Tuy đã có viết bài Tu hành là gì ? nhưng tôi thấy còn nhiều khía cạnh chưa được đề cập nên nay viết thêm bài này để trình bày thêm những điều chưa nói hết.
Ở đây tôi muốn nói tu hành theo Phật giáo là thế nào, có thể có những hiệu ứng gì. Đạo Phật có ngũ thừa, tùy theo căn cơ cao thấp mà mục tiêu của mỗi thừa có khác nhau, nhưng cứu cánh sau cùng là Phật thừa, tức giác ngộ thành Phật. Xin sơ lược lại ngũ thừa như sau :
I. Nhân Thừa : tu theo nhận thức phổ biến của thế gian là làm lành, lánh dữ, giữ gìn 5 giới : không sát sinh hại vật, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối hại người, không rượu chè ma túy. Đây là cách tu của hàng cư sĩ tại gia, có thể vẫn còn quan hệ vợ chồng, có con cái. Ngoài ngũ giới, còn có tam quy hay quy y Tam bảo : Phật, Pháp, Tăng. Tức là đem thân tâm của mình nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng để tu tập. Kết quả là được tiếp tục làm người ở kiếp sau.
II. Thiên Thừa : cách tu này hướng tới cõi trời. Cõi trời có thọ mạng lâu dài, cảnh giới tốt đẹp hơn cõi thế gian. Tu theo Thập thiện để đạt kết quả là kiếp sau được sinh ra ở cõi trời. Thập thiện là ngoài Ngũ giới của nhân thừa còn bao gồm 5 điều thiện khác : bố thí; buông bỏ các tập khí tham sân si; không tạo khẩu nghiệp tức là không chửi bới, nói những lời hung ác; không âm mưu hại người lợi mình; buông bỏ tà kiến tức là những tri kiến không đúng. Tà kiến là những thói quen nhận thức một chiều, lệch lạc, trượt khỏi trung đạo. Tất nhiên hành giả của thiên thừa vẫn còn mê, chỉ buông bỏ được phần nào tà kiến thôi, chỉ ở mức cho là thiện là đúng, ác là sai.
III. Thanh Văn, Duyên Giác Thừa聲聞, 緣覺乘, sa. śrāvakayāna.
Những người tu theo Tứ Diệu Đế có thể thành tựu Thanh Văn với 4 mức độ (quả vị) khác nhau :
1. Sơ quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti) : Hán dịch là Nhập lưu tức là bước vào hàng ngũ thánh khi phá được 3 món kiết sử (Samyojanas) Tà kiến (Ditthi), Giới cấm thủ (戒禁取Silabbata-paramasa = không cố tâm khư khư giữ giới mà vẫn không phạm giới), và Nghi (Vicikiccha). Kiết sử là sự trói buộc không làm chủ được. Tà kiến là cái thấy bị bẻ cong không đúng thực tế. Ví dụ thấy H2O là nước, đó là tà kiến. Thấy H2O là chẳng có gì cả (không) cũng là tà kiến. Thấy H2O là nước nhưng biết đó là ảo hóa và không chấp là thật, đó mới là chánh kiến, cái thấy của bậc thánh, có thế lưu bố tưởng nhưng không có chấp trước tưởng. Sách Ngũ Đăng Hội Nguyên đời Tống có ghi :
「吉州青原惟信禪師,上堂:『老僧三十年前未參禪時,見山是山,見水是水,及至後來,親見知識,有箇入處,見山不是山,見水不是水,而今得箇休歇處,依前見山祇是山,見水祇是水。大眾,這三般見解,是同是別?有人緇素得出,許汝親見老僧。』」
Dịch nghĩa : Thanh Nguyên Duy Tín thiền sư ở Cát Châu thượng đường nói : “Lão tăng 30 năm trước lúc chưa tham thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Về sau gặp thiện tri thức, tự mình cho là, thấy núi không phải là núi, thấy nước không phải là nước. Nhưng nay tự mình đã thôi cho là, thấy núi chỉ là núi như trước, thấy nước chỉ là nước. Này các ngươi, ba giai đoạn kiến giải đó, là giống nhau hay khác nhau ? Nếu có ai muốn biết cho ra lẽ thì hãy tự mình đến gặp lão tăng.
Nghi là hoang mang không biết đâu là thực tướng của sự vật, ngộ thực tướng vô tướng mới hết nghi. Có chánh kiến thì phá được nghi.
2. Nhị quả Tư-đà-hàm (Sakadàgàmì): Hán dịch là Nhất lai tức còn trở lại luân hồi một lần nữa. Chứng được sơ quả rồi tiến tới phá đươc Tham và Sân ở mức thô dù chưa phá hết ở mức vi tế cũng được Phật ấn chứng quả vị thứ hai này.
3. Tam quả A-na-hàm (anàgàmì): Hán dịch là Bất lai tức không còn trở lại luân hồi nữa, quả vị này Phật ấn chứng cho người đã phá sạch Tham và Sân vi tế. Thế nghĩa là ai đã phá hết năm món kiết sử : Tà kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham và Sân thì đạt được quả vị này. Quả vị này là đã thoát khỏi sinh tử luân hồi.
4. Tứ quả A-la-hán (阿羅漢Arahanta) : Từ này Hán văn chỉ phiên âm chứ không dịch nghĩa. Ai đã phá sạch được 5 kiết sử và phá được Ngã chấp thì đạt tới quả vị này. A-la-hán đã sử dụng được 5 trong 6 phép thần thông, chỉ còn thiếu Lậu tận thông. Người tu theo Tứ Diệu Đế đạt thành tựu là quả vị A-la-hán, kinh điển đại thừa xếp vào hàng Thanh Văn. Hành giả tới quả vị này đã giác ngộ nhưng còn nhiều tập khí.
Duyên Giác Thừa (緣覺乘 Pratyekayāna) hay Bích-chi Phật (辟支佛)
Người tu pháp Thập nhị nhân duyên thành tựu thì đạt quả vị Duyên Giác hay Bích Chi Phật. Phép tu này là quán duyên khởi. Duyên khởi của Phật giáo bao gồm cả Vật lý học và Tâm học.
Đạt quả vị Thanh văn hay Duyên giác là đã thấu suốt cơ chế của sinh tử luân hồi, cơ chế đó là 12 nhân duyên hay còn gọi là Duyên khời cũng tức là Luật Nhân Quả. Nếu dùng khoa học để giải thích thì ở trình độ này, hành giả đã hiểu được cấu tạo của vật chất, biết được tất cả vật chất trong vũ trụ đều được cấu thành từ 17 loại hạt cơ bản (basic particles) theo sơ đồ sau :
Mô hình chuẩn của Vật lý hiện đại
Nhưng vì vẫn còn nhiều tập khí vi tế, họ đã phá được ngã chấp nên thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi đau khổ sinh lão bệnh tử, không trôi lăn vào lục đạo, nhưng vẫn còn pháp chấp, tức chưa ngộ tam giới không có thật, còn tưởng 17 loại hạt kia là có thật, còn tưởng rằng các thánh quả là thật.
IV. Bồ Tát Thừa菩薩乘 Bồ Tát là viết tắt của Bồ-đề-tát-đóa (菩提薩埵, sa. bodhisattva) nghĩa là giác hữu tình 覺有情: Con đường tu tập này dựa trên 6 pháp ba-la-mật-đa (sa. pāramitā, pi. pāramī, zh. 波羅蜜多 bao gồm : bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ). Ba-la-mật-đa nghĩa là đáo bỉ ngạn (đến bờ bên kia) hoặc cứu cánh (perfection). Trí huệ còn có 10 bậc gọi là Thập địa.Hành giả Bồ Tát Thừa đã phá được ngã chấp và pháp chấp nhưng còn vương vấn không chấp, phải đến địa thứ mười là Pháp vân địa thì mới hoàn toàn vô sở trụ, tương đương với Phật.
V. Phật Thừa 佛乘 còn gọi là Tối Thượng Thừa. Hành giả chứng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (Anuttara samyak-sambodhi= Vô thượng chánh đẳng chánh giác). Thấu hết mọi lẽ huyền vi của Tam giới, vận dụng được đầy đủ lục thông. Hoàn toàn phá hết ngã chấp, pháp chấp, không chấp, giác ngộ tánh không của vạn pháp nhưng không rơi vào không chấp.
Phật Thừa mới đích thực là cứu cánh tu hành của Phật giáo, tuy nhiên vì đường đi quá xa nên Phật mới bày ra phương tiện, chia ra ngũ thừa để dẫn dắt từ từ. Trở lại câu hỏi : Tu hành là thế nào có thể đạt hiệu ứng gì?
Tu hành là thế nào ?
Người tu phải thực hành các biện pháp cụ thể sau đây :
- Giữ giới : Ít nhất là 5 giới căn bản của hàng Phật tử tại gia. Mục đích là tránh các nghiệp ác, làm các nghiệp thiện để được phước báo. Phước báo tuy chưa giải thoát nhưng cũng được dễ chịu. Ví dụ không quá nghèo khổ, không nhiều bệnh tật, không bị thiên tai nhân họa. Tôi đã thấy trên thế giới có những nơi thiên tai nhân họa liên miên, dân phải chết chóc, chạy tị nạn, khổ sở không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng cũng có những nơi rất yên bình, thiên tai nhân họa không chạm tới được. Điều đó không phải là ngẫu nhiên mà là có tác dụng của luật nhân quả.
- Tụng kinh niệm Phật, tham thiền : Có hai mục đích : Một, tụng kinh là phép tu quán tưởng, tụng tới đâu quán tưởng tới đó. Quán tưởng là cách tạo ra một thói quen tư duy khác với nề nếp quen thuộc. Ví dụ các tu sĩ hay tụng Bát nhã Tâm kinh, kinh này nêu lên một nhận thức hoàn toàn khác với nếp nghĩ thông thường, tất cả đều là không : “Chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh…không trung vô sắc…vô thọ tưởng hành thức…vô nhãn nhĩ tị thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp,…vô vô minh diệc vô vô minh tận nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận…” Tuy nhiên nhận thức khác đi này là vô cùng khó hiểu đối với tuyệt đại đa số mọi người. Nên tác dụng thật sự của tụng kinh niệm Phật là mục đích thứ Hai, không thể hiểu, không thể quán tưởng, đầu óc tê liệt, dừng bặt tư duy, trong khi tụng kinh hay niệm Phật, đầu óc trống rỗng không có suy nghĩ gì cả, lâu dần tâm trở nên định, từ định sinh ra trí huệ.
Tham thiền từ Sơ thiền cho tới Tứ thiền đó là phép quán tưởng theo hướng dẫn của các bậc đã chứng quả, để vào những cảnh giới tâm lý mà kinh điển nói là các cõi trời. Còn tham công án hay tham thoại đầu chính là cách dừng bặt tư duy lan man, phát khởi nghi tình, từ nghi dẫn đến ngộ.
3.Tu học : Đó cũng là một cách quán tưởng, học tập để hiểu Phật pháp theo giáo môn, ví dụ nghiền ngẫm về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên…Tu học còn là việc nghiền ngẫm các kinh điển như Diệu Pháp Liên Hoa, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Duy Thức Học, Trung Quán Luận…kinh điển Phật giáo nhiều không kể xiết, gom góp trong Đại Tạng Kinh. Hành giả không cần phải nghiên cứu tất cả các kinh, chỉ cần nghiên cứu sâu một quyển kinh thì sẽ thấy tất cả kinh đều thông với nhau hết. Ngoài kinh điển, các luận giải về Phật pháp cũng có rất nhiều trong sách vở và trên mạng. Có nhiều nhà khoa học, nhà trí thức, vừa am hiểu khoa học vừa hâm mộ Đạo học, đã viết những cuốn sách như : Đạo của Vật Lý (nguyên tác tiếng Anh The Tao Of Physics của Fritjof Capra, Nguyễn Tường Bách dịch), Matthieu Ricard, Tiến sĩ Sinh học người Pháp và Ông Trịnh Xuân Thuận, giáo sư ngành Vật lý thiên thể (Astrophysique) đã cùng nhau viết cuốn L’Infini dans la paume de la main – du Big Bang à l’éveil (Vô tận trong lòng bàn tay – từ Big Bang đến tỉnh thức) hay các tác phẩm của tiến sĩ Nguyễn Tường Bách…cũng có thể giúp ích phần nào. Nhà khoa học có phát biểu mạnh mẽ, triệt để nhất về Tâm là tiến sĩ vật lý Amit Goswami, ông viết cuốn sách The Self-Aware Universe: How Consciousness Creates the Material World (Vũ Trụ Tự Thức: Làm Thế Nào Ý Thức Tạo Ra Thế Giới Vật Chất). Chính trên blog này, tôi cũng mạo muội tham gia trong việc nêu lên những nhận thức khác thường nhằm hướng tới Đạo giác ngộ. Thậm chí có những người am hiểu về khoa học và đạo học như Stephen Davis, đã hết sức chịu khó tập hợp các phát biểu của nhiều nhà khoa học và trình bày dưới dạng video, để nêu lên những nhận thức rất cách mạng, rất hữu ích để hiểu sâu Phật pháp mà chúng tôi đã cố gắng trích dịch và đưa lên mạng.
4. Tham vấn thiện tri thức : Ngày xưa các hành giả thường đi gặp và hỏi đạo các thiền sư kiến tánh. Tùy cơ duyên mà hành giả nếu tìm đến đúng vị thầy hữu duyên thì dễ giác ngộ hơn. Ví dụ Huệ Năng tìm đến Hoằng Nhẫn, Huyền Sách tìm đến Huệ Năng, Bá Trượng Hoài Hải tìm đến Mã Tổ Đạo Nhất…Ngày nay Phật tử cũng có rất nhiều cơ hội nghe các sư thầy thuyết giảng. Ví dụ các hành giả Tổ Sư Thiền mười mấy năm trước thường đến nghe thuyết pháp và hỏi đạo với thiền sư Duy Lực, những vấn đáp đó đã được ghi âm lại và hiện còn lưu trữ ờ nhiều web site Phật giáo và chính blog Duy Lực Thiền cũng có lưu trữ hơn 1500 câu giải đáp thắc mắc như vậy.
Hiệu ứng của tu hành
Hiệu ứng của tu hành là hành giả dần dần bớt chấp ngã, bớt chấp pháp, từ đó giữa ý thức của cá nhân và tâm giác ngộ có sự liên thông thuận lợi hơn do các chướng ngại đã ít nhiều bị dẹp bớt. Chúng ta hãy lặng lẽ quan sát hiệu ứng xảy ra trong đời thường của chính mình thì sẽ dần dần nhận ra mối quan hệ giữa đời thường của mình và Tâm. Chẳng hạn ta tự hỏi :
Cuộc sống của mình có bình an không ? Bình an không có nghĩa là không xảy ra biến cố, nhưng quan trọng là tâm của ta có bình an không. Khi tâm đã bớt chấp ngã, bớt chấp pháp thì cuộc sống của ta tất yếu phải bình an hơn. Vì không phải lo lắng quá nhiều, ta không bận tâm lo lắng quá nhiều cho danh lợi, địa vị xã hội của mình, cho những cái sở hữu của mình, từ quốc gia dân tộc cho tới xã hội, gia đình, con, cháu…ta trở thành người vô sự. Dường như ta không cần phải lo lắng nhiều, tâm cũng tức là cơ trời an bày cho ta một cách kỳ diệu. Tôi đã qua tuổi hoa giáp (60) nên cũng có chút ít kinh nghiệm, Việt Nam đã phải trải qua một cuộc chiến tranh lâu dài 30 năm (1945-1975) và khốc liệt bậc nhất trên thế giới. Thế mà làng Long Tuyền, chợ Bình Thủy nơi tôi ở, không hề bị chiến họa, cũng không hề bị thiên tai, từ xưa đến nay, tất cả các cơn bão từ Biển Đông ập vào bờ, đều tránh đi qua địa phương này, sao lại kỳ diệu như vậy ? đó là một câu hỏi có lẽ hữu ích cho những người đang đi tìm đạo.
Bà xã tôi nhiều lần gây nên những nợ nần khổng lồ cho gia đình, lên tới nửa tỷ đồng trong khi đồng lương ba cọc ba đồng của tôi, bình quân chỉ có 4 triệu đồng/tháng, còn phải lo nuôi hai đứa con ăn học. Vậy mà lần nào tôi cũng được tâm giải quyết hộ, không cần thiết phải quá lo lắng. Đúng lúc tôi cần phải bán nhà để trả nợ thì nhà đột nhiên tăng giá. Tôi bán nhà hơi sớm, giá chưa được cao, đã giao chìa khóa nhà rồi mà tâm còn khiến người mua trả lại nhà để tôi bán lại lần thứ hai giá cao hơn nữa. Nó khiến cho nợ trả xong rồi mà vẫn còn tiền để mua lại nhà khác. Khi đứa con lớn của tôi lên đại học, cần có chiếc xe máy để đi học, tôi còn chưa biết tính thế nào, thì đúng lúc đó thằng em Út tôi bên Mỹ đột nhiên gởi cho một ngàn đô la, vừa đủ để mua chiếc xe máy wave alpha (năm 2002). Điều đáng nói là tôi chưa hề thổ lộ ý muốn của mình cho bất cứ người nào biết, nhưng tâm biết hết và cho tiền tôi.
Khi tôi từ Sài Gòn về Cần Thơ nghỉ hưu, tiền trợ cấp thôi việc cộng với tiền bảo hiểm xã hội lãnh một lần, cộng với tiền vay mượn chị em, vị chi 50 triệu, còn chưa đủ để sửa chữa căn nhà đơn sơ sẵn có tại Bình Thủy, thì nói chi tới việc mua sắm giường tủ và một số vật dụng thiết yếu trong nhà như máy giặt, tủ lạnh, bếp gaz. Vậy mà đúng lúc tôi cần tiền chưa biết xoay đâu ra, thì một người quen sơ sơ thôi, lúc tôi còn làm việc ở SG, tên là cô Sayuki Wada đang ở bên Nhật Bản xa xôi, bỗng nhiên gởi email sang đề nghị trả cho tôi mỗi tháng 100 đô la chỉ để thỉnh thoảng có hàng hóa gì cần gởi thì giúp chuyển hàng sang Nhật cho cô ấy, tôi hỏi cô ấy có thể ứng trước cho tôi 500 đô la không, thì ngay ngày hôm sau cô ấy lập tức chuyển tiền vào tài khoản cho tôi. Thế là hôm sau tôi có ngay tiền để mua những thứ cần dùng. Đó là những điều khó có thể tưởng tượng nổi, nhưng thực tế đã xảy ra mà trước đó ta không thể nào hình dung được.
Tôi đã nghỉ hưu mà không có lương hưu, làm sao để lo cho đứa con nhỏ ăn học ? Không sao cả, tâm khiến cho đứa con lớn của tôi được qua Anh quốc làm việc, lương khá cao, đủ sức hỗ trợ cho cha mẹ và em nó có thể sống được qua ngày.
Rất nhiều việc, tưởng chừng như ngẫu nhiên, nhưng những sự việc xảy ra vô cùng đúng lúc, giúp giải quyết được những khó khăn tưởng chừng không có cách nào giải quyết được.
Tu hành nhằm mục đích tâm được an. Tâm tuy có thể an bất chấp mọi hoàn cảnh, nhưng tâm, thân và hoàn cảnh đều bình an ngay trong cuộc sống đời thường hàng ngày mới thật là kỳ diệu, là điều mà mọi người chúng ta khi chiêm nghiệm kỹ đều có thể nhận thấy.
Stephen Davis đã nói rất rõ ràng về việc tiền từ đâu đến. Nó đến từ Tâm (A-lại-da thức chứ không phải ý thức của cái tôi). Hãy xem phát biểu của ông trong đoạn video sau :
Universe 12 – Tâm Mang Tiền Đến Cho Bạn – Phụ đề Việt ngữ
Bản thân tôi cũng đã nhiều lần chứng nghiệm về điều đó. Tâm chỉ cho tôi tiền khi nào có những nhu cầu chính đáng và không cho nếu tôi “tham lam” muốn có nhiều hơn mức cần thiết. Lúc trước tôi nghĩ mình vẫn còn sức khỏe, mặc dù có con gái trợ giúp, nhưng cũng tốt nếu mình làm thêm công việc gì đó để có thêm tiền bớt phụ thuộc vào con cái. Tôi đã dịch xong quyển sách về Trương Bảo Thắng, muốn kiếm chút tiền, đã gởi cho nhà xuất bản Tri Thức ở Hà Nội, đưa tận tay giám đốc nhà xuất bản là giáo sư Chu Hảo, qua sự giới thiệu của một người quen là giáo sư Phạm Việt Hưng, tưởng là rất nhiều thuận lợi, nhưng cuốn sách mãi đến nay gần 3 năm rồi, vẫn không xuất bản được và dường như vô vọng. Hễ cái gì tâm không cho thì không thể thực hiện được. Tôi còn một dịp chứng nghiệm khác. Có người quen giới thiệu cho tôi dịch một cuốn sách về Từ Hi Thái hậu, cuốn sách này viết bằng tiếng Anh nhưng tựa của nó lại ghi bằng tiếng Pháp là Décadence Manchoue (Sự suy đồi của triều đình Mãn Thanh) và trong cuốn sách có rất nhiều câu trích dẫn bằng tiếng Hoa và tiếng Pháp. Chính vì nó phức tạp và khó nuốt, người ta mới giới thiệu cho tôi. Tưởng đâu có người đặt hàng như vậy là chắc ăn, tôi mất bốn tháng rưỡi chuyên cần để dịch trọn cuốn sách gần 300 trang khổ lớn. Tôi dịch xong chương nào thì gởi ngay cho người đặt hàng. Trong suốt quá trình hơn bốn tháng đó, họ chẳng có phản hồi gì cả, cũng chẳng có ứng trước cho tôi đồng nào. Sau khi xong toàn bộ, đến lúc phải trả tiền công dịch thì họ mới có ý kiến, họ yêu cầu phải sửa chữa rất nhiều gần như toàn bộ bản dịch. Tôi yêu cầu họ phải ứng trước phân nửa tiền và phải tăng tiền công lên bởi vì công việc này tốn công sức quá nhiều. Họ không chịu nên tôi đành bỏ luôn. Câu chuyện này cho thấy rõ là khi Tâm không muốn cho bạn tiền thì bạn không thể có được. Còn khi nào Tâm cho bạn tiền thì tiền sẽ đến rất dễ dàng và rất đúng lúc.
Mùa hè vừa qua tôi có dịp hai lần chứng nghiệm về việc Tâm cho tiền. Con gái nhỏ của tôi thi đậu vào lớp 10, trường học xa nhà. Nó đã lớn, đã đến lúc tự đi học một mình không cần phải đưa rước nữa. Vì vậy tôi định mua cho nó chiếc xe đạp điện. Tôi không muốn lấy tiền trong sổ tiết kiệm, bởi vì tiền trong sổ gần hết mà cũng không muốn lên tiếng để con gái lớn gởi thêm tiền. Muốn mua xe như vậy nhưng tôi cũng chưa làm gì cả. Không ngờ Tâm cho tôi tiền thật, câu chuyện là như thế này, má tôi có một miếng đất trống đã rao bán từ mấy năm nay nhưng không ai chịu mua, vì lối vào rất hẹp, chỉ rộng có 5 tấc, rất là bất tiện cho người sở hữu nó. Đúng lúc tôi cần tiền để mua xe đạp điện cho con gái thì người chủ của ngôi nhà mà phía sau nhà anh ta tiếp xúc với mảnh đất, bỗng muốn mua miếng đất đó. Vì tôi cũng có công trong việc làm giấy tờ hợp thức hóa miếng đất bỏ không lúc trước, nên má tôi trích ra 10 triệu cho tôi. Có 10 triệu tôi liền đi hỏi mua xe đạp điện, mới biết chiếc xe chạy bằng pin giá 11 triệu. Chiếc xe đạp điện chạy bằng pin lithium (giống như pin điện thoại) xài bền hơn bình accu thường và dĩ nhiên là đắt hơn khá nhiều. Tôi chỉ cần bù thêm 1 triệu lấy từ quỹ tiêu dùng hàng tháng là mua được chiếc xe.
Ngoài việc mua xe, đầu năm học của con bé cũng cần rất nhiều tiền. Nào tiền mua sắm quần áo, giày dép đồng phục, nào tiền đóng học phí cả năm dù là trường công cũng vẫn có mức phí nhất định, rồi tiền bảo hiểm ý tế, nào tiền đóng góp quỹ cha mẹ học sinh, tuy không bắt buộc nhưng thực tế không ai là không đóng chỉ trừ những người quá nghèo không thể đóng nổi. Tất cả những khoản phí đó không dưới 6 triệu đồng. Nhưng Tâm cũng cho tôi số tiền này. Câu chuyện là thế này. Tôi có một chiếc xe Honda dame rất cũ, mua từ năm 1968 lúc tôi mới 15 tuổi. Vì xe quá cũ, đến nay năm 2014, đã là 46 năm. Tôi đã muốn bán nó đi vì thực tế không còn sử dụng, cả chục năm nay bỏ phế nằm chật nhà, nhưng đại lý Honda có thu mua xe cũ, họ chỉ trả 1,5 triệu, nên tôi còn chưa bán. Không ngờ đến lúc tôi cần tiền mà không hề nghĩ gì đến việc bán xe (bởi vì có bán cũng đâu được bao nhiêu tiền), thì bỗng nhiên có người đến gặp bà xã tôi hỏi thăm và bằng lòng mua chiếc xe cũ đó với giá 8 triệu. Sao mà có hai việc ngẫu nhiên bán đất và bán xe cũ xảy ra đúng lúc vậy ? Nó giúp tôi giải quyết được một cách dễ dàng trong việc cần có gần 20 triệu đồng cho mùa nhập học của đứa con.
Tôi có thể chứng thực bằng kinh nghiệm của mình rằng khi Stephen Davis làm đoạn video clip vừa kể là ông ta đã đúc kết từ kinh nghiệm thực tế chứ không phải bịa đặt. Nhiều điều tưởng chừng như rất ngẫu nhiên nhưng sự thật không phải thế. Tâm đã thu xếp mọi việc cho các players của nó, chúng sinh và pháp giới chỉ là những con rối, những biểu hiện của tâm, người tu hành cần phải nhận ra điều đó.
Cuộc sống đời thường của mỗi con người chúng ta là do Tâm tạo, chúng ta sướng hay khổ là do nghiệp của mình. Tu hành là hiểu luật nhân quả, bớt tạo nghiệp ác, tạo nhiều nghiệp thiện thì sẽ được sướng, được bình an. Phá ngã chấp và phá pháp chấp thì sẽ được giải thoát, đó là lẽ đương nhiên, đó cũng chính là công việc chủ yếu của người tu hành.
Truyền Bình
Chào bácTruyền Bình. Từ ngày biết đến blog tu học của bác, tôi rất mong được đọc những bài viết mới. Hôm nay bác viết về ‘tiền’, tôi thấy cũng hay và cũng khá giống với những gì tôi đang đọc được từ một cuốn sách. Và cũng từ cuốn sách này mà tôi biết đến blog của bác. Đó là khi muốn hiểu rõ hơn những gì tác giả viết, tôi đã tìm trên Google và đã thấy blog của bác. Tôi xin gởi bác cuốn ebook này. Đó cũng là ý muốn của tác giả muốn cuốn sách này được chia xẻ đến thật nhiều người. Xin gởi đến bác và các bạn độc giả. https://www.dropbox.com/s/r1ym0rqxsenj7ps/ahappypocketfullofmoney.pdf?dl=0
Xin cám ơn bạn Nguyễn Xuân Thiện, chúc bạn thân tâm thường lạc.
Tái bút. Nếu có dịp nào, bác viết về lời dạy của Đức Phật về lòng biết ơn thì tôi sẽ vô cùng biết ơn bác. Phương Tây rất xem trọng lòng biết ơn và cho rằng nó có thể thay đổi cuộc sống của con người tốt hơn rất nhiều. Cám ơn bác. Thiện
Tôi nghĩ rằng phát tâm tự giác giác tha là thể hiện lòng biết ơn tốt nhất.
Rất biết ơn bạn !
Nói vậy là số phận đã bị an bài rồi phải không bác? Vậy mình muốn thay đổi thì phải làm gì?
Cái ý muốn thay đổi là xuất phát từ cái tâm chấp ngã. Cái ngã đã không thật, chỉ là con rối, mình không cần phải bận tâm tìm cách thay đổi nó, đó chỉ là ảo tưởng. Thay vì vậy, nên nhìn xuống (trực há thừa đương) để ngộ cái bản Tâm (A-lại-da thức) mới là cái quyết định. Chỉ cần giác ngộ thôi, tất cả mọi việc khác đều không cần thiết.
Cám ơn bác đã trả lời.Xin hỏi thêm một câu hỏi nữa.Nếu tất cả là con rối thì lấy cái gì “tạo nghiệp và chuyển nghiệp”, nếu tất cả là ảo thì thì những thứ được một cong người ảo viết ra có thật đúng không?
Chúng ta biết rằng các nhân vật hoạt hình là ảo, là con rối. Vậy thì chương trình để các con rối ấy vận động cũng là ảo, là giả lập. Nghiệp và chuyển nghiệp cũng là những thứ giả lập tương tự như vậy.
Cảm ơn bác
Con đã xem nhiều lần video của S.Davis. và hôm nay được đọc thêm trải nghiệm của bác trong cuộc sống mà ở đây là đồng tiền. Con rất đồng tình và cảm thấy giá trị thật từ việc “Tâm làm việc” theo cách mà chính bản thân người đó cũng thấy bất ngờ đến khó hiểu
Con đã có nhiều trải nghiệm như vậy. Ở đây, con chỉ hỏi bác rằng có phải chính niềm đam mê, yêu thích lĩnh vực hay 1 hoạt động nào đó một cách vô tư, không vị lợi lộc hay toan tính, tham lam chính là cách “Tâm làm việc” cho ta trong những tình huống nan giải phải không a, mà cụ thể là lúc ta cần đến tiền? Tức là có giá trị trao đổi rất rõ ràng trên cơ sở Nhân Duyên Quả phải ko a? Điều chúng ta cần ý thức là hãy sống và làm việc 1 cách đầy đam mê, vô tư lợi. Việc còn lại hãy để TÂM LÀM VIỆC !?
Con cảm ơn bác về những giá trị tuyệt vời trong blog này
Và con nghĩ đó là cách gieo duyên lành một cách vô tư lợi !
Cái hiệu ứng của tu hành là nó giúp ta nhận thức được rằng người quyết định không phải là ý thức của cá nhân, của cái tôi, vai trò của ý thức rất nhỏ và thứ yếu. Người quyết định thật sự và vô cùng hiệu lực là Tâm. Tâm là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, nguồn gốc của tất cả chúng sinh. Chính ý thức của cái tôi tạo rào cản ngăn không cho Tâm làm việc một cách trơn tru, khiến cho cuộc sống của cá nhân bị trở ngại, bị bất hạnh. Nó giống như cái máy tính bị virus không thể chạy một cách trơn tru tốt đẹp được. Chúng ta sống và làm việc, giải trí, không cần quá bận tâm vào việc đúng hay sai. Đúng hay Sai chỉ là quan niệm của xã hội, của người chung quanh, của tập quán chính mình, mười người trăm ý không thể nào khẳng định được. Tuy vậy cũng không phải là cứ nghĩ bừa, làm bừa, mà phải theo nhân duyên. Theo nhân duyên chính là sự đồng nhịp giữa Tâm và ý thức của mình. Chúng ta trở thành người vô sự và không phải lo lắng bất cứ điều gì, lý do là vì có sự đồng điệu giữa Tâm (sức mạnh vô địch vô lượng vô biên) và mình (hữu hạn). Mình chỉ nên theo Tâm chứ không nên theo bất cứ đảng phái chính trị, quan niệm triết học hay tôn giáo nào.
Cảm ơn bác
Con người hàng ngày đối mặt với mọi buồn phiền, trăn trở và họ than thở rằng: Tại sao mọi cố gắng, chăm chỉ của họ vẫn không thể kiếm tiền dù chỉ là miếng cơm, manh áo hàng ngày. Phải chăng có gì đó cản trở họ, và những đối tượng này thật khó tiếp xúc với Tâm Linh mà cụ thể là thấu hiểu tính vô thường của vạn pháp để từ đó thuận theo chiều tự nhiên, Nhân Duyên nhằm cải thiện kết quả trước hết là trên bề mặt cuộc sống hàng ngày của họ.
Bởi con thấy, tâm trí hàng ngày của họ là đồng tiền, miếng ăn. Có giải pháp nào tích cực xuyên suốt hỗ trợ họ không bác ?
Phải chăng, mình hãy là tấm gương để họ thấy và phần nào có HIỆU ỨNG tác động tích cực đến họ theo thời gian ?
Chúc Bác 1 ngày an lạc !
Những người nghèo khổ kia làm đủ mọi cách để kiếm tiền nhưng tiền đến với họ một cách rất khó khăn bởi vì họ thiếu tích đức. Đức là một cái gì có vẻ trừu tượng mơ hồ nhưng nó mang lại tiền. Bà xã tôi muốn có nhiều tiền để giúp những người như bọn họ, bà ấy làm việc cực khổ suốt đời vì mục đích đó. Nhưng bà ấy không hiểu là Tâm không có giao nhiệm vụ đó cho bả, nên kết quả thế nào ? Kết quả là bà ấy “vay nợ để làm từ thiện” nghĩa buôn bán không ra đồng lời nào những vẫn hào phóng làm từ thiện, kết quả là nợ 600 triệu. Tôi phải ba lần bán nhà để trả nợ thay cho bả. Tôi phải vừa nai lưng ra làm việc để nuôi gia đình, phải làm hết mọi việc trong nhà, nấu cơm nấu nước, giặt giũ, quét nhà, chăm sóc nhà cửa, vừa phải giải quyết những món nợ khổng lồ do bà xã gây ra vì động cơ từ thiện. Thế nhưng Tâm giúp tôi, Tâm mang tiền lại cho tôi những lúc cần thiết nên vượt qua được tất cả mọi khó khăn mà gia đình vẫn bình an, con cái học giỏi, thành đạt. Tôi đã trải qua quá trình đó mà cũng không quá khốn khổ vì Tâm liên tục hỗ trợ cho tôi hết sức hiệu quả. Bà xã tôi hiện nay vẫn tiếp tục lam lũ bần hàn bán rau cải ở chợ nông thôn để kiếm tiền làm từ thiện, suốt năm không nghỉ một ngày nào kể cả mồng một tết, không bao giờ đi du lịch vì sợ phí tiền, từ chối tất cả những lần con gái mời sang Anh quốc du lịch, cụ thể là năm 2012 lúc diễn ra Olympic London, bà ấy không chịu đi nên tôi chỉ đi với con gái nhỏ. Vậy bạn và những người nghèo khổ kia có thể rút ra được kinh nghiệm gì từ câu chuyện hoàn toàn có thật của gia đình tôi ?
Vâng, những gì bác trải qua trong cuộc sống gia đình, con đã cảm nhận được sự khác biệt trong cách nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mặc dù là những người gần mình nhất.
Đó cũng là suy nghiệm, quan sát của chính con trong gia đình mình và của những người xung quanh khi tiếp xúc. Có người họ còn treo trên tường những câu kiểu như “tích đức dành cho con cháu”. Nhưng thực tế họ không hiểu và giải thích được TÍCH ĐỨC ở đây là tích cái gì và họ suy nghĩ, hành động mà theo con hoàn toàn ngược với điều tốt đẹp họ mong muốn (dành cho con cháu)
Sự mâu thuẫn đó chính là tính không đồng nhất giữa Thân và Tâm phải không bác? Mọi người đều có hành động mâu thuẫn giống nhau dẫn đến kết quả không như họ mong đợi ( trong đó có tiền) và họ gặp phải sự phiền não, đau khổ dài dài…
Phải chăng, mình cứ mặc kệ họ cả đời như vậy sao?
Nhiều lúc con cũng chỉ biết cười với ánh mắt nhìn xa xăm…
Vâng, những gì bác trải qua trong cuộc sống gia đình, con đã cảm nhận được sự khác biệt trong cách nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mặc dù là những người gần mình nhất.
Đó cũng là suy nghiệm, quan sát của chính con trong gia đình mình và của những người xung quanh khi tiếp xúc. Có người họ còn treo trên tường những câu kiểu như “tích đức dành cho con cháu”. Nhưng thực tế họ không hiểu và giải thích được TÍCH ĐỨC ở đây là tích cái gì và họ suy nghĩ, hành động mà theo con hoàn toàn ngược với điều tốt đẹp họ mong muốn (dành cho con cháu)
Sự mâu thuẫn đó chính là tính không đồng nhất giữa Thân và Tâm phải không bác? Mọi người đều có hành động mâu thuẫn giống nhau dẫn đến kết quả không như họ mong đợi ( trong đó có tiền) và họ gặp phải sự phiền não, đau khổ dài dài…
Phải chăng, mình cứ mặc kệ họ cả đời như vậy sao?
Nhiều lúc con cũng chỉ biết cười với ánh mắt nhìn xa xăm…
Mình chỉ có thể chỉ cho họ thấy con đường nên đi, đơn giản nhất là giữ ngũ giới. Còn có đi hay không mình không thể quyết định thay cho họ. Bà xã tôi muốn kiếm tiền để giúp đỡ cho họ nhưng xem ra cũng chỉ hoài công, chỉ giúp được trong vài khoảng khắc nhất thời mà thôi.
vui lòng cho hỏi : sư huynh mổi ngày công phu tu hành như thế nào mà được hiệu ứng tâm …tiền và du lịch anh Quốc ? vì sao bà bán rau với tấm lòng tốt thích từ thiện nhưng vẩn gây nợ và mất khả năng chi trả có phải vì bà không tu có kết quả nên không có hiệu ứng ….tôi 3 năm nay nhà máy phá sản ,không thu nhập tiền nhưng khi đói có người cho ăn khát có người cho uống túi không tiền nhưng vẩn có người cho tiền để cúng đúc tượng phật xây chùa phóng sinh cá và đi du lịch nhiều lần trong và ngoài nước ….tôi chỉ ăn và chơi không có lương hưu …chỉ áp dụng 1 câu vô sở cầu vô sở đắc và vô sở sợ …xin chỉ giáo …kính 5 thành củ chi thanhcuchi05@yahoo.com.vn
Tôi chỉ giữ ngũ giới của cư sĩ tại gia, suốt năm tháng vô sự, tùy duyên. Công phu chỉ có bấy nhiêu thôi. Bả xã tôi muốn kiếm nhiều tiền để giúp đỡ người nghèo, đó chỉ là vọng tưởng vì Tâm không giao việc đó cho bà ấy nên không cho bà ấy khả năng quản lý đồng tiền giỏi, cũng không cho bà ấy kiếm được tiền. Nhưng bà ấy cũng có phước nên mọi việc rồi cũng qua. Bạn được như vậy là quá tốt rồi, đâu cần phải thỉnh giáo gì thêm.
thanks you
Chao chu Truyen Binh,
Tu ngay biet duoc trang wordpress cua chu, chau duoc mo tri rat nhieu, cam on nhung bai viet tam huyet cua chu .
Chu oi, chu co quan tam den nang luong diem khong khong chu ? moi chu tham gia voi chung chau voi… http://www.nangluongmoisaigon.org/
Moi chu tham qua trang web cua cung chau 🙂
Cám ơn bạn Tranlan đã giới thiệu về năng lượng mới, đây là một đề tài rất hay, tôi cũng rất quan tâm.
Chị bán rau cải mà làm sao vay nợ được 600 triệu để làm từ thiện được ? Không biết chị Bình
có đọc Blog này không ?
Sự việc không phải diễn ra trong thời gian ngắn. Nó là một hoạt động kéo dài từ năm 1989 đến năm 2008. 600 triệu là số tiền tôi phải bỏ ra để trả nợ cho bà xã trong suốt thời gian đó, chứ không phải bà ấy vay của ai một lúc 600 triệu.
Cuộc đời chỉ cần thân khỏe, có nơi ở và 2 bữa cơm thanh đạm là đũ. Nói vậy chớ người có tâm đạo thì thực tế những điều đó chẳng cần phải lo. Và tâm an? đó là lý do mà tổ Đạt Ma vào Trung Quốc. Nhưng thử hỏi tâm nào an? cái tâm vọng động lăng xăng vốn đã không an như mây trời thiên hình vạn trạng, màu sắc đổi thay. Có cần bắt tâm này an không. Và mong muốn và tìm mọi cách để tâm này an có hợp lý không? Còn cái thường gọi là Bản Tâm ( bản lai diện mục , Chơn tâm ) thì vốn như bầu trời, như gương. Tâm này có bị cái lăng xăng làm nhiểu loạn không? Tôi nghĩ chỉ cần biết thì không còn vấn đề an hay không. Đạo Phật có câu ” Duy tuệ thị nghiệp ” . Chỉ có trí tuệ là giải quyết vấn đề khổ đau sinh tử. Như trong giấc mơ thấy mình đi lạc đường, không phải cố gắng tìm cách này cách khác mà về nhà được. Chỉ cần tỉnh mộng thôi. Tuy nhiên trong kinh Bát Nhã Ba La Mật thì cần phải ” hành thâm ” thì cái Biết mới tròn đầy. Còn ý kiến của anh thì sao?
Cái tâm bản lai diện mục tất nhiên bất biến lúc nào cũng an. Còn cái tâm lăng xăng chạy nhảy của cái ngã mới cần tu để an. Thực tế tâm này cũng có thể an bởi vì ngộ ra cái ngã không có thật thì còn lo gì nữa mà không an ?
Tâm con lúc trống rỗng,lúc lo sợ. Làm sao để tâm được an,được thảnh thơi?
Con đang tham thiền,mà tâm vẫn chạy chạy lung tung
Bạn bất an là vì còn chấp chặt cái tôi và cái của tôi (ngã và ngã sở). Bây giờ bạn buông bỏ nó, mặc kệ nó, không còn mong cầu gì cho nó nữa thì không còn lý do gì để không an. Nếu bạn hiểu thế gian là ảo hóa, không có gì là thật, ngã và pháp đều là không thì tâm sẽ tự an.