Khái niệm về số lượng
Con người từ lúc bắt đầu đi học đã làm quen với số lượng qua các con số. Thậm chí lúc còn là đứa trẻ mới bắt đầu biết nói, cha mẹ anh chị đã dạy tập gọi tên các con số từ 1-100. Rồi khi đi học đứa trẻ dùng các chiếc đũa hoặc các ngón tay để đếm số lượng cụ thể từ 1-10. Thầy cô giáo bắt đầu dạy các phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Đó là số học. Rồi khi lên trung học học sinh bắt đầu học đại số học 代数学 người ta dùng các ký tự như a,b,c, x, y…để thay thế cho các con số. Những con số chưa xác định thường được gọi là x, y còn gọi là ẩn số và lập các phương trình để giải.
Phương trình bậc 2 đơn giản mà học sinh trung học đã học qua có dạng :
ax2+bx+c=0 (a≠0)
Phương trình nổi tiếng nhất thế giới được nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20 là Albert Einstein đưa ra. Đó là :
E= mc2
E là năng lượng, tính bằng đơn vị electron volt (eV) hoặc joule (1joule= 1.6 x 10-19 eV) kilo calo (1kcal=3.84x 10-23eV) hoặc kwh (1kwh= 4.448x 10-26eV).
m là khối lượng của vật thể thường tính bằng đơn vị kg, tấn (1 tấn=1000 kg)
c là vận tốc của ánh sáng tính bằng mét hay km, đó là một hằng số = 299 792 458m/s hay quy tròn là 300.000 km/giây
Tóm lại các nhà vật lý dùng con số để đo lường khoảng cách không gian dài ngắn (tính bằng mét hoặc km). Trong không gian vũ trụ thì dùng đơn vị lớn hơn là năm ánh sáng (1light year = 9.4605284 × 1012 kilometers). Trong sản xuất chip bán dẫn thì dùng đơn vị cực nhỏ là nano mét (1nanometer = 1 phần tỷ mét). Hoặc đo đếm thời gian lâu hay mau dùng các đơn vị như giây, phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm. Để đo khoảng thời gian cực ngắn trong Phật pháp dùng từ sát na 刹那 (1 giây = 75 sát na)
Các nhà toán học thì thiết lập các phương pháp tính toán trong số học và đại số học như các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, lũy thừa, căn số, tích phân…
Rồi họ sáng lập ra nền văn minh khoa học của nhân loại, xây dựng nhà cửa, đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng, đường sắt, đường hàng không, những thành phố to lớn, tráng lệ. Tất cả đều dùng con số để đo lường, dùng toán học và hình học để tính toán, dùng vật lý học, sinh học để phát minh, sáng chế, tạo ra con giống, cây giống mới chất lượng tốt hơn, năng suất cao hơn.
Chưa hết con người còn dùng hệ thống số nhị phân với chỉ hai cơ số (0 và 1) tạo ra một nền tin học đang phát triển rực rỡ. Rồi họ sáng tạo internet, 2G, 3G, 4G, 5G để thiết lập một hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu vô cùng nhanh chóng và tiện lợi mà hầu hết chúng tá đều đang được trải nghiệm qua smartphone.
Rồi con người còn phát triển một dạng tin học mới không dùng bit thông tin mà dùng qubit. Qubit là một dạng chồng chập của bit. Bit chỉ có 2 trị số 0 và 1. Qubit có tới 4 trị số : 0; 1; vừa 0 vừa 1; không phải 0 không phải 1, cũng không phải vừa 0 vừa 1. Qubit tương ứng với tứ liệu giản của thiền Lâm Tế.
四料簡 臨濟義玄 Tứ liệu giản Lâm Tế Nghĩa Huyền
奪人不奪境 Đoạt nhân bất đoạt cảnh Bỏ người không bỏ cảnh
奪 境不奪人 Đoạt cảnh bất đoạt nhân Bỏ cảnh không bỏ người
人境俱奪 Nhân cảnh câu đoạt Người và cảnh đều bỏ
人境俱不奪 Nhân cảnh câu bất đoạt Người và cảnh đều không bỏ
Liệu 料 nghĩa đen là vật liệu chất liệu. Nghĩa bóng là cân nhắc liều lượng
Giản 簡 nghĩa đen là cái thẻ tre. Nghĩa bóng ở đây là chọn lựa
Vậy tứ liệu giản là 4 cách cân nhắc chọn lựa cho phù hợp với người học đạo từ thấp tới cao. Người đưa ra bài kệ tứ liệu giản là thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền, ông tùy theo căn cơ của người học mà có lời chỉ giáo không giống nhau nhưng mục tiêu cuối cùng cũng là giác ngộ. Đó là nói về phương diện tâm lý.
Còn về tin học thì qubit mở rộng khả năng của máy tính điện tử chuyển sang một trình độ cao hơn là máy tính lượng tử. Tháng 11/2022 hãng IBM của Mỹ công bố bộ xử lý lượng tử mạnh nhất nhằm “xử lý những vấn đề chưa được giải quyết trước đây”, Silicon Republic hôm 9/11 đưa tin. Bộ xử lý Osprey 433 qubit. IBM cho biết số lượng bit cần thiết để biểu thị một trạng thái trên Osprey vượt xa toàn bộ số lượng nguyên tử trong vũ trụ. Đó là ưu thế tin học lượng tử so với tin học điện tử.

Một kỹ thuật mới do nhóm TQ phát triển, có khả năng làm giảm đáng kể kích thước của một máy tính lượng tử thực tế xuống chỉ còn 372 qubit nhưng có khả năng giải mã những mật mã phức tạp nhất. Con số qubit này thậm chí còn ít hơn cả Osprey của IBM, máy tính lượng tử mạnh nhất thế giới có 433 qubit nhưng không có khả năng giải mã như vậy. Các nhà nghiên cứu TQ lập luận rằng, thuật toán mới của họ, được gọi là Thứ tuyến tính tư nguyên lượng tử chỉnh số phân giải 次線性資源量子整數分解 (SQIF= Sublinear-resource Quantum Integer Factorization), có thể giải mã dữ liệu được mã hóa bằng RSA-2048.
Máy tính lượng tử được kỳ vọng là sẽ giải quyết được vấn đề viễn tải lượng tử (quantum teleportation) tức là gởi được một vật thể như con người đi xa không giới hạn.
Như vậy chúng ta thấy con số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của nhân loại.
Bản chất của số lượng là gì ?
Số lượng tuy có vai trò vô cùng quan trọng như vậy nhưng bản chất của số lượng là gì ? Tôi e rằng các nhà toán học, các nhà vật lý học cũng bối rối không rõ không thể trả lời được rõ ràng. Tại sao vậy ? Một con chó thú cưng, một kilogram gạo, một chiếc smartphone, đều rất dễ hiểu mà. Số lượng cũng giống như không gian hay thời gian có thể dùng con số và đơn vị tính để biểu hiện nhưng bản chất của những đại lượng đó là gì thì không ai hiểu rõ. Người ta cũng không hiểu có vấn đề như thế. Vấn đề chỉ được nhân loại chính thức đề cập lần đầu tiên vào năm 1935.
Such phenomena were the subject of a 1935 paper by Albert Einstein, Boris Podolsky, and Nathan Rosen, and several papers by Erwin Schrödinger shortly thereafter, describing what came to be known as the EPR paradox. Einstein and others considered such behavior impossible, as it violated the local realism view of causality (Einstein referring to it as “spooky action at a distance”) and argued that the accepted formulation of quantum mechanics must therefore be incomplete. (Quantum entanglement- Wikipedia)
Những hiện tượng như vậy là chủ đề của một bài báo năm 1935 của Albert Einstein, Boris Podolsky và Nathan Rosen, và một số bài báo của Erwin Schrödinger ngay sau đó không lâu, mô tả cái được gọi là nghịch lý EPR. Einstein và những người kia coi hành vi của hạt như vậy là không thể, vì nó vi phạm quan điểm hiện thực thực địa về quan hệ nhân quả (Einstein gọi nó là “tác động ma quái từ xa”) và lập luận rằng công thức được chấp nhận của cơ học lượng tử do đó phải là không đầy đủ.
Công thức được chấp nhận lúc đó là gì ? Đó là cái mà Einstein gọi là “spooky action at a distance” (tác động ma quái từ xa) nghĩa là khi hai hạt photon ở trạng thái vướng víu (liên kết) thì khi hạt A bị tác động, tức thì hạt B bị tác động theo ngay tức khắc không mất thời gian bất chấp khoảng cách là bao xa. (Ví dụ năm 2017 TQ đã làm lại thí nghiệm với vệ tinh lượng tử Mặc Tử, khoảng cách giữa hai photon là 1200km, tác động vẫn không mất thời gian mặc dù 1200km là khoảng cách rất lớn).
Nhóm EPR của Einstein không tin là hiện tượng liên kết lượng tử (quantum entanglement) có xảy ra thật. Họ đưa ra nghịch lý EPR nhằm phản bác hiện tượng này, cho rằng nó không có thật và rằng tri thức về cơ học lượng tử là chưa đầy đủ. Họ nói nó vi phạm quan điểm hiện thực thực địa về quan hệ nhân quả nghĩa là sao ? Nghĩa là nó vi phạm định đề về tốc độ ánh sáng của Einstein. Năm 1905 Einstein đưa ra thuyết tương đối hẹp (Special Relativity) trong đó có hai định đề (postulate):
– The first postulate of special relativity states that the laws of physics and electromagnetism are the same in any inertial frame of reference. (Định đề thứ nhất của thuyết tương đối hẹp phát biểu rằng các định luật vật lý và điện từ học là như nhau trong mọi hệ quy chiếu quán tính).
-The second postulate of special relativity states that the speed of light in a vacuum is constant at c = 3 x 108 m/s in all inertial frames of reference. (Định đề thứ hai của thuyết tương đối hẹp phát biểu rằng tốc độ ánh sáng trong chân không là hằng số -không đổi- là c = 3 x 108 m/s (tức 300.000 km/giây) trong mọi hệ quy chiếu quán tính.
Như vậy tốc độ truyền tín hiệu giữa hai photon là vi phạm định đề thứ hai của Einstein vì nó lớn hơn rất nhiều so với tốc độ ánh sáng được coi là tốc độ cao nhất của vật chất trong vũ trụ.
Thế nhưng đến năm 1982 Alain Aspect nhà khoa học Pháp làm lại thí nghiệm liên kết lượng tử tại Paris, áp dụng bất đẳng thức của John Bell xác nhận một cách rõ ràng thuyết phục rằng hiện tượng này có xảy ra thật. Và từ thí nghiệm đó người ta rút ra 3 kết luận cực kỳ quan trọng làm sụp đổ tất cả lâu đài tri thức mà con người đã xây dựng được từ bao thế kỷ nay.
1/Vật (cụ thể là hạt cơ bản như photon, electron…) không có thật (non realism) từ đó suy ra nguyên tử, phân tử, cố thể vật chất, vũ trụ vạn vật đều là do tâm tưởng tượng ra chứ không có thực thể.
2/Không gian và thời gian là vô sở trụ (non locality) cũng tức là không có thật. Không gian và thời gian cũng chỉ là tâm niệm chứ không có thực thể. Chính vì không gian không có thật nên hiện tượng liên kết lượng tử mới xảy ra được. Bởi vì giữa hai photon thật ra không hề có khoảng cách nào nên tín hiệu cũng không cần truyền đi, không cần di chuyển. Từ thời cổ đại cho tới thời hiện đại cũng không có khoảng cách nào về thời gian cả.
3/Số lượng là không có thật (non quantity). Một phton có thể xuất hiện đồng thời ở hai vị trí khác nhau giống như là hai photon, thật ra chỉ là một. Thậm chí năm 2012 Maria Chekhova tại đại học Mat-xcơ-va còn tạo được một liên kết với 100.000 hạt photon. Vậy 100.000 hạt photon cũng chỉ là một hạt. Vậy số lượng không có thật. Số lượng 100.000 photon mà con người đếm được chỉ là ảo, không phải thật.
Thực nghiệm về số lượng không có thật
Kinh điển Thiên Chúa giáo có đề cập chuyện Giêsu chia bánh và cá. Trong một buổi giảng đạo bên hồ Galilee (phía bắc Israel hiện nay). Hồ này Kinh Thánh Tân Ước gọi là Galilee còn có tên là Tiberias, còn Kinh Cựu Ước gọi là Kineret. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Israel, dài 21km, rộng 13km, tổng diện tích 166km2 nơi sâu nhất 43m. Nguồn cung cấp nước chính là sông Jordan và các suối ngầm trong lòng đất.

Hồ kineret ở Israel nơi chúa Giê-su giảng đạo
Một trong các bài giảng nổi tiếng của Chúa Giêsu là Bài giảng trên núi, diễn ra trên một ngọn đồi trông xuống hồ. Nhiều phép lạ của Chúa Giêsu cũng diễn ra tại đây, trong đó có việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước hồ và dẹp yên bão tố và việc biến 5 cái bánh và 2 con cá thành vô số lượng có thừa cho 5.000 đàn ông ăn no, chưa kể đàn bà và trẻ con. Câu chuyện như sau :
Bối cảnh khi ấy là Chúa Giêsu nghe tin Gioan Baotixita (thánh Gioan Theo Tân Ước, Gioan là người sống du mục và khổ hạnh, mặc áo lông thú, ăn châu chấu và uống mật ong. Gioan đã lôi cuốn được một số lượng lớn môn đệ nhằm tiên báo cho sứ mạng hoạt động của Chúa Giêsu, ông đã thực hiện nghi thức thanh tẩy (rửa tội) cho Giêsu tại sông Jordan, bằng hình thức dìm toàn thân vào nước. Ngoài ra, Phúc Âm Luca còn nói thêm chi tiết rằng: Gioan là anh em bà con với Giêsu vì mẹ ông – bà Elizabeth- là chị họ của Maria, mẹ Giêsu.) đã bị trảm quyết, Giêsu tạm lánh bằng thuyền đến một nơi vắng vẻ gần Bethsaida nhưng đám đông vẫn đi bộ theo sau ngài. Khi Giêsu vào bờ thì thấy cả một đám đông lớn đang chờ sẵn, ngài chạnh lòng thương họ và chữa lành bệnh cho họ. Trời sắp tối, các môn đệ đến nói với ngài rằng: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”.
Ngài trả lời: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”. Các môn đệ đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm ổ bánh mì và hai con cá!” (do một đứa trẻ mang tới). Ngài bảo: “Đem lại đây cho Thầy!”
Sau đó, ngài truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ rồi ngài cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.
Một câu chuyện khác trích từ Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, chương 10, Phẩm Hương Tích Phật.
Bấy giờ, Xá Lợi Phất nghĩ rằng:
– Sắp đến giờ ăn. Các Bồ Tát sẽ thọ thực ở đâu? Duy Ma Cật biết ý, nên nói rằng:
–Nếu muốn ăn, hãy đợi giây lát, tôi sẽ cho ông được bữa ăn chưa từng có. Trước mặt đại chúng Duy Ma Cật hóa ra một vị Bồ Tát. Trong nháy mắt, vị này đến cõi nước Chúng Hương xin một bát cơm thừa. Hương Tích Như Lai ở cõi nước Chúng Hương lấy đầy bát cơm hương trao cho hóa thân Bồ Tát.Và cũng trong nháy mắt Bồ Tát hóa thân trở về nhà của Duy Ma Cật tại thành Tỳ Xá Ly (Vaishali). Tỳ Xá Ly ngày nay thuộc quận Patna, thành phố Patna cũng là thủ phủ bang Bihar, Ấn Độ. Tỳ Xá Ly là nơi diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai khoảng 100 năm sau ngày Phật nhập Niết bàn.

Bấy giờ, Duy Ma Cật bảo Xá Lợi Phất và các vị đại Thanh Văn rằng:
– Các nhơn giả cứ tùy ý dùng cơm cam lồ của Như Lai
Các vị Thanh Văn lại nghĩ rằng:
– Cơm này ít thế chỉ có một bát làm sao đủ cho đại chúng ăn?
Hóa thân Bồ Tát nói rằng:
-Chớ bảo rằng cơm ít, cơm này là vô lượng ăn bao nhiêu cũng không hết, mọi người cứ thoải mái mà ăn.
Vì thế, một bát cơm cho tất cả chúng trong hội ăn đều no đủ, mà cơm vẫn còn dư.
Qua hai câu chuyện kể trên, chúng ta thấy rằng số lượng vật chất không phải là hạn chế bất biến, nó có thể biến từ ít thành nhiều không có giới hạn. Kinh điển Thiên Chúa Giáo và Kinh điển Phật giáo đều có đề cập. Chúng ta hãy xem thêm câu chuyện thứ ba xảy ra trong thời hiện đại, thể hiện số lượng chỉ là tâm niệm.
Năm 1987, Hầu Hi Quý thong dong đi về nam, đã gần tới tết, ông muốn về nhà ăn tết. Xe lửa chạy rầm rầm. Hầu Hi Quý vốn tính hiếu động, lại hiềm vì toa xe chật hẹp, nên ông muốn làm một trò biến hóa chơi, vì vậy ông tìm người đồng hành về nam là Tiểu Long nói chuyện cho vui.
“Tiểu Long, anh nhìn người phụ nữ đang ngủ ở giường giữa đằng kia kìa, hai bàn chân thò ra ngoài cái chăn có thấy không ?” Tiểu Long nhìn theo ánh mắt của Hầu Hi Quý, quả nhiên thấy hai bàn chân mập ú, do vậy anh ta cười, biểu thị là đã thấy.
“Anh đi đếm ngón chân của bà ta xem.” Hầu Hi Quý cười hề hề nói một cách thần bí, “đếm cho chính xác nhé, để coi anh có bản lĩnh không.”
Tiểu Long cảm thấy việc khôi hài buồn cười, mình là người lớn đang sống, có thể nào không đếm được người ta có bao nhiêu ngón chân ? “Này, sư phụ, tôi không phải là đứa trẻ ba tuổi, làm sao mà không đếm được rõ người ta có bao nhiêu ngón chân ?”
“Trước hết đừng có ba hoa, hãy đi đếm đi !”
“Đếm thì đếm, tôi không tin sẽ đếm sai.”
Tiểu Long miễn cưỡng từ giường trên trèo xuống, đi đến phía trước đôi chân, đưa tay đếm bàn chân phải, mỗi ngón ghi nhớ trong đầu. “Một, hai, ba, bốn, năm !” Sau đó ngẩng đầu nói với Hầu Hi Quý, “mỗi bàn chân có 5 ngón chân không thừa không thiếu !”
“Thật không, là 5 hả ?” Hầu Hi Quý cười ha ha, nói “Đếm sai rồi, không tin anh đếm lại xem !”
“Tiểu Long cảm thấy kỳ lạ, không phải 5 ngón chân sao, có thể đếm sai chăng ? Thế là anh ta đếm lại từng ngón chân của người phụ nữ, phát hiện bà ta có thêm một ngón chân, không phải 5 ngón mà là 6 ngón ! Quả nhiên là đếm sai, bên cạnh ngón cái có thêm ngón nữa là ngón thứ 6. Thấy quỷ sống rồi, Tiểu Long cảm thấy quái dị, đếm lần thứ nhất tại sao không thấy nhỉ ? Anh bèn có ý đếm lại lần nữa, rõ ràng lại là 5 ngón. Không thể, vạn lần không thể phát sinh sự hồ đồ như thế được, lại muốn đếm lại cho rõ. Vì vậy đếm lại, lại là 6 ngón…
Tiểu Long còn đang chuyên chú đếm ngón chân, sớm làm kinh động mấy vị hành khách ở giường trên và giường dưới, mọi người đều cảm thấy kỳ lạ hi hữu, cũng tham gia đếm. Chỉ có chủ nhân của bàn chân, người phụ nữ vẫn ngủ say hoàn toàn không hay biết. Đôi bàn chân của bà ta làm kinh động mấy vị nam tử hán đại trượng phu : bà ta càng không biết rằng, các ngón chân của bà lại có thể biến hóa khôn lường, cuối cùng không hiểu tại sao lại có thể rơi vào “vòng công phu” của Hầu Hi Quý. Rốt cuộc người ta không thể xác định được là mỗi bàn chân của người đàn kia có 5 hay 6 ngón chân.
Chỉ có Hầu Hi Quý là hài lòng tự đắc, ông lấy làm vui, người khác cũng vui, nếu không thì bầu không khí trong chuyến lữ hành lại trầm lắng như thế nào ấy !
Ý kiến các nhà khoa học
Nhưng thường chúng ta hay có khuynh hướng cho rằng những nguồn tư liệu đó không có giá trị mấy về mặt khoa học. Vậy thì hãy đến với các thí nghiệm khoa học xem thế nào. Xem bản tin Vật lý tháng 11-2012.
Những xung ánh sáng gồm khoảng 100.000 photon vướng víu đã được tạo ra bởi các nhà vật lí ở Đức và Nga. Những xung ánh sáng đó được tạo ra trong một trạng thái “chân không nén” và đội nghiên cứu tìm thấy sự vướng víu trở nên mạnh hơn khi số lượng photon có trong xung tăng lên. Những xung sáng như vậy có thể ứng dụng trong những công nghệ như mật mã học lượng tử hoặc đo lường học. Sự vướng víu là một hiệu ứng lượng tử cho phép các hạt như photon có mối liên hệ chặt chẽ hơn so với vật lí cổ điển tiên đoán. Chẳng hạn, người ta có thể tạo ra hai photon trên thực nghiệm, sao cho nếu một hạt được đo là bị phân cực theo phương thẳng đứng, thì phép đo trên hạt kia sẽ cho trạng thái phân cực giống như vậy. Hiệu ứng này xảy ra bất chấp thực tế là một phép đo trên một photon đơn độc sẽ cho biết một giá trị ngẫu nhiên của sự phân cực của tất cả các photon còn lại. Nay Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow vừa tạo ra những trạng thái lượng tử chứa tới 100.000 photon, và tất cả chúng đều bị vướng víu với nhau.
100.000 photon ở trạng thái vướng víu (entangled) nghĩa là gì ? Nghĩa là một photon xuất hiện đồng thời ở 100.000 vị trí khác nhau trong không gian. Số lượng vị trí xuất hiện có giới hạn không ? Câu trả lời là không. Bằng chứng ở đâu ? Bằng chứng là thuyết Big Bang. Theo thuyết này, sau vụ nổ, thời gian và không gian đầu tiên xuất hiện như sau : thời gian bằng 10-43 (mười lũy thừa trừ 43) giây, vũ trụ chỉ là một hạt lượng tử có kích thước bằng 10-33(mười lũy thừa trừ 33) cm. Còn trước đó là bức tường Planck, không có không gian, không có thời gian, không có số lượng vật chất gì cả. Người ta tưởng tượng tại bức tường, thời gian là 10-44 (mười lũy thừa trừ 44) giây, đó chỉ là suy luận thôi, thực tế là không có gì cả, vũ trụ chưa bắt đầu hình thành. Sau vụ nổ, vũ trụ mới bắt đầu xuất hiện, bắt đầu có không gian, thời gian và số lượng vật chất, số lượng bắt đầu với chỉ một hạt lượng tử, sau đó xuất hiện khắp vũ trụ với vô lượng vô biên vị trí khác nhau, hình thành nên thiên hà, ngôi sao, mặt trời, hành tinh, trái đất, mặt trăng, vạn vật, con người.
Các nhà khoa học khi lập ra giả thuyết Big Bang, họ không nghĩ vũ trụ chỉ là ảo, họ tin rằng vũ trụ là có thật. Nhưng theo quan điểm Phật giáo, giả thuyết của họ chỉ chứng tỏ vũ trụ là ảo thôi. Chính vì vũ trụ là ảo, không phải thật, nên một photon hay nói tổng quát là một hạt lượng tử có khả năng xuất hiện đồng thời ở vô số vị trí khác nhau, hình thành không gian vũ trụ cũng như hình thành thời gian và số lượng. Đó cũng chính là cơ sở khoa học của thuyết Thiên Địa Vạn vật đồng nhất thể. Tất cả là Một.
Vũ trụ vạn vật chỉ là ảo nên thực tại tối hậu là không gian, thời gian, số lượng vật chất chỉ là ảo chứ không phải là thật. Thế ý kiến của các khoa học gia thế nào ?
Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922) nói “Isolated material particles are abstractions” (1) (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật).
Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (2)(Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).
Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963) viết : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (3) (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).
Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức, người phát minh ra nguyên lý bất định _không thể đồng thời xác định vị trí và vận tốc hay động lượng của một hạt, ví dụ electron) nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (4)(Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật).
[(1), (2), (3), (4), trích trong “Religion and the quantum world” của Giáo sư Keith Ward phát biểu tại Gresham College, UK ngày 09/03/2005]
Qua ý kiến của 4 nhà khoa học hàng đầu của thế giới, ta thấy rằng ý thức góp phần quan trọng trong cấu thành của vật chất, tức là không thể có vật chất tồn tại độc lập ngoài ý thức.
Một giáo sư vật lý tại Đại học Oregon, Mỹ và là thành viên của Viện Khoa Học Lý Thuyết, Tiến sĩ Amit Goswami khẳng định chắc như đinh đóng cột trong cuốn sách của ông, The Self-Aware Universe: How Consciousness Creates the Material World (Vũ Trụ Tự Thức: Làm Thế Nào Ý Thức Tạo Ra Thế Giới Vật Chất).
Như vậy có thể nói là chúng ta đã hiểu được lời nói trong kinh điển Phật giáo : Nhất thiết duy tâm tạo.
Kết luận : Số lượng cũng như không gian và thời gian đều là do tâm tạo. Tâm, ý thức, tưởng tượng ra những đại lượng đó chứ không phải là chúng có thật. Bản chất của không gian, thời gian, vật chất, năng lượng, số lượng, cũng đều là tánh không.
Truyền Bình