THUYẾT KIÊN BẠCH ĐỒNG DỊ CÓ Ý NGHĨA THẾ NÀO ?

Thuyết Kiên Bạch Đồng Dị堅白同異là triết thuyết xuất hiện vào thời Chiến Quốc, của các triết học gia cổ đại Trung Quốc có khuynh hướng khoa học như Huệ Thi, Công Tôn Long. Huệ Thi đầu tiên nêu lên triết thuyết khoa học có tính chất bản thể luận, khác xa cảm giác thường nghiệm. Sau đó Công Tôn Long khai triển thêm thuyết của Huệ Thi mà nổi tiếng nhất là Kiên Bạch Luận 堅白論 hay còn gọi là Ly Kiên Bạch 離堅白 và một luận thuyết khác là Bạch Mã Phi Mã白馬非馬. Họ có những lập luận rất khác với cảm giác thường nghiệm của đời thường nên người đời thường cho là họ ngụy biện, giống như thái độ của người đời đối với triết gia cổ đại Hy Lạp Zénon. Tôi cho rằng muốn hiểu rõ ràng học thuyết của họ, phải sử dụng tri thức khoa học của thế kỷ 21, nếu không thì chỉ hiểu một cách mơ hồ, vô dụng. Sự vô dụng này giống như việc có một nhà vi điêu khắc kỳ tài tên là Chu Tín Hưng 周信兴 người ở Phủ Châu 抚州 tỉnh Giang Tây. Ông ta có biệt tài tuyệt kỹ về vi điêu khắc. Trên cán của một cây bút lông, ông ta có thể khắc được bằng chữ Hán phồn thể, 5502 chữ của kinh Kim Cang. Trên một cái quạt bằng ngà voi kích thước chỉ bằng một tấm danh thiếp bình thường, ông ta khắc được 21730 chữ của Đường Thi Tam Bách Thủ (Tuyển tập 300 bài Thơ Đường) cộng với 18 bức họa diễn tả thi ý. Thế nhưng tuyệt kỹ đó cũng chỉ là vô dụng, vì ai mà hưỡn dùng kính hiển vi để đọc các bài thơ hay xem các bức họa vi điêu khắc đó ? Sự việc kiểu đó chỉ phát huy đại dụng khi người ta sáng chế được máy vi tính và điện thoại di động như hiện nay. Trên thẻ nhớ nhỏ xíu bằng cái móng tay thông dụng là 8GB, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng chép được một dung lượng gấp hàng triệu lần cây quạt bằng ngà của Chu Tín Hưng. Mỗi chữ vuông của ông có kích thước 0,1 mm (millimeter). Trong khi một bit thông tin hiện nay có kích thước 30 nm (nanometer). Trong khi 0,1 mm = 100.000 (một trăm ngàn nm). Vậy với 0,1 mm thì kỹ thuật tin học ngày nay ghi được tới 3.333 bit (qui tròn 3.330 ba ngàn ba trăm ba chục) bit. Diện tích của một chữ Hán đủ chỗ chứa 3330 x 3330= 11.088.900 bit. Một ký tự chữ Hán cần 2 bytes = 20 bit. Như vậy với 0,1 mm vuông ghi được tới 554.445 chữ Hán. Như vậy chỉ với diện tích 0,1 mm vuông, Chu Tín Hưng khắc được một chữ, thì tin học chép được một quyển sách khoảng 1.000 trang, mỗi trang hơn 500 chữ . Ngoài ra còn có khả năng hiển thị rất dễ dàng tiện lợi trên smartphone hoặc computer. Phải đạt tới mức đó mới phát huy được đại dụng.

Thực tế rõ như ban ngày, thử xem câu nói của Huệ Thi無厚不可積也,其大千里 (Vô hậu bất khả tích dã, kỳ đại thiên lý) Không bề dày không thể tích lũy, cái lớn của nó là ngàn dặm.

Huệ Thi muốn nói cái mặt phẳng không có bề dày, cái lớn của nó là vô cùng. Các triết học gia xưa nay bàn luận về câu đó một cách ấu trĩ vô dụng. Chỉ đến khi khái niệm về Vũ Trụ Toàn Ảnh xuất hiện mới có thể hiểu được rõ ràng câu nói của Huệ Thi. Cái vũ trụ mà chúng ta đang sống là một toàn ảnh 3 chiều (3D Hologram) có thể ghi lại đầy đủ trên mặt phẳng 2 chiều, và từ dữ liệu 2 chiều đó, có thể khôi phục lại thành toàn ảnh 3 chiều. Ý tưởng này đã được ứng dụng vào đời thường qua video sau :

Universe 4 – Ứng dụng Toàn Ảnh – Vũ Trụ Ảo – Phụ đề Việt ngữ

Sau khi bạn xem xong video ắt bạn sẽ hiểu tại sao tôi nói : Các triết học gia xưa nay bàn luận về học thuyết của Huệ Thi và Công Tôn Long một cách ấu trĩ vô dụng, giống hệt như cách họ luận bàn về học thuyết của Zenon. Chu Tín Hưng là bậc kỳ tài nhưng công trình của ông ta vẫn là ấu trĩ và vô dụng so với tin học hiên đại. Tương tự như vậy, các triết học gia giải thích các học thuyết dù có rất tốt cũng vẫn là ấu trĩ vô dụng so với khoa học hiện đại. Họ đã bị khoa học bỏ rơi rất xa ở phía sau rồi.

Học thuyết của Huệ Thi 惠施 (370 TCN-310 TCN)

Huệ Thi có năm xe sách nhưng tất cả đã bị thất lạc, chỉ còn một số câu chép trong thiên Thiên Hạ sách Trang Tử. Chúng ta chỉ cần 5 câu để hiểu học thuyết của ông.

至大无外,谓之大一;至小无内,谓之小一 (Chí đại vô ngoại, vị chi đại nhất; Chí tiểu vô nội, vị chi tiểu nhất) Lớn đến không có gì ở ngoài, gọi là một vật lớn; Nhỏ đến mức không có gì ở trong, gọi là một vật nhỏ.

Câu này diễn tả về mặt không gian, muốn nói không gian không có thật, to hay nhỏ chỉ là biểu kiến, là cảm tưởng, là ảo chứ không phải thật. Một vật lớn (đại nhất) hay một vật nhỏ (tiểu nhất) thật ra cũng chỉ như nhau mà thôi, đó là tâm, lớn hay nhỏ là do tâm cảm nhận, không phải ở vật. Về bản thể thì nó chứa được cả thiên hạ, thậm chí cả vũ trụ, giống như thuyết Big Bang nói khởi điểm của vũ trụ chỉ là một chất điểm có kích thước 10-33   (mười lũy thừa âm 33) cm. Thế rồi vũ trụ cứ nở rộng ra mãi như chúng ta thấy ngày nay, vũ trụ đã lớn tới 93 tỉ quang niên và vẫn còn tiếp tục trương nở. Vật lớn (vũ trụ) hay vật nhỏ (chất điểm) chỉ là một, là cảm nhận của tâm mà thôi.

無厚不可積也,其大千里 (Vô hậu bất khả tích dã, kỳ đại thiên lý) Không bề dày, không có thể tích, cái lớn của nó là ngàn dặm.

Câu này diễn tả về mặt số lượng, khối lượng vật chất không có thật, tâm không là gì cả, không có bề dày nhưng nó lớn vô cùng, chứa vô số lượng vật chất, vật thể và phi vật thể của cả tam giới. Vũ trụ 3 chiều chỉ là biểu kiến, là ảo, không phải thật. Số lượng chỉ là quan niệm không có thực chất. Chỉ với 5 ổ bánh mì và 2 con cá, Chúa Giê Su đã cho 5000 đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ con ăn no nê, tại một buổi giảng đạo bên hồ Galilee 2000 năm trước. Các triết học gia tầm thường ắt không tin điều này vì họ chưa xem thí nghiệm của Maria Chekhova năm 2012, bà có thể cho một photon xuất hiện đồng thời tại 100.000 vị trí khác nhau, tất cả đều vướng víu (entangled). Điều đó chứng tỏ 100.000 photon chỉ là biểu kiến. Cái thấy của chúng ta về vũ trụ chỉ là biểu kiến.

今日適越而昔來(Kim nhật thích việt nhi tích lai) Hôm nay tôi đến nước Việt mà ngày xưa tôi đã đến rồi.

Câu này diễn tả tính không thật của thời gian. Quá khứ, hiện tại, vị lai là do tâm của ta phân biệt chứ thời gian không có thực chất. Việc xảy ra hôm nay cũng đã xảy ra trong quá khứ và sẽ xảy ra trong tương lai. Hay nói cách khác là thời gian không có thật. Sự phân biệt quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ là biểu kiến, ảo tưởng. Vì vậy nên tại World Cup Nam Phi 2010, bạch tuộc Paul đã 8 lần chỉ trúng phóc đội nào sẽ thắng trước khi trận đấu diễn ra. Bởi vì các trận đấu đã từng diễn ra rồi.

日方中方睨,物方生方死 (Nhật phương trung phương nghễ, Vật phương sinh phương tử) Mặt trời vừa đứng bóng vừa xế bóng, Vật vừa sống vừa chết.

Câu này diễn tả sự biến hóa của vạn vật từ cực này sang cực kia, đó chỉ là cảm giác biểu kiến không phải sự thực bởi vì thời gian không có thực. Nguyên lý này đã được Heisenberg nêu ra trong khoa học năm 1927 gọi là nguyên lý bất định (Principle of Uncertainty). Nguyên lý bất định được chứng minh rõ ràng qua Thí nghiệm hai khe hở. Thí nghiệm gần đây nhất và chuẩn nhất đã được Herman Batelaan thuộc trường Đại học Nebraska-Lincoln, cùng với các đồng nghiệp ở đó, ngoài ra, tại Viện Vật lý Lý thuyết Perimeter ở Waterloo, Canada, cũng có báo cáo cho biết họ vừa tạo ra một thí nghiệm hai khe tuân theo phương pháp luận chính xác của thí nghiệm tưởng tượng Feynman. Công trình được công bố đầu năm 2014.

Đội nghiên cứu đã chế tạo một khe đôi trên một màng mỏng silicon mạ vàng, trong đó mỗi khe rộng 62 nano-mét và dài 4 micro-mét và hai khe cách nhau 272 nano-mét. Để chặn đi một khe, một mặt nạ nhỏ xíu được điều khiển bởi một mũi áp điện trượt tới trượt lui trên hai khe.

Các electron được tạo ra tại một dây tóc tungsten và được gia tốc đến 600 GeV (Giga electron Volt, 1 GeV = 1 tỉ (bilion) electron volts) rồi chuẩn trực thành một chùm tia. Sau khi đi qua hai khe, chúng được phát hiện ra bởi một bản dò đa kênh.

Cường độ của nguồn electron được thiết lập thấp đến mức chỉ có một electron mỗi giây được phát ra – để đảm bảo rằng mỗi lượt chỉ có một electron sẽ đi qua hai khe. Ở tốc độ này, người ta mất chừng hai giờ để cho một hệ vân (đám mây các điểm va chạm) hình thành trên máy dò – một quá trình được ghi lại trực tiếp bằng video. Các phép đo được lặp lại với mặt nạ quét qua lại nhiều vị trí: trước tiên chặn cả hai khe, rồi chặn một khe, sau đó không chặn khe nào, rồi chặn khe bên kia. Đúng như trông đợi, hệ vân hai khe xuất hiện khi các electron được phép đi qua cả hai khe, nhưng không xuất hiện khi một khe bị chặn lại.

Khoa học kỹ thuật ngày nay có khả năng bắn từng hạt electron một qua hai khe hở. Nếu không có đặt máy dò lén theo dõi, hoặc không có ai rình xem, thì electron hành xử như là sóng, nghĩa là tạo ra giao thoa sóng có nhiều vạch trên tấm chắn. Còn nếu có đặt máy dò hoặc có người nhìn xem, thì electron hành xử như hạt, nghĩa là chỉ tạo ra hai vạch tương ứng với hai khe hở. Thế thì rõ ràng electron, tức là cái mà chúng ta thấy là sông, núi, nhà cửa, xe cộ vật dụng…(tất cả vạn vật chỉ là tập hợp nhiều electron bị chi phối bởi hạt nhân nguyên tử), có thể là sóng mà cũng có thể là hạt, vừa là sóng vừa là hạt, là hai hình thái đối lập của vật chất. Huệ Thi nói vật vừa sống vừa chết, là mô tả tính chất lượng tử của vật chất, hoàn toàn giống hệt như cách mô tả con mèo vừa sống vừa chết của Schrödinger.

Năm 1979, Hầu Hi Quý đã làm một biểu diễn vô cùng ngoạn mục, chứng tỏ một gói thuốc lá hiệu Đỗ Quyên Hoa hiện hữu đồng thời ở tại hai nơi cách xa nhau 1600km , một là nơi sản xuất, huyện Lạc Đô tỉnh Thanh Hải, nơi kia là làng Loan Sơn tỉnh Hồ Nam. Hầu Hi Quý đứng tại làng Loan Sơn nhưng lấy được gói thuốc lá đang ở huyện Lạc Đô. Điều đó chứng tỏ khoảng cách 1600 km chỉ là biểu kiến, không có thật. Điều đó cũng chứng tỏ trong đời thường, vật chất cũng hành xử không khác gì lượng tử, giống y như trong hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Chỉ tại chúng ta chưa thấy chứ không phải không có.

《庄子•天下》:“﹝ 惠施 曰﹞大同而與小同異,此之謂小同異;萬物畢同畢異,此之謂大同異。” 成玄英 疏:“物情分別,見有同異,此小同異也。死生交謝,寒暑遞遷,形性不同,體理無異,此大同異也。”(參見“ 堅白同異 )。

Trong thiên Thiên hạ sách Trang Tử, Huệ Thi nói về Đại đồng dị và tiểu đồng dị, cái gọi là đồng dị nhỏ, là vạn vật ắt có chỗ giống nhau và khác nhau. Cái gọi là đồng dị lớn là sự thông suốt huyền diệu ở bản chất : sự phân biệt của vật thấy có đồng có dị, đó là đồng dị nhỏ. Sống chết quan hệ và từ biệt, nóng lạnh biến đổi, hình thái và tính chất bất đồng, nhưng thể và lý thì không khác, đó là đồng dị lớn. (Tham kiến “Kiên bạch đồng dị”).

Đây là một câu trong sách Trang Tử, tham khảo, trích trong sách của Huệ Thi, nhưng nay sách của Huệ Thi không còn nên học thuyết của ông đành phải dựa vào sách của Trang Tử và một số sách khác có trích sách của ông.

Câu trên là một cái nhìn thông suốt về vũ trụ vạn vật. Chúng ta có thể diễn tả lại học thuyết của Huệ Thi thế này : Tất cả thế giới vật chất và tâm linh, tinh thần đều có thể quy về thức (A-lại-da thức) hay nói theo khoa học là lượng tử, đó là đại đồng. Sông khác với núi, con người khác với con trâu, đó là tiểu dị. Sông, núi, con người có tư duy, con trâu đần độn, tất cả đều là lượng tử nên hoàn toàn giống nhau, đó là đại đồng. Nhưng hình tướng, công dụng, mỗi vật mỗi khác là do cấu trúc khác nhau, sự khác nhau về cấu trúc đó chỉ có tâm mới có khả năng phân biệt, còn bản thân vật thì tự nó không thể phân biệt, và đều có thể chuyển đổi từ vật này thành vật khác, những sự khác nhau đó chỉ là tiểu dị.

Học thuyết của Công Tôn Long 公孫龍 (325-250TCN)

Trong thiên Thiên Hạ sách Trang Tử (莊子 • 天下) có chép 21 câu nói quái dị được cho là của Công Tôn Long

1.雞三足。Kê tam túc. Gà ba chân

2.郢有天下。Dĩnh hữu thiên hạ. Dĩnh (kinh đô nước Sở) bao gồm thiên hạ

3.犬可以為羊。Khuyển khả dĩ vi dương. Chó có thể là dê

4.馬有卵。Mã hữu noãn. Ngựa có trứng

5.丁子有尾。Đinh Tử hữu vĩ. Cóc nhái có đuôi

6.火不熱。Hoả bất nhiệt. Lửa không nóng

7.山出口。Sơn xuất khẩu. Núi từ miệng mà ra

8.輪不碾地。Luân bất niễn địa. Bánh xe không nghiến xuống đất

9.目不見。Mục bất kiến. Mắt không thấy

10.指不至,至不絕。Chỉ bất chí, chí bất tuyệt. Chỉ không tới, tới không hết khoảng cách

11.龜長于蛇。Qui trường vu xà. Rùa dài hơn rắn

12.矩不方,規不可以為圓。Củ bất phương, qui bất khả dĩ vi viên. Thước góc không vuông, thước quy không vẽ được vòng tròn

13.鑿不為枘。Tạc bất vị nhuế. Lỗ đục không vì cái mộng

14.飛鳥 之影未嘗動也。Phi điểu chi ảnh vị thường động dã. Ảnh của chim bay chưa từng chuyển động

15.鏃矢之疾,而有不行、不止之時。Thốc thỉ chi tật nhi hữu bất hành, bất chỉ chi thời. Mũi tên nhọn bay nhanh, nhưng cũng có lúc không đi, không dừng

16.狗非犬。Cẩu phi khuyển. Chó không phải là chó

17.黃馬驪牛三。Hoàng mã ly ngưu tam. Ngựa vàng trâu đen là ba con

18.白狗黑。Bạch cẩu hắc. Chó trắng màu đen

19.孤駒未嘗有母。Cô câu vị thường hữu mẫu. Ngựa non mồ côi chưa từng có mẹ

20.一尺之棰,日取半,萬世不竭。Nhất xích chi chủy, nhật thủ kỳ bán, vạn thế bất kiệt. Cây gậy dài một thước, mỗi ngày lấy đi một nửa, thì muôn đời cũng không lấy hết.

21.卵有毛. Noãn hữu mao . Trứng có lông

Trong 21 câu trên tôi đặc biệt chọn ra một câu đã có ứng dụng thực tiễn để làm thí dụ, đó là câu số 8.輪不碾地。Luân bất niễn địa. Bánh xe không nghiến xuống đất.

Xưa nay các triết học gia hoàn toàn không hiểu câu đó có ý nghĩa như thế nào, mặc dù về mặt từ ngữ thì không có gì khó hiểu. Nó muốn nói là chiếc xe cũng như mặt đường chỉ là biểu kiến tức là ảo, là không tuyệt đối, bánh xe không cần thiết phải nghiến xuống đất. Ý tưởng này đã được con người thực hiện và đã đưa vào sử dụng trong đầu thế kỷ 21. Đó là loại xe chạy trên đệm từ, nó không cần bánh xe cũng không chạm vào đường ray lúc chạy. Thành phố Thượng Hải là nơi đầu tiên trên thế giới thương mại hóa nguyên lý này. Tàu đệm từ này gọi tắt là Maglev (Magnetic levitation transport). Hồi tháng 1-2004, nó bắt đầu vận chuyển hành khách trên quãng đường dài 30 km từ trung tâm thành phố đến sân bay chỉ trong 7 phút 20 giây (tốc độ cao nhất là 431 km/h, tốc độ trung bình 250 km/h). Các dự án tàu đệm từ khác trên thế giới đang được nghiên cứu về tính khả thi. Chi phí hệ thống này khoảng 1,3 tỉ USD, loại tàu tên là Transrapid do hãng Siemens và ThyssenKrupp của Đức thực hiện.  

Chúng ta không cần nghiên cứu tỉ mỉ về 21 câu trên, vì nó không vượt khỏi ý nghĩa 5 câu của Huệ Thi, chỉ cần xét 2 thuyết sau thôi.

Công Tôn Long nhỏ hơn Huệ Thi hai thế hệ và nổi tiếng với thuyết Kiên Bạch Luận 堅白論 và Bạch Mã Phi Mã 白馬非馬.

Kiên Bạch Luận còn gọi là Ly Kiên Bạch 離堅白 là đề tựa do người đời sau đặt, còn tựa chính thức của Công Tôn Long là 「堅、白、石、三,可乎?」Kiên, Bạch, Thạch, Tam, khả hồ ? (Cứng, Trắng, Đá, phải chăng là ba thứ khác nhau ?). Cuối cùng ông kết luận như sau :

「白固不能自白,惡能白石物乎?若白者必白,則不白物而白焉,黃黑與之然。」

Tính trắng không phải tự nó trắng, sao có thể làm cho cục đá trắng được ? Nếu tính trắng đúng thực chính nó trắng, ắt không làm cho vật hóa thành trắng. Tính vàng tính đen cũng giống như thế.

「石其無有,惡取堅白石乎?故離也。離也者,因是。」

Nếu không có đá, sao có thể biểu hiện tính cứng và trắng của đá ? Vậy thì các tính chất là riêng biệt, riêng biệt (không dính dáng với vật) là vì vậy.

「力與知,果不若因是。且猶白以目見,目以火見,而火不見。則火與目不見而神見。神不見,而見離。」

Khả năng nhận biết việc đó, quả không phải vì nguyên nhân đó. Vả lại, trắng là do mắt thấy, mắt nhờ lửa (đèn, ánh sáng) mà thấy. Ắt không phải lửa và con mắt thấy mà là do thần (tinh thần) thấy. Tinh thần mà không thấy thì không có sự thấy.

「堅以手,而手以捶,是捶與手知而不知。而神與不知。神乎,是之謂離焉。」

「離也者天下,故獨而正。」

Tính cứng là cảm giác do tay sờ, mà tay dùng gậy thăm dò, thế thì gậy và tay biết mà không biết. Thì tinh thần cũng không biết. Tinh thần ư, đó gọi là xa rời (không dính dáng đến lửa và con mắt) vậy. Sự việc không dính dáng trong thiên hạ, là điều độc nhất đúng. ]

Ý nghĩa triết học của đoạn văn này rất thâm sâu mà xưa nay người ta không thể hiểu được, bởi vì nhân loại chưa có đủ cơ sở khoa học để hiểu. Ngày nay thì đã có thể hiểu rõ.

Kiên Bạch Luận của Công Tôn Long còn được gọi là Ly Kiên Bạch 離堅白, tôi nghi ngờ rằng nhiều nhà nghiên cứu triết học đã không thực sự hiểu ý nghĩa của Ly Kiên Bạch, họ thấy trong Kiên Bạch Luận có lặp đi lặp lại nhiều lần chữ ly 離, họ hiểu chữ đó có ý nghĩa quan trọng nhưng họ không thực sự hiểu ý nghĩa của nó là gì. Muốn hiểu ý nghĩa của chữ ly, họ cần phải có một trong 3 điều kiện sau :

1/Có huệ nhãn, Huệ Thi và Công Tôn ắt phải có huệ nhãn, họ mới có khả năng nêu ra triết thuyết phi thường như vậy. Zenon của phương tây ắt cũng phải có. Câu Tắc hỏa dữ mục bất kiến nhi thần kiến則火與目不見而神見 là dấu hiệu rõ ràng, người thường đều nghĩ rằng sự thấy là nhờ ánh sáng và con mắt, ngay cả các nhà khoa học cũng nghĩ như vậy, riêng Công Tôn Long nói rằng sự thấy là do thần kiến 神見,thần tức là huệ nhãn, chính là nhãn thức của Phật giáo, không phải do ánh sáng và con mắt. Nhãn thức vốn bất sinh bất diệt, đã có sẵn, trước khi lượng tử hình thành được thân tứ đại với các giác quan.

2/Hiểu được triết thuyết của Phật giáo nói rằng vật không có tự tính, mọi đặc tính của vật đều do tâm con người gán ghép vào. Thời của Công Tôn Long, khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, Phật giáo chưa vào Trung Quốc, người TQ không thể có điều kiện này.

3/Am tường về khoa học, cụ thể phải hiểu rõ thí nghiệm của Alain Aspect tại Paris năm 1982 về vướng víu lượng tử (quantum entanglement), dùng bất đẳng thức Bell để kiểm chứng giả thuyết EPR. Họ rút ra được những kết luận rất quan trọng, vật (hạt photon) không có tự tính, tức không hiện thực (non realism), các số đo của photon như khối lượng, điện tích, số spin, không phải có sẵn, chính người khảo sát tưởng tượng ra nó lúc tiến hành đo đạc. Hạt photon là bất định xứ (non local) nghĩa là không thể xác định vị trí chính xác của nó trong không gian. Thí nghiệm hai khe hở đã chứng tỏ rõ ràng, vì bị quan sát nên sóng đã sụp đổ chức năng sóng và biến thành hạt electron, vậy các số đo của hạt electron là do người quan sát gán ghép vào, chứ trước khi bị quan sát, nó không có sẵn.

Các triết học gia TQ trong hơn 2000 năm nay, nghiên cứu về học thuyết của Huệ Thi và Công Tôn Long mà không có một trong các điều kiện đó, nên họ chỉ bàn luận một cách mơ hồ, quàng xiên, không tới nơi tới chốn, không hiểu được chính xác ly kiên bạch nghĩa là gì. Nó có nghĩa là tính cứng và tính trắng của cục đá không dính dáng tới cục đá, mà là do nhận thức của con người gán ghép vào.

Bây giờ chúng ta nghiên cứu tiếp Bạch Mã Luận của Công Tôn Long, nguyên tựa của tác giả là Bạch Mã Phi Mã, khả hồ ? 白馬非馬」,可乎?Ngựa trắng không phải ngựa, có thể không ?

曰:可。CTL (Công Tôn Long) : Có thể

曰:何哉?ĐP (Đối phương) : Tại sao có thể ?

曰:馬者,所以命形也;白者,所以命色也。命色者非名形也。故曰:「白馬非馬」。

CTL : Ngựa là khái niệm về hình tướng, trắng là khái niệm về màu sắc. Nói về màu sắc thì không nêu khái niệm về hình tướng. Vì vậy nói : “Ngựa trắng không phải là ngựa”.

曰:有馬不可謂無馬也。不可謂無馬者,非馬也?有白馬為有馬,白之,非馬何也?

ĐP : Có ngựa không thể nói là không ngựa. Không thể nói không ngựa, không phải là ngựa ư ? Có ngựa trắng là có ngựa, còn chỉ vì màu trắng mà nói không có ngựa được sao ?

曰:求馬,黃、黑馬皆可致;求白馬,黃、黑馬不可致。是白馬乃馬也,是所求一也。所求一者,白者不異馬也,所求不異,如黃、黑馬有可有不可,何也?可與不可,其相非明。如黃、黑馬一也,而可以應有馬,而不可以應有白馬,是白馬之非馬,審矣!

CTL : Cần ngựa thì ngựa vàng, đen đều đáp ứng được. Cần ngựa trắng thì ngựa vàng, đen không thể đáp ứng. Nếu nói ngựa trắng cũng là ngựa, là một yêu cầu vậy. Một yêu cầu, ngựa trắng cũng không khác ngựa, không khác với yêu cầu, như vậy thì ngựa vàng, ngựa đen có thể hay không thể đáp ứng, tại sao ? Nói có thể hay không thể là khi hình tướng không rõ. Còn như ngựa vàng, ngựa đen là một đáp ứng, nhưng chỉ đáp ứng được yêu cầu về ngựa mà không thể đáp ứng yêu cầu về ngựa trắng, vậy thì ngựa trắng không phải là ngựa, là đúng rồi !

曰:以馬之有色為非馬,天下非有無色之馬。天下無馬可乎?
ĐP : Lấy con ngựa có màu cho rằng không phải ngựa, thế thì trong thiên hạ không có con ngựa nào không có màu. Vậy thì trong thiên hạ không có ngựa sao ?
曰:馬固有色,故有白馬。使馬無色,有馬如已耳,安取白馬?故白馬非馬也。白馬者,馬與白也。黑與白,馬也?故曰白馬非馬業。
CTL : Ngựa ắt có màu, vì vậy có ngựa trắng. Làm cho ngựa không màu, thì là có ngựa vậy, sao lại lấy ngựa trắng ? Vì ngựa trắng không phải là ngựa vậy. Lấy ngựa trắng, là lấy ngựa và màu trắng. Màu đen và màu trắng là ngựa sao ? Vì vậy nói ngựa trắng không phải là ngựa vậy.
曰:馬未與白為馬,白未與馬為白。合馬與白,複名白馬。是相與以不相與為名,未可。故曰:白馬非馬未可。
ĐP : Ngựa chưa hề lấy màu trắng làm ngựa. Màu trắng chưa hề lấy ngựa làm màu trắng. Hợp ngựa và màu trắng lại, gọi chung là ngựa trắng. Đó là hình tướng và lấy cái không phải hình tướng làm tên gọi, chưa thể được. Vì vậy nói : Ngựa trắng không phải là ngựa là chưa thể được.
曰:以「有白馬為有馬」,謂有白馬為有黃馬,可乎?
CTL : Lấy “Có ngựa trắng làm có ngựa” gọi có ngựa trắng là có ngựa vàng, được chăng ?
曰:未可。
ĐP : Chưa được.
曰:以「有馬為異有黃馬」,是異黃馬與馬也;異黃馬與馬,是以黃為非馬。以黃馬為非馬,而以白馬為有馬,此飛者入池而棺槨異處,此天下之悖言辭也。
CTL : Lấy “Có ngựa là khác với có ngựa vàng” là sự khác nhau giữa ngựa vàng và ngựa vậy, đó là vì màu vàng không phải là ngựa. Cho rằng ngựa vàng không phải là ngựa mà nói ngựa trắng là có ngựa, đó là kẻ bay xuống ao mà khác chỗ với quan quách, đó là lời lẽ trái lý trong thiên hạ vậy.
以「有白馬不可謂無馬」者,離白之謂也;不離者有白馬不可謂有馬也。故所以為有馬者,獨以馬為有馬耳,非以白馬為有馬耳。故其為有馬也,不可以謂「白馬」也。
ĐP : Lấy “Có ngựa trắng không thể nói là không có ngựa” đó gọi là tách rời màu trắng; Không rời màu mà có ngựa trắng không thể nói là không có ngựa vậy. Vì vậy nói là có ngựa. Chỉ có lấy ngựa làm ngựa mà thôi, không phải lấy ngựa trắng làm có ngựa vậy. Vì vậy nói là có ngựa, không thể nói là “ngựa trắng” vậy.
以「白者不定所白」,忘之而可也。白馬者,言白定所白也,定所白者非白也。馬者,無去取於色,故黃、黑皆所以應;白馬者,有去取於色,黃、黑馬皆所以色去,故唯白馬獨可以應耳。無去者非有去也,故曰:「白馬非馬」。

CTL : “Màu trắng không nhất định là trắng”, có thể quên điều đó. Ngựa trắng, nói trắng là gán màu trắng cho nó, gán màu trắng không phải là trắng vậy. Ngựa, không lấy màu làm tiêu chuẩn chọn lựa, vì vậy vàng đen đều có thể đáp ứng. Ngựa trắng, lấy màu làm tiêu chuẩn chọn lựa, ngựa vàng, đen, đều vì màu mà bị loại, chỉ duy độc nhất ngựa trắng là đáp ứng thôi. Ngựa không bị loại không phải là ngựa bị loại, vì vậy nói “Ngựa trắng không phải là ngựa”.

Công Tôn Long chỉ dùng lý luận để cố chứng minh cho thuyết của mình thì thật là khó, không đủ thuyết phục, nên đương nhiên ông phải bị người đời cho là ngụy biện hoặc quỉ biện. Nhưng không phải vì vậy mà cho rằng thuyết của ông sai.

Phật pháp đã nói một cách dứt khoát hơn nữa, không phải chỉ có ngựa trắng không phải là ngựa mà bất cứ ngựa nào trên đời cũng đều không phải là ngựa, ngựa chỉ là tưởng tượng, là biểu kiến, là ảo, là thói quen tâm lý của con người gán ghép. Thanh Nguyên Duy Tín thiền sư nói :

吉州青原惟信禪師,上堂:「老僧三十年前未參禪時,見山是山,見水是水。及至後來,親見知識,有箇入處。見山不是山,見水不是水。而今得箇休歇處,依前見山祇是山,見水祇是水。大眾,這三般見解,是同是別?有人緇素得出,許汝親見老僧。

Thanh Nguyên Duy Tín thiền sư ở Cát Châu, thượng đường nói : “Lão tăng 30 năm trước lúc chưa tham thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Về sau, chính mình gặp thiện tri thức, vào được cảnh giới, thấy núi không phải là núi, thấy nước không phải là nước. Nhưng nay đã vào cảnh giới vô tư (thôi suy nghĩ) thì giống như trước, thấy núi chỉ là núi, nước chỉ là nước. Này mọi người, đó là 3 cách kiến giải, là đồng hay khác ? Nếu ai muốn truy cứu cho ra lẽ, thì tự mình đến gặp lão tăng.

Như vậy thuyết bạch mã phi mã của Công Tôn Long là thập thò ngưỡng cửa của giai đoạn 2 của thiền sư Duy Tín.

Sở dĩ núi không phải là núi, ngựa (bất cứ ngựa nào chứ không phải chỉ riêng ngựa trắng) không phải là ngựa, đó là vì núi hay ngựa chỉ là khái niệm trong đầu óc con người, một thứ tập quán nhận thức chứ không có thực thể. Ngày nay người ta biết rõ ngựa hay núi chỉ là lượng tử, là tưởng tượng chứ không phải chân lý. Việc núi hay ngựa (nói chung là vật chất) không có thực thể, khoa học thế kỷ 21 đã chứng minh rồi.

Universe 3 – Trường và Nguyên Lý Toàn Ảnh – Phụ đề Việt ngữ

Kết luận

Thuyết Đồng Dị là do Huệ Thi nêu lên, nói rằng thiên địa là nhất thể, tất cả vạn vật đều giống nhau, đó là đại đồng. Nhưng giữa vạn vật cũng có khác, vật này khác vật kia, ví dụ núi khác sông, con người khác con trâu, đó là tiểu dị. Giống như khoa học ngày nay nói toàn thể vũ trụ đều là lượng tử, cấu trúc bằng lượng tử, đó là đại đồng. Nhưng vạn vật cũng có chỗ khác nhau, đó là do cấu trúc nguyên tử khác nhau của mỗi loại nguyên tố, cấu trúc cơ thể khác nhau của các loài sinh vật, đó là tiểu dị. Những cấu trúc khác nhau đó cần phải có một chủ thể quan sát (có thể là một con người hoặc một thiết bị) thì mới nhận ra được, nếu không thì không thể biết được có sự khác nhau. Lượng tử chỉ là một hạt ảo, trừu tượng, nên nguyên tử cũng là trừu tượng, không phải là vật có thật, vì vậy nếu không có ai phân biệt thì một cấu trúc lượng tử như Mặt trăng chẳng hạn cũng không tồn tại. Các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý, đã chứng tỏ bằng thực nghiệm rằng khoảng cách không gian không có thật, thời gian không có thật, các vật thể như bức tường, thân thể của họ cũng chỉ là vật ảo, nên Trương Bảo Thắng có thể đi xuyên qua tường. Chính vì ta và người không khác nhau nhiều, cái khác nhau chỉ là tiểu dị, nên Huệ Thi chủ trương kiêm ái, Phiếm ái vạn vật, thiên địa nhất thể 泛愛萬物,天地一体也 (yêu khắp vạn vật không phân biệt, bởi vì trời đất cùng một thể) vì vậy ông chủ trương cùng sống hòa bình, dẹp bỏ chiến tranh.

Thuyết Kiên Bạch do Công Tôn Long đề xướng, nói rằng tính trắng và tính cứng của cục đá không dính dáng tới cục đá (ly kiên bạch), nghĩa là không phải cục đá vốn có các đặc tính đó, mà những tính chất đó là thói quen tâm lý của con người gán ghép cho cục đá. Thí nghiệm hai khe hở của khoa học hiện đại cũng minh chứng điều đó. Những số đo đặc trưng của hạt electron như khối lượng, điện tích, số spin chẳng hạn, không phải vốn có sẵn, mà là do người quan sát và thiết bị gán cho nó, nếu không có ai quan sát hoặc đo đạc, thì electron chỉ là sóng không phải hạt, và không có những đặc trưng đó. Trương Bảo Thắng đã nhiều lần chứng tỏ bằng thực nghiệm, anh ta có thể lấy các viên thuốc ra khỏi cái chai bằng thủy tinh trong khi nắp chai vẫn đóng chặt, điều đó chứng tỏ tính cứng của viên thuốc và vỏ chai là không có thật.

Để kết luận cho bài viết này, tôi ngờ rằng Huệ Thi và Công Tôn Long cũng như Zenon ở phương tây, phải có huệ nhãn mới nêu ra được những nhận thức phi thường như vậy. Giống như Thích Ca phải có lục thông, phải chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác, mới có thể xây dựng được tri kiến của Phật pháp. Nhưng Phật pháp phải dựa vào thế gian pháp, Huệ Thi hay Công Tôn Long đều phải dựa vào tri kiến của người đương thời để nói cho họ hiểu, nên rất là khó, bởi vì người bình thường không thể nào hiểu được cái gì vượt quá cảm giác thường nghiệm, thói quen suy nghĩ của họ.

Nhân loại phải chờ đợi 25 thế kỷ, cho đến khi vật lý lượng tử được thành lập, thì mới có khả năng hiểu được rõ ràng lý thuyết  của họ. Cho đến ngày nay, mặc dù tri kiến khoa học đã đạt đến mức rất tinh vi rồi, nhưng cũng vẫn có vô số người không thể hiểu được Phật pháp, không thể hiểu được Huệ Thi, Công Tôn Long hay Zenon bởi vì những lý thuyết đó quá xa lạ, trái ngược với cảm giác thường nghiệm của họ.

Truyền Bình

About Duy Lực Thiền

Tổ Sư Thiền do cố hòa thượng Thích Duy Lực hướng dẫn
Bài này đã được đăng trong Nhà sau. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

5 Responses to THUYẾT KIÊN BẠCH ĐỒNG DỊ CÓ Ý NGHĨA THẾ NÀO ?

  1. Hay quá! Thật bái phục! Tôi hiểu được một chút xíu những gì nói ở trên là nhờ đọc một cuốn sách trong đó có nói về vật lý lượng tử, loại sách phổ thông không dành cho chuyên môn nên rất dễ hiểu. Tôi thấy nó rất hay không phải vì khoa học lượng tử cao siêu, hay Phật Pháp hay cái thấy của người xưa vô cùng thâm sâu, mà nếu chúng ta hiểu được bản chất của nó, ứng dụng vào trong cuộc sống thì chúng ta sẽ thấy ngay hạnh phúc và cuộc sống còn có thể rất sung túc nữa.
    Xin cảm ơn tác giả.

  2. Thật cám ơn bác. Con người càng khôn lanh, càng cần những phương tiện cách phân tích như bác cung cấp để khiêm nhường, chịu ‘khuất phục’ để học Phật pháp. Cá nhân con, biết ơn không biết sao đền đáp. Thật là trời đất đảo lộn khi đọc những thông tin, bài viết của bác. Biết ơn bác lắm, có lẽ cách thiết thật nhất là tự giác giác tha.

  3. Trường nói:

    Cảm ơn ngài bài viết rất ý nghĩa ạ

Bình luận về bài viết này