MỸ NHÂN VÀ CHUYỆN TU HÀNH [XUÂN 2015]

Mỗi năm một lần xuân về tết đến, tôi cũng cố gắng viết một bài gì đó cho hợp với không khí xuân một chút. Năm nay chọn đề tài mỹ nhân và tu hành vừa có chút lãng mạn vừa không xa với tông chỉ của blog.

Theo quan niệm của người xưa thì mỹ nhân cũng không hẳn là người nữ, chẳng hạn có câu “Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương” () trong Tiền Xích Bích Phú của Tô Thức_Nhớ về người đẹp chừ, một phương trời) Có lẽ ông nghĩ đến những nhân vật kiệt xuất của thời Tam Quốc như Khổng Minh, Chu Du, Tào Tháo trong khi đi chơi thuyền tại núi Xích Bích. Về nhan sắc thì nam cũng có người đẹp, còn nữ thì chú trọng hơn vào nhan sắc, nhưng ngoài nhan sắc thì tinh thần, tính cách, giọng nói, mỗi thứ đều có vẻ đẹp. Còn chuyện tu hành thì cũng không phải của riêng giới nào, khi nào người ta tỉnh ngộ thì tự nhiên hướng tới tu hành. Trong bài này, tôi cũng không nói về mỹ nhân đời xưa như các vị thánh trí xưa hay những người đẹp nổi tiếng trong lịch sử như Tống Ngọc, Phan An hay tứ đại mỹ nhân xưa Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi…mà chủ yếu nói về các mỹ nhân đời thường thời hiện đại. Tuy nhiên đối tượng cũng không phải là các mỹ nhân trẻ tuổi đang đắc thời, mà là những người từng vang bóng một thời nhưng nay đã luống tuổi, chính những người như vậy mới không tránh khỏi phải hướng tới tu hành. Tôi sẽ giới thiệu một số mỹ nhân là các bóng hồng mà tôi có biết qua những nền văn hóa mà tôi có duyên tiếp xúc.

1.Đặng Lệ Quân 鄧麗君 tên tiếng Anh : Teresa Teng (1953-1995) là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất Đông Á, cô là người Đài Bắc, Đài Loan. Được coi là “diva Châu Á”, cô nổi danh trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Hong Kong, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Đông Nam Á. Năm 1986, tạp chí Time của Mỹ xếp cô vào top 10 ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới và top 7 ca sĩ của năm, là người châu Á duy nhất được hai lần trao thưởng. Năm 1995, cô cùng bạn trai là nhiếp ảnh gia người Pháp tên Paul đến thành phố Chiang Mai tại Thái Lan du lịch để tận hưởng không khí trong lành và có dự định tiếp tục sáng tác nhạc. Thế rồi vào ngày  08-05-1995 cô đã đột ngột qua đời tại Khách sạn Chiang Mai do lên cơn hen suyển, Đặng Lệ Quân mất trong sự cô đơn khi không có bạn trai bên cạnh cứu giúp. Ngày 23-09-2008, ca khúc “Đãn nguyện nhân trường cửu 但願人長久 của Đặng Lệ Quân được phát khi Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 7 lên không gian.

Đản Nguyện Nhân Trường Cửu- Tô Thức- Đặng Lệ Quân hát

Đặng Lệ Quân cũng rất được hâm mộ với bài Tiểu Thành Cố Sự

Tiểu Thành Cố Sự – Đặng Lệ Quân – Karaoke – Việt dịch

Nhận xét : Mỹ nhân bạc mệnh qua đời quá sớm, cô cũng bất hạnh trong tình yêu và hôn nhân.

2. Ca sĩ Lý Na sinh năm 1963, tại thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam Trung Quốc, tên thật là Ngưu Chí Hồng 牛志红 Cô tốt nghiệp trường kịch nghệ tỉnh Hà Nam, từng tham gia diễn xuất trong đoàn Dự Kịch 豫剧 (Đoàn Kịch của tỉnh Hà Nam) đến năm 1986 vào đoàn ca múa của tỉnh Hà Nam, nổi tiếng trong làng ca nhạc Hoa ngữ ở thập niên 90, vang dội cùng thời với những ngôi sao khác như: Trịnh Lâm, Trương Quốc Vinh, Lưu Đức Hoa, Trương Học Hữu… Năm 1997, cô chuyển hộ khẩu về thành phố Trương Gia Giới 张家界, xuất gia làm ni cô tại Phổ Thọ Tự 普寿寺 Ngũ Đài Sơn 五台山 tỉnh Sơn Tây. Cô nói “Tôi không xuất gia, mà là tôi quay về nhà !”  Năm 1998 cô sang Mỹ.

CasiLiNa

Lý Na ni cô

Lý Na nổi tiếng với bài hát Cao Nguyên Thanh Tạng

Cao Nguyên Thanh Tạng – Lý Na – Karaoke – Việt dịch

Nhận xét : Mỹ nhân sớm giác ngộ “Tu là cội phúc tình là dây oan”

3. Ca sĩ Mạnh Đình Vi 孟 庭 葦 sinh năm 1969 tại Cao Hùng, tên thật là Trần Tú Mân 陳秀玫, là một danh ca của Đài Loan, tốt nghiệp cao trung (phổ thông trung học). Khởi nghiệp ca hát từ năm 1989, đến năm 1991 thành danh với bài hát 你看你看月亮的脸 (Bạn thấy đó gương mặt của mặt trăng), bài hát này bán được tới 10 triệu bản trên khắp Châu Á, do đó cô có danh hiệu “công chúa mặt trăng” và khi đi ủy lạo quân đội được hoan nghinh nhiệt liệt, nên cô còn có danh hiệu “tình nhân của quân đội”

Năm 2000, Mạnh Đình Vi đang đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, bỗng đột ngột rút lui, tạm ngưng tất cả các hoạt động nghệ thuật trong làng giải trí, cô tiết lộ : “Đó là quyết định do chính tôi chọn lựa, bởi tôi là một Phật tử thuần thành và có lòng tin tha thiết với đức Phật. Tôi nghĩ rằng, cho dù lúc đó là thời kỳ hoàng kim, đỉnh  cao sự nghiệp ca hát, song đối với tôi mà nói, đó không phải là tất cả, đó không phải là điều quan trọng trong cuộc sống của một đời người, danh lợi càng mờ nhạt càng tốt cho mình” Cô định xuất gia tu hành theo Phật pháp nhưng nợ trần còn nặng, nên sau đó lại gặp người tình lý tưởng, lấy chồng sinh con, chỉ thực hiện được việc ăn chay thôi, cô đã ăn chay suốt hơn 20 năm nay.

Manh Dinh Vi va con trai

Mạnh Đình Vi và con trai

Cuối năm 2004, cô tái xuất hiện trên ca đàn và đi lưu diễn khắp nơi ở Đài Loan và Hoa lục. Năm 2014 cô đoạt giải thưởng dành cho ca sĩ 30 năm ca khúc vàng Hoa ngữ thính phòng  (华语金曲奖30年殿堂级歌手奖).Sau đây là một bản nhạc đời thường và một bản nhạc Phật giáo của cô.

Gió Là Phương Hướng Hồi Ức Của Tôi – Mạnh Đình Vy – Karaoke – Việt dịch

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh – Mạnh Đình Vy – Ca từ – Việt dịch

Nhận xét : Mỹ nhân còn vướng chút nợ trần nên chưa triệt để hướng về cửa không nhưng như thế cũng đã là quá đủ cho một kiếp nhân sinh. Chính Đức Phật cũng không muốn cho phụ nữ xuất gia.

4. Nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết, sinh năm 1945 tại làng Khánh Bình,Châu Đốc,  là một nữ nghệ sĩ cải lương danh tiếng, được mệnh danh là “Cải lương chi bảo“. Bà cũng là tiến sĩ  Nghệ thuật Cải lương đầu tiên của Việt Nam, được nhà nước Việt Nam tôn vinh danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Bà bắt đầu sự nghiệp bằng cách đi hát ở những nhà hàng ca nhạc bằng những bài tân nhạc như “Nắng đẹp miền Nam”, “Làng tôi”, “Tiếng còi trong sương đêm”. Năm 1961, đoàn Kiên Giang diễn vở “Lá thắm chỉ hồng”, cô đào chính tới trễ, khiến Bạch Tuyết bất ngờ được giao vai cô lái đò Lệ Chi, diễn xuất của bà khiến khán giả hết sức ngạc nhiên. Sau đó là những vở “Kiếp chồng chung”, “Suối mơ rền áo cưới”… Bà được Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất, với vở “Tiếng hát Muồng Tênh”, tên tuổi bà bắt đầu nổi. Bà  thời trẻ cùng với chồng cũ là cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, vô địch giải Merdeka 1966, và nghệ sĩ Hùng Cường, từng vang tiếng một thời tại miền Nam thập niên 1960, về già biết quy y, đến với Phật pháp và tìm thấy sự an tĩnh trong tâm hồn.

Năm 1988, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, cũng năm này bà tốt nghiệp khoa đạo diễn ở Viện hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh tại Sofia – Bulgaria. Năm 1995, bà bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á”, trở thành tiến sĩ nghệ thuật Cải lương đầu tiên của Việt Nam. Bà quy y Tam bảo Phật giáo với pháp danh Diệu Lộc.

Bach Tuyet Phat Bieu

Nhận xét : Hồi đầu thị ngạn. Trực há thừa đương. Chỉ cần quay đầu lại là nhìn thấy đâu là bờ bến.

5. Nghệ sĩ và soạn giả cải lương Thanh Kim Huệ tên thật là Bùi Thị Huệ, sinh năm 1955 tại Sài Gòn. Thanh Kim Huệ không có vận số hanh thông, cô gặp nhiều rủi ro ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp ca hát, như năm 1967 đoàn xe chở nghệ sĩ bị cháy, có nghệ sĩ bị chết nên đoàn hát tan rã. Khi cha cô dẫn cô theo một đoàn hát nhỏ thì đoàn này cũng bị giải thể sau biến cố Tết Mậu Thân 1968. Năm 1969 khi cha mẹ dẫn cô theo đoàn cải lương Hoa Phượng lưu diễn bằng ghe ở các tỉnh miền nam Việt Nam thì ghe lại bị chìm gần phà Vàm Cống. Trong lần chìm ghe đó, cô được nghệ sĩ Thanh Điền cứu vớt và sau đó tình cảm nẩy nở giữa hai người. Hai người hát với vai trò kép nhì, đào nhì trong đoàn Kim Chung 2. Đến 1972, Thanh Kim Huệ mới được nâng lên đào chánh. Năm 1974, Thanh Điền thành lập gánh hát Xuân Liên Hoa, Thanh Kim Huệ làm đào chánh. Hai người kết hôn vào dịp Tết năm 1975. Thanh Kim Huệ cũng là nữ soạn giả cải lương có nhiều tuồng được dàn dựng trên đoàn hát Kim Chung 2 và đoàn cải lương Saigon 1. Cô có được 20 vở cải lương được dàn dựng trên sân khấu của hai đoàn hát trên. Sau giải phóng, hoạt động cải lương sa sút, hai vợ chồng phải sống bằng nghề phụ là chụp hình.

Thanh Dien- Thanh Kim Hue

Cặp vợ chồng nghệ sĩ Thanh Điền- Thanh Kim Huệ, chung thủy và hạnh phúc

Thanh Kim Huệ quy y từ lúc 18 tuổi tại chùa Ấn Quang, pháp danh Diệu Định.

Thanh Kim Hue Phat Bieu

Nhận xét : Vận số tiền hung hậu kiết, tuy cuộc sống thành đạt hạnh phúc nhưng sớm biết cửa không mới thực sự vững chắc.

6.Diễn viên điện ảnh Trần Hiểu Húc 陳 曉 旭 (1965-2007) Bà sinh ra tại thành phố Yên Sơn,tỉnh Liêu NinhNăm 1987, Trần Hiểu Húc 18 tuổi, được  đạo diễn Vương Phù Lâm và Vương Hy Phụng mời thủ vai Lâm Đại Ngọc trong phim Hồng Lâu Mộng và thành công trong vai diễn này.

Tran-Hieu-Huc-LamDaiNgoc                                                                                        Trần Hiểu Húc đóng vai Lâm Đại Ngọc trong phim Hồng Lâu Mộng

Năm 1991 bà rời bỏ sàn diễn lao vào con đường kinh doanh. Năm 1996 bà thành lập Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Quảng Cáo Thế Bang ở Bắc Kinh (bà làm chủ tịch hội đồng quản trị, còn chồng là ông Hác Đồng làm tổng giám đốc). Năm 2004-2005 bà lọt vào top 30 người phụ nữ làm kinh tế giỏi toàn Trung Quốc. Bà quyên tặng rất nhiều tiền cho sự nghiệp từ thiện, số tiền lên tới mấy chục triệu nhân dân tệ.

TranHieuHuc doi thuong

Trần Hiểu Húc nữ doanh nhân thành đạt

Vào năm 1999, trong một cơ duyên là có người bạn cho bà mượn CD Vô Lượng Thọ Kinh của Pháp Sư Tịnh Không, từ đấy bà đã bén duyên Phật pháp. Hai tháng sau, bà đáp máy bay tới Singapore quy y với Pháp sư Tịnh Không và bái ngài làm thầy. Năm 2006 bà biết được mình mắc bệnh ung thư vú. Ngày 23/02/2007 cơ duyên đã chín mùi, bà xuống tóc xuất gia trở thành ni cô tại chùa Hưng Long (thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm) pháp danh Thích Diệu Chân.

TranHieuHuc ni co

Trần Hiểu Húc ni cô 

Thế rồi Trần Hiểu Húc, người từng thể hiện vai Lâm Đại Ngọc trong bộ phim truyền hình Hồng Lâu Mộng đã từ trần hôm 13/5/2007 do bệnh ung thư vú ở tuổi 42.

Nhận xét : Cuộc đời vô thường, danh vọng tiền tài chỉ là phù du.

7. Ca sĩ Phụng Phi Phi 鳳飛飛 (1953-2012) là một ca hậu thuộc hàng quốc bảo của Đài Loan, tên thật là Lâm Thu Loan 林秋鸞, sinh ra tại thị trấn Đại Khê huyện Đào Viên 桃園 đảo Đài Loan. Cô có biệt danh là “ca hậu đội nón” vì cô thường đội nón trong lúc biểu diễn

Phung Phi Phi

Ca sĩ Phụng Phi Phi 

Kết hôn năm 27 tuổi với doanh nhân du lịch Hong Kong Triệu Hoành Kỳ  趙宏琦 sinh một con trai năm 1989. Cô qua đời đầu năm 2012 vì bệnh ung thư phổi tại Hong Kong, hưởng thọ 60 tuổi. Năm 2013, cô được truy tặng giải Nhạc vàng lần thứ 24 và giải Chuông vàng lần thứ 48 do quá trình cống hiến to lớn cho nền âm nhạc Đài Loan.

Buổi diễn cuối cùng – Phụng Phi Phi – Ca từ – Việt dịch

Nhận xét : Mỹ nhân qua đời hơi sớm vì sự vô thường của cõi thế gian.

8. Ca sĩ Dalida (1933-1987) Dalida là một ca sĩ và diễn viên nổi tiếng tại Pháp và Châu Âu. Tên thật là Iolanda Cristina Gigliotti về sau được gọi bằng tiếng Pháp là Yolanda, sinh ngày 17-01-1933 tại Cairo, Ai Cập trong một gia đình gốc Ý. Bà hát và diễn chủ yếu bằng tiếng Pháp, nhưng cũng có hát bằng tiếng Ý, tiếng Ả rập, Ai Cập, Anh, Tây Ban Nha và Đức. Bà đã bán được 125 triệu đĩa nhạc, nghĩa là rất thành công về mặt ca hát, giành được 55 đĩa vàng, bạch kim và một đĩa kim cương, thế nhưng lại bất hạnh trong cuộc sống. Bà là Hoa hậu Ai Cập năm 1954, đến Paris năm 21 tuổi, định theo nghề đóng phim. Thế nhưng hành trang về nghề diễn viên điện ảnh của bà không có gì đáng kể đối với các nhà sản xuất phim Pháp, nên bà chuyển sang ca hát. Ban đầu bà lấy nghệ danh Dalila nhưng sau theo lời khuyên của nhà văn Alfred Machard, bà đổi thành Dalida. Bà bắt đầu nổi tiếng với bài hát Bambino (cậu bé) bán được nửa triệu bản, loại đĩa nhựa 45 vòng, đoạt giải đĩa bạch kim.

Bambino – DALIDA 1956 – Lyrics – Traduction Vietnamienne

Hết sức thành công về mặt nghệ thuật âm nhạc, nhưng cuộc sống riêng của bà lại đầy bi kịch, khiến bà cảm thấy bất hạnh. Trước hết là cái chết của người cha ngay sau khi Thế chiến 2 vừa kết thúc, cha bà là lính Ý bị quân Anh bắt làm tù binh, chết trong trại tù. Năm 1967 người yêu của bà Luigi Tenco tự tử vì không giành được giải “Ciao amore ciao” trong Festival de San Remo, chính bà phát hiện xác của người yêu ngay trong đêm mà họ dự định sẽ thông báo lễ cưới cho những người thân cận. Quá sốc, một tháng sau bà định tự tử tại khách sạn Prince de Galles tại Paris bằng cách uống thuốc an thần barbituriques quá liều, nhưng được phát hiện kịp và thoát chết. Rồi năm 1970 người bạn và là chồng cũ của bà, Lucien Morisse (giám đốc điều hành Đài Europe 1) tự tử trong căn hộ cũ của họ tại Paris. Năm 1983 một người bạn thân của bà Richard Chanfray lại tự tử bằng hơi gaz.

Ý tưởng về cái chết ám ảnh bà đến nỗi bà mang nó lên sân khấu với bài hát Mourir sur scène (chết trên sân khấu)

Mourir sur Scène – Dalida – Lyrics Multilanguage

Đến năm 1987 bà tự kết liễu đời mình tại nhà ở khu Montmartre cũng với thuốc an thần quá liều, lần này ban đêm nên không ai hay kịp, có để lại thư cho hai người bạn là Orlando và Naudy trong đó chỉ có một dòng « Pardonnez-moi, la vie m’est insupportable» (hãy tha thứ cho tôi, tôi không thể chịu đựng nổi cuộc sống).

Nhận xét : Hồng nhan bạc mệnh, cuộc đời vô thường nhưng đáng tiếc là bà chưa gặp được Phật pháp.

9. Ca sĩ Sylvie Vartan, sinh năm 1944 tại Iskretz tỉnh Sofia, Bulgaria, là một ca sĩ và diễn viên người Pháp gốc Bulgaria (cha bà sinh ra ở Pháp nhưng ông nội bà là người Armenia và bà nội là người Bulgaria), mẹ bà lại là người Do Thái gốc Hungaria. Cũng trong năm bà sinh ra, quân đội Xô Viết chiếm đóng Bulgaria và gia đình bà di chuyển về thủ đô Sofia. Đến cuối năm 1952 gia đình bà lại di chuyển đến Paris. Cô Sylvie phải làm việc rất vất vả để có tiền đi học trung học và tránh cảm giác không giống ai so với các bạn đồng học. Bà xuất hiện nhiều trên truyền hình Pháp và Ý từ thập niên 1960 đến giữa thập niên 1970. Trong các năm 1962-1963, nhiều ca khúc của bà nằm trong top 20 những bản nhạc được ưa thích nhất Châu Âu. Cuối năm 1963 bà cùng với chồng là Johnny Hallyday đến Nashville bang Tennessie, Mỹ để thu âm album Sylvie à Nashville trong đó có bản nhạc được yêu thích nhất là La plus belle pour aller danser , bản này được dịch lời Việt là “Em đẹp nhất đêm nay”. Bản nhạc này lại được lấy làm nhạc chủ đề cho phim Cherchez l’idole (Đi tìm thần tượng) nên nó trở nên rất nổi tiếng trên thế giới, kể cả Nhật Bản (phát hành hơn một triệu bản), Hàn Quốc và Việt Nam.

La Plus Belle Pour Aller Danser – Sylvie Vartan – Y Lan – Lyrics

Năm 2004, sau một thời gian dài ngưng biểu diễn, bà lại thu âm và cho ra đời các nhạc khúc hòa tấu jazz ở các nước có người nói tiếng Pháp (francophone countries). Đến năm 2014 bà đã bước sang tuổi 70 nhưng vẫn còn khỏe, vẫn tiếp tục hoạt động. Năm 2015, bà có hai dự án lớn: đầu năm ra mắt album thứ 44 bằng tiếng Pháp, đã ghi âm ở Nashville, thủ phủ bang Tennessee nước Mỹ và trở lại sân khấu ca nhạc huyền thoại Olympia của nước Pháp vào tháng Tư.

Sylvie VartanSylvie-Vartan 2014

Sylvie Vartan thời trẻ               Sylvie Vartan 2014

La Maritza – Sylvie Vartan 1972 – Lyrics – Traduction Vietnamienne

Nhận xét : dấu ấn thời gian thể hiện rõ trên gương mặt mỹ nhân tuy đã được trang điểm khỏa lấp rất nhiều. Người đời không thể giữ nguyên vẻ đẹp mãi mãi, vì vậy mới cần tới Phật pháp để giác ngộ cái gì bất sinh bất diệt.

10. Ca sĩ Patti Page (1927-2013) tên thật là Clara Ann Fowlersinh tại  Clamore, bang Oklahoma, Mỹ, trong một gia đình đông con và nghèo, cha bà là công nhân đường sắt, mẹ  bà là công nhân hái bông vải. Lúc nhỏ nhà nghèo, gia đình không có điện, ban đêm bà không thể đọc sách. Bà học trung học tại trường Daniel Webster tại Tulsa Oklahoma cho đến tốt nghiệp. Năm 18 tuổi, bà hát trên chương trình radio 15 phút của đài KTUL tại Tulsa, chương trình do công ty sữa Page Milk tài trợ, trên sóng radio bà được gọi là Patti Page theo tên công ty sữa Page từ đó thành danh. Năm 1947 bà ký hợp đồng đầu tiên với hãng ghi âm Mercury Records tại Chicago, trở thành nữ ca sĩ của hãng Mercury và trở thành một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất nền nhạc pop truyền thống . Bà là nữ nghệ sĩ có lượng đĩa bán chạy nhất của năm 1950 và đã bán được hơn 100 triệu bản. Bà thường được giới thiệu là “the Singin’ Rage, Miss Patti Page” (Giọng ca cuồng nhiệt, Hoa hậu Patti Page”).Ca khúc đánh dấu tên tuổi của Patti là “Tennessee Waltz” (Vũ khúc nhịp ba bang Tennessee), thu âm năm 1950. Khác với phần lớn ca sĩ nhạc pop khác, Patti Page pha trộn phong cách nhạc đồng quê vào phần lớn ca khúc pop của bà. Khi nhạc rock and roll trở nên thịnh hành vào khoảng nửa cuối thập niên 1950, nhạc pop truyền thống trở nên ít phổ biến hơn, Page là một trong số ít ca sĩ vẫn duy trì được sự thành công trong dòng nhạc này, kéo dài tới giữa thập niên 1960. Năm 1997 bà được giới thiệu vào Oklahoma Music Hall of Fame (Nhạc viện của người nổi tiếng bang Oklahoma).

Đây là một mỹ nhân xuất thân nhà nghèo và thành đạt, sống khá thọ, 86 tuổi. Bà xinh đẹp, dễ tính, có ba đời chồng. Kết hôn lần thứ nhất năm 1948 nhưng vô duyên, ly dị sau một năm. Kết hôn lần hai năm 1956, có hai con, một trai một gái và cũng ly dị năm 1972. Đến 1990 bà mới kết hôn với người chồng thứ ba, nhưng ông này qua đời năm 2009.  

Bà qua đời tháng 1-2013, sau đó, bà được truy tặng Giải Grammy (tên ban đầu Gramophone = máy ghi âm) thành tựu suốt đời (Lifetime Achievement Grammy Award).

Patti Page – Tennessee Waltz (Lyrics)  

Patti Page – Down The Trail of Achin’ Hearts – Lyrics

Nhận xét : Tuy không có duyên gặp Phật pháp nhưng cuộc sống của bà có chừng mực, độ lượng, không chảnh như nhiều người đẹp nổi danh khác.

Kết luận : Mỹ nhân là những nét đẹp tô điểm cho cuộc đời, nhưng nếu quá mê đắm thì sẽ phải đối diện với những sự thật phũ phàng rất đáng sợ của thời gian và vô thường, còn nếu hiểu Phật pháp, xả chấp và tùy duyên, thì mọi việc đều bình thường, hiểu tất cả đều là ảo hóa thì không có gì phải lo sợ.

Advertisement

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Nhà sau. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s