THÔNG ĐIỆP CỦA PHẬT GIÁO

Năm sắp hết, Tết cổ truyền sắp đến, mùa xuân đang trở lại, đem lại một chút hương vị cho cuộc sống đời thường của chúng ta, theo tập quán, tôi cũng chào đón mùa xuân bằng cách tư duy về thông điệp của Phật giáo, mong mang lại an lạc hòa bình vững chắc cho nhân sinh.

Thông điệp của Phật giáo do đâu mà có ?

Theo lịch sử, vào khoảng năm 593 trước CN, Cồ Đàm Tất Đạt Đa đã chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (阿耨多羅三藐三菩提Anuttara Samyak Sambodhi) dịch nghĩa là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, thấu suốt tất cả mọi lẽ huyền vi của vũ trụ vạn vật, ngộ Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, đó là điều mà các khoa học gia thế kỷ 21 vẫn chưa hiểu hết, vì vậy mà Phật giáo có thông điệp cho nhân loại và có khả năng hướng dẫn cho khoa học.

Những điều gì Thích Ca đã chứng ngộ mà đa số nhân loại kể cả khoa học gia vẫn còn chưa nắm chắc ? 

1/ Vật tức là Tâm

Thích Ca đã khám phá Tâm là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Tâm là gì ? Tâm không phải chỉ là Ý thức, Ý thức chỉ là một phần nhỏ của Tâm. Tâm bao gồm 8 thức, xin liệt kê ra đây và có đối chiếu với tin học.

Số TT Duy Thức học Phật giáo Tin học Hiệu ứng (thức) Đối tượng  (objects)
1 Mắt Video card Thấy Sắc (vật chất)
2 Tai Sound card Nghe Âm thanh(sóng)
3 Mũi Chưa có Ngửi Mùi hương thơm thúi…
4 Lưỡi Chưa có Nếm Cảm giác ngọt mặn, chua, cay…
5 Thân thể Chưa có Cảm giác tiếp xúc Cảm giác êm, đau, trơn, nhám, nóng, lạnh…
6 Não Ram và CPU Ý thức Tư tưởng, tình cảm, nhận thức, ưa, ghét…
7 Mạt-na (Manas) Đĩa cứng Chấp ngã, khu biệt Cái tôi, cái của tôi
8 A-lại-da (Alaya) Internet Bao gồm cả chủ thể và đối tượng. Bản thể của thế giới Bất nhị, vũ trụ, vạn vật trong đó có sinh vật, con người

Tuy phân biệt ra 8 thức cho dễ hình dung, thật ra Tâm là một toàn thể bất nhị, bao gồm cả tám thức, là nguồn dữ liệu, nguồn năng lượng của tất cả mọi thông tin kể cả vật chất (vì vật chất cũng là thông tin, là biểu hiện của thức) trong Tam giới. Từ cái tàng thức vô lượng vô biên đó, Tâm có khả năng tạo ra vũ trụ vạn vật, sản sinh ra sinh vật, con người với đầy đủ các thức còn lại. Như vậy vô lượng vô biên chúng sinh trong vô lượng vô biên thế giới, cũng chỉ là một Tâm đó thôi. Thế giới là tâm thức, thế giới là ảo, chính vì vậy Phật, Bồ Tát có thể di chuyển khắp cùng Tam giới bằng tâm niệm mà thật ra không hề di chuyển, đó chính là ý nghĩa của danh xưng Như Lai.

2/Tánh không hay pháp vô tự tính

Từ hơn 2500 năm trước, Thích Ca đã nói tất cả các pháp đều không có tự tính, đều chỉ là trùng trùng duyên khởi, là mối quan hệ tác động lẫn nhau, cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt, không có cái gì là độc lập tồn tại. Giáo lý duyên khởi được ghi lại trong kinh điển như sau (Chân Nguyên dịch Pāli-Việt):

Imasmiṃ sati, idaṃ hoti; imass`uppādā, idaṃ uppajjati; imasmiṃ asati, idaṃ na hoti; imassa nirodhā, idaṃ nirujjhati. (MN II.32, SN II. 28)

Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt.

Khoa vật lý học hiện nay của loài người đã thiết lập được mô hình chuẩn của Vật lý, vũ trụ vật chất năng lượng chỉ bao gồm 17 loại hạt, trình bày tập trung trong sơ đồ sau, hạt cuối cùng là Higgs boson, mới được cho rằng tìm thấy gần đây, công bố ngày 4-7-2012.

higgs-mohinhchuan

Mô hình chuẩn của Vật lý học (Standard Model of Physics)

Một vấn đề cần được nêu lên là 17 loại hạt đó với những đặc điểm của mỗi hạt, có thực chất hay không, hay tất cả các hạt cũng chỉ là hạt ảo, được tâm thức con người gán cho những đặc điểm này nọ, chứ các đặc điểm vốn không có thực, chỉ là tưởng tượng của con người ? Dựa vào đâu để nêu ra nghi vấn như vậy ? Dựa vào thí nghiệm đối với các hạt cơ bản (primary particles hay subatomic particles). Trong các thí nghiệm với các hạt cơ bản như photon, electron, các nhà khoa học nhận ra rằng chúng không có tính hiện thực (realism) cũng không có tính định xứ (locality) như Einstein và nhóm EPR của ông quan niệm, Einstein cho rằng đó là nghịch lý không thể chấp nhận, nhưng các nhà khoa học thế hệ sau đã chứng minh nghịch lý đó là có thật, là thực tế. Các đặc trưng của hạt không có sẵn, chúng chỉ xuất hiện khi con người tiến hành đo đạc, và cũng không thể xác định vị trí chính xác của chúng trong không gian, chỉ có thể phỏng đoán bằng xác suất. Những điều này thấy rõ trong hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Ngay trước khi Alain Aspect thí nghiệm tương đối chính xác hiện tượng này vào năm 1982 tại Paris, trước đó khá lâu, vào năm 1927, Heisenberg cũng đã từng khám phá ra nguyên lý bất định (uncertainty principle) nói rằng không thể đồng thời xác định động lượng và vị trí của hạt, chẳng hạn electron. Điều đó trái với quyết định luận Laplace mà nhân loại từng tin tưởng mấy trăm năm nay. Rồi đến năm 1931, Kurt Godel phát hiện ra định lý bất toàn (Theorem of Incompleteness) trong toán học và cũng có ảnh hưởng trong mọi ngành, mọi hoạt động của con người.

Chính vì tính hiện thực, tính định xứ và ngay cả số lượng của hạt cũng không đảm bảo có thật, nên một số khoa học gia đã nhận định rằng chính tâm thức là nền tảng của vật chất.

Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922)  nói “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật).

Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức, người phát minh ra nguyên lý bất định _không thể đồng thời xác định vị trí và vận tốc hay động lượng của một hạt, ví dụ electron) nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật).

Nếu nguyên tử không phải là vật, thì cái nhà, cái xe, cái thân tứ đại của ta chỉ là thế lưu bố tưởng chứ không phải sự thật tuyệt đối. Nhưng dù sao đó cũng là một sự thật tương đối. Vậy sự thật tương đối là tùy thuộc cái gì ? Nó tùy thuộc vào cái Phật giáo gọi là nhất niệm vô minh. Nói theo Heisenberg, nguyên tử tạo thành một thế giới tiềm thể tức có khả năng hiện hữu nhưng chưa thực sự hiện hữu, nó chỉ thực sự hiện hữu khi tâm niệm khởi lên. Điều này thì Von Neumann đã xác nhận :

Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).

Không phải chỉ có Von Neumann xác nhận, còn có nhiều nhà khoa học khác như Amit Goswami, như Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963), Wigner nói : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).

Một ví dụ sau đây gợi ra tiến trình từ không tới có của vũ trụ vạn vật.

Bien Nam Cuc

Các hành khách Nga đi trên con tàu thám hiểm Nam Cực MV Akademik Shokalskiy đang đứng trên mặt biển Nam Cực.

Tàu chở 74 người, gồm các nhà khoa học, du khách và thủy thủ đoàn, bị kẹt trong băng ở Nam Cực từ ngày 24/12/2013. Sau nhiều nỗ lực giải cứu không thành công, ngày 02/01/2014, một trực thăng Trung Quốc đến từ tàu phá băng Tuyết Long đã thực hiện chiến dịch sơ tán toàn bộ hành khách trên chiếc tàu gặp nạn. Họ đang đứng trên mặt biển Nam Cực, nhưng nước biển đã đóng thành băng dày hơn 3m, trực thăng cũng có thể đáp trên đó. Nước biển hay băng, thành phần chủ yếu vẫn là H2O, nếu nhìn sâu hơn nữa là quark và electron, nhìn sâu tận cùng thì là không, tánh không muôn thuở của vũ trụ vạn vật và tâm linh. Phật giáo có thể hướng dẫn cho khoa học thấy rằng người, trực thăng, nước biển, băng tuyết, bầu trời đều chỉ là tánh không biến hiện ra mà thôi.

Các nhà vật lý lượng tử ngày nay đã hiểu rõ tính chất ảo ảnh của thế giới vật, họ cũng tìm được chứng cớ chứng tỏ vũ trụ là một toàn ảnh, nghĩa là vũ trụ có bản chất là số giống như tin học và là ảo.

Tieng On Toan Anh – Truong Alaya Thuc

3/Vũ trụ không có bắt đầu không có kết thúc, vô sanh pháp nhẫn

Theo khoa học thì vũ trụ bắt đầu với vụ nổ lớn Big Bang làm phát sinh vũ trụ, phát sinh không gian và thời gian, và cùng với thời gian, các thiên hà hình thành với vô số ngôi sao, vô số hành tinh, vệ tinh. Sinh vật, con người cũng hình thành trong dải Ngân hà, trong Thái dương hệ, trên một hành tinh mang tên Địa cầu (Earth). Tất cả những kiến giải này đều nằm trong tâm thức của con người nghĩa là mang tính chất là thức, là ảo như đã trình bày ở mục 2, tánh không hay pháp vô tự tính. Hình ảnh mặt biển Nam Cực biến thành băng để cho con người và trực thăng có chỗ đứng, có thể gợi ý rằng tánh không cũng có thể biến thành vũ trụ, thái dương hệ, trái đất, và con người có chỗ sinh hoạt cũng tương tự như vậy.

Như vậy có thể suy ra rằng vụ nổ Big Bang và mô hình chuẩn của Vật lý cũng chỉ là thế lưu bố tưởng, nằm trong tâm thức của con người, sự thật chỉ là tánh không mà thôi. Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Đó là điều Phật giáo có thể hướng dẫn cho con người và khoa học. Phật giáo có nêu lên một nhận thức để diễn tả vũ trụ không có bắt đầu cũng không có kết thúc bằng thuật ngữ vô sanh pháp nhẫn.

Kinh Đại Bát Nhã giải thích vô sanh pháp nhẫn như sau :

《大般若經》 卷四四九〈轉不轉品〉云(大正7•264b):‘如是不退轉菩薩摩訶薩,以自相空,觀一切法,已入菩薩正性離生,乃至不見妙法可得。不可得故,無所造作。 無所造作故,畢竟不生。畢竟不生故,名無生法忍, 由得如是無生法忍故,名不退轉菩薩摩訶薩。’此謂菩薩觀諸法空,入見道初地,始見一切法畢竟不生之理,名無生法忍

(Đại Bát Nhã Kinh, quyển 449, “Chuyển bất chuyển phẩm” vân (Đại Chánh 7.264b) : “Như thị bất thoái chuyển Bồ Tát Ma Ha Tát, dĩ tự tướng không, quán nhất thiết pháp, dĩ nhập Bồ Tát chánh tánh ly sanh, nãi chí bất kiến diệu pháp khả đắc. Bất khả đắc cố, vô sở tạo tác. Vô sở tạo tác cố, tất cánh bất sanh. Tất cánh bất sanh cố, danh vô sanh pháp nhẫn. Do đắc như thị vô sanh pháp nhẫn cố, danh bất thoái chuyển Bồ Tát Ma Ha Tát. Thử vị Bồ Tát quán chư pháp không, nhập kiến đạo sơ địa, thủy kiến nhất thiết pháp tất cánh bất sanh chi lý, danh vô sanh pháp nhẫn).

Dịch nghĩa : Đại Bát Nhã Kinh, quyển 449, “phẩm Chuyển Bất Chuyển” nói (trích Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, trang 7.264b) : “Bồ Tát Ma Ha Tát (Ma Ha Tát Mahasattva phiên âm đầy đủ là Ma Ha Tát Đỏa 摩诃萨埵 là đại sĩ, người có nguyện lực rộng lớn) bất thoái chuyển như thế, lấy tự tướng không để xem xét tất cả các pháp, đã vào được cảnh giới không còn sanh diệt của Bồ Tát, đến mức không còn thấy có diệu pháp để đắc. Vì không thể có đắc nên không có cái để tạo tác. Vì không có cái tạo tác, nên tất yếu là bất sanh. Vì tất yếu là bất sanh nên gọi là vô sanh pháp nhẫn (trạng thái bản lai không có sanh diệt). Người chứng được vô sanh pháp nhẫn như thế gọi là Đại Bồ Tát bất thoái chuyển (không lui sụt). Đó gọi là Bồ Tát thấy các pháp là không nên vào được sơ địa của con đường giác ngộ, bắt đầu thấy cái lý tất yếu bất sanh của tất cả các pháp, gọi là vô sanh pháp nhẫn.

4/Không gian, thời gian, số lượng vật chất, đều không có thật. 

Từ nhận thức tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, và cũng từ thí nghiệm khoa học về hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement), chúng ta có thể rút ra kết luận là không gian, thời gian, số lượng vật chất, đều chỉ là ảo, không phải thật.

Nhưng cho đến tận ngày nay, ít có nhà khoa học nào dám nghĩ như vậy, mặc dù thuyết Big Bang của khoa học đã chứng tỏ rõ ràng rằng không gian, thời gian và số lượng vật chất phát sinh từ một điểm kỳ dị gần như là bằng không. Từ không sinh ra vũ trụ, chuyện đó là rõ ràng.

Einstein từng đưa ra thuyết tương đối nói rằng không gian, thời gian và khối lượng vật chất đều có tính tương đối. Nhưng chính bản thân Einstein vẫn còn nhận thức chưa đủ, ông không hề nghĩ rằng khoảng cách không gian có thể không có thật. Nếu không, tại sao ông vẫn còn bối rối, không hiểu tại sao lại có sự vướng víu lượng tử (quantum entanglement) khiến cho định đề của ông về vận tốc ánh sáng bị thách thức đến nỗi ông phải nói câu “tác động ma quái từ xa” (spooky action at a distance). Đó là chưa nói vào thời của ông, khả năng của khoa học còn giới hạn, người ta nhận thấy hai photon liên lạc với nhau dường như nhanh hơn vận tốc ánh sáng nhưng chưa xác định được nhanh hơn bao nhiêu. Đến năm 2008, Nicolas Gisin đã tách hai photon xa nhau 18km và thử đo vận tốc truyền tín hiệu nếu có, thì thấy rằng nó nhanh hơn tốc độ ánh sáng gấp hơn 10 triệu lần, nếu Einstein biết được điều này, không biết tâm lý ông sẽ khủng hoảng tới đâu, hoặc sẽ ngộ ra rằng khoảng cách không gian quả thực là không có thật. Ba đại lượng không gian, thời gian và số lượng vật chất liên quan chặt chẽ với nhau không thể tách rời, một đại lượng không có thật thì các đại lượng kia cũng vậy. Chi tiết về từng đại lượng xin xem :

ĐIỀU GÌ CHỨNG TỎ KHÔNG GIAN CHỈ LÀ ẢO TƯỞNG, KHÔNG PHẢI THẬT ?

ĐIỀU GÌ CHỨNG TỎ THỜI GIAN CHỈ LÀ ẢO ?

ĐIỀU GÌ CHỨNG TỎ SỐ LƯỢNG VẬT CHẤT LÀ ẢO KHÔNG PHẢI THẬT ?

5/ Tâm niệm là tốc độ hữu hiệu trong Tam giới    

Einstein đưa ra định đề (postulate) về tốc độ của ánh sáng, đó là một hằng số bằng (qui tròn) 300.000 km/giây. Trong thiên văn vũ trụ, tốc độ này được sử dụng rất nhiều. Nhưng Phật pháp cho rằng tốc độ đó là vô dụng trong tam giới. Một vong linh muốn đi đầu thai chuyển kiếp sang một đời sống mới, không thể đi bằng tốc độ ánh sáng. Dù cho lên các cõi trời hay xuống địa ngục hay đến cõi Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà, hoặc đến một cõi giới xa xôi nào đó trong vũ trụ, vong linh hoặc chúng sinh đều phải đi bằng tốc độ của tâm niệm, nghĩa là khởi niệm tới đâu thì liền tới đó. Điều đó hoàn toàn tương ứng với hiện tượng vướng víu lượng tử, nghĩa là hai photon kết nối với nhau bằng tốc độ vô hạn của tâm niệm, hay nói cách khác, khoảng cách không gian là không có thật. Chẳng phải chỉ có trong thế giới lượng tử mới có hiện tượng tốc độ tâm niệm, mà trong thế giới tâm linh hay thế giới đời thường cũng có. Tôi đã từng nhiều lần đề cập đến đặc dị công năng. Hầu Hi Quý có thể dùng tâm niệm lấy một gói thuốc lá hay một chai rượu trong tức khắc ở những khoảng cách hàng ngàn cây số.

Đặc điểm của tâm niệm là không bị hạn chế bởi khoảng cách không gian, không bị ngăn trở bởi cố thể vật chất. Một nữ ảo thuật gia nước ngoài đang lớn tiếng chỉ trích đặc dị công năng của Trương Bảo Thắng chỉ là trò ảo thuật. Anh bèn lẳng lặng dùng tâm niệm lột chiếc áo ngực đang mặc trên người của bà ta, ở ngoài còn có hai lớp áo khác, mà không hề bị trở ngại gì cả, chính bà ta cũng không hay biết. Chỉ đến khi anh đưa chiếc áo ngực ra trước mắt, bà ta mới chưng hửng và không thừa nhận chiếc áo đó của mình, anh bèn dùng tâm niệm lột luôn chiếc áo lót, bấy giờ bà ta mới sợ hãi chạy trốn, khiến ban tổ chức phải cho người chạy theo đưa trả chiếc áo ngực và áo lót cho bà ta. Hầu Hi Quý dùng tâm niệm lấy gói thuốc lá Đỗ Quyên Hoa từ khoảng cách 1600km chỉ trong nháy mắt. Trương Bảo Thắng có lần dùng tâm niệm lấy một quả táo ra khỏi một thùng sắt hàn kín nắp trong một cuộc biểu diễn công khai tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh trước mắt các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc. Để hiểu rõ hơn về tốc độ di chuyển hiện tại của con người và tốc độ dự kiến trong tương lai xa, đối chiếu với tốc độ của tâm niệm, xin xem bài :

PHẬT PHÁP VÀ THÁM HIỂM KHÔNG GIAN

6/ Các dạng sống của chúng sinh

Người phàm trần chúng ta cần phải có đất, có nhà mới có chỗ an trú, mới có chỗ sinh hoạt; cần phải ăn uống, làm việc, sản xuất ra những thứ cần dùng, cuộc sống rất nhiều phiền toái. Còn các Bồ Tát thì sao ? Họ thì ưng vô sở trụ, họ không cần có chỗ trú ẩn, họ không cần ăn uống, không cần sản xuất, không cần phương tiện đi lại, không cần phương tiện liên lạc thông tin, cũng không cần suy nghĩ xem như vậy là thích hay không thích, sướng hay khổ, đúng hay không đúng, cũng không có sinh tử luân hồi. Theo thuyết tam thân của Phật giáo, họ là pháp thân, họ có thể tạo ra hóa thân, còn chúng ta là ứng thân. Chúng ta và họ không phải là hai cũng không phải là một nhưng có mối quan hệ câu thông. Khi chúng ta thành tâm khẩn cầu thì họ có thể xuất hiện và chúng ta có thể thấy được. Hiện tượng đó Phật giáo gọi là tự tánh Quán Âm (bên Công giáo thì có thể gọi là tự tánh Maria), đó là chỗ câu thông giữa chúng sinh và Bồ Tát. Một số người đã thấy và họ kể lại như sau :

Kristine Sa – Van Son thay Quan Am

Thuy Duong – Tam Doan thay Duc Me

Ngoài các Bồ Tát là chúng sinh giác ngộ, hay là pháp thân của chúng sinh, Phật giáo còn giới thiệu với nhân loại và khoa học những dạng sống khác mà giới khoa học chưa từng biết hoặc nếu có nghe nói cũng không tin. Sự sống không phải chỉ diễn ra với sinh vật có cơ thể bằng vật chất. Đó chỉ mới là cuộc sống ở Dục giới mà trần gian là tiêu biểu. Kinh điển Phật giáo còn đề cập tới hai cõi khác là Sắc giới và Vô sắc giới. Về Tam giới, Lục đạo luân hồi và Tứ loại chúng sinh, xin xem bài :

Lục căn, lục trần, lục thức = 18 giới

7/Ý nghĩa triết học của Bất định luận    

Nhận thức khoa học của loài người đã đi từ Quyết định luận của Newton, đặc biệt là Laplace, đến Tương đối luận của Einstein và kế tiếp nữa là Bất định luận của Heisenberg và Niels Bohr.

Thiên văn học là ngành khoa học đầu tiên của loài người. Từ thời cổ đại, người ta đã quan sát thiên văn và làm ra lịch. Những qui luật vận động của thiên thể rất rõ ràng trong chuyển động của chúng trên bầu trời và có thể dùng toán học để xác định. Từ đó Newton lập ra các phương trình toán học để tính toán một cách chắc chắn cách đây hơn 300 năm, người ta gọi đó là cơ học thiên thể (Celestial mechanics) hay cơ học Newton và đến bây giờ chúng ta vẫn sử dụng lý thuyết của ông về hấp dẫn để tiên đoán chuyển động của hầu hết các vật thể trên trời. Sau thiên văn học, các ngành khoa học khác cũng tuân theo những qui luật tự nhiên nhất định. Điều này dẫn đến ý tưởng về quyết định luận trong khoa học mà người đầu tiên đưa ra ý tưởng đó là một nhà khoa học người Pháp, Laplace. Theo ông thì tại một thời điểm nào đó, nếu ta biết vị trí và vận tốc của tất cả các vật thể trong vũ trụ thì ta có thể tính được trạng thái của chúng tại bất kì thời điểm nào trong quá khứ và tương lai. Có một câu chuyện thế này: khi Napoleon hỏi Laplace rằng Chúa có vai trò gì trong một thế giới như vậy ? thì ông trả lời rằng “Thưa ngài, tôi không cần giả thiết đó” (Je n’avais pas besoin de cette hypothèse) Không phải Laplace cho rằng Chúa không tồn tại, chỉ là Chúa không can thiệp vào, không phá vỡ các định luật khoa học mà thôi. Điều này cũng đúng cho mỗi nhà khoa học. Một định luật khoa học sẽ không là một định luật khoa học nếu nó chỉ đúng khi có một vài thế lực siêu nhiên quyết định sự vật chuyển động theo một ý muốn chủ quan nào đó, mà nó phải khách quan và không thể bị can thiệp bởi một sức mạnh siêu nhiên nào.

Ý tưởng trạng thái của vũ trụ tại một thời điểm quyết định trạng thái của vũ trụ tại tất cả các thời điểm khác là nguyên lý trung tâm của khoa học từ thời Laplace. Điều đó ngụ ý rằng, ít nhất về nguyên tắc, chúng ta có thể đoán được tương lai. Tuy vậy, trên thực tiễn khả năng của chúng ta để đoán tương lai lại hoàn toàn bị hạn chế bởi tính phức tạp của các phương trình, và thực tế rằng các phương trình đó có một tính chất được gọi là mất trật tự hay nguyên lý hỗn độn cơ bản (principle of elementary disorder hay còn gọi là chaos theory). Biểu hiện dễ thấy nhất đối với người bình thường là ống kính vạn hoa. Những mảnh vụn trong ống kính chuyển động rất hỗn độn không có trật tự gì cả, nhưng nhìn vào trong ống kính thì thấy hình ảnh hiện ra rất trật tự, đẹp đẽ, đối xứng. Nghĩa là cái chúng ta nhìn thấy và cảm nhận chỉ là ảo khác hẳn cái thực tế.

Chủ nghĩa quyết định luận khoa học vẫn giữ vai trò độc tôn của mình trong suốt thế kỉ 19. Tuy nhiên, trong thế kỉ 20, có hai xu hướng phát triển chứng tỏ lý thuyết của Laplace về tiên đoán chính xác tương lai không thể thực hiện được. Xu hướng đầu tiên là cơ học lượng tử, được Max Planck, một nhà vật lý người Đức, đưa ra lần đầu tiên vào năm 1900 như là một giả thiết đặc biệt để giải thích một nghịch lý. Planck nhận thấy rằng bức xạ nhiệt do một vật nóng như mặt trời phát ra không liên tục mà gián đoạn theo từng gói số lượng mà ông gọi là lượng tử (quantum). Tiếp đó các nhà vật lý nhận thấy ý tưởng về lượng tử cũng nghiệm đúng đối với các hạt cơ bản của vật chất, các hạt này như photon hay electron cũng quay xung quanh trục của mình, cũng không liên tục mà theo từng bước gián đoạn. Đặc tính này gọi là số spin của hạt.

Trong lúc ngành vật lý lượng tử đang manh nha thì từ năm 1905 đến 1916, Albert Einstein đã hai lần đưa ra thuyết tương đối, một hẹp hay đặc biệt, một rộng hay tổng quát, nói rằng các đại lượng như không gian, thời gian và khối lượng vật chất là tương đối, thời gian không phải ở ngoài không gian mà không gian và thời gian gắn liền với nhau nên gọi chung là thời-không (space-time) và ông đưa ra ý niệm mới là không gian cong, bị biến dạng do ảnh hưởng của khối lượng vật chất, ông cũng xác định vận tốc ánh sáng là một hằng số, không tùy thuộc vào vận tốc đầu (ví dụ một phi cơ đang bay với vận tốc Mach 3, mở đèn pha, thì ánh sáng của đèn pha cũng chỉ là 300.000 km/giây chứ không tăng lên) và tốc độ của ánh sáng là cao nhất của vật chất. Ông cũng đưa ra công thức biến đổi giữa vật chất và năng lượng E=mc2 Cuộc trắc nghiệm về việc ánh sáng bị bẻ cong khi đi ngang mặt trời trong cuộc nhật thực toàn phần năm 1919 xác định lập luận của ông là chính xác, khiến ông trở nên rất nổi tiếng.

Đến năm 1927, Werner Heisenberg phát biểu nguyên lý bất định : “The more precisely the position is determined, the less precisely the momentum is known in this instant, and vice versa.” (Vị trí càng được xác định chính xác bao nhiêu thì động lượng càng ít được biết chính xác bấy nhiêu tại thời điểm đó, và ngược lại). Nguyên lý này trái ngược với quyết định luận của Laplace hay ít nhất nó cũng làm giảm độ chính xác của quyết định luận của Laplace xuống còn một nửa với phương trình hàm sóng của Schroedinger. Và trong trường hợp đối với lỗ đen khi thông tin bị mất hút, thì độ chính xác giảm đến mức không còn khả năng dự đoán được nữa.

Einstein rất bất bình đối với lập luận về tính bất định của hạt, ông không tin điều đó, ông cho rằng hiểu biết của cơ học lượng tử còn thiếu sót, ông nói rằng “Như tôi đã nói rất nhiều lần, Chúa không chơi trò xúc xắc với thế giới” (“As I have said so many times, God doesn’t play dice with the world.“) Einstein cùng với Podolsky và Rosen đưa ra nghịch lý EPR vào năm 1935 để phản bác thuyết lượng tử, nửa tháng sau thì Niels Bohr trả lời. Hai người tiếp tục tranh luận nhưng chưa ngã ngũ. Đến năm 1964, John Bell lập ra bất đẳng thức Bell để kiểm chứng giả thuyết EPR. Và đến năm 1982 thì thí nghiệm của Alain Aspect tại Paris đã chứng minh lập luận của nhóm EPR rõ ràng là sai. Tính hiện thực (realism) và tính định xứ (locality) của hạt là không thật có.  Điều đó có nghĩa rằng nguyên tử vật chất chỉ là ảo, là tưởng tượng của tâm thức chứ không có thật, mặc dù nhà cửa, xe cộ, vật dụng quen thuộc hàng ngày của chúng ta đều có vẻ rất thật, nhưng thật tế chỉ là ảo, mặc dù cả 6 giác quan của chúng ta đều xác nhận là thật.

Vật lý học cổ điển cho rằng quark tạo ra proton và neutron, hai loại hạt này tạo ra hạt nhân nguyên tử, hạt nhân kết hợp với electron tạo ra nguyên tử vật chất, hydro và oxy kết hợp tạo ra H2O tức là Nước.

Điều đó tương đồng với với thuyết Nhân Duyên (còn gọi là thuyết Duyên Khởi hay thuyết Nhân Quả) của Phật giáo, ví dụ hạt proton làm nhân, hạt electron làm duyên thì tạo ra kết quả là nguyên tử hydrogen.

NguyentuHydro

Nguyên tử hydrogen

Nhưng sự thật không phải vậy, H2O cũng chỉ là quark và electron, mà quark và electron chỉ là hạt ảo, không có thật, vì vậy Phật giáo nói bản chất chỉ là tánh Không (Sunyata) mà thôi. Như vậy Nước chỉ là tưởng tượng, phải có người tưởng tượng mới có nước, nếu không thì không có gì cả. Mặt khác nếu không có cấu trúc ảo H2O thì nước chỉ là tưởng tượng suông của ý thức, chứ không thể uống, sinh hoạt, tiêu hóa, tăng trưởng, nghĩa là phải được cả 6 giác quan xác nhận. Chính vì vậy Phật giáo nói Nhân Duyên cũng tức là Phi Nhân Duyên và ngược lại. Đây mới chính là ý nghĩa triết học của Bất định luận. Tâm thức trở thành yếu tố không thể tách rời của vật hay nói cho rõ ra, vật tức là tâm. Nước chỉ là mối quan hệ giữa tâm thức và cấu trúc ảo H2O chứ không phải là sự thật tuyệt đối. Nước chỉ là một sự thật tương đối.

Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).

Từ đây một dạng thức mới của Cơ học lượng tử gọi là “Cơ học lượng tử tương quan“ (Relational Quantum Mechanics) hy vọng làm sáng tỏ vấn đề. Họ đi đến kết luận rằng đã đến lúc chúng ta cần xét lại hình ảnh của thế giới bên ngoài!

Thực tế khách quan không phải là một thực tế tuyệt đối cũng không phải là một thực tế độc lập mà chỉ là một thực tế tương quan.

Điều này có ý nghĩa cụ thể như thế nào ? Có nghĩa rằng vật không có thật, nhưng chúng ta vẫn thấy có vật, vì cái mà chúng ta thấy là sự tương tác giữa các giác quan của chúng ta (lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ) với mối quan hệ (tương quan) của các cấu trúc ảo của vật chất.

Nhưng mặc dù nguyên lý bất định không cho phép dự đoán chính xác tương lai, bạch tuộc Paul vẫn dự đoán chính xác kết quả cả 8 trận đấu tại World Cup Nam Phi 2010. Bất định luận thực sự là không thể nghĩ bàn. Đó là do thời gian không phải giống như chúng ta nghĩ, việc xác định cái nào có trước cái nào có sau chỉ là tưởng tượng chứ không phải chân lý. Việc Trí Dược Tam Tạng nói trước tương lai của 170 năm sau không phải là bịa đặt, cũng như việc bạch tuộc Paul xác định kết quả các trận đấu trước khi chúng xảy ra tại World Cup Nam Phi 2010 có cả tỉ người trên thế giới theo dõi chứ không phải bịa đặt.

Ý tưởng về định luật khoa học (Một định luật khoa học sẽ không là một định luật khoa học nếu nó chỉ đúng khi có một vài thế lực siêu nhiên quyết định sự vật chuyển động theo một ý muốn chủ quan nào đó, mà nó phải khách quan và không thể bị can thiệp bởi một sức mạnh siêu nhiên nào.) trong quyết định luận của Laplace  trở nên bấp bênh khi vào thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Hầu Hi Quý đã chứng tỏ bằng thực nghiệm rằng định luật khoa học có thể bị tâm niệm của ông ta làm cho hoàn toàn mất tác dụng. Hầu Hi Quý muốn dùng súng bắn đạn thật, bắn vào đầu của huyện trưởng Khâu Đức Đỉnh của huyện Hán Thọ tỉnh Hồ Nam, để chữa bệnh cho ông ta, nhưng cận vệ của ông ta e ngại, nên chỉ cho phép bắn vào bàn tay. Kết quả viên đạn bị tâm niệm của Hầu Hi Quý không chế, không đi qua bàn tay, cũng không đi xuyên qua hai lớp áo, mà đơn giản chỉ biến mất khi ra khỏi nòng súng và xuất hiện nằm gọn trong túi áo mặc bên trong của ông huyện trưởng. Đó là điều hướng dẫn khoa học cần nghiên cứu lại về sự “ngụy biện” của Zénon, triết gia Hi Lạp cổ đại. Lý thuyết của ông ta không phải hoàn toàn ngụy biện đâu. Muốn hiểu rõ, xin xem bài :

CÓ PHẢI ZÉNON (ZENO) NGỤY BIỆN KHÔNG ?

8/ Hiện tượng giam hãm (confinement) chính là do tâm cố chấp

Hiện tượng giam hãm là việc 3 hạt quark bị giam hãm gần như vĩnh viễn trong hạt proton và hạt neutron. Theo Phật pháp, hiện tượng đó có nguồn gốc là tâm cố chấp của chúng sinh. Tại sao tôi nói như vậy ? Vì có sự tương đồng giữa Vật và Tâm, tâm cố chấp thì được vật hóa bằng hiện tượng giam hãm. Có gì chứng minh ? Khoa học nói rằng muốn phá vỡ hiện tượng giam hãm, phải cần tới một lực vô hạn nên khoa học đành bó tay không thể làm được. Thế nhưng tâm niệm của con người lại làm được vì tâm có năng lực vô hạn. Điều gì chứng tỏ ? Hầu Hi Quý có thể dùng tâm niệm khống chế được viên đạn. Trương Bảo Thắng đã dùng tâm niệm lấy một quả táo ra khỏi chiếc thùng sắt bị hàn kín trong cuộc biểu diễn lớn tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh năm 1982.

TRƯƠNG BẢO THẮNG – LẤY TRÁI TÁO RA KHỎI THÙNG SẮT BỊ HÀN KÍN

Anh ta làm được như vậy vì đã phá vỡ được hiện tượng giam hãm, biến một quả táo trong thùng và cái vỏ thùng sắt thành tánh không, đưa quả táo ra ngoài bằng tâm niệm và phục nguyên hiện trạng nhưng có một thay đổi. Khi đó một quả táo đã ra ngoài, trong thùng vẫn còn một quả táo vì anh ta không xử lý nó. Anh ta không biết gì về cấu trúc nguyên tử của vật chất, nhưng tâm lực của anh ta đủ mạnh để làm được điều mà khoa học bó tay. Việc làm của Trương Bảo Thắng chứng tỏ rằng vật chất chỉ là ảo. Các cấu trúc của vật chất từ proton, neutron cho đến nguyên tử, phân tử, 4 lực cơ bản chỉ là ảo giác của khoa học chứ không phải thật. Từ hơn 2500 năm trước, Phật giáo đã nói tới tánh không của vật chất, của vạn pháp, (Sắc bất dị Không, Sắc tức thị Không…Bát Nhã Tâm Kinh) không phải là nói suông không có cơ sở.

Nếu phá được tâm cố chấp thì thần thông sẵn đủ. Thích Ca và các đệ tử của Phật như Mục Kiền Liên từng biểu diễn thần thông, chẳng hạn Thích Ca đã lên trời Đao Lợi tại Sankasya (Tăng Già Thi僧伽施) để thuyết pháp cho bà mẹ là hoàng hậu Ma Gia đã qua đời khi mới sanh Thích Ca. Nhưng Thích Ca thường cấm đệ tử biểu diễn thần thông vì thần thông không phải là cứu cánh của Đạo Phật, trái lại có thể khiến họ đi lạc đường.

9/Các lý thuyết lượng tử không những có giá trị trong thế giới vi mô mà cũng đúng trong thế giới đời thường. 

Nhà khoa học Trương Văn Tân trong bài báo đăng trên Vietsciences ngày 11/03/2006 nhan đề “Cảm tưởng về quyển The Quantum and The Lotus” (The Quantum and The Lotus là một bản dịch tiếng Anh có sửa đổi của quyển L’Infini dans la paume de la main – du Big Bang à l’éveil, tên đầy đủ của bản dịch là  A Journey To The Frontiers Where Science and Buddhism Meet: The Quantum and the Lotus, xuất bản tại Mỹ năm 2001), có đưa ra nhận xét như sau :

“Trong thế giới vĩ mô (macrocosm), nguyên lý bất định Heisenberg mất ý nghĩa. Khác với những vật cực nhỏ mà vị trí của nó dựa vào tính xác suất ở nhiều nơi A, B, C…. khác nhau, một vật to như cái bàn không thể lúc thì ở trong phòng học lúc thì tự động nhảy vào nhà bếp hoặc “rong chơi” ngoài sân. Cái bàn trong phòng học sẽ mãi mãi ở đúng vị trí của nó trừ khi ta phải xê dịch. Như vậy, trong thế giới vật lý vĩ mô khác vi mô.”

Điều mà ông Trương Văn Tân không ngờ là cái bàn cũng hành xử giống như photon trong nhân thể đặc dị công năng. Hạt photon dễ dàng bị ý thức của người quan sát làm thay đổi vị trí vì hạt photon không có khối lượng, nó không có quán tính hay sức ỳ, trong khi cái bàn có khối lượng, có quán tính khá lớn nên ý thức của người bình thường khó làm cho nó di động, nhưng nếu nói ý thức hay tâm niệm hoàn toàn không  thể làm cho nó di chuyển là không đúng. Ý thức không đủ sức mạnh nhưng tiềm thức hay a-lại-ya thức thì có thể làm được khi người ta làm chủ được nó. Hãy xem biểu diễn của Hầu Hi Quý.

Đó là một ngày mùa xuân rộn rịp năm 1991, Hầu Hi Quý đi chúc tết ông Lý Gia Thành, chủ khách sau một hồi hàn huyên thăm hỏi, bèn nói chuyện một cách thoải mái không có gì câu thúc.

“Đã sớm nghe đại danh của Hầu tiên sinh, hôm nay mới gặp, quả nhiên là tướng mạo đường đường.” Lý Gia Thành ngồi trên sofa, cúi mình cười nói, “nhưng công phu phi phàm của ông, tôi chưa được xem qua, chẳng hay ông có vui lòng cho xem không ?”

Hầu Hi Quý cũng cúi mình, nói : “Không biết Lý tiên sinh muốn xem loại công phu nào ?”

“Ở đây tôi có 4 tách trà cao cấp do Cảnh Đức Trấn sản xuất, nếu như ông có thể biến chúng thành 8 tách với cùng phẩm chất, cùng màu sắc hoa văn, cùng tạo hình, tôi thật sự bội phục ông.”

Hầu Hi Quý mỉm cười, nói : “Điều đó không khó, nhưng tôi có điều kiện, quê hương của tôi mong mỏi tôi quyên góp cho họ chút tiền để xây dựng, mà tôi không có, nếu ông đồng ý giúp tôi việc đó, tôi nhất định sẽ biến cho ông xem.”

“Được, được,” ông Lý Gia Thành mỉm cười gật đầu, nói “Cái đó đương nhiên.”

Thế rồi Hầu Hi Quý đứng dậy, hỏi mượn chủ nhân một tấm vải đen, đem che lại 4 tách trà trên bàn, phủ kỹ lưỡng ở 4 góc bàn. Sau đó trên mặt Hầu Hi Quý lộ vẻ nghiêm trang, ngưng mâu trong chốc lát, môi miệng mấp máy vài lần, rồi hét lên một tiếng “đến”, xong dỡ mạnh tấm vải đen, 4 tách trà bây giờ đã biến thành 8 tách, mỗi mỗi đều tinh xảo, hoa văn tươi đẹp, xếp hàng ngay ngắn giữa bàn.

Ông Lý Gia Thành không nghi ngờ, bước đến gần, cầm từng tách trà lên xem kỹ, không thể phân biệt được chân giả, ngụy liệt, bất giác kêu lên “Bội phục”

“Tôi có một thỉnh cầu hơi bất thường, không biết Hầu tiên sinh có đáp ứng không ?” Lý Gia Thành muốn thử xem công phu của Hầu Hi Quý cao thấp, nên bỗng nhiên phát sinh chủ ý, ông nói với Hầu Hi Quý, “Ông đã từng đến nhà tôi ăn cơm, chắc còn nhớ trong phòng ăn của tôi có một cái bàn được bao bọc bằng vàng. Nếu như ông có thể đem cái bàn bọc vàng đó đến phòng làm việc của tôi, thì thật là thần diệu đó.”

Hầu Hi Quý nhướng mày hai cái, ông biết cái bàn bọc vàng đó rất nặng, “di chuyển” nó đi hao phí công phu rất lớn, nhưng để cho ông Lý chân thành kính phục, ông đáp ứng. Hầu Hi Quý yêu cầu ông Lý cung cấp tấm drap giường, lập tức có người đi ra giao cho ông. Ông trải tấm drap dưới đất, kéo cho bằng phẳng, sau đó cởi áo ngoài, mặt hướng về phía cửa, đứng ngưng thần, thời gian chốc lát, chỉ thấy bụng của Hầu Hi Quý từ từ hóp vào, mặt đỏ lên, tiếp đó liên tiếp kêu to : “bàn vàng mau đến! bàn vàng mau đến !” Năm ba phút trôi qua, tấm drap dưới đất bỗng đột ngột nổi lên, lúc kéo tấm drap ra, cái bàn vàng to lớn với ánh vàng óng ánh đã ở đó.

Ông Lý Gia Thành kinh ngạc chưa từng thấy, mắt trừng trừng nhìn cái bàn bọc vàng như muốn chứng thực rằng đây không phải là huyễn ảnh mà là sự thật sống động.

Lúc nhìn Hầu Hi Quý, thấy mồ hôi đầm đìa, mắt lờ đờ, ho nhẹ một tiếng, miệng thổ ra hai búng máu tươi.

Lý Gia Thành nghe tiếng kinh hô, bèn sực tỉnh, thấy Hầu Hi Quý miệng thổ máu tươi, cuống lên, vội kêu người đưa Hầu Hi Quý vào bệnh viện.

“Không cần phải khẩn cấp, không cần phải khẩn cấp.” Hầu Hi Quý xua xua bàn tay to lớn của mình, đặt mông ngồi xuống sofa, nói, “ Lý tiên sinh muốn tôi làm, tôi không thể không làm…có hơi mệt một chút, sẽ khỏe ngay thôi, không cần khẩn cấp.”

Ông Lý Gia Thành lắc đầu nhè nhẹ tỏ vẻ áy náy, cầm bút lên, lập tức ký một tờ chi phiếu 100 vạn nhân dân tệ tặng cho Hầu Hi Quý, rồi cùng với Hầu Hi Quý tay khoác tay chụp hình để ghi nhớ kỷ niệm.  

HHQ-LyGiaThanh copy

Ông Lý Gia Thành (Li Kashing) và Hầu Hi Quý

Nếu không tận mắt chứng kiến công phu thần kỳ của Hầu Hi Quý, ông Lý Gia Thành không có lý do gì để tặng ông 100 vạn (một triệu) nhân dân tệ và còn khoác tay chụp hình một cách rất thân mật.

Không công nhận biểu diễn của Hầu Hi Quý hay cho rằng đó chỉ là chuyện bịa, là thái độ thiếu trách nhiệm đối với khoa học. Nhà khoa học chân chính không được phép bỏ qua hiện tượng này. Hầu Hi Quý đích thực là đã dùng ý niệm để di chuyển cái bàn bọc vàng từ nhà ông Lý Gia Thành đến văn phòng làm việc của ông. Ai nghi ngờ thì cứ đến hỏi ông Lý Gia Thành (Li Ka-shing). Khả năng của Hầu Hi Quý còn xa mới bằng một vị A La Hán, vì vậy khi vào chùa gặp các tượng A La Hán, ông sụp lạy, ngũ thể đầu địa vô cùng tôn kính, mà A La Hán thì còn xa mới bằng được Bồ Tát và Phật. Thế nên muốn dùng tâm lực để di chuyển cái bàn bằng vàng, Hầu Hi Quý phải cố gắng quá sức đến mức thổ huyết. Đối với Phật A Di Đà, thì việc dùng tâm lực tạo ra cả một cõi giới Tây phương Cực lạc vô cùng rộng lớn, là việc hoàn toàn có khả năng làm được.

Các vật thể trong thế giới đời thường cũng hành xử giống y như lượng tử, nhưng đòi hỏi tâm lực mạnh hơn rất nhiều. Ý thức của người bình thường không có khả năng tác động, chứ không phải vật thể hoàn toàn khác với lượng tử. Áo ngực và áo lót của nữ ảo thuật gia nước ngoài đang mặc trong người, vẫn có thể tùy tiện bay vào tay của Trương Bảo Thắng. Đặc dị công năng cho thấy có rất nhiều trường hợp như vậy. Đó là điều mà Phật giáo có thể hướng dẫn cho khoa học hiểu rõ hơn là lượng tử và vật thể không hoàn toàn khác biệt.

Các nhà khoa học hoặc triết học có lập trường trái với Phật giáo như Einstein, Feynman hay Karl Marx cuối cùng đều bộc lộ sai lầm. Tại sao như vậy ? Bởi vì người sáng lập Phật giáo đã chứng Anuttara Samyak Sambodhi (Vô thượng chánh đẳng chánh giác) còn những người kia thì chưa.

Tóm lại Phật giáo có rất nhiều vi diệu pháp còn gọi là thắng nghĩa đế, có thể hướng dẫn cho chúng sinh kể cả các nhà khoa học, chẳng những về mặt tu tập để mưu cầu hạnh phúc đích thực cho bản thân mình và xã hội, mà còn có khả năng hướng dẫn về những nguyên lý sâu xa nhất, những sự thật ẩn kín nhất mà ngay cả các khoa học gia thế kỷ 21 vẫn còn nhiều điều chưa hiểu thấu.

Truyền Bình

Advertisement

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Bài viết. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

15 Responses to THÔNG ĐIỆP CỦA PHẬT GIÁO

  1. Cầu Đạo nói:

    Xin hỏi BBT Duy lực thiền;
    A-nan là tổ thứ 2 của Thiền tông, vậy a-nan kiến tánh khi nào?
    Ở kinh Lăng nghiêm, Phật có giảng cho a-nan về tánh thấy, khi đó A-nan nghe được kiến tánh hay là chỉ được kiến giải văn tự chữ nghĩa?

    • Lúc Phật giảng kinh Lăng Nghiêm cho A Nan về tánh thấy thì A Nan cũng chỉ mới giải ngộ thôi chứ chưa kiến tánh. Sau khi Phật nhập Niết Bàn, hỏa táng xong, khoảng ba tháng sau, Ma Ha Ca Diếp chủ trì cuộc Kết tập kinh điển lần thứ nhất, mời 500 vị A La Hán tham dự, tổ chức tại một hang đá của thành Vương Xá (Rajagaha nay thuộc bang Bihar). Cửa hang đóng kín, chỉ có A La Hán mới có khả năng vào được trong hang. A Nan rất lo lắng vì nếu chưa chứng quả thì không tham dự được, nên đêm hôm trước ngày kết tập đã nỗ lực thiền định và kịp chứng quả A La Hán, kiến tánh, tự bay vào trong hang trước giờ khai mạc. Khoảng 20 sau khi Phật nhập diệt, Ma Ha Ca Diếp truyền pháp cho A Nan làm Tổ thứ hai của Thiền tông Ấn Độ.

      • tkhoangnt nói:

        Mình lại nghĩ A Nan ngộ được qua công án này:
        “Ngài A Nan hỏi ngài Ca Diếp:
        – Ngoài bộ y vàng, thế tôn còn truyền gì cho ngài nữa?
        Ca Diếp gọi:
        – A Nan!
        A Nan:
        – Dạ.
        Ca Diếp nói:
        – Hãy lật ngược cây sát can ngoài cửa.”
        Cây sát can: Cây trụ cờ ở trước chùa, mỗi khi có lễ hay có thuyết pháp thì kéo cờ lên để chúng biết mà tụ hội.
        …………..
        Còn đêm kiết tập kinh điển lần thứ nhất thì A Nan chỉ mới chứng A La Hán thôi chứ chưa kiến tánh!

      • Vâng, cám ơn bạn. Mình cũng không biết chắc A Nan kiến tánh lúc nào. Nhưng khoảng 20 năm sau khi Phật nhập diệt thì A Nan được Ma Ha Ca Diếp truyền pháp làm Tổ thứ hai của Thiền tông Ấn Độ, ắt hẳn là A Nan phải kiến tánh trước đó rồi.

  2. Gặp được blog này nhiều bài hay đáo để.
    Xem qua phim hoạt hình thấy nói là Phật đi qua 4 cổng thành thấy sinh lão bệnh tử, nên đi tu hành giải thoát sinh lão bệnh tử. Nghe nói Phật đã giác ngộ rồi sao lại vẫn lão bệnh tử vậy (hình như thọ 80 thì phải)
    Con người ta sinh ra sống trên đời rồi mà lại lo tu giải thoát, nếu thế chi bằng đừng sinh ra trên đời này thì đỡ phải lo giải thoát. Thời nay có rất nhiều biện pháp tránh thai, nếu vậy đừng sinh tồn nòi giống nữa, triệt sản nhân loại đi, đỡ phải tu hành mệt nhọc rồi vẫn phải chết. Thời xưa chưa phát minh ra biện pháp tránh thai thì đành phải mang thai chứ! Dân số bây giờ đã 6-7 tỉ rồi, đến lúc cạn kiệt tài nguyên thì chém giết nhau để tranh miếng ăn. Chi bằng ai sống hết đời người đó, thích quan hệ tình dục thì cứ thoải mái, nhưng có điều hãy dùng bao cao su.

    Sinh ra con cháu chúng ta thì phải nghĩ là chúng cũng phải sinh lão bệnh tử chứ, nếu còn mãi mãi thì đã đành, nếu vậy khác nào làm khổ chúng.

    • Bạn phải hiểu Phật giáo nói rằng thế gian chỉ là ảo, không phải có thật. Giác ngộ là thấy được, chứng được tính chất ảo hóa của thế gian. Tu hành giải thoát là ngộ được bản chất không thật của thế gian, của sinh tử, chứ không phải luân hồi là có thật, giải thoát là ra khỏi luân hồi. Ai cũng tưởng, tin chắc 100% cảnh thế gian là có thật, không hiểu rằng đó chỉ là cảnh ảo. Chính vì sự khó hiểu khó tin như vậy nên trong kinh mới có thuật ngữ bất khả tư nghị. Mục đích của blog này là nhằm diễn giải cho rõ ràng cái bất khả tư nghị đó. Đức Phật cũng già cũng bệnh cũng chết, đó là thị hiện cho người đời thấy sự vô thường. Chứ đệ tử của Phật là Ma Ha Ca Diếp, Tổ thứ nhất của Thiền tông Ấn Độ hiện nay vẫn còn sống, đang nhập định trong một tảng đá tại núi Kê Túc, Ấn Độ. Đầu thế kỷ 20, một tiến sĩ triết học người Anh là Bá Khắc Sâm có gặp Ma Ha Ca Diếp.

  3. Đa tạ đã chỉ giáo!
    Xem 1 số bài viết thấy tác giả nói Luật nhân quả là biểu hiện giống như lực và phản lực trong vật lý học. So sánh như vậy nghe có vẻ không thuyết phục lắm, các định luật nhân quả trong tự nhiên thì còn thí nghiệm kiểm chứng được chứ còn nhân quả kiếp trước, kiếp sau chẳng thấy đâu, chỉ biết chết xong là chẳng thấy gì nữa.
    Chẳng hạn vụ va chạm giao thông, thì vị trí, tốc độ, lực…. tuân theo quy luật nhân quả động lực học vật lý thì tôi tin chứ nhân quả kiếp trước kiếp sau tôi chẳng thấy đâu cả.
    Theo thuyết ái thủ ở kiếp này dẫn đến tái sanh ở kiếp sau, tôi cũng thấy chưa thuyết phục lắm.
    Các bài tác giả viết chứng tỏ thế giới là ảo thì tôi thấy rất thuyết phục, nhưng vấn đề có kiếp trước kiếp sau tôi thấy chưa rõ ràng. Rất mong tác giả viết thêm 1 bài nói rõ ràng về nhân quả, kiếp trước, kiếp sau.
    Tôi băn khoăn không biết có địa ngục không, thấy chỗ khác nói 18 tầng địa ngục là 6 căn+6 trần+6 thức, địa ngục chỉ là cảm giác tham, sân, si chứ địa ngục không có thật. Xin tác giả nói thẳng là có địa ngục không (tất nhiên mọi thứ đều là ảo, nhưng tôi muốn hỏi là có thật trong ảo không)( ý tôi là có thiêu đốt, chảo dầu, vạc lửa không hay đơn thuần chỉ là cảm giác tham, sân, si.

    • Trong vũ trụ có quy luật đối xứng, biểu hiện ra thành cặp phạm trù mâu thuẫn, tức có sáng thì có tối, có vật chất thì có phản vật chất, có electron thì có positon. Tôi tin rằng trong thế giới vô hình cũng vậy, có ta thì có người khác, có nghiệp thì có phản nghiệp. Người phàm không thấy rõ nghiệp và phản nghiệp liên quan nhau như thế nào, nhưng bậc giác ngộ như Đức Phật thì thấy được và giảng giải trong kinh đó là luật Nhân Quả. Địa ngục thì cũng giống như thế gian, người giác ngộ thì biết thế gian là ảo, còn người mê thì thấy thế gian là thật. Người giác ngộ biết Địa ngục cũng ảo như thế gian, nhưng người mê thì thấy địa ngục có thật giống như họ thấy thế gian là có thật. Tất cả mọi cái thấy đều do tâm, do nghiệp tạo ra. Nghiệp là một thứ tập quán nhận thức mà kinh gọi là tập khí. Chính do cái tập khí này mà thấy có thế gian, có thiên đường, có địa ngục, tất cả chỉ là tưởng tượng mà kinh gọi là thế lưu bố tưởng. Nếu quét sạch tập khí, ngừng tưởng tượng thì chỉ còn tánh không mà thôi. Nên nhớ tưởng tượng không phải chỉ có ý thức mà cả 8 thức.

  4. Đạo Phật hay nói Sắc là Không.
    Có phải
    Sắc = vật chất
    Không = năng lượng.

    • Sắc là vật chất thì đúng. Còn Không không phải là năng lượng nếu hiểu năng lượng cũng là một dạng vật chất dù năng lượng có thể là vô hình như động năng, thế năng. Không trong Bát Nhã Tâm Kinh là tánh Không, nó không phải là cái gì cả, không có nghĩa lý gì cả. Nhưng Không cũng không khác với Sắc, nên cho nó là năng lượng cũng không sai. Tóm lại Không cũng là Phật tánh, cũng là Tâm, cũng là 8 thức, cũng là vật chất, cũng là năng lượng.

  5. Tui thấy Đạo Phật bây giờ phần lớn toàn lý thuyết xuông, cả thế giới này cũng chẳng có mấy ai chứng Sơ Thiền (mà có khi chẳng 1 ai ấy chứ). Không biết thời hiện đại có vị A-la-hán nào không nhỉ (không tính Ma-ha Ca-diếp). Bây giờ tôi muốn thực hành chứng Sơ Thiền, xin Thầy chỉ cách? Sơ Thiền là thấp nhất mà không chứng được thì chẳng làm ăn gì cả! Còn tu theo Thầy Duy Lực thì khó quá, tui không theo nổi. Bây giờ muốn chứng Sơ Thiền thì thực hành ra sao?

  6. Nói hay đến mấy cũng không bằng chứng Sơ Thiền! Mong Thầy chỉ dạy chi li từng bước, tui tin rằng cố gắng công phu cả đời thì tui sẽ chứng được Sơ Thiền.

    • Tham thiền có hai phương pháp. Một là Như Lai Thiền tức là thiền quán, dùng cái biết của tâm thức để tu. Hai là Tổ Sư Thiền, dùng cái không biết để tu, đó là phương pháp tham thoại đầu của thiền sư Lai Quả thực hành rất nghiêm túc tại chùa Cao Mân, Trung Quốc mà thiền sư Duy Lực cũng đã hướng dẫn rất nhiều. Trong thời hiện đại, sau Hư Vân, Lai Quả và một ông tăng làm đường ở Vân Nam, tôi biết còn một người kiến tánh là thiền sư Nguyệt Khê ở Hong Kong, tịch năm 1965. Còn người chứng quả A La Hán hoặc thấp hơn thì tôi biết có hai người. Một là Hầu Hi Quý sinh năm 1946 tại huyện Hán Thọ tỉnh Hồ Nam, TQ, đã qua đời năm 2007. Hai là Trương Bảo Thắng sinh năm 1958 tại Nam Kinh nhưng thời thơ ấu sống tại thành phố Bổn Khê tỉnh Liêu Ninh, hiện còn sống tại Bắc Kinh. Nếu bạn không muốn tham thoại đầu thì chỉ có cách dùng Thiền quán. Bạn muốn chứng Sơ Thiền ư ? Đó là mức định đầu tiên của Tứ Thiền định và nếu tu thành công thì sẽ được tái sinh vào cõi trời Sơ Thiền là cõi trời thấp nhất thuộc Sắc giới. Trước hết bạn phải hiểu Tam giới duy tâm. Các cõi giới dù là Dục giới, Sắc giới hay Vô Sắc giới đều là do tâm tạo. Vì có nhiều chúng sinh cùng cộng nghiệp Sơ Thiền nên họ tạo ra cõi trời Sơ Thiền. Thú thật là tôi không thể hướng dẫn bạn tu tập để chứng Sơ Thiền bởi vì tôi không tu pháp môn đó.

  7. than va tam deu huyen …..tanh khong lai khong phai la huyen ….bat kha tu nghi thay vo sanh phap nhan …..cung khap khong gian …cung khap thoi gian ……cam on trang web da co nhieu bai viet lam sang to phat giao …thien …khoa hoc ….

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s