NHỮNG KHÁI NIỆM ĐẶC THÙ CỦA PHẬT GIÁO

Khái niệm đặc thù của Phật giáo là đặc điểm nổi bật nhất của Phật giáo, nó khiến cho PG khác xa các tôn giáo khác hay các hệ tư tưởng khác, việc lý giải và ứng dụng khái niệm đó trong đời sống, học hành và tu tập là công việc thường xuyên của Phật tử bao gồm cả giới xuất gia và tại gia. Người thế gian đa số là không hiểu nổi, không tin nổi những khái niệm đó. Vậy đó là những khái niệm nào ?

Tánh Không của vũ trụ vạn vật.

Thích Ca đề cập đến tánh không rõ ràng, tập trung nhất trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, bản kinh này được đại sư Huyền Trang đời Đường dịch ra chữ Hán chỉ vỏn vẹn có 260 chữ. Trước Huyền Trang, Cưu Ma La Thập (鳩摩羅什Kumārajīva _344-413 Công nguyên) cũng có dịch bản kinh này, nhưng ngày nay bản dịch của Huyền Trang lưu truyền phổ biến hơn.

Tánh Không cũng được Bồ Tát Long Thọ (zh. 龍樹; sa. Nāgārjuna) diễn giải đầy đủ trong tác phẩm Trung Quán Luận, gọi đầy đủ theo tên Phạn văn là Căn bản trung luận tụng (sa. Mūlamadhyamakakārikā). Tam tạng kinh điển Đức Phật thuyết trong 49 năm giáo hoá đều được xây dựng trên nền tảng Duyên sinh, vô thường, vô ngã. Từ nền tảng Duyên sinh các pháp hiển thị tính chất Vô tự tính hay vô ngã tính của nó: “Vạn pháp giai không”. Và điều này được đức Phật trình bày như là nguyên lý khách quan và phổ quát nhất. Đặc biệt, khi hệ thống kinh tạng Bát Nhã hình thành, thì sự xuất hiện của tư tưởng Tánh Không dần dần tăng lên làm tiền đề cho Trung Quán luận ra đời.

Trung Quán Luận hay còn gọi là Trung Luận. Trung là chỉ thực tướng của tất cả các pháp. Thực tướng ấy vô tướng, luôn vắng lặng bình đẳng, siêu việt tất cả ngôn ngữ, khái niệm nhị biên: có không, sinh diệt, hữu vô… Quán là lấy trí tuệ chân chính quán xét duyên khởi để hiển bày Tánh Không. Quán còn có nghĩa là tư duy, phá chấp. Luận (Abhidharma) là Đối pháp hay Vô tỷ pháp (không pháp nào sánh bằng) là lý giải để tìm ra manh mối sự thật tuyệt đối. Đại Thừa Khởi Tín Luận giải thích chữ Abhi là năng đối trí, chữ Dharma sở đối cảnh, gộp lại có nghĩa là dùng trí tuệ để quan sát suy nghiệm các pháp trần cảnh để hiểu tận chân lý. Như vậy, Trung Quán luận là bộ luận chủ yếu trình bày về lý Trung Đạo, Tánh Không để làm sáng tỏ các pháp.

Toàn bộ Trung Quán luận được chia thành 4 quyển, 27 phẩm với tất cả 446 bài tụng. Mỗi bài tụng có 4 câu 5 chữ, tổng cộng có 1784 câu và 8920 chữ. Các phẩm của Trung Quán Luận đề cập đến những vấn đề như sau :

YẾU CHỈ TRUNG QUÁN LUẬN – LỜI NÓI ĐẦU

PHẨM THỨ NHẤT: PHÁ NHÂN DUYÊN

PHẨM THỨ NHÌ: PHÁ KHỨ LAI

PHẨM THỨ BA: PHÁ LỤC TÌNH

PHẨM THỨ TƯ: PHÁ NGŨ ẤM (NGŨ UẨN)

PHẨM THỨ NĂM: PHÁ LỤC CHỦNG (SÁU THỨ)

PHẨM THỨ SÁU: PHÁ NHIỄM VÀ KẺ NHIỄM

PHẨM THỨ BẢY: QUÁN TAM TƯỚNG (SANH, TRỤ, DIỆT)

PHẨM THỨ TÁM: QUÁN PHÁ “PHÁP TÁC” VÀ “KẺ TÁC”

PHẨM THỨ CHÍN: PHÁ BẢN TRỤ (BẢN LAI VỐN ĐàCÓ)

PHẨM THỨ MƯỜI: PHÁ “ĐỐT” VÀ “SỞ ĐỐT”

PHẨM THỨ MƯỜI MỘT: PHÁ BẢN TẾ (THỰC TẾ BẢN LAI VỐN SẴN)

PHẨM THỨ MƯỜI HAI: PHÁ KHỔ

PHẨM THỨ MƯỜI BA: PHÁ “HÀNH”

PHẨM THỨ MƯỜI BỐN: PHÁ “HỢP”

PHẨM THỨ MƯỜI LĂM: PHÁ HỮU VÔ

PHẨM THỨ MƯỜI SÁU: QUÁN TRÓI MỞ

PHẨM THỨ MƯỜI BẢY: QUÁN NGHIỆP

PHẨM THỨ MƯỜI TÁM: QUÁN “PHÁP”

PHẨM THỨ MƯỜI CHÍN: QUÁN “THỜI”

PHẨM THỨ HAI MƯƠI: QUÁN NHÂN QUẢ

PHẨM THỨ HAI MƯƠI MỐT: QUÁN THÀNH HOẠI

PHẨM THỨ HAI MƯƠI HAI : QUÁN NHƯ LAI

PHẨM THỨ HAI MƯƠI BA: QUÁN “ÐIÊN ĐẢO”

PHẨM THỨ HAI MƯƠI BỐN: QUÁN TỨ ĐẾ

PHẨM THỨ HAI MƯƠI LĂM: QUÁN NIẾT BÀN

PHẨM THỨ HAI MƯƠI SÁU: QUÁN THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

PHẨM THỨ HAI MƯƠI BẢY: QUÁN TÀ KIẾN – LỜI KẾT

Nói chung Ngài Long Thọ xem xét mọi khía cạnh của vật chất, tình thức, tâm lý của chúng sinh để đúc kết thành nhận thức bản chất của vạn hữu đều là không, nhưng thể hiện là tất cả đều hiện hữu. Như vậy chấp nhị biên (có hoặc không) đều không đúng nên hành giả không được chấp vào bên nào cả, mà phải đi con đường ở giữa (trung đạo). Nhưng nhị biên đều không phải là thật, thì trung đạo há có thật sao ? Chẳng qua đó chỉ là một cách diễn tả, chứ thực sự vẫn là :

Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (phải không có chỗ trụ thì cái tâm ấy mới hiện ra, tâm ấy tức là tâm bất nhị, bản thể của tất cả chúng sinh, vạn vật).

Tánh Không đưa tới hệ quả vô cùng quan trọng là : Không gian, thời gian và số lượng đều không có thật.

Số lượng là một khái niệm tổng quát nhất để mô tả khối lượng vật chất hoặc khối lượng thông tin nhiều hay ít. Vật chất thì có khối lượng, ví dụ 2 con gà, 3 quả trứng, 50 kg thóc, 100 lít nước. Có những thứ vật chất không có khối lượng nhưng vẫn có số lượng như 100.000 photon (hạt ánh sáng), có những thứ không phải vật chất, chỉ là tín hiệu, không có khối lượng nhưng vẫn có số lượng, ví dụ 1 bit thông tin, đó là một đơn vị nhỏ nhất của hệ thống thông tin của con người hiện nay, một bit thông tin tương ứng với số 0 hoặc số 1 của kỹ thuật số nhị phân. Tất cả mọi thứ đều có thể dùng con số để diễn tả, từ chữ viết cho tới màu sắc, âm thanh, ngôn ngữ, hình vẽ, video. Thậm chí những nhà khoa học táo bạo nhất còn cho rằng tất cả vũ trụ này đều là số cả, đều có thể qui về số 0 hoặc 1. Ý tưởng này trùng hợp với Duy Thức học Phật giáo, họ cho rằng vạn pháp duy thức mà thức là sự hiểu biết, là cảm giác, là thông tin, mà thông tin tức là số, được qui về hai ký hiệu mà thôi tức là 0 và 1. Kể cả tâm tư tình cảm phức tạp nhất của con người, nếu có thể dùng ngôn ngữ, lời nói, ánh mắt, nụ cười, cử chỉ để diễn tả, thì tất cả đều có thể qui thành con số. Điều này hiện nay là quá hiển nhiên vì bao nhiêu vỡ kịch, bao nhiêu cuốn phim được chiếu hàng ngày trên các đài truyền hình đều là thông tin analog (kỹ thuật tương tự) hoặc digital (kỹ thuật số) và có khuynh hướng ngày càng trở thành digital.

Ngày xưa, trước 30-4-1975, tại miền Nam Việt Nam có cụ Trúc Thiên (dịch giả Quyển I sách Thiền Luận của Daisetz Teitaro Suzuki, quyển II do Tuệ Sỹ dịch) cũng là tác giả tập thơ Trường ca Kalinga, là một nhà cao luận về Phật giáo, ông nói rằng : “Cũng may là con số không tạo ra được một nhà thơ, một ông thánh”. Tôi hơi phân vân về điều này, trí tuệ nhân tạo của con rotbot có lẽ không tạo ra được một nhà thơ, một ông thánh thật. Nhưng con số thì lại khác, con số tạo ra được cả vũ trụ vạn vật thì sao lại không tạo ra được một nhà thơ, một ông thánh chứ ? Tôi thì nghĩ rằng tâm tạo ra được mọi thứ, qua phương tiện là con số 0 và 1 có thể tạo ra sơn hà đại địa, vũ trụ tinh cầu, mặt trời, thiên hà, anh hùng, mỹ nhân hay thánh nhân gì cũng được cả. Điều này có một ý nghĩa rất quan trọng, đó là Phật hay Thánh cũng chỉ là ảo tưởng. Điều này thể hiện tính bình đẳng của pháp giới, phàm hay thánh cũng đều là ảo hóa như nhau mặc dù trong cuộc nằm mơ giữa ban ngày thì thánh là cao cả, phàm thì thấp kém. Giống như khi xây dựng một cuốn phim thì thánh là nhân vật chính diện cao cả, còn phàm là nhân vật phản diện xấu xa thấp kém, nhưng ngoài đời thì người đóng vai chính diện và phản diện đều bình đẳng như nhau. Trong tánh không đó thì không có gì phân biệt, gọi là vô phân biệt trí, không có sinh lão bệnh tử, cũng chẳng có thánh phàm, không có một vật gì cả, chỉ có tâm như hư không vô sở hữu.

Bản chất của vũ trụ phải là ảo hóa có nguồn gốc là số lượng được thể hiện bằng hai con số 0 và 1 của hệ nhị phân. Hai con số đó đại biểu cho các cặp phạm trù mâu thuẫn như âm dương, sáng tối, có không, đúng sai, đẹp xấu, thiện ác…Tâm muốn tạo ra vũ trụ thì trước hết phải tạo ra số lượng. Điều này thể hiện rõ ràng trong hiện tượng rối, vướng víu lượng tử (entanglement) nhiều photon phải có khả năng xuất hiện đồng thời tại nhiều vị trí khác nhau mới tạo ra được số lượng. Như vậy một photon có khả năng biến thành vô lượng photon. Trong khi xuất hiện đồng thời tại vô số vị trí khác nhau như vậy tâm tạo ra số lượng đồng thời tạo ra không gian. Photon cũng như khoảng cách không gian đều chỉ là ảo, không phải thật. Khái quát hóa thì photon là một hình thức của lượng tử. Lượng tử có hai ý nghĩa : một là đơn vị năng lượng có khả năng biểu hiện dưới dạng sóng, hai là đơn vị số lượng có khả năng biểu hiện dưới dạng hạt. Các hình thức khác của lượng tử là electron, neutrino…có tất cả 17 dạng trong mô hình chuẩn của vật lý học.

standard-model-physics

Mô hình chuẩn của vật lý học hiện nay gồm 17 hạt chia thành 3 nhóm : quarks, leptons và forces, ngoài ra là hạt higgs mang lại khối lượng cho tất cả các hạt còn lại.

Chúng ta dùng danh từ lượng tử (quantum) để chỉ chung tất cả các hạt đó. Một khi đã tạo ra được số lượng với 17 dạng khác biệt đó, tâm tạo ra các cấu trúc ảo của vật chất. Đối với vật chất trên địa cầu thì chỉ cần quark up, quark down, electron, higgs và 4 loại hạt dẫn lực, tổng cộng 8 hạt là đủ để tạo ra mọi thứ trên đời. Một khi hạt higgs đã tạo khối lượng cho các hạt kia thì tốc độ của chúng bị giới hạn, tối đa không quá 300.000 km/giây như Einstein đã nêu ra. Chính tốc độ giới hạn tạo ra cảm giác thật về không gian và thời gian. Trong thí nghiệm của Nicolas Gisin và cộng sự tại Đại học Geneva Thụy Sĩ, khoảng cách không gian 18 km họ tạo ra giữa hai photon vướng víu rõ ràng là ảo, không có thật, hai photon thật ra là bất nhị giống như kinh điển nói không phải là một, cũng không phải là hai, không phải là nhiều.

Đối với các cấu trúc lớn hơn như các vật thể chúng ta thấy chung quanh mình như sách vỡ, điện thoại di động, bàn ghế, xe cộ…tốc độ di chuyển của chúng còn thấp hơn rất nhiều so với tốc độ ánh sáng càng làm cho không gian và thời gian xuất hiện hết sức đậm nét rõ ràng khiến cho chúng ta không còn chút hoài nghi nào nữa cả. Chúng ta thử so sánh hai trường hợp :

1/Tôi và bạn tôi bên Mỹ cách xa nhau 20.000 km. Chúng tôi lên mạng internet nhìn thấy nhau và nói chuyện với nhau một cách dễ dàng qua Skype. Cảm giác khoảng cách xa xôi đó là không có thật, chúng tôi cảm thấy rất gần nhau.

2/Trong trường hợp chúng tôi không có internet không có phương tiện gì trong tay như cách nay 20 năm, thì khoảng cách đó là muôn trùng xa cách.

Như vậy rõ ràng khoảng cách không gian là tương đối, xa hay gần chỉ là cảm nhận chứ không phải tuyệt đối.

Đối với vong linh người đã chết, chỉ có tâm thức, không có thân thể vật chất, họ có khả năng di chuyển với tốc độ của tâm niệm thì tất cả mọi khoảng cách trong vũ trụ đều bị triệt tiêu. Đối với họ thì không gian và thời gian không còn nữa. Họ có thể đi đầu thai bất cứ nơi nào trong Tam giới tùy theo nghiệp dẫn dắt. Còn những ai niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương cực lạc của Phật A Di Đà, thực hiện đầy đủ tín nguyện hành, niệm Phật nhất tâm bất loạn, thì được vãng sanh về cõi đó. Khoa học dù có dùng kính viễn vọng tối tân nhất thấy được khắp vũ trụ, cũng không tìm thấy Tây phương cực lạc ở đâu, vì đó là thế giới duy tâm sở tạo, điều kiện để thấy được thế giới đó là phải có cùng cộng nghiệp, nếu không có thì không thể thấy. Đó là lý do giải thích tại sao Pháp sư Khoan Tịnh thấy đã tới thăm viếng thế giới đó một cách rõ ràng, hiện thực mà người khác thì không thể thấy.

 

Du Ký Tây phương Cực lạc của Pháp Sư Khoan Tịnh

 

Vô sanh pháp nhẫn

Một khái niệm quan trọng thứ hai của Phật pháp là vô sanh pháp nhẫn. Nó có nghĩa là gì ?

Kinh Đại Bát Nhã giải thích vô sanh pháp nhẫn như sau :

大般若经》 卷四四九〈转不转品〉云(大正7·264b):‘如是不退转菩萨摩诃萨,以自相空,观一切法,已入菩萨正性离生,乃至不见妙法可得。不可得故,无所造作。 无所造作故,毕竟不生。毕竟不生故,名无生法忍, 由得如是无生法忍故,名不退转菩萨摩诃萨。’此谓菩萨观诸法空,入见道初地,始见一切法毕竟不生之理,名无生法忍

(Đại Bát Nhã Kinh, quyển 449, “Chuyển bất chuyển phẩm” vân (Đại Chánh 7.264b) : “Như thị bất thoái chuyển Bồ Tát Ma Ha Tát, dĩ tự tướng không, quán nhất thiết pháp, dĩ nhập Bồ Tát chánh tánh ly sanh, nãi chí bất kiến diệu pháp khả đắc. Bất khả đắc cố, vô sở tạo tác. Vô sở tạo tác cố, tất cánh bất sanh. Tất cánh bất sanh cố, danh vô sanh pháp nhẫn. Do đắc như thị vô sanh pháp nhẫn cố, danh bất thoái chuyển Bồ Tát Ma Ha Tát. Thử vị Bồ Tát quán chư pháp không, nhập kiến đạo sơ địa, thủy kiến nhất thiết pháp tất cánh bất sanh chi lý, danh vô sanh pháp nhẫn).

Dịch nghĩa : Đại Bát Nhã Kinh, quyển 449, “phẩm Chuyển Bất Chuyển” nói (trích Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, trang 7.264b) : “Bồ Tát Ma Ha Tát (Ma Ha Tát Mahasattva phiên âm đầy đủ là Ma Ha Tát Đỏa 摩诃萨埵 là đại sĩ, người có nguyện lực rộng lớn) bất thoái chuyển như thế, lấy tự tướng không để xem xét tất cả các pháp, đã vào được cảnh giới không còn sanh diệt của Bồ Tát, đến mức không còn thấy có diệu pháp để đắc. Vì không thể có đắc nên không có cái để tạo tác. Vì không có cái tạo tác, nên tất yếu là bất sanh. Vì tất yếu là bất sanh nên gọi là vô sanh pháp nhẫn (trạng thái bản lai không có sanh diệt). Người chứng được vô sanh pháp nhẫn như thế gọi là Đại Bồ Tát bất thoái chuyển (không lui sụt). Đó gọi là Bồ Tát thấy các pháp là không nên vào được sơ địa của con đường giác ngộ, bắt đầu thấy cái lý tất yếu bất sanh của tất cả các pháp, gọi là vô sanh pháp nhẫn.

Kinh điển Phật giáo từng đề cập đến các vũ trụ song song khi nói rằng không phải chỉ có duy nhất một Thích Ca đang thuyết pháp mà có vô lượng vô biên Thích Ca đang đồng thời thuyết  pháp tại vô lượng vô biên thế giới. Điều quan trọng mà kinh điển muốn nói, đó là vũ trụ chỉ là ảo hóa. Đã là ảo thì không có số lượng, cũng tức là vô lượng vô biên. Đã là ảo thì không có bắt đầu không có kết thúc, không có sanh diệt (vô sanh pháp nhẫn), không có thời gian hay thời gian không có thật.

Vạn pháp duy tâm sở tạo

Khái niệm quan trọng thứ ba trong Phật pháp là Vạn pháp duy tâm sở tạo (tất cả các pháp đều là do tâm tạo). Vì Phật pháp nhận thức rằng thế giới là ảo, không phải thực và là do tâm tạo. Giống như trong thế giới vi tính, chúng ta có thể tạo ra bất cứ hiện tượng gì chỉ với hai con số cơ bản là 0 và 1. Ngày nay chúng ta đã chứng thực mạng internet là một thế giới ảo vô cùng phong phú, nơi tất cả lịch sử, tất cả kiến thức, tất cả những gì mà con người biết được và cố ý đưa lên đó đều hiện hữu đồng thời trên internet. Chúng ta có thể nhìn thấy cuộc hải chiến dữ dội giữa Mỹ và Nhật Bản trong chiến tranh Thái Bình Dương, cũng có thể xem lịch sử nhân loại thời tiền sử, hay lịch sử chữ viết cả chục ngàn năm trước, những cuộc thi đấu thể thao mới diễn ra hôm qua hay thậm chí đang diễn ra. Hoặc tương lai của nhân loại trong năm ba chục hay cả trăm năm tới cũng có người đưa ra dự đoán. Ví dụ :

Thế giới vào năm 2100 sẽ như thế nào ?

Như vậy quá khứ, hiện tại và tương lai đều trộn lẫn trên internet.

Tương tự như vậy, thế giới đời thường, vũ trụ vạn vật, cũng là ảo. Thế giới ảo này hiển hiện trên không gian 4 chiều gồm 3 chiều kích hình học : dài, rộng, cao và 1 chiều kích thời gian. Thế giới ảo đời thường “cứng” hơn thế giới ảo vi tính vì các vật thể của nó bị tâm cố chấp làm cho kiên cố. Nhất là trong cấu trúc hạt nhân nguyên tử với hiện tượng giam hãm (confinement) nghĩa là 3 hạt quark (2 up, 1 down) bị giam hãm vĩnh viễn trong hạt proton, hoặc 3 hạt quark khác (1 up, 2down) bị giam hãm vĩnh viễn trong hạt neutron. Chính hiện tượng giam hãm này và các lực hạt nhân trong nhân nguyên tử làm cho cấu trúc ảo của vật chất trở nên kiên cố, khó biến đổi. Chỉ có tâm lực mới đủ mạnh để làm cho các cấu trúc cứng này mềm ra, linh hoạt, thay đổi dễ dàng, biến đổi cấu trúc theo ý muốn của hành giả. Hành giả ở đây là La Hán, Bồ Tát, Phật hoặc người có đặc dị công năng. Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý và Nghiêm Tân là những người có đặc dị công năng, họ đã nhiều lần làm kinh ngạc các nhà khoa học với công năng kỳ bí của họ. Chẳng hạn Trương Bảo Thắng dùng tâm niệm lấy trái táo ra khỏi một thùng sắt mà nắp bị hàn kín. Hầu Hi Quý dùng tâm lực lấy một triệu nhân dân tệ ra khỏi kho bạc ngân hàng xuyên qua ba lớp cửa sắt bị khóa chặt, sau đó đưa trả về chỗ cũ. Nghiêm Tân dùng khí công chữa lành lặn một công nhân bị tai nạn gãy xương vai chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ.

Những việc họ làm khiến chúng ta nhớ lại một quyển kinh khi các đại đệ tử của Phật và bốn vị Bồ Tát từ chối đi thăm bệnh cư sĩ Duy Ma Cật vì họ cảm thấy không đủ khả năng đối đáp với vị cư sĩ này, chỉ có Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nhận lời đi thăm bệnh. Nhưng sau đó tất cả họ cũng đi theo. Trong cuộc hội kiến này, kinh mô tả rất nhiều sự kiện thi triển thần thông ghi chép trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh.

Trích dẫn Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết

(Số chương trong bản tiếng Phạn và bản tiếng Hán có sai khác, số trong ngoặc là bản tiếng Hán).

Chương I

Sự kiện xảy ra tại rừng Am-la-vệ (sa. āmrapālīvana), nơi Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp cho Pháp hội với rất nhiều Thanh Văn, Bồ Tát và chư thiên tham dự. Một đồng tử với tên Bảo Tích (sa. ratnākara) cùng với 500 đồng tử thuộc dòng tộc Li-thiếp-tì (sa. licchavi) đến dự pháp hội, tán thán Phật qua một bài kệ khá dài được ghi lại dưới dạng tiếng Phạn lai (hybrid Sanskrit). Sau đó, Phật giải thích thế nào là sự thanh tịnh của Phật độ và sự thanh tịnh trong tâm của một vị Bồ Tát. Cuối cùng, Phật xua tan hoài nghi của Xá-lợi-phất và những vị khác, nói lí do vì sao thế giới này không thanh tịnh mặc dù Phật xuất hiện, và sau đó, ngài thi triển thần thông để pháp hội có thể chứng kiến được điều này. Phật nói :

“…….Cho nên Bửu Tích! Nếu Bồ Tát muốn đắc tịnh độ, nên tịnh tâm họ, tùy nơi tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Bấy giờ Xá Lợi Phất thừa oai thần của Phật mà nghĩ rằng: Nếu Bồ Tát tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Vậy Thế Tôn khi còn làm Bồ Tát, tâm ý bất tịnh hay sao, mà Phật độ bất tịnh như thế! Phật biết Xá Lợi Phất nghĩ vậy liền bảo rằng: Ý ngươi thế nào? Nhật nguyệt bất tịnh ư mà kẻ mù chẳng thấy? Bạch Thế Tôn! Ấy là lỗi của người mù, chẳng phải lỗi của nhật nguyệt. Xá Lợi Phất! Vì chúng sanh có tội chướng nên chẳng thấy quốc độ nghiêm tịnh của Như Lai, chứ chẳng phải lỗi của Như Lai. Xá Lợi Phất! Tịnh độ của ta đây mà ngươi chẳng thấy. Lúc ấy, Loa Kế Phạm Vương nói với Xá Lợi Phất rằng: Chớ nghĩ như thế, cho cõi Phật đây là bất tịnh. Tại sao? Tôi thấy cõi Phật của Thích Ca Mâu Ni thanh tịnh như Tự Tại Thiên Cung. Xá Lợi Phất nói: Sao tôi thấy cõi này toàn là gò nỗng, hầm hố, chông gai, sỏi sạn đất đá, núi non nhơ nhớp đầy dẫy như thế! Loa Kế Phạm Vương nói: Ðấy là do tâm của Ngài có cao thấp phân biệt, không nương theo trí huệ của Phật nên thấy cõi này chẳng thanh tịnh đó thôi. Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh, y theo trí huệ của Phật thì mới thấy được cõi Phật này thanh tịnh. Lúc đó, Phật dùng ngón chân nhấn xuống đất, tức thì Tam Thiên Ðại Thiên Thế Giới liền hiện ra vô lượng thất bửu trang nghiêm, cũng như cõi vô lượng công đức bửu trang nghiêm của Phật Bửu Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng tán thán việc chưa từng có và đều thấy mình ngồi trên bửu liên hoa. Phật bảo Xá Lợi Phất:  Ngươi hãy xem cõi Phật này nghiêm tịnh chăng? Xá Lợi Phất bạch Thế Tôn: Vâng ạ! Con xưa nay vốn chẳng thấy chẳng nghe, nay cõi Phật đều hiện rõ trang nghiêm thanh tịnh. Phật bảo Xá Lợi Phất: Cõi Phật ta thường thanh tịnh như thế! Nhưng vì muốn độ người thấp kém, nên thị hiện cõi đầy nhơ nhớp xấu xa bất tịnh đó thôi. Ví như chư thiên ăn cơm chung trong một bửu bát, mà tùy theo phước đức của họ thấy cơm có khác. Cũng thế, Xá Lợi Phất! Nếu người tâm tịnh bèn thấy cõi này công đức trang nghiêm. Khi Phật hiện ra cõi này nghiêm tịnh, năm trăm vị trưởng giả đều đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, tám mươi bốn ngàn người đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Phật thu nhiếp thần túc, thì thế giới trở lại như cũ, ba mươi hai ngàn chư thiên và người biết pháp hữu vi đều là vô thường, xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh, tám ngàn Tỳ kheo chẳng còn chấp thọ các pháp, kiết lậu đã hết, tâm ý được mở mang.

Chương II

Cảnh tượng được chuyển đến nhà một vị cư sĩ với tên Duy-ma-cật. Cư sĩ không rời nhà được vì thụ bệnh. Những nhân vật quan trọng trong thành phố Quảng Nghiêm đều đến thăm ông và nhân dịp này, ông ta trình bày cho họ những khuyết điểm của thân thể, đặc điểm của thân Phật và vì sao ta nên gắng sức tu tập để đạt được thân Phật.

Chương III (III & IV)

Duy-ma-cật suy tư tại sao Phật không gửi ai đến hỏi bệnh an ủi. Phật Thích-ca, lúc này vẫn còn trú tại rừng Am-la-vệ, biết ý của ông, lần lượt yêu cầu 10 đại đệ tử : Xá Lợi Phất, Ma-ha Mục Kiền Liên, Maha Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên, A Na Luật, Ưu Bà Li, La Hầu La và A Nan Đà đến thăm và hỏi bệnh Duy-ma-cật. Tuy nhiên, tất cả những vị này đều từ chối đi thăm với lí do là đã bàn luận với ông và hổ thẹn vì không đủ khả năng đối ứng tài biện luận của vị cư sĩ này. Và cũng như vậy, bốn vị Bồ Tát, Di Lặc (sa. maitreya), Quang Nghiêm (sa. prabhāvyūha), Trì Thế (sa. jagatindhara) và Tô Đạt Đa (sa. sudatta) đều khước từ đi thăm.

Chương IV (V)

Cuối cùng, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi chấp nhận yêu cầu của Phật. Khung cảnh được chuyển về nhà của cư sĩ Duy-ma-cật, một căn phòng nhỏ bé nhưng có thể dung nạp vô số người viếng thăm. Nơi đây, cuộc đàm thoại giữa Văn-thù-sư-lợi và Duy-ma-cật bắt đầu. Rất nhiều Bồ Tát, thiên, nhân và vô số chúng sinh khác đến nghe cuộc đàm thoại vô song giữa hai người được tán thán là trí huệ đệ nhất. Các đề tài được đàm luận ở đây là tánh không (sa. śūnyatā), một cái nhìn phân tích sâu sắc về bệnh tình của Duy-ma-cật và lĩnh vực hoạt động (sa. gocara) của một Bồ Tát.

Chương V (VI)

Xá-lợi-phất suy nghĩ là pháp hội lớn như thế làm sao có chỗ ngồi trong căn phòng nhỏ. Duy-ma-cật biết ý khuyên tôn giả Xá-lợi-phất không nên tìm chỗ ngồi mà nên phát tâm cầu pháp, và sau đó ông ta giải thích ý nghĩa của việc cầu pháp này. Người tham dự Pháp hội ngồi trên những toà sư tử to lớn, được Như Lai Tu-di Đăng Vương (sa. merupradīparāja) ở cõi Tu-di tướng (sa. merudhvāja) gửi đến. Sau đó, Duy-ma-cật diễn giảng sự giải thoát bất khả tư nghị (sa. acintyavimokṣa) cho các vị Như Lai và Bồ Tát. Diễn tiến câu chuyện như sau :

Bấy giờ Xá Lợi Phất thấy trong phòng chẳng có giường ngồi mà nghĩ rằng:

“Các Bồ Tát và chúng đại đệ tử sẽ ngồi đâu?”

Bấy giờ, Duy Ma Cật hỏi Văn Thù rằng:

– Nhơn giả đã dạo qua vô lượng muôn ngàn ức A Tăng Kỳ cõi Phật, thấy cõi nào có tòa sư tử được thành tựu công đức vi diệu nhất?

Văn Thù nói:

– Cư sĩ! Bên phương Ðông cách đây ba mươi sáu hằng sa quốc độ, có thế giới gọi là Tu Di Tướng, hiện nay có Phật hiệu là Tu Di Ðăng Vương. Thân Phật ấy cao tám muơi bốn ngàn do tuần, tòa sư tử cũng cao như thế, trang nghiêm hạng nhất.

Duy Ma Cật nghe xong liền hiện thần thông. Tức thì Ðức Phật ấy điều khiển ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng trang nghiêm, đến trong phòng Duy Ma Cật. Các Bồ Tát, đại đệ tử và Thích Phạn Tứ Thiên Vương, v.v… đều thấy việc xưa nay chưa từng thấy. Phòng nhỏ này dung nạp ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng như thế, mà chẳng thấy trở ngại, nơi thành Tỳ Da ly, cho đến cõi Ta Bà, bốn thiên hạ cũng chẳng thấy chật hẹp, tất cả trạng thái đều y như cũ.

Khi ấy Duy Ma Cật mời Văn Thù và các Bồ Tát thượng nhơn an tọa. Những Bồ Tát đắc thần thông liền biến hình cao bằng tòa sư tử và lên ngồi. Nhưng các sơ tâm Bồ Tát và đại đệ tử của Phật vì chưa được thần thông tự tại, đều chẳng thể lên ngồi.

Kế đó, Duy Ma Cật mời Xá Lợi Phất an tọa. Xá Lợi Phất nói:

– Thưa Cư sĩ! Tòa này cao rộng quá, tôi chẳng thể lên được.

Duy Ma Cật nói:

– Xá Lợi Phất! Hãy đảnh lễ Tu Di Ðăng Vương Như Lai thì mới ngồi được.

Nghe vậy, các sơ tâm Bồ Tát và các đại đệ tử của Phật cúi đầu đảnh lễ Tu Di Ðăng Vương Như Lai, liền ngồi được trên tòa sư tử.

Xá Lợi Phất nói:

– Thưa Cư sĩ! Thật chưa từng có. Phòng nhỏ này dung nạp các tòa sư tử cao rộng như thế, mà nơi thành Tỳ Da Ly chẳng thấy ngăn ngại, các thôn quê, thành phố, trong cõi Ta Bà và cung điện của chư Thiên, Long Vương, quỷ thần nơi tứ thiên hạ cũng chẳng thấy chật hẹp.

Duy Ma Cật nói:

– Xá Lợi Phất! Chư Phật Bồ Tát có pháp môn giải thoát gọi là Bất Khả Tư Nghì. Nếu Bồ Tát trụ pháp giải thoát đó, đem núi Tu Di cao rộng để trong hạt cải mà chẳng thêm bớt, tướng chúa núi Tu Di vẫn như cũ. Tứ Thiên Vương và Ðao Lợi chư Thiên cũng chẳng hay biết mình đã vào đó, chỉ có người cần được độ mới thấy núi Tu Di vào trong hạt cải thôi, ấy gọi là pháp môn Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì.

Lại nữa, Bồ Tát đem nước của bốn biển lớn để vào một lỗ chân lông, mà các loài thủy tộc như: cá, rùa, tôm, cua, v.v… chẳng bị khuấy động, tánh biển vẫn y như cũ. Các loài rồng, quỷ thần, A Tu La, v.v… cũng chẳng hay biết mình đã vào đó, đối với những chúng sanh ấy cũng chẳng bị khuấy động.

Xá Lợi Phất! Bồ Tát trụ nơi giải thoát Bất Khả Tư Nghì, rút lấy đại thiên thế giới, như lấy đồ gốm để trong bàn tay phải, quăng ra ngoài hằng sa thế giới, rồi đem trở lại chỗ cũ, mà chúng sanh ở trong đó chẳng hay biết mình bị di chuyển qua lại từ xa, tướng thế giới này cũng vẫn y như cũ.

Chương VI (VII)

Cuộc luận đàm giữa Văn-thù-sư-lợi và Duy-ma-cật được tiếp nối và lần này, những điểm quan trọng dành cho một Bồ Tát được đề cập đến. Ví dụ như Duy-ma-cật giải thích một trường hợp nghịch lí là Bồ Tát một mặt xem chúng sinh không thật hiện hữu, nhưng mặt khác vẫn phát triển lòng đại bi (sa. mahāmaitrī) dành cho chúng sinh. Sau đó, một thiên nữ (sa. devatā) xuất hiện và bắt đầu một luận đàm nghịch lí với Xá-lợi-phất với nội dung nhấn mạnh bản chất ưu việt của Đại thừa. Sau khi giảng tám điều huyền diệu nơi nhà Duy-ma-cật, thiên nữ thi triển thần thông, hoán chuyển hình tướng giữa chính mình với Xá-lợi-phất để làm tôn giả tin vào tính phi nam phi nữ của các pháp. Cuối cùng, Duy-ma-cật cho biết thiên nữ này trước đây đã phụng sự nhiều vị Phật nên giờ đây đạt được những năng lực siêu nhiêu, thi triển thần thông một cách ung dung tự tại (sa. abhijñājñānavikrīḍita). Diễn tiến câu chuyện như sau :

Bấy giờ, trong phòng Duy Ma Cật có một Thiên nữ thấy các vị Trời người đang nghe thuyết pháp, liền hiện hình thiên nữ rãi hoa trên thân các Bồ Tát và các đại đệ tử. Hoa đến thân các Bồ Tát liền rơi xuống đất, đến các đại đệ tử thì dính trên thân chẳng rơi xuống. Tất cả đệ tử dùng thần lực phủi hoa cũng chẳng phủi rớt.

Lúc ấy, thiên nữ hỏi Xá Lợi Phất rằng:

– Tại sao phủi hoa?

Ðáp:

– Hoa nầy chẳng đúng pháp nên phủi.

Thiên nữ nói:

– Chớ bảo hoa này chẳng đúng pháp. Tại sao? Vì hoa này chẳng có phân biệt, tại nhơn giả tự sanh phân biệt tưởng mà thôi. Người ở nơi Phật pháp xuất gia, có tâm phân biệt là chẳng đúng pháp, nếu chẳng phân biệt tức là đúng pháp. Nay thử xem các vị Bồ Tát chẳng dính hoa là vì đã đoạn diệt phân biệt tưởng vậy. Ví như người đang có khiếp sợ thì phi nhơn mới được dịp mê hoặc. Cũng thế, các vị đệ tử vì đang sợ sanh tử thì sắc, thanh, hương, vị, xúc mới được dịp mê hoặc. Kẻ đã lìa được khiếp sợ thì tất cả ngũ dục đều chẳng thể mê hoặc. Kẻ kiết tập (tập khí trói buộc) chưa sạch, hoa mới dính vào thân. Kẻ kiết tập đã sạch thì hoa chẳng dính vậy.

Chương VII (VIII)

Cuộc đàm luận giữa Văn-thù-sư-lợi và Duy-ma-cật được tiếp nối và bây giờ, Duy-ma-cật giảng thế nào là theo Phật đạo mặc dù không trực tiếp đi trên đường này, cũng như giảng thế nào là chủng tính Như Lai. Thêm vào đó, ông còn dùng bài kệ được ghi lại bằng tiếng Phạn lai (hybrid Sanskrit) để ứng đáp vị Bồ Tát tên Hiện Nhất Thiết Sắc Thân (sa. sarvarūpasaṃdarśana).

Chương VIII (IX)

Theo lời yêu cầu của Duy-ma-cật, ba mươi mốt vị Bồ Tát trình bày quan điểm của mình về pháp môn bất nhị. Khi Văn-thù-sư-lợi trình bày quan điểm của mình và yêu cầu Duy-ma-cật trình bày kiến giải, ông ta chỉ lặng thinh.

Chương IX (X)

Xá-lợi-phất nghĩ đến giờ ăn và thức ăn cho các vị trong hội. Duy-ma-cật biết ý, hiện thần thông cho đại chúng thấy cảnh ẩm thực ở Phật độ Nhất Thiết Diệu Hương (sa. sarvagandhasugandha) của Phật Tối Thượng Hương Đài (sa. gandhottamakūṭa). Duy-ma-cật dùng thần lực tạo một vị Bồ Tát uy nghiêm, bảo vị này đến Phật độ kia khất thực. Vị Bồ Tát này trở về bát khất thực đầy thức ăn và được 9 triệu Bồ Tát hộ tòng. Duy-ma-cật trao đổi ý kiến với các vị Bồ Tát từ cõi Nhất Thiết Diệu Hương về cách dạy của Phật Tối Thượng Hương Đài và của Phật Thích-ca Mâu-ni.

Bấy giờ, Xá Lợi Phất nghĩ rằng:

– Sắp đến giờ ăn. Các Bồ Tát sẽ thọ thực ở đâu? Duy Ma Cật biết ý, nên nói rằng:

– Phật thuyết bát giải thoát. Nhơn giả đã thọ hành. Há có xen cái tâm muốn ăn mà nghe pháp ư! Nếu muốn ăn, hãy đợi giây lát, tôi sẽ cho ông được bữa ăn chưa từng có. Duy Ma Cật liền nhập chánh định. Dùng sức thần thông thị hiện cho đại chúng thấy một cõi phương trên, cách bốn mươi hai hằng sa quốc độ, có Phật Hương Tích thị hiện ở cõi Chúng Hương. Mùi hương cõi ấy bậc nhất, siêu việt mùi hương trời người của các cõi Phật mười phương. Cõi ấy chẳng có tên gọi nhị thừa. Chỉ có chúng đại Bồ Tát trong sạch, đang nghe Phật thuyết pháp. Sự vật trong đó, tất cả đều dùng hương làm thành. Lầu các, vườn tược cho đến đất kinh hành đều có mùi hương. Mùi hương của cơm lan tràn khắp mười phương thế giới. Lúc ấy, Phật cùng các Bồ Tát đang ngồi ăn. Có các thiên tử cùng một danh hiệu gọi là Hương Nghiêm, đều phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, cúng dường Phật và các Bồ Tát. Ðại chúng nơi cõi này đều thấy rõ cả.

Duy Ma Cật hỏi các Bồ Tát rằng:

– Các nhơn giả! Vị nào có thể đến thỉnh cơm của Ðức Phật ấy? Do e ngại sức oai thần của Văn Thù, nên cả chúng đều im lặng.

Duy Ma Cật nói:

– Này các nhơn giả! Chẳng tự hổ thẹn sao?

Văn Thù nói:

– Như lời Phật dạy, chớ khinh sơ học.

Khi đó, Duy Ma Cật chẳng rời chỗ ngồi. Trước mặt đại chúng hóa ra vị Bồ Tát tướng tốt rực rỡ, oai đức thù thắng hơn cả chúng trong hội, mà bảo rằng:

– Ông hãy đến cõi Phật Chúng Hương, bạch như lời tôi đây:

“Duy Ma Cật đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, và vô cùng cung kính tỏ lời hỏi thăm sự ăn ở hằng ngày, ít bệnh, ít phiền não, khỏe mạnh chăng? Mong được cơm thừa của Phật, đem về cõi Ta Bà bố thí làm Phật sự. Khiến kẻ ưa pháp tiểu thừa được vào đại thừa. Cũng khiến cho tiếng tăm của Như Lai ai cũng được nghe.”

Khi ấy, đại chúng trong hội đều thấy hóa thân Bồ Tát bay lên phương trên, đến cõi Chúng Hương đảnh lễ chân Phật và lập lại lời Duy Ma Cật như trên. Các đại sĩ cõi ấy thấy hóa thân Bồ Tát, tán thán việc chưa từng có, liền hỏi Phật:

– Thượng nhơn này từ đâu đến? Cõi Ta Bà ở chỗ nào? Thế nào gọi là kẻ ưa pháp tiểu thừa?

Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:

– Nơi phương dưới cách bốn mươi hai hằng sa cõi Phật, có thế giới Ta Bà là ngũ trược ác thế. Hiện có Phật Thích Ca, đang vì những chúng sanh ưa pháp tiểu thừa, diễn giảng Phật pháp. Ở đó, có vị Bồ Tát tên là Duy Ma Cật, trụ nơi giải thoát bất khả tư nghì. Vì đang thuyết pháp cho các Bồ Tát, nên sai hóa thân đến khen ngợi danh hiệu ta, và tán thán quốc độ này, khiến các Bồ Tát ấy tăng thêm công đức.

Các Bồ Tát hỏi:

– Vị đó như thế nào, sao có sức công đức vô úy hóa ra Bồ Tát thần túc như thế?

Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:

– Thần lực của Duy Ma Cật rất lớn. Thường sai hóa thân đến khắp cõi mười phương bố thí làm Phật sự để lợi ích chúng sanh.

Tức thì Hương Tích Như Lai dùng bát Chúng Hương đựng đầy cơm hương trao cho hóa thân Bồ Tát.

Khi ấy, chín triệu Bồ Tát kia đều nói:

– Chúng con muốn đến cõi Ta Bà cúng dường Phật Thích Ca và muốn gặp Duy Ma Cật với các Bồ Tát cõi ấy.

Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:

– Ðược thôi! Nhưng phải thu nhiếp mùi hương của các ngươi. Chớ khiến chúng sanh cõi kia khởi lòng mê đắm. Lại nữa, hãy bỏ hình dạng của các ngươi. Chớ khiến những người cầu Bồ Tát thừa cõi kia sanh lòng hổ thẹn. Và các ngươi đối với cõi ấy chớ khởi tâm khinh chê mà tự chướng ngại. Tại sao? Mười phương quốc độ đều như hư không. Chư Phật vì muốn hóa độ những kẻ ưa pháp tiểu thừa, nên chẳng hiện cõi thanh tịnh ấy thôi.

Khi hóa thân Bồ Tát thọ lãnh bát cơm xong, cùng với chín triệu Bồ Tát thừa oai thần Phật và thần lực của Duy Ma Cật, ở nơi cõi ấy bỗng nhiên biến mất, chốc lát đến nhà Duy Ma Cật. Lúc đó, Duy Ma Cật liền hóa ra chín triệu tòa sư tử tốt đẹp như trước, các Bồ Tát đều an tọa.

Hóa thân Bồ Tát đưa bát cơm hương cho Duy Ma Cật. Mùi hương của cơm tỏa khắp thành Tỳ Da Ly và đại thiên thế giới. Các Bà La Môn và cư sĩ trong thành Tỳ Da Ly ngửi được mùi hương, thân tâm khoan khoái, tán thán việc chưa từng có.

Trưởng giả Nguyệt Cái cùng với tám mươi bốn ngàn người đến nhà Duy Ma Cật, thấy trong phòng đông đảo các Bồ Tát và những tòa sư tử cao rộng trang nghiêm, đều rất vui mừng, đảnh lễ các Bồ Tát và đại đệ tử rồi đứng qua một bên.

Các địa thần, hư không thần và chư thiên cõi dục giới, sắc giới ngửi được mùi hương cũng đều đến nhà Duy Ma Cật.

Bấy giờ, Duy Ma Cật bảo Xá Lợi Phất và các vị đại Thanh Văn rằng:

– Các nhơn giả cứ tùy ý dùng cơm cam lồ của Như Lai, vì cơm nầy do đại bi sở huân, nếu có ý hạn lượng mà ăn thì chẳng thể tiêu.

Có hàng Thanh Văn lại nghĩ rằng:

– Cơm này ít thế làm sao đủ cho đại chúng ăn?

Hóa thân Bồ Tát nói rằng:

– Chớ dùng tiểu đức, tiểu trí của Thanh Văn mà đo lường vô lượng phước huệ của Như Lai. Nước bốn biển có thể hết, chứ cơm này thì vô tận. Dẫu cho tất cả mọi người đều ăn từng nắm cơm to bằng núi Tu Di, ăn mãi cho đến một kiếp cũng chẳng thể hết. Tại sao? Vì cơm dư của Người đầy đủ các công đức như vô tận giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến v.v… thì ăn mãi cũng không thể hết được.

Vì thế, một bát cơm cho tất cả chúng trong hội ăn đều no đủ, mà cơm vẫn còn dư. Các Bồ Tát, Thanh Văn, Trời người ăn cơm này rồi, thân thể an vui giống như các Bồ Tát ở cõi Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm, và từ lỗ chân lông phát ra mùi hương cũng như cây hương của cõi Phật Chúng Hương vậy.

Chương X (XI)

Sự việc lại chuyển đến khu rừng Am-la-vệ tại thành Quảng Nghiêm (sa. prabhāvyūha). Toàn pháp hội tại nhà Duy-ma-cật được chuyển đến rừng Am-la-vệ, ngay trước mặt Phật Thích-ca. Sau khi hỏi Duy-ma-cật, A-nan-đà bạch Phật rằng thức ăn tại nhà Duy-ma-cật có cùng hiệu quả như hiệu quả của Phật (sa. buddakṛtya). Phật Thích-ca đồng ý và thuyết một bài pháp tên Ngộ nhập nhất thiết Phật pháp pháp môn (sa. sarvabuddhadharmapraveśa), giải thích những điểm sau: những điểm dị biệt và giống nhau của Phật độ, tính bình đẳng và bất khả tư nghị của Phật, tính chất siêu việt của các vị Bồ Tát so với hàng Thanh Văn. Thể theo yêu cầu của các vị Bồ Tát từ Phật độ Nhất Thiết Diệu Hương (sa. sarvagandhasugandha), Phật Thích-ca giảng thêm pháp môn Tận vô tận vô ngại giải thoát pháp môn (sa. kṣayākṣayo nāma vimokṣaḥ). Các vị Bồ Tát nghe bài thuyết pháp (sa. dharmaparyāya) xong hoan hỉ trở về Phật độ của họ.

Chương XI (XII)

Được Phật hỏi quán Như Lai như thế nào, Duy-ma-cật trình bày cách quán Như Lai, tức là quán thân Như Lai như thể không hiện hữu. Xá-lợi-phất trao đổi vài lời với Duy-ma-cật và sau đó, Phật cho Xá-lợi-phất biết rằng Duy-ma-cật đến từ cõi Diệu Hỉ (sa. abhirati) của Phật Bất Động (sa. akṣobhya). Biết pháp hội muốn chứng kiến cõi Diệu Hỉ, Phật Thích-ca yêu cầu Duy-ma-cật chỉ cho họ. Duy-ma-cật liền dùng thần thông nắm lấy cõi Diệu Hỉ bằng bàn tay mặt mang đến cho pháp hội xem. Sau khi thụ kí là những người trong pháp hội sẽ tái sinh tại Phật độ Diệu Hỉ này, Duy-ma-cật mang Phật độ Diệu Hỉ đưa về chỗ cũ. Sau đó, Phật Thích-ca nhấn mạnh đến công đức đạt được khi bảo trì bài kinh (sa. dharmaparyāya) này.

Chương XII (XIII & XIV)

Đế Thích thiên (sa. śakra) hứa sẽ bảo hộ kinh và những ai thụ trì đọc tụng kinh này. Phật tán thán và kể lại mẩu truyện của Chuyển luân thánh vương tên Bảo Cái (sa. ratnacchattra) và các người con trai của ông, nói về việc cúng dường pháp (sa. dharmapūjā). Sau đó, Phật phó chúc pháp vô thượng chính đẳng chính giác cho Bồ Tát Di-lặc và cuối cùng, A-nan-đà được Phật yêu cầu thụ trì và truyền bá kinh này rộng rãi.

Hết phần trích dẫn kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết

Bộ kinh này cho thấy rõ tính không có thật của khoảng cách không gian. Sự di chuyển từ nhà của Duy Ma Cật đến rừng Âm La Vệ nơi Phật Thích Ca đang thuyết pháp, hay đến các cõi giới xa xôi của Phật Tu Di Đăng Vương hoặc của Phật Tối Thượng Hương Đài đều bằng vận tốc của ý niệm, nghĩa là đến tức khắc không mất thời gian. Một bát cơm cho tất cả chúng trong hội ăn đều no đủ, mà cơm vẫn còn dư, biểu thị ý nghĩa là số lượng không có thật, một cũng tức là vô lượng. Việc này hoàn toàn tương đồng với hiện tượng vướng víu lượng tử.

Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow vừa tạo ra những trạng thái lượng tử chứa tới 100.000 photon, và tất cả chúng đều bị vướng víu với nhau. Họ tạo những xung ánh sáng trong một trạng thái “chân không nén” và đội nghiên cứu tìm thấy sự vướng víu trở nên mạnh hơn khi số lượng photon có trong xung tăng lên. Như vậy có thể nói trong điều kiện lượng tử, 1= 100.000. Nhưng đó chưa phải là giới hạn, không có giới hạn nào, một có thể bằng vô cực. Điều này càng cho thấy rõ toán học chỉ là tùy tiện, chủ quan, số lượng chỉ là ảo tưởng.

Thật khó có thể tin được việc thi triển thần thông của Duy Ma Cật là có thật nếu chúng ta chưa từng thấy các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý biểu diễn. Nên biết rằng công năng của các nhân vật thế kỷ 20 này chỉ bằng một phần tỷ công năng của chư Phật. Nếu không hiểu lý vạn pháp duy tâm của Đạo Phật thì không thể tin được những sự việc như vậy. Và cũng không thể hiểu được tại sao có nhà khoa học như David Bohm nói rằng vũ trụ chỉ là sự hiển thị của một toàn ảnh (hologram), nghĩa là chỉ là ảo ảnh phóng hiện trên không gian 4 chiều từ một thẻ nhớ khổng lồ hai chiều. Một nhà khoa học khác là Craig Hogan nói rằng vũ trụ là số tức là nó có bản chất ảo giống như thế giới vi tính. Phật pháp thì đã tuyên thuyết từ hơn 2500 năm trước rằng tàng thức hay còn gọi là a-lại-ya thức chính là chiếc thẻ nhớ khổng lồ mà David Bohm và Craig Hogan muốn đề cập tới. Tàng thức đó chính là tâm như hư không vô sở hữu mà Long Thọ Bồ Tát luận giải, nó là cái Không trống rỗng nhưng lại có công năng tạo ra cả Tam giới mênh mông vô tận mà vũ trụ của chúng ta chỉ là một phần thuộc Dục giới mà thôi. Không tức là Có, Ảo tức là Thật, Một tức là Nhiều, là ý nghĩa mà Bát Nhã Tâm Kinh tuyên thuyết từ lâu mà trong nhân loại chẳng có mấy người tin hiểu.

Cuộc sống đời thường hàng ngày của chúng ta là thật nhưng cái thật đó có bản chất là ảo mà chỉ có bậc thánh trí giác ngộ mới chứng nghiệm được. Thích Ca thuyết giảng cả ngàn bộ kinh chỉ nhằm mục đích chỉ cho chúng sinh thấy rằng vạn pháp duy tâm.

Truyền Bình

Advertisement

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Bài viết. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

1 Response to NHỮNG KHÁI NIỆM ĐẶC THÙ CỦA PHẬT GIÁO

  1. Kim nói:

    Please watch a series of lectures on Relics of The Buddha at NY City Metropolitan Museum. Very Enlightening. The videos will advance to the next by itself:

    Enjoy.
    Kim

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s