ĐIỀU GÌ CHỨNG TỎ SỐ LƯỢNG VẬT CHẤT LÀ ẢO KHÔNG PHẢI THẬT ?

Trước hết chúng ta hãy đọc câu chuyện dân gian về cái nồi Thạch Sanh.

Ngày xưa có hai vợ chồng bác tiều phu già mà chưa có con. Hai vợ chồng lo làm điều thiện, và cầu xin Trời Phật cho một người con. Năm sau, người vợ có thai, sinh ra một bé trai kháu khỉnh khỏe mạnh, hai người đặt tên cho đứa bé là Thạch Sanh.

Chẳng may khi Thạch Sanh được 12 tuổi thì cha mẹ đều qua đời. Thạch Sanh sống một mình hẩm hiu nơi ven rừng. Ngày ngày Thạch Sanh đốn củi và săn thú đem ra chợ bán để đổii thức ăn. Đáng lẽ Thạch Sanh được nhiều tiền, nhưng vì tính chàng tốt bụng nên hay giúp đỡ người già cả nghèo khổ vì vậy chàng sống nghèo khó, đạm bạc. Khi lớn lên Thạch Sanh trở thành chàng trai lực lưỡng, vẫn sống nơi ven rừng, trong căn chòi, dưới gốc đa cổ thụ. Gia tài quý nhất của Thạch Sanh là một cái búa to và một bộ cung tên rất tốt.

Thạch Sanh có một người bạn tên là Lý Thông. Lý Thông là một thương nhân ở làng bên với một người mẹ già. Thỉnh thoảng gánh hàng đi bán ngang nhà Thạch Sanh, Lý Thông ghé lại chơi, uống chung nước trà, khề khà dăm ba câu chuyện. Lý Thông tính tình rất gian xảo, hay lường gạt, nhưng bên ngoài đối xử thân thiện với Thạch Sanh. Đôi khi Lý Thông mời Thạch Sanh qua nhà mình chơi, ăn cơm và ngủ qua đêm. Thạch Sanh cũng quý mến mẹ Lý Thông

Nơi làng Lý Thông ở có một con chằn tinh rất hung dữ. Nhà vua đã nhiều lần sai quân lính tới giết nó nhưng không sao giết nổi. Nhà vua đành phải xây cho nó một cái miếu thờ và mỗi năm phải hứa cúng một người để nó ăn thịt. Được như vậy chằn tinh mới không phá phách và để yên cho dân chúng làm ăn. Mỗi năm, dân làng bốc thăm, ai trúng thăm thì bị làm mồi cho chằn tinh ăn thịt. Nhà vua hứa ai giết được chằn tinh sẽ ban thưởng.

Rủi cho Lý Thông, năm nay anh ta bị rút thăm trúng làm người đem cúng cho chằn tinh ăn thịt. Biết Thạch Sanh là người thật thà lại ở ven rừng không biết nhiều tin tức, Lý Thông nghĩ cách gạt người em kết nghĩa của mình.

Một hôm vào ngày rằm trăng tỏ, Lý Thông mời Thạch Sanh về nhà mình chơi. Sau khi ăn cơm tối xong, Lý Thông nói với Thạch Sanh:

– Tối nay đến phiên anh phải canh gác miếu chằn tinh nhưng mẹ anh lại không khoẻ trong người, anh nhờ chú đi thế giùm được không?

 Vì thương mến mẹ con Lý Thông, Thạch Sanh sẵn sàng đi thế. Trăng sáng, Thạch Sanh xách búa, mang trái cây vào miếu chằn tinh để cúng thì nghe một tiếng gầm kinh hồn. Một luồng gió hôi tanh thổi lên, cây cối ngã rào rạo. Thạch Sanh bỗng trông thấy một con chằn tinh to lớn, lông lá, răng nanh trông rất hung dữ tấn công chàng định ăn thịt. Thạch Sanh vội giơ búa lên chém. Dưới ánh trăng Thạch Sanh chiến đấu với chằn tinh liên tiếp 2 giờ.

Cuối cùng Thạch Sanh chiến thắng, giết được chằn tinh. Thạch Sanh cắt đầu chằn tinh vác về nhà Lý Thông. Lý Thông và mẹ nghe tiếng Thạch Sanh kêu cửa sợ quá tưởng Thạch Sanh đã bị ăn thịt, giờ làm ma hiện về. Lý Thông và mẹ quỳ xuống vái rằng:

– Xin chú hãy tha tội cho tôi. Mẹ con tôi hứa sẽ làm lễ cầu siêu và mỗi năm cúng giỗ cho chú.

Thạch Sanh nghe vậy, biết là Lý Thông gạt mình. Nhưng vốn tốt bụng, Thạch Sanh không giận, nói:

– Em vẫn còn sống đây mà. Chằn tinh đã bị em giết chết đem đầu về đây, anh mở cửa ra mà xem.

Lý Thông thấy Thạch Sanh không có vẻ giận, hé cửa xem rồi mở cửa cho Thạch Sanh vào. Nhìn thấy cái đầu chằn tinh quá lớn và ghê gớm mẹ con Lý Thông té xỉu. Qua cơn hoảng sợ, Lý Thông nghĩ ngay ra được cách gạt Thạch Sanh. Anh ta làm ra vẻ sợ hãi, lo lắng:

– Con chằn tinh này là của vua nuôi, sao chú dám giết nó. Chú có tội to lắm rồi, phải trốn ngay đi. Để tôi lo dọn cái đầu cho.

Thạch Sanh tưởng thật, trở về rừng, ở trong căn lều của mình. Còn Lý Thông lên kinh đô báo tin cho vua biết chính mình đã giết được chằn tinh. Nhà vua mừng rỡ, cho lính về làng mang đầu chằn tinh lên kinh đô. Phải cần đến 4 người lính mới khiêng nổi cái đầu chằn tinh. Vua ban thưởng cho mẹ con Lý Thông nhiều vàng bạc và phong cho hắn chức Lãnh binh, chuyên huấn luyện lính trong cung vua.

Nhà vua có một cô con gái đã lớn, rất đẹp tên là Thúy Hoa. Vua cũng đang tìm phò mã cho con. Một hôm công chúa đi dạo vườn hoa, bỗng có con Ðại bàng tinh sà xuống cắp công chúa bay đi. Tình cờ đại bàng bay ngang trên cây đa có căn lều của Thạch Sanh. Nghe tiếng công chúa kêu cứu, Thạch Sanh nhìn lên. Thấy đại bàng bắt người, Thạch Sanh chạy theo giương cung bắn một phát trúng ngay vào cánh. Đại bàng trúng tên đau lắm nhưng tiếp tục bay đi. Thạch Sanh chạy theo một đỗi thì thấy đại bàng bay về hướng núi, phía có 1 cái hang động. Thấy không làm gì được, Thạch Sanh nhớ hướng chim bay rồi trở về nhà

Khi nghe tin công chúa bị yêu quái cắp đi mất tích nhà vua đau lòng xót ruột, truyền cho Lý Thông đi tìm, hứa tìm được sẽ gả công chúa cho. Lý Thông vừa mừng vừa lo. Lý Thông lo vì mình bất tài khó tìm được công chúa. Cuối cùng Lý Thông nhớ tới Thạch Sanh bèn mang quân đi tìm Thạch Sanh và kể chuyện công chúa bị Ðại bàng tinh bắt mất cho Thạch Sanh nghe. Thạch Sanh thật thà mà kể lại về việc bắn trúng cánh chim. Lý Thông mừng lắm, lập tức nhờ Thạch Sanh dẫn đường, mang lính đến nơi sào huyệt của yêu quái. Thạch Sanh tình nguyện xuống hang tìm công chúa.

Lý Thông sai quân cột dây rồi thòng cho Thạch Sanh xuống hang. Thạch Sanh mang theo cái búa xuống tới đáy hang, dò tìm theo dấu máu khô tới một căn phòng Thạch Sanh trông thấy một cô gái đang ngồi chụm nồi thuốc vừa khóc thút thít. Đoán chừng là công chúa Thúy Hoa, Thạch Sanh kêu nhỏ:

Xin công chúa đừng sợ. Tôi là Thạch Sanh được lịnh vua đi tìm công chúa đây.

Công chúa cho Thạch Sanh biết Đại Bàng có tài biến hóa thành người và rất hung dữ. Nó bị mũi tên của Thạch Sanh bắn trúng, bị thương nặng, hiện thành một người đàn ông đang nằm trong phòng. Công chúa phải nấu thuốc cho nó uống.

Thạch Sanh kêu công chúa giả bộ bưng thuốc vào cho nó uống. Còn chàng nhẹ nhàng theo sau. Khi cửa phòng Ðại bàng tinh mở ra, Thạch Sanh xông vào trước chém Ðại bàng tinh. Ðại bàng tinh rất khỏe, nhưng vì bị thương nên không thể địch lại Thạch Sanh. Đánh nhau một lúc, Ðại bàng tinh bị Thạch Sanh chém chết, hiện nguyên hình là một con chim đại bàng to lớn dị thường.

Công chúa mừng rỡ cám ơn Thạch Sanh. Thạch Sanh dẫn công chúa trở ra, chỉ cách đứng lên dây, rồi ra dấu cho Lý Thông kéo lên. Công chúa Thúy Hoa nhìn Thạch Sanh lưu luyến muốn Thạch Sanh cùng đi, nhưng Thạch Sanh từ chối viện cớ là dây nhỏ chỉ mang đủ một người, xin công chúa lên trước rồi mình sẽ lên sau.

Không ngờ Lý Thông thấy đã cứu được công chúa bèn thu dây lại, không thả xuống cho Thạch Sanh lên nữa. Lý Thông lại sai lính khiêng đá to lấp cửa hang luôn. Lý Thông muốn giết chết Thạch Sanh để chiếm công cứu công chúa. Công chúa thấy Lý Thông tàn ác nên sợ quá, trở thành câm không nói ra tiếng được.

Thạch Sanh chờ mãi không thấy Lý Thông thả dây xuống mà chỉ nghe tiếng ầm ầm rồi thấy đá đổ xuống lấp cửa hang. Thạch Sanh không hiểu chuyện gì xảy ra, chàng buồn rầu đi sâu vào trong hang dò dẫm tìm lối ra.

Bổng Thạch Sanh nghe tiếng khóc của con gái. Chàng theo tiếng khóc đi đến một căn phòng nhỏ thì thấy 2 cô gái đang bị Ðại bàng tinh nhốt trong phòng. Thạch Sanh phá cửa phòng giam cứu 2 cô gái. Thì ra đây là 2 cô Công chúa con của vua Thủy Tề dưới biển Đông, bị đại bàng tinh bắt giam từ mấy tháng nay. Hai công chúa có thể bơi lội dưới nước như những nàng tiên cá hay lên bờ đi bộ như người thường. Vì cửa động đã bị lấp, 2 nàng dẫn Thạch Sanh đi vào trong, đến 1 cái hồ nhỏ ăn thông ra biển Đông. Hai nàng bơi trước, giúp Thạch Sanh bơi theo dưới nước mà không bị trở ngại.

Thach Sanh-2cong chua

Thạch Sanh bơi theo hai nàng công chúa đến thủy cung

Về đến thủy cung, 2 nàng công chúa tâu với vua Thủy Tề về việc được Thạch Sanh cứu giúp. Vua giữ Thạch Sanh ở lại chơi hai tuần để cám ơn. Khi chàng ra về vua Thủy Tề tặng Thạch Sanh một cây đàn và 1 cái nồi nhỏ, bảo rằng khi gặp nguy cấp có thể lấy ra dùng, nó sẽ giúp chàng qua cơn khốn khó. Sau đó 2 nàng công chúa lại đưa Thạch Sanh về lại mặt đất, chàng lại sống trong căn chòi nhỏ như xưa.

Nói về Lý Thông, sau khi cứu công chúa Thúy Hoa về được vua khen thưởng, nhưng vua chưa thể gả công chúa cho Lý Thông vì công chúa bị câm, suốt ngày buồn rầu. Lý Thông cũng hiểu rằng công chúa còn nhớ Thạch Sanh là ân nhân đã cứu mình nên vẫn để tâm theo dõi. Ít lâu sau, Lý Thông nghe tin Thạch Sanh đã trở về sống trong căn chòi cũ. Lý Thông cho lính đến vu cáo là Thạch Sanh ăn cắp, rồi bắt giam Thạch Sanh trong ngục lớn trong triều đình, chờ ngày hại Thạch Sanh.

Thạch Sanh bị bắt giam vô cớ, chưa rõ nguyên nhân. Một hôm thấy buồn, Thạch Sanh lấy cây đàn của vua Thủy Tề ra đàn chơi giải sầu. Cây đàn có tiếng kêu bình thường, bổng nhiên từ từ kêu lớn dần và ra thành lời ca:

” Đàn kêu tích tịch tình tang,

Ai đem công chúa lên thang mà về…”

Công chúa đang ngồi buồn rầu bổng nghe tiếng đàn thần, nàng ú ớ rồi nói ra thành tiếng. Công chúa đến gặp vua cha, quỳ tâu rõ nàng được cứu ra khỏi hang như thế nào, và nàng kể rõ Lý Thông đã gian ác, truyền lắp cửa hang rồi cướp công của Thạch Sanh như thế nào. Nàng cũng xin vua cho mời người đánh đàn.

Sau khi vua truyền Thạch Sanh đến gặp vua và công chúa, nhà vua biết rõ mọi sự cũng như sự gian ác của Lý Thông. Vua nổi giận cho bắt Lý Thông cùng bà mẹ đến. Cả 2 quỳ xuống chịu tội. Vua muốn xử chém đầu nhưng Thạch Sanh xin vua tha cho họ vì họ là bạn của Thạch Sanh. Vua đuổi cả 2 người về lại làm dân. Trên đường dẫn nhau về quê cũ, hai mẹ con Lý Thông đã bị Trời đánh chết.

Về phần Thạch Sanh, chàng được vua gả công chúa Thúy Hoa và phong cho chàng làm chức Lãnh binh coi sóc binh lính phòng vệ triều đình.

Ít năm sau, có giặc nước ngoài xâm lấn, vua sai Thạch Sanh ra đánh giặc, nhưng vì giặc quá đông, quân đội Thạch Sanh bị vây trong một vùng núi, không có đủ lương thực. Thạch Sanh vẫn bình tĩnh tổ chức phòng thủ đề phòng địch tấn công. Thạch Sanh nhớ lời dặn của vua Thủy Tề, đem cái nồi vua Thủy Tề tặng ra nấu cơm. Lạ thay, nồi cơm tuy nhỏ, nhưng cơm được múc ra nồi vẫn còn đầy, không bao giờ hết. Nhờ thế lính của chàng được no bụng, nhờ vậy giữ vững chiến tuyến.

Với trí thông mình, lòng kiên nhẫn và sức mạnh vô địch, Thạch Sanh tổ chức phản công và từ từ chiến thắng quân giặc. Thạch Sanh kéo quân chiến thắng trở về.

Sau đó vua cha đến tuổi già nên nhường ngôi vua lại cho Thạch Sanh. Thạch Sanh cùng công chúa Thúy Hoa chăm sóc dân và việc nước rất chu đáo, nhân hậu. Mọi người trong nước sống trong cảnh thái bình, yên vui.

Qua câu chuyện này, ta thấy cái nồi Thạch Sanh có công năng kỳ đặc là cơm trong đó bao nhiêu người ăn vẫn không hết, có nghĩa số lượng cơm trong nồi là vô tận, số lượng cơm chỉ là ảo nhưng người ăn vẫn no và tiêu hóa tốt như thường.

Truyền thuyết dân gian mà nhà văn Dương Sóc kể trong bài tản văn Lá Đỏ Hương Sơn cũng có nói tới cái máng đá tụ bảo có thể nhân bản vô lượng vật gì được đặt trong đó. Xin nghe bằng âm thanh.

Lá Đỏ Hương Sơn – Dương Sóc

Câu chuyện thứ hai, xin trích ra từ Kinh Thánh. Kinh điển Thiên Chúa giáo có đề cập chuyện Giêsu chia bánh và cá. Trong một buổi giảng đạo bên hồ Galilee (phía bắc Israel hiện nay). Hồ này Kinh Thánh Tân Ước gọi là Galilee còn có tên là Tiberias, còn Kinh Cựu Ước gọi là Kineret. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Israel, dài 21km, rộng 13km, tổng diện tích 166km2 nơi sâu nhất 43m. Nguồn cung cấp nước chính là sông Jordan và các suối ngầm trong lòng đất.

Ho Kineret

Hồ Galilee (Kineret)

Một trong các bài giảng nổi tiếng của Chúa Giêsu là Bài giảng trên núi, diễn ra trên một ngọn đồi trông xuống hồ. Nhiều phép lạ của Chúa Giêsu cũng diễn ra tại đây, trong đó có việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước hồ và dẹp yên bão tố và việc biến 5 cái bánh và 2 con cá thành vô số lượng có thừa cho  5.000 đàn ông ăn no, chưa kể đàn bà và trẻ con. Câu chuyện như sau :

Bối cảnh khi ấy là Chúa Giêsu nghe tin Gioan Baotixita (thánh Gioan Theo Tân Ước, Gioan là người sống du mục và khổ hạnh, mặc áo lông thú, ăn châu chấu và uống mật ong. Gioan đã lôi cuốn được một số lượng lớn môn đệ nhằm tiên báo cho sứ mạng hoạt động của Chúa Giêsu, ông  đã thực hiện nghi thức thanh tẩy (rửa tội) cho Giêsu tại sông Jordan, bằng hình thức dìm toàn thân vào nước. Ngoài ra, Phúc Âm Luca còn nói thêm chi tiết rằng: Gioan là anh em bà con với Giêsu vì mẹ ông – bà Elizabeth- là chị họ của Maria, mẹ Giêsu.) đã bị trảm quyết, ngài tạm lánh bằng thuyền đến một nơi vắng vẻ gần Bethsaida nhưng đám đông vẫn đi bộ theo sau ngài. Khi Giêsu vào bờ thì thấy cả một đám đông lớn đang chờ sẵn, ngài chạnh lòng thương họ và chữa lành bệnh cho họ. Trời sắp tối, các môn đệ đến nói với ngài rằng: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”.

Ngài trả lời: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”. Các môn đệ đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm ổ bánh mì và hai con cá!” (do một đứa trẻ mang tới). Ngài bảo: “Đem lại đây cho Thầy!”

Sau đó, ngài truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ rồi ngài cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

Câu chuyện thứ ba, xin trích từ Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, chương 10, Phẩm Hương Tích Phật.

Bấy giờ, Xá Lợi Phất nghĩ rằng:

– Sắp đến giờ ăn. Các Bồ Tát sẽ thọ thực ở đâu? Duy Ma Cật biết ý, nên nói rằng:

– Phật thuyết bát giải thoát. Nhơn giả đã thọ hành. Há có xen cái tâm muốn ăn mà nghe pháp ư! Nếu muốn ăn, hãy đợi giây lát, tôi sẽ cho ông được bữa ăn chưa từng có. Duy Ma Cật liền nhập chánh định. Dùng sức thần thông thị hiện cho đại chúng thấy cõi phương trên, cách bốn mươi hai hằng sa quốc độ, có Phật Hương Tích hiện ở cõi Chúng Hương. Mùi hương cõi ấy bậc nhất, siêu việt mùi hương trời người của các cõi Phật mười phương. Cõi ấy chẳng có tên gọi nhị thừa. Chỉ có chúng đại Bồ Tát trong sạch, đang nghe Phật thuyết pháp. Sự vật trong đó, tất cả đều dùng hương làm thành. Lầu các, vườn tược cho đến đất kinh hành đều có mùi hương. Mùi hương của cơm lan tràn khắp mười phương thế giới. Lúc ấy, Phật cùng các Bồ Tát đang ngồi ăn. Có các thiên tử cùng một danh hiệu gọi là Hương Nghiêm, đều phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, cúng dường Phật và các Bồ Tát. Ðại chúng nơi cõi này đều thấy rõ cả.

Duy Ma Cật hỏi các Bồ Tát rằng:

– Các nhơn giả! Vị nào có thể đến thỉnh cơm của Ðức Phật ấy? Do nể sức oai thần của Văn Thù, nên cả chúng đều im lặng.

Duy Ma Cật nói:

– Này các nhơn giả! Chẳng tự hổ thẹn sao?

Văn Thù nói:

– Như lời Phật dạy, chớ khinh sơ học.

Khi đó, Duy Ma Cật chẳng rời chỗ ngồi. Trước mặt đại chúng hóa ra vị Bồ Tát tướng tốt rực rỡ, oai đức thù thắng hơn cả chúng trong hội, mà bảo rằng:

– Ông hãy đến cõi Phật Chúng Hương, bạch như lời tôi đây:

“Duy Ma Cật đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, và vô cùng cung kính tỏ lời hỏi thăm sự ăn ở hằng ngày, ít bệnh, ít phiền não, khỏe mạnh chăng? Mong được cơm thừa của Phật, đem về cõi Ta Bà bố thí làm Phật sự. Khiến kẻ ưa pháp tiểu thừa được vào đại thừa. Cũng khiến cho tiếng tăm của Như Lai ai cũng được nghe.”

Khi ấy, đại chúng trong hội đều thấy hóa thân Bồ Tát bay lên phương trên, đến cõi Chúng Hương đảnh lễ chân Phật và lặp lại lời Duy Ma Cật như trên. Các đại sĩ cõi ấy thấy hóa thân Bồ Tát, tán thán việc chưa từng có, liền hỏi Phật:

– Thượng nhơn này từ đâu đến? Cõi Ta Bà ở chỗ nào? Thế nào gọi là kẻ ưa pháp tiểu thừa?

Phật bảo:

– Nơi phương dưới cách bốn mươi hai hằng sa cõi Phật, có thế giới Ta Bà là ngũ trược ác thế. Hiện có Phật Thích Ca, đang vì những chúng sanh ưa pháp tiểu thừa, diễn giảng Phật pháp. Ở đó, có vị Bồ Tát tên là Duy Ma Cật, trụ nơi giải thoát bất khả tư nghì. Vì thuyết pháp cho các Bồ Tát, nên sai hóa thân đến khen ngợi danh hiệu ta, và tán thán quốc độ này, khiến các Bồ Tát ấy tăng thêm công đức.

Các Bồ Tát hỏi:

– Vị đó như thế nào, sao có sức công đức vô úy hóa ra Bồ Tát thần túc như thế?

Phật bảo:

– Thần lực của Duy Ma Cật rất lớn. Thường sai hóa thân đến khắp cõi mười phương bố thí làm Phật sự để lợi ích chúng sanh.

Tức thì Hương Tích Như Lai dùng bát Chúng Hương đựng đầy cơm hương trao cho hóa thân Bồ Tát.

Khi ấy, chín triệu Bồ Tát kia đều nói:

– Chúng con muốn đến cõi Ta Bà cúng dường Phật Thích Ca và muốn gặp Duy Ma Cật với các Bồ Tát cõi ấy.

Phật bảo:

– Ðược thôi! Nhưng phải thu nhiếp mùi hương của các ngươi. Chớ khiến chúng sanh cõi kia khởi lòng mê đắm. Lại nữa, hãy bỏ hình dạng của các ngươi. Chớ khiến những người cầu Bồ Tát thừa cõi kia sanh lòng hổ thẹn. Và các ngươi đối với cõi ấy chớ khởi tâm khinh chê mà tự chướng ngại. Tại sao? Mười phương quốc độ đều như hư không. Chư Phật vì muốn hóa độ những kẻ ưa pháp tiểu thừa, nên chẳng hiện cõi thanh tịnh ấy thôi.

Khi hóa thân Bồ Tát thọ lãnh bát cơm xong, cùng với chín triệu Bồ Tát thừa oai thần Phật và thần lực của Duy Ma Cật, ở nơi cõi ấy bỗng nhiên biến mất, tức khắc đến nhà Duy Ma Cật. Lúc đó, Duy Ma Cật liền hóa ra chín triệu tòa sư tử tốt đẹp như trước, các Bồ Tát đều an tọa.

Hóa thân Bồ Tát đưa bát cơm hương cho Duy Ma Cật. Mùi hương của cơm tỏa khắp thành Tỳ Da Ly (Tỳ Xá Ly- Vaishali) và đại thiên thế giới. Các Bà La Môn và cư sĩ trong thành Tỳ Da Ly ngửi được mùi hương, thân tâm khoan khoái, tán thán việc chưa từng có.

India Vaishali copy

Tỳ Da Ly (Tỳ Xá Ly- Vaishali) ngày nay thuộc quận Patna, thành phố Patna cũng là thủ phủ bang Bihar, Ấn Độ. Tỳ Xá Ly là nơi diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai khoảng 100 năm sau ngày Phật nhập Niết bàn.

Trưởng giả Nguyệt Cái cùng với tám mươi bốn ngàn người đến nhà Duy Ma Cật, thấy trong phòng đông đảo các Bồ Tát và những tòa sư tử cao rộng trang nghiêm, đều rất vui mừng, đảnh lễ các Bồ Tát và đại đệ tử rồi đứng qua một bên.

Các địa thần, hư không thần và chư thiên cõi dục giới, sắc giới ngửi được mùi hương cũng đều đến nhà Duy Ma Cật.

Bấy giờ, Duy Ma Cật bảo Xá Lợi Phất và các vị đại Thanh Văn rằng:

– Các nhơn giả cứ tùy ý dùng cơm cam lồ của Như Lai, vì cơm nầy do đại bi sở huân, nếu có ý hạn lượng mà ăn thì chẳng thể tiêu.

Có hàng Thanh Văn lại nghĩ rằng:

– Cơm này ít thế làm sao đủ cho đại chúng ăn?

Hóa thân Bồ Tát rằng:

– Chớ dùng tiểu đức, tiểu trí của Thanh Văn mà đo lường vô lượng phước huệ của Như Lai. Nước bốn biển có thể hết, chứ cơm này thì vô tận. Dẫu cho tất cả mọi người đều ăn từng nắm cơm to bằng núi Tu Di, ăn mãi cho đến một kiếp cũng chẳng thể hết. Tại sao? Vì cơm dư của Người đầy đủ các công đức như vô tận giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến v.v… thì ăn mãi cũng không thể hết được.

Vì thế, một bát cơm cho tất cả chúng trong hội ăn đều no đủ, mà cơm vẫn còn dư. Các Bồ Tát, Thanh Văn, Trời người ăn cơm này rồi, thân thể an vui giống như các Bồ Tát ở cõi Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm, và từ lỗ chân lông phát ra mùi hương cũng như cây hương của cõi Phật Chúng Hương vậy.

Qua ba câu chuyện kể trên, chúng ta thấy rằng số lượng vật chất không phải là bất biến, nó có thể biến từ ít thành nhiều không có giới hạn. Truyện kể dân gian, Kinh điển Thiên Chúa Giáo và Kinh điển Phật giáo đều có đề cập. Chúng ta hãy xem thêm câu chuyện thứ tư xảy ra trong thời hiện đại, thể hiện số lượng chỉ là tâm niệm.

Năm 1987, Hầu Hi Quý thong dong đi về nam, đã gần tới tết, ông muốn về nhà ăn tết. Xe lửa chạy rầm rầm. Hầu Hi Quý vốn tính hiếu động, lại hiềm vì toa xe chật hẹp, nên ông muốn làm một trò biến hóa chơi, vì vậy ông tìm người đồng hành về nam là Tiểu Long nói chuyện cho vui.

“Tiểu Long, anh nhìn người phụ nữ đang ngủ ở giường giữa đằng kia kìa, hai bàn chân thò ra ngoài cái chăn có thấy không ?” Tiểu Long nhìn theo ánh mắt của Hầu Hi Quý, quả nhiên thấy hai bàn chân mập ú, do vậy anh ta cười, biểu thị là đã thấy.

“Anh đi đếm ngón chân của bà ta xem.” Hầu Hi Quý cười hề hề nói một cách thần bí, “đếm cho chính xác nhé, để coi anh có bản lĩnh không.”

Tiểu Long cảm thấy việc khôi hài buồn cười, mình là người lớn đang sống, có thể nào không đếm được người ta có bao nhiêu ngón chân ? “Này, sư phụ, tôi không phải là đứa trẻ ba tuổi, làm sao mà không đếm được rõ người ta có bao nhiêu ngón chân ?”

“Trước hết đừng có ba hoa, hãy đi đếm đi !”

“Đếm thì đếm, tôi không tin sẽ đếm sai.”

Tiểu Long miễn cưỡng từ giường trên trèo xuống, đi đến phía trước đôi chân, đưa tay đếm bàn chân phải, mỗi ngón ghi nhớ trong đầu. “Một, hai, ba, bốn, năm !” Sau đó ngẩng đầu nói với Hầu Hi Quý, “5 ngón chân không thừa không thiếu !”

“Thật không, là 5 hả ?” Hầu Hi Quý cười ha ha, nói “Đếm sai rồi, không tin anh đếm lại xem !”

“Tiểu Long cảm thấy kỳ lạ, không phải 5 ngón chân sao, có thể đếm sai chăng ? Thế là anh ta đếm lại từng ngón chân của người phụ nữ, phát hiện bà ta có thêm một ngón chân, không phải 5 ngón mà là 6 ngón ! Quả nhiên là đếm sai, bên cạnh ngón cái có thêm ngón nữa là ngón thứ 6. Thấy quỷ sống rồi, Tiểu Long cảm thấy quái dị, đếm lần thứ nhất tại sao không thấy nhỉ ? Anh bèn có ý đếm lại lần nữa, rõ ràng lại là 5 ngón. Không thể, vạn lần không thể phát sinh sự hồ đồ như thế được, lại muốn đếm lại cho rõ. Vì vậy đếm lại, lại là 6 ngón…

Tiểu Long còn đang chuyên chú đếm ngón chân, sớm làm kinh động mấy vị hành khách ở giường trên và giường dưới, mọi người đều cảm thấy kỳ lạ hi hữu, cũng tham gia đếm. Chỉ có chủ nhân của bàn chân, người phụ nữ vẫn ngủ say hoàn toàn không hay biết. Đôi bàn chân của bà làm kinh động mấy vị nam tử hán đại trượng phu : bà ta càng không biết rằng, các ngón chân của bà lại có thể biến hóa khôn lường, cuối cùng không hiểu tại sao lại có thể rơi vào “vòng công phu” của Hầu Hi Quý.

Chỉ có Hầu Hi Quý là hài lòng tự đắc, ông lấy làm vui, người khác cũng vui, nếu không thì bầu không khí trong chuyến lữ hành lại trầm lắng như thế nào ấy !

Nhưng thường chúng ta hay có khuynh hướng cho rằng những nguồn tư liệu đó không có giá trị mấy về mặt khoa học. Vậy thì hãy đến các thí nghiệm khoa học xem thế nào. Xem bản tin Vật lý tháng 11-2012.

Những xung ánh sáng gồm khoảng 100.000 photon vướng víu đã được tạo ra bởi các nhà vật lí ở Đức và Nga. Những xung ánh sáng đó được tạo ra trong một trạng thái “chân không nén” và đội nghiên cứu tìm thấy sự vướng víu trở nên mạnh hơn khi số lượng photon có trong xung tăng lên. Những xung sáng như vậy có thể ứng dụng trong những công nghệ như mật mã học lượng tử hoặc đo lường học. Sự vướng víu là một hiệu ứng lượng tử cho phép các hạt như photon có mối liên hệ chặt chẽ hơn so với vật lí cổ điển tiên đoán. Chẳng hạn, người ta có thể tạo ra hai photon trên thực nghiệm, sao cho nếu một hạt được đo là bị phân cực theo phương thẳng đứng, thì phép đo trên hạt kia sẽ cho trạng thái phân cực giống như vậy. Hiệu ứng này xảy ra bất chấp thực tế là một phép đo trên một photon đơn độc sẽ cho biết một giá trị ngẫu nhiên của sự phân cực. Trong khi một mối tương quan như thế có thể xảy ra trong thế giới phi lượng tử, nhưng cơ học lượng tử củng cố nó vượt ngoài cái được trông đợi từ vật lí cổ điển. Sự không tương thích này giữa thế giới lượng tử và thế giới cổ điển đã được mô tả súc tích bởi nhà vật lí người Bắc Ireland John Bell vào năm 1964 và đã được xác nhận bởi một loạt thí nghiệm thực hiện hồi thập niên 1970 và 1980, và gần đây hơn là của Nicolas Gisin năm 2008. Nay Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow vừa tạo ra những trạng thái lượng tử chứa tới 100.000 photon, và tất cả chúng đều bị vướng víu với nhau.

Maria Chekhova copy

Maria Vladimirovna Chekhova, Tiến sĩ Khoa học Đại học Moscow

Thí nghiệm của đội khoa học bắt đầu với việc chiếu một xung laser vào một bộ tách chùm tia phân cực, tạo ra hai xung với sự phân cực khác nhau. Hai xung này được chiếu vào hai tinh thể phi tuyến và “bơm” hai tinh thể đó. Nhờ bản chất phi tuyến của hai tinh thể, một photon trong một xung bơm có thể phân hủy thành một cặp photon vướng víu có sự phân cực giống nhau – nhưng có năng lượng khác nhau (A và B). Một photon thuộc vùng hồng ngoại và photon kia thuộc vùng nhìn thấy của phổ điện từ. Sự phân hủy ban đầu trong tinh thể sẽ xảy ra tự phát và khi cặp photon thứ nhất truyền qua tinh thể nó sẽ kích thích sự phát xạ của những cặp photon kia. Hiệu ứng thác lở (torrent) sẽ tạo ra một xung photon và toàn bộ bị vướng víu trong cái gọi là một trạng thái “chân không nén”. Xung sáng bị nén bởi vì số lượng photon có trong xung A và B có tương quan chính xác hơn ở những xung laser tiêu biểu có năng lượng bằng nhau. Phần chân không của tên gọi có xuất xứ từ thực tế là xung sáng bắt đầu tự phát với không có photon nào –trạng thái chân không. Những xung photon vướng víu từ mỗi tinh thể sau đó được kết hợp lại trong một bộ tách chùm tia phân cực thứ hai để tạo ra một xung đơn không phân cực. Xung này được xử lí bằng một “bản lưỡng sắc”, làm hướng phân cực của các photon thuộc một năng lượng nào đó – ví dụ A – quay 90 độ so với hướng phân cực của những photon có năng lượng B. Kết quả là một xung vướng víu là một “trạng thái Bell đơn vĩ mô” – nếu hướng phân cực của photon A đo được là thẳng đứng, thì hướng phân cực của photon B sẽ là nằm ngang và ngược lại. Tính chất này của sự tương quan phân cực đúng cho bất kì sự chọn lựa trạng thái phân cực nào: nếu photon A bị phân cực tròn phải, chẳng hạn, thì photon B bị phân cực tròn trái, vân vân. Thách thức tiếp theo đối với đội nghiên cứu là làm thế nào chứng minh rằng các photon đó thật sự bị vướng víu. Yêu cầu này được thực hiện bằng cách cho xung sáng đi qua một tách chùm tia phân cực cuối cùng, gửi những photon có hướng phân cực ngang về phía một máy dò và những photon có hướng phân cực thẳng đứng về một máy dò thứ hai. Tổng số photon trong mỗi xung được đếm bởi máy dò và mức độ vướng víu của một xung có thể được xác định bằng cách khảo sát sự tương quan giữa các tín hiệu ở hai máy dò. Đội đã không thể kiểm tra sự vướng víu trên bằng cách sử dụng bất đẳng thức Bell bởi vì bất đẳng thức Bell thông thường chỉ có giá trị đối với những cặp photon và không có khả năng áp dụng trong trường hợp này. Sự sai lệch từ một bất đẳng thức Bell vĩ mô vẫn còn là một thách thức. Tuy nhiên, đội nghiên cứu đã có thể xác lập sự vướng víu bằng cách sử dụng “điều kiện khả năng phân chia” áp dụng cho những hệ như thế. Phân tích cho thấy các xung sáng có mức độ tương quan lớn hơn điều được phép bởi vật lí cổ điển và do đó là bị vướng víu. Các nhà nghiên cứu còn tính được một thông số của xung sáng gọi là “số Schmidt”, đó là một số đo mức độ vướng víu bên trong xung. Họ tìm thấy rằng số Schmidt tỉ lệ với số photon trung bình có trong xung. Theo đội nghiên cứu, điều này có nghĩa là xung càng sáng thì bị vướng víu nhiều hơn so với những xung yếu. Xiao-Qi Zhou thuộc trường Đại học Bristol ở Anh đã mô tả thí nghiệm trên là “một phương pháp rất khéo léo nhằm phát hiện ra sự vướng víu ở trạng thái quang lượng tử lớn như thế”.

xiao-qi.zhou

Xiao-Qi Zhou (周晓祺 Chu Hiểu Kỳ) Nghiên cứu Hậu Tiến sĩ Vật lý (Physics Post Doc) Đại học Bristol Anh Quốc

Ông nói, “Người ta biết rằng một trạng thái [chân không nén] lớn là bị vướng víu nhưng không biết làm thế nào chứng minh nó bằng thực nghiệm. Zhou tin rằng ứng dụng triển vọng nhất của xung sáng vướng víu trên là trong “đo lường lượng tử thực hành”. Ví dụ như kính hiển vi pha và con quay hồi chuyển quang học. Chekhova cho biết những xung sáng trên còn có thể sử dụng cho sự phân bố khóa lượng tử, kỹ thuật sử dụng sự vướng víu để cho phép hai nhóm trao đổi thông tin lượng tử với nhau một cách bí mật. “Thông tin lượng tử có thể được mã hóa thành số photon, và khi đó các chùm A và B sẽ được phân bố đến hai người dùng,” bà nói. “Giao thức này sẽ giống với giao thức Ekert đã biết, dựa trên những cặp photon, nhưng ở đây bảng chữ cái sẽ nhiều kí tự hơn.”

100.000 photon ở trạng thái vướng víu (entangled) nghĩa là gì ? Nghĩa là một photon xuất hiện đồng thời ở 100.000 vị trí khác nhau trong không gian. Số lượng vị trí xuất hiện có giới hạn không ? Câu trả lời là không. Bằng chứng ở đâu ? Bằng chứng là thuyết Big Bang. Theo thuyết này, sau vụ nổ, thời gian và không gian đầu tiên xuất hiện như sau : thời gian bằng 10-43 (mười lũy thừa trừ 43) giây, vũ trụ chỉ là một hạt lượng tử có kích thước bằng 10-33(mười lũy thừa trừ 33) cm. Còn trước đó là bức tường Planck, không có không gian, không có thời gian, không có số lượng vật chất gì cả. Người ta tưởng tượng tại bức tường, thời gian là 10-44 (mười lũy thừa trừ 44) giây, đó chỉ là suy luận thôi, thực tế là không có gì cả, vũ trụ chưa bắt đầu hình thành. Sau vụ nổ, vũ trụ mới bắt đầu xuất hiện, bắt đầu có không gian, thời gian và số lượng vật chất, số lượng bắt đầu với chỉ một hạt lượng tử, sau đó xuất hiện khắp vũ trụ với vô lượng vô biên vị trí khác nhau, hình thành nên thiên hà, ngôi sao, mặt trời, hành tinh, trái đất, mặt trăng, vạn vật, con người.

Các nhà khoa học khi lập ra giả thuyết Big Bang, họ không nghĩ vũ trụ chỉ là ảo, họ tin rằng vũ trụ là có thật. Nhưng theo quan điểm Phật giáo, giả thuyết của họ chỉ chứng tỏ vũ trụ là ảo thôi. Chính vì vũ trụ là ảo, không phải thật, nên một photon hay nói tổng quát là một hạt lượng tử có khả năng xuất hiện đồng thời ở vô số vị trí khác nhau, hình thành không gian vũ trụ cũng như hình thành thời gian và số lượng. Đó cũng chính là cơ sở khoa học của thuyết Thiên Địa Vạn vật đồng nhất thể. Tất cả là Một.

Còn điều gì chứng tỏ một vật ảo có thể phát sinh ra vô số lượng ? Ngày nay thì quá dễ chứng minh. Một bài viết, một hình ảnh, một video clip, chắc chắn đó là những vật ảo, khi tung lên mạng internet, thì chắc chắn chúng có thể sinh sôi nảy nở ra số lượng không biết bao nhiêu mà kể. Nhất là hình ảnh scandal của các diễn viên ngôi sao, một khi lên mạng thì sẽ sinh sôi cực kỳ nhanh chóng.

Có những thực nghiệm nào khác chứng tỏ vật chất chỉ là ảo không ? Xin thưa là có. Trước khi nhắc lại các thực nghiệm mà những bạn đọc quen thuộc với blog này đều đã biết, tôi xin nhắc lại lập trường, nhận định của những nhà khoa học nổi tiếng hàng đầu thế giới, họ đã công nhận rằng vật chất là ảo, ý thức có vai trò quan trọng tạo ra vật chất.

Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922)  nói “Isolated material particles are abstractions” (1) (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật).

Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (2) (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).

Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963) viết : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (3) (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).

Qua ý kiến của 3 nhà khoa học hàng đầu của thế giới, ta thấy rằng ý thức góp phần quan trọng trong cấu thành của vật chất, tức là không thể có vật chất tồn tại độc lập ngoài ý thức.  Một nhà khoa học khác :

Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức, người phát minh ra nguyên lý bất định _không thể đồng thời xác định vị trí và vận tốc hay động lượng của một hạt, ví dụ electron) nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (4)(Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật).

[(1), (2), (3), (4), trích trong “Religion and the quantum world” của Giáo sư Keith Ward phát biểu tại  Gresham College, UK ngày 09/03/2005]

Một giáo sư vật lý tại Đại học Oregon, Mỹ và là thành viên của Viện Khoa Học Lý Thuyết, Tiến sĩ Amit Goswami khẳng định chắc như đinh đóng cột trong cuốn sách của ông, The Self-Aware Universe: How Consciousness Creates the Material World (Vũ Trụ Tự Thức: Làm Thế Nào Ý Thức Tạo Ra Thế Giới Vật Chất).

Bây giờ tôi xin nhắc lại các thực nghiệm của những nhà đặc dị công năng hiện đại, chứng tỏ vật chất chỉ là ảo.

Trương Bảo Thắng dùng tâm niệm lấy một quả táo ra khỏi một thùng sắt mà nắp bị hàn kín chứng tỏ vỏ thùng sắt không ngăn cản được quả táo trong thùng đi ra ngoài. Anh ta cũng có thể dùng tâm niệm lấy các viên thuốc ra khỏi chai thủy tinh mà nắp bị đóng khằn, chứng tỏ vỏ chai không ngăn cản được các viên thuốc đi ra ngoài. Bản thân Trương Bảo Thắng cũng có thể đi xuyên qua bức tường nhà của anh để ra ngoài trước sự chứng kiến đầy kinh ngạc của nhiều người khác trong đó có cô giáo Lưu Huệ Nghi của Học viện Sư phạm Bắc Kinh đang đến chỗ ở mới của anh để chúc mừng.

Hầu Hi Quý có thể dùng tâm niệm lấy xăng từ Bắc Kinh đổ vào một chiếc xe hơi đang đậu ở hồ Mật Vân cách xa Bắc Kinh 50 km, chỉ với cái vỏ hộp diêm, chứng tỏ khoảng cách 50 km là không có thật. Ông cũng có thể dùng tâm niệm lấy một bao thuốc lá hiệu Đỗ Quyên Hoa tại nơi sản xuất là huyện Lạc Đô, tỉnh Thanh Hải (Qinghai), cách xa nơi ông và một số người khác trong Hoa Cổ Kịch Đoàn của Du Huyện, tỉnh Hồ Nam (Hunan) hiện đang trú ngụ là làng Loan Sơn với khoảng cách rất xa 1600 km. Ông trả tiền 5 hào 7xu nhân dân tệ cũng bằng tâm niệm. Sau khi trả tiền xong thì tức khắc bao thuốc lá Đỗ Quyên Hoa xuất hiện trên khuôn cửa sổ căn phòng nơi họ đang ở.

Các thực nghiệm trên đều chứng tỏ vật chất cũng như khoảng cách không gian đều là ảo. Nhưng tại sao chúng ta cảm thấy vật chất rất kiên cố không dễ gì bị phá vỡ, chẳng hạn bê tông, sắt thép ?

Mấu chốt nằm ở chỗ gọi là hiện tượng giam hãm (confinement). Tuy vật chất là  ảo nhưng chúng có cấu trúc rõ ràng, đó là cấu trúc nguyên tử của vật chất gồm có hạt proton, neutron làm hạt nhân nguyên tử, hai loại hạt này được cấu tạo từ 3 hạt quark. Ba hạt quark (2up+1down) dính chùm vĩnh viễn thành hạt proton, hoặc hạt neutron (1up+2down) bị giam mãi mãi không thể tách rời gọi là hiện tượng giam hãm (confinement). Sở dĩ có hiện tượng này là do tâm cố chấp vô cùng kiên cố của chúng sinh. Với những nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý, họ có thể dùng tâm lực phá vỡ hiện tượng giam hãm này khiến cho vật chất biến mất hoàn toàn, siêu việt hơn cả vụ nổ hạt nhân. Sau đó họ có thể phục nguyên trở lại ở một vị trí khác trong không gian, có thể rất xa nơi biến mất mà không cần chút thời gian nào bởi vì khoảng cách không gian chỉ là ảo. Họ cũng có thể phục nguyên vật chất trong những điều kiện mà con người bình thường không thể tưởng tượng nổi. Trương Bảo Thắng đã dùng tâm niệm phục nguyên một bức tranh bị xé nát, vò cục, ngâm vào thau nước. Chỉ trong giây lát, bức tranh được phục nguyên hoàn toàn như chưa từng bị xé. Hầu Hi Quý đã dùng tâm niệm phục nguyên chiếc đồng hồ tay của Phó chủ tịch Công đoàn tỉnh Hồ Nam, Long Quỳ, chiếc đồng hồ đã bị đập bằng cục gạch, vỡ nát bẹp dí, trong vòng vài giây đã được phục nguyên hoàn toàn như mới, chạy tích tắc bình thường như chưa hề bị đập bẹp bao giờ.

Chính hiện tượng giam hãm làm cho vật chất cứng rắn, hạt nhân nguyên tử khó bị thay đổi, con người muốn chế biến vật chất phải hao tốn nhiều năng lượng, phải sử dụng các công nghệ rất phức tạp khó khăn, còn nếu khống chế được hiện tượng giam hãm, thì vật chất sẽ ngoan ngoãn tuân theo ý muốn của nhà đặc dị công năng. Hầu Hi Quý đã chém đứt lìa đầu của một anh thanh niên, đã dùng súng của vệ sĩ bắn vào bàn tay của huyện trưởng Khúc Đức Đỉnh của huyện Hán Thọ, tỉnh Hồ Nam (ông muốn bắn vào đầu nhưng những người chung quanh ông huyện trưởng không dám nên chỉ cho phép bắn vào bàn tay) nhưng anh thanh niên và ông huyện trưởng không hề hấn gì, điều đó chứng tỏ Hầu Hi Quý điều khiển được vật chất theo ý muốn.

Kết luận : vũ trụ, vạn vật, thế giới phải là ảo, chắc chắn 100% là như thế, nhiều nhà khoa học cũng đã tin như vậy. Do đó số lượng vật chất cũng là ảo, không phải thật. Truyện kể dân gian về cái nồi Thạch Sanh, truyện kể trong Kinh Thánh về việc Chúa Giêsu chia bánh, hay trong Kinh Phật về một bát cơm bao nhiêu người ăn cũng không hết là hoàn toàn có cơ sở thực tế và khoa học, không phải hoang đường.

Truyền Bình

Advertisement

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Bài viết. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

2 Responses to ĐIỀU GÌ CHỨNG TỎ SỐ LƯỢNG VẬT CHẤT LÀ ẢO KHÔNG PHẢI THẬT ?

  1. Phạm Thành Đồng nói:

    Dạ ! bạch thầy !
    Hiện tượng giam hãm,coi vật chất là ảo chưa hẳn là chân lý như thật rõ biết.
    Chúng ta có thể kiến giải khác : Vật chất không thể là ảo trong điều kiện nó tồn tại. Khi điều kiện môi trường mà nó tồn tại bị thay đổi thì mức năng lượng vật chất thay đổi theo làm nó biến đổi trạng thái có thể là rắn,lỏng,khí,plasm…tiến tới dạng lượng tử…hòa thành năng lượng vũ trụ.Vật chất là năng lượng vũ trụ ( có thể là các hạt quak ) được tập hợp ( hay kết hợp ) theo một gói thông tin của vật chất đó ( bao gồm cấu trúc nguyên tử,phân tử,không-thời gian trong điều kiện môi trường thích hợp).
    Với những người có công năng đặc dị thực chất là năng lực thần thông có thể biến đổi vật chất không theo nguyên tắc vật lý thông thường. Với người thường thì đây là phép mầu,với Phật giáo thì đấy là phép vu húy của nhà Phật dùng để biến đổi vật chất tức thì….

    • Các hạt cơ bản cấu tạo nên vật chất đều là hạt ảo (Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922) nói “Isolated material particles are abstractions”(Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật). Vì vậy tất cả vật chất đều là ảo. Chính vì vậy Đạo Phật mới nói tánh Không của vạn pháp. Con người cũng là một cấu trúc ảo, nhưng khi cấu trúc này quan sát và tiếp xúc với các cấu trúc ảo khác thì lại thấy là thật vì tính chất đồng bộ của các giác quan. Điều đó tương tự như trong toán học : -1 X -1 = +1. Đó là kết quả chúng ta nhìn thấy thế giới mà không hay rằng đó là tưởng tượng. Phật giáo gọi đó là thế lưu bố tưởng. Vật chất hay năng lượng thì bản chất cũng giống nhau. Einstein đã chứng tỏ bằng công thức E= mc2 (m x c bình phương).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s