SỰ KẾT THÚC CỦA SINH VẬT TIẾN HÓA LUẬN

Horgan cũng dành một chương trong sách của ông để nói về sự cùng đường của sinh học tiến hoá luận : “The End of Evolutionary Biology” (Sự kết thúc của sinh học tiến hoá). Nhưng rất tiếc tôi không có cuốn sách của ông trong tay, tuy nhiên tôi cũng có thể tổng hợp được ý kiến của nhiều người khác trên mạng, bởi vì thực ra Horgan cũng chỉ tập họp ý kiến của nhiều người khác mà thôi.

Trước hết, hãy xem qua bài giới thiệu của Ô. Nguyễn Đức Hiệp (Vietsciences) về Darwin.

Darwin

Charles Robert Darwin, FRS (12 February 1809 – 19 April 1882)

Darwin sinh năm 1809 trong một gia đình khá giả ở một thành phố nhỏ Shrewbury, Tô Cách Lan. Ông nội của Darwin là một thi sĩ có tiếng, Eramus Darwin. Lúc còn là sinh viên y khoa trẻ ở đại học Edingburg, ông bắt đầu say mê tìm hiểu và học hỏi sinh vật học: thiên nhiên đã có một sức hấp dẫn đặc biệt đến ông. Sau này khi ông bỏ y khoa chuyển qua đại học Cambridge để học thần học như ý thân phụ ông muốn, ông đã có dịp học hỏi từ các bậc thầy nổi tiếng về thực vật học như J. Henslow, địa chất học như A. Sedgwick. Ông theo dõi và đọc các sách của các nhà khoa học đương thời như A . Humboldt, C. Lyell, đặc biệt sách ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông là “Nguyên lý địa chất học” (Principles of Geology) của C. Lyell trong đó nó cho ông thấy trái đất rất cổ xưa và tuổi địa chất rất lớn so với độ thời gian thế hệ của các sinh vật, sự thay đổi nhỏ, dần dần trên trái đất nhưng với một thời gian địa chất lâu đời sẽ kết tinh lại đưa đến sự thay đổi rất lớn.

Darwin đến Sydney trên tàu HMS Beagle ngày 12/1/1836. Sau khi nhận xét Sydney lúc này là một thành phố tốt, đường xá rộng, sạch, nhà cửa phố xá khang trang, ông lập tức sửa soạn chuyến đi sâu vào bên trong lục địa để khảo sát. Ông mướn người và ngựa để dẫn ông đi Bathurst, một thành phố phía tây Sydney băng qua núi Blue Mountains thuộc dãy núi Darling Range chạy dài ở gần bờ biển phía đông lục địa Úc. Trong chuyến đi này ông dừng chân lại ở nhiều nơi như Wentworh Falls, Lithgow. Mặc dầu không thấy kangaroo nhưng ông gặp nhiều thổ dân, và tình cờ quan sát được con platypus, một loài thú mỏ vịt đuôi chồn, đặc hữu ở Úc. Trên một bờ sông gần Wallerang, ông nằm suy nghĩ và viết trong nhật ký về các đặc tính lạ lùng của các thú vật ở lục địa Úc so với các nơi khác và ông nhận xét: “Một người không tin vào tất cả những gì vượt quá khỏi những lý luận của chính mình có thể sẽ phát biểu là ‘chắc chắn là có hai đấng tạo hóa khác nhau thực hiện việc hình thành các sinh vật”. Tuy vậy khi Darwin thấy và quan sát các con kiến “lion-ant”, ông nhận ra ngay chúng cùng họ với một loài kiến mà ông biết được ở Âu châu, nhưng thuộc một loài (species) khác. Trong nhật ký, ông viết “Giờ thì người hoài nghi không dễ tin sẽ phải nói gì về sự kiện này?.  Có thể nào lại có hai Đấng tạo hóa có cùng một kiến tạo thật quá hoàn mỹ, giản dị, không tự nhiên như vậy được chăng?”. Suy nghĩ này là một trong các hạt nhân bắt đầu gieo vào đầu ông và sau này hình thành ý tưởng về thuyết tiến hóa qua sự chọn lọc tự nhiên .

Năm 1838, nhờ Henslow ông được đi trên tàu HMS Beagle đi thám hiểm nghiên cứu vòng quanh thế giới do nhà sinh vật và thuyền trưởng R. Fitzroy điều khiển. Cuộc hành trình này kéo dài 5 năm và đây là thời gian mà Darwin được dịp quan sát và thâu thập, khám phá được nhiều dữ kiện quan trọng về địa chất (núi lửa, động đất, các đảo tạo từ núi lửa gần Nam Mỹ), các hóa thạch của nhiều sinh vật đã tuyệt chủng, thực động vật mới ỏ nhiều nơi, và nguồn gốc của các dãy san hô.

Chuyến đi của Darwin trên tàu Beagle đi vòng quanh trái đất ghé lại nhiều nơi ở Nam Mỹ, các đảo ở Thái Bình Dương, Úc,.. giúp ông thâu thập nhiều dữ kiện động thực vật, địa chất, địa lý, hóa thạch làm ông suy nghĩ và từ những quan sát dữ kiện này ông đã kết hợp chúng thành những chất liệu gây dựng thuyết tiến hóa sau này. Ông nhận thấy một số các sinh vật hóa thạch ở Nam Mỹ giống với các loài sinh vật hiện có ở trên lục địa này hơn tất cả các sinh vật ở những lục địa khác. Ông tự hỏi là có đủ loại các sinh vật rất khác nhau sống ở trong các rừng nhiệt đới ở Phi châu, Á châu, Nam Mỹ mặc dầu khí hậu đều giống nhau, tại sao như vậy và các sinh vật khác nhau này từ đâu đến?.

Phụ giúp Darwin trong chuyến đi trên tàu Beagle là một thiếu niên 15 tuổi, Syms Covington. Covington giúp Darwin thu thập các mẫu sinh vật, tìm kiếm hóa thạch, phụ giúp công việc nghiên cứu trong chuyến đi kéo dài 5 năm này. Trong những ngày ở Sydney, Covington có ấn tượng tốt về vùng đất mới ở Úc. Sau khi trở về Anh, ông di cư qua Úc lập nghiệp năm 1840. Ở Sydney một thời gian, ông và gia đình đi xuống thành phố nhỏ Pambula vùng bờ biển phía nam Sydney, năm 1854 làm trưởng ty bưu điện của Pambula, nơi nhiều người đến để tìm vàng. Trong những năm ở Úc, ông vẫn còn giữ liên lạc qua thư từ với Darwin. Darwin có nhờ Covington thâu lượm và gởi cho ông các mẫu sinh vật chân tơ (barnacle), loại sò bám đá ở Twofold Bay để ông nghiên cứu . Tháng 3 năm 1849, Darwin đã viết cho Covington như sau: “Tôi đang viết một bộ sách lớn, mô tả cơ thể và tất cả các loài chân tơ (barnacle) từ khắp nơi trên thế giới. Tôi không biết anh có sống gần biển không, nhưng nếu anh sống gần biển thì tôi rất vui lòng nếu anh thâu lượm cho tôi bất cứ sinh vật nào bám vào các đá ở biển hay vào các vỏ sò hay vào các san hô bị dạt vào bờ từ các gió bão biển, và gởi cho tôi mà không phải chùi rửa chúng, hay làm sạch đáy…”. Darwin công bố các bài viết khoa học về các sinh vật này. Không lâu sau đó, Darwin xuất bản quyển sách nổi tiếng “On the origin of species” (Nguồn gốc các giống loài).

Darwin không phải là người đầu tiên đề cập về thuyết tiến hóa, nhưng ông là người đã giải thích thuyết tiến hóa có hệ thống với các bằng chứng dựa trên những lý luận và các dữ kiện quan sát về nguồn gốc của các sinh vật qua sự chọn lựa tự nhiên (natural selection). Darwin cũng đã nói rõ trong sách của ông, là nhà sinh vật học Wallace cũng có cùng ý nghĩ với ông về nguồn gốc sinh vật qua thuyết tiến hóa qua các bản báo cáo, và bài về thuyết tiến hóa của Wallace “On the Tendency of Varieties to Depart Indefinitely from the Original Type”(Về khuynh hướng đa dạng hóa và cuộc khởi hành đến vô tận từ loài nguyên thủy) gởi ông về các phát hiện từ quần đảo Indonesia, nơi ông Wallace đang thám hiểm. Darwin đã viết và suy nghĩ về thuyết tiến hóa qua chọn lựa tự nhiên từ nhiều năm qua trước khi nhận được bài của Wallace về thuyết tiến hóa. Darwin đã thảo luận với hai nhà khoa học Charles Lyell và Joseph Hooker về sự trùng hợp hy hữu này. Qua sự giàn xếp của nhà sinh học Joseph Hooker, Darwin đã gởi bài của Wallace và của ông để cùng đăng trên tạp chí của hội sinh vật học Linnean Society of London (hiện nay vẫn còn hoạt động) và cả hai bài đã được đọc trong buổi họp và nói chuyện ở hội. Như vậy cha đẻ của thuyết tiến hóa là Darwin và Wallace. Nhưng quyển sách đầy đủ hơn về thuyết tiến hóa của Darwin ra đời sau đó mới có ảnh hưởng lớn và tiếng vang lan rộng trong giới khoa học.

Ngay sau khi sách “Nguồn gốc của các loài sinh vật” (On the origin of species ) được xuất bản, trong một thời gian ngắn, sách được tiêu thụ nhanh chóng và tái bản lần thứ hai và gây chú ý không những trong giới khoa học mà ở nhiều tầng lớp xã hội và khơi mào ra nhiều cuộc thảo luận tranh cãi khắp nơi.

Thuyết tiến hóa giải thích rất có lý và có độ thuyết phục cao về nguồn gốc không những của con người mà của các sinh vật trên trái đất qua những dữ kiện, quan sát chi li và lập luận vững chắc của Darwin. Câu hỏi mà con người ai cũng tự hỏi từ khi bắt đầu có suy nghĩ, nhận thức là con người từ đâu mà ra và cuộc sống có mục đích gì đã được thuyết tiến hóa của Darwin trả lời một cách rất có lý dựa trên khoa học mà không cần phải dựa vào tư tưởng thần quyền đã ngự trị trước đó nhiều năm trong mọi xã hội văn hóa khác nhau trên thế giới. Vì thế không lạ gì khi thuyết tiến hóa đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống con người, đóng góp vào sự phát triển văn hóa, xã hội, chính trị, khoa học từ khi Darwin ra cuốn sách “On the origin of species” của ông.

Sách của ông đã được quần chúng đủ mọi giới trong các tầng lớp xã hội ưa chuộng mua đọc, đi quá sự mong ước ban đầu của nhà xuất bản, mặc dầu đây không phải là sách loại khoa học phổ thông mà là sách kỹ thuật, rất dài và khó đọc Trong nhiều năm, các sách vở, báo chí, thảo luận, diễn dịch thuyết tiến hóa qua các tranh ảnh, các suy tưởng về sự liên hệ giữa người và các sinh vật khác, không kể nhiều sách truyện khoa học tưởng tượng. Khắp Âu châu vào các thập niên cuối thế kỷ 19, ảnh hưởng của Darwin lan rộng. Ở Đức, nhà khoa học và cũng là họa sĩ Ernst Haekel phổ cập thuyết tiến hóa của Darwin qua sách với nhiều hình ảnh và các tranh vẽ sinh vật trong sự liên hệ lẫn nhau giữa các loài trên “cây sự sống” (Tree of Life).

Ngày 19 tháng tư năm 1882, Darwin từ trần. William Spottiswoode, Chủ tịch Hội khoa học Hoàng gia Royal Society đánh điện tín cho gia đình Darwin và hỏi gia đình có đồng ý chôn Darwin trong nhà thờ Westminster Abbey, nơi chôn lịch sử của các vua và các vĩ nhân của nước Anh. Giám mục Canon Farrar thông báo cho tu viện trưởng (Dean) của Westminster Abbey, George Bradley, lúc đó đang ở Pháp, Bradley trả lời chấp nhận. Một thỉnh nguyện được gởi truyền tay trong Quốc hội và nhanh chóng được nhiều chữ ký của các nhân vật quan trọng.

Ở trong và ngoài nước Anh, ông đã được so sánh như Isaac Newton – cũng ghi nhận là Darwin, mặc dầu là một nhà khoa học vĩ đại, nhưng khác với Newton là chưa từng được tôn vinh phong tước hầu. Ông đã không được tôn trọng đúng mức trong lúc sống, vì thế một nước được ân huệ như Anh quốc, người ta mong muốn đền đáp lúc ông mất. Vào ngày thứ Bảy, mặc dù Darwin hay gia đình ông có muốn khác đi nữa, tất cả đồng ý là ông sẽ được an táng ở Westminster Abbey. Lễ an táng được tổ chức ngày thứ tư sau đó, đúng một tuần sau khi Darwin mất. Đám tang của Darwin được tổ chức long trọng theo nghi thức Ki tô giáo.

Bây giờ chúng ta tìm hiểu xem Sinh vật tiến hóa luận gặp những vấn đề gì.

Sau khi ông mất, Darwin vẫn còn được coi trọng trong cả hai khía cạnh: người có tư tưởng tiên phong, và đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu cẩn thận (Các nghiên cứu của ông về những con hàu hóa thạch lưu lại một quyển sách các dẫn chứng cho các nhà cổ sinh vật học). Nhưng trong những năm đầu của thế kỷ 20, lý thuyết mang tên ông đã bị biến thành học thuyết tân Darwin: học thuyết mà các dạng sống được trình bày như những cái máy, với mục đích chỉ là nhân bản gen – một vấn đề của hóa học và khoa học thống kê; hoặc theo lời giáo sư Jacques, Monnod, giám đốc viện Pasteur, một vấn đề chỉ thuộc về “sự ngẫu nhiên và sự cần thiết”

Và trong khi bằng chứng về sự tiến hóa bản thân nó vẫn còn sức thuyết phục – đặc biệt là những sự giống nhau được phát hiện thấy trong ngành giải phẫu so sánh và ngành sinh học phân tử của nhiều loài khác nhau – nhiều bằng chứng thực nghiệm mà trước đây người ta tin rằng ủng hộ cho cơ chế đột biến di truyền kết hợp với sự chọn lọc tự nhiên của học thuyết tân Darwin, nay đã tan chảy như tuyết vào buối sáng mùa xuân, nhờ sự quan sát tốt hơn và sự phân tích cẩn thận hơn. Hệ thống tư tưởng của chủ nghĩa Marx, Freud và tân Darwin cuối cùng đã sụp đổ bởi cùng một nguyên nhân: chúng đã cố sử dụng giản hóa luận cơ giới để giải thích và tiên đoán các hệ thống, những thứ mà hiện nay chúng ta biết là có những liên hệ phức tạp, và không thể giải thích theo kiểu duy vật biện chứng, vì còn bị chi phối bởi những yếu tố khác.

Trong 5 thập kỷ đầu của thế kỷ 20 – thời kỳ hoàng kim của các học thuyết – các nhà động vật học, cổ sinh vật học và các nhà giải phẫu so sánh đã tập hợp được những mẫu vật trưng bày ấn tượng, mà rất nhiều thế hệ học sinh đã thấy ở các Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên trên toàn thế giới: sự tiến hóa của họ ngựa; các hóa thạch minh họa sự chuyển tiếp từ cá đến loài lưỡng cư, đến loài bò sát, rồi đến động vật có vú; và những khám phá các loài lạ lùng đã tuyệt chủng như “chim thủy tổ’, trông có vẻ nửa bò sát, nửa chim.

Chimthuyto

Mô hình của chim thủy tổ này có vảy trên đầu, mặc dù các nhà khoa học chưa bao giờ tìm thấy vảy trong hóa thạch của loài này. (Ảnh do Tiến sĩ Carl Werner cung cấp)

Trong những thập kỷ kế tiếp, những vật trưng bày này đầu tiên có sự tranh cãi, sau đó bị hạ xuống, và cuối cùng bị đẩy vào tầng hầm tối của bảo tàng, vì các nghiên cứu sâu thêm đã chỉ ra chúng có những thiếu sót và sai lầm.

Bất cứ ai học ở một quốc gia Tây phương trong 4 thập kỷ gần đây sẽ nhớ lại về một sơ đồ tiến hóa của ngựa từ ‘Eohippus’, một loài chó nhỏ giống như sinh vật trong kỷ Thủy Tân (Eocene) khoảng 50 triệu năm trước đây, đến loài ‘Mesohippus’, một loài động vật cỡ con cừu khoảng 30 triệu năm trước đây, cuối cùng đến loài ‘Dinohippus’, có kích thước của một con ngựa nhỏ.

Vào năm 1950, George Simpson – một giáo sư cổ sinh vật học của trường Harvard – đã vẽ biểu đồ này. Đi kèm với nó là một cuốn sách tiêu biểu của ông – “Loài ngựa” – đã tóm gọn tất cả các nghiên cứu được thực hiện bởi Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ vào nửa đầu thế kỷ trước.

Simpson đã tin tưởng một cách chắc chắn rằng bằng chứng của ông là không cần bàn cãi vì vậy ông viết: “Lịch sử của họ ngựa vẫn còn là một trong những chứng cứ rõ ràng và thuyết phục nhất để cho thấy rằng các sinh vật thực sự tiến hóa… Ngày nay thực sự không có một nơi nào tiếp tục thu thập và nghiên cứu các hóa thạch đơn giản chỉ để xác định xem liệu sự tiến hóa có phải là sự thực không. Câu hỏi này đã được trả lời dứt khoát là có”

Tuy nhiên, không lâu sau khi khẳng định điều này, Simpson thừa nhận rằng trong biểu đồ mà ông vẽ chứa những khoảng trống lớn mà ông đã không thể đưa vào: một khoảng trống là trước loài ‘Eohippus’ và không biết tổ tiên của nó, là một ví dụ, một khoảng trống nữa là sau loài ‘Eohippus’ và trước hậu duệ ‘Mesohippus’ của nó . Trên quan điểm khoa học, thì cái gì liên kết những loài riêng rẽ trên biểu đồ nổi tiếng đó với nhau trong khi không có mẫu hóa thạch nào? Và làm sao những mẫu vật không có quan hệ như vậy có thể minh chứng cho sự đột biến gen hay sự chọn lọc tự nhiên được?

Con “Chim thủy tổ” khác thường này, thoạt nhìn cũng có vẻ xác minh quan niệm của thuyết tân Darwin rằng loài chim đã tiến hóa từ các loài bò sát nhỏ. Trên thực tế, nguồn gốc như vậy là không thể, bởi vì loài coelosaurs, cũng giống như các loài khủng long khác không có xương cổ, trong khi đó loài “chim thủy tổ”, giống như tất cả các loài chim, có xương đòn biến đổi để hỗ trợ các cơ ngực của nó. Và nữa, rất lạ lùng, là làm sao một hóa thạch riêng rẽ lại là bằng chứng của sự đột biến có lợi cho tiến hóa hoặc sự chọn lọc tự nhiên được?

Những người theo học thuyết tân Darwin đã vội vàng tuyên bố rằng những khám phá hiện đại của ngành sinh học phân tử đã ủng hộ lý thuyết của họ. Chẳng hạn, họ nói rằng nếu phân tích ADN, bản đồ gen di truyền của thực vật và động vật thì sẽ phát hiện được chúng liên hệ với nhau gần hay xa. Nghiên cứu trình tự sắp xếp ADN cho phép vẽ được gia phả chính xác của tất cả các sinh vật sống và cho thấy chúng liên hệ với nhau bởi một tổ tiên chung như thế nào.

Đây là một tuyên bố rất quan trọng và nên nghiên cứu tập trung vào học thuyết này. Nếu đúng, thì có nghĩa là các động vật mà những người theo học thuyết tân Darwin nói rằng có liên hệ gần gũi với nhau, chẳng hạn như hai loài bò sát, thì sẽ có ADN giống nhau nhiều hơn so với những loài động vật mà ít liên hệ với nhau, chẳng hạn như loài bò sát và loài chim.

15 năm trước, các nhà sinh vật học phân tử làm việc dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Morris Goodman tại Đại học Michigan đã quyết định kiểm tra giả thuyết này. Họ đã lấy ADN alpha-Hemoglobin của hai loài bò sát – rắn và cá sấu – hai loài mà những người theo học thuyết tân Darwin nói là có liên hệ gần gũi, và ADN hemoglobin của loài chim, trong trường hợp này là của một chú gà trong trại chăn nuôi.

Họ thấy rằng hai loài động vật có trình tự ADN ít giống nhau nhất là hai loài bò sát rắn và cá sấu. Chúng chỉ có khoảng 5% trình tự ADN giống nhau, tương đương với 1/20 ADN hemoglobin của chúng. Hai loài có ADN gần nhau nhất là cá sấu và gà, có khoảng 17% trình tự ADN giống nhau – gần 1/5. Trên thực tế, những điểm giống nhau của ADN là ngược lại so với dự đoán của những người theo học thuyết tân Darwin.

Thậm chí còn bối rối hơn nữa là thực tế rằng sự khác biệt lớn về mã hóa gen lại có thể làm cho các loài động vật nhìn bề ngoài rất giống nhau và có những biểu hiện hành vi giống nhau. Trong khi đó, các sinh vật trông bề ngoài và hành vi hoàn toàn khác nhau lại có nhiều điểm chung về gen. Ví dụ có hơn 3.000 loài ếch, tất cả chúng bề ngoài nhìn đều giống nhau. Nhưng sự khác nhau về ADN giữa chúng còn lớn hơn giữa loài dơi và loài cá voi xanh.

Hơn nữa, nếu những ý tưởng về sự biến đổi gen dần dần của học thuyết tân Darwin là đúng, thì người ta có thể đoán rằng những sinh vật đơn giản có ADN đơn giản, còn các sinh vật phức tạp có ADN phức tạp.

Trong một vài trường hợp, điều này đúng. Loài giun tròn đơn giản là một đối tượng hay dùng trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vì ADN của nó chỉ chứa khoảng 100.000 đơn vị nucleotide. Ngược lại ở mức độ phức tạp, con người có 23 cặp nhiễm sắc thể, và chứa khoảng 3 tỉ đơn vị nucleotide.

Đáng tiếc rằng, học thuyết này lại bị phản bác bởi rất nhiều ví dụ chống lại. Trong khi ADN của con người chứa trong 23 cặp nhiễm sắc thể, thì loài cá vàng nhỏ bé lại có nhiều hơn gấp đôi, tới 47 cặp. Thậm chí, con ốc sên trong vườn cũng có đến 27 cặp nhiễm sắc thể. Một số loài hoa hồng có 56 cặp nhiễm sắc thể.

Vì vậy có một thực tế đơn giản là: việc phân tích ADN không chứng thực học thuyết tân Darwin. Trong phòng thí nghiệm, những phân tích ADN chứng minh học thuyết tân Darwin là không có cơ sở.

Một đòn thậm chí còn nặng hơn hơn đối với học thuyết này là việc khám phá ra rằng cốt lõi của học thuyết tân Darwin – khái niệm nguyên thủy của chọn lọc tự nhiên, hay sự sống sót của kẻ thích nghi nhất – là hết sức sai lầm.

Vấn đề ở chỗ: làm thế nào các nhà sinh học (hoặc bất cứ ai) có thể kể được những đặc điểm nào là sự “thích nghi” để sinh tồn của động vật hay thực vật? Làm sao có thể xác định được loài động vật hay thực vật nào là thích nghi.

Câu trả lời là: cách duy nhất để xác định sự thích nghi là bằng phương pháp giải thích duy lý hậu nghiệm – kẻ thích nghi là “những cá thể còn sống sót”. Trong khi cách duy nhất để mô tả cá thể duy nhất còn sống sót là “kẻ thích nghi”. Như vậy lý thuyết trung tâm của chủ đề Darwin này hóa ra là một suy luận lẩn quẩn  một cách vô nghĩa.

George Simpson, giáo sư cổ sinh vật học tại đại học Harvard, đã tìm cách khôi phục lại nội dung của ý tưởng về chọn lọc tự nhiên khi nói: “Nếu cha mẹ tóc đỏ, có tỉ lệ con cái trung bình lớn hơn so với những người có tóc màu hung hoặc đen, như vậy sự tiến hóa sẽ tiến triển theo hướng tóc màu đỏ. Nếu người có gen thuận tay trái có nhiều con, sự tiến hóa sẽ theo hướng thuận tay trái. Những đặc tính này bản thân nó không trực tiếp có ý nghĩa gì cả. Quan trọng là ai để lại nhiều hậu duệ hơn qua các thế hệ. Sự chọn lọc tự nhiên sẽ ủng hộ sự thích nghi chỉ khi các bạn định nghĩa sự thích nghi là sự để lại nhiều hậu duệ hơn. Trên thực tế, các nhà di truyền học định nghĩa nó theo cách đó, điều này có thể làm cho những người khác bối rối. Đối với một nhà di truyền học, sự thích nghi chẳng có gì liên quan tới sức khỏe, sức mạnh, vẻ đẹp, hay bất cứ thứ gì khác ngoài hiệu năng sinh sản”.

Để ý cụm từ: “Những đặc tính này bản thân nó không trực tiếp có ý nghĩa gì cả.” Cụm từ vô hại này lại phá hoại nghiêm trọng quan niệm then chốt của Darwin: Các đặc tính thể chất đặc biệt của mỗi loài vật là thứ khiến nó thích nghi để tồn tại: cái cổ dài của loài hươu cao cổ, đôi mắt tinh của loài chim ưng, hay tốc độ chạy nhanh tới 97 km/giờ của loài báo gêpa (cheetah).

Việc tái định nghĩa của Simpson đồng nghĩa với việc phải vứt bỏ tất cả điều trên: đó không phải là các đặc tính ảnh hưởng trực tiếp, mà đó là khả năng của loài động vật để duy trì nòi giống. Xét cho cùng, đây không phải là cuộc chạy đua về tốc độ mà chỉ là sự sinh sản mau lẹ. Vậy làm sao học thuyết tân Darwin có thể giải thích được sự đa dạng kinh khủng của các đặc tính?

Không chỉ những ý tưởng của những người theo học thuyết tân Darwin bị chứng minh là vô căn cứ qua nghiên cứu thực nghiệm, mà những kết quả lạ thường đã được đưa ra ánh sáng vào những thập kỷ gần đây còn chỉ ra rằng sự tiến hóa không mù mờ, mà đúng hơn là nó theo một con đường nào đó chưa hiểu được. Những thí nghiệm của Cairns ở Đại học Harvard và Hall ở Đại học Rochester cho thấy rằng các vi sinh vật có thể biến đổi theo cách có lợi.

Các thí nghiệm với cây thuốc lá và cây lanh đã chứng minh sự biến đổi gen thông qua kỹ thuật thụ tinh đơn . Các thí nghiệm với các loài hải tiêu và loài kỳ nhông từ những năm 1920 đã chứng minh sự kế thừa của các đặc tính không di truyền . Hơn nữa, như ngài Fred Hoyle đã chỉ ra, hóa thạch vi sinh vật đã được tìm thấy ở các thiên thạch, chỉ ra rằng sự sống là từ vũ trụ chứ không phải là một sự tình cờ may mắn xảy ra trong “bát súp nguyên thủy”. Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi ngài Francis Crick, người đồng khám phá ra chức năng của ADN.

Dưới ánh sáng của những khám phá mới này, học thuyết tân Darwin đã được thừa nhận rộng rãi trong quá khứ, nay không còn được thừa nhận một cách quá vô căn cứ như vậy nữa. Một thế hệ các nhà sinh học mới đang đặt lý thuyết này dưới ánh sáng mới của sự điều tra thực nghiệm và khám phá ra rằng nó không thích hợp. Đó là thế hệ các nhà khoa học như Tiến sĩ Rupert Sheldrake, Tiến sĩ Brian Goodwin, giáo sư sinh học tại trường Đại học Mở và Tiến sĩ Peter Saunders, giáo sư toán học tại trường Cao Đẳng Hoàng Gia Luân Đôn.

Không ngạc nhiên rằng, công việc của thế hệ mới này là dị biệt với thế hệ cũ. Khi cuốn sách của Rupert Sheldrake  “Một khoa học mới về sự sống” cùng với lý thuyết hình thái cộng hưởng mang tính cách mạng của cuốn sách được xuất bản vào năm 1981, ông John Maddox biên tập viên của tạp chí “Tự Nhiên”, đã phát động một lời kêu gọi đem đốt quyển sách này đi – một dấu hiệu chắc chắn rằng Sheldrake đã phát hiện ra một số thông tin quan trọng bất lợi cho thuyết tiến hóa, nhiều người nghĩ vậy.

Tâm trạng hiện nay trong ngành sinh học đã được Sheldrake tóm tắt lại như sau, “Khá giống với sự làm việc ở nước Nga dưới thời Brehznev. Nhiều nhà sinh vật học có một bộ quan điểm nơi công sở – những quan điểm mang tính hình thức, và một bộ quan điểm khác – những quan điểm thực sự của họ, là những điều mà họ có thể nói một cách cởi mở với bạn bè. Họ có thể đối xử với các vật thể sống như những máy móc trong phòng thí nghiệm nhưng khi họ về nhà, họ không đối xử với gia đình của mình như một cái máy vô tri vô giác”.

Một khía cạnh kỳ lạ của khoa học trong thế kỷ 20 là trong khi vật lý đã phải cam chịu sự bẽ bàng của nguyên lý bất định và các nhà vật lý đã trở nên quen thuộc với những thực thể lạ như các “sóng vật chất” và các “hạt ảo”, nhiều đồng nghiệp của họ trong lĩnh vực sinh học dường như không để ý tới cuộc cách mạng điện động lực học lượng tử. Mức độ mà nhiều nhà sinh học quan tâm chỉ là, vật chất được làm từ những quả bóng bi-a mà sự va chạm theo các định luật Newton, và họ tiếp tục xây dựng các mô hình phân tử bằng các quả bóng bàn nhiều màu sắc.

Sự sùng bái thuyết sinh học tiến hóa trong quá khứ một phần là do ngụy tạo. Tiến sĩ Werner mới đây đã phát hành 2 tập sách đầu và một bộ phim tài liệu từ một chuỗi chương trình truyền hình thách thức Darwin – “Thuyết tiến hóa: Thử nghiệm vĩ đại”. Ban đầu ông là người tin tưởng thuyết tiến hóa. Ông đọc và nghiên cứu tất cả các chủ đề ông có thể tìm thấy về sự tiến hóa, bao gồm địa chất, sinh học, cổ sinh vật học, sinh hóa, và vũ trụ học. Sau 18 năm nghiên cứu, ông tin rằng mình và vợ đã sẵn sàng để bắt đầu một loạt các thử nghiệm để kiểm tra học thuyết đã được chấp nhận rộng rãi của Darwin.

Trong 10 năm tiếp theo, từ 1997 tới 2007, họ đã đến các viện bảo tàng tốt nhất và các địa điểm khai quật trên toàn cầu, đã phỏng vấn các nhà khoa học hàng đầu thế giới, và chụp ảnh hàng chục nghìn hóa thạch gốc và các địa tầng hóa thạch nơi chúng được tìm thấy.

“Lúc đầu, tôi đã rất bối rối về chủ đề này. Điều gì đã là thật? Liệu thuyết tiến hóa có đúng hay không? Nhưng cuối cùng, giờ đây tôi đã rất hài lòng khi hiểu được những vấn đề trong thuyết tiến hóa là gì và chúng đã được phát triển ra sao”, Werner nói. Thay vì trả lời liệu sự tiến hóa là đúng hay sai, trong bộ phim tài liệu của mình, Werner trình bày các vấn đề và để cho khán giả tự nhận xét.

Các nhà khoa học đã từng xem một hóa thạch của Rodhocetus, một động vật bốn chân với cái đuôi của một con cá voi, như là bằng chứng tốt nhất của thuyết tiến hóa.

Tuy nhiên, khi Werner đến xem hóa thạch này, ông đã không thấy bất kỳ hóa thạch nào của cái đuôi con Rodhocetus. Khi được hỏi, nhà khoa học, người đã thêm cái đuôi cho con Rodhocetus trong các biểu đồ của bảo tàng đã thừa nhận rằng Rodhocetus không có đuôi hoặc chân chèo của cá voi.

Các vấn đề khác mà Werner chỉ ra bao gồm việc một nhà khoa học gắn đuôi của một con khủng long cho một con chim, và các viện bảo tàng gắn lông vũ cho một con khủng long, gắn thêm các vảy trên đầu của một con chim, và gắn những bàn tay và bàn chân con người cho Lucy, một hóa thạch được khắp nơi tin rằng là của một con vượn người.

Tóm lại, ông nói rằng mặc dù các biểu đồ tiến hóa tại các viện bảo tàng cho rằng sự tiến hóa là sự thật, nhưng các biểu đồ này không có bằng chứng chứng minh.

“Về cơ bản, những gì tôi đọc trong sách giáo khoa đại học mâu thuẫn với những gì tôi đã khám phá ở chính nơi chúng tôi thực hiện các cuộc phỏng vấn với các nhà khoa học đó. Như vậy, có sự khác biệt rất lớn giữa những gì đã được viết so với thực tế”, Werner nói.

WernerCarl

“Có một sự thiếu trung thực về chủ đề này ở các trường đại học. Đây là loại chủ đề bị đóng kín. Các nhà khoa học không muốn thảo luận về nó một cách công khai vì sợ hậu quả”.

Một trong những lừa dối lớn nhất là hình vẽ phôi thai giả của Haeckel.

Vào năm 1868, Ernst Haeckel (tiếng Anh Hackel) xuất bản cuốn sách Lịch sử của sự sáng tạo tự nhiên (Natürliche Schöpfungsgeschichte), trong đó Haeckel tuyên bố rằng ông đã thực hiện các so sánh bằng cách sử dụng phôi người, phôi khỉ và phôi chó. Trong các hình ông ta vẽ, các phôi gần như giống hệt nhau. Trên cơ sở các hình vẽ đó, Haeckel liền tuyên bố các giống loài có một nguồn gốc chung. Nhưng sự thực thì hoàn toàn khác hẳn. Ernst Haeckel đã chỉ vẽ hình của một phôi thai duy nhất, rồi dựa vào đó chế ra hình phôi người, phôi khỉ, phôi chó và chỉ thêm vào mỗi hình đó rất ít thay đổi. Nói cách khác, đó là một trò lừa đảo.

Hackel

Haeckel, (tiếng Anh Hackel) người vẽ các phôi thai giả

PhoiThaiGia-Hackel

Loạt hình trên là loạt hình do Hackel vẽ giả, loạt hình dưới là hình chụp trong thực tế. Tuy vụ giả mạo kinh khủng này bị phát hiện từ cả trăm năm trước, nhưng hiện giờ nó vẫn nằm chường trong các sách giáo khoa của nhiều cấp học trên toàn thế giới

“Trò lừa đảo của Haeckel đã quá rõ ràng và quá lớn đến độ ông ta đã bị cáo buộc bởi 5 vị giáo sư khác nhau và bị phán là có tội bởi tòa án trường Đại học Jena.”

Mặc cho việc trò giả mạo bị bại lộ, Darwin và những nhà sinh vật học ủng hộ ông ta tiếp tục coi các hình vẽ của Haeckel như là nguồn dẫn chứng tham khảo.Và điều đó đã khuyến khích Haeckel tiếp tục đi xa hơn. Trong những năm sau đó ông ta tiếp tục sản xuất ra hàng loạt các minh họa so sánh phôi. Ông ta vẽ các hình vẽ các phôi của cá, kỳ nhông, rùa, gà, thỏ và phôi người sát cạnh nhau. Các phôi của các giống loài khác nhau trong giai đoạn đầu, được ông ta vẽ hết sức giống nhau và chỉ khác nhau dần dần trong quá trình phát triển.

PhoiThaiGia2

Haeckel bịa ra rằng các phôi sẽ trải nghiệm lại “quá trình tiến hóa” mà “tổ tiên” của chúng đã trải qua. Những hình vẽ giả mạo của Haeckel, nói rằng phôi người ban đầu có đặc điểm giống như một con cá và sau đó, trong những tuần tiếp theo, giống một con kỳ nhông, một loài bò sát rồi một động vật có vú, cuối cùng “tiến hóa” thành một con người. 

Thậm chí có một nghệ sĩ ngày nay là Daniel Lee dựa vào đó để làm một video clip diễn tả sự tiến hóa của con người.

Giả thuyết con người do con cá tiến hóa mà thành

Trong thập niên 1990, một nhà nghiên cứu phôi thai người Anh, tên là Michael Richardson đã kiểm tra phôi của động vật có xương sống dưới kính hiển vi và xác định rõ ràng rằng, trong thực tế các phôi hoàn toàn không giống với những hình vẽ của Haeckel.

Trong ấn bản ngày 05 Tháng 9 năm 1997, của tạp chí khoa học Science nổi tiếng, một bài báo được xuất bản cho thấy bản vẽ phôi của Haeckel là lừa đảo. Bài báo này mang tựa đề: “Những cái phôi của Haeckel: Gian lận đã bị phát hiện lần nữa”.
Đó là “công trình khoa học” mà Darwin đã trích dẫn như là một tài liệu tham khảo trong cuốn sách “Dòng dõi con người ” (The Descent of Man). Trong thực tế, một số người đã nhận ra rằng  các tranh minh họa của Haeckel là một sự xuyên tạc ngay cả trước khi Darwin qua đời.

Ngoài chuyện có một số giả mạo trong chứng cứ của những người quá nhiệt tâm ủng hộ thuyết tiến hóa, bản thân Darwin cũng phạm một số sai lầm trong học thuyết.

Chẳng hạn “cây sự sống” (Tree of Life). Theo thuyết Darwin, sự sống phải giống như một cái cây, với một gốc chung, sau đó tách ra thành nhiều nhánh khác nhau. Và giả thuyết này liên tục được nhấn mạnh trong các nguồn tài liệu của những người theo phái tiến hóa, nơi mà khái niệm “cây sự sống” thường xuyên được sử dụng. Theo khái niệm “cây tiến hóa” này, các ngành sinh vật – đơn vị cơ bản của hệ thống phân loại giữa các sinh vật – xảy ra theo nhiều giai đoạn, như trong sơ đồ bên dưới. Theo thuyết Darwin, một ngành xuất hiện trước tiên, và sau đó các ngành khác phải từ từ xuất hiện từ đó, cùng với những thay đổi nhỏ liên tục trong thời gian rất lâu dài. Giả thuyết này dẫn tới việc: số lượng các ngành động vật phải tăng dần theo thời gian.

CaySuSong-GiaThuyet

Sơ đồ cây sự sống theo thuyết tiến hóa của Darwin

Nhưng trong thực tế hoàn toàn khác hẳn

CaySuSong-ThucTe

Sơ đồ tiến hóa theo thực tế. Khoảng 100 ngành đột nhiên xuất hiện trong kỷ Cambri. Sau đó, số lượng các ngành giảm nhiều hơn là tăng (bởi vì một số ngành đã bị tuyệt chủng)

Thực tế hoàn toàn ngược lại: các chủng loài động vật đã rất khác nhau và rất phức tạp, ngay từ thời điểm chúng lần đầu tiên xuất hiện. Hầu như tất cả các ngành động vật đã biết ngày nay, xuất hiện trong cùng một khoảng thời gian, trong thời kỳ địa chất gọi là “kỷ Cambri”. Kỷ Cambri là một thời kỳ địa chất ước tính đã kéo dài khoảng 65 triệu năm, bắt đầu từ 570 triệu kéo dài cho tới 505 triệu năm trước đây. Nhưng thời kỳ mà các họ động vật lớn xuất hiện đột ngột thậm chí nằm lọt trong một khoảng thời gian còn ngắn hơn thuộc kỷ Cambri, thường được gọi là “sự bùng nổ kỷ Cambri”. Stephen C. Meyer, PA Nelson, và Paul Chien, trong một bài viết năm 2001 dựa trên một cuộc khảo sát tài liệu chi tiết năm 2001, lưu ý rằng “Sự bùng nổ kỷ Cambri xảy ra trong vòng một khung thời gian địa chất cực hẹp, kéo dài không quá 5 triệu năm.”

Các hóa thạch được tìm thấy trong các khối đá thuộc kỷ Cambri gồm rất nhiều sinh vật rất khác nhau, như ốc sên, bọ ba thùy, bọt biển, con sứa, sao biển, sò ốc, vv… Hầu hết các sinh vật trong lớp địa chất này có các hệ thống phức tạp và cấu trúc cao cấp, như mắt, mang, và hệ tuần hoàn, hoàn toàn giống như trong các mẫu vật hiện đại.

Richard Monastersky, một cây bút của tạp chí ScienceNews đã phát biểu như sau về “sự bùng nổ kỷ Cambri” – một trong những mối đe dọa to lớn đối với thuyết tiến hóa:

“Nửa tỉ năm trước đây, … các chủng loài động vật phức tạp mà chúng ta thấy ngày hôm nay, đột nhiên xuất hiện. Thời điểm đó, ngay khi bắt đầu kỷ Cambri của Trái Đất, khoảng 550 triệu năm trước đây, đánh dấu sự bùng nổ tiến hóa, lấp đầy các đại dương bởi các loài động vật phức tạp đầu tiên của thế giới”.

(Richard Monastersky, “Những bí ẩn của phương Đông,” Discover, tháng 4 năm 1993, trang 40)

Bài báo trên còn trích dẫn lời của Jan Bergström, một nhà cố sinh vật học đã nghiên cứu các lớp trầm tích thuộc đầu kỷ Cambri tại Trừng Giang澄江tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, rằng, “Hệ động vật Chengjiang澄江chứng tỏ rằng các ngành động vật lớn ngày nay đã xuất hiện từ đầu kỷ Cambri và rằng chúng cũng khác biệt nhau rõ ràng giống như ngày nay vậy”.

(Richard Monastersky, “Những bí ẩn của phương Đông,” Discover, tháng 4 năm 1993, trang 40)

Làm thế nào Trái Đất lại đột nhiên tràn ngập một số lượng lớn như vậy các loài động vật, và làm thế nào nhiều chủng loài động vật không có tổ tiên chung có thể xuất hiện cùng lúc và đột ngột như thế, là một câu hỏi mà những người theo phái tiến hóa vĩnh viễn không trả lời được. Nhà động vật học thuộc Đại học Oxford tên là Richard Dawkins, một trong những người ủng hộ tư tưởng tiến hóa hàng đầu thế giới, đã nhận xét về thực tế đó như sau:

Ví dụ các địa tầng đá thuộc kỷ Cambri… là những khối đá lâu đời nhất mà trong đó chúng ta tìm thấy hầu hết các nhóm động vật không xương sống lớn. Và chúng ta khám phá ra rằng nhiều chủng loài trong số chúng đã có trạng thái tiến hóa cao cấp, ngay từ khi chúng lần đầu tiên xuất hiện. Dường như chúng đã mọc lên ở ngay đó, mà không có bất kỳ lịch sử tiến hóa nào cả.

(Richard Dawkins, trong sách “The Blind Watchmaker”, nhà xuất bản W. W. Norton, London, năm 1986, trang 229)

Phillip Johnson, một giáo sư tại Đại học California tại Berkeley đã mô tả sự mâu thuẫn giữa sự thật này với học thuyết Darwin, như sau:

Thuyết Darwin dự đoán một “hình nón ngày càng đa dạng,” trong đó các sinh vật sống đầu tiên, hoặc các loài động vật đầu tiên, từng bước và liên tục đa dạng hóa để tạo ra các cấp phân loại cao hơn. Nhưng trong thực tế các mẫu hóa thạch động vật giống như một hình nón bị đảo ngược, với các ngành hiện diện ngay từ đầu và sau đó giảm dần.

(Phillip E. Johnson, “Darwinism’s Rules of Reasoning,” in Darwinism: Science or Philosophy by Buell Hearn, Foundation for Thought and Ethics, năm 1994, trang 12)

Như Phillip Johnson đã tiết lộ, hoàn toàn ngược lại với việc các ngành xuất hiện từng bước một, trong thực tế tất cả các chủng loài đã ra đời cùng một lúc trong giai đoạn “sự bùng nổ kỷ Cambri”.Và thậm chí nhờ bộ hồ sơ hóa thạch mà chúng ta đang có hiện nay, chúng ta còn biết rằng một số ngành động vật đã bị tuyệt chủng trong các thời kỳ sau đó.

Như chúng ta có thể thấy, trong thời kỳ trước kỷ Cambri có 3 ngành sinh vật đơn bào khác nhau. Nhưng trong kỷ Cambri, khoảng chừng 60 tới 100 ngành động vật khác nhau đã xuất hiện một cách đột ngột. Trong các thời kỳ sau, một số ngành đã bị tuyệt chủng, và chỉ một số ít đã tồn tại cho đến thời đại của chúng ta.

Nhiều hóa thạch sinh vật lâu hàng trăm triệu năm, so với sinh vật ngày nay thì thấy vẫn giống hệt, không thấy sự tiến hóa như học thuyết của Darwin nêu ra. Sau đây là những ví dụ :

Cá vây tay

Tuổi: 240 triệu năm
Thời kỳ: Kỷ Triat
Địa điểm: Ambilobe, Madagascar

Cavaytay_hoathach

Cavaytay_song

Cá vây tay ngày nay

Con gián

Tuổi: Hổ phách 50 triệu năm
Thời kỳ: Kỷ Eocene
Địa điểm: Kaliningrad, Nga

Gian_hoathach

Gian_song

Con gián ngày nay

Con dế

Tuổi: 125 triệu năm
Thời kỷ: Kỷ phấn trắng
Địa điểm: Crato Formation, Ceara, Brazil

De_hoathach

De_song

Con dế ngày nay

Ong bắp cày

Tuổi: 50 triệu năm (hổ phách)
Thời kỳ: Kỷ Eocene
Địa điểm: Kaliningrad, Nga

Ongbapcay_hoathach

Ongbapcay_song

Ong bắp cày ngày nay

Thú mỏ vịt

Thú mỏ vịt chỉ sống ở châu Úc, là loài thú có vú duy nhất đẻ trứng, nhưng vẫn nuôi con bằng sữa
Nó là một trong rất nhiều loài hóa thạch sống, cho thấy không hề có tiến hóa.

Thú mỏ vịt đã tồn tại trên trái đất từ 167 triệu năm trước đây, và không khác gì đồng loại của chúng ngày nay.

Chúng đẻ trứng nhưng thú mỏ vịt vẫn tiết ra sữa. Kỳ lạ hơn nữa, chúng không có núm vú, do đó, sữa tiết ra qua lỗ chân lông trên da và tập trung lại trong những rãnh trên bụng của con mẹ.

Những đặc điểm vừa giống bò sát vừa giống chim vừa giống thú làm nhiều người muốn xếp nó là loài trung gian (mắt xích thiếu) của giả thuyết tiến hóa. Nhưng oái oăm thay, nếu là loài trung gian thì chỉ có thể là trung gian giữa bò sát với chim, hoặc giữa chim với thú chứ không thể đồng thời là trung gian cho bò sát, chim và thú được.

Sauhinhvat

Rốt cuộc thì phải xếp loài này vào đâu trong cái “cây tiến hóa” của giả thuyết tiến hóa?

Vô cùng kỳ lạ, thú mỏ vịt là loài động vật có vú nhưng lại có nọc độc. Nó là loài thú duy nhất có hệ thống tiêm nọc độc trong chân và móng vuốt. Cũng kỳ lạ không kém, là chỉ có thú mỏ vịt đực mới có tuyến nọc độc. Nó dùng những cái “cựa” sắc nhọn ở 2 chân sau có màng của nó để tiêm chất độc vào kẻ địch. Chất độc khiến nạn nhân đau dữ dội trong nhiều ngày, nhiều tuần và có khi là vài tháng.

Thumovit-mongconoc

Tuyến nọc độc của thú mỏ vịt

Loài vật này không phải là trường hợp ngoại lệ duy nhất, mà gần như tất cả các ứng cử viên “loài trung gian” vẫn cứ có những đặc điểm không thay đổi trong suốt hàng trăm triệu năm tồn tại, và đến ngày nay vẫn chưa hề tuyệt chủng. Điển hình là Thú mỏ vịt, Chim Hoatzin, Cá vây tay, Bò sát Tuatara, vv… Điều đó khiến rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trong thực tế khái niệm “mắt xích thiếu” là không tồn tại, các giống loài từng nhiều lần xuất hiện đồng thời đột ngột và không biến đổi trong suốt chiều dài lịch sử của chúng .

Cá kim

Tuổi: 100 triệu năm
Thời kỳ: Kỷ phấn trắng
Địa điểm: Ramlia Taouz, Morocco

Cakim_hoathach

Con cá này, dài 20,3 cm, là một con cá kim trưởng thành, với các chi tiết được bảo tồn rất tốt. Không có sự khác biệt giữa con cá kim sống hàng triệu năm trước và các bản sao của chúng ngày nay. Loài cá kim đã tồn tại hàng nhiều triệu năm mà không có sự thay đổi trong cấu trúc cơ thể của chúng, cho thấy không hề có sự tiến hóa.

Cakim_song

Cá kim ngày nay

Tóm lại, có rất nhiều bằng chứng cho thấy sinh vật không tuân theo lô gích của thuyết hóa. Những mắt xích còn thiếu của chuỗi tiến hóa có thể sẽ chẳng bao giờ tìm thấy vì những suy luận của Darwin tuy rất có lý nhưng không phải là sự thật. Ví dụ, sự thật ngược hẳn với “cây sự sống” của học thuyết tiến hóa. Những xét nghiệm về ADN của những loài tương cận có khi khác xa nhau hơn những loài không có chút gần gũi nào, chẳng hạn trình tự ADN giữa rắn và cá sấu cùng là loài bò sát nhưng chỉ giống nhau 5%  trong khi hai loài rất khác nhau như gà và cá sấu có tới 17% trình tự ADN giống nhau.

Những bằng chứng về sản vật hóa thạch cũng khiến hoài nghi về thuyết tiến hóa

Tại Ấn Độ có một cột sắt niên đại hàng ngàn năm trước, độ tinh khiết của sắt đạt 99,72% . Báo cáo tại hội nghị chuyên đề về cột sắt này năm 2005 (Delhi Iron Pillar) viết : “The chemical analysis carried out in the earlier years have indicated that it is made of pure wrought iron of 99.72% containing a high proportion of phosphorous and little sulfur. Subsiquent investigations carried out by researchers using electron probe examination reported the presence of Cu (0.03%), Ni (0.05%) and Mn (0.07%)” [Phân tích hóa học tiến hành trong các năm trước chỉ ra rằng nó được làm bằng sắt tinh luyện đến 99,72% , chứa một tỉ lệ cao phốt-pho và ít lưu huỳnh. Các điều tra tiếp theo do các nhà nghiên cứu tiến hành, sử dụng khảo sát thăm dò điện tử, báo cáo sự hiện diện của đồng (0.03%), nickel (0.05%) và mangan (0.07%) ] Cây cột sắt này không bị rỉ sét, được xây dựng từ thời hoàng kim của triều đại Gupta, có niên đại khoảng 2300 năm, cao 6,7 m, dưới gốc có đường kính 42cm, trên ngọn có đường kính 4cm, nặng 6,5 tấn. Con người với trình độ khoa học hiện đại cũng chưa sản xuất được sắt với độ tinh khiết như vậy. Vậy ai đã làm ra nó, chẳng lẽ người thượng cổ tiến bộ hơn người hiện đại. Nếu vậy thì tiến hóa ở đâu ?

DELHI PILLAR

Cây cột sắt ở Delhi Ấn Độ

Năm 1968, tại một nơi giàu hóa thạch Antelope Springs cách 43 dặm về phía tây bắc Delta bang Utah, Mỹ, William J. Meister tìm thấy một tảng đá lớn với vết chân người mang giày, có vẻ như giày săng đan, dài 26 cm, lòng bàn chân rộng 8,9cm, gót chân rộng 7,6 cm. Trong vết chân ấy có hóa thạch của bọ ba thùy là một sinh vật biển đã xuất hiện cách nay 260 đến 600 triệu năm. Lúc đó ngay cả khỉ còn chưa xuất hiện, vậy thì ai để lại vết chân đó ?

Vet chan tien su

Vết giày hàng trăm triệu năm

Năm 1865, một chiếc đinh vít kim loại dài 2 inches được tìm thấy trong một mẫu đá khai quật từ một mỏ vàng ở thành phố Treasure bang Nevada, Mỹ. Chiếc đinh vít bị oxýt hóa nhưng vẫn còn trông rõ hình dáng, đặc biệt là các đường xoắn của nó. Mẫu đá có niên đại 21 triệu năm tuổi. Vậy ai đã làm ra chiếc đinh vít đó ?

Trong thập niên 1990, các nhà khoa học Nga cũng tìm thấy chiếc đinh vít hóa thạch 300 triệu năm tuổi sau vụ rơi thiên thạch tại Kaluga, Nga. Nó giống như một chiếc ốc vít hiện đại. Có phải nó đến từ vũ trụ ? Hay trên địa cầu đã có nền văn minh từ hàng trăm triệu năm trước ? Nếu đúng vậy thì sự tiến hóa chỉ là giả tưởng.

Oc Vit 300 trieu nam

Những người thợ mỏ ở Klerksdorp, Nam Phi, đã tìm thấy vài trăm quả cầu kim loại trong một địa tầng vỏ trái đất có niên đại 2,8 tỉ năm. Những quả cầu này đước khắc các rãnh rất mịn mà các chuyên gia khẳng định rằng chúng không thể được hình thành từ một quá trình tự nhiên.

Những sản vật này là không thể tưởng tượng theo quan điểm của thuyết sinh vật tiến hóa.

Những chứng cớ trên cho thấy thuyết sinh vật tiến hóa cũng bị chi phối bởi định lý bất toàn của Godel, có khi còn nặng nề hơn toán học và vật lý học. Thế nên sự kết thúc của sinh vật tiến hóa luận cũng là số phận chung giống như các khoa học khác.

Đến đây, chúng ta hãy nhớ lại đến một câu trong Bát Nhã Tâm Kinh :

Này Xá Lợi Phất ! các pháp đều là hiển thị của tánh không : không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm; như vậy trong tánh không, không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không có thế giới của hình tướng, màu sắc (nhãn giới) cho đến không có thế giới của tư tưởng ý thức (ý thức giới).

Không có vô minh, cũng không có già chết nên cũng không có hết vô minh, hết già chết.

Vì không có vô minh, không có già chết luân hồi sinh tử, nên cũng không có con đường giải thoát : Khổ, Tập, Diệt, Đạo.     

Sắc tức vật chất nói chung là đối tượng của Vật lý học; Lý tức ý thức là đối tượng của Triết học, Toán học và Lô gích học; Sắc (phần chất sống), Thọ, Tưởng, Hành, Thức là đối tượng của Sinh học. Tất cả đều có chung một tánh Không. Vì vậy Sinh, Tử cũng đều là ảo tức không có thật, cho nên Khổ, Tập, Diệt, Đạo cũng không có thật.

Tâm bất nhị cũng tức là Tánh Không là bản chất của thế giới. Sự pháp giới (thế giới vật chất tương quan lượng tử Relational Quantum Mechanics) và Lý pháp giới (thế giới tinh thần, ý thức) là dung thông, không phải hoàn toàn khác nhau, cũng không hoàn toàn giống nhau (vật chất và ý thức tất nhiên là có hình tướng khác nhau nhưng bản chất là một). Vì vậy Lý Sự vô ngại và Sự Sự vô ngại là lẽ sâu xa mà Phật pháp đã nói trong Kinh điển. Hầu Hi Quý rõ ràng đã biểu diễn cho chúng ta thấy Sự Sự vô ngại nói ở phần trên.

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Bài viết. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

6 Responses to SỰ KẾT THÚC CỦA SINH VẬT TIẾN HÓA LUẬN

  1. ngusi nói:

    bài viết hay quá . Xin cám ơn tác giả !

  2. ngusi nói:

    Bác TB có nick Yahoo không cho con biết để có thể nói chuyện với bác

  3. After I initially left a comment I appear to have clicked on the -Notify me when new comments are added- checkbox and now each time a comment is added I recieve four emails with the same comment.
    Is there a way you can remove me from that service? Thanks a lot!

Gửi phản hồi cho diendancongnghecao Hủy trả lời