NGŨ THỪA PHẬT GIÁO và TRƯỜNG A-LẠI-DA THỨC

Phật giáo là đạo giác ngộ, mục đích của nó là hướng dẫn con người đi đến giác ngộ giải thoát. Thế nào là giác ngộ giải thoát ? Là không còn bị qui định bởi tri kiến sai lầm (tà kiến), không còn đau khổ vì sinh lão bệnh tử, vì thiên tai nhân họa; làm chủ được số phận của mình, không bị trôi lăn trong 6 nẻo luân hồi, nghĩa là sinh tử tự do, không bị sức mạnh nào trói buộc, cường quyền bạo chúa cũng chẳng làm gì được mình.
Có nhiều câu chuyện về thiền sư hoặc cư sĩ kiến tánh muốn tịch lúc nào cũng được, không ai khuất phục được. Có những câu chuyện kể rằng :
1194 Thiền sư kiến tánh sinh tử tự do, không sợ uy quyền của vua
1128 Người tại gia cũng có thể kiến tánh- Kể chuyện gia đình Bàng Uẩn
Phật giáo có những nét đặc trưng riêng mà dựa vào đó để phân biệt với ngoại đạo. Những nét riêng đó gọi là Tam pháp ấn gồm : VÔ THƯỜNG (Anitya – 無常), KHỔ ( Dukkha – 苦) và VÔ NGÃ ( 無我).
Tam giới đều vô thường nghĩa là tam giới luôn biến dịch không có gì tồn tại mãi mãi, mặt khác vô thường còn có nghĩa là bất định, tức là sự vật biến đổi không phải theo một qui tắc nhất định mà có thể ngẫu nhiên, giống như con xúc xắc, khi lắc nó không nhất định phải hiện ra mặt nào. Tính bất định này đã được Heisenberg nêu lên thành nguyên lý bất định (principle of uncertainty) vào năm 1927.
Theo quan điểm của Phật giáo thì Tam giới là khổ, do tính chất vô thường dù cho các cõi trời hay cõi tiên vui nhiều khổ ít, nó vẫn có cái khổ nhàm chán, phiền não, không làm chủ được số phận, không làm chủ được tâm.
Các pháp (sự vật tâm lý và vật lý) đều vô ngã tức không có tự tính, chỉ là mối quan hệ nhân duyên, cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt. Thí nghiệm của Alain Aspect năm 1982 tại Paris về photon và electron đã bác bỏ tính hiện thực (realism) và tính định xứ (locality) của hạt vật chất cơ bản (primary particles) mà Einstein và hai đồng sự Podolsky và Rosen nêu ra trong giả thuyết EPR. Tính phi hiện thực của hạt cơ bản tương ứng với lý pháp vô tự tính của PG. Tính bất định xứ của hạt tương ứng với lý Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm của Kinh Kim Cang. Nó chứng minh rằng hạt photon hoặc hạt electron không có tự tính, các số đo đặc trưng của chúng chỉ xuất hiện khi có người hoặc thiết bị đo đạc chúng. Thí nghiệm Hai Khe Hở của các nhà vật lý chứng tỏ khi bị quan sát hay bị đo đạc, sóng đã tự động biến thành hạt, vậy những số đo của hạt như số pin, khối lượng, vị trí, xung lượng, đều chỉ là ảo tưởng mà người khảo sát gán cho vật, chứ vật chỉ là ảo, không có thực thể.
Double Split Experiment – Thí Ngiệm Hai Khe Hở – Phụ đề Việt ngữ
Điều đó chứng tỏ tính vô ngã của hạt cơ bản, cũng có nghĩa những sự vật phức tạp như con người cũng vô ngã. Hạt bất định xứ, ví dụ một hạt photon có thể xuất hiện đồng thời ở 100.000 vị trí khác nhau (trong thí nghiệm của Maria Chekhova năm 2012) hay nhiều hơn nữa, chứng tỏ tâm không có chỗ trụ vì vật cũng tức là tâm.
Tiến sĩ Amit Goswami nói rằng ngày nay vật lý lượng tử đã hiểu rõ như ban ngày rằng vật chất chỉ là toàn ảnh, tức ảo ảnh trong không gian ba chiều, được phóng hiện từ kho chứa hai chiều, đó là một miền tần số vô hình không nằm trong không gian và thời gian. Nếu đối chiếu với Duy Thức học Phật giáo thì miền tần số đó chính là A-lại-da thức

Tien si Amit Goswami noi ve Vu Tru

Một điều khó hiểu nữa là ý thức của chúng ta dường như phụ thuộc vào một cái « thức » nào đó từ Trường tần số mà não tiếp nhận trước rồi nó mới hình thành cái ý thức của chúng ta, chậm hơn tới 6 giây mà thí nghiệm sau đây đã chứng tỏ.

Não phản ánh Tâm đã quyết định trước Ý thức 6 giây

Vậy một cá thể như con người được Duy Thức học Phật giáo hình dung như thế nào ? Duy Thức học diễn tả con người là Mạt-na thức (Manas). Ngày nay chúng ta đã có phương tiện để mô tả manas một cách rõ ràng hơn. Duy Thức mô tả Tam giới là sự phóng hiện của A-lại-da (Alaya) thức. Chúng ta có thể hình dung Alaya là internet, một kho chứa dữ liệu (data) không lồ của cả nhân loại. Các nhà vật lý lượng tử gọi nó là Trường Thống nhất hay chỉ gọi tắt là Trường. Còn manas là một ổ đĩa cứng trong computer tương ứng với một cá nhân. Đĩa cứng vẫn có đầy đủ các softwares cơ bản như các drivers tương thích với video card, sound card, bộ nhớ RAM để hiển thị hình ảnh, chữ viết, video trên màn hình vi tính, hiển thị âm thanh ra các thiết bị ngoại vi, nhờ vào khả năng xử lý của con chip CPU (Central Processing Unit = bộ xử lý trung tâm) tương tự như bộ não của con người. Nhưng dữ liệu của một ổ đĩa cứng rất hạn chế, tương ứng với sự hạn chế của một cá nhân. Đĩa cứng có thể tải (download) dữ liệu từ internet xuống để làm dữ liệu riêng của mình. Nó cũng có thể tải lên (upload) dữ liệu riêng của mình để góp phần phong phú cho internet như chúng ta vẫn thường tải các video của mình lên Youtube chẳng hạn. Dữ liệu của một ổ đĩa cứng cũng chẳng khác gì dữ liệu của internet, nhưng khi đã vào đĩa cứng thì hệ điều hành của nó (tương ứng với ý thức của cá nhân) coi dữ liệu đó là sở hữu của mình và luôn luôn bảo vệ chúng, chống lại sự can thiệp của bên ngoài. Cơ chế đó rất giống sự chấp ngã của manas.
Như thế, một ổ đĩa cứng mới, copy dữ liệu từ internet và cài đặt hệ điều hành cho riêng mình tương đồng với một cá nhân được sinh ra, bị ảnh hưởng bởi xã hội và hoàn cảnh chung quanh, nó lấy dữ liệu từ xã hội và từ quá khứ (tương ứng với dữ liệu trong ổ đĩa cũ trước đó) để hình thành nên cái ngã của mình. Như vậy cái ngã đó chỉ là sự giả lập chứ không có thật. Cái ngã đó chỉ là sự giả hợp của các thành tố vô ngã khác.
Tam pháp ấn là dấu ấn của Phật giáo in trên đời sống xã hội của nhân loại trên quả địa cầu, đem lại sự an tâm vững chắc cho những ai giác ngộ. Giác ngộ cũng có nhiều mức độ, PG chia làm 5 mức độ gọi là ngũ thừa : Nhân, Thiên, Thanh Văn- Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Trong cách phân chia này, tôi tách Phật thừa làm một thừa riêng coi là tối thượng thừa, không còn phân biệt nhị nguyên. Từ Bồ Tát thừa trở xuống vẫn còn phân biệt thiện ác, tốt xấu. Thanh Văn, Duyên Giác được xếp chung một thừa. Sự phân chia này đứng trên quan điểm vật lý học chứ không phải toán học, nghĩa là có tính tương đối. Với toán học, không có con số nhỏ nhất, cũng không có con số lớn nhất. Nhưng với vật lý học thì có. Con số nhỏ nhất của vật lý học về không gian, đó là bức tường Planck, nơi không gian thu nhỏ chỉ còn là một điểm, bằng 10-33 (mười lũy thừa âm 33) cm, thời gian ngắn nhất chỉ còn là một sát na, bằng 10-43 (mười lũy thừa âm 43) giây. Con số lớn nhất của vật lý về không gian là 93 tỉ năm ánh sáng, đó là đường kính của vũ trụ. Con số lớn nhất của vật lý về thời gian là 13,8 tỉ năm, đó là thời gian khởi đầu từ vụ nổ Big Bang cho tới nay. Vì vũ trụ đang giãn nở và thời gian còn kéo dài nên các con số lớn nhất này cũng đang từ từ thay đổi. Ngoài các con số vật lý nhỏ nhất và lớn nhất, thì chỉ là các con số toán học vô nghĩa, nó vô nghĩa bởi vì nó không tương ứng với bất cứ thực thể vật chất nào theo quan niệm của con người. Tương tự như vậy, sự phân chia ngũ thừa Phật giáo là theo quan điểm tương đối của vật lý học, tức là theo tâm niệm của con người mà thôi.
I. Nhân Thừa : tu theo nhận thức phổ biến của thế gian là làm lành, lánh dữ, giữ gìn 5 giới : không sát sinh hại vật, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối hại người, không rượu chè ma túy. Đây là cách tu của hàng cư sĩ tại gia, có thể vẫn còn quan hệ vợ chồng, có con cái. Ngoài ngũ giới, còn có tam quy hay quy y Tam bảo : Phật, Pháp, Tăng. Tức là đem thân tâm của mình nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng để tu tập. Kết quả là được tiếp tục làm người ở kiếp sau.
II. Thiên Thừa : cách tu này hướng tới cõi trời. Cõi trời có thọ mạng lâu dài, cảnh giới tốt đẹp hơn cõi thế gian. Tu theo Thập thiện để đạt kết quả là kiếp sau được sinh ra ở cõi trời. Thập thiện là ngoài Ngũ giới của nhân thừa còn bao gồm 5 điều thiện khác : bố thí; buông bỏ các tập khí tham sân si; không tạo khẩu nghiệp tức là không chửi bới, nói những lời hung ác; không âm mưu hại người lợi mình; buông bỏ tà kiến tức là những tri kiến không đúng.
III. Thanh Văn, Duyên Giác Thừa聲聞, 緣覺乘, sa. śrāvakayāna.

Những người tu theo Tứ Diệu Đế có thể thành tựu Thanh Văn với 4 mức độ (quả vị) khác nhau :
1. Sơ quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti) : Hán dịch là Nhập lưu tức là bước vào hàng ngũ thánh khi phá được 3 món kiết sử (Samyojanas) Tà kiến (Ditthi), Giới cấm thủ (戒禁取Silabbata-paramasa = không cố tâm khư khư giữ giới mà vẫn không phạm giới), và Nghi (Vicikiccha). Kiết sử là sự trói buộc không làm chủ được. Tà kiến là cái thấy bị bẻ cong không đúng thực tế. Ví dụ thấy H2O là nước, đó là tà kiến. Thấy H2O là chẳng có gì cả (không) cũng là tà kiến. Thấy H2O là nước nhưng biết đó là ảo hóa và không chấp là thật, đó mới là chánh kiến, cái thấy của bậc thánh, có thế lưu bố tưởng nhưng không có chấp trước tưởng. Sách Ngũ Đăng Hội Nguyên đời Tống có ghi :
「吉州青原惟信禪師,上堂:『老僧三十年前未參禪時,見山是山,見水是水,及至後來,親見知識,有箇入處,見山不是山,見水不是水,而今得箇休歇處,依前見山祇是山,見水祇是水。大眾,這三般見解,是同是別?有人緇素得出,許汝親見老僧。』」
Dịch nghĩa : Thanh Nguyên Duy Tín thiền sư ở Cát Châu thượng đường nói : “Lão tăng 30 năm trước lúc chưa tham thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Về sau gặp thiện tri thức, tự mình cho là, thấy núi không phải là núi, thấy nước không phải là nước. Nhưng nay tự mình đã thôi cho là, thấy núi chỉ là núi như trước, thấy nước chỉ là nước. Này các ngươi, ba giai đoạn kiến giải đó, là giống nhau hay khác nhau ? Nếu có ai muốn biết cho ra lẽ thì hãy tự mình đến gặp lão tăng.
Nghi là hoang mang không biết đâu là thực tướng của sự vật, ngộ thực tướng vô tướng mới hết nghi. Có chánh kiến thì phá được nghi.
2. Nhị quả Tư-đà-hàm (Sakadàgàmì): Hán dịch là Nhất lai tức còn trở lại luân hồi một lần nữa. Chứng được sơ quả rồi tiến tới phá đươc Tham và Sân ở mức thô dù chưa phá hết ở mức vi tế cũng được Phật ấn chứng quả vị thứ hai này.
3. Tam quả A-na-hàm (anàgàmì): Hán dịch là Bất lai tức không còn trở lại luân hồi nữa, quả vị này Phật ấn chứng cho người đã phá sạch Tham và Sân vi tế. Thế nghĩa là ai đã phá hết năm món kiết sử : Tà kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham và Sân thì đạt được quả vị này
4. Tứ quả A-la-hán (阿羅漢Arahanta) : Từ này Hán văn chỉ phiên âm chứ không dịch nghĩa. Ai đã phá sạch được 5 kiết sử và phá được Ngã chấp thì đạt tới quả vị này. A-la-hán đã sử dụng được 5 trong 6 phép thần thông, chỉ còn thiếu Lậu tận thông. Người tu theo Tứ Diệu Đế đạt thành tựu là quả vị A-la-hán, kinh điển đại thừa xếp vào hàng Thanh Văn.
Duyên Giác Thừa (緣覺乘 Pratyekayāna) hay Bích-chi Phật (辟支佛)
Người tu pháp Thập nhị nhân duyên thành tựu thì đạt quả vị Duyên Giác hay Bích Chi Phật. Phép tu này là quán duyên khởi. Duyên khởi của Phật giáo bao gồm cả Vật lý học và Tâm học. Tâm học PG sâu rộng hơn rất nhiều so với Tâm lý học của Phương tây. Tâm lý học tây phương chỉ nghiên cứu hành vi và thái độ của ý thức con người, ngoài ra cũng có nghiên cứu về tiềm thức, nhưng tiềm thức của tâm lý học phương tây mà đại biểu là Freud, chưa phải là A-lại-da thức của Duy Thức, cũng chưa phải là Trường của vật lý lượng tử . Còn Tâm học PG nghiên cứu cả 8 thức, ý thức chỉ là phần rất nhỏ, rất cạn của bát thức. Do đó đặc dị công năng nằm ngoài tâm lý học tây phương, họ xếp nó vào ngoại giác quan nên còn gọi là ngoại cảm. Trong khi PG coi đặc dị công năng là thuộc tính của tâm nên Tâm học PG bao gồm luôn đặc dị công năng mà ngày xưa gọi là thần thông. Tại sao trong PG không có môn vật lý học ? Bởi vì PG là bất nhị, vật chất, kinh điển gọi là sắc hay sắc tướng, cũng là một dạng của tâm. Vậy Tâm học PG bao gồm cả Vật lý học và Tâm lý học, nó rộng lớn hơn Tâm lý học tây phương. Phật giáo nói rõ : Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Tâm lý học phương tây còn hạn hẹp ở chỗ nó chưa thoát ra khỏi quan điểm nhị nguyên, nó vẫn còn cho rằng tâm khác với vật, nên tâm lý học tách rời khỏi vật lý học, trong khi Phật học và Vật lý lượng tử ngày nay bao gồm cả tâm lý học, như Stephen Davis đã trình bày trong loạt video The Holographic Universe (Vũ Trụ Toàn Ảnh).
Thập nhị nhân duyên là 12 mắt xích tạo nên vòng sinh tử luân hồi khép kín trói buộc chúng sinh trong lục đạo (6 đường : trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ và côn trùng (bò, bay, máy, cựa), tứ sinh [4 loài : thai sanh, noãn sanh, thấp sanh (vi trùng) và hóa sanh], tam giới (ba cõi giới : dục giới, sắc giới, vô sắc giới).
Thập nhị nhân duyên bao gồm những gì ?

12nhanduyenC

Sơ đồ thập nhị nhân duyên
THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN PHẬT GIÁO
Hành giả đạt thành tựu trong phép quán tưởng Thập nhị nhân duyên thì đạt quả vị Bích Chi Phật. Quả vị này vẫn còn hạn chế ở chỗ chưa phá hết pháp chấp, chứng được ngũ uẩn giai không, nhưng vẫn còn mơ hồ chưa đạt tới cõi giới bất nhị, chưa chứng được vô sinh pháp nhẫn, chưa tới chỗ vô trụ, tánh không (không có nhân quả), vẫn còn có pháp khả đắc. Bích Chi Phật còn gọi là Độc Giác là người đạt được Phật quả do tự mình chứng ngộ trong thời không có Phật Như Lai. Người ta cho rằng Độc giác Phật không đạt được các năng lực như Nhất thiết trí (sarvajñatā) hay Thập lực (daśabala) của một vị Tam-miệu Tam-bồ-đề (samyak-sambodhi= Vô thượng chánh đẳng chánh giác).
IV. Bồ Tát Thừa菩薩乘 Bồ Tát là viết tắt của Bồ-đề-tát-đóa (菩提薩埵, sa. bodhisattva) nghĩa là giác hữu tình 覺有情: Con đường tu tập này dựa trên 6 pháp ba-la-mật-đa (sa. pāramitā, pi. pāramī, zh. 波羅蜜多). Ba-la-mật-đa nghĩa là đáo bỉ ngạn (đến bờ bên kia) hoặc cứu cánh (perfection). Hành giả Bồ Tát thừa đã phá được ngã chấp và pháp chấp nhưng còn vương vấn không chấp, phải đến địa thứ mười là Pháp vân địa thì mới hoàn toàn vô sở trụ, tương đương với Phật. Sáu ba-la-mật là :
1. Bố Thí : bao gồm ban cho vật thực (tài thí) và ban cho hiểu biết Phật pháp (pháp thí) mà không có ý thức về người cho, người được cho.
2.Trì giới : Hành giả trì Bồ Tát giới gồm rất nhiều giới trong đó chia ra 6 giới trọng và 28 giới khinh (đối với cư sĩ tại gia) hoặc 10 giới trọng và 48 giới khinh (đối với tu sĩ xuất gia). Bồ Tát giới tuân theo nguyên tắc “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (không làm các điều ác, làm các điều thiện)
3.Nhẫn nhục : Hành giả phải hết sức nhẫn nhục, không được nổi giận trong bất cứ tình huống nào, để phá ngã chấp.
4.Tinh tấn : siêng năng, tỉ mỉ, chuyên cần trong mọi công việc.
5. Thiền định : Có nhiều pháp thiền khác nhau nhưng thiền của Bồ Tát là định. Định là chấm dứt tư tưởng, bởi vì tư tưởng là sở tri chướng, là vô minh. Thiền định đưa hành giả đến trạng thái vô tưởng, không còn thế lưu bố tưởng, giống như hồ nước thật yên tĩnh không một gợn sóng, nhìn thấy tận đáy, từ đó Trí huệ hiện ra.
6. Trí huệ : (sa. prajñā-pāramitā, zh 般 若 bát nhã). Trí huệ của Bồ Tát được chia thành 10 cấp gọi là thập địa gồm :
1. Hoan hỉ địa (zh. 歡喜地, sa. pramuditā-bhūmi) : chứng được vô ngã nên Bồ Tát lúc nào cũng hoan hỉ thực hiện lợi sanh (giúp ích cho chúng sinh)
2. Li cấu địa (zh. 離 垢 地, sa. vimalā bhūmi): Bồ Tát đã nhìn thấu cấu trúc nhân duyên của sự vật, biết vật không có thật nên không còn vướng mắc. Li cấu là rời bỏ cấu trúc nhân duyên vì biết là không thật. Trong quyển Duy Ma Cật sở thuyết có đoạn mô tả Thiên nữ rải hoa trời mạn đà la để tán thán Chư vị Bồ Tát và cư sĩ Duy Ma Cật, hoa rơi trúng các vị Bồ Tát thì rơi luôn, còn rơi trúng các đại đệ tử của Phật như A Nan, Xá Lợi Phất thì dính lại, Xá Lợi Phất phủi mãi không được.
“Thấy vậy, Thiên nữ hỏi Xá Lợi Phất:
-Sao ngài phủi hoa đi?
Xá Lợi Phất đáp:
-Hoa này không như pháp nên phải phủi đi.
Thiên nữ nói:
-Đừng bảo hoa này không như pháp. Vì sao? Vì chúng không có gì phân biệt mà chính ngài đang khởi tâm phân biệt. Nếu người xuất gia trong Phật pháp mà còn có cái phân biệt, cái đó mới là không như pháp.”
Vì các Bồ Tát không chấp là có hoa mạn đà la từ trên trời rơi xuống nên hoa không dính vào áo các ngài, các đệ tử của Phật thì còn chấp là có hoa nên hoa vướng mắc vào áo phủi mãi không rớt. Không phải là hoa phân biệt mà vì tâm các vị ấy phân biệt.
3. Phát quang địa (zh. 發光地, sa. prabhākārī bhūmi) : Bồ Tát chứng được vô thường, giải thoát tham sân si, vận dụng được 5 thành phần (thân như ý thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông) trong lục thông. Chỉ còn lậu tận thông là chưa đạt.
4. Diệm huệ địa (zh. 燄慧地, sa. arciṣmatī bhūmi): Bồ Tát đã giải trừ hết tập khí mê lầm. Vận dụng được trí bát nhã và 37 bồ đề phần.
5. Cực nan thắng địa (zh. 極難勝地, sa. sudurjayā bhūmi): Bồ Tát liễu ngộ Tứ diệu đế và chân như . Chứng được Khổ, Tập, Diệt, Đạo đều không có thật. Cái khổ của chúng sinh chỉ là khổ giả vì không có thật, con đường giải thoát cũng chỉ là phương thuốc giả, để trị bệnh giả.
6. Hiện tiền địa (zh. 現前地, sa. abhimukhī bhūmi): Bồ tát liễu ngộ lý duyên khởi hay thập nhị nhân duyên đều không có thật, đó chỉ là lý thuyết dựa trên cơ sở vô minh. Khi phá được vô minh thì lý thuyết đó cũng sụp đổ. Bồ Tát chứng được tánh Không của vạn hữu. Bát nhã ba-la-mật -đa tâm kinh đã nói rõ : “Chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm, thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức , vô nhãn nhĩ tị thiệt thân ý , vô sắc thanh hương vị xúc pháp…”
Dịch nghĩa : Các pháp (vạn sự vạn vật) có bản thể là không, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, như vậy trong cái không, không có vật chất, không có các cảm giác như thọ (tiếp xúc), tưởng (tưởng tượng), hành ( chuyển động, hoạt động), thức (phân biệt), không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác, ý thức, không có các đối tượng của các giác quan là sắc (vật chất), thanh (âm thanh), hương (mùi hương), vị ( vị giác của lưỡi), xúc ( cảm giác của thân thể), pháp ( đối tượng của ý thức)…
Tóm lại thế giới vạn vật chỉ là thế lưu bố tưởng (世流布想 là tưởng tượng bình thường được lưu truyền rộng rãi của thế nhân, chứ không phải chân như.
7. Viễn hành địa (zh. 遠行地, sa. dūraṅgamā bhūmi): Bồ Tát đã thoát khỏi sinh tử luân hồi, nhưng để cứu độ chúng sinh, Bồ Tát có thể tùy nghi đầu thai vào thế gian hoặc địa ngục để giúp chúng sinh giải thoát.
8. Bất động địa (zh. 不動地, sa. acalā bhūmi): Các tập khí vi tế nhất cũng đã giải trừ, không có gì có thể làm xao động được Bồ Tát.
9. Thiện huệ địa (zh. 善慧地, sa. sādhumatī bhūmi): Trí huệ bát nhã viên mãn, Bồ Tát đã thấu suốt mọi lý lẽ, có đủ năng lực và thần thông, đã đủ lục thông, có khả năng thực hiện lý sự vô ngại, sự sự vô ngại (ngày nay gọi là công năng đặc dị, ví dụ đi xuyên qua tường) có khả năng giáo hóa chúng sinh trong tam giới.
10. Pháp vân địa (zh. 法雲地, sa. dharmameghā bhūmi): là thế giới ảo của vạn pháp giống như những đám mây. Bồ Tát đạt Nhất thiết trí (sa. sarvajñatā), có khả năng thực hiện đại hạnh nguyện (cứu độ tất cả chúng sinh). Các Bồ tát đạt tới cấp bậc này có : Di Lặc (sa. Maitreya), Văn Thù Sư Lợi (sa. Mañjuśrī), Quán Thế Âm (sa. Avalokiteśvara), Đại Thế Chí (sa. Mahasthamaprapta).
V. Phật Thừa 佛乘 còn gọi là Tối Thượng Thừa. Hành giả chứng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (Anuttara samyak-sambodhi= Vô thượng chánh đẳng chánh giác). Thấu hết mọi lẽ huyền vi của Tam giới, vận dụng được đầy đủ lục thông. Hoàn toàn phá hết ngã chấp, pháp chấp, không chấp, giác ngộ tánh không của vạn pháp nhưng không rơi vào không chấp.
Các nhà vật lý lượng tử hiện nay đã đặt một chân vào Phật Thừa sau khi đã phát hiện tiếng ồn toàn ảnh của vũ trụ ngày 17-01-2012 do nhóm khoa học gia Anh và Đức làm việc với thiết bị dò sóng hấp dẫn (Gravitational Wave Detector) GEO600 đặt tại phía nam Hanover nước Đức. Họ không phát hiện ra sóng hấp dẫn nhưng phát hiện được một loại sóng âm gây nhiễu cho thiết bị của họ. Sau mấy tháng vò đầu bứt tai mà không hiểu được tại sao, cuối cùng nhà vật lý Mỹ Craig Hogan, giám đốc Trung tâm Vật lý Thiên văn Hạt Fermilab, tìm đến giải thích đó chính là tiếng ồn toàn ảnh, bằng chứng thể hiện vũ trụ là số, là toàn ảnh, là ảo ảnh phóng hiện từ Trường thống nhất, Trường này vô hình, không nằm trong không gian và thời gian, chứa tần số sóng khả năng, tất cả đều chứa sẵn trong đó, vô tận vô biên, không có bắt đầu, không có kết thúc, đó chính là A-lại-da thức nói theo Duy Thức học Phật giáo, là Tâm hay Phật tánh nói theo Đại thừa Phật giáo. Trường thống nhất của Vật lý lượng tử chính là A-lại-da thức của Phật giáo.

Tieng On Toan Anh – Truong Alaya Thuc

Khi hành giả chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì thể nhập vào tự tánh bất nhị, tức là tánh Không của vạn pháp, tuy Không nhưng bao hàm Tam giới, vũ trụ vạn vật, nhân sinh, tất cả mọi cái Có đều ở trong cái Không đó, đều là ảo (Vũ Trụ Toàn Ảnh, Vũ Trụ là Số, Vạn pháp Duy Thức, Tam giới Duy Tâm). Tất cả mọi quả vị đều chỉ là ảo, đều là vô thường, đều bất khả đắc, như bà già kiến tánh đã nói với sư Đức Sơn Tuyên Giám đời Nhà Tống : “Trong kinh Kim Cang có nói ‘Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.’ Vậy thầy muốn điểm tâm nào?”
Thế gian chỉ là hí trường, một cuộc chơi, chúng ta là những người chơi trong Trò chơi Nhân loại. Khổ vui của cuộc đời cũng chỉ là mộng ảo, cần phải hiểu rõ điều đó. Như vậy nếu chúng ta có lỡ rơi vào tình cảnh của những nạn nhân hay thân nhân của chiếc máy bay MH370 của Malaysia rơi xuống giữa Ấn Độ Dương, thì cũng phải sẵn lòng chấp nhận, đó là quy luật của cuộc chơi.

Nguoi choi Tro Choi Nhan Loai co the lam gi ?

Tuy nhiên người chơi cũng có cách để không rơi vào những tình cảnh như vậy nếu chúng ta muốn có những trải nghiệm khác. Những cách thức đó chính là ngũ thừa Phật giáo. Khác với Stephen Davis là người làm ra các video khoa học mà tôi đã trích dẫn, ông ấy cho rằng người chơi không thể làm được gì, không thể quyết định được gì, tất cả đều là do cái Infinite-I (cái Tôi vô hạn) quyết định. Cái Infinite-I chính là Nghiệp trong Phật giáo, nhưng tôi không dịch là Nghiệp mà dịch là Tâm để tổng quát hóa hơn. Nghiệp cũng nằm trong Tâm, Nghiệp là một phần của Tâm liên quan tới Ngã. Nghiệp quá khứ không thể thay đổi, nhưng Nghiệp tương lai có thể thay đổi, chính vì vậy mới có Ngũ thừa Phật giáo để giúp chúng sinh thay đổi vai trò của người chơi, thậm chí thoát ra ngoài không chơi nữa (giác ngộ). Tôi và Tâm tuy hai mà một. Đồng ý với Stephen Davis là chỉ có Tâm mới có đầy đủ sức mạnh và quyết định, nhưng Tôi có thể hội nhập vào Tâm và làm chủ vận mệnh của mình trong vai trò một người chơi (player) đó là trường hợp giác ngộ, kiến tánh, sinh tử tự do như gia đình Bàng Uẩn chẳng hạn. Người chơi có thể làm chủ vận mệnh của mình không ? Tôi tin rằng có. Đó là sự câu thông với tự tính Quán Âm mà nhiều người đã từng trải nghiệm, Phước Huệ song tu, đó là câu trả lời của Phật giáo. Chúng ta sẽ không rơi vào trường hợp bi đát của những nạn nhân chiếc máy bay MH370 nếu không thích, không tạo ra nghiệp đó. Tự tính Quán Âm cũng có thể sẽ kịp thời đến cứu trong những trường hợp rất kỳ diệu, đó là điều bất khả tư nghị.

Truyền Bình

Advertisement

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Bài viết. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

12 Responses to NGŨ THỪA PHẬT GIÁO và TRƯỜNG A-LẠI-DA THỨC

  1. Tuấn Khang nói:

    Cảm ơn bác !

    Hằng ngày con vẫn vào blog để xem có bài viết mới nào không?

    Hôm nay con đọc bài mới bác gửi lên thấy thật tuyệt vời.

    Những bài viết của bác, con lưu lại và in ra thỉnh thoảng đọc. Mỗi lần đọc như được tiếp thêm một điều mới mẻ và nhận ra nhiều điều thú vị của cuộc sống này !

    Con sẽ giới thiệu cho nhiều người biết tới ý nghĩa và lợi ích của blog tuyệt vời này

    Chúc bác và gia đình luôn mạnh khỏe, bình an !

    • Cám ơn bạn Tuấn Khang đã có phản hồi tích cực. Nếu bạn không thấy có bài viết mới cũng đừng vội thất vọng, vì những bài viết cũ vẫn có thể được bổ sung những chi tiết mới. Bài trên mạng không giống như báo in, nó vẫn có thể được tiếp tục bổ sung đổi mới hoài. Mến.

  2. Người hâm mộ nói:

    Cám ơn Ngài Truyền Bình rất nhiều về sự hiểu biết. Có phải Ngài Truyền Bình là Phật, Bồ tát giáng trần để giảng đạo Phật theo kiểu mới ko? Đọc kiểu này rất sinh động, dễ hiểu!

    Tôi rất muốn nghe Ngài viết về Ma chướng và Ngũ ấm ma, các cảnh giới ảo ảnh Ma chướng, và cả các cảnh giới trung ấm trong Tử thư Mật tông Tây Tạng.

    • Truyền Bình cũng chỉ là một người bình thường như bao nhiêu người khác. Bạn xem tivi hằng ngày là đã thấy Ma chướng, Ngũ ấm ma, các cảnh giới ảo tưởng. Tất cả mọi chương trình đều như vậy cả. Bởi vì tất cả đều là vọng tưởng. Bạn xem tivi “Món ngon mỗi ngày” các món đó có thật không ? hay chỉ là quark, electron phối hợp với tâm vọng tưởng của con người mà ra.

  3. Người hâm mộ nói:

    Dạ Blog này có bao nhiêu lượt truy cập rồi.

  4. Người hâm mộ nói:

    Xin góp ý là ở trên ngài nói: A-la-hán đã sử dụng được 5 trong 6 phép thần thông, chỉ còn thiếu Lậu tận thông. (hình như có nhầm lẫn vì ở Wikipedia: Lậu tận thông là dứt trừ toàn bộ kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi, không còn sinh tử luân hồi trong ba cõi, được giải thoát hoàn toàn.)

    CHỉ có Thiên ma, Quỷ thần có được 5 thần thông nhưng chưa có Lậu tận thông.

    • Lậu tận thông là giác ngộ tánh Không của vạn pháp. Năm phép thần thông trước thì A La Hán, thậm chí ngoại đạo cũng có thể đắc, còn lậu tận thông thì chỉ có Phật và Bồ Tát thập địa mới chứng được và xả bỏ tất cả mọi kiến chấp.

  5. Loi Phan nói:

    Thua thay con xin hoi, trong bai kinh sam hoi co cau: “tinh du vo tinh dong thanh phat dao” nghia la gi? Xin thay giai thich gium con, cam on thay.

    • Nói cho đầy đủ là “Hữu tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo”. Hữu tình là loài sinh vật có tri giác, còn vô tình là gỗ đá vô tri. Cả hai đều thành Phật đạo bởi vì đối với bậc giác ngộ, không còn phân biệt hữu tình và vô tình, cả hai đều biểu hiện của Tâm bất nhị. Tâm giống như hư không không có thật nhưng nó lại chứa tất cả Tam giới, cả vật chất và tinh thần, cả hữu tình và vô tình.

  6. nói:

    . Dữ liệu của một ổ đĩa cứng cũng chẳng khác gì dữ liệu của internet, nhưng khi đã vào đĩa cứng thì hệ điều hành của nó (tương ứng với ý thức của cá nhân) coi dữ liệu đó là sở hữu của mình và luôn luôn bảo vệ chúng, chống lại sự can thiệp của bên ngoài.
    nhưng Dữ liệu của một ổ đĩa cứng thì đúng là dữ liệu của nó mà

    • Vâng, có sự khu biệt nhất định giữa ổ cứng và internet, giống như giữa ta và tâm. Nhưng nếu ổ cứng không liên thông được với internet thì khả năng hoạt động của ổ cứng đó sẽ rất giới hạn. Giống như nếu ý thức của cá nhân không hòa nhập được với tâm thì khả năng của nó cũng sẽ rất giới hạn và sẽ dẫn tới khổ.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s