Đản sinh kỳ lạ
Năm 1957 tại tỉnh Giang Tô, ngoại ô Nam Kinh có một hộ gia đình, chủ hộ tên là Thẩm Hậu Lâm 沈 厚 林 người vợ gần 40 tuổi nuôi bầy con 6 đứa có nam có nữ. Một ngày nọ trời chạng vạng tối, cả nhà ăn cơm chiều xong, đang nói chuyện vui, bỗng nhiên sấm sét nổi lên, cuồng phong dậy khắp bốn bề, mưa rơi tầm tã, cả nhà vội vả chạy đi đóng cửa cái cửa sổ, không ngờ có một hỏa cầu màu lam từ không trung chui qua chiếc cửa sổ chưa đóng kín vào trong phòng, nó bay quanh phòng rồi treo lơ lửng xoay tròn trên bóng đèn điện khiến cả nhà sợ hãi đổ mồ hôi lạnh. Một lát sau chỉ nghe tiếng “lốp bốp” hỏa cầu màu lam đột nhiên biến mất, cả nhà định thần lại, xem xét bóng đèn, đóng mở công tắc, không phát hiện có tổn hại gì mới yên tâm. Đó là việc xưa nay chưa từng gặp qua nên vợ chồng Thẩm Hậu Lâm cảm thấy bất an. Qua một thời gian, bà vợ cảm thấy mình mang thai. Lần mang thai này bà cảm thấy rất bất thường, tâm lý lo âu sợ hãi, có lúc cảm thấy như sắp chết nhưng chết cũng không được. Bà nằm mộng thường thấy mình bước vào cảnh giới vô cùng xa lạ. Lúc nào cũng thấy tinh thần hoảng hốt, có lúc giống như hôn mê, có lúc lại cảm thấy tỉnh táo, thường thường thấy hỏa cầu màu lam chiếu diệu chuyển động chung quanh thân thể, lúc ẩn lúc hiện, đến bất chợt, đi không dấu vết, phiêu du bất định. Bà tìm thầy thuốc kiểm tra, tìm không thấy nguyên do của bệnh tình. Vì vậy tâm lý bà càng thêm khẩn trương bối rối. Thẩm Hậu Lâm cũng tư lự bất an.
Tục ngữ có câu “Nhà dột lại gặp mưa nhiều đêm liền. Buồm rách lại có gió thổi hoài”. Năm đó lại có cuộc đấu tranh chống hữu khuynh, do đơn vị sở tại của Thẩm Hậu Lâm báo cáo, cơ quan cấp trên giao chỉ tiêu xuống, định ngạch phải xác định bao nhiêu phần tử hữu phái. Một đêm Thẩm Hậu Lâm bị vu là phần tử hữu khuynh phản đảng, phản xã hội chủ nghĩa. Từ đó sinh mệnh chính trị thay đổi, cương vị công tác thay đổi, điểm công bị giảm thiểu, một nhà 8 người lâm vào cảnh vô cùng khó khăn.
Bà vợ của Thẩm Hậu Lâm tư tưởng không thông, sống với chồng nhưng ngày đêm sinh hoạt lại ủng hộ đảng, ủng hộ người tốt xã hội chủ nghĩa, không ngờ sau một đêm lại biến thành người xấu phản đảng, phản xã hội chủ nghĩa, tự mình bị người khác kỳ thị, do vậy tinh thần bị kích động rất nhiều, đêm thường không ngủ được, lúc ngủ lại nhiều mộng mị, có lúc gặp ác mộng sợ hãi ngồi bật dậy.
Thẩm Hậu Lâm lại càng thêm nghĩ ngợi, chịu phép và hổ thẹn. Ông tự cảm thấy mình không có làm điều gì sai trái đối với đảng và nhà nước, cũng không có lời lẽ hay hành động nào phản đối đảng và chủ nghĩa xã hội, thế mà lại bị đánh thành phần tử hữu phái ! Bà vợ lại bị liên lụy, thật hổ thẹn là nam tử hán !
Thật vậy, áp lực đè lên vai Thẩm Hậu Lâm ngày càng nặng, ông ta bị chụp mũ là phần tử hữu phái, giống như mang cái gông nặng, bị kỳ thị về mặt chính trị, áp lực nặng khiến ông ta ná thở, về mặt đời sống, ông mang gánh nặng phải nuôi 8 miệng ăn, hiện tại bà vợ lại đang mang thai, tương lai lại thêm gánh nặng, đứa con chưa ra đời mà bà vợ lại bệnh như thế, phải khám bệnh, phải mua thuốc, chi tiêu càng lúc càng nhiều, càng ngày càng khó kham nổi.
Thẩm Hậu Lâm phải đối diện với quẫn cảnh, một vài người hảo tâm thấy hoàn cảnh như vậy cũng bất nhẫn, nhưng không một người nào thực sự giúp đỡ, bởi vì mỗi người đều có hoàn cảnh khó khăn riêng của họ, huống chi Thẩm Hậu Lâm lại bị gắn mác hữu phái, thời đó sinh hoạt chính trị rất bị hạn chế. Thế nhưng cá biệt có một người nữ hay tới lui gia đình ông, thấy vậy mới cảnh giác ông rằng : “Từ lúc vợ ông mang thai về sau, lại bịnh như thế, ông lại bị đánh thành hữu phái, đứa con này đúng là khắc tinh, về sau không biết còn mang lại cho nhà ông bao nhiêu tai họa nữa ! Nói dại chứ vợ ông bịnh như thế, không biết có thể sanh con được không nữa ! cứ cho là sanh con được đi, không biết vợ ông có còn sống không nữa !
Trung Quốc là một đất nước mà phong kiến, mê tín thịnh hành, người càng nghèo lại càng mê tín. Thẩm Hậu Lâm gặp nghịch cảnh, nghe nói như vậy, không tin không làm theo, mà có tin cũng không theo, tâm tư ông lại càng tư lự vạn phần, sầu lại thêm sầu ! Nam tử gặp hoàn cảnh như vậy biểu lộ khí phách nam tử hán. Thẩm Hậu Lâm nhận thức : nghèo đến đâu cũng đưa vợ đi khám bệnh, cũng để cho đứa trẻ được ra đời, cũng cố cứu vãn hai sinh mệnh. Nghĩ thế, ông mượn tiền để cho vợ vào nằm bệnh viện.
Tại bệnh viện, càng gần tới ngày sinh, bệnh tình của vợ ông càng nặng khiến cho ai nấy bất an. Y sĩ qua nhiều lần kiểm tra, chỉ nói với ông rằng : chuẩn bị hậu sự đi ! Năm chữ ấy như tiếng sấm buồn khiến ông hoang mang. Vợ ông mà không sống được, để lại 6 đứa con làm sao mà ông nuôi lớn nổi, vì 6 đứa con, ông phải làm sao cứu mạng vợ, nghĩ thế ông đến gặp bác sĩ chủ trị, khóc kể hoàn cảnh của mình, hy vọng bác sĩ cố gắng tối đa cứu cho được hai mạng người, nếu không thể cứu hai mạng đồng thời thì cố cứu người mẹ !
Lòng người là máu thịt, thấy vậy, bác sĩ an ủi ông : “Bảo ông chuẩn bị hậu sự cũng không phải là hoàn toàn hết hy vọng, muốn cứu vãn hai sinh mệnh, nếu chỉ dựa vào y sĩ chúng tôi thì không được, còn phải xem khả năng đề kháng của hai người nữa !”
Nói thì kỳ lạ, không biết đó là sức sống ngoan cường của sinh linh nhỏ bé, hay là năng lực sinh dục mạnh mẽ của người mẹ, hay là y thuật cao minh của bác sĩ, hay là kết quả tổng hợp của cả ba. Cuối cùng sinh linh gầy nhỏ cũng ra đời trong tình hình người mẹ trải qua cơn đau đẻ chịu không thấu, đó là đứa bé trai nặng chưa đầy 2kg.
Lúc hài nhi gầy nhom ra đời, không biết do tâm lý khẩn trương, hay do lòng vui mừng, trong phòng sinh là nhân viên hộ sinh, và bên ngoài là Thẩm Hậu Lâm đều có cảm giác dị thường, giống như muốn phát sinh một sự kiện gì đó bất hạnh, mọi người đều cảm thấy hoảng loạn và bất an. Có một loại không khí phiền não xuất hiện, khiến người ta cảm thấy nao nao khó tả, càng khiến Thẩm Hậu Lâm thêm khủng hoảng bất an, khiến ông liên tưởng rằng có chút liên hệ gì đó giữa cảnh bất hạnh của ông và sinh linh nhỏ bé kia, ông đã có 6 đứa con cả trai và gái, cuộc sống ngày càng khó khăn, đứa bé kia lại vào nhà ông, rốt cuộc là họa hay phúc ?
Ông bắt đầu nghi ngờ chính mình, không biết có đủ khả năng nuôi sống đứa bé kia không. Nghĩ đi nghĩ lại, ông cảm thấy vì sinh linh nhỏ kia, ông phải tự cường, tự chứng tỏ mình là nam tử hán mới có thể đem lại hạnh phúc cho nó. Nếu giữ nó tại nhà thì ngay cả tính mạng của nó cũng khó bảo toàn, vì vậy ông phải cắn răng hạ quyết tâm, vì nó, bất kể ra sao cũng không cần.
Tại phòng bệnh của sản phụ, Thẩm Hậu Lâm ngồi bên vợ, một mặt an ủi vợ mới sanh quá yếu ớt, một mặt cho bà ta uống một ít nước cháo. Có tiền thì sản phụ được ăn uống tốt, ăn thịt gà, uống canh cá, nhân tiện bồi bổ sữa. Còn hiện tại nhà 8 người của ông, ngày ba bữa cơm còn không duy trì nổi thì lấy đâu mà cho ăn ngon, chỉ có thể cho uống nước cháo gạo lứt. Vợ ông trải qua gần nửa năm nằm giường, kinh qua vài cơn đau đã bảo toàn tính mạng, đó là điều hạnh phúc trong sự bất hạnh. Bà thều thào nói với chồng : “Hãy đem con cho người ta, em chết mất, anh cũng không nuôi nổi nó đâu…” Vợ chồng nhìn nhau rơi nước mắt. Hai người không hẹn mà có cùng suy nghĩ như nhau là đem con cho người ta. Thế nhưng con là cốt nhục của họ, 10 tháng mang thai, nói sao mà dễ ! Con người nếu không tới đường cùng cũng không thể tiến hành, ai mà tự nguyện nói ra cái câu rầu lòng như thế !
Bị cho đi cho lại qua tay nhiều người
Không hẹn mà gặp, trong số những người tụ lại quanh giường của vợ Thẩm Hậu Lâm, có một nữ kỹ thuật viên tên là Dương Trung Thanh quê ở thành phố Trường Xuân, ở tại phòng Phụ khoa của bệnh viện. Cô và chồng được công xưởng ở Trường Xuân cử tới Nam Kinh học tập, nghe nói bệnh viện Nam Kinh có cách trị bệnh vô sinh ở nam nữ, họ kết hôn đã nhiều năm, muốn có con trai mà chẳng được như nguyện, vì vậy cô mang nguyện vọng này tới bệnh viện Nam Kinh, qua một thời gian kiểm tra và trị liệu, bác sĩ chỉ có thể nói với cô “e rằng trị không được” nghe phán đoán của bác sĩ, cả hai đau lòng và thất vọng, họ bèn nghĩ tới biện pháp tìm con nuôi, chính lúc đó họ nghe được ở phòng kế bên có đứa bé trai bị cha mẹ có ý định cho người ta nuôi. Mừng ra mặt, họ nhờ người đến hỏi, qua một lần móc nối, hai bên ước hẹn một ngày gặp nhau.
Ngày đó vợ chồng Dương Trung Thanh chuẩn bị một ít lễ vật đến phòng bệnh của vợ Thẩm Hậu Lâm, một là để thăm dò, hai là để thấy mặt đứa trẻ, ba là thương lượng về việc tiếp nhận và nuôi dưỡng đứa trẻ. Vợ chồng Thẩm Hậu Lâm cũng nhiệt tình tiếp đãi đôi vợ chồng trẻ, vừa đàm thoại, vợ chồng Dương Trung Thanh vừa nhìn đứa bé, bày tỏ nguyện vọng tiếp nhận nuôi dưỡng đứa trẻ này. Vợ chồng Thẩm Hậu Lâm thấy bên kia chân tâm thực ý muốn nuôi đứa trẻ, tâm lý cũng vui mừng, họ nghĩ : đứa trẻ này rơi vào nhà chúng ta không có chút phước phần nào, đến gia đình nhỏ kia, có thể được hạnh phúc.
Vợ chồng Thẩm Hậu Lâm sau một hồi thương lượng cùng nhau, bà vợ nói với vợ chồng Dương Trung Thanh : “ Đứa trẻ này tuy là con thứ bảy của tôi, nhưng mà mười ngón tay chỉ một tấm lòng, cháu là ruột thịt của tôi, là vật báu của tôi. Sau khi cháu đến nhà của anh chị, mong được anh chị yêu thương, hoàn thành tâm nguyện mười tháng mang nặng đẻ đau của tôi. Về sau, anh chị đặt tên gì cho cháu cũng được, tôi không lấy làm quan trọng. Hiện tại tôi là mẹ đẻ của cháu, tôi đặt nãi danh (tên sữa, tên sơ sinh) cho cháu, sau khi thương thảo, hai chúng tôi đặt đại danh cho cháu là Thẩm Kế Bảo, nãi danh là Bảo nhi vậy. Ý nghĩa nó là đứa con bửu bối của tôi, biểu thị lòng yêu thương thống thiết của chúng tôi…”
Đó là lời nói thâm tình của vợ Thẩm Hậu Lâm khiến vợ chồng Dương Trung Thanh càng thêm cảm động, càng thêm kính phục tình cảm vĩ đại của người cha và của người mẹ của vợ chồng Thẩm Hậu Lâm. Khi đó cả hai luôn miệng nói : đứa bé sau khi đến gia đình mới nhất định sẽ được nuôi dưỡng thành người. Kế đó Dương Trung Thanh hỏi nhỏ : “ Ông bà đã nhọc công sinh ra đứa bé, hôm nay chúng tôi tiếp nhận mang đi, không biết ông bà có yêu cầu gì không ?”
Vợ chồng Thẩm Hậu Lâm cảm tạ gia đình kia rằng, cho đứa con cho người ta nuôi chỉ mong tiểu sinh mệnh có được gia đình hạnh phúc, được một đôi cha mẹ có năng lực nuôi dưỡng thành người, chớ không mong có được sự đền bù nào khác. Do vậy họ trả lời một cách rõ ràng rằng : “Xin để lại địa chỉ để ngày sau có thể gặp lại đứa bé là được rồi !”
Thế là, một bên vui mừng hớn hở ẳm đứa bé trai trở về, một bên lưu luyến không nguôi mất đi một phần cốt nhục. Sinh ra không được mấy ngày, Bảo nhi lại phải chia ly với cha mẹ ruột.
Lời đồn nói Bảo nhi từ lúc được vợ chồng Dương Trung Thanh ẳm đi, người ta cứ bàn ra tán vào. Phụ nữ lúc ở cử, đứa con là mạng căn của mẹ. Lúc chưa đầy tháng, nếu cho người ta nuôi, người mẹ bệnh nặng càng có thể chết sớm hơn.
Việc xảy ra ngoài ý muốn, từ lúc cho Bảo nhi về sau, vợ Thẩm Hậu Lâm mặc dầu rất đau lòng, nhưng bệnh tình lại giảm bớt, không biết do bà đã trút được nỗi lo, hay do không có đứa trẻ quấy nhiễu, bà được nghỉ ngơi, tóm lại là hết bệnh.
Sau khi mẹ Bảo nhi xuất viện, người khác đều nói rằng bà đã sắp chết mà được sống, bản thân bà cũng nói bà sống được, thật là một điều may mắn. Bà có thể đảm đương việc nhà như trước, giúp chồng nuôi nấng 6 đứa con. Qua một thời gian, mắt thấy 6 đứa con bên cạnh, bất giác lại nghĩ đến việc cho người ta một đứa là Bảo nhi. Bà nghĩ : không biết Bảo nhi bây giờ mập mạp ra chưa, gia đình kia đối đãi với nó có tốt không. Càng nghĩ lại càng không an tâm. Một hôm bà nói lên tâm sự của mình với chồng, Thẩm Hậu Lâm cảm thấy là phải sắp xếp thời gian để đi thăm Bảo nhi.
Vì vậy, vào một sáng chủ nhật, vợ chồng Thẩm Hậu Lâm tay mang một ít lễ vật, theo địa chỉ của Dương Trung Thanh để lại mà đi tìm, nghĩ là sẽ gặp một chút cốt nhục của mình, không ngờ đó chỉ là địa chỉ giả, lúc đó họ mới biết, người ta sợ ngày sau vợ chồng họ có thể tìm đến cha mẹ nuôi, tiết lộ cho đứa trẻ biết rằng họ không phải là cha mẹ ruột của nó. Vợ chồng Thẩm Hậu Lâm đành phải nén nỗi thương nhớ mãnh liệt, âm thầm trở về nhà, âm thầm chúc phúc cho Bảo nhi chóng lớn.
Lại nói vợ chồng Dương Trung Thanh sau khi ẳm được Bảo nhi, lập tức xuất viện. Họ tìm thuê một nơi tạm trú tại địa phương nơi họ tu nghiệp. Hai người, một mặt học tập, một mặt chăm sóc đứa trẻ, vừa muốn hoàn thành tu nghiệp, vừa phải lo cho đứa bé bú sữa, thật là bận bịu. Hai người bận rộn một cách vui thích một thời gian, sau nghĩ lại mới thấy kéo dài như thế không phải là biện pháp hay. Bảo nhi vừa gầy vừa nhỏ, cả hai lại phải lo học tập, không có bao nhiêu thời gian để chăm sóc nó. Chẳng những Bảo nhi không mập mạp ra mà cả hai người lớn cũng gầy còm đi. Hai người mới nghĩ đến việc tìm một bảo mẫu để giúp chăm sóc Bảo nhi. Nhưng họ tạm thời đến Nam Kinh học tập, tìm bảo mẫu là phải lo việc ăn ở cũng thành vấn đề. Lúc đó có người biết chuyện nói : “ Đứa trẻ này hại mẹ ruột nó bịnh một trận, đứa bé đi rồi, mẹ nó mới khỏi bệnh, các người biết chăng, ách giữa đàng lại mang vào cổ đó, về sau không biết còn thêm bao nhiêu phiền não nữa” Lời đó khiến vợ chồng Dương Trung Thanh bán tín bán nghi.
Không tin thì vẫn không tin, hoài nghi vẫn cứ hoài nghi. Vừa phải học tập lại vừa phải chăm nom đứa trẻ, đó không phải là công việc nhẹ nhàng. Lại thêm nuôi nấng một thời gian mà đứa trẻ vẫn gầy nhom như cũ, chẳng có chút nào khiến người ta vui thích. Vì vậy họ không còn ham thích đứa bé nữa.
Tin tức truyền ra, phản hồi liền đến, có một phụ nữ người Thượng Hải học cùng lớp, họ Trịnh, cũng bị chứng vô sinh, nghe nói có đứa bé trai có thể đem về nuôi. Vô cùng mừng rỡ, cô tìm đến ngay vợ chồng Dương Trung Thanh, đồng tình với hoàn cảnh của họ, nói ba điều bốn chuyện, nửa than thở, nửa tiếc nuối cho họ, sau mới đi vào trọng tâm : “Nếu như tôi nuôi đứa trẻ này, điều kiện tốt hơn hai người nhiều, nhà tôi ở tại Thượng Hải, đem đứa bé về gia đình nuôi. Mỗi tuần tôi từ Nam Kinh về Thượng Hải thăm nó một lần, như vậy không ảnh hưởng đến việc học tập, cũng không ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi, đứa bé lại có người trông nom, không quá cực khổ như hai người đâu. Các người nếu muốn có con, đợi khi học tập xong trở về Trường Xuân tìm một đứa khác nuôi cũng chẳng muộn”. Vợ chồng Dương Trung Thanh nghe xong, thấy có lý, lại thêm đó là người đồng học cùng lớp nên cũng dễ xử trí, thế là cô họ Trịnh được Bảo nhi.
Lúc ẳm đi, Dương Trung Thanh chảy nước mắt nói : “Nó tuy không phải là con đẻ của tôi, nhưng từ ngày đầu ẳm về, tôi đối đãi với nó xem như bửu bối. Lúc tôi ẳm đi từ tay của mẹ đẻ nó, mẹ nó đặt nãi danh là Bảo nhi, đại danh là Thẩm Kế Bảo, hôm nay chị ẳm đi từ tay tôi, chị hãy nhớ tên của nó là Kế Bảo, hi vọng chị cũng tiếp tục đối xử với nó như bửu bối…” Từ đó danh xưng Kế Bảo tiếp tục được bảo lưu.
Cô họ Trịnh đem Kế Bảo về Thượng Hải nuôi được vài tháng. Không ngờ Kế Bảo lại là người tiên thiên bất túc. Nhà họ Trịnh thấy không phải là cốt nhục thâm tình gì của họ nên chăm sóc không chu đáo. Kết quả là Kế Bảo vẫn gầy bé và không được người ta yêu mến. Vợ chồng người họ Trịnh lại bắt đầu chán nó.
Qua một thời gian nữa, vợ chồng người họ Trịnh thấy thân thể của Kế Bảo không có chút gì khởi sắc. Hoài nghi nó mắc một chứng bệnh gì đó thuộc về tiên thiên bất trị, nuôi sống thì tương lai cũng rất tốn kém, hoặc là có thể chết yểu. Vì vậy họ nghĩ rằng : để nó chết trong nhà không bằng sớm đem cho người ta.
Đúng lúc đó, nhà họ Trịnh có một thân nhân ở Quảng Châu, tên là Lưu Bảo Hoa cũng muốn có con trai, vì vậy Kế Bảo bị đưa về Quảng Châu. Sau khi đến đây, do khí hậu viêm nhiệt, trên thân thể gầy ốm và trên đầu của Kế Bảo xuất hiện đầy mụn nhọt, ghẻ lở, mủ tươm khắp người, ai thấy cũng lắc đầu. Qua một thời gian, cả nhà Lưu Bảo Hoa lớn nhỏ đều nghĩ rằng thủy thổ Quảng Châu không thích hợp với Kế Bảo, vì vậy nên đưa trả về Thượng Hải.
Nhà họ Trịnh ở Thượng Hải cũng không khách sáo, mang nó trả lại cho Dương Trung Thanh đang tu nghiệp ở bệnh viện Nam Kinh, người này cũng chẳng có cách nào khác, mà cũng không muốn đem trả cho cha mẹ ruột của nó. Đúng lúc đó khóa học kết thúc, vợ chồng họ đành mang của nợ về Đông Bắc.
Lúc đem con cho Dương Trung Thanh, vợ chồng Thẩm Hậu Lâm chỉ mong đứa con của họ được phước phần, có thể tìm được một gia đình yên ổn. Không ngờ qua một năm chuyền qua chuyển lại đầy gian nan. Bảo nhi từ Nam Kinh đến Thượng Hải rồi từ Thượng Hải đi Quảng Châu, lại từ Quảng Châu trở về Thượng Hải rồi lại từ Thượng Hải trở lại Nam Kinh, cuối cùng lại theo vợ chồng Dương Trung Thanh đi Trường Xuân.
Đồng nghiệp thấy họ mang về một bé trai, tưởng rằng bọn họ đến Nam Kinh sinh ra đứa bé nên chúc mừng họ, vợ chồng Dương Trung Thanh cũng ậm ừ cho qua chuyện chứ không giải thích rõ.
Hai người đi làm công tác bận rộn, lại thêm đứa trẻ quấy rầy, tuy nhiên vì họ ở tại nhà mình nên tình cảnh tốt hơn so với lúc ở Nam Kinh. Một hôm Dương Trung Thanh cảm thấy nặng đầu chóng mặt, sức lực giảm sút, buồn ngủ, tâm tư khó chịu, buồn nôn. Xưa nay bà chưa từng có cảm giác như thế, cho rằng do nuôi bé và đi làm việc nên mệt, cũng không để ý. Thế nhưng qua một thời gian, cảm giác đó cũng không giảm bớt khiến bà chú ý hơn. Bà trước nay chưa hề mang thai, không biết thời kỳ đầu mang thai thì có hiện tượng như vậy nên cho rằng đó là bệnh mệt mỏi. Bà đến y viện bắt số xin khám bệnh.
Khoa học đem đến tin mừng cho họ. Bác sĩ xác nhận bà đã có mang. Đó là tin đại hỉ cho cả hai người. Kết hôn đã nhiều năm, họ chỉ mong có ngày này. Hiện tại tin này đột nhiên tới, khiến họ vui mừng khôn xiết, mừng đến nỗi mấy đêm liền không ngủ được.
Thời gian như tên bắn, thấm thoát 10 tháng đã trôi qua. Khi Dương Trung Thanh ra khỏi sản phòng thì thế gian có thêm một bé trai. Việc này khiến vợ chồng họ vui mừng đến nỗi không thể ngậm miệng được.
Dương Trung Thanh bị vô sinh đã nhiều năm, lúc mang Bảo nhi từ Nam Kinh về, người ta đã thấy họ đang nuôi một đứa con trai, bây giờ lại sinh thêm một bé trai kháu khỉnh, khiến nhiều người cảm thấy có điều gì thần bí ở vợ chồng họ. Vì vậy có người nữ vô sinh tìm đến, xin chỉ giáo làm sao sinh được con trai. Có người nam tìm đến hỏi tại Nam Kinh đã tiến hành trị liệu thế nào. Có người già tìm đến hỏi họ đã cầu thần thánh gì, bái lạy Phật gì mà được thần tiên phù trợ như thế. Sự tình này khiến họ chỉ còn nước đem sự thật ra nói hết. Vì vậy người ta mới biết Bảo nhi chỉ là con nuôi của họ. Thế nhưng không biết xuất phát từ đâu, có tin đồn rằng : “Dương Trung Thanh được quý tử vì lúc ở Nam Kinh có làm một điều tốt, đó là nhận nuôi một đứa bé trai sắp chết, cứu được một sản phụ bịnh ngặt sắp chết, ông trời phát đại từ tâm, cho họ một đứa con trai quý báu”.
Người nói vô tâm, người nghe hữu ý. Tin đồn này sau khi truyền đến tai vợ chồng Dương Trung Thanh, họ lại vin vào đó, mặc dù không có làm điều tốt lành như tin đồn nói nhưng nhận con nuôi thì là có thật. Con ruột của bà đến tự hồ như theo lối đó. Nhân vì chứng bệnh vô sinh đã kéo dài nhiều năm rồi, tại Nam Kinh tiến hành trị liệu không hiệu quả, về sau cũng chẳng có uống thuốc chi, cũng chẳng có trị liệu chi, nhưng hiện tại sinh được quý tử, chẳng phải là do nuôi dưỡng Bảo nhi đó sao…Tuy không phải mê tín, nhưng sự vật ở thế gian tồn tại xưa nay cũng ắt có mối quan hệ, ai có thể nói giữa hai sự việc không có mối tương quan nào ? Dù sự thật chỉ là một phần vạn thì cũng cám ơn Bảo nhi đã giúp sinh quý tử, do vậy họ có thêm tình cảm đối với Bảo nhi.
Không ngờ Bảo nhi và đứa em trai có thể chất tiên thiên bất đồng, giống như mười ngón tay có ngón ngắn ngón dài. Vợ chồng Dương Trung Thanh đối với Bảo nhi và con ruột đều cố đối đãi như nhau, nhưng dần theo thời gian, do tác dụng của bản năng huyết thống, thân sơ có khác, càng lúc càng lộ rõ. Bảo nhi thì vẫn gầy nhỏ còn con ruột thì trắng bụ bẫm. Hai đứa trẻ chơi chung với nhau, nhìn không giống những đứa trẻ cùng cha mẹ.
Cuối cùng rơi vào nhà họ Trương
Dương Trung Thanh có người chị tên là Dương Quân, chồng của chị tên Trương Tây Nghiêu ở tại thị trấn Bổn Khê tỉnh Liêu Ninh. Lúc đó Dương Quân đã có hai con gái, vợ chồng họ kỳ vọng có được đứa con trai. Sau khi biết tin Dương Trung Thanh đang nuôi dưỡng hai đứa con trai, họ hết sức hâm mộ. Dương Quân cũng giống như nữ nhân thường tình, nghĩ rằng có thể từ cô em hỏi ra bí quyết làm sao sinh được con trai.
Ngày nọ, Dương Quân từ Bổn Khê đến nhà Dương Trung Thanh. Chị em gặp nhau rất vui mừng. Dương Quân nhìn kỹ hai đứa con trai của em chơi đùa, Dương Trung Thanh nhiệt tình khoản đãi chị. Hai người dường như nói mãi không cạn lời.
Dương Quân ở lại vài ngày, bà có mẫn cảm riêng có của người làm mẹ, phát hiện Bảo nhi và đứa em tướng mạo và tính tình khác nhau. Tình cảm của em gái bà đối với anh em chúng cũng có chút phân biệt. Vì vậy Dương Quân để ý quan sát.
Một ngày nọ, Dương Quân và Dương Trung Thanh đang xem hai trẻ chơi đùa, Dương Quân thử nói thăm dò : “Hai đứa trẻ này sở trường không giống nhau”. Dương Trung Thanh nghe xong bèn giải thích : “Chị ơi, chị có chỗ còn chưa biết, Bảo nhi không phải là con ruột của em, đó là con nuôi em xin được ở Nam Kinh…” Dương Trung Thanh kéo Bảo nhi lại rồi nói hết đầu đuôi câu chuyện cho chị nghe. Dương Quân nghe xong, bỗng hiểu ra, bèn nói : “Thì ra là thế !”.
Sau vài ngày, Dương Quân thấy em bận rộn với hai đứa trẻ, nên hỏi thăm dò : “Em ơi, em một mình nuôi hai con nhỏ thì cực nhọc quá, hãy để chị tiếp một tay cho thì tốt hơn !”
Dương Trung Thanh nghe xong như cởi tấm lòng, bèn nói “ Chị, chị giúp em cách nào đây ? Bảo nhi vừa gầy vừa bé, cha mẹ ruột còn không thèm, về sau lại cho người khác, người khác cũng không ham, không lẽ chị lại thích !?”
Dương Quân nghe xong liền nói : “Trẻ con gầy thì sợ cái gì, chỉ cần chăm sóc tốt thì có thể mập ra. Nếu em có thể buông bỏ thì để chị mang đi !”
Dương Trung Thanh nghe xong, cảm thấy đó là một cách giải quyết hay. Người chị đã có hai đứa con gái, nhận nuôi thêm một đứa con trai, chính là giải quyết được vấn đề “vô hậu vi đại” (không có người nối dõi là vấn đề lớn), bèn nói “Đợi em thương lượng với chồng cái đã !”
Đêm đó Dương Trung Thanh thương lượng với chồng xong, hai người đều đồng ý đem Bảo nhi cho Dương Quân mang về Bổn Khê nuôi dưỡng.
Hôm sau hai chị em thống nhất : Bảo nhi giao cho người chị nuôi dưỡng, gọi người chị là mẹ, gọi người em là dì.
Dương Trung Thanh nói : “Chị ơi, Bảo nhi là nãi danh của đứa trẻ, ở Nam Kinh lúc đem cho, nó còn có đại danh là Kế Bảo, bây giờ về tay chị, do anh chị đặt đại danh đó.”
Dương Quân nói : “Em ơi, em yên tâm đi, chị về nhà trao đổi với chồng xong, sẽ đặt lại đại danh cho nó, sau đó sẽ báo cho em hay.” Sau đó vài ngày Dương Quân vui mừng lên đường về nhà. Còn Dương Trung Thanh cho Kế Bảo xong, lòng cũng nhớ không nguôi.
Người nhà thấy Dương Quân ẳm về đứa con trai, đều rất vui mừng. Mẹ của Dương Quân cười hể hả ẳm nó đầu tiên. Hai cô chị cũng vui mừng nhìn cái miệng nhỏ bé của Bảo nhi. Trương Tây Nghiêu cũng chen vào xem đứa con trai gầy nhỏ. Dương Quân lấy tư cách người mẹ, nghiêm trang nói : “Đừng chỉ biết vui mừng, đứa bé chưa có quan danh (tên khi làm lễ gia quan lúc trưởng thành) ban đầu chỉ có nãi danh là Bảo nhi, sau có thêm đại danh là Kế Bảo, bây giờ là lúc chúng ta đặt thêm đại danh cho nó đó !”
Trương Tây Nghiêu trầm tư một hồi rồi nói : “Cả hai cái tên đều không rời chữ Bảo, xem ra nó có thể là người quý, chúng ta đặt tên cho nó cũng không thể mất chữ Bảo, tôi thấy nên gọi nó là Bảo Thắng đi !”
Từ đó cái tên Trương Bảo Thắng được phát sinh.
Từ ngày Bảo Thắng đến ở nhà Trương Tây Nghiêu về sau, Dương Quân rất yêu mến bé. Bà dùng sữa phụ nữ cho nó bú rồi lại tự bồi dưỡng cho có nhiều sữa, trị hết bệnh ghẻ của nó. Bà tìm thầy và dùng dược thảo đun nước cho nó tắm. Nhờ vợ chồng Trương Tây Nghiêu hết lòng chăm sóc và thủy thổ ở Bổn Khê thích hợp với Bảo Thắng, hoặc giả do phương bắc khí hậu khô hanh, nên Bảo Thắng từ lúc ở Nam Kinh về toàn thân đầy ghẻ chốc, nay dần dần thuyên giảm. Tuy Bảo Thắng vẫn còn gầy ốm, nhưng không còn khóc la. Bé và những đứa trẻ khác có chỗ khác nhau, đều gần được một tuổi, nhưng không biết lật và trườn, chỉ nằm ngữa dùng hai chân đạp đẩy người đi. Mỗi lần bú sữa, giống như dê con, cọ đầu vào núm vú của Dương Quân, sau đó mới yên lặng bú sữa. Thấy thân thể Bảo Thắng mạnh khỏe, tình hình dần dần chuyển tốt, vợ chồng Dương Quân cũng được an ủi và hài lòng.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, vợ chồng Dương Quân cũng phát sinh tình cảm thân mật với Bảo Thắng, họ hi vọng Bảo Thắng có thể đem lại sự vui vẻ hạnh phúc cho gia đình. Thế nhưng từ lúc Bảo Thắng đến nhà Trương Tây Nghiêu về sau, vợ chồng Dương Quân lại gặp tai họa mới. Ban đầu Trương Tây Nghiêu đối đãi với Bảo Thắng như cha ruột. Từ năm 1957 bắt đầu xảy ra cuộc đấu tranh chống hữu phái, ông bị chụp mũ thành phần tử hữu phái, do bất phục tội, lại bị xếp vào thành phần xuất thân bất hảo, bị xóa bỏ chức vụ cán bộ và sự đãi ngộ tương xứng, chỉ được cấp 30 nguyên (nhân dân tệ) sinh hoạt phí và bị đưa về ngoại ô thị trấn Bổn Khê lao động cải tạo. Vì vậy Dương Quân phải đảm đương gánh nặng gia đình 6 người (bà mẹ, 3 đứa con và hai vợ chồng), tất cả chỉ dựa vào tiền công lao động của Dương Quân. Bà lại bất phục cách xử lý của cấp trên nên đi khắp nơi kêu oan cho chồng.
Dương Quân nguyên là Trưởng phòng văn hóa của khu Tây Hồ thị trấn Bổn Khê, có khả năng hát và đàn, có một ảnh hưởng nhất định đối với quần chúng. Sau vì việc này, bị bãi chức Trưởng phòng và khai trừ ngạch cán bộ, giống như chồng, mỗi tháng chỉ được phát 30 nguyên sinh hoạt phí. Trong tình cảnh “kêu trời trời không đáp, gọi đất đất không nghe”, Dương Quân chỉ còn biết mang Bảo Thắng đi khắp nơi kiếm sống. Một người đường đường là Trưởng phòng văn hóa lại biến thành người đi ăn xin ở đầu đường xó chợ.
Lúc đó, tại trạm hỏa xa, nhà ăn Khoáng sơn, trên đại lộ, người ta thường thấy một con mẹ điên ngoài ba mươi tuổi, tóc xỏa, ngực lép, đi chân đất, ẳm một đứa trẻ gầy ốm xin ăn khách qua đường, khóc kể khổ. Trước tình cảnh đó, có người thương tình, có người rơi lệ, có người giúp đỡ, có người lãnh đạm…
Một ngày nọ, Dương Quân quá đỗi cơ hàn, ngã hôn mê nằm trên đất, Bảo Thắng bị vứt bên cạnh khóc ré lên, người đi đường xúm lại xem, bỏ lên xe đưa về một công sở. Lúc đó phu nhân của Bí thư Thị ủy đi xe hơi qua đó, thấy cảnh đó, xuống xe quan sát. Vị phu nhân đó là người học cùng lớp với Dương Quân, cùng ra trường công tác một lượt, cùng nhau công tác nhiều năm, bà hoàn toànhhhhhHHHhhh không ngờ Dương Quân lâm vào cảnh cùng khốn như vậy. Vị phu nhân hảo tâm đó sau khi hỏi thăm tình hình, bèn mang mẹ con Dương Quân lên xe hơi, sau đó đem sự việc tường trình với ông bí thư, nhận định rằng vấn đề của chồng không liên can tới vợ, càng không liên lụy tới con cái, không thể để người ta tan cửa nát nhà như vậy, phải để người ta hoạt động trở lại. Hai vợ chồng bí thư bàn bạc với nhau, xong đưa cả nhà Dương Quân đến Liệu Dưỡng Viện ở thị trấn Đan Đông trị bệnh, lại cho Dương Quân phục hồi công tác và trả lương, cuộc sống của cả gia đình mới dễ thở hơn. Trong đại nạn, gặp được người hảo tâm giúp đỡ, cả gia đình họ mới được khôi phục điều kiện sinh hoạt tử tế. Dương Quân lại đem toàn bộ kỳ vọng của gia đình gởi gấm vào Trương Bảo Thắng, hi vọng bé mau lớn, đem lại nhiều niềm vui và an ủi cho cả nhà.
Ảnh hưởng kỳ lạ của đứa trẻ
Qua một năm nữa, lúc Bảo Thắng gần hai tuổi. Dương Quân lại bắt đầu phát hiện mình có thai. Bà là một phụ nữ bị hành kinh nhiều, phản ứng của cơ thể lúc hoài thai là thời kỳ khó ở. Nhưng bà cũng phát hiện lần hoài thai này không giống với hai lần mang thai hai đứa con gái trước đây. Trong lòng tự cảm thấy vui mừng, không ngoài mong đợi đó là con trai, nếu không phải sao lại có cảm giác khác hai lần trước chứ !
Bà nói lên nhận thức này với chồng, Trương Tây Nghiêu nghe xong cũng tự cảm thấy vui mừng.
Qua mười tháng, tức lúc Bảo Thắng gần ba tuổi, Dương Quân cũng giống như trường hợp người em gái, sinh ra cho đời một đứa con trai. Vợ chồng Dương Quân cũng giống như đại đa số người Trung Quốc, cuộc sống tuy khốn khổ, nhưng quan niệm “dưỡng nhi phòng lão” (nuôi con chuẩn bị cho tuổi già) “đa tử đa phúc” (nhiều con trai là nhiều phước), cả gia đình họ đều lấy việc có thêm đứa con trai làm vui mừng.
Lại nói về Dương Trung Thanh sống tại thành phố Trường Xuân, nghe tin chị mình sinh được đứa con trai, cũng vui mừng và ngạc nhiên. Vui vì người chị cuối cùng đã tự mình sinh được đứa con trai. Ngạc nhiên vì người chị phải đợi có Bảo Thắng đến nhà mới sinh được đứa con trai. Khó nói là trường hợp của chị cũng giống trường hợp của mình, mà phải nói theo truyền thuyết của người đời, đứa con trai này là do Bảo Thắng mang lại.
Bà càng nghĩ càng cảm thấy kỳ diệu. Bà bèn vội vả đến thị trấn Bổn Khê nơi cư trú của người chị, đem cảm nghĩ một năm một mười này đến nói với chị. Dương Quân ban đầu không tin nhưng khi bà suy nghĩ kỹ một hồi thì thấy không thể không tin. Vì vậy việc Bảo nhi mang con trai đến, trước đây là việc xảy ra với cô em, còn giờ đây là việc xảy ra với chính mình. Nếu nói sự việc này là trùng hợp ngẫu nhiên hay là suy luận khiên cưỡng cũng được nhưng sự việc này cũng khiến người ta quan tâm. Đó là Trương Bảo Thắng ở tại nhà hai chị em này trùng với việc họ sinh được con trai, càng tăng thêm sắc thái thần bí. Theo như bà tự mình cảm nhận mà nói, đó là cảm tạ Bảo Thắng đã mang đến con trai nhưng trong lòng cũng có nghi hoặc là Bảo Thắng cũng mang lại những bất hạnh khác. Vì thế trong mấy năm nay gia đình gặp cảnh gian nan khiến bà cũng có chút e ngại về sau.
Trương Tây Nghiêu nghe xong những lời luận bàn lại càng nửa tin nửa ngờ. Ông không giống vợ là mang trong lòng nhiều băn khoăn, chỉ là hi vọng các con trai bình an trưởng thành, toàn gia được những ngày yên ổn.
Thời gian lại trôi qua, vợ chồng Trương Tây Nghiêu cũng quên dần việc Bảo Thắng ảnh hưởng sinh con trai, Dương Quân lại mang thai lần nữa. Đến khi sinh ra lại là một cậu con trai trắng trẻo bụ bẫm. Việc này khiến cả nhà Trương Tây Nghiêu vui mừng khôn xiết nhưng một lần nữa khiến họ liên tưởng đến việc Bảo Thắng mang đến cho gia đình chị em họ những quý tử.
Chị em Dương Quân sau khi nuôi dưỡng Bảo Thắng, một người thì từ vô sinh mà sinh được con trai, một người thì từ chỗ chỉ sinh con gái, nay lại sinh liên tiếp hai đứa con trai. Từ trước đến nay khoa học cũng chưa có căn cứ chính xác để luận giải tác dụng mà Bảo Thắng đã tạo ra. Bởi vì cơ chế nào có khả năng sinh nam hoặc sinh nữ phải chăng vẫn còn chưa rõ ? Bản thân khoa học vẫn chưa có phương pháp chính xác để thực hiện. Chỉ là theo như trên đã nói, hai chị em có được quý tử, xác thực là trước sau đều có nuôi dưỡng Bảo Thắng mới xuất hiện kỳ tích này. Kỳ tích khuyến dụ người ta nghĩ đến việc lặp lại. Muốn lặp lại thì người ta phải tìm cách, tìm tòi có thể làm sâu sắc hơn nhận thức về sự vật. Nghiên cứu tìm tòi về mối liên hệ giữa Bảo Thắng và việc hai chị em Dương Quân sinh quý tử có thể đào sâu và lý giải thêm nhận thức về kỳ nhân này. Có mối liên hệ hay không có liên hệ đều là việc cần tìm tòi nghiên cứu để xác định cho rõ. Cả hai có thể cùng tồn tại, bất tất yếu là chỉ có một bên.
Nghiên cứu tìm tòi về sự vật ắt có lợi. Engels trong cuốn sách Chính Trị Kinh Tế Học Phê Phán khi nói về Hegel từng chỉ ra rằng : “Ông ấy là nhà tư tưởng đầu tiên chứng minh rằng trong lịch sử phát triển của nhân loại, có một loại người có mối liên hệ nội tại”. Chúng ta ngày nay lấy việc Trương Bảo Thắng và chị em Dương Quân liên tiếp sinh ra quý tử là để chứng minh trong vũ trụ giữa vạn vật có một lực lượng liên hệ nội tại. Con người đối với nhận thức về mối liên hệ nội tại này cũng đang phát triển. Chẳng hạn con người trong quá khứ, từng có lúc không nhận thức được ảnh hưởng về sinh thái của rừng rú, sông suối đối với nhân loại, về sau mới nhận thức được sinh thái có ảnh hưởng song hành với đạo lý, nhận thức vạn vật trong vũ trụ có mối liên hệ nội tại cũng giống như sinh thái có ảnh hưởng trong giới tự nhiên, một loại hình sinh thái đối với một loại hình sinh thái khác cũng có thể ảnh hưởng, một cá nhân xuất hiện cũng có thể ảnh hưởng tới cá nhân khác.
Cảm ơn bác Truyền Bình
Cháu rất thích đọc các bài viết về Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý.
Những bài viết bác up lên blog cháu đều lưu lại và in ra đọc nhiều lần.
Cháu học được rất nhiều từ các bài viết bác đưa lên blog. Đặc biệt là việc nhìn nhận lại mọi thứ xung quanh mình đang xoay chuyển và biến đổi.
Mong rằng sẽ được đọc nhiều hơn nữa những bài viết hữu ích mà bác viết hoặc dịch
Chúc Bác luôn mạnh khỏe và hạnh phúc !
Cám ơn Huyền Nhi, những điều tôi đưa lên blog là nhận thức truyền thống của Phật giáo về thế giới được làm mới dưới ánh sáng khoa học, có một người đồng cảm như bạn cũng rất hân hạnh. Thanks.