Dẫn nhập
Tôi có cảm tưởng là ngày nay thế giới thay đổi quá nhanh, nhiều người không kịp thích ứng, nhiều người khó có thể thích ứng nổi. Nhưng không sao, tôi nghĩ là có giải pháp cho tất cả mọi người và sẽ trình bày tương đối cụ thể quá trình cuộc sống đời thường của mình gắn kết với thế giới ảo như thế nào, xử lý nó thế nào và trong tương lai, ngành tin học sẽ can thiệp vào thế giới đời thường thế nào để có thể giúp được mọi người, mọi dân tộc đều được an vui.
Thời đại cổ điển
Nhớ hồi năm 1960, lúc tôi 7 tuổi, mới vào học lớp năm tiểu học (bây giờ là lớp một), cuộc sống hồi đó rất đơn giản. Lúc tôi bắt đầu đi học thì ngôi nhà của má tôi mới bắt đầu có điện, mặc dù nhà cách trung tâm Cần Thơ chỉ sáu, bảy cây số. Trong nhà chỉ có một vài bóng đèn néon và đèn tròn, ngoài ra không có bất cứ máy móc gì sử dụng điện. Không có quạt máy, không có máy bơm nước, không có tủ lạnh, không có bếp điện, máy xay trái cây cũng không, về sau chỉ có một chiếc máy may có moteur điện. Thời đó chưa có tivi, nhà khác có thể có radio nhưng nhà tôi cũng không có radio. Trẻ con chúng tôi lúc đó rất ham đọc sách báo nhưng không có để đọc. Chỉ có lâu lâu đi mượn của bà con bạn bè đem về nhà đọc mê mệt. Không có phương tiện giải trí, không có nghe nhạc, chỉ lâu lâu, nhất là dịp Tết nguyên đán mới có tiền và có cơ hội đến rạp xem chiếu bóng (cinéma). Cần Thơ thời đó có bốn rạp chiếu bóng : Trung Ương, Casino, Tây Đô và Huỳnh Lạc, ngoài ra còn rạp Minh Châu không thường xuyên chiếu bóng mà thường dùng tổ chức văn nghệ và hát cải lương. Ngày tết, các rạp đông nghẹt khán giả, bọn trẻ chúng tôi xem liên tục hết xuất này đến xuất khác, hết rạp nọ đến rạp kia vì quá mê.
Mãi đến năm 1965, có một người bà con vì dọn nhà, có gởi nhờ nhà má tôi một số đồ đạc, tủ bàn, trong đó có cái radio pin, chúng tôi tạm mượn để nghe tin tức và nhạc, kịch. Về sau khi người đó thu hồi đồ đạc thì thời may có một ông cậu của tôi ở Sài Gòn, cho cái radio điện cũ để xài tạm. Cha tôi trở về sống gần nhà từ năm 1965, nhưng đến đến năm 1968, ông mới sắm cho chúng tôi một cái radio pin. Từ năm 1966, Cần Thơ đã có đài truyền hình, nhưng nhà tôi thì không có sắm tivi, cho mãi tới sau 30-04-1975, má tôi mới chịu sắm một cái tivi cũ, thời đó chỉ có trắng đen, chưa có tivi màu.
Thời kỳ chúng tôi học trung học và đại học (1965-1977), điện thoại bàn cũng chưa phổ biến, phương tiện liên lạc viễn thông chỉ là những lá thư gởi qua bưu điện, thư chuyển đi từ 3 tới 5 ngày giữa Cần Thơ và Sài Gòn. Khi nào gấp thì đánh điện tín cũng mất cả ngày hoặc qua ngày hôm sau mới tới. Cho mãi đến khi tôi ra trường, về làm việc tại ủy ban kế hoạch tỉnh Hậu Giang (tỉnh HG cũ bao gồm cả Cần Thơ, Sóc Trăng và tỉnh HG mới ngày nay) vào năm 1977 thì mới bắt đầu tiếp xúc lần đầu tiên với chiếc điện thoại bàn. Hơn 20 năm sau, đến năm 1998 thì ngôi nhà của tôi mới bắt đầu có trang bị điện thoại bàn.
Thời đại tin học hóa : sáng kiến của Thầy Duy Lực
Nhưng đối với tôi, cột mốc đánh dấu giao thời giữa thời đại đại cổ điển (thời kỳ tin học chưa phát triển) và thời đại tân tiến diễn ra năm 1996. Đó là năm thầy Duy Lực đầu tư 5000 đô la để mở một phòng máy tính đầu tiên tại Bình Thủy, (cũng nên biết, phòng máy tính đầu tiên tại Cần Thơ được thiết lập tại ủy ban kế hoạch tỉnh Hậu Giang năm 1987) và giao cho chúng tôi (ba anh chị em) quản lý, mở lớp học từ thiện, miễn phí, về tin học, dành cho các em học sinh tiểu học Bình Thủy để làm quen với máy vi tính, làm quen dần với thời đại tin học, cơ duyên này là do lúc đó em gái tôi đang làm hiệu phó của trường đó. Đây có thể nói là một sự lãng mạn đáng yêu của thầy Duy Lực, vì thầy thấy tin học hiển lộ một số nét của Phật pháp, chẳng hạn kết cấu của máy vi tính cũng tương tự như lục căn, thực ra thì chưa đủ, máy chỉ mới có 3 căn và 2 thức (nhãn : video card, nhĩ : sound card, não : CPU (Central Processing Unit) + RAM, mạt-na : hard disk, a-lại-ya : internet), nó chưa có bộ phận tương đương với tị (mũi) thiệt (lưỡi) và thân thể. Tính bất định xứ của lượng tử là khế hợp với câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” của kinh Kim Cang. Lý luận suông thì chẳng bao giờ hiểu được. Nhưng một cái màn hình vi tính hay laptop thể hiện rõ ràng tánh không, màn hình hoàn toàn trống trơn, và cũng không có sở trụ, vì có thể di chuyển đến bất cứ đâu, “nhi sinh kỳ tâm” là bao nhiêu dữ liệu vô cùng vô tận đều có thể hiện ra trên cái màn hình không chút vướng mắc đó. Thật rõ ràng, thật dễ hiểu ! Nhưng đó chỉ là hiện tượng, còn nguồn gốc của hiện tượng đó là Phật tính, là tâm bất nhị của chúng ta. Bởi vậy, thầy không quản ngại, tạo điều kiện cho các học sinh nhỏ làm quen với máy vi tính, cũng là tạo cơ hội để hiểu Phật pháp. Chúng tôi cũng chưa biết gì mấy về tin học, computer thời đó chưa phổ biến và còn rất đắt (máy 486 giá 700 USD) nhưng lúc bấy giờ đã có sẵn máy, nên cũng hăng hái vừa tự học vừa dạy lại cho bọn trẻ, lúc đó chưa có internet.
Máy vi tính thời kỳ đầu còn rất yếu. Những chiếc máy tại Bình Thủy gồm 3 chiếc 486 và 1 chiếc 586 (giá 900 USD). Đĩa cứng chỉ có 850 MB, bộ nhớ RAM chỉ có 8MB, con chip của máy 586 tốc độ là 150Megahertz, còn máy 486 chỉ có 100 Megahertz. Hệ điều hành ban đầu còn dùng Windows 3.11. Về sau máy 586 chuyển qua Windows 95. Hơn hai năm sau, cuối năm 1999, lúc tôi trở lên SG làm việc, máy của công ty có khá hơn một chút, bộ nhớ RAM là 36MB. Đã bắt đầu sử dụng hệ điều hành Windows 98.
Trước đó, năm 1991, tại Sài Gòn, tôi có học qua một khóa 3 tháng về lập trình D-Base, tiền thân của Foxpro, học xong cũng bỏ không sử dụng, vì gia đình gặp biến cố, bà xã tôi làm ăn thất bại nợ nần quá nhiều mặc dù công việc làm ăn đó là không cần thiết, không phải để nuối sống gia đình, nhưng nó làm liên lụy tới gia đình rất lớn, lúc đó đang ở Thủ Đức, tôi phải bán nhà để trả nợ, chuyển về sống tại Thị Nghè TP HCM, không còn làm việc cho công ty cũ nữa và đến 1994 trở về Cần Thơ. Nhưng kiến thức về tin học sơ bộ đó cũng rất hữu ích, tôi chỉ cần lấy vỡ cũ ôn lại và dùng Foxpro làm một số chương trình giải toán bậc tiểu học, chủ yếu là lớp năm. Chương trình giải sẵn một số bài toán mẫu, kể cả vẽ một số sơ đồ đơn giản. Đối với những bài toán tương tự, chỉ cần nhập vài số liệu cần thiết, chương trình sẽ đưa ra lời giải và đáp số chính xác cho tất cả những câu hỏi của bài toán đố. Ví dụ chương trình về đời sống của một gia đình nông dân, một gia đình có bốn lao động chính, họ làm mỗi năm ba vụ lúa : đông xuân, hè thu và lúa mùa, ngoài ra còn có hoa lợi của vườn cây, dữ liệu cho sẵn diện tích và năng suất trung bình của mỗi vụ lúa; giá lúa tương ứng của từng vụ, thu nhập phụ khác, gia đình nông dân một năm chi tiêu những khoản gì, mỗi khoản thường là bao nhiêu. Vậy thì họ sẽ để dành được bao nhiêu tiền một năm ? Bài toán không khó nhưng dài và có nhiều dữ liệu, rất thích hợp để giải bằng chương trình. Khi đã lập trình xong thì chỉ trong nháy mắt đã có kết quả cho nhiều mức dự đoán khác nhau về năng suất, về giá nông sản, về chi tiêu. Bài toán nêu ra những khái niệm gần gũi với đời sống nông dân để cho các em hiểu và gợi ý tưởng làm sao để cải thiện đời sống, nâng cao tiền tích lũy, để dành của họ. Tối chú ý tới bài toán về đời sống nông dân vì nông dân còn chiếm một tỉ lệ rất cao tại Việt Nam, mặt khác gia đình bên vợ tôi cũng là nông dân. Thời đó tôi vừa dạy tin học miễn phí cho bọn học sinh tiểu học ở Bình Thủy vừa viết bài cho báo Cần Thơ để kiếm sống qua ngày.
Ảnh hưởng của tin học đối với cuộc sống đời thường
Chính sáng kiến của thầy Duy Lực đã ảnh hưởng rất lớn tới gia đình tôi, tạo điều kiện cho tôi, con gái lớn của tôi và con gái nhỏ sau này có điều kiện sớm tiếp xúc với tin học. Cũng vì vậy, nhà của má tôi đã sớm trở thành trung tâm thông tin liên lạc cho bà con của chúng tôi với thân nhân ở nước ngoài.
Tôi dùng máy vi tính để viết báo tạm sống qua ngày trong những giai đoạn khó khăn của gia đình mình qua hai giai đoạn (1997-1999) và (2005-2007). Giữa hai giai đoạn đó là thời gian làm việc cho công ty tại Sài Gòn và Hà Nội, trong lúc làm việc tại công ty tôi cũng sử dụng máy vi tính rất nhiều, tôi viết cả một chương trình bằng Foxpro về công việc kinh doanh của công ty, mỗi khi bà giám đốc muốn rút tiền lãi, bà ấy đều gọi điện hỏi tôi lãi tích lũy được bao nhiêu, tôi có thể trả lời ngay tức khắc không cần cúp máy, chỉ đợi khoảng năm mười giây khởi động chương trình. Tôi viết cả ngàn bài báo, khoảng hơn phân nửa đăng trên Báo Cần Thơ tương ứng với hai giai đoạn trên. Trong giai đoạn đầu, tôi còn hăng hái lập ra cả một chương trình bằng Foxpro để theo dõi, tổng kết số lượng bài đã viết hoặc dịch từ các thứ tiếng Hoa, Pháp và Anh, số bài được đăng, số tiền nhuận bút thu được…
Con gái lớn của tôi, cũng giống như những người có năng lực khác, mơ ước có cơ hội ra nước ngoài học hỏi, thử sức. Nhờ sớm tiếp xúc với tin học, nên khi chuẩn bị tốt nghiệp đại học Ngoại thương TP HCM vào năm 2002, cô đã có điều kiện và tri thức về mạng internet, tự tìm kiếm thông tin tuyển người trên mạng để làm ứng viên. Biết rằng muốn có cơ hội ra nước ngoài, phải phấn đấu xin vào làm việc cho một công ty quốc tế mới có nhiều cơ hội, và cô đã thành công, trở thành nhân viên của công ty kiểm toán quốc tế KPMG. Đó là một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, có chi nhánh tại TP HCM và Hà Nội. Muốn thăng tiến nghề nghiệp, phải có bằng kế toán quốc tế do một đơn vị có uy tín cấp. Thế nên, vừa đi làm, cô vừa xin đăng ký tự học thêm để thi lấy bằng cấp của hiệp hội ACCA (Association of Chartered Certified Accountants- Hội các nhà kế toán được chứng nhận đủ tư cách). Năm 2006, lấy bằng xong thì có ngay cơ hội, công ty KPMG Việt Nam sẽ cử nhân viên sang Anh và Mỹ làm việc trong chương trình trao đổi nhân viên giữa các nước mà KPMG quốc tế có chi nhánh. Nhiều nhân viên KPMG của TP HCM và Hà Nội phải tranh với nhau qua một kỳ thi để giành cơ hội. May mắn thay, con gái tôi chiến thắng, giành được suất duy nhất đi Anh, từ đó có cơ hội ra nước ngoài làm việc. Mấy năm sau, cô ấy không làm việc cho KPMG nữa, nhưng trước khi xin vào công ty khác, đã một mình từ Anh quốc mò sang Bắc Kinh, tất nhiên trước khi đi đã nghiên cứu kỹ trên mạng, để nâng cao trình độ tiếng Hoa tại Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh trong 3 tháng, sau đó mới trở về Luân Đôn xin vào làm việc tại một ngân hàng.
Hình lưu niệm con gái chụp chung với thầy giáo dạy môn đọc hiểu tại ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh
Đây là giấy khen con gái đã học chăm chỉ, không bỏ buổi học nào trong khóa học cấp tốc (tốc thành 速成) tại Đại học ngôn ngữ Bắc Kinh từ tháng 9 đến tháng 12-2009. Tên của cô, Lệ Trúc 丽竺 không phải nghĩa là cây trúc xinh như mọi người thường hiểu, mà có nghĩa là nước Thiên Trúc xinh tươi, quê hương của Phật giáo, biểu tượng cho sự giác ngộ, tôi cố ý đặt tên cho con gái như vậy.
Còn con gái nhỏ Ban Chiêu của tôi cũng có điều kiện sớm tiếp xúc với tin học, 5 tuổi đã biết sử dụng máy vi tính và chính bé sau này đã thúc đẩy tôi tiến vào thế giới của smartphone. Con bé được cho học Anh văn từ lúc mới vào lớp hai phổ thông, đã tự rèn luyện khả năng nghe tiếng Anh bằng cách xem truyền hình cáp, xem các chương trình của kênh Disney nói tiếng Anh. Sau này tôi có dịp trắc nghiệm khả năng nghe và nói tiếng Anh của bé trong chuyến đi Anh mùa hè 2012 để thăm con gái lớn. Quả nhiên cô bé, lúc đó 13 tuổi, có đủ khả năng nghe hiểu, tiếp xúc, trình giấy tờ làm thủ tục với hải quan Anh, và khi đến Anh, đi siêu thị mua đồ trả tiền mọi việc tôi đều để cho bé tiếp xúc. Hóa ra không phải tôi dẫn bé đi mà thật ra là bé dẫn tôi đi, vì tôi đọc viết khá nhưng nghe kém cỏi không bằng bé. Năm học lớp bốn, bé đã đoạt giải nhất toàn TP Cần Thơ trong cuộc thi Olympic Anh văn bậc tiểu học, qua năm sau, đài phát thanh truyền hình TP Cần Thơ còn tìm đến trường tiểu học Bình Thủy để phỏng vấn bé.
Đài PTTH Cần Thơ phỏng vấn bé La Lệ Ban Chiêu
Thật ra thành tích này không phải của trường tiểu học Bình Thủy mà của trường đào tạo tiếng Anh và dạy nghề Việt Mỹ VATC (Vietnamese American Vocational Training College) nơi bé đã học từ năm này qua năm khác từ lúc mới lên lớp hai, trải qua hàng chục khóa học, mỗi khóa hai tháng rưỡi (60 giờ) mới có được kết quả như thế. Trường Bình Thủy chỉ thừa hưởng kết quả vì bé học phổ thông ở trường này và đăng ký dự thi với tư cách là học sinh của trường Bình Thủy. Chớ thực ra bé chưa hề học Anh văn tại trường này một ngày nào.
Mùa hè 2009, con bé lại đoạt giải nhì cuộc thi hùng biện Anh văn do trường VATC Cần Thơ tổ chức, được miễn phí 2 khóa học, tính ra tiền là 3,2 triệu đồng. Tôi bèn dùng số tiền đó thay vì phải đóng học phí cho bé, bù thêm 800 ngàn mua lại cho bé chiếc Samsung Star giá 4 triệu. Đây là lần đầu tiên trong gia đình sử dụng điện thoại có wifi. Qua năm 2010, học lớp năm tiểu học, con bé lại đoạt thêm nhiều giải thưởng khác, lại đoạt giải nhì lần thứ hai cuộc thi Anh văn do VATC Cần Thơ tổ chức, được thêm hai khóa học miễn phí nữa.
Hè năm 2010, con bé còn được chọn làm đại biểu học sinh duy nhất của Quận Bình Thủy, đại diện cho học sinh cấp I và II của quận để tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tổ chức tại Hà Nội và Nghệ An, 5 năm mới tổ chức một lần. Thành phố Cần Thơ cử 5 học sinh đại biểu cho các quận Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Ô Môn và Thốt Nốt cùng với một giáo viên hướng dẫn. Xe của Thành Đoàn Thanh Niên Cần Thơ đưa các em lên TP HCM để đáp xe lửa đi Hà Nội.
Các học sinh đại biểu của TP Cần Thơ dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ 2010 tại Hà Nội và Nghệ An
Đoàn đại biểu học sinh Cần Thơ tại Chùa Một Cột Hà Nội năm 2010
Cuộc cách mạng tin học chỉ thực sự bắt đầu tại Việt Nam vào cuối năm 1997, lúc đó internet bắt đầu được triển khai. Hai năm sau, vào khoảng tháng 10-1999, lúc thầy Duy Lực bị tai nạn giao thông bên Mỹ, tôi cần liên lạc với người bà con và em tôi bên đó. Mặc dù internet đã có từ hai năm trước nhưng chưa có dịch vụ gởi email, tôi chạy cùng khắp Cần Thơ, kể cả bưu điện trung tâm cũng không có chỗ nào nhận liên lạc bằng email. Cuối cùng phải nhờ em trai của tôi, đang làm phó giám đốc tại một trong các công ty Meko, gởi nhờ một cái email. Sau đó tôi lên Sài Gòn, trở lại công ty cũ, hỗ trợ bà giám đốc điều hành công việc vì bà phải đi Mỹ lo cho thầy Duy Lực vì bà là đệ tử thân cận của thầy. Đó là lúc tôi thực sự tiếp xúc với internet, chủ yếu là liên lạc email với khách hàng của công ty và với thân nhân bên Mỹ.
Internet ban đầu giúp cho việc liên lạc thư từ với người ở xa được dễ dàng nhanh chóng, việc tìm kiếm thông tin trên mạng rất thuận lợi để tìm hiểu tra cứu những vấn đề gì mà mỗi người quan tâm. Nhưng tốc độ của internet lúc đó rất còn chậm, muốn vào internet phải qua modem quay số 56 kbps, sử dụng chung đường dây với điện thoại bàn, còn khá bất tiện, mỗi khi sử dụng internet thì đường dây điện thoại không sử dụng được, ai gọi điện tới cũng không được, phí được tính theo phút nên còn rất đắt. Đến năm 2003, có một bước đột phá, đó là sự xuất hiện của internet phone, gọi điện ra nước ngoài nhất là bên Mỹ, giá rất rẻ so với giá cước điện thoại quốc tế. Do đó tôi có thể gọi điện cho bạn bè thân nhân bên Mỹ, nói chuyện hàng tiếng đồng hồ, chỉ tốn vài chục ngàn đồng thay vì cả triệu đồng theo cước quốc tế. Mặt khác Yahoo Messenger cho phép thông tin tức thời bằng gõ chữ (chat) hoặc bằng tiếng nói (voice). Đặc biệt sử dụng voice thích hợp hơn cho người lớn tuổi, họ không biết gõ chữ hay không thể gõ chữ nhanh được. Năm 2004, tôi có ra Hà Nội công tác mấy tháng, làm việc ngay tại phi trường Nội Bài, lúc đó công ty của tôi làm tổng đại lý về Air Cargo cho Japan Airlines. Chiều thứ bảy và ngày chủ nhật được nghỉ, tôi thường vào các tiệm net để nói chuyện chơi với một anh bạn thân mới qua Mỹ trong năm đó, thường là nói chuyện suốt buổi bằng Yahoo Messenger, phí trả cho tiệm net là 3000 đồng/giờ. Nếu không gặp ngay được anh bạn thì đọc báo mạng trong khi chờ đợi. Tôi có nhận xét là đa số thanh niên vào tiệm net đều dùng chat chớ không dùng voice. Bởi vì họ không muốn người chung quanh nghe họ nói gì. Còn tôi thì nói chuyện tào lao chơi, vô thưởng vô phạt và chỉ nói nhỏ qua head phone không ảnh hưởng lắm đến người chung quanh nên vô tư. Tôi còn tự trang bị một bộ earphone riêng của mình, móc vào lỗ tai, không sử dụng headphone của tiệm net để tránh bị đau vành tai khi nói chuyện lâu. Tôi thường trả từ 9000-12000 đồng cho mỗi buổi nói chuyện như thế (nghĩa là từ 3 cho tới 4 tiếng đồng hồ).
Tôi cho rằng việc người ta có sử dụng tiện nghi internet hay không là do kiến thức và thói quen của mỗi người chứ không phải tùy thuộc túi tiền của người đó. Vì các tiệm net nhan nhãn khắp nơi, sẵn sàng phục vụ với mức giá phải chăng. Chỉ bỏ ra 3000 đồng để nói chuyện một giờ bằng Yahoo Messenger với thân nhân ở nước ngoài, đâu có mắc mỏ gì, và cũng không khó khăn gì, chỉ cần chút ít kiến thức. Tôi thường mua sẵn một thẻ gọi internetphone. Vào tiệm net, mở software để gọi cho đối tác ở nước ngoài bằng thẻ, chỉ mất một phút, tốn 300 đồng, đối với đối tác trong nước thì gọi bằng điện thoại di động thường, đó là cách mời họ lên mạng để cùng vào Yahoo Messenger. Khi hai bên đã sẵn sàng thì vô tư nói chuyện hoàn toàn miễn phí.
Từ năm 2005, tôi lại trở về Cần Thơ để giúp đỡ bà mẹ già và đưa con gái nhỏ mới vào lớp một tiểu học, đưa đón đi học hàng ngày. Thời chúng tôi, cũng cùng khoảng cách từ nhà đến trường đó (khoảng 1km) hàng ngày chúng tôi tự đi bộ, ngày nay ít có học sinh tự đi bộ, trừ trường hợp quá gần nhà hoặc nhà không có người đưa rước, đa phần là cha mẹ đưa rước bằng xe máy. Cuối năm đó tôi xin lắp đặt đường dây ADSL (Asymmetric Digital Subscriber Line – đường dây thuê bao kỹ thuật số bất đối xứng). Ở VN, sử dụng đường dây bất đối xứng, nghĩa là tốc độ tải lên mạng (upload) và tải từ trên mạng xuống (download) không cân đối, tốc độ tải xuống gấp từ hai tới sáu lần tải lên. Ban đầu hàng tháng trả phí theo lưu lượng, tháng nào sử dụng nhiều, phí có thể lên đến 500 ngàn đồng. Từ năm 2007, em tôi bên Mỹ mang về cho tôi một modem cũ và một bộ phát wifi. Nó cài đặt giúp tôi nhưng không thành công, sau tôi mày mò mãi cuối cùng cũng cài đặt sử dụng được. Lúc đó tất cả các quán cà phê ở phường Bình Thủy nơi tôi ở, chưa quán nào có wifi, nhưng nhà tôi đã có wifi. Tôi còn say mê thế giới vi tính đến mức, tôi trang bị một bình accu 100AH, một inverter biến đổi điện một chiều 12 volt thành điện xoay chiều 220 volt, để dùng trong trường hợp bị cúp điện. Do đó, dù bên điện lực có cúp điện cả ngày, computer màn hình LCD của tôi vẫn chạy như thường, vẫn truy cập internet không hề bị gián đoạn. Đến 2009, tôi thuê cố định trọn gói ADSL của FPT, mỗi tháng đóng 220 ngàn, bất cứ xài nhiều hay ít, bởi vì thật ra tôi xài rất nhiều, ngoài ra còn con gái tôi xài, em gái tôi ở nhà kế bên cũng xài chung đường dây đó. Wifi cũng phát liên tục suốt ngày đến 12 giờ khuya, lúc đi ngủ mới tắt modem và wifi.
Từ năm 2004, tôi bắt đầu sử dụng điện thoại di động nhưng không chủ động mua sắm, đó là do bà giám đốc của tôi tặng một chiếc S-Fone, để bà ấy tiện liên lạc với tôi khi tôi đi công tác ở ngoài cơ quan. Tháng 5-2005, tôi lại phải trở về Cần Thơ do hoàn cảnh gia đình, để giúp đỡ bà mẹ già và đứa con gái nhỏ, lúc đó ở Cần Thơ chưa có sóng S-Fone nên điện thoại không dùng được. Không bao lâu, anh bạn bên Mỹ gởi tặng chiếc điện thoại Nokia cũ. Năm 2007, tôi bị trộm móc túi mất chiếc Nokia trong dịp cúng đình ở Bình Thủy. Sau đó con gái lớn cho chiếc Siemens cũ, màn hình trắng đen. Qua năm 2008, lúc con gái lớn ở nước ngoài về, cô lại cho chiếc Nokia 3110c. Loại này có thể truy cập internet được bằng GPRS nhưng tốc độ chậm và màn hình nhỏ xíu, có thể đọc báo được nhưng không thoải mái. Đến năm 2009, con gái nhỏ học lớp bốn của tôi đòi điện thoại. Tôi khó từ chối vì nó học giỏi, đi thi học sinh giỏi đoạt nhiều giải thưởng, tiền thưởng gần đủ để mua chiếc GNet của TQ hợp tác với Đài Loan sản xuất, giá 2 triệu. Chẳng bao lâu con bé lại bị trộm móc túi mất chiếc GNet. Đến cuối năm, tôi mua lại cho bé chiếc Samsung Star như đã nói trên, nhưng bé vẫn chưa thỏa mãn.
Vì có nhiều thành tích nổi bật như kể trên, con bé bèn vòi mua cho nó chiếc điện thoại Nokia C6, bé sẽ nhường lại chiếc Samsung Star cho tôi sử dụng, còn tôi nhường chiếc Nokia 3110c cho bà xã xài. Nokia C6, đây là chiếc điện thoại tầm trung giá 6 triệu, có cả wifi và 3G, hệ điều hành Symbian. Có thể nói, chính đứa con gái nhỏ đã thúc đẩy tôi tìm hiểu và sử dụng smartphone vì trước đó, tôi chỉ quan tâm sử dụng computer để tìm kiếm thông tin và viết báo. Mãi đến đầu năm 2011 tôi mới sắm cái netbook đầu tiên, lúc bắt đầu mở blog Duy Lực Thiền, đến cuối năm đó, con gái lớn mới đem về cho cái laptop cũ hiệu Dell mà cô đã thải ra.
Chiếc Samsung Star GT-S5233W không đáp ứng được yêu cầu của tôi vì màn hình nhỏ, đọc báo không thoải mái, nó lại không có hệ điều hành, không cài được Skype. Nên tháng 6-2011, tôi sắm chiếc Samsung Galxay Fit GT-S5670 có wifi và 3G giá 5 triệu, hệ điều hành Android 2.3, cài được Skype và Viber, màn hình 3.3 inches, đọc báo mạng rất thoải mái. Thấy Galaxy Fit mặc dù rẻ tiền hơn Nokia C6 nhưng có vẻ ngon hơn, bé nhỏ bèn đòi lấy Galaxy Fit, đưa Nokia C6 cho tôi xài. Con bé lại cảm thấy không hài lòng với Samsung Galaxy Fit vì bộ nhớ trong của nó quá nhỏ, chỉ có 180 MB, không đủ để cài nhiều software, khi nào bộ nhớ trong của điện thoại chỉ còn chừng 20MB trống, nó trở nên chậm lụt thật đáng chán. Tôi cũng không hài lòng với Nokia C6 vì nó duyệt web kém cõi, nhất là khi vào lấy dữ liệu ở Skydrive. Nên đến tháng 5-2012, tôi mua chiếc HTC One V, thế nhưng khi đem về nhà, con bé lại giành chiếc HTC, tôi đành phải dùng cái Galaxy Fit. Tuy con bé rất hài lòng với HTC One V, nhưng nó vẫn còn chút khiếm khuyết, đó là thiếu camera phía trước, bộ nhớ RAM cũng còn yếu vì chỉ có 512MB. Sau Tết nguyên đán Quý Tỵ 2013, con bé có một số tiền lì xì, tôi cũng để dành được một ít tiền tết, bèn bù thêm tiền, đổi HTC One V lấy con LG 768 mạnh hơn và có camera phía trước, đủ khả năng tiến hành video call bằng Skype, nhưng con bé của tôi vẫn giành quyền ưu tiên xài điện thoại mới. Tôi vẫn phải đành lòng với con Galaxy Fit cũ kỹ. Nhưng con bé vẫn xứng đáng được ưu tiên, mới đây trong tháng 5-2013 bé lại đoạt giải nhì lần thứ ba trong cuộc thi giành học bỗng do trường VATC tổ chức, như thế bé được miễn phí hai khóa học, học phí của mỗi khóa học tương ứng là 2,3 triệu đồng, nếu bé học luyện thi IELTS (International English Language Testing System) thì học phí của mỗi khóa học như thế là 8 triệu đồng, thì cũng sẽ được giảm nhiều.
Đến giai đoạn này thì nói chuyện miễn phí qua mạng internet không còn cần tới computer hay laptop nữa, mà thực hành ngay trên điện thoại, qua mạng wifi của gia đình nếu ở nhà, hoặc mạng wifi của quán cà phê nếu đi ra đường, chỗ nào không có wifi thì dùng 3G. Hàng tháng tôi đều đăng ký sẵn một gói 3G của vinaphone vì tôi xài sim của hãng này, chỉ cần một gói 25 ngàn/tháng, được sử dụng miễn phí 150MB. Vì wifi luôn có sẵn ở nhà và thường có ở các quán cà phê, nên 3G chỉ thỉnh thoảng mới sử dụng để đọc báo mạng và thực hiện những cuộc gọi điện ngắn khi ra ngoài, nên tháng nào tôi cũng xài không hết 150MB, thường là dư thừa khoảng 50MB. Gọi điện miễn phí qua mạng thường sử dụng software Skype, nó cho phép hai bên hiển thị hình ảnh lúc nói chuyện. Con LG768 có khả năng này, còn Samsung Galaxy Fit thì chỉ nghe được tiếng nói mà không thấy hình. Cũng từ khoảng 2012, xuất hiện Viber, và nó nhanh chóng phổ biến trên thế giới, nó cho phép nhắn tin không giới hạn số ký tự, gởi hình thoải mái kể cả chụp hình và gởi ngay tức khắc bằng điện thoại, gọi điện thoại, tất cả đều miễn phí qua wifi hoặc 3G. Gần đây nó còn cho phép gởi bản đồ chỉ vị trí của mình đang đứng và gởi video clip (giới hạn thời gian không quá 90 giây và kích thước file không quá 10MB). Vì tôi có thân nhân ở nước ngoài nên ứng dụng này rất hữu ích, nó cho phép liên lạc miễn phí bất cứ lúc nào, nhiều nhất là bằng tin nhắn. Có những email của người này gởi mà mình cần trích dẫn cho người khác thì cứ thoải mái cắt từ email và dán vào Viber, kể cả Hán ngữ một khi đã hiển thị được trong email thì dán vào Viber cũng không bị biến dạng.
Sống giữa máy móc thiết bị thông tin
Tổng kết lại, từ 2005, lúc mới trở về Cần Thơ đến nay, tôi đã thiết lập và tích lũy một hệ thống thiết bị thông tin gia đình kha khá bằng cách tiếp nhận thiết bị phế thải từ người thân và bạn bè ở nước ngoài gởi về, một số là mua sắm thêm bằng tiền trợ cấp ít ỏi của mình. Gia đình chỉ có ba người biết sử dụng máy tính, mỗi người có một computer riêng được nối bằng cáp trực tiếp từ modem. Modem này đồng thời phát wifi. Ngoài computer, con gái nhỏ của tôi có một laptop còn tôi có một netbook, sử dụng wifi đó để truy cập internet. Mội tuần ba buổi tối, tôi đưa con bé đi học Anh văn cách nhà 7km, tôi phải ngồi đợi ở quán cà phê suốt hai tiếng để chờ rước về. Nhưng thời gian đó không nhàm chán hay uổng phí, vì nhờ có cái netbook, tôi có thể trả lời thư, đọc báo mạng hay viết bài trong khi chờ đợi. Trong quán cũng có nhiều người khác sử dụng laptop, chưa kể một số khác sử dụng điện thoại để truy cập mạng. Cả ba người trong nhà tôi đều có thể truy cập internet trên điện thoại bằng wifi khi cần, chỉ trừ bà mẹ tôi và bà xã tôi là không sử dụng internet. Tuy vậy bà mẹ tôi tuy đã 86 tuổi, vẫn có thể dùng computer đánh cái thơ gởi cho cậu tôi, hoặc chị hay em trai tôi bên Mỹ rồi nhờ chúng tôi gởi đi. Chỉ có bà xã tôi hoàn toàn không biết tin học nhưng cũng có cái điện thoại di động loại thường để liên lạc.
Điện thoại của tôi có thể được kết nối lần lượt với một trong tất cả computer, laptop hay netbook trong nhà bằng một software gọi là Android Sync Manager (tên file : amwifi.exe) cài trên các thiết bị đó, để có thể trao đổi dữ liệu giữa thiết bị và điện thoại. Trên điện thoại thì cài software Android Sync Manager Wifi Agent (tên file : amagentwifi.apk). Tốc độ truyền dữ liệu qua wifi nhanh hơn nhiều so với bluetooth 2.0. Ngay cả trong trường hợp nhà không có line ADSL để truy cập internet, một thiết bị phát wifi vẫn có thể giúp kết nối và trao đổi dữ liệu giữa các thiết bị và điện thoại, miễn là thiết bị có bộ thu wifi (luôn có sẵn trong laptop, netbook) còn đối với computer thì có thể dùng một USB wifi rời để thu sóng wifi. Còn trong trường hợp computer đã có cáp nối với modem wifi thì đương nhiên có thể kết nối với điện thoại qua wifi. Sự kết nối này rất hữu ích, tôi sử dụng điện thoại thay cho USB thông thường vì các lẽ sau : USB cắm vào rút ra quá nhiều lần thì bị lờn không còn ăn nữa, tất cả USB của tôi đều ba trật ba vuột, sử dụng không đảm bảo, sử dụng điện thoại thì không cần cắm vào, rút ra nên không bao giờ bị lờn. Các thiết bị có thể kết nối trực tiếp với nhau bằng wifi hoặc cáp landcard, tuy nhiên không phải bất cứ lúc nào thiết bị cũng mở sẵn, còn điện thoại thì luôn luôn mở. Do đó, tại một thiết bị bất kỳ, nếu gặp một video clip hay bản nhạc nào hay trên mạng thì save lại và chuyển vào lưu trong thẻ nhớ điện thoại. Đến khi một thiết bị khác cần file đó thì lập tức có thể lấy từ điện thoại chứ không cần phải mở lại thiết bị trước kia. Đành rằng thiết bị nào cũng có thể tiếp xúc với internet, nhưng nhiều lúc không dễ tìm lại những cái ta đã xem qua, ngoài ra đối với những file lớn hàng trăm MB, download lại cũng mất nhiều thời gian, trong khi chuyển từ điện thoại qua wifi nhanh hơn download hàng chục lần.
Sau một thời gian dài tích lũy các thiết bị phế thải do người khác tặng cho, trong nhà tôi lỉnh kỉnh nhiều thứ thiết bị thông tin cũ kỹ, tuy vẫn còn xài tốt nhưng đa phần lạc hậu mà tôi vẫn cố gắng tận dụng chúng.
Ví dụ như nhà tôi chỉ có ba người, hai vợ chồng và con bé nhỏ nhưng có tới 3 cái tivi. Thật ra thì chỉ có một tivi là thiết bị chuyên dùng để xem truyền hình, còn hai tivi kia chỉ là màn hình CRT đời cũ xài cho máy vi tính bàn, nhưng tôi lắp thêm thiết bị Gadmei bên ngoài để có thể thu sóng truyền hình. Gadmei đầu tiên tôi mua năm 2004 lúc còn ở Thị Nghè, sau đó chuyển cả máy vi tính cũ và thiết bị này về Bình Thủy cho con bé nhỏ của tôi sử dụng lúc nó mới 5 tuổi. Gadmei cho phép sử dụng chung màn hình để hiển thị thông tin từ computer, và chỉ cần bấm nút Power là màn hình sẽ chuyển thành tivi có thể xem được tất cả các đài truyền hình trong khu vực. Năm 2008, lúc đó tôi đã chuyển về cư trú tại Bình Thủy được ba năm, tôi mua thêm một Gadmei nữa để lắp vào computer của mình gần cái divan chỗ tôi ngủ, mục đích là để theo dõi giải bóng đá Euro 2008 vào đêm khuya từ trong mùng, không phải ra ngoài sợ muỗi cắn. Một thiết bị thu sóng truyền hình Gadmei giá chỉ 300 ngàn, lắp vào xài chung với computer cũng rất tiện. Như vậy trong nhà có một tivi thực thụ xài chung cho cả nhà đặt ở nhà bếp vì bà xã tôi thích xem tin tức lúc làm bếp. Về sau, tivi này bị hư, được thay bằng một tivi LCD 29 inches đặt trong phòng ngủ của con bé nhỏ, một Gadmei lắp vào computer của tôi đặt ở nhà bếp vì tôi cũng thường nấu cơm nấu nước trong lúc làm việc trên computer, tivi thường chỉ để xem tin tức trong nước và thế giới buổi tối. Một Gadmei khác lắp vào computer của con bé nhỏ đặt ở nhà trước, tivi này ít sử dụng, thường chỉ có tôi sử dụng vào đêm khuya, ngồi trong mùng xem Euro hay Word Cup, mỗi hai năm mới có một lần, tôi thường không xem các Cup Âu châu dành cho câu lạc bộ (Champions League), cũng không xem các cúp bóng đá quốc gia như Premier League (Anh), La Liga (Tây Ban Nha) hay Serie A (Italy) vì không phải tín đồ bóng đá, đôi khi dùng để xem tin tức buổi tối nếu không có bà xã ở nhà, lúc có bà ấy thì luôn luôn cùng xem tivi ở nhà sau, trừ khi tôi muốn xem một chương trình khác thì phải chạy ra nhà trước xem riêng. Còn con bé nhỏ thì luôn luôn xem tivi trong phòng ngủ của nó vì chỉ có phòng đó có trang bị máy điều hòa, nếu cần sử dụng mạng internet thì nó dùng laptop. Từ đầu năm 2013 lại có thêm một phương thức xem tivi mới, đó là tivi internet, nhà mạng FPT đề nghị nâng tốc độ đường truyền internet từ 6Mbps lên 10 Mbps để có thể xem tivi trực tiếp từ internet, tôi chấp thuận, nên các computer bây giờ không cần Gadmei vẫn xem được tivi như thường, tuy nhiên số chương trình bị hạn chế hơn truyền hình cáp, nhưng chất lượng hình ảnh rõ nét hơn truyền hình cáp. Công ty truyền hình cáp Saigon Tourist SCTV lập tức nâng chất lượng đường truyền lên ngang bằng với truyền hình internet để tăng tính cạnh tranh. Nên truyền hình cáp vẫn còn ưu thế về tivi và Gadmei chưa phải vứt đi.
Ví dụ khác, như máy scanner Epson 636U mà em tôi gởi cho từ năm 2005 chỉ chạy được trong Win98. Ngày nay không còn máy nào chạy được Win98 nữa, năm 2010 em tôi bên Mỹ gởi cho một scanner khác hiệu Canon N650U cũng cũ kỹ mà nó đã bỏ, chỉ chạy được trong WinXP. Tôi vẫn còn tiếc chiếc Epson 636U bởi vì nó có khả năng scan những hình ảnh khổ khá lớn, gấp rưỡi chiếc Canon, nên tôi cố gắng tìm trên mạng, software phù hợp giúp nó chạy được trong WinXP và thành công. Thế là tôi sử dụng được cả hai scanner. Nhà tôi từ lâu đã sớm trở thành trung tâm thông tin liên lạc cho những người bà con. Họ muốn gởi thư từ cho bà con bên Mỹ, họ viết thư trên giấy xong đem đến nhà tôi, nhờ scan nguyên bức thư dưới dạng ảnh và gởi kèm email. Có người làm thơ Đường luật hàng mấy chục bài, đóng lại thành tập và muốn gởi tặng nguyên tập thơ, tôi cũng chịu khó, sẵn lòng scan nguyên tập thơ, cứ hai trang làm thành một ảnh trong đó có chứa 4 bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Tập thơ chứa 20 bài thì scan thành 5 ảnh. Năm nào cũng vậy, mồng một Tết nguyên đán, ở nhà má tôi đều có tổ chức gặp gỡ, nói chuyện, chúc tết với bà con ở nước ngoài, phần lớn bên Mỹ, có người bên Anh. Bà con kéo lại nhà tôi rất đông, tôi phải mở cùng lúc 3 máy tính ở ba vị trí cách xa nhau trong nhà để từng hai người thành một cặp, một tại đây và một ở nước ngoài, nhìn thấy nhau và nói chuyện dễ dàng với nhau qua Skype. Phía nước ngoài thì họ ở ba nhà khác nhau. Điều đó không thành vấn đề. Vì Phật pháp đã nói rằng “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” điều đó có nghĩa tâm là bất định xứ, ở đâu cũng không thành vấn đề và đều có thể gặp nhau. Khoảng cách 20.000 km cũng không thành vấn đề, chúng tôi nhìn thấy nhau và nói chuyện với nhau rõ ràng như đang ngồi trước mặt nhau. Đó là sự kỳ diệu của thế giới ảo. Thường thì chúng tôi nói chuyện từ 10 giờ sáng đến 14 giờ trưa ngày mồng một tết, mọi người đều thỏa mãn, đều gặp được người bà con họ muốn gặp và nói chuyện thoải mái không có gì bức bách. Một điều quan trọng nữa là hoàn toàn không có tốn kém, các phương tiện kỹ thuật đều nằm trong tầm tay của cá nhân, chỉ cần có chút kiến thức về tin học. Smartphone lại càng cung cấp thêm sự tiện lợi, chúng ta có thể dùng nó nói chuyện miễn phí qua wifi hay 3G bằng các software như Skype hay Viber bất cứ ở đâu, ngoài đường, trong quán cà phê, trong siêu thị…Nhưng ở nơi công cộng thì chúng ta nên dùng tai nghe (earphone) để tránh tiếng ồn bên ngoài và nên để điện thoại trong túi xách hay túi quần áo kín đáo, để phòng bị trộm giật. Đi đâu cũng nên mang earphone theo.
Các smartphone đều có dung lượng bộ nhớ lớn trong điện thoại hoặc trong thẻ nhớ rời. Vậy có thể chứa gì trong đó ? Ngày nay smartphone đều có kết nối với internet, wifi có khắp nơi và thường không tốn thêm chi phí, chúng ta có thể xem báo, nghe kinh giảng, nghe nhạc, xem video trực tiếp trên mạng nên ít cần tới bộ nhớ lớn. Tuy nhiên những gì được ta tuyển chọn cho là hay, xuất sắc thì nên lưu lại trong thẻ nhớ. Việc lưu lại cũng có công dụng :
1/Vì mạng wifi hay 3G không phải ở đâu cũng bảo đảm thông suốt, có lúc bị chậm không đáp ứng được yêu cầu. Do đó lưu trong thẻ nhớ thì có thể xem bất cứ ở đâu.
2/Chúng ta có thể có chế biến thêm cho file lưu trữ của mình, ví dụ kinh giảng hay ca nhạc bằng mp3 chúng ta có thể chèn thêm hình của người thể hiện trong đó, để khi mở máy nghe thì thấy được người biểu diễn.
3/Những đoạn video có giá trị cần lưu có khi chỉ là một đoạn ngắn trong một file dài. Do đó cần phải cắt ra. Chúng ta có thể dùng Total Video Converter để cắt ra. Nó cũng dùng để ghép lại nhiều đoạn ngắn mà ta đã cắt nhưng thấy nên gộp lại một số đoạn. Nó cũng cho phép thay đổi âm thanh nếu thấy âm thanh gốc quá ồn hoặc không hay.
4/Khi cắt ghép ta nên dùng định dạng wmv nhưng để phát được trong điện thoại, tôi dùng Any Video Converter để chuyển thành dạng mp4.
5/Save file và chế biến chỉ có thể làm tốt trên computer hoặc laptop. Muốn save file từ Youtube, tôi dùng RealPlayer, khi mở video, ở góc trên bên phải khung hình hiện lên chữ Download this video, bấm vào để save. Không phải version RealPlayer nào cũng cho phép save file, tôi dùng version realplayer của BBC thì làm được. Còn save file trên Dailymotion thì dùng software ImprovedDailymotionDowloaderSetup.exe
Do việc save file và chế biến phải làm trên computer hoặc laptop, do đó mới có nhu cầu kết nối giữa điện thoại và computer hoặc laptop qua wifi như đã nói ở phần trên. Sản phẩm kết quả cần được chuyển vào thẻ nhớ điện thoại để có thể trao đổi với bạn bè, người thân khi cần. Ngay cả có thể gởi video clip đi xa bằng Viber nếu file nhỏ hoặc gởi bằng email nếu file lớn hơn.
Khi tôi mở một blog trên mạng, nhiều lúc cần sử dụng multimedia bằng video hoặc âm thanh mp3. Video thì link với Youtube. Mp3 muốn link nhạc thì dễ nhưng muốn có chỗ chứa và link kinh giảng của thầy Duy Lực thì tôi phải dùng Skydrive của Windows Live bằng cách mở một hộp thư hotmail.com.vn, nó cho một dung lượng 25GB miễn phí trên mạng tha hồ chứa file, nhưng nếu bạn không sử dụng nhiều thì nó chỉ cho bạn 7GB. Có những video clips riêng không có sẵn trên Youtube, tôi phải chế biến và post lên đó.
Nhịp cầu giữa thế giới đời thường và thế giới ảo
Trên đây tôi đã trình bày đặc biệt tường tận về cuộc sống đời thường của mình. Tôi không may có một người vợ không hiểu nổi, thường hay thất bại trong làm ăn kinh doanh, gây ra nợ nần khủng khiếp, mấy lần phải bán nhà để trả nợ. Nhưng tôi cũng may mắn có hai cô con gái có thành tích khá ấn tượng như đã kể trên. Có thể nói là mất đằng vợ nhưng được đằng con. Đó là sự thật hay mộng ảo ? Câu hỏi không dễ trả lời. Mặt khác, tôi bị ảnh hưởng nhiều của thế giới ảo, có nhiều ứng dụng hữu ích của tin học trong đời thường, ví dụ liên lạc bằng email, gởi tin nhắn, hình ảnh, địa điểm, video clip, nói chuyện miễn phí bằng Viber hoặc Skype, đọc báo xem thông tin, video trên mạng v.v… Nhưng nội dung chủ yếu của bài này là muốn bắc một nhịp cầu sâu rộng hơn nữa giữa thế giới ảo và thế giới đời thường. Kinh Phật luôn nói rằng thế gian là mộng ảo. Như vậy là nói thế giới ảo và đời thường có cùng bản chất, là cùng một thứ chứ không phải hai thứ khác nhau. Tôi thử tìm một số chứng cớ để liên thông.
Chẳng hạn Kinh Phật nói rằng không gian, thời gian và số lượng vật chất chỉ là ảo chứ không phải thật. Đã là ảo thì nó cũng không khác gì thế giới vi tính. Cái gì chứng tỏ khoảng cách không gian không có thật ? Chẳng phải là trong bao nhiêu mùa xuân qua, năm nào chúng tôi cũng dễ dàng gặp gỡ, trao đổi, chúc tết với bà con ở những nơi xa xôi đó sao ? Với tốc độ 300.000 km/giây, khoảng cách không gian trên địa cầu đã bị triệt tiêu rồi. Thế còn khoảng cách hàng tỉ quang niên trong vũ trụ thì sao ? Như đã nhiều lần trình bày về hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement) hai photon cách xa nhau 18km trong thí nghiệm của Nicolas Gisin năm 2008 tại Geneva, Thụy Sĩ, liên kết với nhau tức thời không tùy thuộc khoảng cách. Nó chứng tỏ rõ ràng tính chất bất định xứ (nonlocality) của vật chất là có thật, nó chứng tỏ sự sai lầm của Einstein vì giả thuyết EPR của nhóm ông bị chứng tỏ là sai vì thực tế thí nghiệm không phù hợp với bất đẳng thức Bell. Không phải tín hiệu di chuyển với tốc độ gấp 10 triệu lần ánh sáng, mà thực tế là khoảng cách 18km trong thí nghiệm của Gisin hay 14 tỉ quang niên trong vũ trụ chỉ là sự sai lầm hay ảo tưởng trong nhận thức duy lý của con người chứ không phải thật, khoảng cách chỉ là ảo. Chúng ta ngồi máy bay của VN Airlines đi từ phi trường Tân Sơn Nhất tới phi trường Gatwick ở Luân Đôn (tôi đã có đi), khoảng cách 10.000 km, đó là đi ảo, cảnh ở hai nơi là cảnh ảo, thật ra là không có đi đâu cả. Phật diễn tả tình hình đó bằng danh hiệu Như Lai mà trong một bài trước tôi đã đề cập, xin nhắc lại :
如来(梵语:Tathāgata),音譯為多陀阿伽陀,佛的十大稱號之一。 tatha 意思是“如”,agata 意思是“來”,如来,“就像來了一樣”,更進一步講,“就在這兒”,所以在這裡“來”
[Như Lai, Phạn ngữ là Tathāgata, dịch âm là Đa Đà A Ca Đà, một trong mười đại danh hiệu của Phật. Tathā nghĩa là như, agatha nghĩa là lai (đến), Như Lai nghĩa là “giống như đến” (nhưng không phải thật đến), giảng sâu thêm bước nữa, nó có nghĩa là “chính là tại chỗ này” tại chỗ này mà đến (nghĩa đích thực là không đi không đến tức là bất định xứ- nonlocality)]
Khoảng cách là không có thật, cảnh là tâm cảnh. Trí óc của con người không thể nào hiểu nổi điều này, ngay cả một nhà khoa học lớn như Einstein cũng không hiểu nổi. Chỉ có bậc giác ngộ như Thích Ca, có khả năng di chuyển với tốc độ ý niệm, khởi niệm là đến, mới chứng thực được điều đó. Nhưng sự triệt tiêu khoảng cách trên không gian mạng cũng đủ chứng tỏ rằng Thích Ca không phải bịp bợm, dối gạt chúng sinh để làm gì. Thế giới Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà cách xa trái đất vô lượng quang niên, phải đi với tốc độ của ý niệm mới đến được, đó là điều hiển nhiên. Nếu nói thế giới đó chỉ là mộng ảo, cũng không sai, nhưng phải hiểu rằng nó cũng bình đẳng như trần gian, nghĩa là trần gian cũng chỉ là mộng ảo.
Con người dùng trí óc và đôi tay của mình để biến đổi vật cảnh. Biến ra một vùng không gian gọi là thành phố HCM khác hoàn toàn so với một vùng không gian khác gọi là Luân Đôn. Sự biến đổi đó trải qua mấy trăm năm hay cả ngàn năm, nghĩa là sau một khoảng thời gian dài với biết bao cố gắng phát minh sáng chế, sản xuất xây dựng mới thành. Vì vậy chúng ta cho rằng cảnh đó là thật. Giả sử thế giới xảy ra chiến tranh nguyên tử, một quả bom khinh khí đủ tiêu diệt ra tro một thành phố trong nháy mắt, chúng ta mới lờ mờ nhận thức rằng đời là ảo mộng. Giả sử có một siêu nhân trong chớp mắt có thể khôi phục lại như cũ một thành phố vừa bị phá hủy thì lúc đó chúng ta mới tin rằng vật cảnh cũng chỉ là ảo. Trên đời chưa có siêu nhân nào thần thông quảng đại làm được như thế. Chỉ có những nhân vật đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng có thể trong chớp mắt khôi phục một bức tranh bị xé nát vo cục nhúng nước, hay Hầu Hi Quý trong chớp mắt khôi phục chiếc đồng hồ tay bị đập bẹp. Đó cũng là chứng cớ để chúng ta thấy vật cũng chỉ là ảo hóa mà thôi.
Hiện nay có một số nhà khoa học như David Bohm, Craig Hogan, tin rằng vũ trụ vạn vật cũng chỉ là ảo. Thế giới đời thường, không gian 3 chiều có thể được ghi lại đầy đủ trên mặt phẳng hai chiều gọi là toàn ảnh (hologram). Mặt phẳng hai chiều có thể hiểu là chiếc thẻ nhớ khổng lồ và từ đó có thể phóng hiện trở lại thành thế giới đời thường 3 chiều. Craig Hogan còn nói cụ thể hơn nữa, vũ trụ là số giống như thế giới vi tính, một bit thông tin của vũ trụ có kích thước bằng 4 diện tích Planck.
Một ô tam giác lớn là một bit thông tin vũ trụ, bằng 4 lần ô tam giác nhỏ gọi là diện tích Planck
Giả sử con người chế tạo được chiếc máy in phun khổng lồ có năng lực kinh khủng, thì từ toàn ảnh của một tòa nhà, có thể tái tạo một building chỉ trong vài phút. Và xây dựng xong một thành phố hoàn chỉnh chỉ trong vài ngày hoặc một tuần. Sản xuất công nông nghiệp không còn cần thiết nữa, nhiều công cụ để sản xuất và vật dụng hàng ngày biến mất vì không còn dùng tới. Một chiếc máy sáng tạo có năng lực không tưởng tượng nổi, sẵn sàng phục vụ. Đến bữa ăn nó sẽ tạo ra những món ăn uống tùy thích với đầy đủ hương vị chỉ trong vài chục giây, giống như Hầu Hi Quý đã làm tại nhà của Đinh Chiếm Tường trong thập niên 1980 tại Trường Sa tỉnh Hồ Nam Trung Quốc. Chiếc máy có khả năng biến nước và không khí thành thức ăn hay các loại đồ dùng cần thiết, bởi vì vật chất hay lương thực thực phẩm chẳng qua chỉ là quark và electron hay sâu xa hơn nữa, chỉ là số 0 và 1 nhưng số 0 và 1 này không phải chỉ là điện tử (electron) như hiện nay, mà là lượng tử có kích thước bằng 4 diện tích Planck (4×10-66 cm2 đọc là 4 nhân 10 lũy thừa âm 66 centimét vuông).
Hiện có cuộc tranh luận, bản chất của vũ trụ là số (hạt, rời rạc) hay là analog (sóng, liên tục). Cuộc tranh luận này chỉ là hí luận, nghĩa là khẳng định thế nào cũng không thể đúng, hay nói cách khác là không thể khẳng định được. Bát Nhã Tâm Kinh đã nói “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc…” không thể khẳng định vật chất chỉ là sóng hay chỉ là hạt, vì hạt chính là sóng, sóng chính là hạt, mặc dù hình thái của chúng rất khác nhau. Điều đó giống như cố phân biệt khoảng cách không gian là có thật (điều chúng thấy và cảm nhận) hay không có thật (hiện tượng rối lượng tử chứng tỏ). Phân biệt như vậy là chưa hiểu câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” kỳ tâm chính là bản chất của bất cứ hiện tượng nào trong Tam giới, bản chất là không, không có gì cả, nhưng chúng ta cũng không được chấp, bởi vì chúng ta đang sống trong thế giới ảo của hiện tượng, có đủ núi non, sông nước, mỹ nhân, cảnh vật… Cái kỳ tâm đó chính là tâm giác ngộ bất nhị không thể nghĩ bàn. Nó biết rằng vật chất không phải là hạt, cũng không là sóng, không phải là vừa sóng vừa hạt, cũng không phải phi hạt phi sóng. Nói kiểu nào cũng lọt vào tứ cú (4 mệnh đề mô tả 4 trường hợp). Kỳ tâm có nhiều tên gọi khác như Như Lai, Chánh biến tri, Phật, Thượng Đế… Ưng vô sở trụ cũng có nghĩa là không thể kiến lập chân lý, không vướng mắc, bất định xứ.
Bất định xứ không phải là chúng ta chạy lung tung khắp chốn, chúng ta vẫn nằm khoèo ở nhà mình, có địa chỉ xác định rõ ràng, nhưng thật tế vẫn là bất định xứ bởi vì tất cả đều đang chuyển động rất nhanh (thiên hành kiện). Bài viết này là bất định xứ nhưng nó vẫn có địa chỉ server rõ ràng, nó có chỗ chứa nhất định, nhưng vẫn là bất định xứ bởi vì bất cứ bạn ở đâu trên thế giới, đều có thể nắm bắt được nó.
Vũ trụ dù là số hay là analog thì nó vẫn là thông tin, là duy thức, là do tâm tạo. Khoa học tâm linh và khoa học kỹ thuật khi gặp nhau, liệu có hiệu ứng kỳ diệu nào không ? Tâm linh thật ra không cần tới khoa học kỹ thuật. Chẳng hạn Trương Bảo Thắng hay Hầu Hi Quý tạo ra các kỳ tích không cần tới kiến thức, cũng không cần bất cứ thiết bị hay công cụ gì. Phật A Di Đà tạo ra thế giới Tây phương cực lạc không cần tới kiến thức hay thiết bị khoa học, tất cả sức mạnh nằm trong Chánh biến tri. Nhưng trong khung cảnh trần gian nhiều hạn chế, nhiều mê muội, con người không thể chỉ trông chờ vào tâm linh, đừng có phủ nhận tâm linh, nhưng không thể chờ đợi hay dùng phương pháp tâm linh để giải quyết vấn đề ăn, mặc, ở, của con người trên thế giới. Các kỳ tích của Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý và Nghiêm Tân chỉ hé lộ một chút bí mật của tự tánh chứ không thể dựa vào đó để giải quyết vấn đề nhà ở, cơm ăn, áo mặc, phương tiện liên lạc, phương tiện đi lại của con người. Chính vì vậy, khoa học kỹ thuật vẫn có vai trò tuyệt đối quan trọng trên thế gian. Nếu khoa học ứng dụng được kỹ thuật số đối với vũ trụ thì sẽ đạt tới sự kỳ diệu khó tưởng tượng nổi.
Hiện nay chúng ta đã có được phương tiện thông tin rất tuyệt vời. Cái việc ái biệt ly khổ có phần nào đã lùi vào dĩ vãng. Nếu nàng Mạnh Khương sống trong thời đại ngày nay thì không cần phải lặn lội ngàn dặm xa xôi đi tìm chồng vô cùng gian nan vất vả, với smartphone, hàng ngày có thể nói chuyện với chồng, nhìn thấy chồng đang sống thế nào, không còn phải nhớ nhung đau xót nữa. Cứ yên tâm ở nhà làm việc bình thường và liên lạc vào giờ thuận tiện.
Trong tương lai, những chiếc máy lượng tử kỳ diệu biết đâu còn có thể giúp chúng ta di chuyển với tốc độ ánh sáng bằng phương thức télétransport (vô tuyến vận tải), thức ăn, đồ dùng, cả con người biến thành lượng tử (0 và 1) di chuyển với tốc độ ánh sáng, đến nơi muốn đến, xong biến trở lại thành vật chất, giống như cái mà chúng ta đang làm với video clips chuyển đi qua mạng internet.
Nhà cửa, xe cộ (với những cự ly ngắn thì vẫn dùng xe cộ như thông thường, sau này chủ yếu là xe điện không gây ô nhiễm) đồ dùng, lương thực thực phẩm đều có thể sản xuất nhanh chóng bằng máy lượng tử một cách hoàn hảo giống như hiện nay chúng ta đang làm công việc copy hình ảnh, video, văn bản một cách dễ dàng bằng computer.
Muốn thay các bộ phận trong cơ thể cũng dễ dàng bằng cách copy các cơ quan nội tạng. Lắp ghép nhanh chóng mà không cần mổ xẻ, vì xử lý ở mức độ lượng tử thì giống như thần thoại. Nói tóm lại thì hiện nay chúng ta đang xử lý các hình ảnh, âm thanh, vật ảo thế nào trong máy tính điện tử thì tương lai máy tính lượng tử đều có thể làm như vậy đối với các sự vật của thế giới đời thường.
Con người có thể khai thác năng lượng vô hạn trong vũ trụ để phục vụ cho một số hữu hạn dân số trên trái đất, không sợ thiếu năng lượng, không còn cần thiết phải tranh giành không gian sinh tồn, biển đảo. Bấy giờ con người không còn cần phải lo mưu sinh nữa nên hướng đến đời sống tâm linh để được an lạc mãi mãi.
Kết luận
Đây là một bài luận dài, vừa rất cụ thể, rất chi tiết về cuộc sống đời thường của bản thân gia đình tôi, làm một ví dụ, mặt khác lại rất trừu tượng, rất khó tưởng tượng nổi về tương lai của khoa học kỹ thuật và nhân loại. Tôi tiếp xúc với tin học từ năm 1996, lúc 43 tuổi. Nhiều người bạn già cùng độ tuổi với tôi, có nhiều người nghĩ rằng tin học quá phức tạp, mình đã khá lớn tuổi rồi, không cần phải học nữa, thôi cứ để cho con cháu học. Tin học quả có phức tạp nhưng không phải người già không học được, tôi nghĩ ai cũng có thể học được, nhiều hay ít tùy theo nhu cầu của mỗi người. Bà mẹ tôi, 86 tuổi, vẫn có thể dùng computer để viết thư. Con bé nhỏ của tôi lúc 5 tuổi, chưa biết chữ, vẫn có thể dùng computer để chơi games. Tôi là người khá châm lụt, lúc học lớp nhất tiểu học (bây giờ là lớp năm) thầy giáo từng chê tôi lù khù, đầu óc tôi chậm, tôi không thể nào nghe hiểu kịp bất cứ ngoại ngữ nào, dù đã học lâu, chỉ có thể đọc hiểu vì khi đọc không bị hạn chế về thời gian, nhưng với sự cố gắng, tôi vẫn học và ứng dụng được tin học. Kiến thức được học qua trường lớp về tin học của tôi chỉ là một khóa duy nhất ba tháng về D-Base. Tất cả phần còn lại chỉ là tự mày mò tìm hiểu và ứng dụng. Tôi mở blog Duy Lực Thiền để phổ biến Phật pháp, một mình làm tất cả mọi việc, không có người hỗ trợ, kể cả về kỹ thuật tin học. Tôi tự viết bài thỉnh thoảng đưa lên, để blog có sinh khí hoạt động. Tôi tự chế biến các file âm thanh mp3 cho có kích thước nhỏ gọn, phù hợp với việc download bằng điện thoại di động, giảm kích thước từ 128 kbps của file gốc, xuống chỉ còn 32 kbps, nhưng vẫn đảm bảo mức độ rõ ràng. Tôi tự chế biến một số file video đưa lên Youtube để minh họa thêm những chỗ cần thiết mà mình không thể link từ những files đã có sẵn trên mạng.
Tôi nghĩ rằng blog này nêu lên những kiến giải khó tin nhất về Phật pháp và đời thường. Tôi thường kết hợp Phật pháp, khoa học và đặc dị công năng để nói về những việc mà người bình thường không thể nào tin nổi, không thể nào hiểu nổi, nhưng không phải là không có cơ sở khoa học. Ví dụ Phật pháp nói tánh không của vũ trụ vạn vật, nghĩa là không gian, thời gian và số lượng đều chỉ là ảo, không phải thật. Khoa học từ lâu đã biết hiện tượng rối, vướng víu lượng tử (quantum entanglement) mà chính Einstein và tất cả các nhà khoa học duy vật đều không thể hiểu nổi. Bất đẳng thức Bell chứng tỏ chắc chắn rằng giả thuyết EPR của nhóm Einstein, Podolsky và Rosen là sai, lượng tử trong vũ trụ là bất định xứ (nonlocality). Các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý chứng tỏ bằng thực nghiệm, rằng các cố thể vật chất như bàn ghế, đồ dùng, cũng là bất định xứ giống như photon hay lượng tử (sợi dây nịt mà nhà xã hội học đang mang trong lưng quần có thể di chuyển tới bất cứ vị trí nào mà Trương Bảo Thắng muốn, dù ông ta có cố giữ chặt). Mặc dù tính bất định xứ có cơ sở khoa học và thực nghiệm rành rành như vậy, nhưng tất cả chúng ta đều không thể tin nổi rằng khoảng cách không gian là không có thật. Cụ thể là chúng ta không thể tin nổi khoảng cách giữa Sài Gòn và Hà Nội là không có thật. Internet bồi thêm một cú, cho ta cơ hội thực nghiệm rõ ràng, với tốc độ 300.000 km/giây, tất cả mọi khoảng cách trên địa cầu đều bị triệt tiêu. Phật pháp bồi thêm một cú quyết định, nói rằng với tốc độ của ý niệm, mọi sự vật trong vũ trụ đều là Như Lai, mọi khoảng cách trong vũ trụ đều là không có thật, mà hiện tượng rối lượng tử đã cho thấy quá rõ rồi. Máy tính lượng tử sau này sẽ cho thấy hiệu ứng không tưởng tượng nổi đó.
Ngay trong đời thường , nhiều việc tưởng chừng không ăn nhập gì với nhau nhưng thật sự có liên quan. Ví dụ, nếu thầy Duy Lực không thiết lập phòng máy tính ở Bình Thủy, tôi có thể không có điều kiện học hỏi ứng dụng sớm về tin học, cuộc đời có thể rẽ sang hướng khác và ngày nay không chắc gì có blog Duy Lực Thiền. Con gái lớn của tôi có thể không sớm tiếp xúc với tin học và sẽ không có cơ hội làm việc cho KPMG, không có qua bên Anh làm việc, không có sự việc đi Bắc Kinh. Nếu con gái lớn của tôi không qua Anh làm việc, sẽ không có cái gì kích thích tôi cho con gái nhỏ đi học Anh văn sớm lúc mới lên lớp hai, không có việc bé đoạt giải nhất cuộc thi Olympic Anh văn bậc tiểu học toàn thành phố Cần Thơ năm học 2008-2009, lúc đó bé mới học lớp bốn (sớm hơn một lớp so với quy định, trường phải khai báo là bé học lớp năm), không có việc đài truyền hình đến phỏng vấn, cũng không có việc bé đi dự đại hội cháu ngoan Bác Hồ tại Hà Nội, cũng không có việc mua sắm hết điện thoại này tới smartphone khác, vì nếu bé không đoạt nhiều giải thưởng chủ yếu là về Anh văn, thì sẽ không có điều kiện và tiền để mua điện thoại, vì thật ra tôi rất nghèo, không có tài sản, không có tiền bạc gì nhiều, chỉ sống nhờ sự giúp đỡ của đứa con gái lớn.
Kể tỉ mỉ như vậy nhằm dẫn chứng cho nguyên lý duyên khởi của Đạo Phật trong thập nhị nhân duyên, nói rằng :
Imasmiṃ sati, idaṃ hoti; imass`uppādā, idaṃ uppajjati; imasmiṃ asati, idaṃ na hoti; imassa nirodhā, idaṃ nirujjhati. (MN II.32, SN II. 28)
Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt. (Chân Nguyên dịch Pali- Việt)
Lý duyên khởi của Đạo Phật cũng chính là cái mà ngày nay gọi là RQM (Relational Quantum Mechanics – Cơ học lượng tử tương quan). Vật chất, vật thể là không có thật, cái mà chúng ta thấy, nghe, sờ mó, ăn uống, tăng trưởng, sinh lão bệnh tử, chung quy chỉ là RQM, là mối liên quan với nhau giữa các cấu trúc ảo mà Phật giáo nói là lục căn, lục trần và lục thức, cộng chung 18 giới hay nói một cách đầy đủ hơn, có bát thức (thay vì lục thức) nên tổng cộng là 20 giới. Hai mươi giới đó chính là vũ trụ vạn vật, là duy thức. Chính vì vũ trụ là duy thức nên Craig Hogan mới nói vũ trụ là số, là digital với một bit bằng 4 diện tích Planck.
Truyền Bình
Một bài viết hay và ý nghĩa
mời tác giả nghe bài nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Tâm Rong Rêu.
Thà là rong rêu, lênh đênh trên biển.
Thà là chim bay vui theo tháng ngày.
Thà là mây trôi mênh mang giữa bầu trời.
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/rong-reu-tuan-ngoc.aIs3Vtn2Bl.html
Thanks !
Doc xong bai nay con rat xuc dong, con biet duoc phap mon Tham To Su Thien cung nho trang Wed nay, tuy truoc day con co biet ve Phat Phap va tim kiem nhieu phap mon de tu tap nhung khong co phap mon nao lam cho con cam thay toai nguyen.
Nho mot lan lang thang tren mang con vo tinh vao duoc trang nay, con download tat ca cac file bai giang cua Hoa Thuong Duy Luc ve nghe, nghe di nghe lai mat hai thang thi thay duoc duong di ro rang cua phap mon nay. Con hien tai dang theo phap mon TST
Hom nay, doc xong bai nay con khong ngo minh lai co nhan duyen voi Chu Truyen Binh va Hoa Thuong Duy Luc lon nhu the.
Con chan thanh cam on Chu.
Thanks, kính chúc thân tâm thường lạc !