HIỂU PHẬT PHÁP LÀ NHƯ THẾ NÀO ?

Phật pháp (PP) không dễ hiểu, đó là điều mà nhiều người cảm nhận. Tại sao ? Bởi vì PP có rất nhiều pháp môn và các pháp môn này dành cho các hành giả khác nhau với mức độ nhận thức khác nhau. Sự khác nhau này có thể trái ngược nhau khiến nhiều người hoang mang. Vì vậy PP thật sự là khó hiểu.

Giáo lý cơ bản của PP là Tứ Diệu Đế 四妙諦 (catvāry āryasatyāni) Bát Chánh Đạo 八正道(āryāṣṭāṅgamārga), cao hơn chút nữa là Thập Nhị Nhân Duyên 十二因縁 (dvādaśanidāna)   

Con đường cao thượng hàng đầu
Là “Bát Chánh Đạo” nhiệm mầu biết bao,
Bốn điều chân lý tối cao
Là “Tứ Diệu Đế” dễ nào sánh ngang,     

Vậy những hành giả tu theo Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo có kiến tánh thành Phật được không ? Câu trả lời là không. Tại sao ? Đó là giáo môn. Giáo môn là những pháp môn dựa trên lời dạy của Đức Phật, ví dụ như Tứ Diệu Đế. Phần lớn kinh điển nguyên thủy đều là giáo môn, dạy cho những người sơ cơ. Nó tương ứng với Nhân Thiên Thừa của Phật giáo. Hành giả có thể gặt hái nhiều phước báu nếu đầu thai cõi người, hoặc cao hơn một chút là sanh ở cõi trời sống lâu dài hơn cõi thế gian nhưng vẫn chưa giác ngộ. Hết phước vẫn có thể đọa vào cõi súc sinh. Một ví dụ điển hình là Uất Đầu Lam Phất.

Có một hành giả  tên là Uất Đầu Lam Phất 郁头蓝弗 (Udraka Rāmaputra )nguyện được sinh cõi trời, ông ta ở trên núi tập thiền định, trong lúc thiền, trên núi có tiếng chim kêu inh ỏi ảnh hưởng tới tâm lý ông ta, ông bèn nổi sân hận, nói, “ta sẽ biến thành loài chồn bay (phi ly 飞狸) ăn thịt hết chúng bây”. Đó là một niệm sân hận, nhưng ông ta tu có thành quả được sinh ở cõi trời. Ông ta được sinh ở cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng (cõi trời cao nhất thuộc vô sắc giới), thời gian ở đó rất lâu dài. Nhưng vì lúc ông ta tu thiền định có khởi niệm sân hận, nên khi tuổi thọ ở cõi trời hết, trở lại thế gian, ông ta biến thành con chồn bay, chuyên bắt chim ăn thịt. Đó là Phật kể câu chuyện về một ác niệm. 

Vậy tại sao người tu theo Tứ Diệu Đế không thể giác ngộ ? Bởi vì còn chấp ngã (chấp có ta là người đang đau khổ) và chấp có pháp môn là thật. Đã chấp thật như vậy thì tu hoài, tu mãi cũng không thể giác ngộ. Sau một thời gian dài đi lòng vòng mà không thể giác ngộ thì hành giả mới ngộ ra là phải bỏ đường vòng đi đường thẳng mới đến nơi được. Đi đường vòng giống như đi trong mê cung (maze) đi mãi mà không thoát ra được.  

Trong lịch sử Phật giáo có sư Vĩnh Gia Huyền Giác 永嘉玄覺 ban đầu tham học Đại tạng kinh (kinh điển của giáo môn) nhưng sau một thời gian dài nhờ có tham chiếu những kinh điển thuộc Đại Thừa như của Thiên Thai tông và Hoa Nghiêm tông mới giác ngộ.

Trong Phật giáo nguyên thủy cũng có một phần kinh điển dạy ở mức độ cao hơn gọi là Vi Diệu Pháp 微妙法hay dịch âm là A Tỳ Đạt Ma 阿鼻達磨 (Abhidhamma) gồm 7 bộ nhưng rất khó hiểu. Về sau các Tổ Sư dựa vào đó mới triển khai thành nhiều kinh điển Đại Thừa. 

Vi Diệu Pháp dạy về Tâm và Vật cực kỳ khó hiểu. Tôi thử tóm tắt một phần nào, độc giả xem qua là đã thấy tá hỏa không thể nào hiểu nổi. Nhưng nếu không nhận thức được Tâm là gì, Vật là gì thì không thể nào giác ngộ được.

Tâm 心 (Citta) là A-lại-da thức bao gồm 8 thức : tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh tiếp xúc. 5 tánh này gọi chung là Tiền ngũ thức (5 thức đầu hay cơ bản). Thức thứ sáu là tánh biết, tổng hợp tiền ngũ thức do bộ não thực hiện. Thức thứ bảy là Mạt-na (Manas) là thức chấp ngã tạo ra cái ta và cái của ta (ngã sở) của cá thể sinh vật. Thức thứ tám là A-lại-da (Alaya) là Tạng thức tức kho chứa tất cả mọi chủng tử, tất cả mọi phát sinh của bảy thức kia. Như vậy Alaya bao gồm tất cả tam giới, là một kho chứa vô hình, vô lượng, vô biên. Vì vô hình, vô thể, vô dạng, nên Alaya hay Tâm (Citta) không phải là vật chất, mà nó giống như hư không. (Tâm như hư không vô sở hữu) không có thực chất, giống như ảo nhưng lại là thật, là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Nhưng Tâm không phải là hư không vì nó chứa đủ mọi chủng tử (dữ liệu- data) có khả năng biến hoá ra vũ trụ vạn vật.

Tâm Sở 心所 (Cetasika) là các thuộc tính của Tâm. Kinh điển phân tích Tâm có 51 Tâm Sở còn gọi là 51 Hành (sa. saskāra) tức là trạng thái hoạt động, biểu hiện của Tâm. 51 hành bao gồm : 5 Biến hành tâm sở (遍行, sarvatraga), 5 Biệt cảnh tâm sở (別境, viniyata), 11 Thiện tâm sở (善, kuśala), 6 Căn bản phiền não tâm sở (根本煩惱, mūlakleśa), 20 Tuỳ phiền não tâm sở (隨煩惱, upakleśa) 4 Bất định tâm sở (心所不定aniyata). Nói chung các Tâm Sở là dạng hoạt động của Tâm về hai phương diện Thọ (cảm nhận, perception, sa. vedanā), và Tưởng (suy tư, tưởng tượng, meditation, imagination, sa. sajñā). Tất cả Tâm Sở cũng nằm trong Alaya.

Vật là Vật chất gọi là Sắc 色(Rūpa)

Sắc không những luôn luôn biến đổi mà cũng hoại diệt (khaya, vaya). Sắc ở mức cơ bản (paramāṇus) chỉ tồn tại trong mười bảy sát-na tâm (刹那心 citta-ksana, thời gian của một niệm).

Đại Tỳ Bà Sa Luận định nghĩa sát na 刹那 (Sa.ksana) như sau : Một ngày đêm có 30 mâu hô lật đa 牟呼栗多(muhurta), một mâu hô lật đa bằng 30 lạp phược 臘縛 (lava), một lạp phược bằng 60 đát sát na 怛剎那(tatksana), một đát sát na bằng 120 sát na 刹那 (ksana). Suy ra một ngày đêm 24 giờ bằng 30 x 30 x 60 x 120 = 6.480.000 sát na. Vậy một giây của chúng ta (second) bằng 6.480.000 /86.400 = 75 sát na  

Rūpa (Sắc) biến đổi nhanh chóng đến đổi ta không thể gõ hai lần đúng ngay vào một nơi.     

A Tỳ Đạt Ma Luận 阿毗達摩論, liệt kê 28 loại vật chất (Sắc) như sau :

4 Đại chủng sắc 四大种色 (mahā-bhūta)

Địa giới 地界(pathaví-dhātu)

Thuỷ giới水界(āpo-dhātu)

Hoả giới火界(tejo- dhātu)

Phong giới 風界(vāyo- dhātu)

14 Sở tạo sắc 所造色 (upādāya-rūpa) bao gồm :

5 Tịnh sắc 淨色(pasāda-rūpa) tức 5căn : nhãn眼(cakkhu-pasada)、nhĩ 耳(sota-pasāda)、tị 鼻ghāna-pasāda)、thiệt舌(jivhā-pasāda)、thân身(kāya-pasāda)

4 Cảnh sắc 境色(gocara-rūpa) tức 4 trần: sắc 色(nhan sắc 颜色 vanna thanh 聲(thanh âm 声音sadda)、hương 香(khí vị 气味 gandha)、vị 味 (vị đạo 味道 rasa

2 Tính căn sắc性根色(bhāvarūpa) :

Nam tính男性(hoặc Nam căn 男根 purisindriya)nhiễm sắc thể XY

Nữ tính女性(hoặc Nữ căn 女根 itthindriya)nhiễm sắc thể XX

1 Não bộ gọi là Tâm sở y xứ 心所依處 (hadayavatthu) hoặc Tâm sắc心色(hadaya-rūpa)

1 Mệnh căn 命根(jīvitindriya) còn gọi là Mệnh sắc 命色(rūpa-jivita) Có thể hiểu là tim

1 Đoạn thực 段食(kabalinkārāhāra còn gọi là Thực sắc食色) Lương thực thực phẩm

Tổng cộng 18 loại trên gọi là Hữu tướng sắc 有相色, Hoàn thành sắc 完成色 hoặc Chân thực sắc 真实色

10 loại còn lại gọi là bất hoàn thành sắc 不完成色 liệt kê như sau :

1 Hư không giới 虚空界(ākāsadhātu) còn gọi là Hạn giới sắc 限界色(rūpa-ākāsa) tức không gian

5 loại Biến hoá sắc 变化色(vikāra-rūpa) Loại vật chất biến hoá

2 Biểu sắc của thân thể và ngôn ngữ : thân biểu 身表、ngữ biểu 语表的表色(viññatti-rūpa)

1 Sắc khinh khoái tính 色轻快性(rūpassa lahutā) Loại vật chất nhẹ và nhanh ví dụ ánh sáng

1 Sắc nhu nhuyến tính 色柔软性((rūpassa mudutā) Loại vật chất mềm

1 Sắc quát ứng tính 色适应性(rūpassa kammaññatā) Loại vật chất biến đổi nhanh

4 loại vật chất liên quan Nghiệp, Tâm, Thời gian và Dinh dưỡng.

1 Sắc tích tập 色积集(rūpassa upacaya) Mô và tế bào

1 Sắc tương tục 色相续(rūpassa santati) Mã thông tin di truyền

Sắc tích tập và Sắc tương tục gọi chung là Sinh sắc 生色 Vật chất sống

1 Sắc lão tính 色老性(jarā) Loại vật chất tạo ra sự lão hoá

1 Sắc vô thường tính 色无常性(aniccatā) Loại vật chất tạo ra sự biến đổi

Sắc lão tính và Sắc vô thường tính gọi chung là Tướng sắc 相色(lakkhannarūpa) Vật chất biểu hiện hình tướng

Chỉ nói sơ qua đại khái, tổng quát, đã thấy Tâm và Vật là vô cùng phức tạp rồi. Ai có đủ kiên nhẫn, đủ hùng tâm để thấu triệt Tâm và Vật nào ? Mà không thấu triệt thì không làm chủ được thân tâm, không thể giác ngộ.

Cộng chung 28 loại vật chất gọi chung là Sắc pháp

Chúng ta thấy khoa học ngày nay đã nghiên cứu rất nhiều về vật chất, đã có hàng vạn phát kiến phát minh, đã cải thiện đáng kể đời sống vật chất của con người, nhưng khoa học vẫn chưa thấu hiểu được hết vật chất là gì. Tuy khoa học đã có những phát minh vượt bậc và có những ứng dụng tuyệt diệu, chẳng hạn điện thoại thông minh (smartphone), hệ thống internet, mạng 3G, 4G, 5G…các thành tựu về thám hiểm không gian…nhưng khoa học cũng không bao giờ hiểu hết về vũ trụ vạn vật. Còn vấn đề giữa Tâm và Vật quan hệ thế nào, thời gian, không gian có thật hay không, có thể trở về quá khứ và đi tới tương lai không …khoa học bó tay.       

Chính vì sự phức tạp khó khăn như vậy nên Phật và các vị Tổ Sư mới hướng dẫn Thiền là pháp môn Tối Thượng Thừa để đạt tới cứu cánh giác ngộ.

Thiền dạy cái gì ? Thiền dạy rằng Ngã và Pháp là không có thật. Nếu chúng ta cứ chấp ngã và cho rằng có cái pháp môn để tu hành cho tới giác ngộ (chấp pháp, chấp thế gian là có thật) thì tu muôn kiếp cũng không thể giác ngộ. Thiền dạy rằng Ngã và Pháp (vũ trụ vạn vật) chỉ là biểu hiện bề nổi của Tâm. Tâm tức là Phật, là tánh giác ngộ vốn có và bất sinh bất diệt gọi là vô sinh pháp nhẫn 無生法忍 (anutpattika-dharma-kṣānti). Hành giả phải phát hiện ra Tâm mới chính là chúa tể của vạn pháp,

Tâm mới đích thực là mình còn ngũ uẩn ngã 五蘊我 (cái ta ảo hóa tạm bợ do ngũ uẩn- sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tạo ra) chỉ là biểu hiện của Tâm. Tâm có vô lượng vô biên biểu hiện, thành vô số chúng sinh, vô số pháp, gọi chung là tứ tướng 四相 bao gồm:

Ngã tướng 我相 mỗi chúng sinh đều cho rằng ngũ uẩn ngã là ta 

Nhân tướng 人相 là người khác, chúng sinh khác không phải ta

Chúng sinh tướng 眾生相 là chỉ chung loài hữu tình trong tam giới bao gồm cả ngã tướng, nhân tướng

Thọ giả tướng 壽者相: chỉ chung tất cả các pháp sinh diệt bao gồm cả con người, tất cả các loài sinh vật, tất cả những cái không phải sinh vật như gỗ, đá, nước, không khí, hành tinh, thiên thể…Bởi vì tất cả các pháp sinh diệt đều có tuổi thọ nhất định gọi là thọ giả tức cái có thọ mệnh, có thời gian sống tức tuổi thọ nhất định mặc dù rất lâu dài như mặt trời, hành tinh, thiên thể.

Tứ tướng đều là biểu hiện của Tâm

Phần trên đã đề cập Tâm và Vật theo Vi Diệu Pháp của kinh điển nguyên thủy. Bây giờ tôi trình bày lại Tâm và Vật dưới góc nhìn khoa học.

Tâm theo diễn tả của Long Thọ Bồ Tát : Tâm như hư không vô sở hữu (Tâm giống như hư không,  không có thật cũng không phải là giả, mà là bất nhị (không phải hai) cũng không phải là một, thực tế là không có số lượng. Số lượng chỉ là vọng tưởng của bộ não con người, thực tế là không có số lượng. Chính vì lẽ đó mà từ một Tâm hay Phật tánh (tánh giác ngộ, tánh biết) lại biểu hiện thành vô số chúng sinh, vô số pháp. Sự việc này diễn ra như thế nào ? Tâm là một dạng thông tin mà khoa học diễn tả là trường thống nhất (unified field), nó là một dạng sóng tiềm năng vô hình nên còn được gọi là miền tần số (frequency domain) nhưng sóng tiềm năng này bất động (giống như data nằm trong ổ đĩa cừng chưa có hoạt động). Tâm biến thành Vật như thế nào ? Đó là sự sụp đổ của sóng thành hạt (the collapse of waves into particles). Sóng tiềm năng vô hình biến thành hạt vật chất hữu hình. Khi nào thì xảy ra sự sụp đổ này ? Sóng tiềm năng vốn là trường thống nhất vô phân biệt, vô định hình (chưa thành dạng sóng hình sin). Cõi giới đó không có không gian, không có thời gian, không có số lượng mà kinh điển Phật giáo gọi là vô sở trụ 無所住 (non locality) hay vô thủy vô minh 無始無明 (no beginning uncertainty) nhưng nó tự rung động thành sóng vật chất hình sin do một quyền năng mà người xưa cho là Trời hay Thượng Đế, còn Phật giáo nói đó là Tánh Biết hay Tánh giác. Sóng vật chất mang thông tin có phân biệt là dạng sóng hình sin.

Sóng hình sin có sự phân biệt vị trí, khi số hóa thì đỉnh và đáy sóng có thể coi là 1 còn vị trí ở giữa có thể coi là 0

Tuy vậy sự phân biệt này chưa biểu hiện, nó vẫn còn tiềm ẩn và vô hình, đó là dạng lưỡng tính sóng hạt (wave-particle duality) của các hạt cơ bản như photon, electron. Ở dạng sóng, nó vô hình và bất định xứ, còn ở dạng hạt thì nó hữu hình và có vị trí nhất định trong không gian giả lập. Vũ trụ mênh mông mà ta nhìn lên bầu trời thấy vô số tinh tú chính là không gian giả lập đó. Giả lập nghĩa là không có thật. Có thí nghiệm khoa học nào chứng tỏ không gian không có thật ? Có đó, chính là thí nghiệm về liên kết lượng tử hay còn gọi là rối lượng tử (quantum entanglement).

Năm 2008 Nicolas Gisin của đại học Geneva tiến hành thí nghiệm loại này. Họ có thể cho một photon (hạt ánh sáng) xuất hiện đồng thời ở 2 vị trí cách xa nhau 18km. Tác động lên vị trí A thì tức khắc vị trí B bị tác động tương ứng không mất thời gian. Thí dụ xoay hạt A sang trái thì lập tức hạt B xoay sang phải. Thời Einstein còn sống, ông không tin hiện tượng này có thật, ông nói đó là : tác động ma quái từ xa (nguyên văn : spooky action at a distance). Einstein cũng đã tranh cãi kịch liệt với Niels Bohr về việc hạt photon hoặc hạt electron có sẵn đặc trưng như vị trí, khối lượng, điện tích, số đo spin (độ xoay) hay không. Quan điểm của Einstein cho rằng hạt luôn luôn có sẵn những đặc trưng đó, cái đó là khách quan. Để minh họa lập trường của mình Einstein nói rằng :

Einstein nói : “Tôi thích nghĩ rằng Mặt trăng vẫn tồn tại ở đó ngay cả khi tôi không đang nhìn nó”

Trái lại Bohr nói rằng hạt không có thật, hạt chỉ xuất hiện khi có người quan sát (Niels Bohr nói : “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập thì trừu tượng- tức không phải vật thật). Cô lập (Isolated) nghĩa là sao ? Cô lập nghĩa là tách rời khỏi con người hoặc cảm biến (sensor có tác dụng cũng giống như giác quan của con người). Khi bị cô lập như thế thì hạt cơ bản chỉ là hạt ảo, trừu tượng. Điều đó có nghĩa là hạt cơ bản (particles) chỉ xuất hiện khi có người quan sát. Nếu không có người quan sát thì hạt chỉ là sóng tiềm năng, vô hình, không có thật). Bohr diễn tả lập trường của mình khi nói về cơ học lượng tử (quantum mechanics)

“Mọi thứ chúng ta gọi là có thực được cấu tạo bằng những thứ không được xem là thật. Nếu cơ học lượng tử chưa gây shock một cách sâu sắc cho bạn thì có nghĩa là bạn chưa hiểu gì về nó.”

Cuộc tranh luận giữa hai nhà khoa học hàng đầu thế giới chưa ngã ngũ, chưa biết ai đúng ai sai cho đến khi cả hai đều qua đời (Einstein mất năm 1955, Bohr mất năm 1962). Đến năm 1982 tại Paris nhà khoa học Alain Aspect làm lại thí nghiệm liên kết lượng tử, dùng bất đẳng thức của John Bell chứng minh rằng hiện tượng quantum entanglement là có xảy ra thật, từ đó người ta rút ra 3 kết luận vô cùng quan trọng vô cùng cơ bản về khoa học và hiện thực là :  

1/Vật (cụ thể là hạt cơ bản như photon, electron…) không có thật (non realism)

2/Không gian và thời gian là vô sở trụ (non locality)cũng tức là không có thật

3/Số lượng là không có thật (non quantity)

Ngày nay chúng ta dễ dàng hình dung lưỡng tính sóng hạt này bởi vì bây giờ chúng ta đều có thiết bị để thu sóng. Đó là smartphone. Ở dạng sóng wifi, 3G, 4G, 5G…thông tin mà sóng mang theo là vô hình và bất định xứ (không có vị trí nhất định). Nhưng trên smartphone thì sóng đã biến thành hạt electron và được con chip bán dẫn xử lý để chúng xuất hiện trên màn hình thành bài báo, hình ảnh, video, âm thanh, chúng có vị trí nhất định.   

Điều kiện để sóng biến thành hạt là khi có người quan sát hoặc có thiết bị cảm biến để nhận ra sóng. Thí nghiệm hai khe hở (double slit experiment) đã chứng tỏ khi có người quan sát thì sóng biến thành hạt electron. Smartphone chứng tỏ khi có thiết bị cảm biến thì sóng wifi, 4G, biến thành hạt electron. Con chip vi xử lý (processor) biến chúng thành những con số nhị phân và tiếp tục thay thế những con số đó bằng những đặc điểm về màu sắc, hình dáng, độ sáng, độ rung động thành âm thanh, để cuối cùng chúng trở thành bài báo, hình ảnh, video, âm nhạc, tiếng nói mà chúng ta thấy và nghe trên điện thoại hoặc computer, laptop.

Tóm lại vũ trụ vạn vật mà chúng ta đang sống trong đó có hai hình thái cơ bản là sóng và hạt. Ở dạng sóng tiềm năng mà kinh điển gọi là Phật tánh, không có không gian, không có thời gian, không có số lượng, vô phân biệt, không có đặc trưng đặc điểm gì hết, không có một vật nào, không có một pháp nào, không có ai hết, không sinh không diệt gọi là vô sinh pháp nhẫn 無生法 . Đó cũng là Tâm bản nguyên, tất cả mọi chúng sinh đều cùng một tâm đó. Cũng vì vậy mà kinh điển mô tả là nhất thiết pháp vô tự tính 一切法無自性 (tất cả các pháp đều không có sẵn đặc  trưng đặc điểm) cụ thể là hạt cơ bản của vật chất không có sẵn các đặc trưng như vị trí, khối lượng, điện tích, số đo spin.

Chỉ khi tâm của chúng sinh, của con người khởi lên thì tùy theo tập khí (tức là thói quen hay nghiệp) nó sẽ thay thế thói quen tâm niệm của mình vào sóng tiềm năng biến sóng thành hạt vật chất như photon, electron hay các hạt cơ bản khác từ đó tạo ra cảnh giới muôn vàn sai khác. Tâm thiện thì tạo ra cảnh giới tốt lành. Tâm ác thì tạo ra cảnh giới khủng khiếp.

Những hạt cơ bản của vật chất và cấu trúc do hạt tạo ra như nguyên tử, phân tử, cố thể vật chất, sơn hà đại địa, thiên thể, mặt trời, mặt trăng, thiên hà, vũ trụ, vạn vật…đều là do tâm tưởng tượng ra chứ không phải có thật. Vì vậy kinh nói Nhất thiết duy tâm tạo 一切唯心造 Kinh Hoa Nghiêm còn nói rõ hơn nữa : “心如工畫師,造種種五陰,一切世間中,無法而不造。” [Tâm như vị họa sư tạo ra tất cả các loại ngũ ấm (cũng tức là ngũ uẩn五蘊) tất cả mọi thứ trong thế gian, không có pháp nào mà tâm không tạo ra được].

Như vậy sóng là cảnh giới tiên thiên 先天 chưa có trời đất, chưa có vũ trụ vạn vật, không có pháp nào cũng không có chúng sinh nào hết, không có khổ sướng, không có khổ tập diệt đạo, không có thập nhị nhân duyên (phi nhân duyên 非因緣)

Hạt là cảnh giới hậu thiên 後天 sau khi tâm khởi lên, các hạt cơ bản xuất hiện, chúng cấu trúc thành vũ trụ vạn vật và nhân sinh. Lúc đó mới có thế giới tương đối, có khổ sướng, có thiện ác, có sinh diệt, có đúng sai, có thập nhị nhân duyên (phi tự nhiên 非自然 )

Tóm lại Phật pháp dạy cái gì ?         

Ban đầu Phật pháp dạy cho con người sống trong cảnh giới hậu thiên, phải đi theo con đường Tứ Diệu Đế  四妙諦 (catvāry āryasatyāni) và Bát Chánh Đạo 八正道 (āryāṣṭāṅgamārga), cao hơn chút nữa làThập Nhị Nhân Duyên 十二因縁 (dvādaśanidāna) để giải thoát khỏi cảnh khổ. Hoặc phải toàn tâm hướng về Đức Phật A Di Đà phát nguyện và niệm danh hiệu ngài để lúc lâm chung được sinh về cõi Tây phương Cực lạc không còn khổ.

Nhưng đó chỉ là những pháp môn bất liễu nghĩa, dạy cho những chúng sinh nặng về tình, họ chấp chặt ngũ uẩn ngã, họ không có đủ đại trí để thấu triệt thực tại cứu cánh (rốt ráo) nên phải dạy phương tiện, dạy hóa thành. Họ không thể nào hiểu nổi không gian, thời gian, số lượng, tất cả mọi cảnh giới trong Tam giới đều chỉ là vọng tưởng, do tâm tạo chứ không phải tuyệt đối có thật.      

Đối với người thượng căn, đại trí, Phật dạy Thiền định sau này là pháp môn Tổ Sư Thiền vì do các vị Tổ Sư Ấn Độ và TQ hoằng dương cho đến nay. Thiền định là chấm dứt suy nghĩ, ngừng tưởng tượng. Hành giả tiếp xúc trực tiếp với Tâm bản nguyên, đó mới chính là nguồn gốc bất nhị của Tam giới, của vũ trụ vạn vật. Đó là cảnh giới tiên thiên khi chưa có trời đất, chưa có vũ trụ, không có một pháp nào như trong bài kệ của Huệ Năng :

菩 提 本 無 樹 Bồ Đề bổn vô thọ           Bồ Đề vốn chẳng có cây
明 鏡 亦 非 臺 Minh cảnh diệc phi đài  Gương sáng cũng thế làm sao có đài
本 來 無 一 物 Bổn lai vô nhất vật         Xưa nay nào có vật chi
何 處 惹 塵 埃Hà xứ nhạ trần ai         Bụi trần chẳng thể bám vô cái gì

Tóm lại Phật pháp dạy rằng tất cả mọi cảnh giới dù là thế gian, Tây phương cực lạc, từ sơ thiền cho tới tứ thiền đều là vọng tưởng, là ảo hóa do tưởng tượng chứ không phải tuyệt đối có thật. Không gian, thời gian, số lượng, cảnh giới, đều là do tâm tạo. Vậy hành giả đừng chấp thật nữa, đừng cho là ngũ uẩn ngã là ta, thì tất cả mọi vấn đề đều được giải quyết ngay tức thời gọi là đốn ngộ 頓悟 là trực há thừa đương 直下承當 (nhìn xuống là thấy- kinh Hoa Nghiêm). Đã ngộ rồi thì tập khí sẽ tự sửa đổi trong một thời gian hữu hạn gọi là bảo nhậm. Bảo nhậm 保任 hàm ý trực há thừa đảm 直下承擔 nghĩa là nhiệm vụ phải gánh vác ngay sau khi giác ngộ, cụ thể là bảo hộ trưởng dưỡng 保護長養 duy trì nuôi dưỡng cái ánh sáng giác ngộ đó đạt tới thành tựu vững chắc. Ví dụ trường hợp của Lục Tổ Huệ Năng sau khi được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn 弘忍 (người huyện Hoàng Mai 黄梅 tỉnh Hồ Bắc) ấn chứng, đã phải trải qua 15 năm bảo nhậm sống chung với nhóm thợ săn để dứt tập khí chấp thật trước khi ra hoằng pháp.    

Các kinh điển Đại Thừa liễu nghĩa như Bát Nhã Tâm Kinh, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa… chỉ thẳng vào tâm, liễu ngộ bản tâm chứ không còn quanh quẫn phương tiện đường dài nữa.

Người căn trí nhỏ hẹp thì phải đi qua nhiều đường vòng quanh co qua nhiều phương tiện trước khi tới được đại lộ đốn ngộ 頓悟. Còn người căn trí rộng lớn thì đi đường thẳng. Phật pháp có đủ mọi pháp môn phù hợp với rất nhiều căn cơ khác nhau của người đời.  

Nhưng điều căn bản Phật dạy là pháp giới bình đẳng, tất cả chúng sinh, tất cả pháp đều là một. Mỗi người tùy theo tập khí, thói quen tâm niệm của mình để tu tập giải thoát. Nhưng kể cả cái gọi là giải thoát cũng không có thật. Nên kinh nói : chúng sinh đều là Phật đã thành. Đức Phật Thích Ca ngay khi vừa mới chứng ngộ đã thốt lên : 「奇哉!奇哉!大地众生,皆具如来智慧德相,但因妄想执着,而不能证得」

{Lạ thay! Lạ thay! Chúng sinh trên mặt đất đều có đầy đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, chỉ do vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc (mình là Phật)}  

Thiên Thai Trí Giả đại sư 天台宗智者大师 nói :  

1. Chúng sinh vốn là Phật: Dù bạn có tin Phật hay không, có nghe danh hiệu Phật hay không, bạn vốn đã có Phật tánh, đã là Phật, không cần nói “đặt dao đồ tể xuống là thành Phật”, ngay cả khi không đặt dao xuống, họ cũng đã là Phật, vì vậy không chỉ là con người, mà tất cả chúng sinh như con kiến, con ruồi cũng đều là Phật.

2. Tương ưng thành Phật: Người đã tu hành đến nơi đến chốn, lòng tin không thể lay chuyển. Tín tâm thực tế phải có được từ kinh nghiệm tu hành thực tế, nếu biết mình là Phật thì sẽ thành Phật, đây là Phật tương ưng.

Tóm lại bạn hãy tin rằng mình vốn là Phật. Thiền dạy rằng bạn bạn đừng dấy sinh vọng tưởng nữa, hoặc nếu có dấy sinh thì biết đó là vọng tưởng, không phải chân thật, thì bạn đã thành Phật tương ưng, ứng với câu : Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm 應無所住而生其心 Vô sở trụ tức là bạn không bám víu vào ngã và pháp (ngũ uẩn ngã, không gian, thời gian, cảnh giới…) thì cái tâm ấy (kỳ tâm) xuất hiện. Tâm ấy tức là Phật tánh, là Phật đó.

Bạn và tất cả chúng sinh khác đều đang chơi games, đang đóng kịch mà thôi, đang ở trong một đại hí trường vũ trụ. Trong vở kịch thì có phân biệt giỏi dở, sang hèn, chính diện phản diện, thiện ác, tốt xấu nhưng thực tế chân như thì mọi diễn viên đều bình đẳng, đều là Phật.  

Truyền Bình   

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Bài viết. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

11 Responses to HIỂU PHẬT PHÁP LÀ NHƯ THẾ NÀO ?

  1. hongdang nói:

    Vậy mình cứ tin mình đã là Phật. Còn tất cả chỉ là giả. Chỉ tin như vậy hay còn phải tu gì nữa không ạ?

    • Tin rồi thì phải thực hành. Thí dụ có ai khen mình hay chê mình. Mình hiểu khen chê chỉ là hư giả, đối tượng được khen chê (ngã, mình) cũng là hư giả nên không động tâm. Giữa mùa đại dịch này mình vẫn sống bình thường, tuân thủ những khuyên cáo của nhà nước nhưng không có lo sợ vì biết tất cả cảnh giới chỉ là tạm bợ, không phải hoàn toàn chân thật. Nói chung là phá ngã chấp và pháp chấp, giữ bình thường tâm là đạo.

      • hongdang nói:

        Xin chào chú Truyền Bình. Lời đầu tiên xin cho gửi lời cảm ơn đến chú vì đã có những bài viết hay trên trang duylucthien. Cháu rất thích những bài viết trên trang này vì chứng minh những lời Phật dạy bằng kiến thức khoa học, rất phù hợp với những người trí thức như con. Từ lâu con rất muốn trao đổi kiến thức Phật pháp với chú để học hỏi thêm nhưng hôm nay mới có dịp. Xin cho hỏi chú có xài mạng xã hội nào không ạ để con thuận tiện trao đổi hơn hay chỉ có trang mạng này. Nếu thuận tiện chú cho xin ạ?
        Hôm nay con có vài câu hỏi mong chú chỉ dạy cho con rõ. Xin đa tạ chú nhiều.
        Câu 1: Phật dạy: Nhất thiết duy tâm tạo. Hay: Vạn pháp duy thức. Như vậy có nghĩa là mọi thứ trên thứ trên thế gian này đều do tâm tạo. Mỗi chúng sinh đều có cộng nghiệp và biệt nghiệp. Cộng nghiệp thì đều có mặt trên thế giới này, còn biệt nghiệp thì có phải mỗi chúng sanh đều tạo ra một thế giới của riêng mình tùy theo nghiệp của mỗi chúng sanh hay không? Ví dụ cụ thể như con và chú nhìn hoa hồng là giống hay khác nhau?
        Câu 2: Qua những bài viết của chú hay như cụ thể bài này: “Tóm lại Phật pháp dạy rằng tất cả mọi cảnh giới dù là thế gian, Tây phương cực lạc, từ sơ thiền cho tới tứ thiền đều là vọng tưởng, là ảo hóa do tưởng tượng chứ không phải tuyệt đối có thật. Không gian, thời gian, số lượng, cảnh giới, đều là do tâm tạo”. Tất cả đều không thật có rơi vào chấp không không ạ? Khi cho rằng tất cả đều không thật thì mình phải sống và tu tập như thế nào? Hay khỏi cần tu, khỏi cần làm lành giữ giới? Có cái gì là thật không ạ?
        Câu 3: Có câu: Nếu chưa thấy bản tâm (hay kiến tánh) học đạo vô ích. Vậy có cần phải kiến tánh không? Nếu kiến tánh là điều kiện cần thì làm sao để kiến tánh?
        Mong chú giải đáp dùm con những câu hỏi này để con hiểu rõ hơn. Xin đa tạ chú nhiều. Chúc chú nhiều sức khỏe.

  2. Trả lời bạn hongdang
    1/Nói về cộng nghiệp và biệt nghiệp. Ví dụ bạn và tôi nhìn hoa hồng đều thấy đó là hoa hồng (cộng nghiệp). Nhưng cảm nhận có thể khác nhau. Chẳng hạn nếu tôi đang có bạn gái xinh, nhìn hoa hồng tôi cảm thấy rất hứng thú muốn gởi tặng bạn gái. Còn giả sử như bạn mới bị thất tình thì nhìn hoa hồng bạn cảm thấy ê chề thất vọng. Cảm nhận khác nhau là do biệt nghiệp.
    2/Biết tất cả đều không thật cũng không phải là chấp không, biết là ảo thì không chấp thật thôi chứ không nhất thiết là chấp không. Chẳng hạn chúng ta vẫn phải có nhà để ở, quần áo để mặc, xe cộ để đi lại, bạn bè để quan hệ, smartphone để liên lạc, làm sao chấp không được ? Việc bạn cần làm là nhận ra bản tâm hay Phật tánh và ý thức của mình có quan hệ, phải liên thông được. Cái đó gọi là kiến tánh giác ngộ, kết quả là bạn làm chủ được thân tâm, đạt tới sinh tử tự do, tự do tự tại. Cái chuyện thành Phật đó vốn đã sẵn có rồi, chỉ là do mình vọng tưởng, chấp ngã chấp pháp nên bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Phá chấp được rồi thì biết không có ai trôi lăn cả. Thế gian chỉ là nơi diễn kịch, không có gì là thật.
    3/Vì chúng ta đang nằm mơ giữa ban ngày (đang mê) nên mới có kiến tánh giác ngộ. Tỉnh giấc rồi thì không có gì là thật hết. Nếu học hoài tu hoài mà vẫn không tỉnh giấc thì đúng là học đạo vô ích. Tỉnh giấc rồi thì mới biết thật ra là vô tu vô chứng.
    Số điện thoại của tôi là 0946887047, bạn có thể liên lạc với tôi qua Viber.

    • hongdang nói:

      Cho con hỏi về phương pháp để phá chấp ngã, chấp pháp?
      Đọc các bài viết của chú con cũng hiểu các pháp là không thật ngay cả thân, tâm và cảnh, nhưng ở đây chỉ là hiểu trên chữ nghĩa chứ chưa thật sự sống với nó. Ví dụ biết tất cả là giả nhưng khi mất cái gì quý giá mình vẫn còn buồn, còn tiếc; ai nói nặng hay nói xấu vẫn còn thấy bị xúc phạm; hay như thấy thân này không thật nhưng có ai xin một quả thận để chữ bệnh thì mình không thể cho được…vì chúng ta chỉ hiểu trên chữ nghĩa chứ thật sự vẫn còn chấp ngã, chấp pháp rất nặng. Vậy phải làm sao để mình thật sự phá ngã chấp và pháp chấp ạ? Chỉ cần tìm hiểu qua sách vở hay phải tu tập một pháp môn nào ạ như thiền quán…Con cảm ơn.

      • Phương pháp để phá ngã chấp, pháp chấp là tăng cường lòng tin tự tâm tức là tin cái tâm bản nguyên của mình mới chính thật là mình. Tri kiến của ngũ uẩn ngã cũng chỉ là giả tạm, không khéo thì trở thành sở tri chướng. Tri kiến chỉ hữu ích khi nó tăng cường lòng tin đó. Tham thiền, tham thoại đầu chính là để tiếp xúc trực tiếp với cái tâm ấy không phải qua suy luận, kiến giải. Khi tiếp xúc được là giác ngộ kiến tánh. Kiến tánh thì tập khí sẽ tự động sửa đổi trong một thời gian hữu hạn gọi là bảo nhậm.

  3. Bantoioi nói:

    Kính DLT,,, cảm ơn những bài viết…
    Tham thoại đầu,,, pháp môn diệu giác!

    Chúc Ngài mãi mãi với công việc hoằng dương chánh pháp. Mong sao pháp môn này được phổ cập rộng rãi cho lớp trẻ ngày nay.

    Cung kính.

  4. Bantoioi nói:

    Kính DLT.

    Chúng ta vốn là Phật,,, mà hiện giờ đang chơi game – là Chúng Sinh.
    Hết chơi game,,, Chúng Sinh là Phật.

    * Mà Chúng Sinh là thân tâm này (5 uẩn) – sanh diệt.
    * Mà Phật là gì,,, là không vô tướng vô tác,,, là bản thể của thân tâm này,,, thân tâm này diệt chứ bản thể không diệt – vô sanh.

    Có người nói:
    Hí hí,,, Ta vốn là Phật,,, chẳng phải thân tâm này nên có thể xả bỏ nó! Vậy đang chơi game – khổ đau quá,,, tự tử cho thân tâm này chết cũng vẫn là Phật mà…. Đúng không?

    Có phải vậy không,,, mong ngài chia sẻ.
    Cung kính.

    • Chúng ta xuất hiện trên thế gian này là để chơi games thì cứ chơi cho tới hết đời cần gì phải tự tử sớm dù biết rằng tự tử cũng là một kiểu chơi. Nhưng chơi thì phải vui chứ nếu bệnh tật nghèo khổ cũng mất vui. Do đó cũng phải biết tránh tạo nghiệp xấu. Dù biết rằng cuộc đời là giấc mộng, nhưng mộng đẹp thì thích hơn ác mộng, đúng không ?

Gửi phản hồi cho Bantoioi Hủy trả lời