TÂM ẢNH HƯỞNG TỚI VẬT

Nguyên lý nhất thiết duy tâm tạo

Trên Duy Lực Thiền tôi đã nhiều lần nói và dẫn chứng rằng Vật chỉ là thế lưu bố tưởng, vật cũng chỉ là tâm niệm hình thành do một thói quen lâu đời nhiều kiếp chứ nó không có thực chất. Cái ý này kinh điển Phật giáo nói là Nhất thiết duy tâm tạo. Bản chất của vật chỉ là thông tin, nó không có sẵn đặc trưng, kinh gọi là Nhất thiết pháp vô tự tính, ý nghĩa quan trọng nhất của câu này là các hạt cơ bản của vật chất không có sẵn đặc trưng, các đặc trưng của hạt cơ bản là do tâm tưởng tượng ra chứ không có thật, giống như hoa đốm trong hư không. Nhưng vì tâm đã có một thói quen rất lâu đời gọi là thế lưu bố tưởng, chính thói quen này quyết định vật xuất hiện như thế nào. Nếu tâm thay đổi do niệm thay đổi, do tu tập, do nguyện lực v.v… thì vật cũng sẽ thay đổi theo.

Tôi đã dẫn chứng bằng thí nghiệm 2 khe hở với 2 trường hợp. Trường hợp có người quan sát tức có tâm niệm và trường hợp không có người quan sát tức không có tâm niệm. Ở mỗi trường hợp thì hạt electron sẽ phản ứng khác nhau. Nó sẽ cho ra kết quả nhiều vạch ở màn hứng trong trường hợp không có người quan sát, hạt electron thể hiện là sóng. Còn nếu có người quan sát, màn hứng sẽ chỉ hiển thị 2 vạch tương ứng với 2 khe hở, chứng tỏ electron là hạt, nó có các đặc trưng đi kèm. Điều đó chứng tỏ đặc trưng của hạt là do tâm niệm của người quan sát tưởng tượng ra. Sự tưởng tượng này có quy luật hẳn hòi được trình bày trong lý duyên khởi tức thập nhị nhân duyên của Phật giáo.  

Ngoài thí nghiệm 2 khe hở, tâm ảnh hưởng tới vật còn được chứng tỏ bằng hình ảnh của tinh thể nước qua thí nghiệm của tiến sĩ người Nhật Masaru Emoto. Trong bài này tôi sẽ đi sâu hơn vào thí nghiệm này.

Thí nghiệm về tinh thể nước của Emoto Masaru

Emoto Masaru (江本 勝, Giang Bản Thắng) sinh năm 1943 tại Yokohama Nhật Bản, mất năm 2014.

Emoto Masaru

 Ông nói rằng tâm niệm của con người có ảnh hưởng đến cấu trúc phân tử của nước.

Năm 1999, Emoto đã xuất bản vài tập của một tác phẩm mà đến 2005 được xuất bản đầy đủ mang tên Thông điệp của Nước (Messages in Water), trong đó có những bức ảnh về các tinh thể băng và các thí nghiệm đi kèm của chúng.    

Tác phẩm Messages in Water bản tiếng Việt       

Theo mô tả của trưởng nhóm nghiên cứu, các bước thí nghiệm là như sau: Một giọt nước được cho tiếp xúc với một suy nghĩ nhất định, một ngôn ngữ, âm nhạc, một từ ngữ, hay một yếu tố vật lý. Sau đó nó sẽ được nhỏ xuống khay thí nghiệm rồi bỏ vào tủ lạnh, đông thành một viên băng nhỏ. Trong phòng thí nghiệm với mức nhiệt độ giảm xuống còn -50C, nhà nghiên cứu sẽ lấy viên băng nhỏ này ra và nhanh chóng đặt nó dưới kính hiển vi có gắn máy ảnh.

Khi ánh sáng từ kính hiển vi chiếu vào, nó sẽ khiến viên băng tan chảy. Ở vị trí trên cùng của viên băng, một tinh thể nước sẽ nhanh chóng thành hình, nhưng chỉ có thể tồn tại trong khoảng vài giây. Những nhà thí nghiệm cần nhanh chóng chụp ảnh để bắt trọn được hình ảnh rõ nhất của tinh thể nước.

Phương pháp sử dụng là rất rõ ràng. Trong môi trường thí nghiệm như vậy, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành với khoảng từ mười đến một trăm mẫu nước khác nhau rồi tiến hành phân tích thống kê kết quả. Các bức ảnh trong quyển sách là những tinh thể nước điển hình nhất trong số kết quả thu được.

Trong cuộc thí nghiệm, phản ứng của nước khi tiếp xúc với các loại suy nghĩ khác nhau, các loại ngôn ngữ, âm nhạc, từ ngữ, các nhân tố vật lý (như sự rung động, sóng vi âm, sóng điện từ), và rất nhiều các nhân tố khác đã được quan sát một cách có hệ thống.

Trong một thí nghiệm khác, khi cùng một từ, ví dụ như “trí tuệ”, được viết bằng các ngôn ngữ khác nhau và dán lên các khay chứa mẫu nước khác nhau, các tinh thể nước được tạo ra có hình dạng và cấu trúc như nhau.

Nếu bên ngoài khay có các nhãn dán mang tính chất tích cực như “tình thương” hay “cảm ơn”, mẫu nước sẽ tạo ra các tinh thể rực rỡ, ngược lại, mẫu nước từ các khay có dán nhãn tiêu cực như “thù hận” và “ma quỷ” sẽ tạo ra các tinh thể nước xấu xí và biến dạng.

Hình dạng tinh thể nước tương ứng với các tâm niệm khác nhau thể hiện bằng chữ viết được gắn lên bình chứa. Từ trái sang: “tình yêu”, “cảm ơn” và “tao ghét mầy”

Các nhà nghiên cứu còn có một khám phá thú vị khác: vào thời điểm khi một viên băng sắp tan chảy, tinh thể nước tạo thành sẽ trông giống với chữ “thủy” trong tiếng Hán.

Tinh thể chữ Thủy

Tiến sĩ Emoto không hứng thú với việc cố gắng đạt được sự công nhận từ giới khoa học chính thống, vì điều ông nhận ra từ các cuộc thí nghiệm đã mở rộng tầm mắt cho cá nhân ông. Ông đã viết lên trang bìa cuốn sách “Thông điệp từ Nước” mấy câu thơ giống như một bài kệ, ý của ông như sau:

“Hado (sóng) tạo từ ngữ

Từ ngữ là rung động của bản tính

Từ ngữ đẹp tạo ra bản tính đẹp

Từ ngữ xấu tạo ra bản tính xấu

Đây chính là căn bản của vũ trụ”

Tôi xin phép diễn tả lại ý của ông như sau :

Sóng tức là thông tin, là tâm niệm tạo ra từ ngữ. Từ ngữ là rung động của tâm niệm, là thói quen tạo ra một đặc trưng. Từ ngữ đẹp là một tâm niệm thiện tạo ra một đặc trưng một hình ảnh đẹp. Từ ngữ xấu là một tâm niệm ác tạo ra một đặc trưng một hình ảnh xấu. Căn bản này của vũ trụ được Phật pháp diễn tả là Nhất thiết pháp vô tự tính, Nhất thiết duy tâm tạo.

Một mẩu giấy ghi hai từ “Love=yêu thương” và “Cảm ơn=Thanks”  được dán lên khay đựng nước đã tạo nên tinh thể đẹp cân đối này

Với công trình của mình, Tiến sĩ Emoto hy vọng có thể thay đổi chất lượng nước và thanh lọc nguồn tài nguyên nước của Trái đất bằng những ý niệm tốt đẹp của con người. Sau khi tham khảo lịch pháp và lời tiên tri của người Maya, ông tuyên bố ngày 25/7/2003 là ngày kỷ niệm toàn cầu của hoạt động này.

Trên thực tế, khi con người có thể đối xử với nước – nguồn gốc của sự sống – bằng tình thương và lòng biết ơn, phải chăng chỉ có mỗi nước được cải thiện? Hay là tầm quan trọng của các thí nghiệm tinh thể nước sẽ vượt quá trí tưởng tượng của mọi người ?

Cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Emoto Masaru

Phóng viên: Chào tiến sĩ Emoto, tôi đã đọc cuốn sách “Thông điệp của nước” và cảm thấy nó rất độc đáo. Ông đã nêu ra một số chủ đề thật ý nghĩa. Cuối cuốn sách, ông viết: “Nếu nước không có nguồn gốc nguyên thủy ở Trái đất mà đến từ không gian vũ trụ, thì điều này có nghĩa rằng sự tồn tại của chúng ta cũng bắt nguồn từ ngoài không gian.” Ông có thể giải thích rõ hơn được không?

TS Emoto: 5 năm trước, một tiểu hành tinh mang theo băng đã rơi xuống Trái đất. Các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Hawaii đã đo đạc và phát hiện thấy nó nặng 100 tấn. Mỗi năm, có hàng chục triệu mảnh băng lớn như vậy rơi xuống Trái đất từ ngoài không gian. Nếu chúng ta tính toán khối lượng nước mà chúng mang theo, người ta sẽ thấy rằng rất có thể nước nguyên thủy trên Trái đất có nguồn gốc từ ngoài không gian.

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại Học Hawaii cho rằng ban đầu có thể không tồn tại nước trên Trái đất và nước ở Trái đất là đến từ ngoài không gian. Rất nhiều nhà khoa học và nhà nghiên cứu không đồng tình với giả thuyết này, nhưng tôi tin rằng nó là đúng.

Phóng viên: Vì nước đến từ ngoài không gian, nên sự sống cũng đến từ ngoài không gian. Đây có phải là điều ông nhìn nhận phải không?

TS Emoto: Vâng, tất nhiên rồi.

Phóng viên: Cuối cuốn sách, ông viết: “Đích đến cuối cùng của thế giới hỗn loạn này là gì? Con người đã xuất hiện như thế nào? Lịch sử nhân loại là gì? Tương lai rồi sẽ ra sao?”

TS Emoto: Tôi nghĩ rằng con người cũng chính là nước. Cơ thể người là chiếc áo mà chúng ta khoác lên khi ở tại hành tinh này; nếu ở các hành tinh khác, chiếc áo này có thể sẽ hoàn toàn khác biệt. Nước rải rác khắp mọi nơi trong toàn vũ trụ.

Tôi tin rằng Trái đất cũng giống như quả thận của vũ trụ. Rất nhiều nước của vũ trụ đã đến hành tinh này. Nó phải được thanh lọc rồi trở lại những hành tinh khác để thanh lọc những nơi đó. Những hành tinh đó cần nước tinh khiết.

Nước chính là chúng ta. Chúng ta, con người cần phải tự mình thanh lọc. Lý do chúng ta tới đây từ không gian vũ trụ là để được thanh lọc. Rồi chúng ta sẽ phải trở lại vũ trụ. Những hành tinh khác đang chờ đợi chúng ta. Họ đang nói: “Hãy trở về! Hãy trở về! Nhanh lên và hãy trở về! Nhanh lên!”

… … …

Phóng viên: Nhưng thực tế là thế giới này đang ngày càng dơ bẩn hơn.

TS Emoto: Nếu chúng ta tiếp tục sống như thế này, Trái đất có thể phải đối mặt với những thảm họa và có thể đi đến kết thúc. Nếu chúng ta không thay đổi cách sống, chúng ta có thể sẽ bị nạn hồng thủy, như những gì đã xảy ra trong [câu chuyện về] con thuyền Noah.

Phóng viên: Làm sao chúng ta có thể tránh những thảm họa như vậy?

TS Emoto: Rất đơn giản. Sự yêu thương và lòng biết ơn, với mọi người và với mọi vật. Nếu 10% số người trong chúng ta có thể làm được điều đó thì thảm họa sẽ không thể xảy ra.

Phóng viên: Tại sao lại là 10%?

TS Emoto: Các thí nghiệm đã cho thấy nếu 10% ổ vi khuẩn là các vi khuẩn tốt, 10% khác của nó là các vi khuẩn xấu, và 80% còn lại là trung tính thì cả ổ vi khuẩn sẽ trở thành tốt, và vi khuẩn tốt sẽ chiếm ưu thế.

… … …

TS Emoto [nhìn vào tờ báo tiếng Trung mà người phóng viên đang cầm]: Người Trung Quốc là rất quan trọng. Có rất nhiều người Trung Quốc. Tôi không hiểu tại sao chính phủ Trung Quốc lại cải biến ký tự Trung văn [thành giản thể]. Tờ báo này thì còn được. Nó là ký tự phồn thể.

Phóng viên: Tại sao ông nghĩ có sự khác biệt giữa chữ giản thể và chữ phồn thể?

TS Emoto: Dựa trên cách mà nước kết tinh, chữ phồn thể Trung Quốc là rất tốt. Tôi đã sử dụng chữ phồn thể để làm các thí nghiệm của mình. Các tinh thể được hình thành trông rất đẹp.

Phóng viên: Ông có so sánh chữ phồn thể và chữ giản thể trong thí nghiệm của mình chưa?

TS Emoto: Chưa. Những tôi muốn thử xem thế nào. Văn tự cũng là sinh mệnh, một sinh mệnh đang sống. Đây chính là đặc tính tối quan trọng của nhân loại. Tôi là người Nhật, và tôi thực sự yêu thích văn tự Nhật Bản. Nếu ai đó buộc tôi thôi sử dụng văn tự Nhật Bản, tôi sẽ không thể sống được. Tôi thực sự không hiểu nổi chính phủ Trung Quốc.

Nhận định về thí nghiệm và tư tưởng của Masaru Emoto

Về thí nghiệm của Emoto chúng ta có thể đi đến kết luận rằng tinh thể nước bị ảnh hưởng bởi tâm niệm con người. Tâm niệm đó chứa đựng trong chữ viết, trong ý thức của bộ não và nói chung là trong tâm. Chúng ta cần hiểu tâm theo duy thức học Phật giáo. Tâm bao gồm 8 thức : tiền ngũ thức, ý thức, mạt-na thức (manas) và a-lại-da thức (alaya). Chính là tâm hay 8 thức này ảnh hưởng tới cấu trúc của tinh thể nước. Tôi cho rằng điều quan trọng không phải là hình thức của văn tự, cái quan trọng là tâm niệm chứa trong đó. Đối với Trung Quốc, chữ phồn thể hay chữ giản thể cũng chứa tâm niệm như nhau mà thôi.

Nhưng hạn chế của Emoto là ông chưa nghĩ rằng tâm niệm chẳng những ảnh hưởng tới cấu trúc của tinh thể nước mà còn ảnh hưởng sâu xa hơn, ảnh hưởng tới các hạt cơ bản, cấu trúc của nguyên tử, cấu trúc phân tử (như tinh thể nước), toàn bộ thế giới vật chất và tinh thần của chúng sinh, của con người. Ảnh hưởng này đã được Phật giáo nhận thức gọi là kiến tánh giác ngộ : Nhất thiết duy tâm tạo. Tất cả đều là do tâm tạo : từ hạt cơ bản cho tới nguyên tử, phân tử, vật chất, tinh thần, vũ trụ vạn vật. Sinh tử luân hồi cũng đều là từ tâm niệm mà ra chứ không phải là có thật. Bản chất của vật chất, của không gian, thời gian, vũ trụ vạn vật, sinh vật, con người đều chỉ là tâm niệm, bản chất của vạn vật là không có gì là thật cả, Phật giáo gọi là tánh không. Con người là ngũ uẩn ngã, ngũ uẩn giai không 五蘊皆空 Ngũ uẩn bao gồm : Sắc (vật chất, matter, material); Thọ (cảm giác, perception); Tưởng (suy nghĩ, tưởng tượng, thinking, imagination) ; Hành (chuyển động, motion); Thức (nhận thức, phân biệt, consciousness, alaya, discrimination).     

Qua cuộc phỏng vấn, chúng ta hiểu hơn về Emoto. Ông cho rằng nước có thể từ ngoài không gian tới Địa Cầu qua rất nhiều tảng băng rơi xuống Trái Đất. Và ông cũng tin rằng nguồn gốc của con người có thể là từ ngoài không gian tới.

Niềm tin này còn bị hạn chế trong tư duy của Einstein rằng có một thế giới khách quan là vũ trụ vạn vật. Và Địa Cầu, hành tinh thứ ba của Thái dương hệ, là nơi hội đủ điều kiện cho sự sống phát sinh và tiến hóa dần thành con người. Niềm tin này có vẻ rất khoa học, được sự ủng hộ của nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20 là Einstein và nhà sinh vật học nổi tiếng Charles Darwin. Karl Marx cũng đã dựa trên niềm tin này mà xây dựng chủ nghĩa duy vật biện chứng khách quan.

Nhưng chính Emoto cũng không ngờ rằng thí nghiệm của ông có ý nghĩa sâu xa hơn ông tưởng. Niềm tin về thế giới vật chất khách quan đã bị sụp đổ từ năm 1982 khi Alain Aspect tại Paris, đã chứng minh rằng các hạt cơ bản như photon, electron…không có sẵn đặc trưng, không có đặc tính gì cả. Chỉ khi nào có người quan sát thì các đặc trưng của hạt mới xuất hiện. Cuộc tranh cãi giữa hai nhà khoa học hàng đầu thế giới Niels Bohr và Albert Einstein đã ngã ngũ với phần thắng nghiêng về Niels Bohr.

Rất tiếc là khi một nguyên lý mà Phật giáo đã nêu lên từ ngàn xưa : Nhất thiết pháp vô tự tính 一切法無自性 Tất cả các pháp đều không có tự tính, điều đó đã được chứng minh là hạt photon hoặc hạt electron cũng như tất cả các hạt cơ bản khác không có sẵn bất cứ đặc trưng gì. Khi nguyên lý này được chứng minh thì cả Einstein và Niels Bohr đều đã qua đời (Einstein mất năm 1955, còn Niels Bohr mất năm 1962). Nên hai ông không biết cuộc tranh luận của mình kết cục ra sao.

Nhưng trước đó khi Niels Bohr còn sống, ông đã nói :

Ông nói : “Mọi thứ chúng ta gọi là có thực được cấu tạo bằng những thứ không được xem là thật. Nếu cơ học lượng tử chưa gây shock một cách sâu sắc cho bạn thì có nghĩa là bạn chưa hiểu gì về nó.”

Và điều ông nói đã được chứng minh qua thí nghiệm liên kết lượng tử (quantum entanglement) mà Alain Aspect đã tiến hành tại Paris năm 1982. Đến năm 2008 Nicolas Gisin của Đại học Geneva Thụy Sĩ đã làm lại thí nghiệm đó rõ ràng chính xác hơn. Thí nghiệm hai khe hở (double slit experiment) cũng chứng minh nhận định của Bohr. Thí nghiệm về tâm niệm ảnh hưởng đến tinh thể nước cũng góp phần chứng minh nhận định của Bohr.

Kết luận :

Tất cả những thí nghiệm khoa học nêu trên đều chứng minh cho những nguyên lý mà Phật giáo đã nêu ra từ ngàn xưa : Nhất thiết pháp vô tự tính. Nhất thiết duy tâm tạo. Tâm bản nguyên của tất cả chúng sinh mới chính là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật mà các tôn giáo gọi bằng những danh xưng khác nhau : Phật giáo gọi là Tâm (Citta), Phật hay Phật tánh, Tánh giác ngộ hoặc Bất nhị pháp. Nho giáo gọi là Thiên (Trời). Đạo giáo gọi Đạo. Thiên Chúa giáo gọi là Thượng Đế hay Đức Chúa Trời…rất nhiều tên gọi khác nhau. Tất cả tên gọi đều hình dung một thể tánh vô hình, bất sinh bất diệt, quyền lực vô biên. Khoa học cũng có tên gọi cho thể tánh là nền tảng cho mọi sự vật, mọi sự hiện hữu, mọi tồn tại, đó là Trường thống nhất (Unified field) hoặc Miền tần số (Frequency domain).

Khoa học hình dung đó là một dạng sóng đồng nhất, vô hình, tiềm năng của năng lượng và vật chất. Khoa học muốn làm chủ trường thống nhất đó và chủ động biến nó thành nhà cửa, vật dụng, lương thực thực phẩm, một cách trực tiếp thông qua máy tính lượng tử có tốc độ nhanh hơn máy tính điện tử hiện nay hàng tỷ tỷ tỷ lần. Con người cũng có thể du hành trong không gian vũ trụ bằng viễn tải lượng tử (quantum teleportation) đi xa không giới hạn, không mất thời gian, chứ không phải quá chậm chạp như phi thuyền không gian hiện nay. Nếu chỉ đi từ Địa Cầu tới Hỏa Tinh, khoảng cách chỉ vài trăm triệu km, mất tới 7 tháng thì biết bao giờ mới tới được những hành tinh ở xa hàng ngàn năm ánh sáng ?

Còn hành giả các tôn giáo thì mưu cầu hạnh phúc tự tại bằng cách nhận ra Phật tánh mới đích thật là mình chứ không phải ngũ uẩn ngã. Thiền thì đi đến kiến tánh thành Phật. Tịnh độ tông thì cầu vãng sanh Tây phương cực lạc của Phật A Di Đà, vì đường quá xa nên phải tạm tới một hóa thành trước khi kiến tánh thành Phật. Nho giáo thì Thiên hành kiện quân tử dĩ tự cường bất tức 天行健 君子以自強不息 (Trời vận động không ngừng, quân tử phải tự cường không ngừng nghỉ) và Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đạo gia thì tu luyện để trở về với Đạo: Luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư, luyện hư hợp đạo 煉精化氣、煉氣化神,煉神還虛,煉虛合道 

Nói chung con người từ khoa học gia đến hành giả các tôn giáo đều nhận ra bản chất vô hình vô thể của vũ trụ vạn vật và tìm cách mưu cầu hạnh phúc cho mình và xã hội bằng những cách thức khác nhau. Nho gia và khoa học gia thì chú ý đến xã hội nhiều hơn nên họ tìm cách cải tạo đời sống vật chất của toàn xã hội. Còn Phật giáo và Đạo giáo chú trọng tâm linh nhiều hơn, giải quyết vấn đề sinh lão bệnh tử hay vấn đề trường thọ của mỗi người một cách rốt ráo hơn.

Truyền Bình

Advertisement

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Bài viết. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

2 Responses to TÂM ẢNH HƯỞNG TỚI VẬT

  1. Bantoioi nói:

    Kính DLT, đọc đi đọc lại bài viết nào cũng hay cả…
    Cảm ơn rất nhiều.

    Chúc DLT thân tâm khỏe vui trường cửu !

  2. Cám ơn Bantoioi chúc bạn luôn vui khỏe

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s