Tuần ký là ký sự ghi mỗi tuần một lần. Vậy tuần ký chủ yếu nói về việc gì ? Nói về những cuộc hẹn hò chiều thứ bảy với bạn gái. Tôi đã 70 tuổi, vậy mà hàng tuần còn hẹn hò gặp gỡ với bồ nhí chăng ? Đúng mà không đúng. Đúng là tôi có gặp gỡ bạn gái vong niên, nhưng cô ấy không phải bồ nhí. Danh xưng bồ nhí chỉ dùng cho những cô gái khoảng hăm mấy trở lại, còn cô bạn tôi đã ngoài 40 khó có thể gọi là bồ nhí, đó là độ tuổi trung niên đã hiểu biết rất nhiều về cuộc đời. Cho nên đây là mối quan hệ do hữu duyên, có chút gì đó hơi ngoại lệ, không thường xảy ra trong đời.
Điều ngoại lệ đó là gì ? Đó là tôi đã già, tóc bạc, răng rụng, lại không có nhiều tiền, mà cô ấy còn khá trẻ lại rất xinh đẹp. Vậy cái gì kết nối hai người lại với nhau ? Chỉ có thể giải thích là do hữu duyên thôi.
Theo Phật giáo thì tâm sắp xếp mọi việc. Phật giáo nói : Nhất thiết duy tâm tạo. Như vậy tâm không phải chỉ là ý thức của một con người như thông thường mọi người hiểu. Mà tâm là nguồn gốc của Vũ trụ vạn vật. Vậy tâm tương ứng với Trời trong Nho giáo hay Thượng đế trong Thiên Chúa giáo.
Khi tôi rơi vào hoàn cảnh tuổi già phải sống cô đơn một mình, không có vợ và con cháu bên cạnh. Thế nên tâm sắp xếp cho tôi quen thân với một phụ nữ để cho cuộc sống đỡ buồn tẻ. Tâm còn chiếu cố cho tôi quen với một phụ nữ còn khá trẻ và xinh đẹp. Việc đó cũng hơi giống như Chúa đã tạo ra Eva để làm bạn với Adam.

Cô bạn gái vong niên và con gái
Thế nên theo thông lệ hàng tuần tôi có cuộc hẹn với cô bạn vào chiều Thứ bảy. Và vài ba tuần tôi viết tuần ký một lần. Chiều thứ bảy hôm nay, sau khi ăn trưa xong lúc 12:47 tôi nhắn tin :
-Chiều nay 3 giờ anh xuống nhé em.
Nàng bấm like bằng dấu hiệu quả tim đỏ của Zalo chứng tỏ đã đọc và chấp nhận. Lúc 14:58 tôi đến quán cà phê kế bên tiệm làm tóc của nàng, thấy đã có xe máy của nàng nên nhắn tin :
-Anh tới rồi. Anh qua ngay hay gọi nước uống một tí qua ?
-Anh qua em đi. Em đang rảnh. Sợ tí có khách.
-OK anh qua liền.
Tôi nói với tiếp viên quán cho tôi gởi xe ở đây, một lát sẽ trở lại gọi nước sau. Và đi qua tiệm làm tóc. Chiều thứ bảy nhưng không có nhiều khách.
Hôm kia nàng bị trúng gió, nặng đầu, trên cổ vẫn còn những vết bầm do bắt gió. Hôm kia hai đứa con nàng cũng bị bệnh, phải đưa đi bệnh viện khám. Tôi hỏi thăm :
-Các con em đã khỏe chưa ?
-Con trai đỡ rồi hôm nay đã đi học lại. Con gái thì còn ho.
Hôm qua tôi có kể chuyện có hai vị khách từ Đà Lạt xuống Cần Thơ ghé nhà thắp nhang cho thầy Duy Lực và từ giã tôi để trở về Thụy Sĩ. Tôi cũng nói qua một chút về việc cha tôi lúc sinh tiền có đi thuyết pháp ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Đài Loan và Việt Nam. Sau khi thầy tịch đệ tử có thu thập những lời thầy thuyết giảng soạn thành bộ Duy Lực Ngữ Lục, bản tiếng Việt phát hành tại VN còn bản tiếng Hoa phát hành tại Đài Loan. Tôi cũng có gởi cho nàng xem hình bìa của hai bộ sách đó.

Hôm nay nàng nhắc lại và khen :
-Cha anh giỏi thật. Anh cũng được thơm lây.
-Cám ơn em. Cha anh là ông thầy mà.
Nàng còn hỏi cha tên gì, pháp danh là gì. Tôi trả lời xong, nàng nói pháp danh trùng với tên của chồng nàng.
Lúc chia tay nàng gởi cho tôi 2 bịch chè. Một là chè khoai cao, bịch kia là chè đậu trắng bột báng. Cả hai đều có nước cốt dừa. Nàng hỏi :
-Lúc nãy anh chưa uống nước phải không ? Vậy anh ghé quán uống nước rồi hãy về.
-OK anh có nói với họ là một lát sẽ trở lại uống nước, anh vẫn còn để xe ở đó mà.
Thế rồi tôi trở qua quán gọi một ly cà phê sữa đá, ngồi uống nước và đọc báo mạng khoảng nửa tiếng sau mới về nhà.
Chiều tối ăn cơm xong lúc 19:05 tôi nhắn tin :
-Chiều nay anh về nhà ăn cơm xong, hâm bịch chè khoai cao ăn tráng miệng còn bịch kia thì để sáng mai ăn. Chè ngon lắm em. Cảm ơn em nhiều lắm nha!
-Dạ, anh ăn ngon là em vui rồi. Bây giờ em đi rước con gái em học Anh văn ở Nhà văn hóa thiếu nhi về nhà luôn.
-Em đi rước con rồi về nhà thuận lợi nha.
-Dạ phải chờ 30 phút nữa.
Và trong khi chờ đợi nàng nhắn tin kể chuyện về tình hình con học ở trường cho tới tận 20 giờ.
-Thôi em trễ rồi. Em đi rước con. Lo nói chuyện mà quên luôn.
Tôi cũng giục :
-Thôi em đi đón con đi. Con em chờ đó. Cám ơn em.
Những buổi chiều và tối Thứ bảy thường trôi qua êm đềm như vậy. Cô bạn vong niên này thực tế đã góp phần rất đáng kể giúp cho cuộc sống của tôi đỡ buồn tẻ hơn rất nhiều.
A Di Đà Phật! Thầy viết nhiều bài hay quá, nhưng sao thầy vẫn cảm thấy trống vắng ? Con hỏi thật lòng, không có ý gì. Con theo pháp môn tịnh độ của hoà thượng Tịnh Không, con cũng hay đọc nhiều bài của thầy vì con thích cách so sánh với khoa học hiện đại dễ hiểu. A Di Đà Phật
Cám ơn câu hỏi của bạn Võ Thiên Trang. Câu hỏi của bạn tạo điều kiện cho tôi có cơ hội trả lời. Tôi sống trong hoàn cảnh cô đơn một mình nên nói theo tâm lý nhân sinh thông thường thì cuộc sống đó khá buồn tẻ. Và bạn mô tả tâm lý buồn tẻ đó là “cảm thấy trống vắng”. Và vì vậy mà tôi có nhu cầu gặp gỡ với một cô bạn gái vong niên hàng tuần cho đỡ buồn tẻ. Những cuộc gặp gỡ như vậy có vẻ trái với đạo lý mà thầy Tịnh Không của bạn hướng dẫn. Phải vậy không ? Và thế là bạn thắc mắc. Thầy Tịnh Không của bạn theo Tịnh Độ Tông còn tôi theo Thiền Tông nên có chỗ khác nhau. Nếu bạn có xem Thập Mục Ngưu Đồ (10 bức tranh chăn trâu) thì thấy bức thứ 10 là Nhập triền thùy thủ 入廛垂手 (buông tay vào chợ) Triền là chợ nơi hỗn tạp không phải là nơi thanh tịnh như kiểng chùa, buông tay nghĩa là buông bỏ không còn bám víu vào lẽ thị phi đúng sai, phàm thánh, tịnh bất tịnh của giáo môn. Thật ra buông bỏ đó là trung đạo, không biên kiến tức cái thấy không lệch về một bên, cái thấy lệch một bên là tà kiến, thấy tịnh hay thấy bất tịnh đều là tà kiến. Làm theo thiện hay làm theo ác đều là biên kiến, là tà đạo không thể giác ngộ.
Với thiền thì tất cả những lời nói ra, những lời mô tả đều không có nghĩa thật, chỉ là tùy duyên mà thôi. Hẹn hò gặp gỡ với bạn gái cũng chỉ là buông tay vào chợ, tùy duyên du hí chốn hồng trần. Mỗi người sống trên đời giống như đóng một vở kịch, cuộc sống là hí trường không có gì là thật. Đừng có chấp thật !
A Di Đà Phật! Dạ không, con không nghĩ gì đến trái đạo lý. Do những bài viết của thầy hay đến nỗi con nghĩ thầy cũng đã có một chút ngộ gì đó mới viết hay vậy nên con không nghĩ thầy cảm thấy buồn tẻ. Cũng có thể con hiểu lầm ý ( ý ngoài văn tự ). A Di Đà Phật!
Cảm thấy buồn tẻ trống vắng hay cảm thấy vui vẻ an lạc đều là tâm niệm, đều là vọng niệm. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta toàn là vọng niệm. Thấy có thân ngũ uẩn của mình và của người khác, thấy có nhà cửa xe cộ, vạn vật, thế giới, cũng đều là vọng niệm, kể cả cái gọi là chánh niệm của thầy Thích Nhất Hạnh dạy cũng chỉ là vọng niệm. Lục Tổ nói Vô niệm niệm tức chánh, Hữu niệm niệm thành tà. Nghĩa là sao ? Cái niệm vô niệm mới là chánh. Thế nào là niệm vô niệm ? Toàn bộ cuộc sống của chúng ta kể cả vật chất và tinh thần đều là niệm, đều là tâm niệm. Nếu mình không chấp thật thì tất cả mọi niệm đều là chánh, đó mới đúng là niệm vô niệm. Còn nếu mình chấp thật thì tất cả mọi niệm đều là tà kể cả cái gọi là chánh niệm, tứ niệm xứ, bát chánh đạo v.v…Chính vì vậy Phật mới nói : Tất cả mọi lời nói ra đều không có nghĩa thật. Và trước khi nhập diệt Phật nói : Trong suốt 49 năm qua ta không có nói một chữ nào nha !