Mối “vạn cổ sầu” của các nhà thơ

Trong thơ Đường của Lý Bạch, bài Tương Tiến Tửu (Xin mời rượu) là rất nổi tiếng. Nguyên văn như sau :

《將進酒》作者:李白
君不見,黃河之水天上來,奔流到海不復回。
君不見,高堂明鏡悲白發,朝如青絲暮成雪。
人生得意須盡歡,莫使金樽空對月。
天生我材必有用,千金散盡還復來。
烹羊宰牛且為樂,會須一飲三百杯。
岑夫子,丹丘生,將進酒,君莫停。
與君歌一曲,請君為我側耳聽。
鐘鼓饌玉不足貴,但願長醉不願醒。
古來聖賢皆寂寞,惟有飲者留其名。
陳王昔時宴平樂,斗酒十千恣歡謔。
主人何為言少錢,徑須沽取對君酌。
五花馬,千金裘,呼兒將出換美酒,與爾同銷萬古愁

Chú thích :

1、將:請。Tương = thỉnh

2、會須:正應當。 Hội tu = đang lúc

3、岑夫子:岑勛。丹丘生,元丹丘  Sầm phu tử tức Sầm Huân. Đan Khâu sinh tức Nguyên Đan Khâu, hai người này là bạn thân của Lý Bạch

4、鐘鼓饌玉: Chung cổ soạn ngọc (chuông trống, thức ăn ngon và ngọc) đó là những vật thường dùng trong nhà giàu có thời xưa.

5. 陳王昔時宴平樂,斗酒十千恣歡謔  Trần vương tích thời yến Bình Lạc, Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước  : Trần vương chỉ Tào Thực, con của Tào Tháo thời Tam Quốc, có tài thơ. Có lần ông tổ chức tiệc rượu lớn tại Bình Lạc, sử dụng hết 10 ngàn đấu rượu, trong tiệc vui mọi người thỏa sức nói chuyện hài hước.

6. 徑須沽取對君酌 Kính tu cô thủ đối quân chước = Nên bán (沽 đồ đạc) mà lấy (取 rượu) để cùng đối ẩm

7. 五花馬,千金裘 Ngũ hoa mã, thiên kim cừu = Ngựa ngũ hoa, áo cừu ngàn vàng, là đồ dùng quí giá

XIN MỜI RƯỢU

Người chẳng thấy sông Hoàng hà ngọn nước

Lưng trời kia đổ xuôi ra biển chẳng quay về

Lại chẳng thấy tóc bạc trước gương sầu chẳng xiết

Sớm như tơ xanh, chiều như tuyết

Đời người thoải lên thật vui

Chớ để chén vàng suông dưới nguyệt

Trời cho hữu tài ắt hữu dụng

Ngàn vàng ghép lại có luôn ngay

Mổ quách trâu dê vui thỏa sức

Cạn ba trăm chén cuộc chơi này

Sầm Đan hai bác nghe đây

Rót đi rót chẳng ngừng tay nữa hoài

Vì người ta hát một bài

Vì ta người hãy lắng tai nghe cùng

Quý gì yến ẩm đỉnh chung

Cốt sao đừng tỉnh say đùng mới thôi

Thánh hiền xưa vắng lặng rồi

Chỉ chàng say để muôn đời tiếng say

Trần vương Bình Lạc cổ bày

Mười nghìn đấu rượu mua cười một phen

Chủ nhân đừng ngại thiếu tiền

Rượu ngon xin cứ mua liền chuốc nhau

Áo cừu với ngựa hoa đâu ?

Tiểu đồng kia gọi đổi mau rượu đào

Cùng nhau giải vạn kiếp sầu

Tương Tiến Tửu – Thơ Đường Lý Bạch – Quách Thị Hồ diễn ngâm

Ở Trung Quốc đời xưa có Lưu Linh là một “ẩm giả” danh trấn giang hồ, uống rượu như hủ chìm. Ông tự Bá Luân, đời Tấn, chỉ thích uống rượu không quan tâm gì đến việc đời, thế sự bỏ ngoài tai . Ông là một trong 7 người hiền của Trúc Lâm, bạn chí thân của Nguyễn Tịch. Tương truyền Nguyễn Tịch uống rượu có khi say liền sáu mươi ngày. Ông cho cuộc đời là đáng chán, công danh sự nghiệp là phù vân. Có những đêm trường quạnh quẽ với bình rượu bên người, thao thức năm canh không ngủ, ông đã tự hỏi: “bồi hồi hà sở kiến, ưu tư độc thương tâm” (bồi hồi thấy gì đây, lo lắng thêm đau lòng) . Có khi ông đánh xe đi chơi cùng trời cuối đất, rồi trở về, khóc lóc thảm thiết. Ông thường ước mơ một xã hội không kẻ thống trị, không có người giàu, người nghèo và mọi người được tự do, không bị trói buộc. Nguyễn Tịch có đôi mắt huyền bí lạ lùng; khi ông tiếp khách người quân tử hay người ông yêu thích thì mắt ông xanh đen; khi có khách người tầm thường hay ông không ưa thì mắt ông toàn lòng trắng.
Lưu Linh cũng như Nguyễn Tịch đều có nhiều tài năng thơ, đàn, hát đều giỏi. Lưu Linh có làm bài thơ: Tửu Đức Tụng, với những lời thơ rất hào phóng, ngông cuồng để ca tụng cái “tửu tính” của Ông: “Có một đại nhân lấy trời đất làm một buổi, lấy muôn năm làm một chốc, lấy mặt trời, mặt trăng làm cửa, làm ngõ; lấy thiên hạ làm sân, làm đường. Đi không thấy vết xe, ở không có nhà cửa. Trời là màn, đất là chiếu, ý muốn thế nào thì thế nấy. Ở thì nâng chén cầm bầu. Đi thì vác chai, xách nậm. Lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè, không còn biết đến việc gì nữa…” . Lưu Linh đã thường nói “tử tiện mai” (chết đâu chôn đó). Trong tập thơ chữ Hán “Bắc Hành Tạp Lục” của Nguyễn Du có bài thơ “Lưu Linh Mộ” nói về vị ẩm giả lừng danh này:

Cái gã Lưu Linh chẳng có gì
Bảo người vác cuốc “chết chôn đi”
Khi say vạn vật đều như thế
Lúc chết hình hài tiếc cái chi
Gai phủ ngàn năm ngôi mộ cũ
Bụi bay muôn dặm phủ đường đi
Chi bằng tỉnh thức mà xem xét
Thế sự bèo trôi thảm cảnh ghi !

Lưu Linh Mộ – thơ Nguyễn Du (Hải Đà dịch)

Lý Bạch, cũng như Lưu Linh và Nguyễn Tịch trong nhóm Trúc Lâm Thất Hiền đời Tấn, hay những người cùng thời với ông là Sầm Huân và Nguyên Đan Khâu, đều là những người thích thơ và rượu. Họ làm thơ và uống rượu để quên sầu. Họ luôn mang trong lòng mối vạn cổ sầu.

Vạn cổ sầu là gì ? Đó là sinh lão bệnh tử, thời gian qua mau, cuộc vui chóng tàn, ái biệt ly, oán tắng hội, danh lợi phù vân, giàu nghèo cách biệt, quan lại áp bức, dân đen khốn khổ…Nói chung những cái sầu khổ đó đời nào cũng có, ở đâu cũng có. Mà họ chỉ là những nhà thơ, không làm gì được để giải quyết vấn đề, mà họ cũng không có khả năng để giải quyết vấn đề cho bản thân mình chứ chưa nói tới xã hội, tư tưởng của họ cũng bị hạn chế trong những quan niệm hữu vi. Ngay cả Lý Bạch, mặc dù ông có phong cách của một trích tiên, phóng dật, bề ngoài gần với vô vi của Lão Tử nhưng thật ra ông cũng không hiểu Lão Tử.

Vô vi của Lão Tử nói trong Đạo Đức Kinh là tư tưởng trị nước bằng đạo lý, chủ trương các bậc vua chúa trị nước bằng biện pháp vô vi, không làm gì mà nước an dân vui, chỉ hướng dẫn cho dân hiểu đạo lý tự nhiên. Bộ lạc Kogi ở Nam Mỹ, có thể không biết tới Lão Tử, nhưng thực hiện theo đạo lý tự nhiên giống như chủ trương của Lão Tử nên xã hội hài hòa, ổn định, an lạc. Lão Tử không dạy đời ôm mối vạn cổ sầu để rồi uống rượu say mèm để quên sầu.

Ngay cả Trang Tử với Tề Vật Luận về tư tưởng và Tiêu Dao Du về lối sống cũng không chủ trương uống rượu say mèm để quên sầu. Lão Tử hay Trang Tử đều là những người tự tại, họ không có mối “vạn cổ sầu”

Lý Bạch và bằng hữu của ông cũng không giống Tế Điên hòa thượng. Tuy Tế Công sống phóng túng, uống rượu, ăn thịt, không giữ giới luật nhà Phật, nhưng cũng không có ôm mối “vạn cổ sầu”, chẳng qua ông coi cuộc đời là một tuồng hí kịch, chỉ là là huyễn ảo không phải thật, nên mặc tình du hí chứ không chấp thật.

Còn nhà thơ Lý Bạch và bằng hữu của ông thì chấp thật, cho rằng thế gian là có thật, nhưng nó không thỏa mãn ước muốn chủ quan của mình, nên bất bình, phản ứng lại một cách tiêu cực là uống rượu quên sầu. Khi gặp cuộc vui thì sẵn sàng giết trâu, mổ dê để mở tiệc ăn uống cho bằng thích. Rượu lỡ thiếu thì bán áo quí, bán ngựa tốt để uống cho thật say, cố kéo dài cuộc vui. Rồi còn nói lếu láo rằng thánh hiền như Lão Tử, Khổng Tử, thường tịch mịch, người đời dường như đã quên, chỉ có người uống rượu say mèm như Lưu Linh là còn để lại tiếng vang. Như vậy các “ẩm giả” đời xưa, trên bàn tiệc chỉ thích nhắc tới Lưu Linh mà thôi.

Thật đáng thương cho chủ quan của các nhà thơ ! dường như tâm hồn của họ không được bình an.

Advertisement

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Nhà sau. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

1 Response to Mối “vạn cổ sầu” của các nhà thơ

  1. Pingback: Danh sách bài viết trong chuyên mục Nhà sau | Duy Lực Thiền

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s