 1975, có hàng triệu người Việt Nam đến Mỹ, Canada, Âu châu định cư. Rồi họ trở thành công dân của các nước đó. Ngay trong một gia đình hoặc một dòng họ, đi định cư ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Anh, Trung Quốc. Sau một hai thế hệ họ đã trở thành công dân của các nước đó.
Theo lịch sử loài người thì con người xuất phát từ một cái nôi có thể là Á châu hoặc Phi châu rồi sau đó di cư ra khắp thế giới, rồi trở thành các giống người và các dân tộc khác nhau. Như vậy thì không có cái gì là cố định bất biến. Tất cả đều biến dịch, vô thường. Chủ nghĩa dân tộc là một trong những lầm lẫn tai hại nhất của con người.
3/ Pháp giới bình đẳng, vạn vật đều ngang nhau, mọi vật đều có cuộc sống riêng của mình và phải tôn trọng cuộc sống riêng đó.
(Xem bài Pháp giới bình đẳng, đưa lên tháng 10-2012). Tuy nhận thức thế giới chúng sinh đều là ảo hóa nhưng Phật giáo rất tôn trọng sinh mệnh của mọi chúng sinh, không muốn làm thương tổn bất kỳ sinh vật nào. Vì vậy giới luật của Phật giáo là cấm sát sinh hại vật. Thái độ đó thể hiện lòng từ bi và cũng thể hiện trí tuệ vì hành giả nhận thức được luật nhân quả. Hôm nay ta giết một con vật để ăn thịt, đó là vay nợ mạng sống, có lúc sẽ phải trả nợ, sẽ bị giết để bị ăn thịt lại. Luật nhân quả là biểu hiện giống như lực và phản lực trong vật lý học. Nếu ta tác động một lực lên một vật thì sẽ phát sinh một phản lực tác động theo chiều ngược lại, đó là biểu hiện của quán tính vật chất do vật chất có khối lượng. Tương tự khi ta tạo một nghiệp lên một chúng sinh thì sẽ có một phản nghiệp tác động ngược lại. Nếu trong vật lý có lực quán tính thì trong tâm lý cũng có phản ứng theo thói quen. Phản ứng này đã được nhà tâm lý học Nga, Ivan Perovich Pavlov chứng minh với con chó. Khi tâm lý con chó đã có thói quen nghe tiếng kẻng trước khi ăn thì chỉ cần nghe tiếng kẻng, dịch vị của nó đã tiết ra dù không có cho ăn. Chính phản ứng theo thói quen là nguyên lý hình thành mọi thứ cảm giác khi lục căn tiếp xúc với lục trần sinh ra lục thức, tạo ra sự ảo hóa, tạo ra thế giới, dù cho bản chất của thế giới là tánh không, không có gì cả. Đó cũng là nguồn gốc của nghiệp và phản nghiệp. Ta và con vật vốn đều không có thật và không phải là hai. Nhưng trong tâm thức chấp trước của ta thì lại là có thật. Ta giết con vật để ăn thịt trong thời gian A, không gian A, phản nghiệp sẽ tự động đảo ngược lại ta sẽ trở thành con vật và con vật sẽ trở thành ta và nghiệp sẽ diễn ra ở trong thời gian B, không gian B. Vì chúng sinh không có lậu tận thông nên không theo dõi được nghiệp và phản nghiệp diễn ra như thế nào, khi bị nghiệp báo chỉ biết kêu trời, than thân trách phận chứ không biết nghiệp là do tự mình gây ra cả. Bậc giác ngộ như Đức Phật có đủ lục thông, thấy hết tất cả và nói lại trong các kinh điển.
Nghiệp là không thể tránh khỏi dù một người có thần thông đệ nhất như Mục Kiền Liên (目犍連Mahāmoggallāna). Ông bị bọn ngoại đạo lõa hình giết chết. Có nhiều thuyết nói về cái chết của ông. Có thuyết nói lúc ông đi ngang qua núi Y Tư Xa Lê, bị bọn ngoại đạo lõa hình lăn đá xuống đè chết. Có thuyết khác nói : Một hôm trên đường du hóa trở về, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, bị đồ đệ của Bảo Lạc Noa, thuộc phái Ni Kiền Tử, thường gọi là phái lõa hình, đem gậy gộc ra chận đường gây sự. Hai người đi cách xa nhau, chúng gặp Xá Lợi Phất trước và hỏi trong bọn chúng có sa môn không, Xá Lợi trả lời khéo khiến chúng lầm tưởng rằng có, và để cho ông đi qua. Một lát sau gặp Mục Kiền Liên, chúng cũng hỏi như thế, ông trả lời thẳng thừng rằng trong bọn chúng làm gì có sa môn, bọn chúng nổi giận đánh ông đến bất tỉnh. Xá Lợi Phất trở lại xem thấy ông bất tỉnh, bèn tìm cách đưa về Tịnh Xá, nhưng ông bị thương quá nặng nên qua đời. Một thuyết khác nữa nói : Mục Kiền Liên đang ẩn tu một mình trong tịnh cốc vắng, ven rừng Kàlasikà, thuộc vương quốc Magadha, bị một bọn giết mướn do các đạo sĩ Jaina thuê đến định giết. Ông dùng thuật ẩn thân khiến chúng không nhìn thấy nên không thể giết được. Chúng trở lại sáu lần nhưng đều không giết được. Đến lần thứ bảy thì ông biết rằng nghiệp phải trả, không thể tránh được, nên ngồi yên để chúng giết và bằm nát thân thể. Khi bọn sát nhân đã bỏ đi, ông dùng phép phục nguyên, khôi phục thân thể lại như bình thường, đến gặp Đức Phật để từ biệt, vì mạng căn đã hết, bèn nhập diệt (theo kinh Majjhima Jàtaka). Phép phục nguyên của Mục Kiền Liên chắc chắn là có thật, ngày nay chúng ta đã thấy Trương Bảo Thắng thực hiện nó với bức tranh của vị họa gia như đã kể ở phần trên.
Kết luận : Phật giáo cung cấp cho người đời một tri kiến hết sức sâu xa, siêu việt khoa học, về thế giới nhằm giúp chúng sinh thoát khổ. PG dạy rằng thế giới là chủ quan, vật chất là chủ quan, là thói quen kiên cố của tâm thức. PG trả lời với Einstein rằng mặt trăng không phải là tồn tại khách quan mặc dù 7 tỉ con người trên địa cầu đều nhìn thấy mặt trăng. Nếu phá bỏ được thói quen kiên cố trong a-lại-da thức cho rằng mặt trăng có thật, thì nó sẽ không tồn tại. Điều này được các nhà đặc dị công năng như Hầu Hi Quý, Trương Bảo Thắng chứng tỏ một cách rõ ràng.
Những tri kiến sâu xa đó có tác dụng thế nào đối với hòa bình thế giới và hạnh phúc nhân loại ? Phá bỏ chấp ngã sẽ dẫn tới bãi bỏ chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc. Chính các chủ nghĩa này là thủ phạm gây ra hai cuộc Thế chiến và rất nhiều cuộc chiến tranh lớn nhỏ khác giữa các nước.
Sự ham mê vật chất, ham mê quyền lực của cái ta là nguyên nhân mâu thuẫn xung đột giữa các cá nhân trong gia đình, trong xã hội, và trong thế giới. Sự mâu thuẫn xung đột càng có quy mô to lớn hơn trên bình diện dân tộc, quốc gia.
Có người sẽ nêu câu hỏi : Nếu tôi không đấu tranh trong khi những người khác tranh giành thì tôi làm sao tồn tại được khi bị người khác, nước khác chèn ép ? Câu hỏi này vốn đã sai ngay từ đầu bởi vì cái tôi vốn là không có thật. Cái tôi của kẻ mạnh người yếu đều không có thật. Họ đấu tranh với nhau nhân danh quyền lợi của tôi, dân tộc của tôi, quốc gia của tôi, là dựa trên ảo tưởng sai lầm dẫn tới đau khổ không đáng có. Tại sao họ không thể chia sẻ cùng nhau ?
Họ tranh giành lãnh thổ, lãnh hải, các nguồn tài nguyên dầu hỏa, khoáng sản và nhiều thứ khác nhưng không biết rằng tất cả những thứ đó cũng đều không có thật. Số lượng vật chất, không gian, thời gian đều là không có thật, không nhất thiết phải tranh giành. Tuy có một sự thật tương đối là mọi người đều cần nhà cửa để ở, cơm ăn áo mặc, vật dụng. Tại sao mọi người không thể chia sẻ cùng nhau ?
Mặc dù Phật giáo nói bản chất của thế giới, vạn vật là không, nhưng PG cũng thừa hiểu có sự thật tương đối, hữu hạn của thế gian. Do đó PG không kêu gọi bãi bỏ tất cả những gì mà nền văn minh của con người đã xây dựng nên. Mọi người vẫn có thể tiếp tục cuộc sống bình thường của mình, theo đuổi nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên có những ác nghiệp như sát sinh hại vật, hại người là những cái nên tránh vì nghiệp báo của chúng. PG khuyến khích ăn chay để thể hiện lòng từ bi đồng thời tránh gây nghiệp ác. Triết lý của PG là không có sự hạn chế về không gian, thời gian và số lượng. Thế giới là do Tâm tạo, tâm an lành sẽ tạo ra thế giới an lành, tâm hung ác sẽ tạo ra thế giới địa ngục. Địa ngục không phải ở đâu xa, xung đột, chiến tranh chính là một thứ địa ngục ở trên thế gian. Bệnh tật cũng là một thứ địa ngục khác. Bệnh tật là do phiền não, tham dục, từ tâm bệnh dẫn đến thân bệnh. Dân tộc Kogi sống biệt lập ở Nam Mỹ, tâm luôn an lạc nên họ không có bệnh tật, đa số sống trên trăm tuổi.
Tâm an lạc, không ham muốn (vô sở cầu). Vì không ham muốn nên không có sự được mất (vô sở đắc). Và kết quả là không có điều gì phải lo âu sợ hãi (vô sở úy). Không có niềm đam mê, không đuổi theo dục lạc, liệu cuộc sống còn ý nghĩa gì chăng ? Ý nghĩa đích thực của cuộc sống không phải phù phiếm ở chỗ đam mê dục lạc mà hướng tới giác ngộ. Giác ngộ là giải thoát khỏi mọi trói buộc hạn chế. Người giác ngộ làm chủ được tâm tức làm chủ pháp giới. Giác giả không cần chế tạo phi thuyền không gian mà vẫn có khả năng đi khắp vũ trụ pháp giới. Giác giả không cần chế tạo cỗ máy thời gian mà có thể tùy ý gặp gỡ Phật Thích Ca hay bất cứ nhân vật nào của quá khứ, cũng có thể gặp Phật Di Lặc hay bất cứ nhân vật nào của vị lai. Giác giả (Phật A Di Đà) có thể sáng tạo một thế giới Tây phương cực lạc thanh tịnh để tiếp nhận vô lượng vô biên chúng sinh thanh tịnh đến cư trú mà không bao giờ sợ thiếu không gian hay thực phẩm vì không còn bị trói buộc trong sự hữu hạn của số lượng.
Hành giả cũng không lo âu về cuộc sống hiện tại, không sợ nghèo khổ thiếu thốn vì nhu cầu rất đơn giản. Mỗi ngày hai bữa cơm đạm bạc, vài bộ quần áo, một chỗ trú tránh mưa nắng, là đủ cho cuộc sống bình an, mà hầu như những người nghèo khổ nhất trên thế giới đều có thể có. Vấn đề là tâm có an lạc hay không. Đời sống của các tu sĩ Phật giáo chân chính không xa những điều này. Còn những ai có gia đình, vợ con hay chồng con thì phải cố gắng nhiều hơn một chút, lo toan nhiều hơn một chút, nhưng tâm vẫn an lạc nếu hiểu thế giới là ảo hóa. Và nếu biết đủ thì cũng không có gì quá phải ràng buộc.
Hiểu biết chân thật về thế giới chính là những đóng góp rất quan trọng của Phật giáo cho hòa bình và an lạc của thế giới. Giáo lý thắng nghĩa đế của Phật giáo cần được phổ biến khắp thế giới để cho nhân loại hiểu rõ và thực hành vì mục tiêu hòa bình và an lạc cho nhân loại và chúng sinh.
Truyền Bình
Thank you very much !!
Cám ơn bạn đã có phản hồi.
TB
Pingback: Danh sách chuyên mục Bài Viết của Duy Lực Thiền | Duy Lực Thiền