Thời thơ ấu gian khổ
Trương Bảo Thắng sinh bất phùng thời, lúc 3 tuổi, gặp lúc Trung Quốc đang ở đầu thập niên 60, kinh tế khốn quẫn, toàn quốc mất mùa lương thực. Nông thôn có nơi phải đào rễ cây ăn qua bữa, có nơi phải bán nhà, bán con trai con gái để mua gạo, có người phải bỏ nhà đi tha hương cầu thực. Cảnh thê lương xuất hiện khắp nơi, số người chết đói chết vì bệnh tật không biết bao nhiêu mà kể. Tình trạng trong thành phố thị trấn cũng không khá hơn bao nhiêu, nhà nhà sáng sớm nấu chút cháo loãng, buổi trưa nhịn ăn, đợi đến tối mới ăn nửa cơm nửa cháo lưng lửng nửa bụng. Nhiều người mắc bệnh phù thũng, tứ chi phù nề. Lấy ngón tay ấn vào da thịt, chỗ lõm nửa ngày không phục hồi. Mọi người đều như vậy. Nhà họ Trương cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Lúc đó Trương Tây Nghiêu đang đi lao động cải tạo ở nông trường xa ngoại thành. Cả nhà đều trông đợi vào đồng lương ít ỏi của Dương Quân để duy trì cuộc sống. Lương thực cho số nhân khẩu của thành trấn phân phối theo định lượng. Theo định lượng đó, sáng sớm cả nhà chỉ được húp cháo loãng, buổi trưa nhịn ăn, buổi tối ăn cơm độn. Một chút cháo loãng sáng sớm chẳng thấm vào đâu, cả ngày bụng đói cồn cào, người lớn thì còn rán chịu đựng, trẻ con thì không cách nào chịu nổi. Trẻ con đang lúc lớn, lương thực theo định lượng như thế làm sao đủ ăn. Vì vậy Dương Quân phải tiêu tiền mua bánh ngọt giá cao, hy vọng bổ sung phần nào cho trẻ con. Lúc đi làm, bà đem bánh ngọt cất vào tủ. Trương Bảo Thắng lúc đói, biết rõ trong tủ có bánh ngọt, nhưng chìa khóa mẹ đã mang đi, muốn ăn cũng không được.
Ngày xưa có câu truyện họa bính sung cơ (vẽ bánh cứu đói). Trong trường hợp này Bảo Thắng chỉ có thể nghĩ bánh cứu đói mà thôi. Bằng năng lực tưởng tượng của trẻ con, huyễn tưởng được ăn bánh ngọt thơm ngon, bụng no, rồi có thể đi chơi. Cứ tưởng tượng như thế, Bảo Thắng có lúc ngủ quên.
Một ngày nọ sáng sớm, Dương Quân trước khi đi làm, nói với Trương Bảo Thắng : “Ở nhà chơi ngoan nhé, biết nghe lời, tối mẹ về sẽ chia bánh cho các con ăn”. Bảo Thắng nghe xong rất cao hứng. Sau khi mẹ đã đi làm, bé cứ nghĩ đến bánh, nghĩ đến hình dạng, hương vị của bánh, nghĩ mình được chia vài cái bánh…Nghĩ mãi nghĩ mãi, bé cảm thấy mũi tiếp xúc với mùi hương, dẫn lên não, lập tức hóa thành một màng che, kế tiếp trên màng ấy xuất hiện hình trạng chiếc bánh ngọt tròn lớn dần. Đang lúc tưởng tượng, bé cao hứng đưa tay chộp chiếc bánh, nhưng trong chớp mắt cái bánh tiêu mất. Lúc đó bé đã cao hứng, lại cụt hứng tiếc rẻ. Cao hứng vì đã nhìn thấy cái bánh, cụt hứng vì định cầm lên ăn nó lại tiêu mất. Lúc bé dương mắt nhìn, cái màng cũng tiêu mất. Bé giống như đang nằm mơ thức tỉnh, bụng vẫn đói cồn cào.
Sức hấp dẫn của cái bánh và cái đói khiến bé tiếp tục tưởng tượng hình trạng, hương vị của cái bánh. Lúc đó bắt đầu xuất hiện kỳ tích. Bé lại có cảm giác giống như lúc nảy, mũi cảm thấy mùi hương dẫn truyền lên não, lập tức hóa thành cái màng, trên màng xuất hiện cái bánh, bé đang nghĩ làm sao có thể ăn được vài cái bánh, bỗng nhiên mấy cái bánh trên màng tiêu mất, đồng thời trong bàn tay nhỏ của bé cảm giác như có vài vật gì, bé bèn cúi đầu nhìn xuống và đưa tay lên coi : “Ah ! bánh đã xuất hiện rồi !” Bé vui mừng không kịp nghĩ tưởng hay nhìn xem gì thêm, liền ăn sạch mấy cái bánh.
Bé ăn mấy cái bánh xong, giống như ăn tiệc, tâm lý vô cùng phấn khởi, thân thể như tăng thêm năng lượng mới. Vì vậy bé cao hứng chạy ra ngoài chơi với bọn trẻ.
Buổi tối, Dương Quân lúc chia bánh cho bọn trẻ, phát hiện thiếu mấy cái. Lúc đó, đối với gia đình này mà nói, vài cái bánh cũng đáng để điều tra. Bà hỏi bọn trẻ : “ Ai đã ăn bánh ?” Bọn trẻ đều nói không biết. Dương Quân cảm thấy kỳ lạ, cái tủ rõ ràng đã khóa, chìa khóa vẫn còn trong túi xách của bà, bọn trẻ làm sao mở tủ được, vậy làm sao thiếu mất mấy cái bánh ?
Từ lúc thưởng thức hương vị ngọt ngào đó, Trương Bảo Thắng mỗi lần nghĩ đến ăn bánh, cứ theo cách ấy mà thực hiện. Một lần, hai lần, ba lần…sự việc phát sinh nhiều lần. Dương Quân nhiều lần phát hiện bánh bị thiếu nhưng cũng không biết được tại sao như vậy.
Lúc Dương Quân đến nông trường thăm chồng, đem sự việc kỳ lạ này nói cho Trương Tây Nghiêu. Cả hai bèn tính kế, nhưng quyết định không kêu riêu. Vì Trương Tây Nghiêu bản thân là phần tử hữu phái, mấy năm nay người ta nói ông không thành thật, nếu lại truyền bá loại thông tin như vậy, tổ chức có thể nói ông nói chuyện quái đản, nhiễu loạn nhân tâm, truyền bá chuyện phong kiến mê tín, vì vậy mà chiêu tập thêm nhiều họa lớn. Lại thêm, sự việc sau khi nói ra, hễ gia đình người khác mất đi món gì, liền tìm đến nhà ông, khiến cả nhà không được yên ổn. Vì vậy Trương Tây Nghiêu dặn dò Dương Quân “Đừng nói ra, hãy để ý quan sát”.
Lại nói Trương Bảo Thắng sau khi phát hiện mình mỗi khi nghĩ đến bánh là có bánh, cũng không dám nói cho người khác biết, một là vì tưởng rằng khả năng này người khác cũng có, hai là chưa được mẹ đồng ý mà tự mình đã ăn bánh thì không phải là việc tốt, nên giấu nhẹm việc này trong thời gian dài.
Bé cũng từng nghĩ đến việc ngoài lấy bánh, cũng có thể lấy món khác, nhưng về sau phát hiện rằng khả năng này rất hạn chế, không phải nghĩ đến món gì là có thể lấy được món đó. Muốn lấy món gì mà lấy không được, bé bèn thôi. Có những món chỉ nghĩ tới thôi cũng không dám nghĩ. Vả lại đứa trẻ chỉ mới mấy tuổi đầu thì những vật có khả năng nghĩ tới cũng rất hạn chế. Vì vậy bé cũng không gây ra điều gì phiền nhiễu.
Con người nói chung có lòng thiên vị, người nữ càng có nhiều tính đó. Dương Quân từ lúc có hai đứa con trai, không phải cố ý thiên vị, nhưng vì hai đứa con trai ruột còn rất nhỏ, vì vậy thỉnh thoảng vẫn có biểu hiện quan tâm hơn tới chúng. Lúc chưa có con trai do tự mình sinh ra, bà ký thác toàn bộ kỳ vọng vào Trương Bảo Thắng, điều đó dễ hiểu. Hiện tại đã có con trai, bà tất chuyển kỳ vọng của mình cho con ruột là lẽ thường tình. Người khác dễ dàng hiểu được. Trương Bảo Thắng nếu như hiểu tình hình này, thế nhưng lúc đó bé còn quá nhỏ, không hiểu được sự phức tạp của tình đời, trong tâm lý trẻ thơ của bé, cứ tưởng rằng được hưởng trọn vẹn tình thương yêu của mẹ, chí ít cũng tưởng rằng cùng với các em được hưởng đồng đều tình thương của mẹ. Nếu như các em được món gì mà mình lại không có thì Bảo Thắng không vui, bé bèn tìm cách thủ đắc món đó. Ví dụ như ăn kẹo, có lúc mẹ chỉ cho các em ăn còn Bảo Thắng không có, bé bèn đặc biệt nghĩ tới việc ăn kẹo, có đứa trẻ nào mà không nghĩ tới việc ăn kẹo chứ ! Vì vậy cũng giống như việc lấy bánh ăn, bé lấy kẹo từ chỗ cất trong tủ ra ăn một cách sướng khoái.
Tuy Trương Bảo Thắng lúc đó hãy còn rất nhỏ, nhưng bé cũng hiểu người quan tâm đến mình và biết báo đáp. Trong nhà ai quan tâm đến bé, yêu thương giúp đỡ bé, bé cũng có bản năng quan sát và phán đoán. Do đó, bé cũng dùng năng lực hữu hạn để quan tâm đối phương, báo đáp đối phương. Sau khi hai đứa em trai ra đời, cha mẹ quan tâm tới hai em hơn. Thế là ban ngày nhiệm vụ trông coi Bảo Thắng giao cho hai đứa con gái lớn hơn bé vài tuổi, đặc biệt là đứa con gái lớn, trông coi Bảo Thắng ăn cơm, thay quần áo và chơi đùa. Ban đêm, lúc trước khi hai em trai ra đời thì Bảo Thắng được ngủ chung với mẹ, hiện tại bé chỉ được ngủ chung với bà ngoại thôi. Lâu dài Bảo Thắng có tình cảm thân thiết với hai chị và bà ngoại.
Một ngày nọ, mẹ lại cho hai em trai ăn vài cái kẹo, bé cùng với bà ngoại và hai chị không có phần. Trong tâm lý trẻ thơ của Bảo Thắng lúc ấy cảm thấy bất bình, đợi mẹ đi làm, bé bèn dùng phương pháp lấy bánh lúc trước, lấy từ trong tủ ra mười mấy cái kẹo, chia cho bà và hai chị ăn. Bà và hai chị tưởng rằng mẹ có cho Bảo Thắng ăn, đến lúc ăn xong mới biết đó là kẹo ngon và họ vui vẻ ăn, lại còn khen Bảo Thắng : “Bé giỏi lắm !” ,“ Em giỏi lắm !”
Thế nhưng không ai biết rằng việc này dẫn đến một trận cãi cọ giữa cha mẹ. Tối hôm đó, khi Dương Quân định lấy kẹo cho hai đứa con trai nhỏ, mở tủ ra xem thấy mất không ít kẹo. Nếu đó là nhà khá giả hoặc giàu có thì mười mấy cái kẹo chẳng đáng gì. Thế nhưng đối với nhà Dương Quân, mua được một ít kẹo không phải là việc dễ dàng, hà huống mất đi tới mười mấy cái kẹo. Vì vậy Dương Quân không thể bỏ qua việc điều tra. Theo suy nghĩ của bà, chỉ có chồng bà mới có chìa khóa mở tủ, bèn đổ tội cho chồng, một lúc mà ăn tới bấy nhiêu kẹo. Trương Tây Nghiêu bị trách tội như thế, mà thực ra thì không có ăn cái kẹo nào, nên giận vợ trách oan mình. Một người nói : “Nhất định là ông ăn!” . Một người nói : “Nhất định là bà sai rồi !” Hai người nói qua nói lại như muốn cãi lộn. Vợ chồng họ tuy chẳng phải là vợ chồng gương mẫu, thế nhưng trước mặt các con, đỏ mặt tía tai cãi lẫy một hồi cũng không ra thể thống. Trương Bảo Thắng đứng một bên kinh hãi, lòng nghĩ : “Lần này hỏng rồi, đã khiến ba má nổi cơn giận dữ thế này, phải làm sao đây ?” Từ đó về sau, trong một khoảng thời gian rất dài, bé không còn dám sử dụng phương pháp này để lấy món gì ăn nữa”.
Về sau cả nhà phát hiện Trương Bảo Thắng có một khả năng đặc biệt : thí dụ trong nhà có vật gì thất lạc tìm không thấy, chỉ việc gọi bé đến chỗ ấy thì nhất định tìm được. Như vậy, bà ngoại, và cha mẹ đều nhận thức được đầu óc bé có chỗ hữu dụng, “trí nhớ” tốt, thời gian bao lâu cũng không ảnh hưởng. Lúc muốn tìm vật gì mà tìm không được, cứ hỏi bé là biết.
Một ngày nọ, Trương Tây Nghiêu từ nông trường trở về nhà, lúc giặt quần áo thì rõ ràng cởi đồng hồ để bên cạnh, đến khi phơi đồ xong, không thấy đồng hồ đâu, khiến ông rất lo lắng, thời đó gia cảnh như ông mua đồng hồ không phải dễ, huống chi còn phải nhờ nó mà đi lao động cho đúng giờ, không có đồng hồ, vạn nhất lỡ việc, còn bị người ta nói là không thành thật lao động cải tạo, cô chị thấy cha lo lắng như thế, liền chạy đi gọi Bảo Thắng đến. Bé đứng bên cạnh cha, thấy chiếc đồng hồ bị chôn dưới đất. Nguyên nhân là do em trai nó chơi nghịch, chôn xuống đất.
Một ngày kia, nhà bên cạnh mất cái búa, tìm khắp nơi không thấy. Bảo Thắng nghe nói thế, chủ động chạy qua xem, bé nói với mọi người tình trạng cái búa đang ở đâu, lần này nhà bên cạnh nổi giận, chẳng những không cám ơn Trương Bảo Thắng mà còn cho rằng trước đó nó đã giấu cái búa, la mắng nó một hồi. Sự việc như thế sau vài lần phát sinh, khiến trong tâm lý trẻ thơ của Bảo Thắng có sự tổn thương. Bé nhận thức rằng : con người ở thế giới này thật kỳ quái, người tốt thì không được báo đáp tốt. Tâm lý này thường phát sinh trong lòng Trương Bảo Thắng.
Ngày nọ Dương Quân nghe tiếng Trương Bảo Thắng kêu cứu, chạy ra coi, phát hiện có ba người hàng xóm rượt đánh, chửi Bảo Thắng. Một đứa trẻ năm, sáu tuổi, sao lại có thể bị ba người lớn rượt đánh ? Ba người kia vừa đánh vừa chửi : “Đồ chó, mày tùy tiện phi tang hả, xem bà vả tét miệng mày nè” một phụ nữ trung niên gào lên, một tay vả vào mặt Bảo Thắng, hai cô gái kia cũng tiếp đánh Bảo Thắng. Thế giới sao lại có điều bất công thế, ba người lớn xúm lại đánh một đứa trẻ. Dương Quân chưa kịp cứu Bảo Thắng thì đã có nhiều người vây quanh.
Dương Quân tranh cãi với ba người kia, không bên nào chịu nhường. Người vây quanh cũng nghị luận .
-Không được, có việc gì tìm người lớn nói chuyện, làm sao có thể đánh đứa trẻ chứ ?
-Đánh trẻ con là không đúng. Nhưng đứa trẻ này chỉ con gái lớn của người ta 17, 18 tuổi, nói trong bụng có con trai, đương nhiên người ta không thể nhường.
-Trẻ con nói chuyện thì không lạ gì, nhưng nói chuyện đó thì khẳng định là trong nhà người lớn dạy, trẻ con học rồi nói lại, khiến cho con gái lớn người ta còn mặt mũi nào gặp người nữa chứ ?
-Không có chuyện đó, sợ rằng…
Việc này khiến cho tâm lý trẻ thơ của Trương Bảo Thắng có ấn tượng sâu sắc : Đối với người khác, không biết tình hình thực tế ra sao thì không thể tùy tiện nói. Nó thấy rõ ràng trong bụng của cô gái kia có con trai, kinh ngạc nói ra, tưởng đâu người ta vui mừng, nào ngờ bị một trận đòn, phải kêu cứu với mẹ.
Từ đó về sau, Dương Quân càng nghiêm khắc hơn trong việc quản lý, dạy bảo Trương Bảo Thắng, sợ lại phát sinh chuyện thị phi. Khoảng hơn nửa năm sau, cô gái đánh Bảo Thắng sinh hạ đứa con trai thật. Bà mẹ của cô gái gặp Dương Quân chỉ còn nước cúi đầu. Bởi vì vào thời đó chưa có máy siêu âm thai, bụng có chữa thì chỉ khi sinh con mới biết. Bảo Thắng có khả năng phát hiện trong bụng của cô gái có con trai, đối với Dương Quân, là điều chưa hiểu rõ.
Khoảng một năm sau, gia đình Dương Quân rất túng quẫn. Dương Quân dẫn Bảo Thắng đến Đan Đông, tìm một người bà con xin mượn tiền. Gia đình đó sau khi biết ý định của họ, buồn rầu nói : “Trong nhà không còn tiền, đại ca Thúc Bá kết hôn không bao lâu, bệnh chết rồi, vợ của Thúc Bá đem căn phòng còn lại bán rồi, người nhà đang bị đuổi khỏi chỗ ở, không tin thì các người cứ đến xem”. Bảo Thắng bỗng hiếu kỳ, chạy đến căn phòng chuẩn bị bán, nhìn vài cái. Đột nhiên, nó nói với mẹ : “Phía dưới lò sưởi dựa vào cửa sổ có hai cái rương, đồ tốt lắm”. Trương Bảo Thắng chưa bao giờ thấy bạc nén và đồng tiền nguyên bảo, nên không biết nói đó là cái gì, chỉ nói đồ tốt lắm. Họ bèn đem việc này nói với vợ của Thúc Bá, bà này không tin, cho rằng đó là trẻ con nói mò.
Ngày hôm sau, người mua bắt đầu dọn dẹp căn phòng, sau một ngày thi công, Bảo Thắng và vài đứa trẻ chạy tới nền căn phòng chơi, đột nhiên nó kêu lên “chỉ còn một cái rương thôi, thấy có vật gì đó phát quang”. Bảo Thắng kéo mẹ đến căn phòng, bươi móc phía dưới nền, tìm thấy cái rương. Lúc đó bà vợ của Thúc Bá mới bán tín bán nghi chạy đến, dùng tay bới dưới nền gạch, theo chỗ Bảo Thắng chỉ, tìm thấy một cái hố, quả nhiên một cái rương lộ ra, mở ra toàn bạc nén, số lượng đến hai ngàn. Đối với bà quả phụ này, đó thật là của từ trên trời rơi xuống, vui mừng ra mặt. Trong phòng chỉ có mấy đứa trẻ đào bới giúp, bà cho mỗi đứa một nén, đồng thời tặng cho Dương Quân một ngàn nén. Dương Quân nói : “Không thể nhận nhiều như thế”
Bà quả phụ nói “Nhờ nhãn lực của Bảo Thắng, tôi mới có được tiền! Để đáp tạ Bảo Thắng, bao nhiêu cũng đáng”
Dương Quân không biết làm sao, đành nhận một ngàn nén bạc. Tiền này đối với Dương Quân giống như đại hạn gặp mưa rào.
Nghe nói về sau, vợ của Thúc Bá có tìm người mua phòng, đòi lại cái rương bạc kia, nhưng người này nói không có nhìn thấy.
Từ sau khi phát sinh sự kiện này, bà ngoại của Bảo Thắng bắt đầu chú ý ngôn hành của nó. Không biết do hữu tâm hay do thực tế có phát hiện, bà ngoại nhận thức rằng Bảo Thắng không giống người khác. Trong tâm mục của người già, Bảo Thắng không phải người phàm, mà là người có sứ mệnh trọng đại. Bà đối đãi với Bảo Thắng, so với các cháu ngoại trai và cháu ngoại gái khác, có phần thân thiết hơn. Về sau, mỗi lần Trương Tây Nghiêu đánh mắng Bảo Thắng, bà đều bênh vực nó.
Thời cổ đại ở Trung Quốc, nhà tư tưởng Mạnh Tử từng nói : “ Khi trời sắp giao nhiệm vụ lớn cho kỳ nhân, trước hết làm khổ tâm và chí của nó, làm cho gân cốt của nó khó nhọc, làm cho da thịt nó ốm đói, khống chế thân thể nó, làm cho hành vi của nó rối loạn, khiến tâm nó phải vận động, tính nó phải kiên nhẫn, tăng thêm những điều nó không thể làm”. Lời đó của Mạnh Tử là tổng quát hóa những cay đắng, máu và nước mắt của bao nhiêu danh nhân trong đời. Nhà khoa học lớn Newton, chưa ra đời thì cha mất, hai tuổi thì mẹ tái giá. Nhà văn vĩ đại Lev Tolstoi và nhà sinh vật học Darwin đều mất mẹ từ nhỏ. Nhạc Phi mất cha lúc nhỏ, gia cảnh trống không. Phạm Trọng Yêm hai tuổi cha chết, mẹ tái giá. Hải Thụy và Nhiếp Nhĩ đều mất cha lúc bốn tuổi. Tào Tuyết Cần “Mùa đông lạnh ăn dưa cải, đêm tuyết đắp mền rách” mà viết Hồng Lâu Mộng. Lỗ Tấn 12 tuổi cha chết, ông nội vì chuyện khoa cử bị bãi quan hạ ngục, gia đạo tan nát, cuộc sống khổ sở. Tóm lại, phàm là danh nhân đều có trải qua đoạn đời gập ghềnh, Trương Bảo Thắng cũng vậy.
Trương Bảo Thắng lúc ấu thời trải qua nhiều tình cảnh kỳ lạ. Đã có khả năng dùng tâm linh lấy bánh ăn, lại có khả năng nhìn thấy rương bạc chôn dưới đất, có thể giúp người khác tìm ra vật thất lạc, lại có thể thấy trong bụng cô gái có hài nhi…Điều đó khiến người ngoài cảm thấy kỳ lạ, và cũng khiến vợ chồng Trương Tây Nghiêu cảm thấy có trách nhiệm. Khi họ nhận nuôi dưỡng bé là vì trong nhà không có con trai, chỉ kỳ vọng nó nối dõi tông đường, về sau đã sinh được con trai, Bảo Thắng theo như nghe nói, thì không gây phiền muộn gì, vợ chồng họ vẫn tiếp tục bảo bọc nó. Nhưng do Trương Bảo Thắng thường giúp người khác tìm ra những vật thất lạc, lại bị người ta nghi ngờ vu oan là cố tình giấu đồ, lấy đồ của họ, vì vậy vợ chồng họ cũng bị mang tiếng. Để tránh loại phiền toái này và cũng để giảm bớt trách nhiệm, họ đem cho Bảo Thắng cho một tiểu cô gia (em chồng). Cô gái này thường tới nhà họ, ăn mặc rất tươm tất. Cô ta hay nói rằng trong nhà tích lũy được một ít tiền, rủ Bảo Thắng tới nhà ở với cô, hứa sẽ cho ăn ngon. Bảo Thắng tới nhà cô ta, phát hiện cô ta có thay đổi. Bình thường cô gái tới nhà của họ qua cửa chính, mặt mày rạng rỡ, còn hiện tại cô ta nhìn ngang liếc dọc, xụ mặt, động một chút là mắng người. Cô này ắt hẳn muốn nó lượm cũi, mua rau, kiếm cơm cho cả nhà. Bảo Thắng muốn cho cô út vui, không ngại cực nhọc. Nhưng ánh mắt của cô như lưỡi dao nhọn chọc vào nó. Hôm nay cô hách dịch nói : “Mày đã thành đứa bán muối rồi sao, mớ rau này làm sao ăn hết đây ?” Hôm sau lại trách : “Dầu đổ nhiều quá, dầu thì không thể nhặt lại được đó !”
Bảo Thắng chịu không nổi nhiều sự tình ủy khuất và trách móc, lấy quần áo chạy về nhà. Sợ cô út có thể đuổi theo, nhưng cô không đuổi theo, ba mẹ lại tỏ ra không vui. Được vài ngày ba và mẹ nói toàn chuyện buồn, nói bóng gió gì chăng ? không biết. Không bao lâu, chị dâu thứ ba của mẹ đến, tay xách một bịch điểm tâm. Mẹ vui vẻ kéo Bảo Thắng lại nói : “Hôm nay con đi theo mợ ba, con phải hiếu kính mợ ba nhé, đừng có so đo giống như ở nhà cô út đó !” Bảo Thắng biện bạch “Con không so đo, con ở nhà cô út làm công việc để sống”
Bảo Thắng lại theo mợ ba đi. Đến nhà mợ ba, mợ không để em nấu cơm, chỉ để em đi nhặt than vụn. Mỗi ngày Bảo Thắng đến xưởng than, tay chân mặt mày dính than đen lem luốc. Mợ ba không ưa sự dơ bẩn đó, nên cho em ngủ ở nhà kho, ba tấm ván ghép lại thành cái giường. Ban đêm gió thổi, bụi đất đổ xuống khiến em không ngủ được, trần nhà kêu lạch cạch, vừa lạnh vừa sợ, khiến em mất ngủ, có lúc chỉ có nước ngồi xổm chịu đựng cho đến sáng.
Bảo Thắng một lần nữa lại chạy về nhà.
Chừng một tháng sau, cha dẫn về một chú khoảng ngoài 30 tuổi. Mẹ nói : “Bảo Thắng, chú này thích con, hãy theo chú đi !” Bảo Thắng nhìn chú cúi đầu không nói nên lời.
“Nhà chú này có thức ăn ngon, lại có nhiều đồ chơi, so với nhà mình thì con được hưởng phước hơn nhiều đó!” Mẹ nói.
Bất chấp Bảo Thắng có tự nguyện hay không, cứ thế mà tiến hành. Lúc ra cửa, cha sợ nó lại quay trở về, bèn lấy miếng vải đen bịt mắt em.
Họ đi xe điện, rồi chuyển qua xe hơi, xuống xe hơi lại đi xe điện, thời gian bao lâu, Bảo Thắng cũng không biết, đi đường bao xa, Bảo Thắng cũng không rõ. Khi em được dẫn vào nhà, cởi miếng vải đen ra xem, thì đó là một căn phòng trên lầu. Gia cảnh rất khá, có bộ salon, ngồi vừa êm vừa đàn hồi, trên tường màu trắng treo nhiều hình chụp, hình lại có màu nữa cơ. Lại có tủ áo lớn, máy ghi âm, khi chú mở máy, âm thanh du dương phát ra. Xem ra chú này chắc là đại gia.
Chú nói : “Ta với cha cháu là bằng hữu tốt, ta đem cháu đến đây là muốn tốt cho cháu, chỉ có điều là cháu đừng ra khỏi cửa”
Ba ngày liên tiếp , một mình ông chú ăn cơm với Bảo Thắng và quả thật không cho nó ra khỏi cửa. Bảo Thắng ăn nhiều hơn ở nhà, nhưng thực tại khiến nó buồn chán, bởi vì con người muốn tự do, chim thì muốn bay. Nghe bên ngoài có tiếng trẻ con huyên náo, lòng cảm thấy nôn nao, muốn ra ngoài, nhưng chú đã khóa cửa bên ngoài rồi, nó đứng trên bao lơn nhìn xuống dưới, muốn nhảy xuống, nhưng quá cao, sợ gãy chân.
Một hôm, nó nhân chú không không để ý, nhẹ nhàng mở cửa, đi ra ngoài. Qua bảy tám cua quẹo, nhiều lần lên xe, xuống xe, đổi xe, chuyển xe, nhắm mắt đi đại, cuối cùng nó cũng về đến nhà mình.
Khi Bảo Thắng về đến nhà, cha mẹ đều kinh ngạc. Cha hỏi : “Làm cách nào về ?” Nó nói : “Ngồi xe hơi, chuyển xe điện, tự về một mình”.
Bảo Thắng đứng trong phòng của bà ngoại, ôm bà ngoại khóc. Không bao lâu Bảo Thắng lại bị dẫn đến nhà của một bà lão. Nhà đó như thế nào ? Một gian phòng vừa hẹp vừa tối om, một cái bếp lò, một cái nồi, một thùng nước. Bà lão hơn sáu mươi tuổi, chỉ có một đứa cháu gái nuôi không phải cháu ruột, lớn hơn Bảo Thắng một tuổi. Bà lão muốn Bảo Thắng gọi bé gái bằng chị.
Ban ngày Bảo Thắng và chị ra đường xin ăn, tối về nhà, đốt đèn lên, lấy cái lon đựng cơm hâm lên một chút, rồi ba người cùng ăn một loáng hết sạch, chen chúc nhau, đắp chung cái mền, chịu cho tới sáng.
Gió mưa, ngày đêm cực khổ. Trương Bảo Thắng lại chạy về nhà cũ. Cha mẹ lại toan tính tống khứ Trương Bảo Thắng đi, bà ngoại khóc nói : “Các người còn đẩy nó đi, ta sẽ đi với nó…” Vì vậy Trương Bảo Thắng vẫn còn ở lại nhà của Trương Tây Nghiêu.
Đến năm 1969, cuộc “Đại cách mạng văn hóa” khiến cho toàn thể xã hội Trung Quốc xáo trộn bất an, gần như tất cả mọi gia đình đều biến thiên, bất hạnh. Gia đình Trương Tây Nghiêu cũng giống như phần lớn gia đình khác, gặp những tai họa mới. Do ông bị xếp vào phần tử hữu phái, xuất thân bất hảo, theo lý đương nhiên bị liệt vào bảy thành phần đen (hắc thất loại), bị liệt vào “giai cấp văn hóa vô sản đại cách mạng”, là đối tượng của chuyên chính, đối tượng trọng điểm của phê đấu. Thời đó vận mệnh thường ảnh hưởng tới toàn thể gia đình.
Lúc đó Trương Bảo Thắng 11 tuổi, em không cách nào hiểu được, cũng không biết việc gì xảy ra. Em chỉ cảm nhận được sự bất an nơi người lớn, tính khí bất thường, động chút là chửi mắng. Đời sống của cả gia đình càng thêm gian nan.
Đối diện với ngày tháng gian nan đó, vợ chồng Trương Tây Nghiêu quyết định nói rõ thân thế cho Bảo Thắng biết và đưa nó trở về Nam Kinh.
Một hôm, Dương Quân ôm Bảo Thắng vào lòng thân thiết nói : “Bảo Thắng, con hãy trở về với cha mẹ ruột của con ở Nam Kinh đi. Đời sống nơi đó nhất định tốt hơn ở đây” Tiếp đó bà kể rõ lai lịch xuất sinh của Bảo Thắng tại Nam Kinh, gia cảnh thế nào đều nói hết. Bảo Thắng nghe xong không dám tin ở tai mình, cũng không tin lời mẹ nói, cho rằng mẹ nói gạt mình, càng nghe em càng khóc òa, sau lại biến cái khóc đau buồn thành trầm tư. Em từ lúc còn rất nhỏ tới giờ chưa từng trở về Nam Kinh, cha mẹ ruột là ai em cũng chẳng biết. Họ có mừng gặp lại em không ? Em cứ suy nghĩ mãi không thôi, em cảm thấy mình đến thế giới này như một người thừa, qua tay hết gia đình này tới gia đình khác, nay gia đình đã nuôi em lâu nhất, mà chính em cũng được đổi họ theo gia đình này, hiện giờ không cần đến em nữa. “Họ nhất định không thích mình rồi” Đó là kết luận của em đối với nhà họ Trương. Bất quá họ chỉ có lòng hiếu kỳ đối với một trẻ nhỏ. Em nghĩ, đã hẳn gia đình mình ở tại Nam Kinh, cha mẹ ruột đều ở tại Nam Kinh, vậy nên về xem sao. Thế là em mang tâm tư tình cảm phức tạp đó rời Bổn Khê. Em chỉ còn nhớ đó là một người chú đưa em đi. Đại khái là vì một chút thể diện, mẹ mua cho em một bộ quần áo mặc ngoài.
Khi đi đường em cảm thấy thích thú. Em biết đó là con đường hồi nhỏ em đã đi, nghĩ vậy nên em nhìn cảnh bên ngoài cửa xe. Đó là lần thứ nhất em biết thế giới rộng lớn, so với địa phương Bổn Khê thì lớn hơn nhiều, lại so với con đường đến thị trấn Đan Đông thì con đường này dài hơn xa hơn rất nhiều.
Đến Nam Kinh, em được đưa đến nhà họ Thẩm, đến đó mới biết mẹ ruột em bị bệnh đã sớm qua đời. Nghe nói sau khi sinh ra em, tuy bệnh có thuyên giảm nhưng do bản chất hư nhược, lại thường hay nhớ thương Bảo nhi, sinh được đứa con thứ tám rồi qua đời.
Trương Bảo Thắng sau khi đến nhà này thì đã không có tình thương của mẹ, em và người chị thứ ba ở chung trong một căn phòng, chỉ được chút tình ấm áp của người chị này, còn những người khác thì tình cảm lạnh băng. Cha em là người đàn ông mang gánh nặng quá lớn của gia đình, lại thêm mất vợ ở tuổi trung niên nên tình cảm héo mòn như tuyết phủ mù sương.
Đối diện với hiện trạng gia đình như thế, không ai nói gì với Trương Bảo Thắng, lại không hiểu rõ vì sao lại có sự xuất hiện của em, sự việc gia đình cảm nghĩ thế nào em đều biết. Mấy hôm nay cha em, Thẩm Hậu Lâm không biết rằng Bảo Thắng có thói quen ngủ ít, ông nghĩ rằng do sắp xếp bố trí chỗ ở như thế, em buồn nên không ngủ được. Giữa đêm khuya ông thử gọi tên Bảo nhi mà không thấy trả lời, bèn cho rằng em đã ngủ. Vì vậy họ nói chuyện với nhau về việc bố trí chỗ ở cho Bảo Thắng, hai phòng chỉ cách nhau một tấm ván, em cơ bản là không ngủ, nên những gì Thẩm Hậu Lâm nói em đều nghe rõ hết.
“Ôi ! Bảo nhi là đứa trẻ có số khổ, mẹ nó vì vậy mà chết sớm, về lại đây thì ai mà chiếu cố ? lại thêm nhà đông người thế này, nội chuyện ăn cơm cũng lo không nổi, có thêm nó thì làm sao nuôi dưỡng nổi ? Một vài anh chị lại nói tiếp theo lời cha. Em nghe rõ hết, chỉ trừ chị thứ ba có tình cảm với em, các anh chị khác đều không muốn giữ em lại, vì sợ có thêm một người ăn cơm. Trương Bảo Thắng khóc nghẹn ngào, em khóc thầm trong chiếc mền, lặng lẽ không phát ra tiếng nào. Lúc chị thứ ba trở về phòng ngủ, phát hiện chiếc gối ướt đẫm nước mắt. Chị gọi em dậy, hỏi em vì sao khóc, em chỉ nói là gặp ác mộng. Chị thứ ba trong lòng cũng hiểu sự việc nên cũng khóc theo em. Hai chị em cùng khóc một hồi, chị ôm em vào lòng.
Người đưa Trương Bảo Thắng tới Nam Kinh, xong việc muốn trở về Bổn Khê nhưng trước khi rời Nam Kinh ông tới thăm Bảo Thắng một chút, hỏi em có cần việc gì không. Em không nói tới hai tiếng, chỉ đưa cho ông một phong thư, ông này rất lấy làm lạ, Bảo Thắng chưa được đi học sao lại có thể viết thư ? dù sao ông cũng nhận thư mang về.
Dương Quân nghe người mang thư nói qua về tình hình của Bảo Thắng, đồng thời mở thư của em ra xem. À, thư không có chữ, chỉ có một hình vẽ, bức hình chỉ vẽ phần đầu một đứa con trai mắt đẫm lệ, lệ rơi cả xuống đất …Nhìn bức vẽ, từ tâm của người mẹ khiến Dương Quân khóc, hai đứa con gái cũng khóc, bà ngoại nghe nói cũng khóc.
Sự vật vốn sợ sự so sánh. Bảo Thắng lại tiến hành so sánh. Gia đình ở Bổn Khê vì không thích em, mới đem em đưa đi Nam Kinh. Thế nhưng gia đình Nam Kinh cũng không hoan nghênh em. Đem hai gia đình so sánh thì gia đình ở Bổn Khê còn có chút tình cảm ấm áp và sức thu hút. Vì vậy Trương Bảo Thắng càng lúc càng nghĩ nhiều đến gia đình Bổn Khê. Ngoài ra Nam Kinh khí hậu nóng bức khiến em chịu không nổi, trên đầu nổi mụn mủ, trên thân thì ghẻ lác. Cuối cùng em không thể không nói với Thẩm Hậu Lâm : “Con muốn trở về Bổn Khê”.
Mùa hè năm đó, em được gia đình họ Thẩm đưa lên xe lửa một mình trở về Bổn Khê, ngay cả chiếc áo khoác ngoài mẹ mua lúc chuẩn bị đi Nam Kinh, em cũng không mang theo. Đi đường, lữ khách được chăm sóc tốt, nói chung xe đi thuận lợi tới Bổn Khê.
Tại nhà Trương Tây Nghiêu vẫn còn tồn tại vận xấu. Trương Tây Nghiêu trừ những lúc bị mang ra phê đấu, vẫn còn muốn tìm đường chuộc tội. Về sau bị đưa về nông thôn lao động cải tạo. Tình hình thực tế căng thẳng khiến cho cả người lớn và trẻ con đều có cảm giác ức chế mạnh mẽ. Trương Bảo Thắng đương nhiên là người đầu têu phải hứng chịu sự ức chế đó. Bởi vì Bảo Thắng trở về chẳng những không giải trừ được nỗi khó khăn, ưu sầu của gia đình, mà còn tăng thêm gánh nặng về kinh tế cho gia đình.
Không lâu, bà dì ở Trường Xuân gởi thư nói vì thân thể bất an nên muốn tìm người giúp việc tạp vụ trong gia đình. Dương Quân và Trương Tây Nghiêu thương lượng xong bèn cho Trương Bảo Thắng đi Trường Xuân. Đứa trẻ mười mấy tuổi vì đã từng trải nhiều khó khăn nên sớm hiểu biết, tuy nhiên hoàn cảnh quá khó, công việc quá nặng, không thể kham nổi nên về sau em lại bỏ đi.
Em phải chăm sóc đứa em trai, phải coi nhà, phải đi chợ mua đồ, phải thế này, phải thế nọ, phải làm rất nhiều việc. Em hi vọng có được nhiều niềm vui hơn. Em vẫn còn là đứa trẻ mà phải đảm đương nhiều công việc của người lớn. Đặc biệt là sau chuyến đi Nam Kinh, trong tâm lý trẻ thơ của em, em cảm thấy hoàn toàn hoang mang về cuộc đời, lúc đó càng hằn sâu sự lãnh đạm đối với thế gian, càng cảm thấy mình là người quá dư thừa.
Em thấy bà dì mất ngủ, người trông tiều tụy, thường phải uống những viên thuốc ngủ màu trắng, uống xong mới có thể ngủ yên. Bảo Thắng tâm niệm : mình là người ngủ rất ít mà cũng không cần ngủ nhiều hơn, nhưng nghe người lớn nói thuốc này có chất độc, uống nhiều có thể không tỉnh dậy được, cứ ngủ mãi. Không biết thế nào, em đối với giấc ngủ dài (trường miên) có cảm giác thần bí. Em cảm thấy bà dì mất ngủ có thể là thống khổ, khi uống thuốc thì nỗi thống khổ tiêu tan. Như thế, uống nhiều một chút là có giấc ngủ dài, thì nỗi thống khổ vĩnh viễn không thể xuất hiện.
Mỗi tối lúc dì uống thuốc, việc của em là rót nước và lấy thuốc, lúc đó em thừa cơ lấy vài viên. Qua nhiều ngày, dưới giường của em đã tích trữ được một bịch thuốc.
Đến khuya đêm trừ tịch, nhà nhà hội tụ vui vẻ, tiếng pháo giao thừa liên tục nổ vang, cả nhà bà dì ra ngoài xem bắn pháo hoa. Em ở nhà một mình, lòng càng lúc càng phiền muộn theo tiếng pháo thưa dần. Bàn tay em chầm chậm thò vào trong mền, cầm lấy bao giấy nhỏ, đổ hết vào miệng…Do tác dụng của thuốc, khiến em đi vào thế giới ảo giác, thân thể em phiêu bồng nhẹ tênh, càng lúc càng không có khí lực, phảng phất đi vào thế giới hư huyễn, khói sương vần vũ, lầu gác đình tạ, chim hót hoa thơm, cầm bay thú chạy, đi lại không dấu vết, phiêu diêu huyễn cảnh. Em không chút sợ hãi cảm giác này, cả gan chạy về phía trước, chỉ hi vọng mình tận hưởng niềm vui đến thiên đường…
Bà dì xem bắn pháo hoa xong về đến nhà, thấy Trương Bảo Thắng ngã nằm co quắp dưới đất, hoảng hốt bà gọi : “ Người đâu lại đây, mau cứu người !” Hàng xóm ba chân bốn cẳng chạy đến giúp, cõng Bảo Thắng đến bệnh viện.
Em phảng phất nghe có tiếng người khóc…Trong hỗn tạp tiếng khóc, tiếng chửi Trương Bảo Thắng tỉnh dậy. “Đồ quỷ ! Qua năm mới mà chạy lại đây chết !” Bà dì đứng một bên khóc to kể : “Ta có gì không phải với con chứ ! Có gì ta cũng cho con, nuôi nấng con, nay con lớn rồi, ta không cần báo đáp, con không thể hại ta như vậy được !” Đó là tiếng bà dì khóc chửi.
Trương Bảo Thắng chưa kịp mở mắt đã nghe rõ ràng tiếng bà dì, em chỉ cảm thấy trong dạ dày dường như trống không khó chịu. Mở bừng mắt ra nhìn chỉ thấy một bình thủy tinh treo ở trên không, cái bình và cánh tay được nối bằng một ống nhựa. Trong lòng em hiểu rõ : “Nhất định là họ đã cứu sống mình rồi” Vì vậy em nghĩ : trên thế gian này em muốn sống cũng khó mà muốn chết đi cũng khó.
Từ đó về sau, em càng thêm cảm giác xác thực là có một cái gì đó tồn tại ngoài cõi thế gian, em không chỉ tin rằng nó tồn tại, mà còn nhận thức rằng mình có thể từ đó mà qua cõi người này. Thế giới đó có thể cho em một loại hy vọng, cho em một loại sức mạnh. Sau lần đó, tình cảm giữa em và bà dì càng xa cách. Sau em lại trở về nhà Trương Tây Nghiêu ở Bổn Khê.
Thuật chiêm bốc, tính toán số mệnh đã lưu hành ở Trung Quốc hàng ngàn năm. Có người xem mệnh vận lúc đang thăng tiến, mục đích là để phòng bất trắc, tiếp tục vận tốt đi lên; có người xem mệnh vận lúc cùng đường, mục đích là mong phúc tinh cao chiếu, cải biến mệnh vận, ít nhất là có được chút an ủi về tinh thần, duy trì lòng ham sống mạnh mẽ.
Do gặp nhiều gian khổ nên Trương Bảo Thắng trưởng thành sớm, em bắt đầu suy nghĩ đến mệnh vận của mình. Em từ lúc mười mấy tuổi, muốn sống yên rất khó, muốn chết không được, từ nam lên bắc, từ hết nhà này chuyển sang nhà khác, loại mệnh vận này đến bao giờ mới tới hồi kết ? Em muốn thay đổi vận mệnh, em muốn tìm một chỗ dựa về tinh thần. Vì vậy, em giống như những người bình thường khác, tìm đến một ông thầy có danh tiếng về bói toán, nhỏ nhẹ hỏi ông rằng : “Vận mệnh của tôi thế nào ?”
Ông thầy bói già này hỏi em ngày giờ tháng năm sinh, gia thế và nơi ở xong, nhắm mắt lắng nghe, bỗng kêu lên : “Kỳ nhân ! Ngươi là kỳ nhân! Trên trời có ba điều kỳ lạ, dưới đất có ba điều kỳ lạ, trong người có ba điều kỳ lạ. Ba điều lạ trên trời là Giáp, Mậu, Canh. Ba điều lạ dưới đất là Nhâm, Quý, Tân. Ba điều lạ trong người là Ất, Bính, Đinh. Năm tháng và ngày giờ sinh của ngươi hợp với thiên mệnh này! Nhưng mà…” Ông thầy bói dừng lại một chút, bấm đốt ngón tay xong lại nói : “Ngươi có nhiều nhà nhưng không có chỗ về. Phúc lớn, mệnh không dài. Ngươi có thể trở thành nhân vật “không ai bì kịp”, chỉ cần ngươi vị nhân chính trực, không làm điều xấu. Nếu qua được 35 tuổi thì có thể sống lâu được…” Lời bói này không biết đúng hay sai, nhưng em rất tin. Bởi vì ngay câu đầu thầy bói đã nói rõ ràng hoàn cảnh mà em đã kinh qua : “Nhiều nhà nhưng không có chỗ về” rất phù hợp với hoàn cảnh của em. Vì thế em không hoài nghi ẩn ý phía sau lời nói của thầy bói già. Ngoài ra em cũng có khát vọng trở thành “người không ai bì kịp” nhưng em không thể chịu được sự kỳ thị của người ta, không muốn quay lại cái nhà này hay nhà kia mà người ta không cần em. Đương nhiên đối với vận mệnh tương lai của em, em cũng không biết sẽ ra sao nhưng em kỳ vọng sẽ trở thành “người không ai bì kịp” .
Kết cục thành đạt, áo gấm về quê
Phó tỉnh trưởng Lâm Thanh sau nhiều lần viếng thăm Trương Bảo Thắng, lại tiến một bước gợi ý anh nghĩ đến tình cảm quê hương. Lúc rời quê hương anh từng nói câu : “Nếu mình không nổi tiếng như cồn, quyết không trở về nhà !”
Do thời niên thiếu sống tại Bổn Khê và thời thanh niên sống tại Thẩm Dương anh bị tỏa chiết rất nhiều, trong tâm lý của anh chỉ lưu lại những hình ảnh tiêu cực : “Người Liêu Ninh, người Bổn Khê đối xử với mình rất tệ !” Nhưng mặt khác anh cũng biết có bao nhiêu người Liêu Ninh và người Bổn Khê đã tiến dẫn anh, bảo vệ anh, là ân nhân của anh. Anh tuy sinh tại Nam Kinh, nhưng trưởng thành ở Bổn Khê. Anh tuy vốn họ Thẩm, nhưng lớn lên tại nhà họ Trương. Anh không thể quên ơn dưỡng dục của gia hương, anh nghĩ tới cơ hội trở về Liêu Ninh.
Tháng 7-1986 Trương Bảo Thắng đã rời Liêu Ninh được 4 năm, đây là lần thứ nhất anh trở về cố hương, thị trấn Bổn Khê.
Hôm đó, Trương Bảo Thắng ngồi xe hơi do chính quyền tỉnh đến rước, có xe cảnh sát mở đường, đến thẳng nhà Trương Tây Nghiêu, người chung quanh thấy khí thế như vậy, không biết có chuyện gì xảy ra, đều ngạc nhiên đứng xem. Trương Bảo Thắng trở về nhà, gặp lại người thân sau nhiều năm xa cách. Một sớm đoàn tụ, trăm thứ tình cảm giao hòa. Tâm tình của mỗi người cũng không giống nhau.
Cha anh Trương Tây Nghiêu trong giao tiếp thêm phần hổ thẹn, cảm thấy ngượng nghịu như không có chỗ dung thân. Năm ấy Trương Bảo Thắng do sự kiện “đôi giày da” bị tù oan, lúc ra tù trở về nhà, Trương Tây Nghiêu từng thúc đẩy Bảo Thắng tách riêng hộ khẩu, không coi anh là người của Trương gia, coi anh là người ngoài. Hôm nay Trương Bảo Thắng đã nổi tiếng hơn người, rạng rỡ tổ tông, lại trở về nơi mình đã từng sinh sống, đó thật là “Việc đời luôn khó liệu”. Hôm nay ông phải đối xử thế nào cho tốt, nghe con gọi tiếng ba, con nói thế nào miễn không chống lại là được !
Mẹ Dương Quân không cầm được nước mắt, chỉ lau nước mắt, nước mắt thay cho lời nói, nước mắt vui mừng, nước mắt chua cay nhất loạt tuôn trào nơi khóe mắt. Trương Bảo Thắng có ngày hôm nay, bà có nằm mơ cũng không thấy !
Các chị gái, các em trai chỉ biết đi ra đi vào, có lúc chui vào xe hơi của Bảo Thắng ngồi thử, thèm thuồng.
Láng giềng nghe nói Trương Bảo Thắng trở về, biết đó là một sự kiện hay, đều rần rần kéo đến hỏi thăm, đều muốn xem coi phái đoàn của Trương Bảo Thắng hiện thời là cái giống gì.
Thời đó sau khi Trương Bảo Thắng ở tù ra, không có nhà để về, được các thực tập sinh của Trung Y học viện Liêu Ninh thu nhận, tạm điều về Thẩm Dương, lúc rời Bổn Khê, không người đưa tiễn, không ai chúc phúc. Hôm nay Phó tỉnh trưởng Lâm Thanh đích thân gọi người tiếp đón anh. Thị trấn Bổn Khê cũng phái người đến tiếp đãi. Các vị hương thân trong nhất thời vây quanh ngôi nhà nhỏ khiến lưu thông bế tắc, không lúc nào náo nhiệt như vậy. Anh hùng cũng phải có khí độ rộng lượng không hay bắt lỗi. Anh biết mỗi người đều có chỗ khó xử. Cha anh đối xử với anh như thế cũng do hoàn cảnh bức bách. Anh bỏ qua hết những lỗi lầm của cha và người nhà trong quá khứ. Anh cũng không phân biệt thân sơ đối với các hương thân.
Anh chỉ quan tâm việc đoàn tụ với người thân, để cho ông thị trưởng và môn hạ đợi anh ở nhà hàng, hơn một tiếng đồng hồ đoàn tụ với người thân, anh mới rời nhà để đến nhà hàng.
Qua hôm sau, Trương Bảo Thắng đến văn phòng của Hội Khoa học Kỹ thuật Bổn Khê, biểu đạt lòng tri ân đối với hội đã tiến dẫn anh bảy năm trước, cảm tạ hội trong mấy năm gần đây đã tuyên truyền cổ động và giúp đỡ anh.
Sau đó anh đến Công an Cục Bổn Khê thăm Lưu Hưng Quốc. Bởi vì Lưu Hưng Quốc là người đã tiếp nhận anh, giúp anh rời khỏi núi, được anh đánh giá là “người tốt”. Nhưng khi tới văn phòng anh mới biết một vài đồng chí trong Công an Cục đã chuẩn bị cho anh biểu diễn công năng.
Chỉ thấy trên bàn để một chai thuốc, miệng chai đã bị đóng chặt, bao kín nhiều lớp bằng phương cách đặc biệt chắc chắn, lớp ngoài cùng được dán cứng bằng giấy da bò. Trong bình trước hết là để một đồng tiền cứng bằng kim loại, khi động đậy sẽ có tiếng kêu “lạch cạch”. Bên ngoài còn dùng một phong bì bao kín. Lưu Hưng Quốc yêu cầu anh lấy đồng tiền kim loại ra ngoài. Anh không do dự cầm cái chai đã bị bao kín đó, dùng ngón tay quơ qua lại vài cái dưới đáy bình. Sau ba tiếng “cảng cảng cảng”, đồng tiền kim loại đã nằm trên mặt bàn. Vài đồng chí công an cục đồng nói : “Thật đáng phục !”. Những người này ngày xưa không tin Trương Bảo Thắng có đặc dị công năng, hôm nay đến để đích thân quan sát bản lĩnh của anh.
Tiếp đó chỉ thấy Bảo Thắng kéo một cái hộc tủ, lấy ra vài tờ vé đi xe buýt công cộng hàng tháng, đẩy vào đáy chai, các tờ phiếu đã đi vào trong cái chai đã bị tuyệt đối đóng kín này. Sau một tràng vỗ tay chân thành, Bảo Thắng lại lấy từ trong hộc tủ một tấm ảnh chụp màu, để trên phong bì mà Lưu Hưng Quốc và người của ông đã dán kín. Chí thấy anh dùng bàn tay đập lên đó hai cái, tấm hình màu biến mất. Lúc kiểm tra thì tấm hình màu đã đi vào trong chiếc phong bì bị dán kín, đồng thời tờ giấy có chữ trong phong bì lại chạy ra ngoài.
Các nhân viên có mặt tại Công an Cục Bổn Khê đều nhiệt liệt bái phục, họ đều bị công năng thần kỳ của Bảo Thắng chiết phục.
– Năm ấy đã đối xử sai lầm với Trương Bảo Thắng ! Không biết ai đã buột miệng nói ra câu đó.
Tục ngữ nói : Ngọt hay không ngọt cũng là nước cố hương, Thân hay không thân cũng là người cố hương. Tết năm 1987, để biểu thị lòng tôn kính đối với nhân dân quê nhà, Trương Bảo Thắng ghi âm một đoạn băng, trong đó có câu : “ Chịu ơn một giọt nước, nên lấy cả dòng suối mà báo đáp” đủ để nói lên tấm lòng của anh đối với quê nhà.
Ngày 14-02-1987 Bổn Khê xuất bản Động Thiên chu báo (tuần báo Động Thiên) có đăng lời chúc của anh với nhân dân quê nhà : Thăm hỏi nhân dân quê nhà ! Chúc nhân dân quê nhà hạnh phúc !
Đến Tết, Trương Bảo Thắng mượn cơ hội mới kết hôn, đi thăm bà con, lại một lần nữa trở về tỉnh Liêu Ninh. Chuyến đi của anh gây chấn động cả tỉnh Liêu Ninh. Anh mang lại cho mọi người một loại khoa học thông tin mới, gợi ra tư duy mới cho con người. Một vị lão đồng chí sau khi xem anh biểu diễn đặc dị công năng, cảm khái sâu xa, nói :
– Tôi hôm nay thay đổi. Thời thanh niên tôi tin tưởng khí công, nhưng không phải tin một cách tự giác. Sau khi tham gia cách mạng, học tập chủ nghĩa Mác, tôi lại không tin khí công và đặc dị công năng, cho rằng đó là mê tín. Hôm nay tôi lại tin tưởng khí công và đặc dị công năng. Lần này là lòng tin chân chính, tin một cách tự giác, là thực tế giáo dục tôi, khiến tôi tin. Đó là thực sự cầu thị, là phù hợp với chủ nghĩa Mác.
Đầu tháng 8-1987, Trương Bảo Thắng từ Bắc Kinh trở về Bổn Khê thăm mẹ. Thời gian đó, anh đáp ứng thỉnh cầu của nhân dân và chính quyền huyện Hoàn Nhân, đến huyện Hoàn Nhân, đến Mỏ Chì Hoàn Nhân, nơi anh làm việc lúc mới lớn.
Ngày ấy, vài chiếc xe hơi con đi đến nơi góc núi hẻo lánh này. Mọi người vui mừng đến chảy nước mắt. Trương Bảo Thắng trở về núi khoáng thăm phụ lão hương thân, ai cũng biểu thị sự ngạc nhiên :
– Không ngờ anh ấy chịu khó nhọc đến nơi này
– Hôm nay Trương Bảo Thắng không phải là hạng “thấp cổ bé miệng” như xưa nữa rồi !
– Thật đúng là áo gấm hồi hương vậy !
Mọi người sôi nổi nghị luận, vây quanh xem. Thuở ấy người quan tâm, bảo vệ Bảo Thắng là đồng chí Lý Cảnh Kỳ, bây giờ càng xúc động không nguôi. Trương Bảo Thắng lúc nhìn thấy bà xúc động đến chảy nước mắt.
Lúc ấy có nhiều người quen biết Bảo Thắng đều muốn tìm gặp anh để nói lên điều gì đó, náo nhiệt đến mức anh luôn bận rộn không ngừng. Người ở vùng núi khoáng này nghe tin đều đến, vây quanh nhà khách nhỏ bé của khoáng sơn, bất luận người quen hay không quen anh, đều muốn nhìn xem Trương Bảo Thắng. Để thỏa mãn yêu cầu của bà con, đồng chí phụ trách mời Bảo Thắng lên sân thượng lầu hai, đứng một chút để mọi người nhìn, mặt mày của đám đông hân hoan hớn hở giống như thấy một vị đại nguyên soái.
Tiếp đó Trương Bảo Thắng đến trước mộ của bà ngoại, anh đứng trong đám cỏ dại trước nấm mồ, miên man nhớ lại lúc nhỏ bà ngoại rất thương tình cảnh của anh. Anh yêu cầu xưởng dược Hoàn Nhân tu sửa mộ và dựng bia cho bà, chi phí do anh thanh toán, để biểu thị lòng hiếu kính. Về sau mộ bia đã được dựng lên vào tiết thanh minh năm 1988.
Vị lão nhân này lúc còn sống đã từng nói : “Bảo Thắng tương lai nhất định sẽ có cống hiến lớn !” Hiện tại hoàn toàn chứng thực cho lời dự báo của bà. Trương Bảo Thắng thành gia lập nghiệp, trở thành “quốc bảo” danh tiếng truyền xa tới nước ngoài. Thế nhưng, như lời của một triết nhân từng nói : “Thượng đế không thể đem hạnh phúc ban phát đều cho mỗi con người”. Trương Bảo Thắng có bản lĩnh như thần tiên, nhưng anh cũng là một con người, anh cũng cần giao thiệp với phàm nhân, cũng cần phải xử lý những sự việc giống như phàm nhân, anh cũng có hoan lạc, cũng có đau khổ, có sáng suốt quang minh nhưng phía dưới ánh dương cũng có bóng tối, anh cũng trải qua một giai đoạn bất bình thường, cũng có quyển kinh khó niệm, anh có v.v…đường đời của anh hãy còn dài, nhưng bất kể thế nào, công năng của Trương Bảo Thắng là hoàn toàn chân thực, tồn tại khách quan. Trong lịch sử phát triển của nhân loại, trong lịch sử phát triển khoa học, còn lưu lại một câu chuyện không dễ gì có được.
(Trích sách Siêu nhân Trương Bảo Thắng. Tác giả Gia Cát Hỉ Hán. Truyền Bình dịch)