Chúng sinh có cộng nghiệp và biệt nghiệp. Biệt nghiệp là nghiệp riêng của mỗi chúng sinh chỉ liên quan tới một chúng sinh cụ thể. Cộng nghiệp là nghiệp chung của một nhóm người quần cư trên cùng một địa phương, thấy rõ nhất là thôn, làng, xã, ấp. Những chúng sinh sống trong địa phương đó chịu chung một số phận giống nhau. Cộng nghiệp của một nhóm người cũng có thể là biệt nghiệp so với một tập hợp lớn hơn. Ví dụ :
Ngôi làng mất tích ở Canada
Mùa đông năm 1930, khoảng 2.000 người dân trong ngôi làng Anjikuni (Canada) đã đột ngột biến mất một cách khó hiểu. Sau gần một thế kỷ, bí ẩn này vẫn là một thách thức với các nhà nghiên cứu khi chưa ai có thể đưa ra được lời giải thích.
Vào một đêm trăng tròn giá lạnh tháng 11/1930, ông Joe Labelle cố gắng lê từng bước trên tuyết lạnh, tiến về phía ngôi làng Anjikuni để kiếm chỗ nghỉ qua đêm. Là một lái buôn da thú, ông có thể nghỉ ngơi ở bất cứ ngôi làng nào trên hành trình của mình. Anjikuni cũng là một địa chỉ quen thuộc.
Đó là ngôi làng của những người Eskimo, nằm ở hạt Kivalliq, bang Nunavut, Canada. Đây là khu vực xa xôi hẻo lánh và lạnh giá nhất của Bắc Mỹ. Joe Labelle đã từng nhiều lần qua lại mua bán da thú với người dân làng này và rất thân thiết với họ. Vì vậy với ông, đến được ngôi làng cũng giống như về nhà. Ông sẽ được ăn uống và nghỉ ngơi trong ngôi nhà ấm áp với bếp sưởi luôn rực lửa.
Người Eskimo ở Canada
Khi gần đến nơi, Joe Labelle đã cảm thấy một điều kỳ lạ: Ngôi làng im ắng một cách lạ thường. Không có tiếng chó sủa, tiếng trẻ con nô đùa và tiếng người lớn cười nói vui vẻ phát ra từ những ngôi nhà đầu tiên ông nhìn thấy. Bước vào bên trong căn nhà đầu tiên, Joe Labelle không gặp một ai. Quay sang nhà kế bên cũng vậy. Hai nhà, ba nhà, rồi năm nhà, không đâu có bóng người. Kinh hãi, ông chạy như điên dại giữa những ngôi nhà, miệng liên tục gào gọi mọi người. Chân ông đạp tung tất cả những cánh cửa, sục vào tìm kiếm không sót một phòng nào, nhà nào. Tất cả đều đã biến mất! Hơn 2.000 người già, trẻ, gái, trai đã từng sống ở đây, mà bây giờ không còn bóng dáng một ai.
Bình tâm hơn một chút, người lái buôn xem xét kỹ hiện trường và chợt nhận ra rằng, không chỉ người mà đến súc vật nơi đây cũng chẳng còn một mống. Chó, dê, cừu, tuần lộc cũng biến mất. Phải chăng những người dân nơi đây đã di tản đi nơi khác, vì một lý do gì đó?
Tại một ngôi nhà, ông thấy củi vẫn đang cháy trong lò sưởi. Nồi súp treo bên cạnh vẫn đang sôi sùng sục, còn trên ghế ngoài phòng khách, hai chiếc áo đang khâu dở, kim chỉ vẫn còn cắm vào áo. Vào nhà kho, ông thấy quần áo và thức ăn khô vẫn nguyên vẹn. Dù vội đến đâu thì đây cũng là hai thứ mà một người không thể không mang theo khi đi ra ngoài trong mùa đông giá lạnh thế này. Không phải họ đã đi di tản.
Dẫu là một lái buôn dày dạn với cuộc sống nay đây mai đó ở những nơi hẻo lánh, nhưng giữa mùa đông, ông Joe Labelle vẫn toát mồ hôi vì sợ. Dưới ánh trăng, nhìn ngôi làng càng toát lên cảnh liêu trai, chết chóc. Joe Labelle bỏ chạy thục mạng về phía một điểm bưu điện cách đó vài kilomet. Khi tới nơi, ông chỉ kịp thều thào nói với nhân viên điện tín vài câu trước khi ngất xỉu, nhưng cũng đủ để người này hiểu ra vấn đề và đánh một bức điện báo tin cho cảnh sát địa phương.
Ngày hôm sau, cảnh sát đến Anjikuni và bắt đầu tìm kiếm, nhưng vẫn không có bóng người hay gia súc nào được tìm thấy. Kinh hoàng hơn, khi ra khu vực nghĩa trang, mọi người phát hiện tất cả các ngôi mộ đều đã bị bới tung lên. Huyệt mộ trống không, quan tài biến mất. Người Eskimo thường xếp những tảng đá lớn bên trên mộ để ngăn chặn các loài thú ăn thịt xâm phạm mồ mả người thân của mình. Những tảng đá này giờ đây được xếp gọn gàng thành hàng lối bên cạnh huyệt mộ. Không loài động vật nào có thể làm được điều này.
Khắp ngôi làng, không hề có dấu hiệu của sự tấn công từ một thế lực nào đó. Giả thiết người dân nơi đây đã cùng nhau di cư, mang theo cả gia súc cũng không hợp lý. Các phương tiện di chuyển của họ cùng với vũ khí, lương thực, quần áo, đồ dùng vẫn còn nguyên vẹn. Quá trình rà soát các địa phương lân cận sau đó, cũng cho kết quả là không tìm thấy dấu vết của những người dân làng Anjikuni. Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực, cảnh sát Canada cũng phải khép lại hồ sơ mà không tìm ra được nguyên nhân.
Ngôi làng bị chôn vùi ở Đài Loan
Một ngôi làng tại thành phố Cao Hùng ở tây nam Đài Loan, vào ngày 10-8-2009, đã bị bùn đất san lấp khi bão Morakot tràn qua gây gió mạnh và mưa lớn. It nhất 400 người mất tích mà không có hy vọng sống sót.
China Post đưa tin có khoảng 100 người được kéo lên từ đống bùn lầy và may mắn sống sót. Nhân viên cứu nạn Su Shen-tsun nói: “Không thể tin vào mắt mình, cả ngôi làng biến mất, ngay cả nóc nhà cũng không còn”.
Các quan chức Đài Loan cho biết có từ 600-800 người tại làng Siaolin mất tích sau khi núi bị lở sụp xuống nhà dân. Trước khi xảy ra sạt lở, khoảng 100 người đã được trực thăng kéo lên. Nhưng sau đó chính quyền thành phố đã mất liên lạc với khoảng 600 người dân còn lại.
Binh lính và cảnh sát giúp người dân sơ tán khỏi một làng ở miền trung Đài Loan khi bão Morakot đổ bộ vào tháng 8/2009. Ảnh: AP.
Có 1.313 người dân đăng kí cư trú tại ngôi làng này, nhưng truyền thông Đài Loan cho biết những người đang ở trong làng khi bão xảy ra chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em vì những người thuộc tuổi lao động đang làm ở thành phố. Các hoạt động cứu hộ hiện gặp khó khăn vì đường dẫn tới ngôi làng bị cuốn trôi trong khi trực thăng không thể hạ cánh vì đất bùn.
Hai ngôi làng bị xóa sổ ở Nhật Bản
Sau trận động đất kinh hoàng hôm 11-3-2011, hơn 10 nghìn người – nửa dân số của thị trấn ven biển Minamisanriku, tỉnh Miyagi, Nhật Bản mất tích. Cả một ngôi làng ở Minamisanriku và một ở Kesennuma đang bị chôn vùi dưới lớp phù sa, bùn và gạch vỡ mà cơn sóng thần cao 8m sau động đất cuốn từ đất liền đổ vào. Trước khi xảy ra động đất, ngày ngày, người dân địa phương đánh bắt cá nặng trĩu lưới và nô đùa trong làn nước biển hiền hòa. Sâu trong đất liền, những tòa nhà văn phòng hiện đại, các trung tâm mua sắm sầm uất đứng san sát bên cạnh các nhà máy và dãy nhà dành cho người dân.
Ngôi làng đổ nát sau trận sóng thần 11-3-2011 tại Nhật Bản
Giờ đây, sóng thần đã phá tan tất cả. Hàng trăm tòa nhà tại hai thị trấn chìm sâu dưới lớp bùn đặc. Chỉ còn nhìn thấy nóc của đôi ba tòa nhà cao tầng. Cô Judith Kawaguchi – phóng viên Đài Truyền hình Nhật Bản NHK – viết: “10 nghìn người mất tích. Thật khủng khiếp. Toàn bộ thị trấn không còn nữa. Đường cao tốc bị bóp vụn thành những đống đổ nát. Tất cả đều chôn vùi dưới bùn đất”.
Ngôi làng sinh đôi ở Ấn Độ
Một ngôi làng ở miền bắc Ấn Độ đã gây sự chú ý đối với các chuyên gia sau khi có thông tin cho biết có hơn 100 cặp sinh đôi chào đời tại đây.
Ngôi làng nghèo nhất Ấn Độ Mohammedpur Umari chỉ có 6.000 dân và không có đường sá, trường học hay bệnh viện. Tuy nhiên, trong 50 năm qua, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy sự bất thường khi tại đây có đến hơn 100 cặp sinh đôi. Mohammed Asif, có anh em sinh đôi Karim sống tại thủ đô New Delhi, cho biết.
Anh em sinh đôi ở làng Mohammedpur Umari, một người đang sống ở New Delhi
Một ngôi làng khác càng có nhiều cặp sinh đôi hơn nữa. Khi đi dạo quanh ngôi làng Kodinji tại miền bắc Kerala, Ấn Độ, có thể bạn sẽ tưởng mình đang “nhìn một hóa hai”. Nhưng thực tế lại không phải như vậy, vì ngôi làng này là nơi sinh sống của 230 cặp sinh đôi. Con số này sẽ tiếp tục tăng vì trong làng hiện đã có 5 phụ nữ đang mang thai sinh đôi.
Ấp sinh đôi ở Việt Nam
Nằm ngay trên quốc lộ 1A, cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 60 km, ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai được nhiều người gọi là làng sinh đôi với nhiều câu chuyện lạ lùng mà đến giờ người ta vẫn chưa giải thích được.
Với hàng chục cặp sinh đôi, cặp cao nhất đã ngoài 60, cặp nhỏ nhất mới 2-3 tuổi, ấp Hưng Hiệp này nắm giữ kỷ lục có nhiều cặp sinh đôi nhất cả nước. Chỉ đến cuối năm 2007, khi một phóng viên về đây, nhận ra sự đặc biệt của Hưng Lộc và có một bài viết về vùng quê này, người dân và chính quyền mới biết về nó. Khi đó sự thật về một ngôi làng có đến hơn 40 cặp sinh đôi càng thu hút nhiều người đến tìm hiểu.
Ông Trần Văn Danh nhớ lại vào năm 2007, sau khoảng 1 tháng có bài báo về ấp nơi ông sinh sống, chính quyền mới kiểm tra lại, thống kê số lượng các cặp sinh đôi của xã. Lúc đó, cả xã Hưng Lộc có hơn 60 cặp sinh đôi thì ấp Hưng Hiệp do ông Danh quản lý có tới 40 cặp. Từ đó, người ta gọi ấp Hưng Hiệp với cái tên “làng sinh đôi”. Đến nay, xã có gần 100 cặp song sinh thì Hưng Hiệp đã chiếm 70 cặp.
Một cặp sinh đôi trong ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai
Ngôi làng Long Tuyền bình yên
Sau khi xem qua một số dữ liệu chứng tỏ có cộng nghiệp tại một số cộng đồng dân cư, thấy rõ ở một số làng, xã, ấp…trên thế giới. Bây giờ tôi xin phép phân tích cộng nghiệp ở một địa phương nơi tôi đã sống 60 năm qua.
Long Tuyền, Bình Thủy là một địa phương trù phú cách trung tâm Cần Thơ khoảng 5km về phía tây. Long Tuyền là tên xã, Bình Thủy là tên ngôi chợ trung tâm của xã (ở đây nói về làng Long Tuyền cũ rộng lớn hơn làng Long Tuyền hiện tại đã bị chia nhỏ). Long Tuyền là một ngôi làng cổ có lịch sử khoảng 200 năm. Nơi đây có danh nhân Bùi Hữu Nghĩa mà mộ chí vẫn còn ở địa phương này. Dưới dốc cầu Bình Thủy có ngôi đình cổ trang nghiêm
Bia công nhận di tích đình Bình Thủy (tên cũ là Long Tuyền cổ miếu) dựng ở sân đình ghi:
Long Tuyền cổ miếu tức đình Bình Thủy ngày nay, đã được vua Tự Đức sắc phong “Thành hoàng Bổn cảnh” ngày 29-11-1852
Ngôi đình hiện tại được xây dựng từ 1909. Đây là một trong những ngôi đình lâu đời của Nam Bộ, còn giữ được khá nguyên vẹn ở tỉnh Cần Thơ.
Đình Bình Thủy là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị của dân tộc Việt Nam, nơi sinh hoạt tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân vào những ngày lễ hội truyền thống.
Ngày 05-09-1989, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận đình Bình Thủy là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật (cấp Quốc gia).
Đình Bình Thủy
Nhìn bề ngoài thì ngôi làng này chỉ là một địa phương trù phú giống như nhiều địa phương khác, nhưng khi phân tích đối chiếu với nhiều địa phương khác mới thấy rõ sự bình an của ngôi làng này.
Trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ kéo dài 30 năm (1945-1975), chiến trận chưa một lần diễn ra tại làng này. Làng này nằm giữa hai phi trường : phi trường 31 Cần Thơ (dân sự) và phi trường Trà Nóc (quân sự).
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, dân làng có một lần đi sơ tán trong trật tự vì lệnh “tiêu thổ kháng chiến” (bỏ vườn không nhà trống) đi vô bưng biền, nhưng sau mấy tháng lại trở về, nhà cửa vườn tược vẫn còn nguyên vì chiến trận đã không xảy ra tại đây.
Chiến trận có diễn ra tại trung tâm thành phố Cần Thơ trong cuộc tổng nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, một số phố xá tan hoang, kể cả một khu đại học ở đường Tự Đức (nay là đường Lý Tự Trọng), một số dân chúng mất nhà cửa phải tạm trú trong trường học. Lúc đó tôi đang học lớp Đệ Ngũ (nay là lớp 8), trung học Phan Thanh Giản, sau Tết Mậu Thân, được nghỉ ở nhà chơi khoảng hai tháng vì trường bị mượn để làm nơi tạm trú cho người dân bị mất nhà cửa vì chiến tranh. Thế nhưng làng Long Tuyền vẫn bình yên, tất cả bóng dáng chiến tranh mà tôi thấy được là vài quả bích kích pháo rơi ngoài đường, một quả rơi trúng nhà dân gây hư hại chút ít, nhưng không có ai bị thương.
Phi trường Trà Nóc có bị tấn công, kho đạn bị nổ, suốt ngày nghe tiếng bom đạn nổ ầm vang, nhưng đó chỉ là tiếng vọng ở xa xa, người dân trong làng cũng không bị thiệt hại gì.
Sống trong thời chiến tranh, nhà nào cũng có xây hầm trú ẩn kiên cố, nhất là ngôi làng này nằm kẹt giữa hai phi trường, rất nhiều khả năng bị pháo kích. Thế nhưng trong suốt 15 năm chiến tranh chống Mỹ (1960-1975), gia đình tôi chỉ một lần duy nhất chui xuống hầm trú ẩn, đó là dịp Tết Mậu Thân 1968. Có một mảnh bom đạn lạc duy nhất rơi trúng nhà tôi, đó là một thỏi kim loại nhôm nặng cỡ 200 gram rơi trên mái nhà, cũng không gây hư hại gì nhiều, chỉ bể một vài tấm ngói, rơi xuống bếp lò làm bể một cái nồi đất, tôi nhặt và giữ lại để dành đập nước đá, rất vừa tay. Không biết thỏi kim loại này từ đâu bay tới.
Đây là thỏi nhôm rơi trên mái nhà tôi năm 1968, dấu tích của chiến tranh Việt Nam
Trên đây là những ký ức trực tiếp của tôi về cuộc chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến rất khốc liệt kéo dài 15 năm, làm vài triệu người chết, nhưng đối với ngôi làng của tôi thì hầu như chiến tranh không chạm tới.
Về biệt nghiệp, tôi không có nghiệp đi lính, nên lúc tôi học lớp 11, thì tới tuổi quân dịch, nhưng vì đi học nên được hoãn dịch, hoãn dịch dài dài từ 1971 đến 1975, từ lúc học lớp 11 cho tới năm thứ ba đại học thì giải phóng, thay đổi chế độ. Tôi tốt nghiệp cao đẳng kinh tế năm 1977 tại đại học Kinh Tế TP HCM, về quê làm việc tại ủy ban kế hoạch tỉnh Hậu Giang. Đến năm 1979, xảy ra chiến tranh tại Campuchia và tại biên giới phía bắc, nhà nước có lệnh động viên, tôi vẫn còn tuổi nghĩa vụ, cơ quan đưa vào danh sách đi nghĩa vụ, nhưng khi đưa hồ sơ qua tỉnh đội, người ta thấy tôi gốc Hoa nên không tuyển vào quân đội, nhưng vẫn cho làm việc tiếp tục ở cơ quan nhà nước cũ. Nhớ năm ấy tình hình đói kém, thiếu lương thực trầm trọng, cơ quan cử tôi và một vài đồng nghiệp xuống ấp Trầu Hôi, Rạch Gòi, ở mấy tháng trời tại vùng nông thôn sâu này để trực tiếp huy động lương thực, cụ thể là trực tiếp thu thuế đóng bằng lúa của nông dân, mặc dù công việc này chẳng liên quan gì đến chức năng của chúng tôi tại cơ quan ủy ban kế hoạch của tỉnh.
Tóm lại, tôi trưởng thành trong một đất nước chiến tranh rất dữ dội, kéo dài tới mấy chục năm, nghe nói số bom đạn ném xuống hai miền nam bắc Việt Nam còn nhiều hơn số bom sử dụng trong Đệ nhị Thế chiến, nhưng dường như tôi không có nghiệp chiến chinh, nên chiến tranh không chạm tới, tôi không trốn tránh đi nghĩa vụ, kể cả trước và sau 30-04-1975, mà chính việc chinh chiến đã tránh tôi.
Làng Long Tuyền chẳng những bình yên vì chiến tranh không chạm tới, mà thiên tai cũng không chạm tới. Trong suốt 60 năm qua, tôi chưa hề thấy có một thiên tai nào xảy ra ở đây. Tất cả bao nhiêu cơn bão từ biển Đông thổi vào đất liền, đều tránh đi qua vùng đất này. Những cơn gió mạnh nhất mà tôi thấy được chỉ đủ sức làm đổ ngã một vài gốc cây yếu ớt chứ chưa từng thấy gió lốc làm sập nhà bao giờ. Các xã chung quanh thì có, còn xã này thì không. Tại miền nam Việt Nam nhiều nơi phải sống chung với lũ lụt trong mùa nước nổi, nhưng ở đây không có lũ lụt, những con nước lớn nhất trong mấy năm gần đây chỉ làm ngập con đường làng, sâu chừng vài tấc trong khoảng chừng một tiếng đồng hồ lúc thủy triều lên cao, sau đó rút ngay. Không có động đất, không có sóng thần, không có núi lửa, không có giông bão, không có lũ lụt, chiến tranh cũng không chạm tới, dân làng sống rất bình yên.
Đó thật là may mắn cho ngôi làng của tôi. Việt Nam có bờ biển dài, mỗi năm có hàng chục cơn bão từ biển Đông thổi vào đất liền, nhưng thật kỳ lạ, tất cả mọi cơn bão đều tránh đi qua làng tôi, cả trăm năm như thế, kể cả trong năm Thìn bão lụt, năm Giáp Thìn (1904) mà vùng châu thổ sông Cửu Long có bị ảnh hưởng nặng nề. Nơi bị ảnh hưởng nặng nhất là các tỉnh Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay), Tân An (Long An ngày nay), Chợ Lớn, Gia Định (TP.HCM ngày nay).
Trong quyển “Gò Công xưa và nay” của Huỳnh Minh và “Gò Công cảnh cũ người xưa” của Việt Cúc đã viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3,5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người. Qua ngày 17-3 âm lịch, nước dần rút, người người đi tìm xác thân nhân. Hôm sau mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Kết quả thống kê: Mỹ Tho thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hòa…, 60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.
Theo Nguyễn Duy Oanh trong “Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam”, trận bão năm Giáp Thìn (1904) đã ảnh hưởng rất lớn đến sông ngòi ở địa phương nầy. Những bãi cát trước đó bao quanh vàm rạch Băng Cung (cù lao Minh) sau trận bão đã làm bít gần như trọn vẹn vàm sông này; nước mặn từ phía biển xâm nhập lên làm cho các làng Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui, An Thạnh mất mùa. Phía Bình Đại bị thiệt hại nặng về nhà cửa, mùa màng; đất đai bị nhiễm mặn nhiều và ảnh hưởng tới những năm sau; cơn bão làm cho diện mạo địa hình thay đổi nhiều.
Ai muốn biết nhiều hơn về Năm Thìn Bão Lụt, có thể xem bài viết của nhà văn Bình Nguyên Lộc dưới đây.
Năm Thìn bão lụt 1904 và 1952- Bình Nguyên Lộc
Trong những cơn bão năm Thìn kinh hoàng đó, làng Long Tuyền thuộc tỉnh Cần Thơ chỉ bị ảnh hưởng không đáng kể như ca dao dưới đây. Theo các nhà khoa học, trận bão lụt năm Giáp Thìn (1904) là trận sóng thần, địa bàn ảnh hưởng của nó hầu như khắp Việt Nam và sang tận Campuchia. Trong đó:
“Mỹ Tho, Cửa Tiểu ba đào,
Bến Tre, Cần Giuộc, Vũng Tàu, Đồng Tranh.
Cần Giờ, Bà Rịa chung quanh,
Thảy đều hư hại đành rành chẳng sai.
Vĩnh Long, Sa Đéc một vài,
Cần Thơ cây ngã, lầu đài vô can”
Kết luận : Đối với cộng nghiệp của một quốc gia thì một địa phương có biệt nghiệp. Chẳng hạn trong 30 năm chiến tranh của Việt Nam, đau thương tang tóc không biết bao nhiêu mà kể nhưng làng Long Tuyền có biệt nghiệp, là không bị chiến tranh chạm đến. Dân trong làng có cộng nghiệp phước đức, tuyệt đại đa số bình an, chỉ một số ít dân làng có biệt nghiệp, có thể đi lính chết ở những nơi khác. Bản thân tôi thời trai trẻ sống trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, trước 30-04-1975, đó là chiến tranh chống Mỹ, sau đó là chiến tranh tại Campuchia và chiến tranh biên giới phía bắc, nhưng biệt nghiệp của tôi là vô can với chiến tranh, nên dù không tìm cách tránh né, tôi vẫn không phải đi nghĩa vụ một ngày nào, kể cả giai đoạn trước và sau giải phóng. Các em trai của tôi cũng thế, chẳng ai bị đi nghĩa vụ cả. Việt Nam là xứ sở có rất nhiều bão tố, nhưng dân làng Long Tuyền có biệt nghiệp là không bị bão tố, nên suốt cả trăm năm, dân trong làng không ai biết bão tố là thế nào, cũng không ai có kinh nghiệm trực tiếp gì với thiên tai, nhân họa, vì những tai họa đó không hề xảy ra ở đây trong suốt thời gian rất dài. Làng tôi quả thật là một ngôi làng bình an nhiều hạnh phúc. Những điều Đức Phật nói trong kinh điển về cộng nghiệp và biệt nghiệp quả là không sai. Làng Long Tuyền là một nơi thắng địa, đất lành, đã sản sinh ra một nhà hộ pháp của Phật giáo là thiền sư Duy Lực, đã hoằng truyền pháp môn Tổ Sư Thiền suốt 24 năm cả trong và ngoài nước.
Truyền Bình