Về phương diện liễu nghĩa, Phật giáo nói rằng thời gian không có thật, quá khứ, hiện tại, vị lai đều chẳng thể thành lập, nghĩa là đều không có thật. Pháp giới bình đẳng, mọi lúc mọi nơi đều như nhau. Giới khoa học hiện nay cũng đã có người nhận thức được rằng, vũ trụ vạn vật cũng chỉ là ảo ảnh 4 chiều (3 chiều không gian và 1 chiều thời gian), ảo ảnh đó có bản chất là thông tin, là số (0 và 1) có thể được ghi lại trên mặt phẳng 2 chiều, và có thể tái hiện. Cuộc đời một con người cũng vậy, có thể ghi lại như một cuốn phim và có thể tái hiện bất cứ lúc nào. Theo Phật giáo thì cuốn phim vũ trụ và nhân sinh được tự động ghi lại trong A-lại-da thức không bỏ sót bất cứ chi tiết nào và cứ tái hiện qua vô lượng kiếp luân hồi không bao giờ ngừng khi nào tâm vọng tưởng vẫn còn hoạt động, kể cả lúc một kiếp chúng sinh chết đi. Khi nào tâm ngưng bặt (giác ngộ) thì bộ máy luân hồi cũng ngừng lại, không gian, thời gian, số lượng, tất cả đều ngừng lại. Giống như khi ta tắt chiếc máy vi tính thì tất cả hoạt động trên màn hình vi tính đều dừng lại hết.
Cái vũ trụ vạn vật ảo tưởng mà chúng ta sống trong đó, Phật giáo gọi là thế lưu bố tưởng, tức là tưởng tượng đã thành nếp, thành thói quen nhận thức, đã lưu hành phổ biến trên thế gian. Nên dù bậc thánh trí giác ngộ cũng phải hòa nhập theo thói quen phổ biến đó thì mới giao tiếp được với chúng sinh. Vì vậy nên mới có sự ghi nhận phân biệt bốn mùa, thời gian, không gian khác nhau, vạn vật thiên hình vạn trạng, tạm thời chấp nhận sự hạn chế của thời-không và số lượng.
Với chủ đề đón xuân, và nhân ngày giỗ sắp đến của Thầy Duy Lực (02-12 âm lịch), trước nay có một số Phật tử gợi ý muốn hiểu rõ hơn về tiểu sử của thầy, nhất là giai đoạn trước khi xuất gia, mà tiểu sử chính thức đã công bố thì quá vắn tắt khô khan, có nhiều người thậm chí đã tìm đến tận nhà để hiểu thêm, nay nhân giỗ thầy và mùa xuân Quý Tỵ cũng sắp về, chúng tôi viết một bài hồi ức để tưởng nhớ thầy và phần nào đáp ứng nguyện vọng của những ai quan tâm tới thầy, có thể biết thêm một số chi tiết trong cuộc đời của thầy mà chúng tôi trộm nghĩ, rất trong sáng và cao đẹp. Thầy xuất gia trở thành tu sĩ từ năm 1973. Còn trước đó thầy cũng là người bình thường có gia đình hoặc chỉ là cư sĩ.
Thầy ra đời năm 1923 ở Bình Thủy, Cần Thơ, Việt Nam, khoảng hai ba tuổi thì mồ côi mẹ, vì bà bị chó dại cắn mà không có chích ngừa. Khoảng 7 tuổi, được cha dẫn về Trung Quốc đi học, chỉ được học có mấy năm ngắn ngủi cấp tiểu học tại trường làng ở ngôi làng Long Yên là một vùng nông thôn miền núi, huyện Phong Thuận, Triều Châu, cách thành phố duyên hải Sơn Đầu khoảng nửa ngày đường đi xe. Đến năm 15 tuổi thì trở lại Việt Nam, cũng ở Bình Thủy. Hình header của blog này chính là một đoạn của rạch Bình Thủy, phía bờ sông bên kia, đối diện với ngôi nhà cũ của thầy bên này sông. Thầy không được học nhiều, nhưng trong tàng thức đã có sẵn chủng tử của một ông thầy, nên tự học văn hóa rất nhanh, mau chóng có đủ khả năng trở thành thầy giáo dạy Hoa ngữ.
Thầy kết hôn năm 1949, sau đó mở lớp dạy học tiếng Hoa ở Bình Thủy khoảng hơn một năm, thu nhập không đủ sống, nên khoảng năm 1950, phải lên Sài Gòn mưu sinh, làm việc cho nhật báo Viễn Đông tiếng Hoa ở Chợ Lớn. Mặc dù báo tiếng Hoa nhưng hàng ngày vẫn có đăng những thông cáo của chính quyền bằng tiếng Pháp, thầy chưa biết tiếng Pháp nhưng vẫn nhận công việc sắp chữ bằng tiếng Pháp, sắp xong in thử, rồi đem về nhà, đưa cho vợ thầy, lúc đó cũng theo thầy lên Sài Gòn, làm thư ký cho một cơ sở Pháp, xem và sửa lỗi trước khi in. Hàng ngày thầy cố gắng học tiếng Pháp. Hiện vẫn còn lưu giữ bài học tiếng Pháp do chính tay thầy ghi chép.
Thủ bút của thầy bằng chữ viết La Tinh
Bài này có nghĩa như sau :
Cha tôi
Mỗi buổi sáng khi chúng tôi đến trường, cha tôi vào xưởng. Ông làm việc ở đó suốt ngày.
Buổi tối khi cha tôi trở về nhà, ông có vẻ rất mệt. Mặc dù mệt, ông luôn mỉm cười. Mẹ tôi, các anh chị em và tôi, chúng tôi đến ngồi chung quanh ông. Chúng tôi nói chuyện vui vẻ. Chúng tôi kể cho cha nghe tất cả những việc làm trong ngày. (chữ “durent” chính xác là durant).
Ở nhà cha tôi không nghỉ ngơi, ông rất năng động, ông giúp mẹ công việc gia đình, ông hướng dẫn việc học của chúng tôi và thường đưa ra những lời khuyên rất tốt cho chúng tôi.
Cha tôi làm việc (chữ “travailler” phải chia động từ thành travaille mới đúng) suốt ngày để đảm bảo cuộc sống hạnh phúc cho gia đình. Công việc của ông thật là nặng nhọc! Chúng tôi phải cố gắng học giỏi trong lớp để làm ông vui lòng.
Chỉ được mấy tháng, thầy bị bệnh lao, phải vào bệnh viện Grall (ngày nay là Bệnh viện Nhi Đồng 2. Nửa thế kỷ sau, một đứa cháu nội của thầy cũng vào điều trị ở bệnh viện này trong bốn tháng, nghi là xuất huyết dạ dày nhưng không tìm ra nguyên nhân bệnh, đó cũng là khoảng thời gian thầy viên tịch, sau đó đứa bé bỗng nhiên khỏi bệnh) giải phẫu phổi và điều trị. Khi tình hình bệnh đã đỡ, thầy về Bình Thủy dưỡng bệnh, đến Tết năm 1951, vợ thầy cũng về để chuẩn bị sinh con đầu lòng.
Khi tình hình sức khỏe đã ổn định, con mới vừa đầy tháng, thầy lên Nam Vang (Phnom Penh), Campuchia, tìm việc làm do ở đó có người bà con. Từ trước đến nay, bà thầy thường nói thầy dạy học tại tỉnh Tà Keo, nhưng khi xem xét kỹ bản đồ của Campuchia, thì thực tế không phải thầy dạy học ở tỉnh Tà Keo (Takeo hoặc Takêv, Takaev) mà là ở huyện Prey Veng (Prey Vêng, Prey Veaeng), trực thuộc tỉnh Prey Veng, tại đó có một trường trung học công lập nhỏ (thật ra khái niệm công lập và tư thục ngày xưa không rõ ràng, có những trường do tư nhân thành lập, nhưng hoạt động theo đúng qui chế của nhà nước, cũng gọi là công lập) dành cho người Hoa, muốn mời thầy làm hiệu trưởng, nhưng qui định của nhà nước sở tại, người làm hiệu trưởng phải có bằng cấp chứng nhận một trình độ tối thiểu phù hợp với công việc, mà thầy chưa có, vì vậy thầy phải đến Nam Vang thi lấy bằng cấp cần thiết đó một cách nhanh chóng, và đảm nhận chức vụ hiệu trưởng của ngôi trường đó.
Huyện Prey Veng cách Phnom Penh 90km đường bộ, đi về phía đông nam tới Kampong Leav rồi ngược lên bắc một đoạn, nơi thầy dạy học
Tỉnh Prey Veng, tỉnh lỵ đặt tại Kampong Leav (không phải tại huyên Prey Veng)
Từ Cần Thơ đi lên Phnom Penh bằng con đường dọc theo Sông Hậu đi lên Châu Đốc, có đường nhỏ đi ngang qua tỉnh Takeo, qua trung tâm tỉnh đặt tại Doun Kaev, nhưng không có xe đò đi thẳng từ Châu Đốc lên Phnom Penh, người buôn bán thường đi bằng đường sông, tiện hơn nhiều. Còn nếu đi từ Sài Gòn (bến xe An Đông xưa) lên Củ Chi qua cửa khẩu Bình Hiệp của huyện Mộc Hóa tỉnh Long An đến Prey Veng thì gần hơn vì không cần phải tới Phnom Penh, đó là con đường thầy đã đi. Có lần bà thầy từ Phnom Penh trở về Cần Thơ, đi đường sông, quá giang ghe của người bà con. Ngày xưa tôi có nghe thầy nói đến địa danh mà tiếng Tiều gọi là Bô-lào-hóa, đó là nơi thầy dạy học, tra cứu trên mạng, Hán ngữ ghi là 波萝勉 (ba la miễn) đó chính là Prey Veng. Thầy cũng có nói tới địa danh Tà keo, nhưng đó chỉ là tên tỉnh nơi thầy đi ngang khi đi bằng đường sông, chứ thực ra không có thị trấn Tà keo, tỉnh lỵ là Doun Kaev, thầy không phải dạy học ở đó, còn huyện Prey Veng trực thuộc tỉnh Prey Veng chứ không phải thuộc tỉnh Tà Keo. Theo mô tả của bà thầy thì Prey Veng rất nhỏ bé nghèo nàn, thua xa Bình Thủy, điều đó phù hợp thực tế, vì nó chỉ là huyện chứ không phải trung tâm của tỉnh.
Còn tỉnh Tà Keo thì không có huyện hay thị trấn Tà Keo.
Tỉnh Tà keo có 10 huyện nhưng tỉnh lỵ là Doun Kaev, không phải Takaev
Sở dĩ phải thuyết minh dài dòng như thế để đính chính một nhầm lẫn trước đây trong tiểu sử của thầy nói rằng thầy dạy học tại tỉnh Tà Keo, nguyên nhân nhầm lẫn này là do bà thầy nghĩ rằng huyện Prey Veng nằm trong tỉnh Tà Keo. Thực tế thì huyện Prey Veng nằm trong tỉnh Prey Veng.
Trường này rất nhỏ chỉ có một hiệu trưởng kiêm giáo viên và hai giáo viên khác.
Bà thầy và cháu bé trước cửa ngôi trường tại Prey Veng, bảng hiệu đề: “Hoa kiều công lập Trung Hoa học hiệu”
Gia đình nhỏ của thầy, mới có con gái đầu lòng. Hình chụp ngày 12-11-1952 tại Prey Veng
Đó là mùa xuân năm 1953, thầy sắp có đứa con thứ hai. Sau Tết năm đó, vợ thầy trở về Bình Thủy để sinh đứa con thứ hai vào tháng Tám tây. Sinh con trai là việc rất vui mừng đối với người Hoa, nên có một người bạn của thầy khi hay biết, đã đăng tin trên một tờ báo tiếng Việt để chúc mừng, bà thầy có xem mẩu tin đó. Sau đó, do hoàn cảnh không tiện trở lại Prey Veng, bà thầy ở lại Bình Thủy để nuôi các con, còn thầy tiếp tục ở lại làm hiệu trưởng thêm một năm nữa rồi cũng trở về Bình Thủy.
Thầy nhận dạy học tại công sở Triều Châu. Đó là hội quán của người Hoa gốc Triều Châu ở Cần Thơ. Sau này hội quán đó đổi tên và đổi hoạt động, trở thành nơi sinh hoạt Phật giáo của người Hoa ở Cần Thơ với tên Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm. Thầy dạy học ở đó mấy năm, rồi chuyển sang dạy học ở trường trung học tư thục Khải Trí ở Cần Thơ. Sau lại chuyển sang dạy học cho một trường trung học ở Cái Vồn (nay là Bình Minh tỉnh Vĩnh Long).
Đó là mùa xuân năm 1957, gia đình thầy mới xây dựng xong ngôi nhà nhỏ tại Bình Thủy hồi năm ngoái, ngôi nhà này đến nay vẫn còn mặc dù đã có nhiều thay đổi, thầy có thêm đứa con thứ ba được hai tuổi và vẫn đi dạy học ở Cái Vồn.
Gia đình thầy phía trước ngôi nhà đơn sơ, có chiếc xe mobylette là phương tiện đi lại của thầy
Trong thời gian đi dạy học ở Cái Vồn, thầy thuê một căn phòng nhỏ để ở trọ cùng với một người bạn tên là Trần Trung Phương mà chúng tôi thường gọi là ông Trần, ông là người rất vui tính dễ mến. Đó là người bạn thân duy nhứt của thầy mà tôi được biết. Mỗi tuần đến Thứ Bảy thầy mới về nhà cùng với người bạn, hai người đèo nhau trên chiếc xe mobylette. Ở nhà ngày chủ nhật, đến chiều chủ nhật, hai người lại trở về trường. Có lần khi trở về chỗ trọ thì mới hay căn phòng đã bị trộm cạy cửa vào lấy hết quần áo đồ đạc. Khi thầy đi làm việc ở Cà Mau thì không còn liên lạc với ông Trần. Tôi đọc lại hồi ký của mình viết từ năm 1967, lúc học lớp Đệ lục trung học, thì thấy có ghi nhận mùa xuân năm 1963, ngày mồng 7 tết, ông Trần có đến nhà tìm thầy, nhưng sáng sớm hôm đó, thầy đã lên đường đi Cà Mau nên không gặp, và mãi về sau hình như hai người không có dịp gặp lại nữa.
Khoảng năm 1958, thầy lại chuyển hướng nghề nghiệp, học tập làm Đông y sĩ, có thi lấy bằng cấp Đông y. Thầy tự học châm cứu bằng cách đặt mua sách y khoa Hán ngữ từ Hong Kong gởi qua. Thầy có khả năng tự học rất lớn. Chỉ bằng tự học, thầy sử dụng được 4 ngôn ngữ : Việt, Quan thoại, Tiều, Quảng và y thuật châm cứu. Hiện còn chút ít thủ bút ghi chép về y dược của thầy trong giai đoạn này.
Thủ bút của Thầy bằng chữ Hán
Ghi lại bằng chữ in cho dễ đọc và phiên âm dịch nghĩa như sau :
神農本草經 上 品 Thần Nông bản thảo kinh Thượng phẩm (Sách kinh điển về các dược thảo cơ bản tích lũy từ đời vua Thần Nông Quyển thượng)
人参,氣味甘微寒。無毒。主補五藏,安精神,定魂魄,止驚悸,除邪氣,明目,開心,益智,Nhân sâm, khí vị cam, vi hàn. Vô độc. Chủ bổ ngũ tạng, an tinh thần, chỉ kinh quý, trừ tà khí, khai tâm, ích trí (Nhân sâm mùi vị ngọt, hơi hàn. Không độc. Chủ yếu bồi bổ ngũ tạng, làm an tinh thần, hồn phách yên ổn, làm dừng sự kinh động, trừ khí độc, làm sáng mắt, tâm cởi mở, thêm trí tuệ).
久服輕身延年 Cửu phục khinh thân diên niên (Dùng lâu khiến thân thể nhẹ nhàng, tuổi thọ kéo dài).
Học xong, thầy thuê một căn phòng ở Cần Thơ làm phòng mạch để xem mạch, châm cứu, trị bệnh. Nhưng cuộc mưu sinh khó khăn, người đến trị bệnh quá ít, không thể tiếp tục nên chẳng bao lâu, thầy trở về nhà, mở phòng mạch và hiệu thuốc Bắc tại nhà. Nhưng thầy không có nhân duyên làm ăn kinh doanh, nên làm phòng mạch tại nhà cũng không khá gì hơn, không thể sống được. Khoảng cuối năm 1960, thầy một lần nữa phải rời nhà, hôm đó, tôi đang học lớp năm tiểu học (tương đương lớp một ngày nay), về nhà thì không thấy thầy đâu, hỏi ra mới biết thầy đã đi Cà Mau làm thầy thuốc cho hiệu thuốc bắc Tế Ngươn Đường ở chợ Cà Mau.
Đó là mùa xuân năm 1961, thầy từ Cà Mau trở về nhà ăn Tết, hiệu thuốc có gởi tiền lì xì khá hậu hỉ cho ba đứa con của thầy, mỗi đứa được 50 đồng, tiền thời đó. Lúc đó, tiền lương trung bình của công chức khoảng trên dưới một ngàn đồng. Gần cuối mùa hè năm 1961, vợ thầy có dẫn ba đứa con đi Cà Mau thăm thầy. Khoảng cách từ Cần Thơ xuống Cà Mau hơi xa hơn từ Cần Thơ đi Sài Gòn một chút, mặc dù không có phà ngăn cách nhưng đường xấu, có khi bị đắp mô phá hoại do chiến tranh, thường phải mất gần cả một ngày trời mới tới nơi. Tập hồi ký của tôi có ghi chi tiết chuyến đi đó, xe đò Đại Đồng khởi hành lúc 8g30 sáng, mãi đến 4g chiều xe mới tới tỉnh lỵ Cà Mau. Khoảng gần cuối năm 1961, cha thầy qua đời nên thầy phải về nhà làm đám tang. Thầy làm việc ở Cà Mau được hơn 4 năm, trong thời gian đó mỗi năm thầy về thăm nhà khoảng một hai lần, vợ thầy cũng có dẫn các con xuống Cà Mau thăm thầy được hai lần. Lần đầu năm 1961, lần hai là mùa hè năm 1963, trong lần hai nầy, bà mẹ có ẳm theo đứa con trai nhỏ mới sinh năm 1962, lúc đó mới biết nói bập bẹ. Vì đường bộ đi rất mất thời gian, nên năm sau cùng ở Cà Mau (1964) thầy di chuyển bằng máy bay mỗi khi đi lại.
Đó là mùa xuân năm 1964, tôi đang học lớp nhì tiểu học. Quyển hồi ký của tôi có ghi nhận, hôm đó là một ngày gần tết, ngày Thứ Sáu trong tuần, tôi và một đứa anh em bà con đi mua trấu làm chất đốt cho gia đình bằng xuồng, về nhà thì vui mừng hay tin thầy mới từ Cà Mau về nhà bằng máy bay. Tết năm đó, gia đình thầy rất vui, thầy đưa vợ và con gái lớn đi Cần Thơ uốn tóc và sắm sửa quần áo cho các con, tôi cũng được mua cho một chiếc áo lạnh mà mãi mấy chục năm về sau, đến năm 1991 khi đi Hà Nội làm việc tôi vẫn còn mang theo để dùng, nó ngắn cũn cỡn và không đủ chống lại cái rét nên tôi phải mua một cái áo lạnh khác.
Đó là mùa xuân năm 1965. Mùa xuân này đánh dấu một bước chuyển quan trọng khiến cho thầy đến gần với Phật giáo hơn. Thầy rời khỏi Cà Mau để về hẳn Cần Thơ làm thầy thuốc Đông Y, nhưng không phải cho một tiệm thuốc bắc, mà cho một hiệp hội của người Hoa tại Cần Thơ, đó là Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm, hoạt động có tính cách từ thiện. Thầy xem mạch, châm cứu, trị bệnh miễn phí cho bất cứ bệnh nhân nào có nhu cầu khám chữa bệnh, cho toa để họ tự đi hốt thuốc. Hội trả lương cho thầy, mỗi tháng 2000 đồng, bằng lương của một công chức bình thường, tuy không nhiều nhưng cũng giúp cho gia đình thầy tạm xoay sở một cách dè sẻn. Từ đây về sau, thầy không còn bận tâm với việc mưu sinh nữa mà chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp vì trong hội có nhiều kinh sách chữ Hán in tại Hong Kong và Đài Loan. Lúc đó thầy có khuynh hướng Tịnh Độ tông. Trụ sở của hội ở tại Cần Thơ, tuy cách nhà tại Bình Thủy chỉ có 7 cây số, nhưng cũng không tiện đi lại mỗi ngày. Ban đầu, hội có thuê một người quét dọn và làm bếp, bà này nấu cơm và làm đồ chay cho thầy ăn. Sau bà này chết vì tai biến mạch não, thầy phải tự túc việc ăn uống, bằng cách mua một nồi cơm điện, nấu cơm gạo lứt, ăn với muối mè. Nhưng tình hình này không kéo dài, sau biến cố Mậu Thân 1968, có một gia đình người Hoa tới tạm trú trong trụ sở hội, bà vợ người Việt, chúng tôi gọi là cô Nhu, lại nấu cơm và làm đồ chay cho thầy ăn. Thầy làm Đông Y sĩ, ở tại đó suốt tuần, chiều Thứ Bảy mới về nhà và ở nhà ngày Chủ nhật, sáng Thứ Hai mới trở lại nhiệm sở. Việc đi lại giữa Cần Thơ và Bình Thủy thời đó thường dùng taxi, nhưng không phải loại taxi như ngày nay, mà là xe hơi cũ dùng làm xe khách, giá cước cũng không cao, khoảng hai ba đồng một lượt khách, học trò đi học cũng đi bằng xe này. Về sau thì loại xe Daihatsu 4 bốn bánh có thùng xe rộng hơn, thay thế cho loại xe hơi đưa khách này. Cầu Bình Thủy thời đó là một cây cầu sắt hẹp, chỉ lưu thông được một chiều, xe đạp, xe máy đi qua cầu rất nguy hiểm nếu qua chưa hết cầu mà bảng điều khiển đã xoay chiều, dòng xe ngược chiều bắt đầu lên cầu, chỗ tránh rất chật hẹp, đã có nhiều tai nạn xảy ra, đã có trường hợp cả người và xe đạp rơi tõm xuống sông. Nhưng từ mùa hè 1968, gia đình đã sắm được xe Honda và cầu Bình Thủy cũng được xây dựng bằng bê tông, rộng, lưu thông được hai chiều, an toàn hơn, nên khoảng cuối năm ấy, tôi dùng xe Honda đi học lớp Đệ Tứ trung học Phan Thanh Giản, chiều Thứ Bảy, tôi ghé Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm đón thầy về nhà bằng xe Honda. Thời gian đầu (1965-1968) thầy đi lại bằng xe hơi khách, nhưng thời gian sau (1968-1973), gia đình có xe Honda, nên tôi thường đưa rước thầy kết hợp với đi học. Thầy làm việc tại đó được 8 năm, từ 1965 đến hết năm 1972.
Đó là mùa xuân năm 1973, sau khi chị tôi tốt nghiệp Sư phạm ra trường đi dạy học, thầy đã quyết định xuất gia đi tu. Gia đình tuy cũng có ngậm ngùi nhưng không ai muốn ngăn cản ý chí của thầy. Gia đình cũng có hiểu nhiều về Phật pháp qua hướng dẫn trực tiếp của thầy và qua tạp chí Phật giáo Từ Quang do cư sĩ Mai Thọ Truyền chủ biên, đặt mua đều đặn hàng tháng từ 1967-1975, trước khi gia đình đặt mua, thầy cũng có đem về những ấn bản của Từ Quang từ 1965-1966 cho gia đình xem.
Thầy và hai đứa con trai nhỏ, trước cửa nhà vào Tết 1973, trước khi xuất gia
Tết năm đó thầy ở lại nhà chơi lâu hơn những cái Tết trước kia. Rằm tháng giêng, tức Tết Nguyên tiêu năm Quý Sửu 1973, thầy lên đường đi Sài Gòn đến chùa Từ Ân tu học, chuẩn bị thọ giới Tỳ kheo. Chị tôi dùng xe honda PC đưa thầy ra bến phà Cần Thơ, thầy biểu đưa luôn qua phà sang Bình Minh để đi cho nhanh hơn. Thầy chỉ đem theo vài bộ đồ để mặc tạm, gói trong giấy báo. Gia đình không có nhiều người đi tiễn thầy vì các con đều bận đi học. Lúc đó, tôi không có ở nhà, vì sau tết đã lên đường đi học Đại học tại Long Xuyên. Sau đó không lâu, lúc tôi ghé qua Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm để tìm lại chút kỷ niệm về thầy, con trai của cô Nhu có chỉ cho tôi xem báo tiếng Hoa phát hành ở Sài Gòn có đăng tin thầy xuất gia.
Từ lúc thầy xuất gia về sau thì giới Phật tử đã biết nhiều nên không cần nói thêm. Sau khi xuất gia, thầy đã chuyển hẳn sang Thiền tông, và từ ngày 2-4-1977, thầy bắt đầu ra hoằng pháp tại chùa Từ Ân, bắt đầu công cuộc chấn hưng Thiền tông. Từ năm 1989, thầy sang Mỹ lập Từ Ân Thiền Đường tại Mỹ, sau đó hoằng pháp cả hai nơi, Mỹ và VN cho đến gần cuối năm 1999.
Để có thêm chút hương vị Xuân, xin mời bạn đọc nghe bài hát bằng lời của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh với 4 phiên bản :
1/Lời Kinh tiếng Phổ thông Trung Quốc do đại sư Huyền Trang dịch từ Phạn sang Hán. Ca sĩ Hoàng Tư Đình hát.
般若波羅蜜多心經 – 黃思婷 Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh – Hoàng Tư Đình
2/Lời Kinh tiếng Hoa phổ thông do ca sĩ Phật tử Mạnh Đình Vy hát, có dịch tiếng Việt.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh – Mạnh Đình Vy – Ca từ – Việt dịch
3/ Lời ca nguyên bản tiếng Phạn có phụ đề dịch Tiếng Việt, do Dạ Lai Hương hát.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (lời hát tiếng Phạn) Dạ Lai Hương xướng có dịch nghĩa tiếng Việt
4/ Lời ca là bản dịch tiếng Việt của Bát Nhã Tâm Kinh do Đại Đức Thích Nhật Từ dịch, ca sĩ Thanh Thúy hát.
Kinh A Di Đà – 8 : Bát Nhã Tâm Kinh – Võ Tá Hân phổ nhạc
Bạn có thể đọc thêm Bát Nhã Tâm Kinh do thầy Duy Lực chú giải trong chuyên mục Kinh sách của Blog này. Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Lược Giải
Pingback: Danh sách bài viết trong chuyên mục Nhà sau | Duy Lực Thiền
Mấy đứa con còn nhỏ vậy?