PHẬT GIÁO CÓ HẠN CHẾ KHÔNG ?

Tại sao có người nói Phật giáo có những hạn chế ?

Hôm nay tôi tình cờ đọc một bài luận của ông Trần Minh Tánh, là một học viên khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Mở TP Hồ Chí Minh. Đây là một tiểu luận triết học hồi năm 2016 nói về đề tài Những giá trị và hạn chế của triết học Phật giáo ở Việt Nam.

Giá trị của PG thì chúng ta không cần đề cập vì sách báo đã nói quá nhiều rồi, nên bài viết này tôi sẽ nói về mặt hạn chế của PG mà luận văn đề cập.    

Ngay phần đầu tác giả cũng có rào trước rằng : “Nhưng cần phải nhận thức một điều là những ảnh hưởng tiêu cực này không phải xuất phát từ bản chất lý luận của đạo Phật mà do những người thừa hành” Người thừa hành tức là tăng đoàn, tu sĩ, cư sĩ PG. Tác giả đã nêu một số hạn chế của đạo Phật như :

-Phát triển có nghĩa là tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, đời sống vật chất và văn hóa…Những phẩm chất này phần lớn trái với giáo lý nhà Phật vì tham vọng trái với cấm dục, vô dục, ly dục của nhà Phật.

-Như vậy đạo đức Phật giáo đã tách con người ra khỏi điều kiện thực tiễn của con người xã hội, làm cho con người có thái độ chấp nhận, chạy trốn nhu cầu bản năng chứ không phải là cải tạo thế giới, chế ngự thiên nhiên…

-Chúng ta nhận thấy rằng ngày nay những người đi chùa hầu hết không có đủ tri thức về giáo lý nhà Phật nên khó có thể giáo dục đạo Phật một cách tự giác, tích cực trong xã hội và gia đình.

-Các buổi giảng kinh, đàm đạo tại các buổi lễ trên chùa chưa được tổ chức theo tinh thần khai thác những tinh túy của đạo lý Phật giáo mà phần nhiều theo thị hiếu : Cầu an, giải hạn, cầu lộc…của giới bình dân.

-Số đông thanh thiếu niên đã đua theo thị hiếu của mọi người. Họ đến chùa cúng bái thắp hương vái xin Phật, Bồ Tát, La Hán, phù hộ độ trì cho họ đạt được mong muốn của mình. Những mong muốn ấy thường là chuyện học hành, tình cảm, sức khỏe, vật chất…

-Có rất ít người đến chùa để tìm sự thanh thản trong tâm hồn, để tu dưỡng nghiền ngẫm đạo lý làm người, về thiện-ác.

-Như vậy mục đích đến chùa của người dân đã sai lầm, tầm thường hóa so với điều mà giáo lý nhà Phật muốn hướng con người ta vào.

Theo nhận định của tôi thì những điều tác giả nêu ra cũng không hề sai. Tuy nhiên cũng không phải hoàn toàn đúng. Tôi sẽ phân tích tại sao không sai mà cũng không đúng.

Những hạn chế của Phật giáo về mặt lý thuyết và về mặt thực tiễn xã hội không sai vì tình hình là như sau :

Về mặt lý thuyết những lời dạy ban đầu của Đức Phật như Tứ Diệu Đế, Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên…chỉ là thuốc chữa trị tạm thời cho người bệnh nặng, đó là phương pháp cấp cứu có tính cách giai đoạn, tình huống, dành cho người chưa biết gì về thế giới. Cũng giống như đối với trẻ con thì không thể dạy chúng như đối với người lớn được. Chẳng hạn không thể dạy chúng về quan hệ nam nữ, về kỹ thuật sản xuất, về chiến tranh chống xâm lược, sẵn sàng tàn sát quân địch v.v…Thế nhưng một số rất đông những người tu hành theo Phật giáo coi những lời dạy đó là chân lý và răm rắp tuân theo khiến cho Phật giáo có khuynh hướng xuất thế gian, chỉ lo về mặt tinh thần, không quan tâm cải thiện đời sống vật chất của xã hội, dần dần xa rời cuộc sống thực tiễn của xã hội. Tu sĩ không có trách nhiệm giải quyết đời sống vật chất của tín đồ, thậm chí tu sĩ còn phải cần có tín đồ cúng dường, nuôi dưỡng.  

Ngay cả một số bậc giác ngộ thời xưa ở Ấn Độ cũng chỉ hướng dẫn cho từng cá nhân tự giải phóng khỏi sự đau khổ chứ họ cũng không làm gì để nâng cao đời sống vật chất của xã hội, giải phóng con người khỏi sự cùng khổ. Các Tổ Sư không phải là nhà chính trị, họ không can thiệp vào đời sống vật chất của xã hội. Công việc cải tạo xã hội là của các lãnh tụ chính trị, của vua chúa, không phải là việc của các sư sãi. Mà dù có muốn họ cũng không thể làm được bởi vì khoa học kỹ thuật chưa phát triển, chỉ có khoa học mới có khả năng cải tạo đời sống vật chất cho xã hội. Thậm chí có những điều mà các tổ sư hiểu mà không thể diễn tả rõ ràng được, chỉ có thể nói chung chung thôi. Chẳng hạn họ hiểu và đã nói trong kinh Hoa Nghiêm : Nhất thiết pháp vô tự tính. Nhưng quần chúng không ai hiểu, có cực kỳ ít người hiểu được và không có ai thực hành được. Một điều cần nêu ra là tuyệt đại đa số mọi người đều không ai hiểu Phật giáo đích thực là gì, họ chỉ hiểu Phật giáo là giáo môn nửa vời như đã nói ở trên, đó không phải là tối thượng thừa của Phật giáo, và dĩ nhiên không phải là cốt tủy của Phật giáo.    

Thực tế Phật giáo có bị hạn chế không ?

Những nguyên lý cốt lõi của Phật giáo như Bất nhị pháp môn, Nhất thiết pháp vô tự tính, Nhất thiết duy tâm tạo, chứng tỏ Phật giáo không hề có chút hạn chế nào.  

Cho tới tận ngày nay chỉ có một số rất ít những nhà khoa học hàng đầu thế giới và không tin ở quan điểm duy vật khách quan của Einstein mới hiểu câu Nhất thiết pháp vô tự tính nghĩa là gì. Nhất thiết pháp vô tự tính có ý nghĩa căn bản sâu xa nhất là các hạt cơ bản của vật chất như photon, electron, quark…không có sẵn đặc trưng đặc điểm như vị trí, khối lượng, điện tích, số đo spin. Vậy đặc trưng, đặc điểm của hạt ở đâu mà ra ? Câu trả lời của Phật giáo rất rõ ràng và chính xác vì các bậc giác ngộ đã thấy, đã thân chứng : Nhất thiết duy tâm tạo. Tất cả đều là do tâm tạo chứ không phải có thật. Tất cả các pháp từ cái nhỏ nhất như hạt cơ bản của vật chất (elementary particles of matter) như photon, electron, quark cho tới không gian, thời gian, vật chất, vật thể, số lượng…đều là do tâm tạo chứ không có thực chất, không có bản thể. Bởi vì tất cả chỉ là thức do tâm tạo, tâm tưởng tượng ra nên tất cả sự phân biệt của cặp mâu thuẫn như vật chất và tinh thần, tốt và xấu, thiện và ác, lớn và nhỏ, lâu và mau…đều không có thực thể. 

Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa thầy Duy Lực thuyết :

1401 Việc trần sa kiếp cũng như việc hiện nay- Ý nghĩa của thời gian    

Nhưng bởi vì chính các bậc giác ngộ thời xưa không thể làm gì để cải thiện đời sống vật chất cho xã hội, cho nên xã hội Ấn Độ từ thời Đức Phật cho tới tận ngày nay, đa số người dân vẫn còn sống trong sự bần cùng, nghèo đói, thiếu thốn.    

Vậy ngày nay khoa học đã phát triển, trình độ tư duy, hiểu biết của con người trong xã hội đã được nâng cao thì Phật giáo phải làm gì để thay đổi hình ảnh tiêu cực, để phá bỏ những hạn chế do giáo môn tạo ra ?       

Đây chính là vấn đề chủ yếu của Phật giáo ngày nay. Phật giáo trong thực tế lịch sử có bị nhiều hạn chế do hoàn cảnh xã hội ràng buộc, do trình độ nhận thức của quần chúng thấp kém, rất khó nói những điều chân thật mà quá cao xa với hiểu biết thông thường của họ, phải nói những điều hợp với ham thích của họ như tu hành để thành tựu các thánh quả, niết bàn v.v… Thật sự đó chỉ là hóa thành dụ (giả lập ra một nơi để nghỉ ngơi tạm thời trên đường xa). Các bậc giác ngộ cũng không thể làm gì hơn được ngoài việc hướng dẫn cho một số ít người tự giải thoát rốt ráo, một số đông khác thì đi từ từ từng giai đoạn qua ngũ thừa五乘Phật giáo : Đó là ẩn dụ giống như 5 cỗ xe, xe càng tốt thì càng đi xa, chỉ có xe tốt nhất mới có thể đi tới đích cuối cùng. Bao gồm :

Nhân thừa (Manuwya-yàna)  

Thiên thừa (Deva-yàna)

Thanh văn thừa (Zravakayàna) và Duyên giác thừa (Pratyekayàna)

Bồ tát thừa (Bodhisattvayàna) phải trải qua thập địa mới tới đích

Phật thừa còn gọi là Vô thượng thừa (An-uttarayàna) Có thể đốn ngộ không nhất thiết phải trải qua các giai đoạn bởi vì không gian, thời gian, số lượng đều không có thật.

Phật giáo thực ra không hề có bất cứ một hạn chế nào. Người tu cũng không tuyệt đối phải ăn chay hay phải kiêng cử chuyện dâm dục sinh sản. Những giới luật, quy phạm chẳng qua là để giúp người sơ cơ không bị sa ngã do thiếu hiểu biết. Chứ Phật giáo đã là bất nhị pháp môn thì đâu còn phân biệt những cái vọng tưởng do ý thức của chúng sinh tạo ra; cái này thiện, cái kia ác; cái này thánh, cái kia phàm… Ngay cả những điều tưởng chừng rất trái nghịch với đạo đức tôn giáo như dâm dục cũng không phải hoàn toàn cấm kỵ. Bằng chứng là bên Mật tông có pháp môn nam nữ song tu có nghĩa là họ dùng dâm căn (linga và yoni) làm cửa để vào đạo.

Có những vị sư Tây Tạng, họ tu tập bằng cách sống trong lửa dục (song tu với không hành nữ- dakini) mà không bị lửa đốt cháy. Mật tông Kim Cương thừa dùng hành vi dâm để luyện tập, nhận ra tánh thanh tịnh của nó (kiến tánh), tánh dâm cũng chính là Phật tánh, vô phân biệt, chân thật bất nhị. Trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng, đạo sư Guru Rinpoche (Liên Hoa Sinh 蓮華生 Padmasambhava, không biết rõ năm sinh năm mất, chỉ biết ông từ Ấn Độ đến Tây Tạng dưới triều đại Trisong Detsen, 742 đến 797CN ) và người phối ngẫu của ông là Đức Bà Yeshe Tsogyal (757-817CN) là những nhân vật nổi tiếng nhất trong phép tu này. 

Đại sư Guru Rinpoche (Liên Hoa Sinh 蓮華生) Karmamudra

Đức Bà Yeshe Tsogyal (Y Hỉ Thố Gia 伊喜措嘉)

Tượng Đức Bà Yeshe Tsogyal

Nhưng phép tu này cũng rất nguy hiểm, người chưa ngộ tánh không mà tu kiểu này rất dễ bị chìm đắm trong sắc dục. Chính vì vậy mà Phật giáo cũng như mọi tôn giáo khác đều phải có những hạn chế, song đó không phải là toàn bộ Phật giáo.

Vậy trong thời đại khoa học kỹ thuật toàn thịnh thì Phật giáo phải làm gì ?

Các nhà sư và các cư sĩ Phật giáo phải hiểu rõ tinh hoa của Đạo Phật, phải đủ bản lĩnh để hướng dẫn cho khoa học. Phật giáo đi trước khoa học, tất nhiên PG có khả năng hướng dẫn cho khoa học. Cụ thể là hướng dẫn cho khoa học điều gì ?

Nhà sư phải hiểu rõ Kinh Hoa Nghiêm nói Nhất thiết pháp vô tự tính. Vậy thì họ phải hiểu hạt photon hay hạt electron không có sẵn đặc trưng. Họ phải nói cho những nhà khoa học như Einstein hiểu rằng bậc giác ngộ là Đức Phật đã tự thân chứng nghiệm và đã xác định là các hạt cơ bản không có sẵn đặc trưng. Vậy đặc trưng của hạt từ đâu mà có ? Chắc chắn là từ người quan sát. Người quan sát đã tưởng tượng ra đặc trưng và gán ghép những đặc trưng đó cho hạt cơ bản. Nên trong kinh Phật có câu : Nhất thiết duy tâm tạo. Tâm đã tưởng tượng ra hạt cơ bản, các hạt đã kết hợp với nhau tạo thành nguyên tử, phân tử, vật thể và toàn bộ vạn vật. Những điều đó là cực kỳ khó hiểu nhưng Đức Phật đã tự thân chứng nghiệm và đã nói trong kinh điển. Thí nghiệm liên kết lượng tử (quantum entanglement) đã bộc lộ tất cả những bí mật này và người ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng : không gian, thời gian, số lượng vật chất chỉ là ảo tưởng của con người chứ không phải tuyệt đối có thật. Chính vì vậy Thiền mới nói rằng : Con người đang nằm mơ giữa ban ngày mà không biết.

Vạn Pháp Duy Thức       

Phật giáo phải hướng dẫn cho các khoa học gia hiểu nguyên lý bất nhị, vật chất và tinh thần không phải là hai, không phải vật chất quyết định mà tinh thần mới quyết định bởi vì tâm (vô sinh pháp nhẫn) tạo ra vũ trụ vạn vật.

Con người đang tạo ra chip điện tử silicon và đang tiến tới chế tạo chip trên nền tảng graphene, ống nano carbon, cũng đang nghiên cứu chế tạo chip quang tử (photonic chip). Công nghệ tiên tiến nhất đang chuẩn bị thương mại hóa chip 3nm (1 nanometre = 1 phần tỷ mét). Chỉ số nm càng thấp thì số lượng transitor chứa trong một đơn vị diện tích càng nhiều, chip càng có hiệu năng cao và càng hao tốn ít năng lượng. Ví dụ với công nghệ 3nm có 250 triệu transistors/mm²    

Người ta đang chế tạo chip ngày càng mạnh để làm gì ? Con người đang chế tạo máy tính lượng tử với tốc nhanh khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi. Công ty IBM công bố bộ vi xử lý lượng tử mạnh nhất nhằm “xử lý những vấn đề chưa được giải quyết trước đây”, Silicon Republic hôm 9/11/2022 đưa tin. Bộ xử lý Osprey 433 qubit (đơn vị của thông tin lượng tử) của IBM mạnh hơn bất kỳ bộ xử lý cùng loại nào trước đây và mạnh gấp hơn 3 lần phiên bản công ty giới thiệu năm ngoái là Eagle (127 qubit). Cỗ máy Osprey có tiềm năng chạy những phép toán lượng tử phức tạp vượt ngoài khả năng tính toán của máy tính thông thường. IBM cho biết số lượng bit cần thiết để biểu thị một trạng thái trên Osprey vượt xa toàn bộ số lượng nguyên tử có trong vũ trụ.  

Những máy tính lượng tử mạnh khủng khiếp như vậy mới có khả năng xử lý vật thể, chẳng hạn biến một cái bánh thành lượng tử và chuyển đi xa trong chớp mắt là tới Hỏa Tinh. Cái đó khoa học gọi là viễn tải lượng tử (quantum teleportation). Rồi sẽ tới giai đoạn một con người cũng có thể di chuyển đi xa nhanh và dễ dàng như vậy.

Mặt khác toàn bộ những nhu cầu của con người đều có thể dùng máy in 3D để in ra không giới hạn đủ cho tất cả mọi người. Con người sẽ không còn cần phải tranh giành tài nguyên biển đảo với nhau nữa, chiến tranh không còn cần thiết nữa vì Phật giáo đã nói là không có số lượng, tất cả chỉ là ảo. Vậy những nhu cầu về lương thực thực phẩm, quần áo giày dép, đồ dùng hàng ngày, nhà cửa, phương tiên đi lại đều có thể in ra không giới hạn đủ cho tất cả mọi người. Về nguyên tắc, nguyên lý thì Đức Phật đã tự thân chứng nghiệm hết rồi. Trong lịch sử thì các vị tổ sư trong mấy ngàn năm qua đã nói và đã chứng tỏ bằng thực nghiệm, hiện vẫn còn bằng chứng để làm tin, chẳng hạn nhục thân bất hoại của 3 vị thiền sư : Lục Tổ Huệ Năng, Hám Sơn, Đơn Điền, hiện vẫn còn lưu trữ thờ phụng tại chùa Nam Hoa, thành phố Thiều Quan tỉnh Quảng Đông, TQ. 

Từ trái qua phải, nhục thân của các thiền sư Đơn Điền, Huệ Năng, Hám Sơn

Hai câu đối trên hình là :   

佛法在世间,不离世间觉  Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác

离世觅菩提,犹如求兔角  Ly thế mịch Bồ đề, do như cầu thố giác

Ý nghĩa là Phật pháp ở trên thế gian không thể rời thế gian mà giác ngộ được. Rời thế gian mà tìm Bồ đề (giác ngộ) giống như đi tìm sừng thỏ.

Điều đó có nghĩa là thế gian vốn là chỉ là ảo tưởng của chúng sinh nên cũng phải dựa trên ảo tưởng đó mà giác ngộ, nghĩa là vì mê nên mới có giác, không mê thì cũng không có giác ngộ. Rời thế gian đi tìm giác ngộ ở cõi Trời hay ở cõi Tây phương cực lạc cũng chỉ là ảo tưởng giống như đi tìm sừng thỏ (con thỏ vốn không có sừng). Trong lịch sử Thiền tông cũng có những câu chuyện kỳ đặc.    

Trong triều đại nhà Tống có nhà sư, được coi là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù, đó là nhà sư nổi tiếng Giới Đồ Lê 戒阇黎 quê ở Lâm Hải, Thai Châu 台州临海 thời Nam Tống (1127–1279). Trước khi xuất gia ông họ Lâu, cha là Lâu Nguyên Hựu 娄原佑, nổi tiếng là người tốt trong vùng. Cả đời ông làm từ thiện, thích trai tăng (làm tiệc chay đãi các vị tăng) chỉ tiếc là vợ chồng ông sau nhiều năm chung sống vẫn chưa có con. Ông đã cầu khấn và bà vợ có lần chiêm bao thấy ôm vầng trăng vào lòng, sau đó có mang sinh được con trai đặt tên là Đốn Cát 顿吉.

Đứa trẻ này ngay khi mới sinh ra đã biết nói: “Lành thay cha mẹ, đã cưu mang sinh ra tôi, đã cứu giúp nhiều người, là dị nhân hiếm có trên đời.” Sự kiện này khiến vợ chồng ông Lâu vừa mừng vừa lo, mừng là đứa trẻ vừa sinh ra đã biết nói, nhưng họ lại lo xuất thân phi phàm của nó, lo lắng là bốn câu này mang đầy ý nghĩa Phật giáo, sợ rằng con sớm muộn cũng bỏ cha mẹ theo đạo Phật tu hành.

Quả vậy đứa trẻ về sau trở thành nhà sư lỗi lạc Giới Đồ Lê. Nhưng ông ta không tuân theo các quy tắc như các nhà sư bình thường, trái lại, ông ta không bao giờ tuân thủ giới luật, ông ta không ăn chay mà hay ăn đầu heo và uống rượu ngon. Ông được người ta gọi là “Nhà sư đầu lợn” (Trư đầu hòa thượng 猪头和尚). Giới Đồ Lê không hề khó chịu khi nghe tai tiếng này mà còn bật cười khoái trá.

Nhà sư ăn thịt uống rượu cũng chưa đủ kinh dị, càng bại hoại tăng đoàn hơn chính là việc Giới Đồ Lê không sợ thiên hạ dị nghị, thu nữ đệ tử, và hai người thường đi chung ở chung với nhau. Nữ đệ tử này tên là Chu thất nương 周七娘, và lai lịch của cô ấy cũng khá phi thường. Cô sinh ra trong một gia đình thuần thành Phật giáo, cô từ nhỏ đã thông minh đĩnh ngộ tuyệt vời, nhưng cô phát nguyện khi lớn lên sẽ không lấy chồng, hàng ngày đi xin ăn trên đường phố và hát nhạc Phật giáo. Mọi người đều nghĩ chắc cô ấy bị điên, nhưng Giới Đồ Lê lại rất ngưỡng mộ cô và thu nhận làm đệ tử.

Giới Đồ Lê và Chu Thất nương

Một lần, Giới Đồ Lê và Chu Thất nương ra ngoài phố và ăn một bữa no nê món tôm luộc tại một quán ăn trên phố, khi họ lấy tiền ra trả thì thấy ví không có tiền, chủ quán rất tức giận và không cho họ đi. Nhưng rồi, Giới Đồ Lê cười nói: “Không có tiền, nhưng thí chủ muốn vật gì?” Chủ quán nói: “Ta muốn ngươi bồi hoàn tôm sống cho ta!”

Giới Đồ Lê và Chu Thất nương nhìn nhau cười, xong họ ngồi xuống, và không ngừng phun ra từ miệng những con tôm còn sống tươi rói, chủ quán và những người xung quanh sợ hãi, đồng loạt quỳ xuống và kêu lên “Thần tiên ! Thần tiên !”. Giới Đồ Lê cười nói, “Bây giờ tôi đã trả lại tôm sống cho ông rồi đó.” Sau đó, ông và nữ đồ đệ vừa đi vừa hát mà không nhìn lại.

Khi Giới Đồ Lê viên tịch, những người khác đã báo tin này cho Chu Thất nương, nữ đệ tử biết tin không buồn chút nào, ngược lại, cô ấy vừa hát vừa cười. Hát xong, cô an tọa dưới dạ cầu Phổ Tế mà tịch luôn.

Sau đó có một nhà sư lạ mặt xuất hiện trên đường phố Thai Châu và hát lớn: “Sư phụ Giới, Văn Thù, Chu bà, Phổ Hiền.” Bấy giờ mọi người mới hiểu ra họ chính là Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát hóa thân giáo hóa người đời.

Họ giáo huấn điều gì ? Họ muốn hiển thị cho mọi người hiểu rằng đừng có chấp tướng, đừng có chấp thật, các pháp chỉ là vọng tưởng thôi, không có thực chất, bởi vì Nhất thiết pháp vô tự tính.

Tóm lại trong thời đại khoa học kỹ thuật thì Phật pháp cũng phải tùy duyên, dạy cho tín đồ ứng dụng khoa học kỹ thuật theo nguyên lý Nhất thiết pháp vô tự tính, Nhất thiết duy tâm tạo, mà tạo ra đủ mọi thứ : từ lương thực thực phẩm cho tới mọi thứ đồ vật cần dùng đủ đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, không một ai bị bỏ lại phải đói khổ. Những nguyên lý đó của Phật giáo sẽ hướng dẫn các nhà khoa học đi từ thời đại công nghiệp hóa sang thời đại tin học hóa. Sản xuất vật chất được tiến hành bằng tin học, số lượng không giới hạn và không có rác thải.  

Nho giáo cũng có dạy rằng : Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Bình thiên hạ là làm cho toàn thế giới đều ấm no hạnh phúc, hòa bình nhưng phải dựa trên nguyên lý của Phật pháp là ngũ uẩn giai không, tất cả ngũ uẩn ngã của mọi chúng sinh đều là không, tất cả các pháp đều là không thì hà cớ gì mà phải tranh giành, chém giết, chiến tranh với nhau, làm khổ lẫn nhau?  Không gian, thời gian, vật chất đều là vô lượng và con người không cần phải tranh giành.

Truyền Bình

Advertisement

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Bài viết. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

2 Responses to PHẬT GIÁO CÓ HẠN CHẾ KHÔNG ?

  1. buu tran nói:

    Hay. Cám ơn!.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s