Tôi đã có bài viết “Tập quán (thói quen) có ý nghĩa thế nào đối với vũ trụ vạn vật” trình bày về việc thói quen tâm lý tạo ra thế giới vật lý. Đây là một nhận thức gây ngạc nhiên kinh khủng đối với nhân loại. Do đó một bài viết là chưa đủ, cần phải có thêm nhiều bài viết nữa để diễn giải đủ mọi phương diện của nhận thức này. Việc đó cũng giống như Phật giáo phải có thiên kinh vạn quyển để trình bày tánh không.
Thế giới là do thói quen tâm lý tạo ra. Câu này quả thật là không thể tin nổi. Cực kỳ ít hoặc chẳng có ai tin ! Chẳng lẽ các quy luật vật lý chỉ là thói quen tâm lý sao ? Nhưng Phật giáo từ lâu đã nói như vậy. Tam giới duy tâm (Ba cõi giới : Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới đều là do Tâm tạo). Ông sư trong chùa, cư sĩ tại gia, bà bán rau cải ngoài chợ, ông xe ôm, nói chung những người có chí tu hành đều nói tất cả là do tâm tạo. Chính vì vậy họ mới giữ ngũ giới, niệm Phật, tụng kinh, để cầu nguyện cho một thế giới bình an. Nghĩa là tâm họ hướng thiện để cầu mong thế giới an lạc, xoay chuyển thế giới từ thiên tai, nhân họa, đầy khổ nạn, thành thế giới bình an, hạnh phúc cho chính mình và cho xã hội. Tuy nhiên, miệng thì nói vậy theo kinh điển, nhưng trong lòng họ chưa hẳn đã tin, tuyệt đối không thể nào tin thế gian chỉ là nằm mơ giữa ban ngày. Do đó đối với đa số Phật tử, miệng nói một đằng nhưng lòng nghĩ một nẻo, cơ bản là chưa hiểu tại sao tam giới duy tâm. Thế giới do Tâm tạo ra (cần phải hiểu Tâm là 8 thức chứ không phải chỉ là ý thức) theo nguyên tắc tương tự như tấm hình này :
Cây có thể cho tưởng tượng về mặt người
Đây đơn thuần chỉ là cội cây, nhưng tâm tưởng tượng ra nhiều mặt người trên đó và cho là có thật. Nếu tâm không có thói quen nhận thức mặt người thì sẽ không bao giờ nhìn thấy. Vậy mặt người là biểu kiến (ảo) là thói quen tưởng tượng.
Thực tế phũ phàng là thế giới cũng chẳng có một ngày bình an. Động đất, dông bão, lụt lội, tai nạn giao thông, máy bay rớt, tàu thủy chìm…thường xuyên nghe thấy trong các bản tin. Ngoài ra, dịch bệnh không ngớt hoành hành, hiện nay là dịch Ebola đang hoành hành tại các nước Tây Phi.
6 nước tô màu đang có dịch Ebola : Senegal, Guinea, Sierra Leone, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo (Democratic Republic of The Congo)
Chiến tranh, bạo loạn xảy ra khắp nơi trên thế giới, không có cách nào ngăn chặn được. Câu hỏi đặt ra là những thiên tai, nhân họa đó là ngẫu nhiên hay có nguyên nhân ? Hầu hết mọi người đều tin vào quy luật nhân quả, vậy thì mọi việc xảy ra đều phải có nguyên nhân. Nhưng đâu là nguyên nhân cội nguồn của tất cả mọi thảm họa bất hạnh và đau khổ đó ? Trước câu hỏi này, nhân loại không có câu trả lời thống nhất.
Các nhà khoa học và những người tin tưởng vào chủ nghĩa duy vật đi tìm câu trả lời dựa vào các quy luật tự nhiên, quy luật vật lý, sinh học để giải thích thiên tai, dịch bệnh. Họ dựa vào các nhân tố chủng tộc, quy luật về xã hội, nhân văn, kinh tế, chính trị… để giải thích về chiến tranh bạo loạn. Những giải thích này có thể tìm thấy trong các sách lịch sử. Người ta tổng kết lịch sử để rút ra các quy luật, đưa ra các lý giải có vẻ rất khoa học. Nhưng vấn đề là không thể nào giải quyết được chiến tranh bạo loạn trên thế giới, dù có tổng kết được bao nhiêu kinh nghiệm cũng vô ích, không giải quyết được vấn đề. Về thiên tai, dịch bệnh cũng không có cách nào giải quyết được. Khoa học không thể ngăn chặn được thiên tai, cũng không thể tiêu diệt được dịch bệnh, chỉ có thể cứu trợ thiên tai và ngăn chặn được phần nào dịch bệnh chứ không thể giải quyết được ổn thỏa.
Các nhà tôn giáo và những người tin tưởng vào sức mạnh tâm linh thì tụng kinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho thế giới hòa bình. Họ cố gắng sống thanh tịnh, ăn chay, niệm Phật, cầu Chúa, cầu Trời trợ giúp, không chạy theo danh lợi. Nói chung họ có góp phần làm giảm bớt cuộc sống bạo lực, cạnh tranh, quá tôn sùng vật chất. Tuy nhiên một bộ phận trong nhóm người này lại là tác nhân gây ra bạo lực chiến tranh chết chóc hơn ai hết thảy, do niềm tin tôn giáo mù quáng, cuồng tín của họ. Nói chung, cũng không giải quyết được vấn đề.
Một cách tổng quát, cả hai khuynh hướng khoa học và tôn giáo đều không giải quyết được vấn đề. Kết luận có thể rút ra là không thể giải quyết vấn đề chung cho cả nhân loại. Tại sao lại như thế ? Đó là một nhận định khái quát dựa trên những cơ sở khoa học mới. Chúng ta cần phải từ từ phân tích để hiểu thêm tại sao lại như thế. Dường như mỗi cá nhân chỉ có thể giải quyết vấn đề của riêng mình chứ không thể giải quết vấn đề chung của thế giới. Bởi vì có vẻ như mỗi người là một thế giới. Bảy tỉ người trên địa cầu là bảy tỉ thế giới. Các thế giới đó có chỗ giống nhau nhưng không hoàn toàn trùng khớp. Mỗi người chỉ có thể thay đổi thế giới của mình mà không thể can thiệp vào thế giới của người khác. Nói thế cũng có nghĩa thế giới là chủ quan chứ không phải khách quan. Hai người có thể cùng thấy thế giới tương tự như nhau, nhưng không phải là một. Bằng chứng là họ cùng nhìn một vật thể, nhưng người này cho là đẹp, người kia có thể cho là xấu. Ví dụ các cô gái tự cho thân thể mình là đẹp, muốn khoe ra, còn một số người khác cho là phản cảm, muốn ném đá, người ta không bao giờ có thể thống nhất quan điểm. Video sau đây đề cập đôi điều về vấn đề này.
Universe 7 – Mỗi Người Có Vũ Trụ của Riêng Mình – Phụ đề Việt ngữ
Muốn xây dựng một thế giới thái bình, đó là một ý tưởng chính đáng mà học thuyết Nho giáo đã đề cập, nhưng trong thực tế, muốn thực hiện điều đó, luôn phải dùng tới vũ lực, bởi vì người ta không thể đồng ý với nhau, bất kể là việc tốt hay xấu, vì thế mà bất đồng và chiến tranh luôn luôn xảy. Trong quá khứ, có những thời kỳ gọi là Thái bình La Mã (Pax Romana), đó là khi quân đội La Mã dùng sức mạnh quân sự đè bẹp tất cả các lực lượng chống đối. Thái bình Trung Quốc (Pax Sinica) chỉ có thể hình thành khi quân đội của Hán Vũ Đế bình định cả Trung nguyên và Tây Vực, đuổi quân Hung Nô chạy ra ngoài Vạn Lý Trường Thành. Các thời kỳ thái bình như thế thật ra rất ngắn ngủi trong lịch sử lâu dài. Người cộng sản cũng muốn thực hiện mục tiêu đó, họ áp dụng chuyên chính vô sản, nhưng xem chừng đã thất bại. Ngày nay cũng có người muốn thực hiện mục tiêu đó trên qui mô toàn thế giới, người ta vừa áp dụng chuyên chính (nhưng không phải vô sản), vừa trở lại với lý thuyết Nho giáo cũ, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Bây giờ chúng ta sẽ phân tích sâu hơn, đến tận cội nguồn của thế giới vật chất để xem vật chất có thật sự cứng chắc hay chỉ là cảm tưởng.
Khoa học thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 cung cấp cho chúng ta nhiều thí nghiệm có ý nghĩa triết học quan trọng. Thí nghiệm hai khe hở (The double split experiment) chứng tỏ vật chất không độc lập đối với tâm thức, trái với khẳng định của chủ nghĩa duy vật. Electron là một hạt vật chất cơ bản, là thành phần thiết yếu tạo nên vỏ của nguyên tử. Khi người ta đặt thiết bị để rình xem, đo đạc nó, thì nó lại phản ứng khác, cho một kết quả khác, đó là hạt vật chất. Còn khi không ai rình xem, đo đạc, thì nó chỉ là sóng, không phải vật chất. Điều đó chứng tỏ nó không độc lập, không phải ở ngoài tâm thức.
Double Split Experiment – Thí Ngiệm Hai Khe Hở – Phụ đề Việt ngữ
Từ năm 1927, khi Heisenberg đưa ra nguyên lý bất định (principle of uncertainty), nhận thức của nhân loại về thế giới cơ bản là có thay đổi, nhưng thay đổi thật sự chỉ xảy ra trong tâm thức của những nhà khoa học hàng đầu thế giới như Heisenberg, Schrödinger, Niels Bhor, Feynmann…còn đối với số đông quần chúng thì họ khó có thể hiểu nổi những gì khác với thói quen nhận thức của họ. Các nhà khoa học đã xây dựng nền tảng cho một khoa học vật lý mới gọi là cơ học lượng tử (quantum mechanics). Nó khác xa cơ học cổ điển của Newton, thậm chí cũng khác với thuyết tương đối của Einstein. Giữa Einstein và Niels Bhor có xảy ra tranh luận kịch liệt về khoa học mà trong thời của hai ông, người ta chưa xác định được đúng sai. Einstein nghi ngờ lý thuyết của cơ học lượng tử còn thiếu sót, năm 1935, Einstein cùng với Podolsky và Rosen nêu ra một giả thuyết mà sau này người ta gọi tắt là nghịch lý EPR là ký tự đầu tên của 3 ông, mục đích nhằm phản bác cơ học lượng tử. Năm 1964, lúc đó thì cả Einstein và Bhor đều đã qua đời (Einstein mất 1955, Bhor mất 1962) John Bell có sáng kiến lập ra bất đẳng thức mang tên ông (Bell) để kiểm chứng giả thuyết EPR. Năm 1982, tại Paris, Alain Aspect áp dụng bất đẳng thức Bell để kiểm chứng EPR một cách qui mô nhất cho tới thời điểm đó. Kết quả cuối cùng cho thấy giả thuyết EPR sai, cơ học lượng tử là đúng đắn. Kết quả khác hẳn quan niệm khoa học cổ điển, các điểm quan trọng nhất của cơ học lượng tử là :
1/Vật (ví dụ hạt photon) không có tự tính, nghĩa là nó phi hiện thực (non realism) các đặc điểm hay số đo của nó là do người quan sát gán ghép vào, chứ không phải tự nó có sẵn. Phi hiện thực cũng có nghĩa là nó chỉ là ảo, là biểu kiến chứ không phải thật.
2/Vật là vô sở trụ, danh từ khoa học ngày nay gọi là bất định xứ (non local), cái vật mà ta xác định được vị trí và các đặc điểm của nó chỉ là ảo, là biểu kiến chứ không phải thật. Vì vật là vô sở trụ nên vật là bất định, cái thân tứ đại của ta, cái nhà, xe, vật dụng, sơn hà đại địa, biển đảo…cũng chỉ là biểu kiến (ảo) chứ không phải thật.
Những phát hiện quan trọng này phù hợp với giả thuyết Big Bang về vũ trụ. Theo thuyết này, vũ trụ ban sơ chỉ là một chất điểm có kích thước 10-33 (mười lũy thừa âm 33) cm, dưới kích thước đó là điểm kỳ dị nơi mọi định luật vật lý đều bị phá sản, Phật pháp gọi là vô thủy vô minh. Chất điểm đó xuất hiện vào thời điểm 10-43 (mười lũy thừa âm 43) giây, trước đó không có thời gian cũng không có không gian. Như vậy vũ trụ mà chúng ta đang thấy, đang sống trong đó chỉ là biểu kiến chứ không phải thật. Thuyết tương đối của Einstein cũng xác nhận rằng khoảng cách không gian hay khối lượng vật chất chỉ là tương đối. Nghĩa là khoảng cách Sài Gòn – Hà Nội, đường bay vòng là 1274km, đường bay thẳng giảm được 85 km, tức còn 1189 km cũng chỉ là biểu kiến. Đây là vấn đề thời sự của hàng không Việt Nam, người ta đang bàn luận về đường bay thẳng sẽ giảm thời gian và chi phí. Như vậy khoảng cách thẳng giữa Sài Gòn – Hà Nội phải đi qua lãnh thổ của Campuchia và Lào.
Đường bay thẳng là 1189 km, đường bay vòng là 1274 km
Khoảng cách này, dưới đất được cấu tạo bằng đất đá, trên không là không khí. Nếu đem khoảng cách này ra ngoài không gian vũ trụ thì chỉ còn gần như là chân không, vật chất rất ít. Theo thuyết tương đối của Einstein cũng như lý thuyết về hố đen (black hole), đất đá có thể co rút lại, quả địa cầu có đường kính trung bình 12.742 km, có thể co rút lại chỉ còn vài mili mét. Thế còn khoảng cách chân không thì sao ?
Theo thí nghiệm về vướng víu lượng tử do Nicolas Gisin và các đồng sự tại đại học Geneva, tiến hành năm 2008. Một photon có thể xuất hiện đồng thời tại hai vị trí cách xa nhau, cụ thể trong thí nghiệm là 18km. Nhưng nếu tác động vào một photon thì lập tức photon kia bị tác động tương ứng bất kể khoảng cách là bao xa. Nếu cho rằng tín hiệu truyền đi qua không gian, thì tốc độ là không tưởng, hơn 10 triệu lần tốc độ ánh sáng, trái với định đề của Einstein nói rằng tốc độ cao nhất của vật chất trong chân không là xấp xỉ 300.000 km/giây. Chỉ có thể kết luận, khoảng cách 18km trong thí nghiệm chỉ là biểu kiến (ảo) chứ không phải thật. Tương tự khoảng cách 1189km giữa Sài Gòn và Hà Nội, cũng như tất cả mọi khoảng cách trong không gian vũ trụ chỉ là biểu kiến, không phải là sự thật tuyệt đối.
Sự nhận thức về khoảng cách không gian chỉ là thói quen tâm lý, đó là tập quán chứ không phải là định luật bất di bất dịch. Tương tự như vậy, tất cả mọi định luật khoa học cũng chỉ là thói quen tâm lý, chúng ta cho là như thế chứ thật sự không phải là chân lý.
Khoảng cách không gian không có thật, chẳng những có thể chứng minh bằng lý luận và thực nghiệm khoa học, mà còn có thể chứng minh bằng thực nghiệm cụ thể của con người. Ngày nay việc chúng ta có thể nhìn thấy và nói chuyện trực tiếp, tức thời với một người ở phía bên kia quả địa cầu, cách xa 20.000 km đã là hiện thực, chứ không phải chỉ là tưởng tượng suông. Nhưng thực nghiệm về nhân thể đặc dị công năng còn đi xa hơn thế nữa.
Năm 1979, sau cách mạng văn hóa tại Trung Quốc, Hầu Hi Quý đã biểu diễn cho những người trong Hoa Cổ Kịch Đoàn mà ông cũng là thành viên, thấy ông đã lấy một gói thuốc lá trong nháy mắt từ khoảng cách xa khoảng 1600 km. Nếu khoảng cách không gian là có thật thì làm sao Hầu Hi Quý làm được việc đó ? Chúng ta cũng không thể tin điều này nếu không có lý thuyết của cơ học lượng tử, chứng minh khoảng cách không gian chỉ là biểu kiến. Hãy xem lại câu chuyện này :
Ý NGHĨA KHOA HỌC VỀ VIỆC BIẾN RA THUỐC LÁ CỦA HẦU HI QUÝ
Thí nghiệm của Maria Chekhova năm 2012 chứng minh rằng số lượng vật chất cũng chỉ là biểu kiến, có nghĩa là chúng ta thấy vật chất là như thế, cho là như vậy, nhưng đó chỉ là nhận thức tâm lý, là thói quen chứ không phải chân lý. Bà có thể làm cho một photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau, tất cả đều ở trạng thái vướng víu (entangled). Như vậy thói quen tâm lý của chúng ta sẽ thấy có 100.000 photon và nền toán học của nhân loại đã và sẽ nghĩ ra các phương trình toán học dựa trên biểu kiến là có 100.000 photon khác nhau.
Thí nghiệm của Maria Chekhova về rối lượng tử (quantum entanglement)
Họ không biết rằng đó chỉ là tưởng tượng. Đức Phật từ lâu đã chỉ ra rằng tất cả mọi hiện tượng trên thế gian, kể cả toán học chỉ là thế lưu bố tưởng, không phải thật. Phật đã giảng giải cho Ca Diếp về điều này.
Phật giảng giải cho Ca Diếp về Thế Lưu Bố Tưởng
Kinh điển Thiên Chúa giáo cũng có ghi nhận câu chuyện thực tế về số lượng vật chất không có thật. Trong một buổi giảng đạo bên hồ Galilee (phía bắc Israel hiện nay). Hồ này Kinh Thánh Tân Ước gọi là Galilee còn có tên là Tiberias, còn Kinh Cựu Ước gọi là Kineret. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Israel, dài 21km, rộng 13km, tổng diện tích 166km2 nơi sâu nhất 43m. Nguồn cung cấp nước chính là sông Jordan và các suối ngầm trong lòng đất.
Hình hồ Galilee (Kineret)
Một trong các bài giảng nổi tiếng của Chúa Giêsu là Bài giảng trên núi, diễn ra trên một ngọn đồi trông xuống hồ. Nhiều phép lạ của Chúa Giêsu cũng diễn ra tại đây, trong đó có việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước hồ và dẹp yên bão tố và việc biến 5 cái bánh và 2 con cá thành vô số lượng, có thừa cho 5.000 đàn ông ăn no, chưa kể đàn bà và trẻ con. Câu chuyện như sau :
Bối cảnh khi ấy là Chúa Giêsu nghe tin Gioan Baotixita (thánh Gioan Theo Tân Ước, Gioan là người sống du mục và khổ hạnh, mặc áo lông thú, ăn châu chấu và uống mật ong. Gioan đã lôi cuốn được một số lượng lớn môn đệ nhằm tiên báo cho sứ mạng hoạt động của Chúa Giêsu, ông đã thực hiện nghi thức thanh tẩy (rửa tội) cho Giêsu tại sông Jordan, bằng hình thức dìm toàn thân vào nước. Ngoài ra, Phúc Âm Luca còn nói thêm chi tiết rằng: Gioan là anh em bà con với Giêsu vì mẹ ông – bà Elizabeth- là chị họ của Maria, mẹ Giêsu.) đã bị trảm quyết, ngài tạm lánh bằng thuyền đến một nơi vắng vẻ gần Bethsaida nhưng đám đông vẫn đi bộ theo sau ngài. Khi Giêsu vào bờ thì thấy cả một đám đông lớn đang chờ sẵn, ngài chạnh lòng thương họ và chữa lành bệnh cho họ. Trời sắp tối, các môn đệ đến nói với ngài rằng: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”.
Ngài trả lời: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”. Các môn đệ đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm ổ bánh mì và hai con cá!” (do một đứa trẻ mang tới). Ngài bảo: “Đem lại đây cho Thầy!”
Sau đó, ngài truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ rồi ngài cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.
Những định luật khoa học chỉ là thói quen tâm lý, là một tập quán nhận thức chứ không phải chân lý. Zenon, triết gia cổ đại phương tây đã nêu ý kiến này trong câu chuyện về mũi tên bắn ra không bao giờ đi tới đích, bởi vì chuyển động là không có thật, đó chỉ là sự mô tả, thói quen tưởng tượng, nhưng vì thói quen đó quá sâu xa, người ta thấy dường như mọi thực nghiệm cũng xác nhận thói quen đó là đúng. Các triết gia cổ đại phương đông như Huệ Thi, Công Tôn Long cũng đưa ra lập luận tương tự như Zenon. Nhưng vì người đời chẳng có mấy ai hiểu rõ điều họ nói, nên mọi người đều cho rằng họ ngụy biện. Mãi đến thập niên 70, 80 của thế kỷ 20, tại Trung Quốc xuất hiện nhiều kỳ nhân, họ chứng tỏ đặc dị công năng là có thật, và có thể giải oan cho các triết gia cổ đại cả đông lẫn tây kia.
CÓ PHẢI ZÉNON (ZENO) NGỤY BIỆN KHÔNG ?
Ngày nay cả nền khoa học tiên tiến nhất của nhân loại, các nhà vật lý hàng đầu thế giới, đều đã hiểu rằng vũ trụ vạn vật chỉ là tâm thức mà thôi, vũ trụ chỉ là số (digital). Mặc dù thế giới hiện nay vẫn còn tranh luận kịch liệt, vì nguyên lý bất định của Heisenberg và định lý bất toàn của Kurt Godel chỉ ra rằng trong bất cứ hệ thống duy lý nào, luôn luôn có những điều không thể khẳng định cũng không thể phủ định, nghĩa là không thể có chân lý cố định. Chân lý không thể nắm bắt được. Đức Phật đã nói trong kinh Kim Cang : Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Tâm là cái ta có thể cho là chân lý, là con voi trong câu chuyện người mù sờ voi, nhưng ta cũng không thể khẳng định hay phủ định Tâm. Dù sao khoa học ngày nay đã hiểu :
Tốt nhất là chúng ta nên để cho đầu óc trống rỗng, không nên nặng mang ý kiến, tư tưởng này, quan điểm nọ, học thuyết kia…vì tất cả chỉ là ảo, là biểu kiến, là tạm bợ, không đáng để tranh giành chém giết lẫn nhau.
Truyền Bình
Cám ơn anh đã chia xẻ. Nó hay ở chỗ không phải kiến thức cao siêu mà tính ứng dụng cao. Nếu thế giới là do thói quen tâm lý tạo ra, thì thế giới của mỗi cá nhân và cả thế gian này hay vũ trụ này đều do thói quen suy nghĩ và thói quen tâm lý của mõi người tạo ra. Tôi có đọc được câu này “We are what we tink about”.
Thiện
Cám ơn bạn Xuân Thiện đã phản hồi tích cực.
Thói quen tâm lý là do nghiệp(karma) tạo nên và quyết định phải không ạ ?
Tư duy trong não bộ là do ” bên kia ” quyết định và vận hành (theo video não đã có ý trức trước 6s) Nếu thế, làm sao để thoát khỏi cái ” bên kia ” điều khiển mình ? Nếu giả định “bên kia” quyết định thực sự là đúng thì có 2 cửa thoát cơ bản, một là “bên kia” giống như một chương trình cho phép người ta thoát khỏi, 2 là có một lực lượng nằm ngoài chương trình(nghiệp) có thể đưa người ta thoát khỏi. . . ?
Cám ơn bác vì bài viết hay . Xin hỏi thêm bác một câu nữa ạ : Liệu quá khứ của con người thay đổi mà con người không biết không nhỉ ?
Phật và Bồ Tát đã súc sạch tập khí tức các thói quen tâm lý thì làm người giác ngộ (không còn ngã chấp và pháp chấp) và tự do (không tái sính vào lục đạo) chỉ khi nào muốn độ chúng sinh mới tự nguyện tái sinh. Chủ thể quyết định là nghiệp, là vô ngã. Khi không còn nghiệp thì không còn chủ thể quyết định, Tâm (tức 8 thức) chuyển hóa thành Tứ trí. Tứ trí vẫn có khả năng quyết định rất lớn mà Phật pháp gọi là Chánh biến tri, nhưng quyết định đó không bị luật nhân quả chi phối nữa, vì vậy nó bất định. Sự bất định biểu hiện ở chỗ Trương Bảo Thắng có khả năng lấy các viên thuốc ra khỏi cái chai nắp đóng kín, nhưng cũng có khi lấy không được mà không có nguyên nhân nào cả. Viên đạn bắn ra có thể bay đến đích mà cũng có thể đứng yên không đi. Hạt electron có thể vẫn là sóng, có thể biến thành hạt vật chất. Muốn chủ động được mọi việc lại phải tập thành thói quen. Tóm lại, không một việc gì thật sự có nghĩa lý.
Một cách tổng quát, cả hai khuynh hướng khoa học và tôn giáo đều không giải quyết được vấn đề. Kết luận có thể rút ra là không thể giải quyết vấn đề chung cho cả nhân loại. Tại sao lại như thế ? Đó là một nhận định khái quát dựa trên những cơ sở khoa học mới. Chúng ta cần phải từ từ phân tích để hiểu thêm tại sao lại như thế. Dường như mỗi cá nhân chỉ có thể giải quyết vấn đề của riêng mình chứ không thể giải quết vấn đề chung của thế giới. Bởi vì có vẻ như mỗi người là một thế giới. Bảy tỉ người trên địa cầu là bảy tỉ thế giới. Các thế giới đó có chỗ giống nhau nhưng không hoàn toàn trùng khớp. Mỗi người chỉ có thể thay đổi thế giới của mình mà không thể can thiệp vào thế giới của người khác. Nói thế cũng có nghĩa thế giới là chủ quan chứ không phải khách quan. Hai người có thể cùng thấy thế giới tương tự như nhau, nhưng không phải là một. Bằng chứng là họ cùng nhìn một vật thể, nhưng người này cho là đẹp, người kia có thể cho là xấu. Ví dụ các cô gái tự cho thân thể mình là đẹp, muốn khoe ra, còn một số người khác cho là phản cảm, muốn ném đá, người ta không bao giờ có thể thống nhất quan điểm