NGƯỜI PHƯƠNG TÂY ĐẾN VỚI ĐẠO PHẬT

Trước hết chúng ta hãy cùng tạm hiểu người Phương Tây là ai. Người phương tây là người ở Châu Âu, Châu Mỹ (không kể thổ dân), Châu Úc và New Zealand (không kể thổ dân). Họ là những người đang thống trị thế giới về kinh tế, tài chính, tiền tệ, khoa học kỹ thuật. Họ đang dẫn đầu thế giới về thông tin, truyền thông, cuộc sống văn minh.

Đạo Phật bắt đầu truyền đến phương tây từ khi nào ? Nhà triết học Đức Schopenhauer nghiên cứu sách Phật và các tôn giáo khác tại châu Á, nhà triết học Mỹ Henry David Thoreau dịch kinh Phật, nhà triết học Friedrich Nietzsche viết sách tán dương đạo Phật, đặc biệt là hai nhân vật phương Tây cải đạo theo Phật giáo là Henry Steel Olcott và Helena Blavatsky vào năm 1880. Như vậy có thể xem như Phật giáo đã du nhập vào phương Tây vào cuối thế kỷ thứ XIX.

Như vậy sau khoảng một thế kỷ rưỡi, nhận định về thực trạng của đạo Phật ở phương Tây hiện nay như thế nào? Đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, nhà biên dịch và tác giả bài viết Cao Huy Hóa có dẫn những nhận định của một nhà nghiên cứu Phật học người xứ Wales (Anh), Vishvapani Blomfield như sau. Ông tự nhận là người thầy dạy về chánh niệm (đã dạy hơn 100 lớp qua nhiều năm), là nhà văn, biên tập viên và xướng ngôn viên truyền hình, tham gia biên tập trên BBC về Thought for the Day (Mỗi ngày một ý tưởng, có tác động tốt cho người nghe). Ông là tác giả của tác phẩm khá nổi tiếng Gautama Buddha: The Life and Teachings of the Awakened One (Đức Phật Thích Ca: Cuộc đời và Giáo pháp của bậc Giác ngộ). Ông đưa ra 10 nhận định như sau:

1. Đạo Phật phương Tây không quy tất cả về sự giác ngộ. Nhiều người tìm đến Phật giáo trong thập niên 60 đã xem Niết-bàn là kinh nghiệm tột cùng. Một thập niên sau, những người hippies thế hệ sau này đã nhận ra một cách khó khăn rằng Phật giáo quan tâm đến việc định hình tính cách và hành vi hơn là những kinh nghiệm lớn, huyền bí. Phật tử trẻ tuổi thường được hâm nóng nhiệt huyết bởi hành động xã hội hơn là thần bí.

2. Phật giáo không phải chỉ quy về các nhà sư. Tại phần lớn các nước châu Á, các nhà sư là những người tu hành thực sự, tập trung vào thiền và tu học, trong khi cư sĩ hỗ trợ người tu hành. Sự phân biệt giữa nhà sư và cư sĩ không thích hợp với xã hội hiện đại phương Tây, và những vị giáo phẩm trong tự viện phương Tây là hiếm có. Những người tu tập ngoài tự viện thường thường cũng rất nghiêm chỉnh và họ nắm quyền trong những phong trào Phật giáo khác nhau.

3. Đạo Phật Tây Tạng mang nặng hành trang từ nóc nhà của thế giới. Những vị Lạt-ma Tây Tạng đến những vùng đất mới lạ thường và huy hoàng vào những năm 70 của thế kỷ trước. Cùng với nguồn cảm hứng và trí tuệ, họ đã mang đến những tranh luận về bộ phái, tính lạ lùng của tôn giáo, sự kiện “Lạt-ma tái sinh”, lối tu tập Mật tông và tính bảo thủ sâu sắc. Người phương Tây yêu mến người Tây Tạng, nhưng cũng chú ý đến hành trang của họ.

4. Những trường phái pha trộn lẫn nhau. Phần nhiều những giảng sư Phật giáo người châu Á muốn xây dựng những trường phái có sẵn vào những nước châu Âu. Từ đó, có mặt thiền Zen phương Tây, Theravada phương Tây, vv… Nhưng những ranh giới đó bị gãy đổ vì những Phật tử phương Tây, năng động trong những nhu cầu chung, họ đã khám phá toàn bộ truyền thống Phật giáo. Thế giới Phật giáo mới ở phương Tây về căn bản là không thuộc bộ phái hay giáo phái nào cả.

5. Mọi người nắm lấy những gì họ cần, chứ không phải những gì được cho. Đối với toàn bộ những thảo luận về dòng tu, truyền thừa và sự thanh tịnh của giáo pháp, đạo Phật phương Tây được hướng theo nhu cầu của người học cũng như mong muốn của các vị thầy.

6. Chánh niệm là nơi gặp gỡ giữa đạo Phật và phương Tây. Thực hành chánh niệm Phật giáo được áp dụng khắp nơi, từ trị liệu sức khỏe tinh thần đến ẩm thực, và ngày nay chứng kiến một sự “bùng nổ chánh niệm” (“mindfulness boom”). Những lối tiếp cận này đã áp dụng quán sát nội tâm cốt lõi của Phật giáo vào cuộc sống hiện đại, làm cho những thực hành này phát triển vô cùng lớn trong đạo Phật phương Tây kể từ những năm 60 của thế kỷ trước. Chắc 50 năm tới những thực hành này càng sắc nét hơn.

7. Nhưng đó không phải là điểm gặp gỡ duy nhất. Phong trào chánh niệm bị cường điệu như là “đạo Phật mới cho phương Tây”. Nhưng, trừ khi bạn đang theo một con đường chân thật cao quý, đạo Phật có nhiều hơn, chứ không chỉ có chánh niệm. Ảnh hưởng Phật giáo vào văn hóa phương Tây khá mạnh mẽ trong nhiều ngành nghệ thuật, hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, trị liệu tâm lý và cuộc sống những người làm việc.

8. Những người phương Tây có thể thiền và ngay cả giác ngộ. Tác giả bài báo trên tờ Guardian cho biết: “Rất nhiều Phật tử tôi quen biết đã tu tập qua nhiều thập niên, đã tự học và dạy. Những người phương Tây hoàn toàn có thể kiến tạo đạo Phật cho mình, và đó là tương lai đạo Phật”.

9. Nhưng tình dục không phải là điều xa lạ. Những vụ tai tiếng và những chuyện đời đau khổ chứng tỏ rằng, ngay cả đối với những người tôn thờ độc thân, tình dục cũng không phải xa lạ. Có đáng ngạc nhiên không?

10. Một vấn đề đặt ra: Vậy thì đạo Phật phương Tây là thế tục hay tôn giáo? Một chiều hướng đang lên, mong cách ly đạo Phật khỏi những yếu tố không ở trong cuộc đời này như nghiệp và tái sinh để chỉ còn đạo Phật thế tục tương hợp với khoa học. Điều này nảy ra một câu hỏi lớn: Liệu theo khoa học có đồng nghĩa con đường đến giác ngộ bị trật đường ray? Có phải đạo Phật là một nguồn lực thử thách phương Tây? Chắc là 50 năm nữa mới có câu trả lời thỏa đáng.

Theo tác giả bài viết Cao Huy Hóa, nhận định cuối cùng về thế tục hóa đạo Phật thì nghe có vẻ lạ lùng và trái với thế giới quan và đạo đức Phật giáo. Một người bình thường có thể cảm kích những lời Phật dạy trong cuộc sống, đặc biệt là Ngũ giới và Bát Chánh đạo, nhưng nếu một người không biết đến nghiệp báo, nhân quả, luân hồi và tái sinh thì làm sao giải thích được hậu quả và trách nhiệm hành động của mình trong dòng sinh diệt vô thủy vô chung? Và lý tưởng của người xuất gia là gì, nếu không thoát vòng sinh tử luân hồi? Vì vậy, không thể có Phật giáo thế tục hóa, mà chỉ có những người thế tục phương Tây hiểu và ứng dụng đạo Phật theo cách của mình.

Cùng với những người như thế, những Phật tử không mấy khi đến chùa hoặc thậm chí không biết đến chùa hay tu viện, chắc hẳn họ thiếu không gian thiêng liêng để thờ tự, để cùng hòa với Tăng chúng và đạo tràng, để đắm mình trong tụng kinh, trong nghi lễ, và như vậy yếu tố tôn giáo nhạt nhòa đi. Nhưng nếu nhìn tổng quan hơn, Phật tử khắp nơi vẫn biết đến những nhà sư phương Tây thuộc nhiều trường phái khác nhau, tu hành miên mật, thiền viện uy nghiêm, nghiên cứu, viết sách và thuyết pháp có tính thuyết phục cao.

Có điều phải công nhận một thực tế rõ ràng: Đạo Phật đến đâu thì hòa bình, yên vui, bất bạo động đến đó, nhưng không dễ để một người trở thành một Phật tử đúng nghĩa, nhất là một người phương Tây mang gánh nặng của văn hóa, khoa học, tự do cá nhân, và niềm tin vào Thượng đế cố hữu.

Trước khi tôi (Truyền Bình) đưa ra nhận xét về Phật tử phương tây, hãy xem cụ thể một vài điển hình về người phương tây theo PG và góc nhìn của họ.

1.Richard Gere – diễn viên điện ảnh Mỹ: “Chúng ta đều có một điểm chung là đánh giá cao về lòng tốt và lòng từ bi; mọi tôn giáo đều như vậy. Tất cả chúng ta đều hướng về tình yêu thương”

Ngôi sao điện ảnh Mỹ Richard Gere là đệ tử thuần thành của Đức Dalai Lama. Hiện nay ông càng nổi tiếng hơn về những nỗ lực thay mặt cho nhân dân Tây Tạng. Trong trang web của ông, The Gere Foundation Website, ông nói rõ về sự cống hiến của mình cho việc bảo tồn truyền thống PG Đại thừa. Ông đã hoàn thành một việc có ý nghĩa lớn là mang một nhận thức chân chính về đạo Phật đến với phương Tây.

2.Alice Malsenior Walker – nhà thơ, tác giả, nhà hoạt động người Mỹ da màu : “Chúng ta không liên hệ với nhau như những con người hoàn thiện, mà như những con người còn nhiều thiếu sót”

Alice Walker, nổi tiếng trên thế giới là một nhà thơ và tác giả của cuốnThe Color Purple (Màu tía), đã bắt đầu tu tập Thiền định Tây Tạng sau khi bà đọc cuốn Awakening Compassion (Lòng từ bi thức tỉnh) của hòa thượng Pema Chodron vài năm trước, tuy rằng bà đã thực hành thiền định từ những năm trước đó.

Bà đi khắp thế giới, thuyết giảng về nhân quyền và nữ quyền ở Trung Đông và châu Phi. 3.Oliver Stone đạo diễn, biên kịch người Mỹ: “Nếu nghệ thuật tồn tại như một cuộc hồi sinh tâm linh đối với một quốc gia, thì nó luôn cần nhiều tranh luận, bởi vì nghệ thuật thách thức sự suy nghĩ và tập tục của thời đại và xã hội. Nghệ thuật phải lột trần điều gian dối”

Oliver Stone đến với đạo Phật từ năm 1975, khi đó ông tình nguyện chiến đấu trong cuộc chiến tranh Việt Nam . Đạo Phật mà người Việt Nam tu tập đã làm ông xúc động, và bộ phim Heaven and Earth (Trời và Đất) đã giúp ông tiến một bước quan trọng vào một thế giới rộng lớn hơn. Những bộ phim của ông có khuynh hướng nói về phần xấu ác của con người hoặc một khía cạnh nhân tính cần được giải quyết, chẳng hạn như phim Greed (Tham lam) Platoon (Trung đội).

4.Orlando Bloom diễn viên người Anh: “Tôi tin rằng bạn chỉ có thể thành người nhờ vào tâm linh”

Orlando Bloom và Katy Perry

Orlando Bloom, ngôi sao của bộ phim Lord of the Ring, đã trở thành thành viên của Tổ chức Quốc tế Soka Gakkai, một phái của Phật giáo Nichiren vào năm 2004. Anh cũng là một nhà hoạt động về các vấn đề khí hậu, và đã cải tạo ngôi nhà mình để thích hợp với môi trường.

5.Léon Riotor và Gaston Léofanti, người Pháp, tác giả của quyển sách về Phật giáo : Les Enfers Bouddhiques: le Bouddhisme Annamite (Các tầng địa ngục theo Phật giáo : PG An Nam. Sách xuất bản tại Paris năm 1895)   Léon Riotor, tên đầy đủ là Léon Eugène Emmanuel Riotor, sinh năm 1865 tại Lyon và mất năm 1946 tại Paris, là chính trị gia và nhà văn người Pháp. Từng là phó chủ tịch Hội đồng Thị chính Paris và Hội đồng Tỉnh Seine, ông tham gia sáng tác nhiều thể loại, khi thì viết thơ, lúc viết tiểu thuyết, châm biếm có, du ký có, tâm lý học có và cả phê bình nghệ thuật cũng có.

Gaston Léofanti, tên đầy đủ là Gaston Adolphe Joseph Léofanti, sinh năm 1863 tại Rennes và mất năm 1909 tại Paris. Ông từng là phóng viên tờ L’Avenir du Tonkin (Tương lai của Bắc Kỳ), biên tập viên và thương gia.

Tôi dựa vào bài viết có tính khái quát cao này của Cao Huy Hóa cộng với một ít khảo sát thêm để đưa ra thêm một số nhận định riêng của mình về thái độ của người phương tây khi tiếp thu Đạo Phật như thế nào. Chúng ta căn cứ trên số đông chứ không phải vơ đũa cả nắm.

1.Trước hết người phương tây coi trọng khoa học, thần tượng của họ là nhà khoa học số 1 của thế kỷ 20, Albert Einstein. Tôn trọng khoa học cũng là điều rất phù hợp với Phật giáo. Phật giáo hoàn toàn dựa trên khoa học chứ không phải dựa trên tín điều của người sáng lập tôn giáo. Nhưng trình độ khoa học của Phật giáo phải là cực kỳ cao siêu mà trình độ nhận thức của khoa học hiện nay nói chung là chưa đạt tới.

Thí dụ Phật giáo nói : Nhất thiết pháp vô tự tính. Câu này phải hiểu ở mức độ cơ bản nhất, tức là các hạt cơ bản của vật chất như photon, electron, quark…là không có tự tính, tức là không có đặc điểm đặc trưng gì cả. Trạng thái đó gọi là trường thống nhất (unified field) hoặc miền tần số (frequency domain). Phật giáo có nhiều thuật ngữ để mô tả trạng thái này như tánh không, vô ký không, vô thủy vô minh, tánh giác ngộ, tâm bản nguyên.

Nhưng trong thế giới đời thường, chúng ta thấy vật nào, pháp nào cũng có đặc trưng đặc điểm cả, kể cả hạt photon hay hạt electron. Vậy những đặc trưng đó từ đâu có ?

Phật giáo trả lời là : Nhất thiết duy tâm tạo. Điều đó có nghĩa là tâm tạo ra hạt photon, hạt electron, hạt quark, hạt proton, hạt neutron…rồi đến nguyên tử, phân tử, chất sống, sinh vật, con người, vũ trụ vạn vật v.v…Tất cả đều là do tâm tạo.  

Thí nghiệm về liên kết lượng tử (quantum entanglement) do Alain Aspect tiến hành tại Paris năm 1982. Sau đó Anton Zeilinger của University of Vienna tiến hành năm 2012 với khoảng cách giữa 2 hòn đảo La Palma và Tenerife cách xa nhau 89 miles (144km) của quần đảo Canary Islands. Và gần đây nhất các nhà khoa học TQ tiến hành thí nghiệm với vệ tinh lượng tử Mặc Tử vào năm 2017 với khoảng cách giữa hai phòng thí nghiệm tại Delingha (德令哈 Đức Linh Cáp) và Lijiang (丽江 Lệ Giang) là 1200 km. Những thí nghiệm này đã chứng tỏ một cách rõ ràng và thuyết phục rằng hạt vật chất như photon, quark, electron… bản thể cũng chỉ là sóng, là tánh không, không có thực thể và không có không gian thời gian số lượng. Từ đó suy ra rằng vật chất, số lượng, không gian, thời gian chỉ là khái niệm mà thôi chứ không có thực thể. Điều đó đã được nhà khoa học nổi tiếng, đồng thời với Einstein, là Niels Bohr nêu ra một cách rõ ràng.

“Mọi thứ chúng ta gọi là thật được tạo ra bởi những cái không thể xem là thật. Nếu cơ học lượng tử chưa gây sốc cho bạn một cách một cách sâu xa, là bạn đã chưa hiểu được nó”

Thầy Duy Lực là người hoằng dương Thiền pháp tại VN đã nói :

1401 Việc trần sa kiếp cũng như việc hiện nay                  

Như vậy có thể nói rằng người phương tây coi trọng khoa học thì Phật giáo cũng vô cùng tôn trọng khoa học, từ những kinh điển bất liễu nghĩa như Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, đến những kinh điển liễu nghĩa như Bát Nhã Tâm Kinh, Trung Quán Luận. Tất cả đều rất khoa học mà ngay cả nhà khoa học số 1 thế giới của phương tây thế kỷ 20 là Albert Einstein cũng chưa hiểu hết Phật pháp.

2.Người phương tây coi trọng thực dụng nên họ chú trọng những phương pháp tập luyện đem lại những hiệu quả rõ ràng thiết thực trong đời sống như thiền định để giữ cho tinh thần được yên ổn, được an tâm, từ đó cũng giúp duy trì được sức khỏe thể chất, tránh được nhiều thứ bệnh kể cả tâm bệnh và thân bệnh. Điều này cũng khiến cho Phật giáo như có được một luồng gió mới, thổi thêm sức sống cho Đạo Phật.

3.Người phương tây coi trọng tự do cá nhân, họ có tâm lý thích hưởng thụ cuộc sống nên đối với những quy định về giới luật nghiêm khắc của Đạo Phật nhất là đối với Đại thừa từ TQ truyền sang họ cảm thấy không phù hợp lắm. Những giới luật này cấm tu sĩ không được có gia đình. Đã là tăng hay ni thì phải từ bỏ hoàn toàn tính dục. Ngay cả ngũ giới đối với người cư sĩ chưa xuất gia cũng khá khó giữ, khó tuân thủ hoàn toàn.  

Ngũ giới bao gồm : Không được giết hại; Không được trộm cướp; Không được tà dâm; Không được nói dối; Không được uống ruợu. Họ giữ giới như thế nào ?

Không trộm cướp, không nói dối hại người thì ok. Những những giới kia thì có chỗ phải du di.

Không sát sinh khó giữ hoàn toàn vì xã hội của họ rất coi trọng vệ sinh. Côn trùng như muỗi, kiến, mối, bị coi là có hại và phải bị tận diệt. Những con vật có hại như chuột, rắn, cũng không được phép sống chung với con người. Phật tử phương tây muốn hay không muốn cũng phải đồng tình để cho xã hội tiêu diệt những con vật trên. Vả lại cũng không thể tuyệt đối không sát sinh. Bệnh truyền nhiễm thì phải dùng thuốc kháng sinh. Nấu nước sôi để pha trà pha cà phê cũng không thể tránh khỏi sát sinh. 

Không tà dâm theo đúng nghĩa thì người cư sĩ chỉ được sinh hoạt tính dục với người hôn phối chính thức của họ mà thôi. Nhưng con người có nhiều xúc cảm, có khi lãng mạn, gặp cơ hội họ khó có thể giữ giới triệt để. Ngay cả khi đã xuất gia họ vẫn còn xúc cảm. Thế nên người phương tây thích Phật giáo Tây Tạng. Tu sĩ theo Mật tông Kim cương thừa có pháp môn Karmamudrā (tiếng Phạn, Hán dịch là Sự nghiệp thủ ấn song thân pháp tu hành 事業手印雙身法修行 pháp môn này phổ biến ở Tây Tạng, hành giả gọi là Las-kyi phyag-rgya Lạt ma pháp sư 喇嘛法師) đó là một kỹ thuật Phật giáo Kim Cương thừa về sự kết hợp thực hành với một người phối ngẫu thực tế hoặc chỉ là hình ảnh tưởng tượng gọi là Jnanamudra Hándịch là Trí huệ thủ ấn 智慧手印. Hành giả có thể thực hành cái gọi là yoga tính dục với một người phối ngẫu hoặc chỉ là tưởng  tượng suông không có người phối ngẫu (Jnanamudra).   

Không uống rượu khó có thể tuân thủ triệt để, chỉ có thể hạn chế mà thôi, bởi vì trong những dịp lễ lộc, hội hè, tết nhất, người ta thích uống một vài ly rượu nhỏ, miễn sao đừng say sưa mất kiểm soát mà thôi.        

4.Đối với vấn đề giác ngộ kiến tánh thành Phật, có lẽ người phương tây ít ai chú trọng theo đuổi bởi vì đối với những vấn đề siêu hình khó nắm bắt như nhân quả nghiệp báo, kiếp lai sinh, bản thể tánh không, nó quá mông lung khó kiểm chứng. Không phải trong số họ không có người quan tâm nghiên cứu chỉ là không phải số đông. Ngay cả đối với người TQ hiện nay có lẽ cũng ít có người chú tâm. Khi xã hội quá đề cao vật chất thì tâm linh có phần sa sút.

Giác ngộ kiến tánh có thể đem lại hiệu ứng rõ ràng như làm chủ thân tâm, nghĩa là tâm luôn luôn an định, thân không bệnh, không bị tai nạn (vì làm chủ nghiệp) làm chủ sinh tử như trường hợp của sư Động Sơn Lương Giới (洞山良价 807-869)hoặc gia đình 4 người của cư sĩ Bàng Uẩn (龐蘊740-808), hay nhà sư Giới Đồ Lê 戒阇黎 (không rõ năm sinh năm mất, chỉ biết là người ở Thai Châu Lâm Hải 台州临海 tỉnh Chiết Giang, sống vào thời Nam Tống (1127–1279).

Sau khi Thiền sư Nguyệt Khê 月溪(1879-1965)viên tịch gần đây nhất, chúng ta không còn nghe thấy ai kiến tánh để lại nhục thân bất hoại nữa. Số nhà sư viên tịch, trà tỳ để lại xá lợi thì nhiều nhưng cũng không chắc là kiến tánh như thầy Duy Lực từng nói, bản thân thầy cũng có để lại xá lợi.

0097 Xá lợi có giá trị gì không ?                        

Kết luận  

Người phương tây tiếp thu Phật pháp, họ tạo ra một luồng gió mới chấn hưng Đạo Phật với những ứng dụng của Thiền trong đời sống thực tiễn đem lại lợi ích thiết thực như duy trì được trạng thái cân bằng tương hỗ giữa thân thể và ý thức, tâm an, thân thể mạnh khỏe, năng lượng dồi dào, cuộc sống hạnh phúc vững chắc, khuyến khích ăn chay, ít sát sinh.

Còn về vấn đề tu hành giải thoát, kiến tánh thành Phật, có lẽ không được chú trọng mấy bởi vì phần lớn họ theo quan điểm duy vật khách quan mà đại biểu là Einstein. Einstein phát biểu rằng :

“Tôi thích nghĩ rằng Mặt trăng vẫn ở đó ngay cả khi tôi không đang nhìn nó”

Không riêng gì người phương tây mà gần như toàn thể nhân loại kể cả nhiều ông sư đang thuyết pháp trên mạng đều tin vào quan điểm duy vật khách quan của Einstein.

Mà những người tin theo quan điểm này thì không bao giờ có thể giác ngộ được. Thậm chí gần như toàn bộ các ông sư Phật giáo đang thuyết pháp trên mạng, họ nói rằng tu là sửa, sửa từ người ngu muội, bất trí, đau khổ, trở thành người có chánh niệm, có trí tuệ, có phước đức. Vậy họ có giác ngộ không ? Đáng buồn câu trả lời là không. Bởi vì họ còn quá cố chấp. Họ chấp cái ta (ngũ uẩn ngã) là có thật nên phải tu, phải sửa, tức là họ vẫn cứ trụ trong tương đối. Họ chấp pháp, cho rằng giáo lý của Đức Phật là chân lý, họ tin rằng cứ cố gắng tu sửa, trì giới nghiêm túc thì đến một ngày nào đó trong tương lai họ sẽ giác ngộ.

Chúng ta hãy can đảm mà hỏi rằng. Tại sao có hàng tỷ tín đồ Phật giáo đã và đang tu tập, có hàng vạn ức ngôi chùa trên khắp thế giới, có hàng triệu ông sư đang ra sức thuyết pháp trên mạng và ngoài đời, vậy mà sau sư Nguyệt Khê viên tịch năm 1965, không thấy có ai kiến tánh thành Phật nữa ?

Tuyệt đại đa số họ cũng không hiểu chánh niệm đích thật là thế nào. Lục Tổ Huệ Năng đã nói rất rõ trong bài kệ :

無念念即正 Vô niệm niệm tức chánh Niệm vô niệm là chánh

有念念成邪 Hữu niệm niệm thành tà Niệm hữu niệm thành tà

有無俱不計 Hữu vô câu bất kế  Hữu vô đều không chấp

長禦白牛車 Trường ngự bạch ngưu xa Mãi ngồi xe trâu trắng

Ý của bài kệ là nếu hành giả cố chấp dù là chấp Có hay chấp Không đều là tà. Không chấp thật tức không chấp Có cũng không chấp Không thì niệm nào cũng là chánh. Từ đó chúng ta mới hiểu hành vi của nhà sư Giới Đồ Lê (hóa thân của Văn Thù Bồ Tát). Ông ăn đầu heo, kết nạp nữ đệ tử, ăn chung, ở chung với nàng. Nhưng việc đó cũng như mọi sự việc khác trên thế gian đều chỉ là ảo hóa không phải thật tức là niệm vô niệm. Hành vi của ông chỉ nhằm phá chấp mà thôi.

Vậy có bao nhiêu người trên thế giới nhận ra quan điểm của Einstein cũng là chấp thật, là niệm hữu niệm ?    

Từ nhận thức này mới có thể đi tới phá ngã chấp và pháp chấp. Phá được như vậy thì mới có thể phá chấp Có và chấp Không. Thoát ra khỏi tương đối cũng tức là tỉnh giấc chiêm bao ban ngày, cũng tức là kiến tánh giác ngộ.  

Truyền Bình

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Bài viết. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này