Trương Bảo Thắng đến Bắc Kinh không lâu, nhà khoa học lão thành Tiền Học Sâm đã xem anh biểu diễn và tiếp kiến anh. Ông nhận định : công năng của Trương Bảo Thắng rất mạnh, đáng tiếc là trình độ học vấn của anh rất thấp, vì nghiên cứu khoa học và nhu cầu trong tương lai, Trương Bảo Thắng phải đi học đại học.
Nhà khoa học Tiền Học Sâm (Qian Xueshen)
Lúc đó muốn vào đại học phải kinh qua thi tuyển, căn cứ vào đề nghị của Tiền Học Sâm, Trương Bảo Thắng phải chuẩn bị vào đại học. Anh chuẩn bị thi, bắt đầu khẩn trương học tập và đọc sách. Học tập và đọc sách là việc rất nhức đầu đối với Trương Bảo Thắng. Anh nói mỗi lần học là bị nhức đầu, từ lúc nhỏ đã như vậy. Nhưng mà đến nay là lúc thi thố, lại có đề nghị của Tiền Học Sâm, Trương Bảo Thắng chỉ còn cách ôm đầu ứng phó với việc thi cử.
Tha tâm thông
Khảo thí tiến hành tại Lễ Đường Trung Nam Hải. Đối với Trương Bảo Thắng, các đề mục trong bài thi anh không thể làm được. Trong phòng thi yên lặng, không ai biết anh đang thi triển công năng của mình : anh bắt đầu thấu thị bài thi của người khác. Đáp án của người khác từ từ hiện lên trong não của anh, anh có thể giống như học sinh chép bài giải của thầy giáo trên bảng đen. Sao chép bài thi của người khác, nếu đáp án đúng thì anh cũng đúng, nếu đáp án sai thì anh cũng sai theo.
Sau khi kỳ thi đặc biệt này kết thúc, điểm trong bài thi của anh không phải thấp. Nhưng thành tích của cuộc thi có tính đến anh không ? Đương nhiên là không. Trương Bảo Thắng sau khi thi xong, nhất nhất đều báo cáo với thầy giáo và lãnh đạo, rồi nói : “Tôi không thể đọc sách được, vì tôi nhức đầu” do anh thêm một lần phát biểu không tình nguyện học tập, cơ quan hữu quan bèn thôi bỏ qua việc cho anh vào đại học.
Từ lúc anh phát hiện mình có thể lợi dụng tri thức của người khác trong việc thi tuyển bằng công năng tư duy cảm tri, bèn thường xuyên lợi dụng tư tưởng của người khác bổ sung tri thức cho mình. Trong một khoảng thời gian, anh thường theo tài xế học lái xe, chỉ cần có tài xế ngồi một bên là anh biết lái xe, người khác cho rằng anh biết lái xe, kỳ thực anh chỉ học các thao tác bên ngoài của tài xế, còn chủ yếu là lợi dụng tín hiệu tư duy trong đại não của tài xế để chỉ đạo thao tác của mình. Lúc mới học lái xe, phát sinh sự kiện này : anh mượn một chiếc xe của người khác, tài xế đi theo xe, nhưng chỉ ngồi trên xe chứ không lái. Bảo Thắng mượn tín hiệu trong não của anh tài xế, tự lái xe từ ngoại ô phía tây đến nội thành. Anh xong công việc, nhưng anh tài xế có việc cũng đã đi rồi. Khi Trương Bảo Thắng lên xe, thấy không có tài xế, chỉ có hai vị khách không biết lái xe, trong một lúc anh hốt hoảng, đã không biết khởi động, lại không biết bẻ lái thế nào, giống như trong phút chốc anh hoàn toàn quên hết kỹ thuật lái xe. Sau đó anh cũng phải khó khăn mới tìm được một người tài xế ngồi trên xe, anh bắt đầu mô phỏng tín hiệu trong não người này và lái xe đi.
Một lần, các chuyên gia máy tính muốn lợi dụng khả năng thấu thị của anh để kiểm tra một bộ máy tính lớn mới nhập khẩu xem tình trạng kết cấu bên trong máy. Để cho anh hiểu máy tính, họ mời anh vào bên trong một phòng máy tính để làm quen với tình huống. Mọi người ngạc nhiên khi phát hiện anh dù chưa hề học qua máy tính, cũng không tiếp xúc với máy tính, nhưng anh tỏ ra không hề xa lạ chút nào.
Sau khi xem thao tác biểu diễn của nhân viên xong, anh ngồi vào máy để tự mình thao tác, nhưng không hề có sai sót. Mọi người mới hỏi anh làm sao học được cách sử dụng máy tính và học lúc nào, anh cười trả lời : “Tôi chưa học bao giờ, bởi vì có nhân viên máy tính ở bên cạnh, tôi chỉ lợi dụng tín hiệu não của anh ta mà biết thao tác” Mọi người bán tín bán nghi về lời anh nói.
Trong một lần chấp hành nhiệm vụ, anh đến vùng tây nam của đất nước, anh xem máy bay trực thăng một cách thích thú, anh muốn lái nó bay lên trời cho bằng được. Phi công và các đồng chí khác kiên quyết không để cho anh lái, cho rằng đó là việc rất nguy hiểm, anh chỉ nói chơi thôi. Anh cười nói “Đừng căng thẳng, chỉ cần có các anh (phi hành đoàn) ở bên cạnh là tôi biết lái máy bay”. Người khác căn bản là không tin lời anh, chỉ để cho anh mò mẫm thao tác một chút. Mọi người ngạc nhiên phát hiện, trình tự thao tác của anh giống như người “biết lái máy bay”. Sau đó anh nói ra cách tư duy bí mật của mình. Mặc dù mọi người đã tin khả năng của anh là thật nhưng cũng không dám để cho anh mạo hiểm.
Trong hoạt động kinh tế thương mại, người ta thường nói, có thể mượn đầu óc của người khác để phát tài, tức dùng trí tuệ của người khác để kinh tiêu việc làm ăn của chính mình. Trong tư duy của Trương Bảo Thắng, đó lại là trực tiếp sử dụng một cách thực tiễn trí óc của người khác chứ không phải có tính hình tượng như câu cách ngôn.
Sau khi anh đến Bắc Kinh, các đồng chí trong Hội Nghiên Cứu Đặc Dị Công Năng Bắc Kinh đưa anh đến trình diện vài vị lãnh đạo trung ương của quốc gia, và biểu diễn công năng ý niệm di chuyển vật.
Đối với Trương Bảo Thắng, ngày 18-05-1982 là một ngày đáng nhớ. Hôm đó, anh nghe nói nguyên soái Diệp Kiếm Anh muốn xem đặc dị công năng của anh, tâm lý của anh thật vui mừng, nhưng cũng có chút lo lắng. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh lúc đó là Ủy hội trưởng của Ủy Ban Thường Vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Chủ tịch Quốc Hội, một trong bốn vị trí lãnh đạo cao nhất của quốc gia. Tổng bí thư lúc đó là Hồ Diệu Bang, Thủ tướng là Triệu Tử Dương, Chủ tịch Quân ủy Trung ương là Đặng Tiểu Bình cũng là người thực tế nắm quyền lực cao nhất)
Nguyên soái Diệp Kiếm Anh
Đi cùng với anh là trưởng ban thư ký Chu, thấy tâm tư anh khẩn trương bèn an ủi : “Anh Trương này, hôm nay Diệp soái muốn xem anh biểu diễn, anh là người có công năng mạnh nhất trong những người có đặc dị công năng, hi vọng anh ổn định tinh thần tình cảm, làm tốt lần biểu diễn này”. Anh không nói tiếng nào, chỉ liếc nhìn bí thư trưởng một cái.
Đến nhà của Diệp soái, anh cứ tùy tiện đi lại trong phòng khách, xem chỗ này liếc chỗ kia, giống như người nhàn hạ, lại giống như đang tìm cái gì. Anh đơn giản là không để mình ngồi yên, lại không muốn nói chuyện với người khác.
Người thân thuộc của Diệp nguyên soái nhiệt tình tiếp đãi hai vị khách tại sảnh đường. Không lâu sau, một vị hộ sĩ đẩy một chiếc ghế dựa có bánh xe vào phòng, trên đó là một vị lão nhân hiền từ , đó chính là Diệp soái, ông vô cùng nhiệt tình, nói với bí thư trưởng và Trương Bảo Thắng : “Hoan nghinh các anh đến đây”
Theo sau Diệp soái là nhiều người khác , có thư ký, y sĩ, nhân viên cảnh vệ…họ vào đầy phòng khách, đều hiếu kỳ chờ đợi Bảo Thắng biểu diễn. Chiếc ghế đẩy của Diệp Soái dừng lại, ông nói với Bảo Thắng :
– Hãy ngồi ở bên này đi. Ông dùng tay chỉ vào một bên chiếc sô pha. Lúc đó Trương Bảo Thắng mới chịu ngồi xuống.
– Anh tên là gì ? Diệp soái thân thiết hỏi
– Trương Bảo Thắng
– Bây giờ bắt đầu trắc nghiệm nhé .Ông nói : Tôi nghe nói anh Trương có thể dùng đặc dị công năng nhận thức chữ, vì vậy tôi đã chuẩn bị cuộn giấy trên đó có viết chữ, bây giờ xin mời anh Trương biện nhận đi. Diệp soái cười thoải mái nói.
Bảo Thắng dùng tay phải cầm cuộn giấy được cắt đẹp đưa lên đầu mũi ngửi mấy cái, tiếp đó để xuống, biểu thị đã nắm được. Anh lập tức viết lại trên giấy, mọi người nhìn với ánh mắt nghi ngờ. Có người hỏi : “Biện nhận ra chưa ?” Bảo Thắng không ngó ngàng, chỉ dùng viết mực viết trên một tờ giấy, mọi người tập trung tinh thần xem. Trong sảnh đường thật yên lặng chỉ nghe tiếng ngòi viết ma sát vào giấy nghe rào rào.
“Ha ha ha, ha ha ha……” chỉ nghe tiếng cười sảng khoái của Diệp soái, mọi người hướng nhìn vào mặt của ông. “Nhận đúng rồi ! nhận đúng rồi !” Không khí của sảnh đường lập tức ồn ào, sôi động hẳn lên. “Chữ màu đỏ” Bảo Thắng bổ sung một câu. Có người mở cuộn giấy, lúc đó mọi người thấy hai chữ đại tự viết bằng bút chì màu đỏ : “Tam tiếu” hoàn toàn đúng với chữ mà anh đã viết trên giấy. Không hẹn mà mọi người đều vỗ tay tán thưởng. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã cao tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng tiếng cười sảng khoái của ông có cảm giác như phản lão hoàn đồng. Những người tại hiện trường là bạn của Diệp soái cũng đều cười lớn khiến không khí sảnh đường thật sôi động. Thư ký, chiến sĩ cảnh vệ, lái xe đều cùng nhau tán thán. Rồi mọi người bắt chước Diệp soái, viết chữ để trắc nghiệm anh. Trương Bảo Thắng thoải mái, nhận các thức trắc nghiệm và đều trả lời chính xác. Diệp soái trong niềm hưng phấn, kể cho mọi người nghe một câu chuyện.
Thời xưa có một vị hoàng đế, nghe nói có một kỳ nhân từ phương xa đến, cũng có bản lĩnh giống như Trương Bảo Thắng. Hoàng đế quyết định triệu kiến vị kỳ nhân. Các vị đại thần sợ hoàng đế gặp kỳ nhân xong sẽ khảo vấn bọn họ, nếu như đáp không được, nhẹ là bị thất sủng, nặng thì bị trị tội. Vì vậy họ nói với hoàng đế một chuyện không có thật là kỳ nhân đã chết rồi. Không biết rõ, hoàng đế tin là thật, đau lòng nói : trời không giúp ta rồi !
Kể đến đây Diệp nguyên soái thích thú nói : “Ta không phải là hoàng đế, ta chỉ là người thấy được Tiểu Trương (Bảo Thắng) là người như vậy và cho rằng đó là vận may !” Trương Bảo Thắng cười, Diệp nguyên soái cũng cười theo mọi người.
– Tiểu Trương, anh làm thế nào không dùng mắt thấy mà nhận ra chữ được ?” nguyên soái ngồi trên ghế đẩy thích thú hỏi.
– Tôi ngửi, trong não xuất hiện nội dung trong cuộn giấy, tung tích của chữ xuất hiện trong não của tôi. Bảo Thắng trả lời không thêm thắt gì
– Vậy tại sao mũi của tôi ngửi không ra gì hết ? nguyên soái hỏi vui Tiểu Trương. Người chung quanh nghe vậy cười rộ lên. Ông nói tiếp :
– Thế giới chỉ có những sự vật chưa được nhận thức, chứ không có sự vật không thể nhận thức. Cái gọi là nhận thức là nhận thức vật chất và sự vận động của vật chất.
Mọi người tập trung tinh thần lắng nghe, Tiểu Trương nghe từ ngoài nhập tâm, giống như suy nghĩ hàm nghĩa trong đó.
“Công năng nhận thức chữ của Tiểu Trương thông qua hoạt động của đại não, đương nhiên thông qua mũi ngửi mới được, đây đều là hoạt động thực tiễn của con người. Thông qua sơ bộ thực tiễn thì có thể biết được tự nhiên, từ đó mà biết có hiện tượng đặc dị công năng, chỉ có điều chưa biết tính chất tự nhiên của nó, gọi là chưa biết rõ đạo lý. Do đó mới cần tiến hành nghiên cứu khoa học.” Diệp nguyên soái từ lý luận và thực tiễn mà tiến hành diễn thuật một cách ngắn gọn.
Diệp Kiếm Anh hứng chí dạt dào đàm luận, Trương Bảo Thắng và người chung quanh nghe và nhận thức. Nguyên soái nói tiếp : “Từ quá trình nhận thức chữ của Tiểu Trương mà thấy, mặt của anh hồng lên, có thể nhận ra là hao phí nhiều khí lực. Chỉ có điều anh không giống người bình thường. Cần sắp xếp tốt đời sống của anh, anh thích ăn món gì thì cho anh ăn món ấy…”
Tiểu Trương nghe tới đó, trực giác cảm thấy ấm áp toàn thân, khóe mắt có hơi ướt, cổ khô, muốn nói điều gì đó mà nói không ra.
Người có hai đại não
Sau khi Bảo Thắng đến Bắc Kinh Sư Phạm Học Viện, lập tức trở thành người rất bận rộn. Hôm nay trắc nghiệm, ngày mai biểu diễn, ngày mốt phối hợp nghiên cứu khoa học…Người phụ trách bố trí công tác cho anh chính là thầy Lâm Thư Hoàng, người yêu của thầy là cô Lưu Huệ Nghi chuyên phụ trách chăm lo sinh hoạt của anh. Cô Lưu giống như người mẹ, quan tâm việc sinh hoạt và ẩm thực của anh, từ đó hai người có quan hệ hữu nghị thâm hậu.
Cô giáo Lưu phát hiện anh thường không ngủ, ăn cơm không nhiều, bèn cảnh giác anh chú ý thân thể. Nhưng Trương Bảo Thắng luôn trả lời “Không sao”. Nhưng tâm lý của anh lại nghĩ : “Mình vì sao không giống như người thường theo giờ giấc mà ngủ, nhưng đồng thời cũng không cảm thấy mệt mõi ?” Anh tự hỏi, như thế lâu dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe cơ thể không, và tìm bác sĩ xin cả lọ thuốc an thần, có lúc ăn cơm xong uống vài chục viên, cách này tuy “ngủ” được nhưng khi tỉnh dậy cảm thấy khó chịu. Các bác sĩ biết thế, không cho anh nhiều thuốc nữa, và cảnh cáo anh : “anh làm như thế có thể làm hư gan phổi đó !”
Các đồng chí nghiên cứu đặc dị công năng tại một vài đơn vị ở Bắc Kinh, đối với hiện tượng không ngủ hoặc rất ít ngủ của Trương Bảo Thắng đều cảm thấy kỳ lạ : “vì sao mỗi ngày anh ta chỉ ngủ từ 1-2 giờ là đủ”, “ít ngủ và đặc dị công năng của anh ta có quan hệ gì không ?”. Họ đi tìm câu trả lời cho các vấn đề này.
Qua nhiều lần kiểm tra, một chuyên gia y học Quảng Châu nhiều uy tín phát biểu ý kiến : “Trương Bảo Thắng có khả năng có hai hệ thống đại não, những tình huống bình thường anh chỉ cần dùng một hệ thống đại não hoạt động là được. Như thế hai hệ thống luân phiên nghỉ ngơi, anh không cần phải ngủ. Tư liệu y học chỉ rõ ở một cá nhân, cái đầu có hai đại não là hiện tượng có tồn tại nhưng rất ít, có thể sống và hoạt động lại càng ít hơn nữa. Trương Bảo Thắng là trường hợp sống đến trưởng thành. Đặc dị công năng của anh rất có thể có quan hệ với hai hệ thống đại não”. Đối với giải thích này, không ai nói được bao nhiêu lý lẽ. Nhưng Trương Bảo Thắng tin là thật. Anh không còn tìm bác sĩ để xin thuốc an thần nữa. Ban ngày anh theo sắp xếp của tổ chức, đi tham gia trắc nghiệm, hội nghị, học tập, biểu diễn, xem bịnh, trị bịnh. Ngoài ra còn hội kiến với khách thuộc đủ mọi giới, đi dự tiệc. Cho đến tối vẫn còn những cuộc hẹn thù tạc với lãnh đạo, bằng hữu. Thường thường tới quá nửa đêm, có khi 2-3 giờ hoặc 4-5 giờ sáng mới về túc xá nghỉ ngơi. Không bao lâu, anh lại phải bận nấu cơm sáng, chiêu đãi khách, thực tế là bắt đầu một ngày công tác mới.
Nhiều người thấy anh không nghỉ ngơi, mà khí lực vẫn đầy đủ, không hiểu nổi, nói : “sao anh ta giống như người máy, không biết mệt mõi là gì ?”
Ý niệm di chuyển vật thể
Ở anh còn một hiện tượng đặc thù nữa khiến mọi người quan tâm : anh ăn rất ít, thích ăn thực vật thanh đạm. Nhưng khi anh phát công, năng lượng hiển thị rất lớn. Có một lần tại thị trấn Bổn Khê, anh làm cho 100 viên thuốc từ trong chai thủy tinh đậy nắp kín, từng viên kế tiếp từng viên xuyên qua vỏ chai ra ngoài mà không hề mở nắp chai, vỏ chai vẫn còn nguyên. Có người thử tính, quá trình này cần một năng lượng tương đương vài trăm kg thuốc nổ TNT giải phóng ra. Các viên thuốc tự bay ra ngoài mà không hề phá vỡ vỏ chai, vỏ chai không hề có chút tổn hại nào. Theo quan điểm của vật lý học hiện đại, thiết tưởng : viên thuốc phân rã thành trạng thái vi hạt nhỏ hơn nguyên tử, len lõi qua các nguyên tử pha lê (vì nguyên tử thật ra là trống rỗng) bay ra ngoài. Tuy vỏ chai bằng pha lê chỉ dày 2mm, nhưng lực thế lũy chướng ngại của nó lớn kinh người ! Căn cứ theo giả thiết này, Trương Bảo Thắng phải cần một năng lượng rất lớn chăng ?
Trong số công năng vận chuyển vật được liệt kê, Trương Bảo Thắng có hai kỷ lục :
Một là vận chuyển 50 kg đường trắng từ trong kho hàng ra ngoài. Hai là tại cơ quan Hải quan Bắc Kinh, di chuyển một bình nước nóng sử dụng điện, từ trên một xe hơi đang chạy, đi xa mười mấy km. Những hoạt động vận chuyển này, Bảo Thắng rốt cuộc phải hao phí bao nhiêu năng lượng ?
Trọng lượng của Trương Bảo Thắng chưa tới 50 kg, vậy trên người anh rốt cuộc tồn trữ bao nhiêu năng lượng ?
Sau khi anh đến Bắc Kinh Sư Phạm Học Viện, các giáo viên khoa vật lý hứng thú nhất với công năng di chuyển vật của anh. Họ thường suy nghĩ theo góc độ vật lý học quen thuộc, nay thấy dùng ý niệm di chuyển vật thì không hiểu nổi. Khi họ thăm dò từ lúc nào anh bắt đầu có loại đặc dị công năng này, bản thân anh cũng không nói được cái vốn dĩ là như vậy.
Anh chỉ nhớ lúc nhỏ có “di chuyển” kẹo, bánh ngọt, nhưng đó là hoàn toàn ngẫu nhiên, là sự việc xảy ra một cách bất tri bất giác.
Tại thị trấn Bổn Khê, sau khi phát sinh sự kiện “trộm đôi giày”, anh bị giam một khoảng thời gian. Anh bắt đầu suy nghĩ lại việc quá khứ của mình, anh cũng không làm rõ được : vì sao nghĩ muốn cái gì thì cái đó có thể bay lại ? có khi cầm trong tay tiền và vật, vô ý thì chúng bay đi. Trong cảm giác của anh, loại năng lực này, một mặt ứng xử như một loại năng lực không thể hoàn toàn khống chế được, có lúc ngẫu nhiên ý chí của anh có thể chi phối được.
Để nghiên cứu thăm dò khả năng dùng ý niệm di chuyển vật của Trương Bảo Thắng, các giáo viên khoa Vật lý của Học viện Sư phạm Bắc Kinh, tại phòng thực nghiệm, họ đã sử dụng tất cả các thiết bị có tại viện, và tất cả thủ pháp nào có thể, tiến hành trắc nghiệm toàn bộ quá trình di chuyển vật của anh.
Người của Lâm Thư Hoàng làm trắc nghiệm như sau : theo dõi bằng sóng điện từ. Để cho Bảo Thắng cầm trong tay một máy phát xạ cỡ nhỏ, một máy thu sóng có thể tùy lúc tiếp thu sóng và định vị tung tích của máy phát xạ. Lúc Bảo Thắng phát công dùng ý niệm di chuyển chiếc máy phát xạ đến một chỗ khác. Kỳ quái là khi máy phát xạ rời khỏi tay Bảo Thắng, khi nó đang di chuyển đến một chỗ khác thì nó “mất tích”, tức là công năng của anh làm cho vật thể tiến vào “trạng thái ẩn” không còn tung tích. Cũng giống như vậy, Bảo Thắng có thể từ cuộn giấy dán kín cảm nhận được chữ bằng mũi, nhưng tín hiệu chữ vận hành theo quỹ đạo nào để đến được não của anh thì mắt trần không thể thấy được. Ngay cả máy giám trắc sóng điện từ hiện hữu cũng không thể thấy. Các trắc nghiệm tương tự thế này, Bảo Thắng có thể tiến hành làm đi làm lại nhiều lần.
Các giáo viên trong nhóm Lâm Thư Hoàng cũng làm trắc nghiệm đặc dị chuyển vận (đột phá chướng ngại trong không gian) đối với Trương Bảo Thắng. Một hộp bánh kẹp xốp nhưn mứt đào Thượng Hải còn nguyên phong chưa mở (trọng lượng tịnh 180g bên trong chứa 22 miếng bánh kẹp, trên giấy niêm phong các cạnh hộp dùng bút ghi thêm tên và tiêu chí)
Một miếng bánh xốp (ảnh minh họa)
Trương Bảo Thắng lần thứ nhất dùng ý niệm lấy ra 6 miếng, các tiêu chí niêm phong hoàn toàn không bị tổn hại. Lần thứ hai anh dùng tay trái cầm hộp bánh xốp, tay phải cầm 4 bịch đường bao giấy kiếng (Thượng Hải sản xuất) hai tay vỗ vào nhau, trong chớp mắt các bịch đường bao giấy kiếng “biến mất” , gần như đồng thời trên tay trái của anh “xuất hiện” hai miếng bánh xốp. Lúc đó, anh nói ba bịch đường đã “vào” trong hộp, còn bịch thứ 4 thì di chuyển qua, nằm trên đầu cái tủ đứng lớn trong phòng. Tại hiện trường (có 3 người) kiểm tra hộp bánh tại chỗ, các tiêu chí niêm phong không hề bị tổn hại. Cân hộp bánh, thấy so với trước khi thực nghiệm, giảm 2,1 g, đồng thời tại hiện trường phát hiện trên đầu cái tủ đứng có một bịch đường. Sau đó dùng X quang chụp hình hộp bánh, trên phim phát hiện trong hộp bánh chỉ còn 14 miếng bánh xốp, nhưng lại có thêm 3 bịch đường. Trước và sau thực nghiệm đều có kiểm tra các tiêu chí niêm phong, sau thực nghiệm niêm phong hoàn toàn không bị tổn hại và hoàn toàn “là một”. Trọng lượng trước và sau thực nghiệm rõ ràng có thay đổi, lại dùng X quang kiểm tra để bảo toàn nguyên trạng của hộp, hộp bánh đến lúc này vẫn chưa được mở ra.
Trạng thái thứ sáu của vật chất
Không biết bởi vì đặc dị công năng của Trương Bảo Thắng là một vấn đề rất mới, hay là trình độ khoa học trước mắt chưa có phương pháp thuyết minh và giải quyết nan đề này, các giáo viên khoa vật lý của Học viện Sư phạm Bắc Kinh, kinh qua nhiều lần trắc nghiệm và quan sát, vẫn chưa có phương pháp lý luận và thực tiễn để thuyết minh công năng đặc đị của Trương Bảo Thắng, chỉ có thể như Lê Nin hồi 70 năm trước chỉ ra : “sự vật đã nhận thức được có thể đoán định được sự tồn tại của nó; sự vật không nhận thức được không thể phủ định khả năng tồn tại của nó. Sự tồn tại của sự vật không vì sự phủ định nhận thức của chúng ta mà thay đổi, sự phát triển tri thức, triết học và khoa học tự nhiên, mỗi giờ mỗi khắc đều chứng thực sự luận định này”. Nhiều lần trắc nghiệm và quan sát khiến họ đề xuất một giả thiết táo bạo : vật chất có tồn tại trạng thái thứ sáu. Cái gọi là trạng thái thứ sáu là trạng thái chưa được nhân loại nhận thức. Chúng ta biết rằng thế giới vật chất hiện tại tồn tại ở 5 loại trạng thái : thể rắn (cố thể, mắt trần của chúng ta thấy là vật) thể lỏng (như nước chẳng hạn), thể khí (như không khí), trạng thái ly tử (ion hóa hay còn gọi là plasma), siêu cố thể (phản vật chất ví dụ phản electron còn gọi là positron, phản hạt proton, phản hạt neutron). Hai trạng thái sau cùng mắt trần không thể thấy nhưng thông qua thiết bị khoa học thích hợp thì có thể thấy. Công năng đặc dị của Trương Bảo Thắng biến một cố thể vật chất ở thể rắn thành một trạng thái mà hiện tại khoa học kỹ thuật chưa có cách nào để theo dõi tung tích được, sau đó phục hồi nguyên trạng như cũ tức trở lại thể rắn giống như ban đầu. Trạng thái của vật chất ở quá trình trung gian này nhân loại chưa nhận thức, chưa nắm bắt được, tạm gọi là trạng thái thứ sáu của vật chất. Nói cách khác, vật chất nhất định tồn tại ở một trạng thái mà nhân loại hiện còn chưa nhận thức được, gọi là trạng thái thứ sáu.
Công năng đặc dị của Trương Bảo Thắng biến vật ở thể rắn thành trạng thái thứ sáu. Điều này cũng giống như nước ở thể lỏng, khi được làm lạnh ở 0 độ C thì biến thành băng ở thể rắn, nếu đun nóng ở 100 độ C thì biến thành hơi nước ở thể khí. Nhân tố quyết định vật ở thể nào là do nhiệt độ. Con người cũng đã biết, một số vật chất trong một điều kiện nhất định có thể thay đổi hình thái của mình, nhưng trong một điều kiện khác, có thể khôi phục hình thái nguyên lai của mình. Thế nhưng, vật thể đang ở hình thái chúng ta quen thuộc biến thành hình thái thứ sáu, và từ hình thái thứ sáu biến thành hình thái quen thuộc, cần những điều kiện gì và hình thái thứ sáu là như thế nào, thì hiện tại chúng ta chưa biết.
Con người mấy trăm năm trước cho rằng thuận phong nhĩ, thiên lý nhãn chỉ là huyễn tưởng, thế nhưng trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển hiện nay, con người có thể dựa vào điện thoại, truyền hình để thực hiện được những việc mà mấy trăm năm trước cho là thần thoại. Âm thanh thông qua dòng điện biến thành sóng điện từ, rồi thông qua máy điện thoại phục nguyên thành âm thanh như ban đầu. Cũng theo cùng một lý lẽ như vậy, theo đà phát triển mãnh liệt của khoa học kỹ thuật, đặc dị công năng của Trương Bảo Thắng trong tương lai có thể sẽ được khoa học lý giải và trả lời đầy đủ.
Các nhà khoa học Tây phương khi nói về hiện tượng đặc dị công năng, cũng từng chỉ ra rằng : “Lịch sử chứng minh rõ ràng, khoa học ngày mai có thể bao hàm rất nhiều kết quả làm kinh ngạc con người hiện tại. Lý luận của ngày mai có thể sẽ xiển dương một phần (không phải toàn bộ) các hiện tượng dị thường mà hôm nay hãy còn tranh luận.”